NGUYỄN NGỌC DANH
SÔNG DINH
SÔNG DINH
Một buồi chiều khá nóng vào cuối Xuân (tháng Năm). Gió từ Thái Bình Dương thổi len lỏi qua con sông Sacramento mở rông chảy qua Rio Vista.Antioch cuồi cùng chảy vào vịnh Bay Area (San Francisco) ra tới Thái Bình Dương tạo thành một vùng đồng bằng rông lớn Delta Joquin. Đây chính là nơi cung cấp cây trái nhiều nhất cho California và cả nước Mỹ : Nho (khô, tươi và làm rượu), lê, hạnh đào (cherry), hạnh nhân( ormond) mận, đào. cà chua, bắp , rau v..v…Những cơn gió mát từ vịnh San Francisco đem cái khí mát mẻ, nhẹ nhàng cho thung lũng Sacramento và vùng Delta vào mỗi chiều. Vùng thung lũng Sacramneto California khí hậu chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm từ 15 độ tới 25 độ F. Như hôm nay lúc 4 PM là 34 độ C –Ban đêm từ 10PM tới sáng xuống 16 độ C . Tuy thế khí hậu khá khô, độ ẩm rất thấp, hoa nở khắp nơi nên mùa này cũng là mủa dị ứng ( allergy) hoành hành rất mạnh như : Da khô, ngạt mũi , mắt ngứa, hen, suyển v.v. Chiều nay với cái nóng đầu Hạ, trong khi đi bách bộ tại công viên, tôi nghĩ tới cái nóng Nha Trang, nhất là xứ bán sa mạc Phan Rang. Nên có ý định viết một đề tài nào đó liên quan tới hai mảnh đất có quá nhiều kỷ niệm trong cuộc đời của mình.
Lâu nay tôi mong viết môt bài về ngôi chùa nổi tiếng thuộc Miền Trung, Chùa Thiên Mụ. Một đề tài đã thai nghén từ mấy tháng nay, nhưng lần lữa mãi cũng không gõ được chữ nào. Tuổi già và sự lười biến dường như hình với bóng. Mấy hôm nay nhận được cuốn : Đời Sống Văn Hóa –Xã Hội Người Chăm tại Viêt Nam, xuất bản tại VN. của Nguyễn văn Tỷ ( Ông là nhà trí thức Champ hiên đang sống tại Phan Rang VN) do cụ Lưu Quang Sang tặng. Sau đó nhận được tin từ anh Mai Quang cho biết sẽ có một số đặc biệt giới thiệu trang Web iSong Dinh, tôi quyết định viết về một đề tài có liên quan tới Sông Dinh như một đóng góp nho nhỏ cho số ra mắt đặc biệt này..
Ở đời mọi sự việc xảy ra bao giờ cũng có cái Nhân , cái Nguyên và cái Quả của nó. Vì đề tài ở đây chỉ chú trọng tới viêc tìm hiểu địa danh một con sông được mang tên “Sông Dinh” chảy qua thị xã Ninh Hòa, cũng là tên của Trang Mạng, nên chúng ta cũng nên tìm hiểu về nguồn gốc tên của một dòng sông đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân Ninh Hòa thăng trầm qua bao vận nước đổi thay.
Để tìm hiểu một địa danh theo tôi chúng ta phải lần mò, tìm hiểu qua ba sự kiện : Lịch sử - Văn Hóa – Địa lý. Chính như thế mới có một câu giải đáp chính xác xuất xứ về tên gọi của nó. ..Xin nhấn mạnh : đây không phải là một bài nguyên cứu thuần túy nên tất cả những dữ kiên được trình bày trong bài này chỉ có tính cách sơ lược mà thôi
Địa lý –Lịch Sử: Ninh Hòa là một quận lỵ của tỉnh Khánh Hòa cánh khoảng 35 km về hướng Bắc, thuộc Miền Trung Việt Nam. Đây là vùng đất thời xa xưa thuộc vương quốc Champa – thời VNCH gọi là người Chiêm Thành – Vùng đất này với sức ép Nam tiến mãnh liệt của người Việt vào triều đại nhà Nguyễn năm 1653 thuôc hẳn vào bản đồ Việt Nam
Văn Hóa : Sau khi chiếm được tất cả vùng đất của người Champ, triều đại nhà Nguyên thực hiện chính sách di dân. Chính sự việc này đã đưa hai dân tộc Việt - Chiêm sống đan chen nhau trong một vùng đất xa xưa của người Champ nhưng lại rất mới lạ với một số di dân người Việt. Trên vùng đất xa lạ, số người di dân Việt chắc chắn chỉ là phần thiểu số so với dân bản địa. Để thích hợp cho đời sống mới, lớp di dân này phải làm quen với thổ ngơi, khí hậu và một số tập tục, đôi khi bị ảnh hưởng cả vể tín ngưỡng của dân bản địa. Riêng phần ngôn ngữ chắc chắn phải là bước đầu trong viêc thích hợp cho cuộc sống đan chéo nhau giữa người bản địa và di dân ( Champ – Việt). Chính vì thế mà một số địa danh cũ vẫn được người di dân và bản địa lưu giữ… Trong phần pha trộn, ảnh hưởng, tương tác đó các nhà nghiên cứu gọi là Giao Lưu Văn Hóa.
Vấn đề giao lưu văn hóa Việt - Chiêm là một đề tài rất rộng lớn trên nhiều lãnh vực : Ẩm thực, Văn học nghệ thuật, tín ngưỡng, ngôn ngữ, .phong tục, tập quán .v.v… Cần phải có những cuộc nghiên cứu nghiêm túc mang tính hàn lâm. Như mới đây về ngôn ngữ, nhà văn Hồ Trung Tú người Quảng Nam đã viết về tiếng Quảng Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi người Champ nên mới có cách phát âm đặc thù “Quảng Nam” được trình bày trong cuốn : Có Năm Mươi Năm Như Thế. Trong đề tài này chỉ ở một góc cạnh rất nhỏ về ngôn ngữ - văn hóa là tìm hiểu một số địa danh nguyên gốc là từ ngữ của người Champ, tại hai tỉnh Nha Trang và Phan Rang, sau này biến thành tên Viêt mà chủ đề chính trong bài này nhân mạnh tới “Sông Dinh “ Như vậy từ Sông Dinh có phải là từ ngữ của ngưới Champ hay không ?
Như đã nêu trên Tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận khi xưa thuộc vương quốc Champ, sau khi Nhà Nguyễn sát nhâp vào lãnh thổ Việt Nam thì một số địa danh của người Champ vẫn được người Việt xử dụng. Nhưng phát âm theo tiếng Việt : Ở bài này người viết chỉ đưa ra một vài địa danh điển hình thuộc hai tỉnh Miền Trung nêu trên theo cuốn : Đời Sống Văn Hóa – Xã Hôi Người Chăm Việt Nam của tác giả Nguyễn văn Tỷ tôi đang có trong tay và một số kiến thức thu thập được qua sự tham khảo trực tiếp sách vở và một số trí thức người Chăm. Trong đó có hai con sông được gọi là “Sông Dinh” một tại phía Nam thành phố Phan Rang và một tại Thị xã Ninh Hòa chỉ là phần nhỏ trong cuộc tìm hiểu về Văn hóa Champa cùa người viết mà thôi
Phan Rang: Phan rang là từ phát âm theo tiếng Việt nhưng nguyên ngữ từ tiếng Chăm là Pa-nrang hay Pandarang. Đây là kinh thành xa xưa của tiểu Vương Quốc Pandarang, Champa về phía cực Nam. Trên con đường xuyên Việt, ngọn tháp Po Klong Garai lừng lững buồn hui như một dấu chấm than trên ngọn đồi trọc là môt chứng tích cả về vật thể và phi vật thể sự hiên diên thời xa xưa của một dân tộc có một nền văn minh huy hoàng ảnh hưởng sâu đậm bởi nền văn hóa Ấn Giáo Bàlamôn. Đó chính là Dân tộc Champ
Nha Trang : Thành phố thuộc Tiểu Vương Quốc Po Naga với tên Kuatara. Và được người Champ gọi là La Trang ( La=nước, Trang=đan chéo) mang ý nghĩa nơi có hai luồng nước chảy đan chen nhau. Cũng có một giải thích khác từ “Trang” trong La Trang mang ý nghĩa là lau sậy. Theo thiển kiên của người viết thì cả hai cách chú thích từ Trang (trong La Trang) như trên đều có thể chấp nhận được. Lý do là khoảng đường QL-I (cũ) từ cầu Hara tới cầu Xóm Bóng có con sông Cái và một nhánh sông nhỏ chảy qua.
Con Sông Cái chảy theo hướng Tây- Đông qua Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Bình Cang, Xóm Mới, Cầu Xóm Bóng rồi chảy thắng vào biển Đông.
Môt chi nhánh nhỏ cùa sông Cái chảy qua xóm Hà Ra ( Cầu Hà Ra) là môt vùng nước xoáy tạo thành môt cái đầm lớn. Sau này được lấp đi để làm khu chợ. Đó chinh chơ Đầm Nha Trang ngày nay. Từ Chợ Đầm phát xuất từ đây. Nhánh sông nhỏ này chảy tới xóm Cồn bị chặn lại đổi dòng chày vào sông Cái đổ ra biển Đông. Khu này ( từ cầu Hara tới Cầu Xóm Bóng) sau năm 1975 bị lấp thêm cà hai bên (Sông Cái và Đầm lầy) nên không còn lau sậy. Đầm nước bây giờ trở thành môt khu dân cư . Người viết đã sống tại Nha Trang và đã đi qua vùng đất này hay nói cho đúng đoạn đường QL-I (cũ) từ cầu Hara tới Cầu Xóm Bóng hai mươi năm. Nên có thể khẳng định từ năm 1975 về trước đây là một vùng đầm lầy mọc toàn lau sậy. Chính vì hai lý do trên mà có hai giải thích khác nhau về từ Trang (trong La Trang nguyên ngữ của người Chăm) đều có thể chấp nhân được.
Sông Dinh : Nếu đi theo trục Quốc Lộ-I (QL-I) Bắc- Nam từ Đèo Cả vào tới Phan Rang chúng ta sẽ gặp hai con sông cùng mang tên Sông Dinh : Một tại thị Xã Ninh Hòa và một tại phía Nam thị xã Phan Rang. Nếu vào Google tìm :Sông Dinh- Nha Trang- Khánh Hòa , chúng ta sẽ có phần giải thích cùa Wikipedia như sau :
Sông Dinh: Bắt nguồn từ núi Vọng Phu (cao 2.051 mét), núi Đa Đa (cao 1.709 mét), có độ dài 51 km. Cách đây 300 năm, tỉnh Khánh Hòa xưa có tên là dinh Thái Khang, cơ quan cai trị đóng tại địa phận Ninh Hòa ngày nay, vì con sông chảy qua trước dinh quan Thái Thú nên dân gọi là sông Dinh. Sông Dinh có ba phụ lưu là: sông Cái dài khoảng 43 km, sông Đá dài khoảng 30 km và sông Lốt (Đá Bàn) dài khoảng 37 km. Vào mùa lụt nước sông Cái đỏ ngầu chảy cuồn cuộn. Do dòng chảy dài trên vùng đồi núi, sông Dinh đã kiến tạo một số hồ, thác đẹp, thơ mộng và các vùng rừng đa dạng có cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp hai bên bờ. (trich Wikipedia).
Theo tôi phần giải thích như trên cần phải xem xét lại. Phần trình bày về Sông Dinh của ông Nguyễn Văn Tỷ có nguồn gốc xác đáng, thuận lý hơn . Theo cuốc sách nêu trên tác giả đặt ra một câu hỏi : “ Từ Dinh có gốc từ tiếng chăm không ? ” theo ông N.V. Tỷ (một nhà trí thức Chămp hiện sống tại VN và cụ Lưu Quang Sang hiên sống tại Sacramento, California) Từ Dinh phát xuất từ chữ Ding (đọc là Ting) của người Champ có nghĩa là “ Phố” . Một con sông chảy qua phố ( Một ở phía Nam Phan Rang và môt giữa lòng thị xã Ninh Hòa) người Chămp gọi những con sông chảy qua phô là Kraung ding ( Sông ở thành phố hay Sông chảy qua thành phố). Khi phần đất Champ ( Nha Trang ,Ninh Hòa- Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết) thuộc vào đất Việt thì người Việt vẫn dùng một số địa danh cũ nhưng phát âm theo tiếng Việt : Nên Kruang Ding (Ting) thành Sông Dinh
Tôi thuận theo thuyết của ông Nguyên Văn Tỷ hơn Wikipedia . Vì hai con sông đều nằm trong lãnh địa Vương quốc Champa cũ và cùng có tên Sông Dinh. Theo Wikipedia tại thị xã Ninh Hòa vì con sông chảy qua dinh thái thú Thái Khang nên được gọi là Sông Dinh. Nhưng nếu chúng ta đặt câu hỏi : Con sông thuộc nam Phan Rang không hề chảy qua dinh thái thú nào sao cũng được gọi là Sông Dinh ?. Điều này chứng tỏ rằng phần giải thích cùa tác giả Nguyễn Văn Tỷ và cụ Sang từ Sông Dinh là từ của người Champ có cơ sở vững chắc hơn là Sông Dinh con sông chảy qua dinh Thái Thú của trang Wikipedia.
Đầu mùa Hạ 2013
Ngọc Danh