NGUYỄN MINH PHÚC

  
        
 
Chiếc Đĩa Cổ Trong Phiên Chợ Tết
                                                            
                                                                       
              Tôi có thú vui duy nhất là chơi đồ cổ. Không thể diễn tả cái niềm đam mê cuồng nhiệt ấy trong một vài trang giấy. Hệt như người ta mê cải lương, mê bóng đá, mê các ngôi sao, mê sách vở … Nói tóm lại, đứng trước món đồ cổ nào càng xưa càng cũ là lòng tôi mềm nhũn xuống, tim đập liên hồi, mắt chớp liên tục, tay chân như cuống lên và điều cuối cùng là phải tìm cách mua cho bằng được món đồ ấy! Nghề bán đồ cổ đã cho tôi nhiều lần trúng đậm, dạy cho tôi nhiều bài học, lời lãi khá lớn nhưng cũng cho tôi nhiều vố xất bất xang bang, mua lầm đồ giả cổ, thiếu điều bán nhà trả nợ. Nhưng cái máu mê đồ cổ thì không gì dứt ra được. Hễ có ai giới thiệu món đồ nào thì dù ở đâu, khó nhọc cách mấy tôi cũng cất công tìm đến …
               Như  trưa nay trong phiên chợ Tết, khi tôi đang ngồi ngáp vặt vì hàng đang ế ẩm thì một ông già gầy gò, mặt xương xẩu, tóc lơ thơ búi thành chùm bạc trắng đâu như người miệt vườn đến gặp. Chẳng dông dài, úp mở, ông bảo nhà có món đồ cổ, là chiếc đĩa thời Khang Hy bên Tàu do ba ông để lại và mời tôi đến coi, định giá, phải thì bán không thôi. Đang rãnh việc và máu mê đồ cổ  nổi lên, tôi đóng cửa tiệm, đèo ông già về tận Vĩnh Châu, một xã nghèo giáp biên giới, cách chỗ tôi hàng chục cây số. Trên xe, tôi có ý dọ hỏi về món đồ nhưng ông già kín như bưng, không hé răng nửa lời, chỉ nói chuyện khi tôi tận mắt thấy và định giá. Tôi biết là đã gặp dân rành chơi đồ cổ.Vì dân sành sỏi trong nghề mới nói chuyện tiền nong chỉ khi nào món đồ được đưa ra trước mặt.
                Đó là một căn nhà rách nát,trống hoác từ ngoài vào trong. Không thấy  đồ đạc gì ngoài chiếc chỏng tre tơi tả và một thằng bé dơ bẩn nằm bất động trên đó. Chắc là nó bệnh nên thỉnh thoảng cất tiếng rên nho nhỏ. Tôi hình dung trên đoạn đường đi là sẽ gặp một ngôi nhà to lớn, sang trọng cầu kỳ vì đồ cổ giá trị thường chỉ ở những ngôi nhà nầy. Cho nên, khi chưa vào nhà, tôi đã thất vọng định lui xe vì nếu có coi cũng thêm rách việc. Hoặc đó chỉ là đồ giả cổ hoặc là đồ ba mớ, chẳng giá trị gì mà người bán còn gân cổ cãi chày cãi cối cứ cho đồ mình là thật!
                 Nhưng rồi tôi cũng bấm bụng bước qua cái ngạch cửa bằng liếp tre nhớp nhúa đầy sình đất để vào nhà. Từng đàn muỗi vo ve dưới chân tôi và cả ngôi nhà như bốc lên mùi khó chịu. Tôi cố nín nhưng cuối cùng chịu không nổi đành bỏ ra ngoài. Đập vào mắt tôi là hình hài một thằng bé chỉ còn da bọc lấy xương, nước mắt nước mũi ròng ròng cố giương cặp mắt đờ đẫn lên nhìn khách lạ. Tôi biết mùi khó chịu kia là do chỗ thằng bé phát ra. Chắc nó đã nằm liệt giường từ lâu, không ai chăm sóc, rửa ráy nên mới thế. Thật tội nghiệp! Nó mới chỉ đâu chừng mười lăm, mười sáu tuổi, gương mặt lại không đến nỗi nào …Nhưng thôi! Chuyện thiên hạ, dính vô làm gì. Tôi tự bảo vậy và ngồi ngoài hịên chờ ông già mang chiếc đĩa cổ ra.
                 Chỉ một lát, ông già xuất hiện với tấm vải choàng rách bươm bọc chiếc đĩa trên tay. Lật hết lớp nầy đến lớp khác, chắc là chiếc đĩa được cất kỹ lắm, nên khi lớp vải cuối cùng được giở ra thì trước mắt tôi là một ánh bạc trong suốt và làn vân rồng phụng màu xanh lục nổi lên sáng trưng đập vào mắt. Là người trong nghề, tôi lạ gì những chiếc đĩa cổ. Đúng là đồ thật, không thể khác được, không cần coi tôi cũng biết chính xác nó được làm từ thời Khang Hy! Anh sắc sáng trưng, nét vân lộng lẫy và nước men như ngọc phách tinh tuyền. Chính là nó, vật tôi đang tìm cho một người khách nước ngoài. Ông ta dặn đi dặn lại nếu tìm được chiếc đĩa, ông sẽ mua với bất cứ giá nào! Tôi sung sướng cố kìm tiếng kêu mừng rỡ chỉ chực phát ra. Dịp may đã đến trong dịp tết nầy.
                     Nhưng tội gì không ép giá khi mà người bán lại là một ông giàlẩm cẩm. Làm bộ lơ đãng săm soi, tôi cố nhìn và đánh giá người đối diện để xuất chiêu hơn là nhìn chiếc đĩa. Ông già coi bộ khù khờ nhưng không phải không biết gì. Máu con buôn của tôi nổi lên! Cứ theo lối dậm dừ, ngấm ngứ nghĩa là làm như thư thả, chẳng gì phải gấp gáp, vồ vập để người ta nghĩ mình không cần mua. Vừa lấy kiếng lúp soi các chữ tàu màu xanh tuyệt đẹp trên miệng đĩa, tôi hỏi thăm đủ chuyện trên đời cốt làm cho ông già mất phương hướng, không chủ ý tập trung. Kinh nghiệm mua bán mấy chục năm trời mách cho tôi biết hãy cứ làm cho người bán tin rằng mình không có ý dìm giá, thật lòng muốn mua rồi hẳn tính  sau. Hơn nữa, nếu mà không mua được giá cao, thì thế nào người bán cũng nhờ mình đi tìm chỗ khác kiếm hoa hồng. Đằng nào cũng lợi!
                   Trong khi tôi ngôi tính kế cao thấp tìm cách mua chiếc dĩa với giá nào rẻ nhất thì thằng bé trong nhà khẽ rên lên. Nó uốn cong người có vẻ đau đớn lắm. Đôi tay khẳng khiu hình như muốn đưa lên cao nhưng không được vì đã quá yếu sức. Cặp mắt nó trợn ngược, mất hết vẻ tinh anh, chỉ toàn tròng trắng. Tôi biết đã đến lúc cần tranh thủ lúc ông già luống cuống, khổ sở để định giá. Không ai có thể minh mẫn khi đối diện với những cơn bối rối sốt ruột dù rành giá cách mấy. Trăm lần như một tôi mua được giá hời nhờ những lúc khó khăn bất ngờ như thế của người bán.
                  Ông già trở ra sau khi cho thằng bé uống một loại nước gì như rễ cây ép xanh lè mà tôi cứ ngợ ngợ giống màu chiếc đĩa. Ngật ngưỡng một hồi, nó mới chịu nằm yên. Tôi quay mặt đi nơi khác vì  khó chịu quá, mùi nằng nặng từ người nó bốc lên không chịu nổi. Nếu không vì cái đĩa quý nầy cầm chân thì chắc hẳn có cho tiền tôi cũng không dám tới nơi đây.
                  Tôi đã tính đánh giá trước và định ra số tiền tôi muốn mua chiếc đĩa nhưng cứ phân vân, ngập ngừng. Phần tôi sợ ông già biết tôi bắt chẹt giá, phần khác tôi lo ông đã hỏi giá ai trước nên thôi, cứ để ông già lên tiếng. Chẳng mất đâu mà lo! Đằng nào chiếc dĩa nầy cũng là của tôi!
                   Săm soi chiếc đĩa một hồi, ông già mới nói, giọng tiếc nuối:
                - Đây là vật cuối cùng có giá của dòng họ nhà tôi! Ba tôi trước kia giàu có lắm nhưng sau đó khánh kiệt vì mê chơi đồ cổ và hút thuốc phiện. Trước khi mất, ông  chẳng để lại gì ngoài chiếc đĩa nầy dặn là đồ gia bảo, khi nào cấp thiết lắm mới bán. Đến khi tôi lấy vợ, có con rồi có cháu, chiếc đĩa vẫn ở đây, mặc dù nhiều lúc nhà không còn hột gạo. Thằng bé nằm trên giường mà cậu thấy là thằng cháu nội duy nhất còn ở với tôi. Ba mẹ nó đã mất trong một tai nạn xe cộ. Đến lúc ngặt nghèo nhất, tôi cũng cố giữ chiếc đĩa nầy … Nhưng bây giờ, nó bệnh nặng quá …
   Tôi biết đã đến lúc thần tài lên tiếng với mình. Con người ai cũng có số! Cái đĩa quý nầy là của tôi, dù nó đã được định bán cách đây khá lâu. Tôi nhẩm tính trong đầu món lời khổng lồ nếu tôi mua được nó. Và thể hiện ngay điều đó bằng lời nói nhỏ nhẹ pha chút an ủi cảm thông:
                 -Tội nghiệp cho cháu! Thôi gì cũng không bằng mạng người, huống chi đây là cháu nội duy nhất của ông, lại mồ côi mồ cút! Tôi nghĩ, cứu cháu đi rồi hẳn hay! Biết đâu mai nầy cháu khoẻ mạnh lại chẳng làm ra tiền nuôi ông và sắm lại được những thứ còn quý giá hơn …
                 Có người cảm thông, chia xẻ với nỗi bất hạnh của mình, gương mặt ông già như bừng sáng hẳn lên. Ông nhìn tôi một hồi ,không nói tôi cũng hiểu là ông cần bán chiếc dĩa với giá cao nhất có thể. Và không đợi lâu như dự đoán của tôi, ông lên tiếng:
                 -Thú thật với cậu, tôi không rành giá trị của cái đĩa nên mời cậu về đây coi thử, được giá tôi mới bán. Nếu như không có thằng cháu bệnh nặng thế nầy, ai kêu giá bao nhiêu tôi cũng từ chối … Bây giờ cậu tính sao ?
   Thật tình, đến lúc nầy, tôi mới thấy ngại. Chút lương tâm còn sót lại của tôi lên tiếng là tôi nên mua cho ông một giá cao, đúng với trị giá thật sự  của chiếc đĩa để cụ lấy tiền trị bệnh cho thằng cháu. Nhưng cái máu con buôn lạnh lùng thì không bảo tôi như vậy … Đứng trước một món hời thế nầy mà không tìm cách kiếm lời nhiều thì hoạ có mà điên. Hơn nữa, tôi cũng cần tiền cho gia đình tôi … Tôi cũng có đứa con trạc tuổi thằng bé nầy. Nó đang đòi tôi mua cho nó bằng được chiếc xe gắn máy trong những ngày tết sắp tới…
   Tôi lưỡng lự mãi nhưng cuối cùng cái máu nghề đã thắng. Là dân mua bán, khó ai dại dột không ép giá trong trường hợp nầy. Hơn nữa, như ông già nói, ông không rành về giá của chiếc đĩa cổ. Tôi lấy kiếng soi kỹ một lần nữa. Không một vết trầy sướt, không một lỗi sơ xuất dù nhỏ trong cái bảo vật thời Khang Hy kia … Khá cho đôi tay, con mắt tinh đời của người thợ xưa và cả người chơi đồ cổ! Một vết trầy hay một lỗi rất nhỏ thôi trên chiếc dĩa quý sẽ làm giảm giá trị rất nhiều. Nhưng phải nói với ông cụ bằng lời khác, bằng kiểu khác, kiểu của những con buôn ép giá. Phải tìm cách nào đó, sơ xuất nào đó để chê bai và nếu có thể, làm bộ dứt khoát không mua chiếc đĩa dù đã một vốn bốn lời.
                 -Thế nầy! Sau một hồi suy nghĩ, tôi nói với ông già. Như ông biết đây là chiếc đĩa quý và chẳng đăng đừng mới bán nó. Tôi sẽ mua nó nhưng sau khi xem kỹ, tôi thấy …
                 Ông già tỏ vẻ thất vọng, mặt buồn xo:
-   Vậy là cậu … cậu …không mua . Thú thật với cậu, tôi đang cần tiền chữa chạy cho thằng cháu … Rất cần …
  Con mồi đã vào bẫy! Chỉ chờ thế, tôi làm bộ suy nghĩ hồi lâu và đánh sập:
- Thấy hoàn cảnh ông cũng tội nghiệp, chiếc dĩa nầy tuy là thật đời Khang Hy nhưng có nhiều chỗ phồng dộp, lại vì để lâu ngày không biết cách lau chùi nên  có mấy chỗ hoen màu. Ông coi không thấy đâu, chỉ dùng kính lúp như tôi mới nhận ra. Cảm thông với sự khó khăn của ông, tôi mua nhưng với giá không lời. Chỉ là mua giúp ông trong lúc ngặt nghèo. Không biết rồi tôi có bán lại cho ai được không?
     Tôi đọc thấy trong mắt ông già sự biết ơn chân thành và nỗi vui mừng ra mặt. Lương tâm tôi chợt trỗi dậy, nặng nề và bức xúc. Thằng bé bệnh nặng nằm trên giường, con tôi, thuốc chữa bệnh, chiếc xe gắn máy … Những hình ảnh lướt qua lần lượt  trong đầu làm tôi suy tính. Cả những đồng tiền nhảy múa trước mắt tôi …Chiếc đĩa nầy giá không dưới mười triệu …
    Tôi nói như không phải là mình, tiếng lạc cả đi:
-   Bốn triệu … Đó là giá mà tôi làm ơn mua cho cụ … Không thể cao hơn được nữa …
                    Như đặt cả niềm tin vào tôi, ông già ráng kèo nèo thêm ít tiền để chạy chữa cho thằng cháu nhưng tôi nhất định không chịu. Cái kỹ thuật cứng rắn, bắt chẹt và doạ bỏ về, không cần mua hàng của tôi hình như cũng có tác dụng. Cuối cùng ông già đồng ý với cái giá tôi đưa ra. Có lẽ trong đời, chưa bao giờ ông có được một số tiền lớn như thế. Run run cuộn lại tấm vải bó chiếc đĩa, ông nhìn tôi, khẩn khoản:
                  -Bây giờ chiếc đĩa đã là của cậu! Nhưng trước khi cậu mang đi, cho phép tôi được tạ lỗi với vong linh cha tôi vì đã không giữ được nó như lời trăn trối.
   Ông già thành kính đặt chiếc đĩa lên giường, cạnh thằng cháu đang bệnh. Tôi thầm nghe ông khấn câu được câu mất rằng phải bán chiếc đĩa nầy để cứu cháu bé lòng ông cũng ân hận lắm, mong tiền nhân thứ lỗi vì không giữ được như ước nguyện …Rồi ông chậm rãi mở chiếc bọc,nhìn trân trối vào chiếc dĩa xanh lục kia như nói lời vĩnh biệt. Tôi thấy đôi mắt mờ đục của ông ngân ngấn nước. Lòng tôi cũng rối bời. Thật tình, đến nước nầy, tôi cứ mong trong đời tôi không có buổi mua bán nào như thế nữa ….
                                           oOo
 
…Câu chuyện có lẽ cũng qua đi như những chuyện mua bán hàng ngày của tôi về các món đồ cổ không có giá nào là chuẩn, chỉ tuỳ thuộc  vào sở thích và giá trị lâu đời của nó đối với người mua. Sau chuyện mua được cái đĩa màu xanh lục thời Khang Hy với giá hời, tôi đã sắm cho cậu con trai chiếc xe gắn máy chơi tết. Rồi như phát vận từ chiếc đĩa may mắn nầy, nghề của tôi phất lên như diều gặp gió. Trở nên giàu có trong giới săn lùng đồ cổ, tôi giờ đã thành một người tăm tiếng, tiền bạc rủng rỉnh và nói theo ngôn ngữ của giới mua bán, tôi là một đại gia tầm cỡ …
    Sáng nay, tôi đang ngồi uống cà phê trong nhà hàng thì một ông già chống gậy xin ăn tiến vào chỗ mình. Nhìn cái dáng gầy gò, gương mặt xương xương với mái tóc lơ thơ bạc trắng cột thành chùm, tôi đâm ngờ ngợ, hình như đã gặp ở đâu. Lục lại trí nhớ mình, tôi ngớ người ra! Thôi đúng rồi! Đúng là ông già bán chiếc đĩa thời Khang Hy màu xanh lục năm trước. Mới chỉ có một năm mà ông như già sọm đi, chân nhấc từng bước khó nhọc với cây gậy mò mẵm dò đường. Chiếc áo ông mặc đã rách bươm, trơ ra bờ vai nhăn nheo, gầy guộc. Ông lại gần, nghe tôi nhắc rất lâu mới nhớ ra đã có lần đưa tôi về nhà mua chiếc đĩa và run run trả lời khi tôi hỏi thăm thằng cháu với những giọt nước mắt đùng đục chảy ra từ trong hốc mắt sâu hoắm :
                     -Thằng cháu tôi mất rồi! Thuốc men chỉ cầm cự được vài tháng là hết tiền. Bác sĩ  nói nếu có thêm vài triệu nữa đưa vào giải phẩu, may ra nó mới sống được. Nhưng cậu tính tiền đâu nữa. Chiếc đĩa là vật có giá cuối cùng tôi cũng bán mất rồi …Thật tình tôi cũng mang ơn cậu vì hồi đó cậu mua cái dĩa giúp tôi với giá cao, không lời lóm gì …
                      Tôi nghe mà chết điếng người, ngụm cà phê bỗng đắng ngắt trên môi. Hoá ra, tôi đã chèn giá hết sức nhẫn tâm trong vụ mua chiếc đĩa cổ, tôi lại được người khác mang ơn trong khi tôi chính là thằng lưu manh, độc ác, đáng bị phỉ nhổ. Nếu như người mua hôm ấy không phải là tôi … Nếu như tôi có lòng giúp cho thằng bé đủ tiền chạy chữa, mà cũng không cần có tấm lòng, nếu như tôi mua đúng giá trị mà chiếc đĩa vốn có, nếu như … …
                       Tôi nhìn bóng ông cụ khuất dần ở phía bên kia đường với dáng đi xiêu vẹo mà bất giác rùng mình, sợ hãi cả chính tôi. Treo trên đầu tôi bây giờ là hình ảnh thằng bé nằm thoi thóp với chiếc đĩa thời Khang Hy màu xanh lục bọc trong những tấm vải rách nát ố vàng …
 
 
 Đứa Con Trên Cát
                                                                               
                     Chìm trong sương là những mái nhà lè tè thấp bao quanh làng ven biển. Mỗi sáng sớm, sương giăng dày đến nỗi chỉ thấy thấp thoáng những pha đèn vàng vọt toả ra thứ ánh sáng lạnh buốt như ma trơi trên các thuyền đánh cá từ biển dội vào. Ngân choàng dậy khi tiếng gió thổi về thưa dần và tiếng sóng như vỗ nhẹ hơn vang xa ở phía bờ cát. Bên cạnh, chồng chị vẫn còn đang say ngủ, ngực nở phập phồng, đầu ghếch lên cánh tay trần rám nắng, mặn chát mùi nước biển, nở nụ cười mãn nguyện thoáng trên đôi mắt nhắm nghiền. Chồng chị, Thuấn, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ. Sau chuyến ra khơi dài ngày, cả tháng anh mới về nhà một lần và mỗi lần như thế là mang theo cái hương vị nắng gió mặn mòi ập vào người chị những con sóng khát khao, mặn điếng.                   
                 Ngân về làm vợ Thuấn đã vài năm nay. Không hiểu sao họ vẫn chưa có con. Thuấn đi biển suốt cùng những chuyến tàu cá kéo dài. Gần nhau, họ vồ vập yêu, vồ vập sống như thể sắp chết đói chết khát đến nơi. Ngân yêu chồng và cái mùi đàn ông nắng gió khét lẹt, mặn mòi của anh mang về từ biển. Ước mong có đứa con cứ làm chị ngây ngất, thèm thuồng và thường nằm mơ thấy nó những lúc xa chồng trong những đêm biển động, trong tiếng sóng vỗ ầm ào vang lên từ bờ cát. Nhưng trời lại không chìu mơ ước ấy của chị. Gian nhà tuềnh toàng trống hoác sau những chuyến đánh cá rộ lên ra khơi vào tháng nồm oi bức và cả lúc từng cơn gió chướng thổi về ầm ào, thuyền nằm ken dày ngoài bãi đợi chuyến. Thuấn đi suốt trên những chuyến tàu nặng mùi nước biển mặn chát và ngai ngái mùi cá khô ngoài boong, bỏ lại người đàn bà với nỗi cô đơn lạnh buốt hàng đêm.
                 Điều gì Ngân cũng chấp nhận được khi sống với chồng, nhưng riêng Thuấn, hình như anh tỏ ra không tha thiết, mặn nồng cùng chị khi sống với nhau đã lâu mà không sinh cho anh đứa con nào. Nỗi khao khát đứa con như chiếm hết tâm trí nhưng càng lúc anh càng thất vọng. Những chuyến đi biển dài ngày hơn, lặng lẽ hơn và anh không dấu nỗi thất vọng đó bằng những bửa cơm buồn bã chỉ có hai người quạnh quẽ, bằng những lần yêu thương vợ miễn cưỡng, chán chường. Không còn niềm đam mê, vồ vập, không khao khát, hiến dâng và anh thường kết thúc cuộc làm tình bằng tiếng thở dài khe khẽ. Ngân biết rõ nỗi buồn từ anh nhưng quả thật là chị đành chịu. Chị cũng hằng ước được sinh cho chồng một đứa con và sống yên phận với hoàn cảnh mình nhưng rồi điều mọi người đàn bà làm được dễ dàng còn chị thì không. Nhiều năm sống trong nỗi ao ước không thành trong lúc tuổi ngày càng lớn, niềm hy vọng của chị cạn dần theo ngày tháng mà không biết do ai.
                      Chiều chiều, khi Thuấn còn lênh đênh trên các chuyến tàu đánh cá ngoài khơi xa, Ngân thường một mình đi dọc theo bờ biển. Những con sóng ùa đến như quấn vào chân chị và từ xa, từng cơn gió lồng lộng thổi về mang theo vị mặn ngan ngát đẫm trên môi. Gió mơn man đôi cánh tay để trần, lan xuống bờ ngực mẩy và luồn sâu vào áo lót làm chị ngột ngạt trong cơn thèm muốn đàn bà. Chị thơ thẩn đi, đảo mắt nhìn ra khơi xa và thầm ước sao Thuấn có ngay bên cạnh mình trong lúc nầy. Anh sẽ bế chị lên, ôm chị thật chặt và dúi gương mặt râu ria tua tủa lâu ngày không cạo vào tay chị, vào môi vào ngực chị, luồn sâu tay phía dưới làn áo mỏng. Nhưng chỉ những đợt sóng cuống quít dưới chân trả lời. Và gió. Gió thổi buốt vào tâm hồn người đàn bà khao khát yêu thương. Ôi , một đứa con, chị chỉ cần một đứa con mà sao xa vời thế. Chị muốn có con rồi ra sao cũng được. Hạnh phúc của người đàn bà tội nghiệp vẫn như một chiếc bóng lẩn khuất đâu đó mãi không chịu hiện ra. Cũng có đôi lần chị mừng hụt vì tưởng mình đã mang thai. Nhưng thật ra không có gì cả. Cái chu kỳ mà chị không mong đợi chút nào xảy ra hàng tháng đối với người phụ nữ bình thường lại cứ tiếp diễn đều đặn trong chị, đến nỗi chị ngột ngạt lo sợ và ghét cay ghét đắng.                      
                                                            ***
                      Căn chòi dựng vội trên bờ biển đâu chừng gần tháng nay. Một người đàn ông từ miền ngoài phiêu dạt vào đây trú ngụ. Vợ ông nghe đâu đã bỏ ông mà đi với người chồng khác. Ông sống với đứa con gái nhỏ chừng mười tuổi đen nhẻm, gầy quắt như cây tăm nhang nhưng bù lại có đôi mắt sáng thông minh đen láy. Buổi sáng, ông ra bãi kiếm vài con cá nhỏ người ta vất đi, mua xị rượu ở quán gần đó và ngồi uống, mắt nhìn mông ra biển không biết tìm gì ở đó. Khoảng chưa đầy năm chục tuổi nhưng trông ông già sọm, lơ thơ trên miệng là hàm râu mỏng lâu ngày không cạo, lởm chởm những cọng đã bạc. Lầm lũi như chiếc bóng, họa hoằn lắm người ta mới thấy ông đi vào làng, lúc mua vài bịch thuốc lúc ít dầu lửa hoặc vài ba thứ cần dùng hàng ngày đựng trong chiếc giỏ sờn rách. Dáng ông lầm lũi bước xiêu vẹo với đôi chân lệch về một bên như người bị dị tật. Cũng chẳng ai quan tâm đến ông và đứa con gái nhỏ ngoài những người đàn bà nhiều chuyện, rỗi việc, có chồng đi biển cả tháng mới về trong ngôi làng heo hút ven biển. Không biết nghe từ đâu họ đồn rằng ông bị vợ bỏ sau khi gãy chân vì tìm vàng trên núi và từ đó cùng đứa con gái mất mẹ sống quặt quà quặt quẹo, tứ cố vô thân lưu lạc đến đây. Đứa con gái lại bị bệnh gì đó sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Chuyện của những người đàn bà thì tam sao thất bổn nhưng có lẽ họ đúng phần nào. Ít ai thấy người đàn ông và đứa con gái tội nghiệp xuất hiện. Họ sống như những chiếc bóng. Duy chỉ có một lần, người ta thấy ông cõng đứa bé đi về phía trạm xá vì nó sốt dữ quá. Rồi cũng không biết từ đâu, hình như lời của các y tá trong trạm kể lại là đứa bé gái đang bị ung thư gan giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa .
                     Ngân nghe kể chuyện về đứa bé bất hạnh trong lúc lang thang ra biển với tâm trạng mong đợi lạ lùng là sẽ gặp cháu, không hiểu vì sao. Có lẽ cái bản năng khao khát được làm mẹ trĩu nặng trong tâm trí và chị muốn nhìn thấy đứa bé, hoặc có thể sẽ ôm hôn được nó , nói một vài câu an ủi nào đó cho nó đỡ buồn. Điều ấy chắc sẽ làm chị nhẹ lòng hơn. Cái cảm giác được chạm vào đứa bé sao bình yên, hạnh phúc mà người muộn con như chị mới cảm thấy cần thiết và êm ái chừng nào. Chị thoăn thoắt bước ra biển rồi mon men đến gần chỗ túp lều của hai cha con đứa bé với tâm hồn thao thiết như vậy.
                      Biển một màu tím sẩm và từ xa trông giống dãi lụa đỏ khi những đụn cát như được nhuộm tràn lớp nhủ vàng óng dưới trời chiều. Gió thổi phóng khoáng, bàng bạc mang theo không khí khoáng đạt và êm ả của những con sóng vỗ đều vào bãi. Rất dịu êm, những làn gió hất bồng mái tóc chị, xô tung vạt áo chị đang mặc làm lộ hẳn khoảng da thịt dưới lườn eo, trắng muốt và gợi cảm. Chị như chạy trên bãi cát, mái tóc rối, hai bầu vú nhô hẳn ra khi chiếc áo đang mặc bị gió xô sát vào da thịt. Càng đến gần túp lều, chị mới ngớ ra rằng việc đến thăm hai cha con như thế nầy thì đường đột và bất lịch sự quá. Hay là để một dịp khác, khi có Thuấn, chồng chị cùng đi thì có lẽ tốt hơn. Nghĩ vậy nên chị quay gót, định ra về, bỏ ý định gặp đứa bé.
                Khi chị vừa men theo bãi cát đi một quãng và ngồi xuống nghỉ mệt bên hàng dương mới trồng thì bất ngờ, đứa bé xuất hiện trước mặt. Nó như ngoi lên từ biển với mái tóc ướt sũng, bộ quần áo màu cà dính sát vào thân hình ốm nhom, gầy guộc, giơ rõ cả mấy chiếc xương sườn phập phồng theo hơi thở. Đứa bé săm soi chị từ đầu đến chân, mở to đôi mắt đen láy ngỡ ngàng và sợ hãi nhìn chị. Có lẽ nó ít được gần người lạ , mà lại là một phụ nữ mái tóc rối tung, quần áo xộc xệch trước bãi cát hoang vắng. Vẻ mặt nó e dè, cảnh giác, đi từng bước giật lùi, nhìn theo hướng mái lều để tìm sự bình yên từ cha nó.
                     Chị cố làm cho nó yên tâm bằng cách vuốt lại mái tóc, chỉnh trang lại bộ quần áo và nhìn nó, mĩm cười thân thiện. Không hiểu sao, chị xúc động khôn tả, tim đập rộn rã và chị muốn chạy ngay lại đứa bé mà bế nó lên, hôn cuồng nhiệt vào mặt, vào má nó. Cái mãnh lực muốn làm mẹ sôi sục, nổi dậy thật mãnh liệt trong chị và chị biết, nếu không làm nó sợ hãi trong lúc nầy, may ra, chị mới có thể làm quen với nó.
                    Đứa bé đứng lại  sau một hồi lâu đi lùi dần về sau, ghếch mắt nhìn chăm chú vào chị và cảm thấy không có gì đáng sợ nên nhoẻn miệng cười. Chính nụ cười bất ngờ ấy làm chị xúc động khôn tả, dang rộng hai tay về phía trước như muốn nói với nó hãy đến với chị. Chút do dự bừng lên trong đôi mắt mở to ngạc nhiên nhưng chỉ một lát, như một mãnh lực thầm kín mời gọi, đứa bé chợt chạy nhanh về phía chị, đột ngột ôm bờ vai người đàn bà xa lạ mà nó chưa hề quen biết, gục đầu vào đó.
                   Sau nầy, khi đã quen thân với cháu, chị cũng không thể diển tả tâm trạng kỳ lạ của mình lúc ấy. Cháu tên Gái, ba nó thường kêu bằng cái tên ấy. Thường mỗi chiều, không biết ai bày cách, để hạ bớt cơn sốt kéo đến, Gái thường ra biển ngâm mình dưới nước. Chịu đựng nhúng mình dưới làn nước lạnh buốt và mặn chát nhưng không còn cách nào khác vì nếu cứ nằm chịu trận trong túp lều trống hoác kia, không biết bao giờ mới gượng dậy nổi. Buổi chiều gặp chị đầu tiên trên bãi cũng là lần Gái đang ngụp lặn dưới dòng nước trồi lên, đôi môi thâm tím vì lạnh. Những câu chuyện rời rạc, chấp vá của Gái kể làm chị nhiều đêm trằn trọc băn khoăn, khó ngủ.
           -Mẹ cháu bỏ ba cháu theo người khác khi cháu mới ba tuổi kể từ sau lần ba cháu bị cây ngã đè làm hỏng một bên chân. Chuyện của người lớn, cháu không biết vì sao mẹ cháu lại bỏ đi, mà lại bỏ cả cháu nữa, Gái thổn thức trong vòng tay chị. Nhà cháu nghèo, nghèo lắm. Hai cha con không biết phải làm gì để sống nên lưu lạc về đây. Cô hỏi về bệnh của cháu à? Không hiểu sao chiều nào cháu cũng lên cơn sốt, ăn uống khó khăn và ban đêm, ngực đau rát không chịu nổi. Đi bệnh xá, người ta cứ nhìn cháu lắc đầu. Tại sao vậy cô? Bộ cháu bệnh nặng lắm hả? Hay người ta biết cháu nghèo nên không chịu chữa cho cháu?
           Ngân nghe mà ứa nước mắt. Giá như Gái là con chị. Giá như chị sinh nở được cho Thuấn một đứa con thì hạnh phúc biết chừng nào, chị đâu mơ ước gì nữa, đâu bị Thuấn xa lánh, hất hủi. Không tin định mệnh nhưng hình như nó đang giáng vào chị những vết roi sắc ngọt, đau buốt. Chắc không hiểu tâm trạng đau buồn lúc nầy của chị, Gái thẽ thọt:
         - Còn cô? Con cô chắc cũng lớn như cháu? Sao cô không dẫn nó đi dạo biển. Ba cháu lâu lâu cũng thường cõng cháu quanh bãi cát! Mà đi với ba chán lắm! Ba bước chậm rì à! Cháu muốn đùa giỡn, chạy trốn với ba nhưng không được. Cái chân ba cháu ...
           Gái bỏ lửng câu nói và đưa mắt nhìn ra biển xa. Những con sóng bạc đầu gối nhau làm tung lên làn bọt trắng xóa, từ mãi ngoài xa chạy dần vào và đánh ùm lên bờ cát. Đời mình sao giống những con sóng bạc đầu kia. Loay hoay mãi cũng không thoát niềm đau dai dẳng của kiếp người. Trước sau gì rồi cũng đánh ùm một cái, trắng tay.
                                                            ***
               Ngân thường đến thăm bé Gái ở túp lều ven biển từ sau buổi gặp hôm nọ. Lúc thì chị mang vài bộ quần áo sặc sỡ mua ở chợ, lúc mấy thứ đồ chơi rẻ tiền bằng nhựa hoặc vài viên đá có hình ngồ ngộ nhặt được ở đâu đó. Tự nhiên, chị cảm thấy gắn bó với cháu bé gầy quắt tội nghiệp kia mà không biết vì sao. Có điều gì cứ làm chị băn khoăn lo sợ khi vài ba ngày không gặp được cháu. Bé Gái cũng muốn gặp chị. Cứ chiều chiều, nó lại dõi mắt đón đợi bóng dáng người phụ nữ có mái tóc rối bời vì gió, mặc áo tay trần từ xóm chài bước ra.
              Thuấn lâu lắm vẫn không về. Những chuyến biển mang anh đi biền biệt như những con sóng. Nhưng Ngân biết điều sâu xa hơn khiến anh không còn tha thiết gắn bó với căn nhà tuềnh toàng ven xóm chài nầy. Ngân không còn là niềm mong đợi trở về của anh từ những chuyến đi xa hoặc có thể , anh không còn yêu chị nữa. Người đàn ông có làn da sạm đen, bờ vai trần rám nắng và cái mùi vị mằn mặn ngan ngát từ lồng ngực vạm vỡ nhiều đêm ám ảnh, làm người chị run lên bần bật. Cơn thèm muốn gào thét, đầy ấp ứ dâng như nước triều âm ỉ, sôi sục, chỉ chịu lắng xuống khi trời gần sáng.
                Chị vẫn thường gặp người đàn ông, ba của Gái, trong căn lều ngoài bãi thường ghé mỗi chiều. Người đàn ông có đôi mắt buồn, hàm râu tua tủa và một chân bị teo, cử động khó khăn, di chuyển khó nhọc bằng chiếc gậy đã lên nước bóng. Anh ta không nói gì, chỉ lặng lẽ đưa cặp mắt buồn bã cố dấu trên nụ cười gượng gạo nhìn Ngân và đứa con mình rồi chặp lâu buông tiếng thở dài. Họa hoằn lắm anh mới thốt lên câu nói nghèn nghẹn, bị chặn lại giữa tiếng ho khan đứt quãng:
                - Cảm ơn cô ...đã đến đây chơi với Gái. Thật lâu lắm, cháu mới được ...gần gũi với một người phụ nữ. Cô chắc biết ...mẹ nó đã bỏ tôi mà đi! Mười năm rồi. Tôi cứ nghĩ là ...sẽ không còn ai quan tâm đến cha con tôi. May mà còn có cô! Tối nào bé cũng kể cho tôi nghe... về cô. Nó thương cô lắm. Nó ước gì được... cô ôm nó trong tay, hôn hít nó, vuốt ve nó. Tội nghiệp con bé! Chắc năm sau ...nó đi ... Tôi vẫn giấu nó về căn bệnh quái ác đang mang trong mình cháu. Không cứu được ... mọi người đều nói thế!
                Ngân rơi nước mắt từ lời tâm sự bi thiết và đau thương của người đàn ông không quen biết. Mạng sống con bé chỉ còn tính từng ngày. Nó có ao ước điều gì cao xa đâu. Những chiếc hôn trên mặt, vòng tay ôm, những lời âu yếm ... Chị có thể cho nó mà, điều ấy đâu gì khó khăn không làm được. Nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, chị chỉ muốn thốt lên câu nói tự đáy lòng mình chứ không phải từ lòng thương hại.
                Con bé từ bãi cát chạy về, trên tay cầm những chiếc vỏ sò sáng trắng mà chắc nó nhặt được trong những ghềnh đá lúc nước triều rút xuống. Đôi mắt nó mở to bừng sáng khi thấy chị. Chợt nó khựng lại, đăm đắm nhìn vào mắt Ngân, hỏi dồn:
               - Sao cô khóc! Hay ba cháu đã làm điều gì cô buồn?
- Không, không có! Ngân vội vã lau đôi mắt đẫm nước. Chắc là cát bay vào mắt cô thôi mà! Chiều nay nhiều gió quá!
                  Bé Gái nhí nhảnh giơ cao nắm vỏ sò trong bàn tay khẳng khiu , dư dứ trước mặt chị:
                  - Con tặng cô đó! Biết thế nào cô cũng đến thăm nên con không thèm ngủ, ra biển từ trưa để tìm. Nào cô xem! Có đẹp không?
                Ngân nhìn đám vỏ sò lao xao từ tay cô bé. Những ánh vỏ trắng toát, sáng bừng lên trên trời chiều hệt như đôi mắt đang chăm chăm nhìn vào chị chờ câu trả lời.
                   - Đẹp, đẹp lắm! Cô cảm ơn cháu! Cháu giỏi quá! Thế nào cô cũng mang về nhà và chưng ở nơi đẹp nhất trong phòng cô ...
Như cùng một lúc, chị và Gái chạy ùa lại với nhau. Chị ôm chặt bé, đưa tay vuốt mái tóc khét nắng và hôn thật lâu vào trán, vào đôi má gầy hóp của nó. Mùi mồ hôi và nước biển hắt lên mằn mặn, nực nồng trên mũi chị. Sao chị lại yêu mùi vị nầy đến thế. Như cái mùi nồng nàn, mặn chát của da thịt Thuấn trong những lần ân ái. Những giọt nước mắt lại ùa ra và chị cứ úp khuôn mặt mình vào bờ vai Gái, rưng rức khóc .
                                                         ***
                ...Thuấn nhắn lại với đám bạn chài là anh sẽ không về xóm biển nữa. Sau chuyến biển cuối cùng, anh bán tàu, bỏ đi đâu không biết. Đó là những thông tin duy nhất mà chị nhận được về anh cách đây gần một năm. Và từ đó anh biệt tăm, chị không còn tin tức gì khác. Chị cũng đã dọ hỏi nhiều nơi nhưng không ai biết anh đang ở đâu. Có người nói gặp anh ngoài thị xã, dắt trong tay một người phụ nữ và đứa bé trai vào quán ăn, mặt mày tươi tỉnh, hạnh phúc. Chị cầu mong anh toại nguyện ước mơ của mình. Còn chị. Định mệnh đã chọn thế, không cưỡng lại được, người đàn bà vô sinh, không bao giờ có thể cho anh đứa con mà cả hai mong ước.
                 Những buổi chiều cuối cùng của Gái, chị ở hẳn với cháu trong túp lều trên bãi biển. Có lẽ đến lúc nầy, Gái đã biết bệnh nó đến hồi kết thúc. Những cơn đau đến nhiều hơn, vật vả hơn, kéo dài triền miên. Nhiều lúc cháu hôn mê đến không biết gì nhưng hai cánh tay khẳng khiu, nóng hổi vẫn bám chặt lấy bờ vai chị như cố tìm làn hơi ấm áp từ người chị tỏa ra. Chị ôm chặt bé như chỉ sợ cháu biến đi trong lúc nó quằn người xuống trong cơn mê sảng, hai hàm răng nghiến chặt cất lên tiếng gọi thê thiết: Mẹ ơi, đừng bỏ con nghe mẹ ...
               Ba nó, người đàn ông què chân im lặng nhìn hai người đang ôm chặt nhau, lặng lẽ như pho tượng. Ông bước xuống đất trên đôi chân không còn lành lặn  đến gần bên chị , thổn thức:
             - Chị ơi! Hãy nói với nó câu hàng đêm ...cháu ao ước được nghe, có lẽ nó sẽ thanh thản mà nhắm mắt ...Chị ...chị làm ơn ...
             Ngân nghe trỗi dậy rất rõ từ lồng ngực mình thổn thức một làn hơi rất nhỏ, mảnh sắc và cứa rất sâu trong lời nói thều thào cất lên đủ cho đứa bé nghe hòa lẫn với tiếng sóng ầm ào dội vào từ biển:
             - Con ơi ....
  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Minh Phúc