NGUYỄN NGỌC DANH


                                                              Vườn Thiền                                                                          

Con người chúng ta mãi cho tới tận ngày nay vẫn chưa tìm được cách trả lời thích đáng cho câu hỏi: Nhân loại được sinh ra trên mặt đất này để làm gì. Để trả lời câu hỏi này chắc chăn chúng ta sẽ có nhiều ý kiến khác nhau.  Theo tôi câu trả lời sau đây mang tính phổ quát nhưng lại làm vừa lòng tất cả mọi ngươì  “Tùy theo nhãn quan, tâm thức và tôn giáo mà chúng ta sẽ cho nó một ý nghĩa”. Nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều là con người,  một sinh vật nhỏ bé và rất yêú đuối, một cây sậy như lời Pascal đã nói,  nhưng lại luôn luôn khao khát sự vô biên, hoài vọng một chân lý và luôn mong cầu một cuộc sống đầy hạnh phúc. Tuy nhiên chân lý và hạnh phúc mà chúng ta cầu mong như thế nào  thì lại là một vấn đề khác.

Ngày xưa dưới vòm trời xứ Judéa, Chúa Giêsu đang giảng đạo cho người Do thái và các môn đệ của Ngài. Một người giàu có, ăn mặc sang trọng đi ngang qua dừng lai hỏi Chúa:  “Thưa Ngài tôi phải làm gì để được vào nước trời”.  Chúa Giêsu quay lại và nói với ông:  “ Ngươi hãy về nhà từ bỏ vợ con, cha mẹ, bán hết của cải đem bố thí cho người nghèo khổ,  rồi đến đây mà theo ta”.  Nghe xong điều ấy anh nhà giàu bỏ đi, và không bao giờ trở lại.  Bởi vì hạnh phúc của anh là tất cả những gì anh ta đang có : cha mẹ, vợ con, vinh hoa phú qúy.  Còn theo chúa thì có đươc chút gì đâu.  Vì ngài đã phán:  “Con chim có tổ, con chồn có hang.  Còn ta, con người không có một hòn đá để gối đầu”.  Câu nói naỳ   phải chăng chính là tinh thần “Vô sở trụ” của Phật giáo, mà hơn sáu trăm năm sau, Huệ Năng, một chàng trai nghèo khổ, sống độ nhật bằng nghề gánh nước bổ củi để nuôi mẹ, thuộc vùng Giang Nam khi nghe câu “Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sinh Ký Tâm”  trong kinh Kim Cang mà khởi ngộ. Chàng liền bỏ tất cả đi tìm đạo và sau đã trở thành Lục Tổ của Thiền phái Nam Hoa Tông ngày nay

Nếu chúng ta có đủ can đảm dẹp bỏ đi cái mặc cảm tự tôn, phá vỡ bức trường thành dầy đặc đối kỵ tôn giáo thì lời Chúa phán cùng anh nhà giầu kia chẳng khác chi câu kệ trong Kim Cang kinh.  Chính vì thế  Thiền ngày nay không còn đóng khung của riêng Phật giáo. Nhưng đã vượt ra khỏi địa hạt hẹp hòi của một tôn giáo và đã lan tràn khắp vòm trời Đông Tây

Nói tới Thiền là nói tới phần nội tại  Tâm, Ý, Thức.  Là những gì không nắm bắt, không thấy được, nhưng lại luôn luôn hiện diện trong ta.  Hành tung của tâm ý rất phức tạp, thoạt biến, thoạt hiện, nhanh nhẹn vô cùng, do đó trong một số bức họa Đông Phương đã dùng con khỉ lăng xăng, con ngựa động đạy để chỉ tâm ý. Bốn câu thơ sau đây nói lên ý tưởng đó.

                                 Em đi nhặc lá Thu rơi
                                 Đem lên rừng nhớ ngồi phơi nắng thiền
                                 Ta về ý mã, tâm viên
                                 Chờ em xuống phố với viền nón xưa
                                                            ( Ng Danh )

 
Ta về  Ý Mã Tâm Viên, là trở về với cái bản ngã rất ngưòi của mình. Trong con người đó hay lo lắng, bồn chồn, lăng xăng trước mọi việc.  Việc ở đấy là : Chờ em xuống phố với viền nón xưa.
 
Nhưng thiền không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả, vì khi vừa mở miệng  dù là nói đúng lý thiền đã đi xa hàng ngàn dặm, vừa khi nghĩ tới thiền, thiền  đã bay xa.  Do đó khi các đệ tử hỏi sư phụ về thiền, các ngài thường im lặng, hoăc lấy tay ra dấu bảo các đệ tử im lặng.  Câu chuyên sau đây nói lên cái hư không mang mang đầy thiền tính, nhưng lại cho ta tinh thần của một công án thiền.

Sau khi cùng thầy uống xong một tuần trà, người đệ tử nghiêm trang thưa: Bạch thầy, con lui tới chốn này đã hơn hai năm, mục đich để nghiên cứu về thiền học, nhưng cho tới nay thầy vẫn chưa dạy cho con một chút chi về thiền và cũng không muốn đề cập tới.  Vậy hôm nay con xin thầy giảng cho con hiểu thiền là gì ?.    Nhìn người đệ tử tục gia và không cùng tôn giáo với nét mặt hiền từ  an nhiên.  Uống xong ngụm trà, vị thiên sư đứng dậy đi ra cửa và nói:  “Con theo ta”.  Bước theo thầy dọc trên hành lang về phía thư phòng, người đệ tử  suy nghĩ : “Thế nào hôm nay thầy cũng dậy hoặc chỉ sách cho mình đọc để nghiên cứu về điều mình sở nguyện”.   Đến trước cửa thư phòng, vị thiền sư  dừng lại, tay chỉ lên giò lan với những cánh hoa vàng đang rung nhẹ dưới nắng chiều,.  Ông nói với người đệ tử:  “Con xem kìa, đó là thiền.”  Rồi ông trở gót đi về trà thất tiếp tục uống trà để mặc người đệ tử đứng ngơ ngẩn với cành lan. Bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong tâm trí chàng :  “Thiền là một nhánh lan ?”  “Thầy mình có đùa mình không ? “   Nghe nói thiền là cái gì sâu xa vời vợi chứ đâu có đơn giản như thế này. Càng suy nghĩ chàng càng cảm thấy mình như đang lạc vào khu rừng không lối ra.  Sau đó trong vòng hơn một tháng khi có giờ rảnh anh thường tới đứng dưới cành lan suy nghĩ miên man.  Vào một buổi chiều trong màu nắng diệu vợi vùng phố núi, như thường lệ chàng tới để ngắm cành lan.  Nhưng khi nhìn lên cành hoa đã rụng hết, không còn một cánh hoa nào, cũng không  còn thấy  nằm trên mặt đất.  Chàng đi thẳng vào trà thất gặp sư phụ và thưa: "Bạch thầy !  Hôm nay con đã cảm nhận được những gì con đã muốn hỏi".  Vị thiền sư nở một nụ cười đầy an lạc và bảo người đệ tử:  "Con hãy ngồi xuống đây uống trà với ta và quên hết những gì vừa mới xảy ra".  
Thiền là một cánh rừng vắng  lặng.   Đừng đi vào đó với tâm hồn chất chứa đầy tham vọng được võ trang bằng súng đạn, giáo mác, hận thù, tiền tài. Đừng đi tìm Thiên Chuá với một tâm hồn không có yêu thương, bác ái nhưng đầy hận thù. Thiền không thể diễn tả bằng màu sắc, âm thanh, ngôn ngữ và càng không  thể bằng mọi thứ vật chất.  Như vậy trong lãnh vực nghệ thuật thiền đã có một chỗ đứng rất đặt biệt.  Chúng ta  thường  nghe nói nhạc thiền, thơ thiền, tranh thiền, vườn thiền.   Nhạc, tranh và thơ tôi không dám rớ tới.   Tôi chỉ xin được mạn phép đánh trống qua cửa nhà  sấm lạm bàn  đôi điều về vườn thiền.

Khi tư tưởng và triết lý Phật giáo đã bám rễ sâu vào đời sống và tinh thần người dân đất Phù tang. Các đại thiền sư Nhật Bản đã có công đưa tư tưởng thiền (Zen) vào một số lãnh vực nghệ thuật như: Cắm hoa, trà đạo, võ thuật, bon sai, kiến trúc đăc biệt về hoa viên ( vườn thiền).  Các ngài đã học và áp dụng tư tưởng thiền vào việc, chắt lọc những đường nét thanh nhã đầy xúc tích trong những bức tranh thủy mạc hay ngoài thiên nhiên để thiết lập một vườn thiền. Vậy trươc khi mở cửa bước vào một vườn thiền chúng ta phải hiểu ý nghĩa một số mật ngữ  và một chút ít về dịch lý thì mới cảm nhận được cái tâm cảnh bất nhị và vẻ đẹp đầy siêu thoát của nó.

Vườn Thiền.

Trong vườn thiền luôn luôn thiết kế theo đường hướng lìa đối đãi . Nghĩa là tuyệt đối không dùng kiểu kiến trúc cân xứng và số chẵn vì như thế sẽ làm mất đi cái khí thế sống động tự nhiên và bộ mặt nguyên thủy của nó.   Vì thiếu hiểu biết sâu sắc về tư tưởng Phật giáo và dịch lý nên khi đứng trước một vườn thiền chúng ta thường gán ép cho nó nhưng ý nghĩa sai lệch hoặc còn tệ hơn nữa là đi ngược lai tinh thần hư không, vô thường và nhất nguyên của thiền học.

Như một vườn thiền chỉ có cát khô, các đường cào làm thành những gợn sóng trùng điệp, trên ấy thường đặt một, ba, năm hay bảy khối đá gồ ghề, thô rám. Chúng ta không thể gán con số ba ở đây là Thiên Địa Nhân, hoặc Tam Giáo Đồng Nguyên, số năm là Ngũ Uẩn hay Ngũ Kinh, số bảy là Tam Tòng Tứ Đức. Vì như thế vườn thiền sẽ không là vườn thiền nữa, nó đã đi ngược lại cái bản chất hư không và siêu thoát của thiền học.  Cái ý tưởng Thiên địa nhân, Tam tòng tứ đức, Ngũ  kinh là những tư tưởng “Hữu vi” đầy khuôn sáo , lễ nghĩa của Khổng Giáo không liên quan gì đến Thiền, Vô Vi.   Cát, đá, sóng và không khí trầm mặc nơi đây là hình ảnh của kẻ công phu thiền (Tu đức của công giáo) đi từ khối tạp niệm thô động : tham, sân, si  đến cái niệm tế vi  rồi chìm lần vào sự an tịnh để bước vào cơn nhập đại định.  Đây chính là mẫu vườn thiền đươc gọi là giả nhập không,  tương ứng với gian đoạn một của thiền.

Trong một thiết trí khác, chúng ta thấy các tảng đá đươc xếp đặt như những hòn đảo lớn nhỏ, cao thấp không đều, có những hòn  gần như chìm khất trong một bãi cát trắng mịn.  Các ngài đã dùng cào để tao ra những gơn sóng lăn tăn đến vô tận.  Nơi đây nói lên tinh thần không còn hai thế đối đãi nhị nguyên tương khắc, mà các pháp đều bình đẳng tương dung. Trong cái thế giới nhấp nhô sinh tử như huyễn mông này cái thực ngày hôm nay sẽ là cái mộng của ngày mai., cái sần sì xấu xa kia nó chất chứa một vể đẹp huyền bí, cái nhẹ nhàng uyển chuyển của từng lớp sóng đang nói lên cái sức mạnh vô biên của vũ trụ, cái sinh đang ngầm tàng cái tử.  Như vậy với một tâm hồn đại giác tất cả chỉ là  “MỘT’. Sắc cũng là không, sóng cũng  là nước.  Nước cũng là cái vô biên tĩnh lặng trong vũ trụ.  Khi tỉnh mộng tất cả chỉ còn là khối băng tâm an tịnh giữa trùng điệp ưu phiền tục lụy.
    
    Trong một góc vườn thiền có cây cối, đứng chơ vơ đơn độc một chiếc thạch đăng lung  (stone lantern ). Gọi là đèn nhưng không bao giờ được thắp sáng.  Nó biểu tượng cho cái tâm, cái trí huệ của chính chúng sinh.  Chúng ta phải tự mình thắp sáng lên, để soi rọi cho con đương mình đang đi, hay rất có thể giúp cho một ai đó chứ không một ai có thể thắp lên, làm thay cho mình được.  Ở một góc khác của vườn thiền, tượng Quán thế Âm an vị trên một thạch giả sơn (non bộ) tay cầm tịnh bình. Từ miệng bình tuôn ra một giòng tịnh thủy chảy liên tục xuống chiếc hồ trong veo, hoặc chúng ta thấy một thạch thủy bồn cũng có giòng nước chảy liên tục. Cái mật ngữ ở đây nhắc nhở chúng ta về nguyên lý Hằng và chuyển, tùy duyên mà bất biến trong giòng sinh tử.  Dưới hồ đàn cá bơi lội, cây cối, hoa lá tốt tươi bao quanh  đó chính là thế giới của chúng sinh.  Giữa cái thế giới lao xao, náo đông, xô bồ ấy bậc thánh trí nhập thế đổ muôn ân huệ để tế độ, giải thoát, cứu chuộng chúng sinh.

Một vườn thiền được thiết trí tai tư gia, nếu chủ nhân có đủ điều kiện thường cất thêm một trà thất. Trà thất là cả một thế giới riêng biệt dù phía bên kia hàng rào là náo cảnh của cõi đời xôn xao nhộn nhịp, phồn hoa đô hội.  Cổng vườn được làm rất sơ sài, giả định hay vững chắc kín đáo.  Nó khẳng định cái thế giới bên trong là một thế giới riêng biệt, tôn nghiên tĩnh lặng.  Rồi khách sẽ bước trên một lộ địa (Roji).  Con  đường đẫm sương tiến tới trì hợp ( hàng lang trước cửa trà thất) nơi có đặt sẵn một thủy bồn để khách rửa chân trước  khi bước  vào trà thất. Tất cả mật ngữ ở đây là:  Khi bước qua cổng là cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài, giũ bỏ mọi ưu phiền tuc lụy.  Khi đi trên lộ địa chúng ta phải giữ tâm hồn thanh tịnh. Múc nước nơi thủy bồn để rửa sạch bụi trần và khiêm cung cúi mình (gạt bỏ đi cái Ngã chấp, cái Tôi)  bước qua chiếc cửa thấp để đắm mình trong tĩnh lự của những nghi thức trà đạo.

Là một trà tượng (người uống trà theo lối trà đạo) đã thấm nhuần tư tương thiền. Do đó trà thất được tạo dựng bao gồm ý tưởng vô thường, phù du qua mái nhà tranh. Ý tưởng hư nhược với những chiếc cột tre mong manh.   Ý tưởng cẩu thả bề ngoài bởi cách dùng những đồ vật thô sơ, tầm thường. Cách trang trí giản tiện bên trong, chúng thể hiện một cách kín đáo những ý tưởng mà chủ nhân muốn tryuền  đạt.
Thưởng thức nghệ thuật là cảm nhận và tái sáng tạo theo cung cách của riêng mình. Trong cảnh trí vườn thiền luôn luôn sạch sẽ, gọn gàn và đơn giản tới mức như không, như có.  Vì nghệ thuật khi đạt tới tột đỉnh là lúc trở về chổ đơn giản,  thuần  phát nhất.  

Ngày nay nhân loại đang quay cuồng, tự hào với ngàn thứ văn minh, nhưng thực sự đang trôi lăn trong vô minh. Trong khi đó vườn thiền đã được thiết lập tại một số thành phố lớn để đem lại cho chúng ta những giây phút an tịnh của tâm hồn sau những tháng ngày ê chề, vất vả với miếng cơm manh áo hay những đắng cay, xót xa, bi lụy của cuộc đời.  Mong rằng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy sẽ là những bàn tay nhân từ của các Đấng từ Bi, sẽ vỗ về, an ủi và thấm đi những giọt nước mắc thống khổ của nhân loại trong một giây phút nào đó, cho dù nó mong manh và ngắn ngủi như một sát na./.
 
ngocdanh
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Ngọc Danh