NGUYỄN NGỌC DANH

 

Hoa Mai

Trong khi vùng Bắc Mỹ và Bắc Cali còn chìm trong cái lạnh cắt da của những ngày trọng Đông, thì cộng đồng người Việt tha hương chúng ta lại bắt đầu sửa soạn đón Tết, mừng xuân theo truyền thống dân tộc. Theo chu kỳ của đất trời tại quê hương yêu dấu của chúng ta, đồng bào đã cảm nhận, đã nhìn thấy bóng dáng mùa Xuân trên mọi cảnh vật. Thế giới chung quanh là hơi thở của gió mới, là nét đẹp quyến rũ hữu tình của những tà áo trinh nguyên người thiếu nữ, là tiếng hót líu lo của chim trời. Cái trở mình huyền diệu duyên dáng của đất trời đang nhú dần theo đọt cây ngọn cỏ. Cái vẻ đẹp nhẹ nhàng nhưng rất lãng mạn và quyến rũ đang theo từng cánh hoa nở rộ trên khắp nẻo đường quê hương.
Trong khi đó có một số những người con đã xa lìa cuống nhau của quê cha đất tổ hàng ngàn trăm dặm, sống rải rác trên khắp mọi nẻo đường của trái đất, vẫn cảm thấy xúc động, ngậm ngùi trước những giây phút linh thiêng của đất trời quê hương. Phải chăng Tổ tiên chúng ta đã truyền đạt cho con cháu cái tư duy: Vạn vật đồng nhất thể, để chúng ta có thể hóa ra mênh mông mà hòa mìmh vào vũ trụ. Từ ngàn xưa, cuộc sống của tiền nhân chúng ta gắn liền với ruộng đồng nông canh, suốt cả cuộc đời luôn đứng giữa đất trời, thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Do đó lòng yêu cây, yêu hoa cũng dễ hiểu. Trong muôn vàn các loại cây, các kỳ hoa dị thảo những danh sĩ chỉ thấy một vài loại có vẻ đẹp đặc biệt bởi dáng thế đường nét, hoa lá. Chính nhờ những nét nghệ thuật độc đáo của chúng mà qua đó các danh sĩ đã vay mượn để nói lên cái u tình ẩn kín của nội tâm mà ngôn ngữ của giới nhị nguyên không đủ khả năng để diễn đạt. Nhờ sự chọn lựa, gạn lọc một cách tế vi và  sâu sắc mà các ngài đã tạo nên được những ấn tượng thâm 
thúy, đầy ý vị trong lòng người thưởng lãm và xa hơn nữa hoa đã thể hiện được một nền tảng triết lý nhân sinh của một dân tộc.
 
Mai Trong Cổ Thi- Ảnh Thủy Mặc

 

Mai, lan, tùng, trúc, cúc, sen là những loài hoa đã làm tốn biết bao nhiêu giấy mực thi văn sĩ và để lại cho đời những những áng văn chương bất hủ, những bức họa tuyệt vời trong nền văn học, nghệ thuật Đông Phương. Cái đẹp cũng có nhiều vẻ Thượng Đế taọ nên một bản nhạc với lối hòa âm bất hủ cho lòng người say đắm với cái đẹp nhu hòa, cái dáng thanh nhã, có cái hùng vĩ, có cái trang nghiêm, cái đầy kỳ bí, đẹp cổ kính, cái đẹp mông lung diệu vợi.


  • Chính vi có dáng đẹp kỳ vĩ cổ kính mà cây tùng được ví như một cao nhân ẩn sĩ.
  • Chính vì có lá mảnh mai, mềm mại. vẻ đẹp ôn hòa, tươi vui, ngay thẳng mà trúc được yêu mến như một người quân tử. Trúc càng già, càng nhỏ, càng thưa thớt càng xinh đẹp.
Còn Mai thì sao (tôi xin mở ngoặc, Mai ở đây là Hoa Mơ – Hoa Mận – không phải hòang Mai của Miền Nam Việt Nam)? Loài mai đã được thi nhân, mặc khách ưa chuộng bởi cái vẻ lãng mạn, cái hương thơm nhẹ nhàng thanh tịnh. Hương của mai trời càng lạnh càng thơm, nên còn được gọi bằng một cái tên rất lạnh lùng, rất cao ngạo: Lãnh Hương (hương lạnh). Mai và lan được tượng trưng cho cao khiết, u tĩnh.
Tùng, trúc, mai là tam kiệt của mùa đông, riêng mai hơn tùng và trúc bởi có hương và sắc, nên đã chiếm một địa vị khá quan trọng trong nền văn học nghệ thuật cổ xưa. Nhân dịp xuân về chúng ta tản mạn vào vườn thi ca của cổ nhân để xem Mai được tôn quý như thế nào, và tìm hiểu xem loài Mai này có dính dáng gì tới Mai vàng (hoàng mai) của chúng ta hay không.
Thi sĩ ẩn dật Lâm Hòa Tĩnh tự Quân Phục đời Tống (967- 1028) quê tại Côn Sơn Hàng Châu, ông là người không vợ con nên thường tự diễu mình: cưới mai làm vợ, nuôi hạc làm con. Ông đã để lại cho đời bài thơ trong đó có hai câu tả về mai đã được thi sĩ đồng thời Âu Dương Tu hết lòng khen ngợi:

Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn
Xin tạm dich :
Trong giòng nước cạn bóng mai
Tà huy dưới nguyệt hương bay dịu dàng (ND)

Tôi còn nhớ được hai câu thơ sau đây vịnh về mai rất tuyệt vời của Tô Đông Pha thi sĩ đời Tống:

Nhất chi xung phá song tiền nguyệt
Bất đáo La Phù mộng diệc hương
 
Tạm dịch :
Song trăng một nhánh mai gầy
La phù chưa tới hương bay mộng về (ND)
 
La Phú là danh sơn thắng cảnh thuộc tỉnh Quảng Đông, tương truyền rằng nhà đạo sĩ Gia Cát Hồng đã luyện đan theo thuật trường sinh bất tử và đã thành tiên ở đây, nhưng theo một số sách vở thì cho rằng ông đã chết vì bị ngộ độc bởi chính những viên thuốc do ông chế luyện.
Mai xuất hiện trong thi ca Việt Nam từ khi nào? Đây là một câu hỏi lớn, mà phần trả lời xin dành cho các bậc thức giả. Trong tinh thần của bài viết này theo thiển kiến thì bài thơ vịnh về mai đầu tiên là bài thơ của thiền sư Mẩn Giác (1051-1096) đời Lý

Xuân đi trăng hoa rụng
Xuân tới, trăng hoa tươi
Trước mắt việc đời ruổi
Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng cả
Đêm qua sân trước nở nhành mai


Hai thế kỷ sau thiền sư pháp hiệu Huyền Quang, ông tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời nhà Trần đã tôn vinh mai lên hàng ngự sử

Ngự sử mai hai hàng chầu ráp
Trượng phu tùng mẩy rặng phò quanh


Còn văn hào Nguyễn Du trong chiếc dĩa cổ cuả triều Nguyễn, hiện tại còn trưng bày tại Huế đã hạ bút:

Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen

Trong Nguyệt lệnh quảng nghĩa, đã gọi cái hình tượng ước lệ của Mai, Tùng. Cúc là Đông thiên tam hữu, hoặc Đông Xuân tam hữu. Đây là một đề tài lớn có một vị trí thật đặc biệt trong nền thi ca cổ điển Đông Phương và của Việt nam. Theo thiển kiến vẫn chưa đủ, vì khi nói tới tùng, vẽ về tùng chúng ta luôn luôn thấy bên cạnh có núi, đá, hạc. Nhưng với Mai, trong những bài cổ thi hoặc những bức tranh cổ thủy mạc được vẽ và được tả thì chỉ có một  nhánh trong cái thế chênh vênh nửa vời trên ấy có loài chim chu tước (chim sẻ) hoặc nếu không có chim tước thí phía dưới luôn luôn có cặp hạc. Ngòaì bộ tam hữu nói trên Mai còn được kết hợp với Lan, Trúc, Cúc để tạo nên bộ tứ quý biểu tượng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Mai trong thơ cổ, hội họa Trung hoa và Việt Nam là cây mai mơ (apricot) thuộc họ mận đào (Prunus) thường mọc hoang hay được trồng thành vườn tại các miền hàn đới hoặc ôn đới để lấy trái. Người Trung hoa hái mơ khi vừa chín đem ướp muối sấy khô làm ô mai (síu muội). Người Nhật dùng những quả già muối chua bỏ vào các lọ nhỏ để con em họ mang đi học cho các bữa cơm trưa. Tại Hoa kỳ quả mơ đươc bán ra thị trường khi thật chín như vùng bắc California. Ở Việt Nam quả mơ được bày bán từng mẹt tại chùa Hương.
Hoa mai, hoa mơ luôn nở vào thời kỳ cuối đông khi trời còn giá lạnh và đôi khi còn tuyết. Với đặc tính như vậy nên đã được tặng thêm danh hiệu Bách hoa khôi (hoa nở sớm nhất). Tại nước ta loài mai mơ được trồng nhiều trên vùng thượng du và Trung du Bắc Việt. Do đó trong thơ, văn, nhạc của chúng ta khi nỏi tới cảnh Chùa Hương thì hình ảnh cây mai mơ luôn được nhắc nhở. Chúng ta có một bài hát thời tiền chiến Cô Hái Mơ do Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Bính, Vũ Khanh trình bày bài này với một 
giọng ca truyền cảm đưa chúng ta lạc vào một cảnh giới thật thanh bình, nên thơ. Xin nhấn mạnh. Mai trong Nhạc của Phạn Duy và thơ Nguyễn Bính là loại Mai mơ-mận (prumus -apricot), không phải Mai Vàng (Ochna Integerri- ma) cuả miền Trung và Miền Nam VN. Rừng mơ vùng Chùa Hương, một nét đẹp khôi nguyên mùa Xuân: những cành mơ nhiều hoa và nụ được chưng trong phòng khách nhiều ngày đón xuân, ô mai mơ không thể thiếu trên bàn những ngày xuân, và tuyệt vời nhất là tách trà mơ. Trà mơ rất thanh và được dân miền này yêu mến từ những cành mơ được cắt thành từng khúc ngắn bán các phiên chợ làng. Ô mai mơ, đặc sản của dân vùng Chùa Hương. Ô mai mơ của Việt Nam tuyệt vời hơn Ô mai Trung Hoa. Mùa Xuân lang thang vào rừng mơ để thấy lạc vào thế giới thần tiên, một thế giới với hoa bướm, khí trời, màu trời, màu hồng nhạt mong manh của hoa mơ.
Hoa Mai Trong Thơ Phạm Thiên Thư – Vô Ngã
Rồi giòng lịch sử đổi thay, khi nền văn học Tây phương ảnh hưỏng sâu đậm trong tầng lớp trí thức trẻ Việt Nam. Các nhà thơ lãng mạn thời tiền chiến như: Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương v.v... trong thi ca của họ không có một vị trí quan trọng nào cho hoa Mai mơ. Mãi cho tới thập niên bảy mươi chúng ta thấy xuất hiện tập thơ Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư, lối dùng chữ và bút pháp của ông trong thể thơ lục bát thật mới lạ:

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng : thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ

Trong tập thơ này tác giả nhắc tới Mai khá nhiều lần, nhưng hoa mai ở đây đóng một vai trò khác, đó là cái đẹp, cái ngậm ngùi xa vắng của một thứ tình sầu muộn thủa dành cho một bóng dáng thật xa xôi nhưng cũng thật gần gũi:

Sao em bước nhỏ ngập ngừng
Bên cầu sương rụng mấy tầng mai mơ.
Hay
Gầy em vóc cỏ mây dời
Tóc em mai nhỏ, chân trời tuyết pha

Ta nhận thấy Mai và tuyết trong bốn câu thơ trên của Pham Thiên Thư không mang cái ước lệ của cổ nhân, mà đó là những bước chân ngập ngừng sương khói của người tình đang đi vào Động Hoa Vàng của ông. Qua những vần thơ kế tiếp ông đã để lại trong tâm tưởng chúng ta cái hương vị chơi vơi, xa lắng nhưng lãng mạn đến lạnh người khi nhắc tới mai, đào:

Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu
Hay
Sao em bước nhỏ ngập ngừng
Bên cầu sương rụng mấy tầng mai mơ
Đêm về thắp nến làm thơ

Tiếng chân còn vọng nửa tờ thơ tôi
Hoặc
Mùa xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hót núi, gọi trời xuống hoa
Múc bình nước mát về pha

Ghé thôn mai nọ, hỏi trà mạn xưa.

Mấy tầng mai mơ - Ghé thôn mai nọ - Động hoa vàng - những nơi, những chốn ấy ở đâu? Có phải chăng đó là 
chốn đi và về của một thứ tình hư ảo mông lung của những nỗi buồn muôn thi nhân muốn tìm tới
 
Mai nào thơm ngát thu đông
Lược em chải rụng đôi dòng thơ xanh

Chính vì nỗi vấn vương lạ lùng ấy của kiếp nhân sinh mà chung ta thấy:

Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động nam hoa có thiền sư

Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống khàn

Mai ở đây là mai của một thứ tình yêu mông lung vạn kỷ. Cách nay khoảng hai năm, một người bạn gởi cho tôi tập thơ Gối Gốc Mai của nhà thơ Vô Ngã ý trong phần đầu của tập thơ tác giả đưa ta vào cảnh giới vô thường. Mai ở đây là Mai của thiền vị, của bát nhã tâm kinh, ta hãy lắng nghe ông:

Kiếp xưa làm mây trôi
Ngàn năm về động biết
Suốt đời làm hoa tuyết
Nở trắng cành mai khôi


Rồi ông lại dẫn đưa ta tới bờ kinh vi diệu đầy tình thương của những đóa hoa đại từ:

Từ đấy ngàn năm vách lắng tai
Lời kinh vi diệu thấm linh đài
Tinh thương từng giọt, rơi trên đá
Thành đóa hoa từ năm cánh mai


Và cuối cùng con người Vô Ngã ấy muốn xa lánh những ưu phiền tục lụy của cuộc đời để tìm về cõi hư không tịnh tịch:

Hoa bướm ngàn năm sương khói bay
Ngàn năm gió bãi lạnh trăng gầy

Ngàn năm suối biếc xôn xao vọng
Ta vẫn ngàn năm gối gốc mai.


Ôi cái gốc mai kia, ngày nay không còn là cái đẹp của cổ nhân, nhưng chỉ còn là cái tình lãng mạn nhẹ tênh xa vắng, là cõi vô ưu, chốn tịnh tịch của giác ngộ mà ngàn đời kẻ hành giả muốn tìm về để an trú trong những lúc nhập đại định, qua thi ca họ Phạm đã một thời khóac áo thiền sư để đi tìm. Như vậy chúng ta có thể nghĩ rắng; hoa Mai cuả PTT và Vô Ngã là loại hoa Mai trong tâm tưởng. Rất có thể là bóng dáng cuả Thiền và cũng rất có thể là hình bóng mỹ nữ. Cái hay của thơ thiền.
 
Bạch Mai (Hoa Mù U)
nguồn Internet


 
Khi người Mãn Châu (nhà Thanh) thống trị toàn cõi Trung hoa (1644-1911), chấm dứt thời đại vàng son của triều đại nhà Minh, một số người Hoa không chịu sống dưới ách thống trị của ngoại tộc nên đã rời bỏ quê cha đất tổ đến lập nghiệp tại miền nam Việt Nam ta thường gọi là người Minh Hương, trong đó có dòng họ Mạc. Tại vùng đất mới (miền Nam Việt Nam) họ gặp một loại cây có hoa trắng, hương thơm, giống như loài mai trên quê hương mình,  nên họ gọi là Nam Mai. Thực ra đây là giống cây mù u có 
tên khoa học Ochrocarpus siamensis. Chính cây Mù U (mai) này đã gây nguồn cảm hứng cho các nhà thơ Minh Hương Trịnh Hoài Đức (1725-1825) lập nên thi đàn Động Mai Đình. Cũng chính cây Bạch mai (mù u) này mà những nhà thơ vang bóng một thời của Miền Nam Việt Nam như Phan văn Trị, Tôn thọ Tường, Huỳnh mẫn Đạt, Nguyễn Thông đã khai sáng Thi Xã Bạch Mai. Qua những đặc điểm về khí hậu, thổ ngơi, màu sắc, hương thơm chúng ta biết chắc rằng hai loại mai nói trên không phải là mai vàng (hoàng mai) mà người Việt chúng ta thường chưng bày trong những ngày tết.
 

Hoàng Mai – Mai Vàng


 
Theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ trong cuốn cây cỏ Việt Nam, mai vàng thuộc họ mai có tên khoa học Ochna integẻrrima (huỳnh mai) Champax. cây tiểu mộc hay đại mộc nhỏ. Lá có phiên bầu dục, dài, không lông, bìa lá có răng thấp, cuống từ 4-7mm. Hoa có cọng dài, lá đài có năm cánh màu xanh, cánh hoa thường năm cánh hoặc mười cánh nếu là hoa kép, hoa màu vàng tươi, dễ rụng. Quả mọc trên đế hoa, có nhân cứng, chỉ có một hột. Vỏ đắng bổ dưỡng tiêu hóa thường trồng để lấy hoa. Hoa trổ 15 ngày sau khi trảy lá. Mai thường mọc ở rừng còi từ Quảng Trị trở vào.

 
Qua sự trình bày trên của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, chúng ta có thể khẳng định được rằng mai vàng OCHNA IN- TEGẺRRIMA thuộc đặc sản của miền nam Việt Nam, không liên quan gì tới loài mai được các tiền nhân ca tụng trong cổ thi hoặc vẽ trong tranh thủy mạc.
Khi xét về địa vị mai vàng trong nền văn học miền nam Việt Nam cho tới nay, theo thiển kiến (cũng có thể vì kiến thức hẹp hòi ít đọc sách nên chưa biết cũng nên) chúng ta chưa có được bài thơ, bài văn tuyệt bút nào nói về mai để mãi mãi còn lưu lại trong tâm hồn chúng ta những cảm  xúc tuyệt vời như loài Hoa Mai (hoa mơ) trong Đường thi. Chúng ta chỉ thấy cành mai vàng xuất hiện trên các cánh thiệp Xuân với tràng pháo đỏ treo lủng lẳng, hoặc với hình bóng một vài thiếu nữ xuân thì với những chiếc áo dài quyện bay trong gió.
Mai ở đây biểu tựợng cho mùa Xuân phương Nam, cho sự vui tươi và đôi khi cho sự hên xui của người chơi hoa.  Mai phương nam không có nét lãng mạn, quyến rũ của trăng gió giữa đất trời thiên nhiên. Mặc dù vậy đối với người miền nam Việt Nam chúng ta vào những ngày tết, lễ chạp luôn mong ước có một cành mai cắm trong nhà, thiếu vắng nó phải có cúc, vạn thọ, thược dược thay vào.
Chúng ta ai cũng thuộc câu hát: Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa, trong bài Đồn Vắng Chiều Xuân, của Trần thiện Thanh. Mai ở đây gợi trong tâm hồn người lính tiền đồn cái không khí ấm cúng, đoàn tụ của gia đình. Cái nét u nhã, dịu dàng của màu hoa vàng đã nhường chỗ cho nỗi buồn trống vắng của người trai thời chinh chiến khi xuân về nơi địa đầu giới tuyến.
Trong cuộc sống tỵ nạn, người Việt chúng ta đã bỏ lại tất cả nơi quê hương, nên luôn có khuynh hướng đi tìm những cái tương tự để bù đáp. Tâm trạng này chẳng khác chi người Minh Hương trước kia, khi nhìn thấy cây mù u tại 
miền đất mới họ liên tưởng ngay tới cây Mai nơi quê nhà. Do lòng trắc ẩn đó mà họ gọi cây mù u xa lạ này là Nam mai. Ngày nay sống trên vùng đất Cali chúng ta có một loài mai người Việt chúng ta rất ưa thích, giống này tại quốc gia Nam Phi (South Africa) có tên khoa học Ochna atropurpurea. Loài mai này giống như mai Việt Nam cũng thuộc loại tiểu mộc, trổ hoa vàng rực rỡ, hoa có năm cánh và nhiều tiểu nhị, nhưng lại có những đặc tính dị biệt như: Hoa không trổ rộ nhưng trổ lẻ tẻ quanh năm nên được người Việt chúng ta gọi là Mai Tứ Quý. Đặc tính này sẽ thay đổi khi được trồng tại các vùng lạnh (Bắc Cali), chúng chỉ cho bông từ mùa xuân tới hết cuối hạ. Hoa cho hương thơm nhẹ, cánh hoa sau khi nở khỏang 5-7 ngày thì rụng, từ lúc đó đài hoa từ màu xanh (green) từ từ trở nên đỏ thẩm nên còn được gọi thêm một tên: Mai đỏ. Quả khi chín thành màu đen thẫm bóng láng. Tất cả những màu sẳc ấy kết hợp lại đã tạo nên một loại hoa khá kỳ lạ hấp dẫn. Để kết thúc bài viết, tôi xin kể một câu chuyện liên quan tới một đặc tính dị biệt khác khá độc đáo giữa loài mai Phi Châu và Việt Nam.
Cách đây bốn năm, người bạn thân tặng tôi một cây mai, và theo lời anh đó là loại mai vàng VN chính cống. Được cây mai như bắt được vàng, tôi mừng vô kể. Cây mai được tôi chăm sóc, tâng tiu khá kỹ lưỡng. Qua năm sau đúng vào dịp tết cây mai trổ hoa vàng rực, đặc biệt có hương thơm nhẹ nhàng kín đáo.  Rất ngạc nhiên về điều này tôi  tự hỏi: Quái lạ, tại sao cây mai này hoa có hương. Theo tôi biết là mai VN rất ít hoặc không có hương, ngoại trừ một loại mai nào đó ở Huế cũng có hương theo như một người quen cho biết (điều này tôi không chắc lắm và rất ít người biết tới ).
Rồi một hôm vào một ngày trước Tết hay sau Tết gi đó không nhớ rõ, tôi ghé qua nhà anh chị bạn cùng quê tại Nha Trang thăm anh chị và xem cây cỏ, do chúng tôi mới quen nhau bởi cái duyên nợ yêu Bonsai. Khi vừa bước tới 
ngưỡng cửa, một cây mai cao quá đầu đầy hoa vàng đứng sừng sững trước mặt. Tôi trợn tròn đôi mắt, đầy thich thú vì cây mai của anh chị bạn lớn gấp ba cây mai của tôi và chu choa ơi hoa ơi là hoa. Trước sự trầm trồ và khen ngợi của tôi, anh bạn phát biểu một câu xanh rờn. Đây cũng là một loại mai, nhưng là mai Chỉ Địa đâu có quý hóa bằng Mai vàng hướng thiên Việt Nam của mình. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ hỏi anh:
- Tại sao anh gọi nó là mai chỉ địa?Anh nhìn tôi một cách bí hiểm cười thích thú rồi giải thích với một giọng nịch:
- Anh không nhìn thấy tất cả những cánh hoa đều quay mặt xuống đất sao? Anh giải thích thêm. Mai VN là hoa nở từng chùm và khi nở luôn hướng thẳng lên trời. Nên tôi gọi là Mai Hướng Thiên, còn cây Mai này hoa đơn, khi nở các hoa đều quay xuống đất nên tôi gọi là Mai Chỉ Địa. Sau khi nghe anh lý giải tôi phải công nhận anh có một nhận xét khá tinh vi, và thực sự đây là một nét dị biệt khá quan trọng giữa hai loại Mai.Tối hôm đó khi ngồi trước cây mai nhà mình, tôi thấy hoa của nó chúc xuống (hướng địa) giống như cây mai của anh chị bạn. Tôi muốn tìm hiểu thêm, thì được biết cây Mai này gốc Nam Phi có tên khoa học Ochna Serrulata. Người Việt trong Nam mình gọi là Mai Tứ Qúy (vì nở quanh năm
- hoặc hoa của nó có bốn màu, Xanh, Đỏ, Vàng, Đen). Ngưởi miền Bắc VN gọi Nhị Độ Mai (có lẽ chỉ nở hai lần trong năm). Nhưng tại Sacramento nơi tôi cư ngụ thuộc miền Bắc Cali chỉ nở vào cuối Xuân đầu Hạ. Người Mỹ gọi là cây Mickey Mouse lý do dễ hiểu khi kết quả, trên đóa hoa cho có hai quả màu xanh, lúc chín thành màu đen mọc cân xứng với nhau, trông giống như hai lỗ tai của con Mickey Mouse trong film Cartoon của Disneyland. Rồi tôi tự hỏi: Phải chăng vì lòng hoài niệm quê hương, vì lòng ái quốc cực đoan của mỗi con người chúng ta mà một cây 
mai có thể trở thành quý, tiện. Giả sử (Tôi giả sử thôi nhé) nếu có một ngày nào đó chúng ta đem một cây mai VN tặng cho một anh chàng người Nam Phi, tôi nghĩ chắc anh bạn Nam Phi yêu quý của chúng ta sẽ nhủ thầm trong bụng rằng: Cây mai này không thể so sánh được với cây Mai tại quê hương mình đâu; Mai gì mà hoa chẳng có hương,  cũng không cho mình cái màu đỏ tuyệt vời của đài hoa và chỉ nở có một mùa, thua xa loại Mai của nước mình chúng nở quanh năm, cho những màu Xanh, Vàng, Đỏ, Đen. Ôi cũng một cây Mai mà sự quý tiện không nằm ở tự thân nhưng lại tùy thuộc vào lòng trắc ẩn của con người.
 
Vâng đúng vậy đó vì chúng ta là một sinh vật đầy mâu thuẫn và đầy nhân tính. Chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng, ấp ủ và lớn lên trong sự nuông chiều, bao bọc bởi rất nhiều thứ tình yêu, nào là tình gia đình, tình bạn bè, tình yêu tổ quốc, nên mọi cảm nhận và và suy tưởng đều  bị chi phối bởi cảm tính. Do đó đâm ra thiên vị, một chiều thì cũng chẳng có gì là lạ và đáng trách cả, mà đôi khi còn trở nên đáng yêu, đáng mến nữa chứ.
 
 
Tài liệu tham khảo:
Cây cỏ VN - GS Phạm Hòang Hộ Sunset Western Garden 1998
The plan book. Cambidge University The Newyork botanical garden
The Importance of Living - Lâm Đường
Động hoa vàng - Phạm thiên Thư
Gối gốc Mai - Vô Ngã

 
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Ngọc Danh