NGUYỄN NGỌC DANH


 Ma Giáo Trong Tiểu Thuyết Kim Dung
 

 
 
 
Trong những cơn xáo trộn, nóng bỏng và bức thiết trên địa hạt chính trị ngày nay, chúng ta đều phải chấp nhận một cách phũ phàng rằng tôn giáo đã “bị” ở bên này - nhưng lại “được”  phía bên kia xem như là một thứ khí giới độc đáo để sát hại và chiến thắng kẻ thù. Thực ra vấn đề nhức nhối này cũng chẳng mới mẻ gì, nó đã từng xảy ra cách nay trên hàng nghìn năm, nhưng lúc đó con người còn trong tình trạng thuần chất về bản năng, thấp kém về văn hóa nên dễ bị lợi dụng trong mọi mưu đồ bất chính. Thực chất là như thế nên chúng ta có thể thông cảm cho người xưa.  Nhưng ngày nay thì lại khác con người đã vượt qua bao nhiêu ngàn khổ ải mới đạt được một nền văn minh khoa học tiến bộ rộng mở về cả hai phương diện vật chất và trí tuệ.   Chúng ta đã vượt bức tường âm thanh vươn mình vào không gian để khám phá vũ trụ.  


Nhân loại đang ngồi trước màn ảnh Tivi, chiếc computer trong căn phòng bé nhỏ để học hỏi và được thông tin về mọi vấn đề đã, đang và sẽ xảy ra chung quanh và khắp thế giới.  Những sự kiện ấy liên can mật thiết tới lợi ích hay nguy hại cho cộng đồng nhân loại, cho chính bản thân của mỗi chúng ta mà không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, quốc gia, đảng phái, giai cấp hay ngay đến cả giới tính. Thế nhưng tại sao vẫn còn một số đông cuồng tín muốn biến mình thành vật tế thần cho những tên phù thủy lợi dụng tôn giáo để làm chính trị. Tệ hại hơn nữa, bọn họ còn lợi dụng niềm tin vào thượng đế của tín đồ để kết thành vòng nguyệt quế đội lên đầu cho phe nhóm và chính bản thân mình.   Họ đóng kịch  một cách  tài tình khôn ngoan, họ vênh váo tự đại cho mình đầy chính nghĩa, tốt lành, thánh thiện hơn ai cà. Thượng Đế đã trở thành một phương tiện cho họ xử dụng, chứ không còn là đấng để cho họ tôn thờ.   Tôn giáo từ muôn thủa do các minh sư sang lập chỉ nhằm mục đích đem lại phúc lợi, hòa bình, an lạc cho con người.   Nhưng ngày nay con người đã đi ngược lại tâm ý của các Ngài.  Họ biến nó thành mũi nhọn xé nát lương tâm nhân loại.  Tôn giáo, sự sống và những công trình tuyệt tác do trí tuệ, trí huệ và bàn tay lao khổ của con người được xem không hơn gì một củ khoai, một đống rác hoặc tệ hơn nữa là một thứ bệnh dịch cần phải khai trừ.

                               

 

 Là một con người đang trôi lăn theo dòng sinh mệnh của nhân loại, tôi muốn lội ngược về dòng lịch sử, tìm về nguồn gốc các tôn giáo cổ đại để tìm xem có những sự khác biệt sâu xa nào giữa xưa và nay hay không. Thì thật bất ngờ tôi nhận thấy có một điều khá thú vị là  chính nhờ những mâu thuẫn khắc nghiệt giữa tôn giáo với tôn giáo, giữa tôn giáo với các triều đại trong lịch sử Trung Quốc (nhưng chính sử ghi một cách sơ sài) đã trở thành một số dữ kiện khá lý thú đã được tiểu thuyết gia kiêm học giả Kim Dung dựa vào đó để viết thành những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh.  Vì ông là một người tinh tế nên không đóng vai trò của một sử gia, một nhà phê bình, ông lấy tình yêu làm nền cho cuốn truyện rồi lồng vào trong cuốn truyện những xung khắc giữa thiện và ác, giữ tình yêu và lý trí, những suy nghĩ và hành động cận nhân tình hay bất cận nhân tình của  những con người đại diện cho triều đình hay những bang phái võ học tự cho mình là “Chính phái” hay bị xem như là một thứ “Ma Giáo” đã được Kim Dung diễn tả một cách tài tình trong các bộ truyện – Anh Hùng Xạ Điêu – Thần Điêu Đại Hiệp - Cô Gái Đồ Long.  Vậy Ma Giáo là thực hay hư cấu? Nếu  hư cấu thì chúng ta không có chủ đề trên. Nhưng nếu Ma Giáo có thực thì họ là ai?  Họ thuộc thành phần nào trong mỗi giai đoạn lịch sử thịnh trị hay suy tàn, an bình hay biến loạn dưới các triều đại Đường, Tống, Minh , hoặc đầy những thống khổ, đày đọa, bức bách dưới  triều đại ngoại tộc nhà Nguyên (Mông Cổ). Trả lời được những câu hỏi này chúng ta sẽ hiểu rõ chân tướng và bộ mặt thật của Ma Giáo trong tiểu thuyết Kim Dung

 

                            

 

 Kim Dung là một hiện tượng văn học của Trung Hoa và một số quốc gia chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa của họ.   Vì thế ông là một tác giả có lượng độc giả nhiều nhất tại Á Châu và các cộng đồng Á Châu trên khắp thế giới.  Những tác phẩm của ông đã được Tiền Phong –Từ Khánh Phụng dịch sang tiếng Việt và đã du nhập một cánh mạnh mẽ vào mảnh đất miền Nam Việt Nam từ thập niên 60 cho tới  khi Miền Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ vào tháng Tư năm 1975. Những ẩn số chính trị và những tư tương sâu sắc của nền triết học Á Đông ngầm chứa trong đó đã ảnh hưởng một cách nhẹ nhàng, lãng đãng lên một số quan niệm về nhân sinh trong mọi tầng lớp dân chúng miền Nam Việt Nam trong nhiều thập niên qua từ địa hạt chính trị tới văn học - từ thượng tầng trí thức trưởng giả tới lớp bình dân lao động – Từ giới tiểu thư công tử trói gà không chặt tới những chàng lính chiến oai hùng nơi chiến địa.   Đặc biệt  nhất là giới giang hồ anh chị và giới chén chú chén bác.  Nó cũng từ thành thị thanh lịch văn minh vượt qua những cây cầu tre, cầu khỉ vào tới tận hang cùng ngõ hẻm của xóm làng hiền lành xa xôi hẻo lánh.  Tất cả  những ảnh hưởng rất khó nắm bắt và những từ ngữ của Kim Dung đã vô thưởng vô phạt biến thành những suy tư và ngôn ngữ đời thường của chúng ta.  Muốn chê trách, mắng mỏ hay chửi rủa thì :” Đồ cái thứ Ma Giáo -  Nó là thằng (kẻ -lão)  Ngụy Quân Tử”.  Để tán tụng và khen thưởng người đẹp thì: Đẹp như Tiểu Long Nữ”.  Đa mưu lắm kế và cũng không kém ác độc thì như “Hoàng Dung – Triệu Minh”  - Uống rượu như hũ chìm và lang thang bất cần đời thì như “Lệnh Hồ Xung” Có một bí quyết độc đáo ngoài mình ra không ai có thì cho đó là  “Nhất Dương Chỉ” – Tránh né không muốn đối diện với sự việc mà chọn giải pháp tam thập lục kế tấu vi thượng sách với với món  ”Lăng Ba Vi Bộ” thì có Đoàn Dự.v.v..   Đó ! chúng đã đi vào cuộc sống đới thường của chúng ta một cách  kỳ lạ như vậy đó.   Thật cũng lạ lùng.

 Điển hình trong giới sinh hoạt chính trị Miền Nam VN có cố GS Nguyễn Ngọc Huy, ông là tác giả của nhiều cuốn sách giá trị.  Theo thiển ý của tối bên sau cuộc sống chính trị đầy sôi nổi, ông cũng đã dành nhiều thời giờ rảnh rỗi nghiền ngẫm nhiều bộ truyện của Kim Dung  Chính vì vậy ông đã cho ra đời cuốn  Những Ẩn số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Kim Dung.   Cuốn sách này đưa ra nhận xét: Những nhân vật chính trong một bộ truyện là biểu tượng cho một quốc gia hay một khối nào đó trong hiện tình thế giới ngày nay.  Đặt biệt những nhân vật trong bộ truyện Võ Lâm Ngũ Bá.  Đó là một tư tưởng khá mới lạ lúc bấy giờ tại Miền Nam Việt Nam. Vì trước đó ai cũng chỉ nghĩ rằng tiểu thuyết kiếm hiệp chỉ thuần túy giải trong Dịch Học trong truyện của Kim Dung).  Chính  vì điều đó mà cuốn sách của GS Nguyễn Ngọc Huy rất được nhiều người ưa thích.   Và cũng theo thiển kiến của tôi, chính nhờ đọc nó mà một số người sau này đọc truyện của Kim Dung, hoặc những người đã đọc nay đọc lại đều cảm thấy một cái gì khá mới mẻ, hấp dẫn và thích thú hơn bởi những điều ấn chứa trong đó.  Trong  giới văn học và báo chí thì không thiếu những từ ngữ của Kim Dung trong tác phẩm và bài viết của họ.   Hiện nay người Việt chúng ta có BS Trần Đại sỹ, ông là một học giả về Việt tộc và cũng là tác giả nhiều tập truyện dựa trên chính sử trong thời thượng và trung cổ của dân tộc để làm nền móng và nội dung cho những bộ truyện : Anh Hùng Lĩnh Nam – Động Đình Hồ, Động Đình Hồ Ngoại Sử - Anh Hùng Bắc Cương –Anh Hùng Tiêu Sơn,  Anh Linh và hầu hết nằm gọn trong “Ơn đền óan trả - hay luật quả báo “..chứ chẳng khi nào mang một  “Ẩn số “ chính trị hay môt hay ngầm chứa một giá trị tư tưởng cao siêu nào cả, .( Ở đây tôi xin được gợi ý tới tư tưởng Thần Võ Việt Tộc Ông đã không ngần ngại cho biết ông đã chịu ảnh hưởng của Kim Dung.   Trong bộ Anh Linh Thần Võ Việt Tộc   nơi trang 331 cuốn một ông trả lời cuộc phỏng vấn của TP như sau :  Về hình thức, hồi nhỏ học chữ Hán, tôi bị ảnh hưởng rất nhiều của La Quán Trung, Thị Nại Am, Ngô Thừa Ân, vì vậy tôi đã chọn chương hồi để thuật.  Sau lớn lên chịu ảnh hưởng của Alexande Dumas.  Từ năm 1962 chịu ảnh hưởng của Kim Dung (ALTVVT- I).   Trong giới quân nhân, một vị tướng đã một thời cầm vận mạng đất nước đã không ngần ngại ví mình như Trương Vô Kỵ muốn quăng đi mọi ân oán giang hồ để có thời giờ ngồi vẽ lông mày cho người yêu như Trương Vô Kỵ đã làm cho Triệu Minh   Với một số dữ kiện biểu tượng nêu trên cho chúng ta thấy sức thấm thấu kỳ diệu của Kim Dung mạnh mẽ đến như thế nào.

                                    

                   

 Trở lại chính đề Ma Giáo Trong Tiểu Thuyết Kim Dung.  Tôi nghĩ Ma giáo đóng một vai trò khá quan trong trong những bộ truyện kiếm hiệp của ông.  Đặc biệt trong các bộ: Anh Hùng Xạ Điêu – Thần Điêu Đại Hiệp- Cô gái Đồ Long.   Vậy bây giờ chúng ta khởi sự làm một cuộc hành trình đi tìm tông tích Ma Giáo đề xem thực nghĩa và ảo nghĩa của nó như thế nào.

 

   Tại Việt Nam đặc biệt tại Miền Nam chữ Ma giáo được dùng với ý nghĩa không mấy tốt đẹp và nó cũng chỉ xuất hiện sau khi tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung được phổ biến một cách rộng rãi.  Truy tầm trong các tự điển tiếng Việt từ năm 1931 tới nay tôi chỉ thấy có một cuốn mới xuất bản năm 1998 có chữ Ma Giáo mà thôi.

Trên trang web  www.vietshare.com có hai cuốn từ điển được xử dụng:

 -Tầm Nguyên Từ Điển của Bửu Kế  và Việt Ngữ Từ Điển của Thanh Nghị  

           Không có từ Ma Giáo

Sau đây là những cuốn từ điển ngoài internet.

-Việt Nam Từ Điển do ban văn học hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo in tại Hà Nội 1931 :  Không có từ Ma Giáo.

- Việt Nam Từ Điển : Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ.   Khai Trí ấn hành năm 1970  :  Không có từ Ma Giáo.

-Từ Điển Tiếng Việt Thông Dụng do Như Ý- Nguyễn Văn Khang – Phạm Xuân Thành.  NXB Giáo Dục in xong 7/1996 : Không có từ Ma Giáo.

- Từ Điển Tiếng Việt do Trung Tâm Từ Điển học. NXB Đà Nẵng in năm 1998 có từ Ma Giáo :

              Ma Giáo (tt) : Gian xảo, bịp bợm.

Như vậy kể từ năm 1998 chữ Ma Giáo mới thực sự đi vào từ điển Việt Nam với định tính là một Tĩnh Từ (tt) và được giải nghĩa  là Gian xảo, bịp bợm không lương thiện. Chữ Ma giáo được dùng trong ngôn ngữ tiếng Việt cho tới hôm nay nó không phải là danh từ để gọi một bang phái võ học hay tên một tôn giáo như chúng ta thường gọi như  Lão Giáo – Phật Giáo – Thiên Chúa Giáo v.v. nhưng nó mang ý nghĩa hoàn toàn trái ngược.  Ví dụ như để chỉ một kẻ thiếu lương thiện chúng ta gán cho hắn ( cô, bà, ông..)  một biệt hiệu khá độc địa là: Đồ cái thứ ma giáo -  Chơi cái trò ma giáo – hay chúng nó toàn là một phường ma giáo. Ma giáo trong những ngữ nghĩa này không viết hoa và nó chỉ là một tĩnh từ bổ nghĩa cho danh từ hay đại danh từ.

 Trong truyện Kim Dung  Ma Giáo“ mang ba ý nghĩa khác nhau :

-Thứ Nhất  do các môn phái tự cho mình là chánh phái gọi những  môn phái mà họ cho là tà phái là Ma Giáo

-Thứ hai: Do triều đình liệt nhóm phản loạn là Ma Giáo.

-Thứ Ba : Do chính một Bang Phái hay Bang Hội tự nhận mình là Ma Giáo.

.  Trong bộ truyện Cô Gái Đồ Long có ba môn phái đại diện cho phe chính phái là: Thiếu Lâm Tự - Nga My và Võ Đang. Tất cả các môn phái này đều xem Ma Giáo như một thứ tà phái ngoại đạo, một môn phái bất nhân bất nghĩa, tàn ác.  Họ cho Ma Giáo là những kẻ giết người không gớm tay với bất cứ lý do nào hoặc không cần một lý do nào.  Họ cướp của phá nhà của dân lành, hãm hiếp phụ nữ.  Họ hành động bí mật mờ ám.  Họ mang những danh hiệu đầy tự cao tự đại và gieo nỗi khiếp sợ khi nghe tới tên họ như : Kim Mao Sư Vương  – Thanh Dực Bức Vương – Bạch My Ưng Vương- Tía Sam Long Vương ( Kim Hoa Bà Bà). v. v... nghĩa là trăm thứ xấu xa, bỉ ổi đổ lên đầu tụi Ma Giáo.  Họ vạch một vạch một lằn ranh vô hình nhưng rõ rệt giữa Chính Phái và Ma Giáo như một biên giới giữa thiện và ác.  Phe chính phái bắt chúng đệ tử phải thề độc và tuân giữ. Họ không chấp nhận sự giao hữu và hiện diện của Ma Giáo -  Đặc biệt phái Thiếu Lâm và Nga My, trong khi đó phái Võ Đang thì có vẻ nhẹ nhàng uyển chuyển hơn. Do đó có một quy luật bất thành văn là các đệ tử của chính phái khi gặp Ma Giáo thì có quyền tàn sát thẳng tay, không khoan nhượng tha thứ. Tha thứ và khoan nhượng cho chúng là phạm tội, là phản lại sư môn đồng đạo. Sự cấm kỵ đi đến đến tột cùng đó là tình yêu trai gái.  Trai gái bên chính phái yêu thương trai gái bên Ma Giáo là một tội phạm tày đình.  Đối với phía Ma Giáo thì dường như không quan trọng lắm.  Nhưng bên Chính phái thì kẻ phạm vào luật cấm kỵ này thì không còn đất sống, không có chỗ để nương thân. Trường hợp của Kỷ Hiển Phù (Chính phái) và Hân Tố Tố ( Ma Giáo) là những điển hình, chúng ta sẽ đi vào chi tiết sau.

    Còn Ma Giáo thì xem bọn tự cho mình là Chính Phái chỉ là những kẻ giả nhân giả nghĩa. Tâm hồn họ cũng chất chứa đầy thù hận và tham vọng. Bàn tay họ cũng tanh hôi, dính đầy máu của đồng loại. Hãy nhìn qua danh hiệu của một ni sư trưởng của chính phái Nga My  là Diệt Tuyệt Sư Thái thì rõ. Bà tự giải thích Diệt Tuyệt có nghĩa là giết hết. Theo tôi nghĩ chữ diệt ở đây không mang ý nghĩa sát sinh, nhưng mang ý nghĩa: Dứt bỏ mọi sân si, trần tục của nhà Phật.   Nhưng!  Một chữ nhưng quái ác, chúng ta cứ nhìn vào cách xử tội người đệ tử ruột của bà là Kỷ Hiển Phù.  Hiển Phù trên đường hành hiệp giang hồn đã gặp một chàng trai võ nghệ cao siêu, dáng dấp thanh tao lịch lãm. Chàng chính là Dương Tiêu, một trong tư trụ đời thứ hai và đại cao thủ lừng lẫy của Ma Giáo.  Hai người đã yêu nhau, kết quả cuộc tình là một bé gái ra đời tên Dương Bất Hối với thông điệp là kết quả này giữa mối tình khắc nghiệt  Chính phái và Ma Giáo họ cũng không hối hận (Bất Hối).  Bà ghét Ma giáo đến xương tủy.  Khi Bà  hay biết được sự việc,  Bà cho rằng chính Ma Giáo đã dụ dỗ người đệ tử của Bà bằng thứ tà ma qủy mị và đã làm hại đời nàng.  Bà ra lệnh cho Hiển phù bằng mọi cách phải giết chết Dương Tiêu.  Nhưng vì Kỷ Hiển Phù quá yêu Dương Tiêu nên không bằng lòng. Như thế là nàng đã phá giới, không tuân thủ luật lệ và như vậy là làm nhục và phản lại sư môn, đồng đạo. Chỉ một chưởng Bà đánh vỡ sọ người đệ tử thân yêu nhất của mình đang run rẩy dưới chân bà trước mắt hai đứa bé Dương Bất Hối và Trương Vô Kỵ đang ẩn núp gần đó.

 

 Ma Giáo dưới cái  nhìn của các triều đại Trung Quốc : Tùy- Đường- Tống –Nguyên –Minh họ là những nhóm phản loạn của triều đình. Tới đây chúng ta từ lãnh vực tiểu thuyết bước sang phần chánh sử.  Đây là một ngõ rẽ quan trọng chúng ta bắt buộc phải đi vào để tìm ra chân tướng thực sự của Ma Giáo.  Như tôi đã trình bày trên,  Kim Dung tiên sinh luôn dựa vào một số sự kiện thực của lịch sử  dàn dựng cho những bộ truyện của mình.  Do đó muốn hiểu được phần nào những ẩn số và ý tưởng của ông trong đó chúng ta bắt buộc phải đọc lại giòng lịch sử Trung Quốc một cách khá tỉ mỉ và tinh tế, cũng như phải thấu hiểu về tư tưởng Đạo học Đông Phương thì mới nắm bắt được. Và cũng chính từ đó chúng ta sẽ nhận diện được Ma Giáo là ai, thuộc thành phần nào, họ đóng những vai trò nào trong tiến trình sáng chói, huy hoàng hay lúc bất ổn suy tàn của các triều đại  Tùy –Đường – Tống –Nguyên - Minh để Kim Dung dựa vào đó mà viết lên những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh như vậy. 

                

 

Khi con đường tơ lụa (Silk Road) thực sự được khai mở và trở thành con đường huyết mạch buôn bán với các nước lân bang vùng Tây và Tây Bắc thì Trung Quốc là một tụ điểm rất quyến rũ cho những con người có đầu óc mạo hiểm thương mại. Có hai con đường khời đi từ miền cực Đông của Trung Quốc.
1) Con đường bắt đầu từ Thượng Hải chạy lên Tây An. Lạc Dương đến Tràng An rồi đâm thẳng vào vùng Tân Cương tới Đôn Hoàng.
2) Con đường thứ hai bắt đầu từ vùng ranh giới Mãn Châu qua Bắc Kinh rồi chạy dọc theo Vạn Lý Trường Thành, sa mạc Gobi của Mông Cổ rồi cũng đâm thẳng vào Tân Cương, Đôn Hoàng.   Tại ngã ba Tân Cương – Đôn Hoàng lai chia thành hai tuyền lộ.   Một rẽ về hướng Bắc đi vào địa vực thung lũng Afghanistan tới thành phố Harat qua Teheran (Ba Tư –Iran) tiếp tục đi về hướng Tây Bắc tới Lưỡng Hà (Baghdal). Từ Baghadal lại chia thành hai ngả:  Một đi vào Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) tiếp tục tới Hy lạp (Greek) va Tây Âu. Đoạn hai đi từ Baghdal  tới Damacus (Jordan) đổ vào Lebanon va Do Thái (Israel).   Đây là con đường đầy gian nan, khổ ải  mà vào khoảng 1200 Marco Polo đã từ thành Viene nước Ý tới Trung Quốc làm quan cho triều đình nhà Nguyên thời Nguyên Thái Tổ Hốt Tất Liệt. Cũng chính con đường này các  tôn giáo cổ xưa vùng Tiểu Á theo chân người thương nhân đến trung Quốc..

 Tuyến đường thứ hai từ ngã ba Tân Cương đi về hướng Tây chạy dọc theo chân núi Hy Mã Lạp Sơn  vào địa vực Đông Bắc Pakistan rồi chạy thẳng vào Ấn Độ.  Đây là con đường lịch sử và đầy huyền thoại của  Phật Giáo Trung Quốc vì chính Đường Huyền Tăng đã theo con đường này di thỉnh kinh tại Thiên Trúc (Ấn Độ) trong vòng mười sáu năm. Sỡ dĩ nó đi vào huyền thoại vì sức tưởng tượng phong phú, tuyệt vời của Ngô Thừa Ân trong truyện Tây Du Ký.

 Sự phồn thịnh bởi những tuyến đường kể trên về vật chất bao giờ cũng nâng cao đời sống và tạo nên một luồng giao lưu văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo do  xã hội và con người tiếp cận với nó.  Những luồng tư tưởng và tôn giáo đã theo chân người buôn bán từ vùng Lưỡng Hà và Tiểu Á (Mesopotania and Persia) tức Iran va Iraq ngày nay du nhập vào Trung Quốc. Mạnh mẽ và tấp nập nhất vào ba triều đại Tùy (589-617) – Đường ( 618-906) – Tống ( 906-1279) . 
Đời Đường là một triều đại cực thịnh về văn trị.  Các thế lực tư tưởng và tiền bạc của kẻ trí thức và thương gia giầu mạnh ngoại nhân đã bắt đầu ảnh hưởng tới giai cấp trưởng giả và tập đoàn thống trị của chính quốc. Họ đã có người len lỏi vào làm việc, làm quan trong triều đình.  Họ được tôn trọng kính nể và lẽ đương nhiên họ được hưởng những đặc lợi, đặc quyền của triều đình. Nhưng kể từ khi có cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn dưới thời Đường Minh Hoàng –Dương Quý Phi thì họ bị nghi kỵ, thậm chí còn bị truy lùng, cấm đoán không cho truyền bá hai hệ tư tưởng liên quan tới vấn đề tâm linh.  Hai hệ tư tưởng đó là đạo Zoroastrian và Mani từ vùng Tiểu Á được họ đưa vào và được một số đông người bản xứ theo gọi là Đạo Thờ Lửa – Minh Giáo hay Mani.  Vì thế lực của họ càng ngày càng mạnh và có nhiều kẻ lợi dụng  tôn giáo này để khởi loạn nên triều đình có ý muốn tiêu trừ hậu hoạn và cố ý sát nhập hai tôn giáo này lại thành một với một tên là Ma Giáo để dễ tiêu diệt.  Tới đây chúng ta cũng phải đề cập tới một khía cạnh khá quan trọng khác đó là sự phát triển âm thầm nhưng thật thâm sâu của nền Phật Giáo Đại Thừa phát nguyên từ Ấn Độ.    Theo lịch sử Phật Giáo Trung Hoa thì Phật  Giáo được du nhập vào Trung Quốc cuối đời nhà Hán (25-220 AD).  Bắt đầu bén rễ vào những năm 317-589 AD và thực sự phát triển mạnh mẽ vào những năm 589-910.  Đây là khúc rẽ quan trọng  cho nền tư tưởng triết học Đông Phương nhất là nền thiền học của Trung Hoa sau này. Với sự xuất hiện và truyền thừa của Đạt Ma Tổ Sư cộng thêm sự nghiệp dịch thuật đồ sộ của Đường Huyền Tăng qua ba bộ kinh Luận Tạng –

                              

Kinh Tạng – Pháp Tạng. Được ông thỉnh về từ Ấn Độ đã thổi một luồng gió mới vào tâm hồn người Trung Hoa thời bấy giờ..   Do đó ông được gọi là Đường Tam Tạng. (Tạng tiếng Sanskrit có nghĩa là chứa – chuyên chở).  Phật giáo Ấn Độ được truyền vào Trung Quốc tới thới kỳ này đã tự chuyển hóa thành Phật Giáo Trung Hoa.  Tư tưởng Thiền Học bắt đầu khai mở và sinh hoa kết quả. Chùa chiền và tăng lữ thời kỳ này được triều đình đặt biệt nể trọng và ưu đãi.  Nhà chùa có quyền sở hữu ruộng đất để canh tác sinh sống, được hưởng những tài vật dâng cúng mà không bị đóng thuế.  

   Trong một xã hội mà hai nền triết học Khổng Mạnh và Trang Lão đã ăn sâu vào mọi tầng lớp dân chúng hàng ngàn năm cộng thêm hệ thống tư tưởng Phật Giáo vừa mới bén rễ thì một luồng tư tưởng mới mẽ và xa lạ như Đạo Lửa- Đạo Mani  theo bước chân của thương nhân xâm nhập vào mảnh đất màu mỡ này thì không thể nào tránh khỏi những cái nhìn đầy nghi kỵ, thiếu thiện cảm của những con ngưởi bảo thủ cho dù họ có là một nhà tu hành.  Tuy nhiên hai luồng tư tưởng mới ấy cũng có một số đông quần chúng tin theo.  Chính về điểm này họ đã trở nên như một cái gai trước mắt. Vì vô hình chung họ đã phạm vào một điều cấm kỵ muôn đời của con người là đụng chạm tới quyền lợi của người đang có quyền hưởng thụ.  Sự hiềm khích của lớp người bảo thủ về truyền thống và tôn giáo đã thực sư phát sinh đối với hai tôn giáo ngoại lai .  Sự hiềm khích ấy mạnh hay yếu còn tùy thuộc vào một yếu tố rất quan trọng đó là triều đình đương thời. Nếu triều đình che chở hoặc ủng hộ nền tư tưởng mới mẽ này thì sự hiềm khích cứ âm ỉ. Nhưng nếu triều đình ra mặt chống đối và xem họ như một mối nguy hại cần phải tiêu trừ thì như một thùng dầu đổ vào đống lửa.   Nó bộc phát một cách dữ dội đi tới mức thô bạo tàn nhẫn.   Sự kiện này chúng ta thấy rất rõ ràng trong các triều đại vua chúa sau này ở các nước Á Châu đối xử với đạo Thiên Chúa.  Ngay chính đạo thiên Chúa cũng đã bị đối xử tương tự trên mảnh đất Roma ngày xưa.  Họ cũng bị gọi là tà đạo, tà ma. Minh Giáo hay Ma Giáo cũng là nạn nhân trong trường hợp tương tự này.

  Khi nhà Tống truyền tới Tống Huy Tông thì bắt đầu suy tàn.  Trong khi đó quốc gia Mông Cổ bắt đầu hùng mạnh.  Họ chiếm gần một nửa Châu Âu và đang tìm đủ mọi cách đánh bại nhà Tống để thống trị Trung Hoa. Giai đoạn lịch sử này đã được Kim Dung đưa vào để viết hai bộ truyện Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp.  Ông đã tạo ra một anh hùng Quách Tĩnh và cho cả gia đình ông hợp lực với dân chúng chống giữ thành Tương Dương đang nằn dưới sức tấn công vô cùng  mãnh liệt của quân Mông Cổ.  Chính nơi đây Quách Tĩnh đã được Dương Quá giải thoát khỏi vòng vây của quân Mông Cổ.  Cũng chính nơi này Dương Quá bị chặt đứt một cánh tay do lòng ghen tương và hận thù của Qúach Phù.  Cuối cùng Quách Tĩnh đã hy sinh và thành Tương Dương đã thất thủ. 

     Quân Mông Cổ thực hiện được giấc mộng thống trị Trung Quốc và lấy quốc hiệu là Đại Nguyên. Họ áp dụng chính sách cai trị đầy bản chất du mục hoang dã lên một quốc gia có nền văn hóa vời vợi lâu đời, nền văn minh nông nghiệp định canh và thành thị thương mại bằng roi ngựa thô bạo du mục của kẻ chiến thắng.  Đói khổ, đày đọa, lăng nhục xảy ra hằng ngàỳ và khắp mọi nẻo đường đất nước. Tư tưởng  và các chống đối ngoại bang mỗi ngày một lớn mạnh. Các chính phái và nhất là Minh Giáo,  họ làm cho triều đình lo ngại ngày đêm ( Xin mở một dấu ngoặc nơi đây là Minh Giáo hay Ma Giáo lúc này hoàn toàn do người Hán cẩu đầu.)  họ có một kẻ thù chung là Triều Đình  nhà Nguyên mà trong truyện Triệu Minh và thế lực của nàng là biểu tượng cho triều đình.  Trong đó lực lượng nhóm Khăn Đỏ do các thành phần Minh Giáo lãnh đạo lớn mạnh nhất. Chính Chu Nguyên Chương khởi nghiệp Đế cũng đã từ đây bước ra và nhờ thế lực này đã thành công trong việc đánh đuổi quân Nguyên lập nên một triều đại hùng mạnh là Nhà Minh. Sau khi thành công và lên ngôi, để nhớ ơn Minh Giáo ông đã lấy quốc hiệu là Đại Minh.  Và cũng chính Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) từ Minh Giáo lập nên  nghiệp Đế, nên  ông nhìn rõ mầm mống nguy hại sau này của Minh Giáo do đó ông không ngần ngại thẳng tay tiêu diệt.  Kể từ đó Minh Giáo – Ma Giáo biến mất trên mảnh đất Trung Hoa.

 Từ Ma Giáo ra đời la do chính các triều đại Trung Quốc và các Chính Phái đặt ra để đánh lận con đen, vu khống cho Minh Giáo là một tà ma ngoại đạo ma quỷ,  để gây chia rẽ và lòng thù hận với các tôn giáo khác cũng như dân chúng để dễ đàn áp tiêu diệt.  Học giả Kim Dung đã dựa vào điểm chính sử này để viết lên các bộ truyện kiếm hiệp lùng lẫy nỗi cộm nhất là Cô Gái Đồ Long.

  Câu truyện khởi đầu bằng việc người con gái thứ hai của Quách Tĩnh và Hoàng Dung là Quách Tường lên chùa Thiếu Lâm hỏi thăm tin tức về Thần Điêu Đại Hiệp Dương Quá người mà nàng yêu thầm nhớ trộm. Sự việc xảy ra ngoài sự dự đoán của nàng là cuộc tranh đấu võ học giữa Thiếu Lâm và Côn Luân Tam Thánh. Nhà sư Giác Viễn và một đệ tử tục gia của ông là Trương Quân Bảo đánh bại Cô Luân Tam Thánh.  Nhưng lại bị hàm oan là học trộm võ của Thiếu Lâm.  Họ bị tra khảo và đánh đập.  Hai thầy trò phải chạy trốn khỏi Thiếu Lâm, cuối cùng Giác Viễn đuối sức, nhưng trước khi chết ông đã truyền đọc Cửu Dương Chân Kinh cho Quân Bảo và Quách Tường nghe trong khi đó có một vị sư Thiếu Lâm là Viên Chân núp quanh đó nghe lóm.  Quách Tường sau đó sáng lập ra phái Nga My.  Trương Quân Bảo sáng lập lên phái Võ Đang lấy biệt hiệu là Trương Tam Phong.  Cả hai phái võ học này sau đó trở thành hai môn phái lừng lẫy trong gia hồ ngang hàng  với Thiếu Lâm Tự.

                                       

 

 Võ Đang có bảy đệ tử được Trương Tam Phong rèn luyện thành những chàng trai đầy đức hạnh, tiết tháo,  trượng phu và những tay kiếm tuyệt luân được giới giang hồ bất kể chính hay tà nể trọng.  Sóng gió bắt đầu nổi lên khi trên con đường hành hiệp vùng Giang Nam.  Người đệ tử thứ ba của phái Võ Đang là Dư Đại Nham vô tình dăng díu vào chuyện tranh chấp đẫm máu của giang hồ để chiếm cho được thanh Đồ Long Đao.  Chàng bị kẻ ác ám hại đến toàn thân bất toại.   Đứng trước thảm cảnh của người đệ tử thân yêu, Trương Chân Nhân sai người đệ tử yêu quý nhất của mình là Trương Thúy Sơn  xuống núi truy lùng  hung thủ.  Chàng là một chàng trai tuấn tú văn võ song toàn.  Tương Tam Phong đã để hết tâm ý rèn luyện cho chàng  trở thành một hiếp khách lừng lẫy với tuyệt  chiêu kiếm pháp và  nhân cách cao thượng của một bậc danh gia chính phái với niềm ước mơ chàng sẽ là người chưởng môn đời thứ hai.  Thúy Sơn vâng lệnh sư phụ xuống núi đi tìm hung thủ ám hải sư thúc của mình.  Chàng bước chốn giang hồ hiểm ác đầy gió tanh mưa máu của hận thù và lòng tham vô độ với một tâm hồn của một chính nhân quân tử thuộc chính phái.   Cũng như tam sư thúc của mình, chàng đã vô tình bị cuốn hút vào trận cuồng phong tranh đoạt thanh Đồ Long Đao của ba thế lực,  Chính phái tiêu biểu là Thiếu Lâm – Ma Giáo (Minh Giáo) –Triều Đình (Triệu Minh và các thế lực khác hợp tác với  triều đình nhà Nguyên).   Chàng vô tình kết thân với một trang giai nhân tuyệt sắc võ nghệ cao cường Hân Tố Tố.  Chàng không hề biết nàng chính là con gái của đại ma đầu Bạch My Ưng Vương Hân Thiên Chính.  Trên con đường trốn trách sư truy lùng của giang hồ Hắc Bạch.  Tạ Tốn đã mang hai người tới Băng Hỏa Đảo.   Ở đó hai kẻ một Chính một Tà  đã thực sự yêu nhau và họ đã kết hôn dưới sự chứng giám của Tạ tiền bối, một trong tứ đại cột trụ của Minh Giáo gồm : Tía Sam Long Vương – Bạch My Ưng Vương – Thanh Dực Bức Vương – Kim Mao Sư Vương.   Cái bản chất ngang trái và nghịch lý  giữa Chính với Tà, giữa thiện và ác, giữa Đen và Trắng đó Kim Dung đã áp dụng đúng theo nền tư tưởng triết học Lão Giáo và Dịch Lý.  Chính những nghịch lý, những trái ngược trong trời đất này chúng ta mãi  tưởng như là xung khắc, hủy diệt nhau,  nhưng thực sự lại tương dung nhau.  Chính cái tương dung đó ( bản chất của tình yêu) thường tạo nên những kết quả tuyệt vời mà biểu tượng đó chính  là Trương Vô Kỵ  nhân vật chính trong bộ truyện.  Một cậu bé tuyệt thông minh có một tâm hồn cao thượng và đức hạnh lại chính là kẻ mang hai dòng máu Chính - Tà.  Một kết quả  phải trả bao nhiêu thống khổ kể cả cái chết vô cùng đau thương của hai vợ chồng Thúy Sơn và Tố Tố cho cuộc tình ngang trái –nghịch lý này. .

 

  Từ Băng Hảo Đảo trở lại Trung Quốc.  Gia đình Trương Thúy Sơn bị cả hai phe Chính Tà truy bức. Họ kéo nhau lên Võ Đang truy hỏi về thanh Đồ Long Đao và chỗ ở của Tạ Tốn .  Trong khi đó Trương Vô Kỵ đang mang thương tích quá nặng do trúng huyền minh chưởng của nhóm hắc đạo làm việc cho triều đình.   Khi về tới Võ Đang,  Trương Thúy Sơn khám phá ra người vợ của mình là một nửa nguyên nhân đã gây nên thương tích thảm họa cho tam sư thúc Dư Đại Nham.  Trước mặt sư phụ, anh em đông môn và đám quần hùng Hắc Bạch Tương Thúy Sơn đã rút kiếm tự tử, Hân Tố Tố quá đau khổ cũng quyên sinh theo chồng.   Trương Vô Kỵ đang mang một chứng thuơng chờ ngày chết giờ đây đứng trước cảnh thê thảm của cha mẹ bởi lòng hận thù và tham lam quá độ của giang hồ, cậu lại mang một vết thương lòng không thể xóa mờ.   Với đầu óc thônng minh và nhạy cảm, cậu đã lờ mờ nhận thấy bộ mặt thật của kẻ tự cho mình là chính phái và sư thực oái oăm cho kẻ bị gọi là Ma Giáo – tà ma ngoại đạo.

 

  Với tuổi đời khôn lớn và lịch lãm trong giang hồ, càng ngày Vô Kỵ càng nhận thấy Chính –Tà hay lòng oán hận đều do lòng cuồng tín, mù quáng, một chiều mà sinh ra.  Chàng mong ước mang cái sở học tuyệt luân về võ công và lòng nhân ái của mình để hóa giải , đem lại sự thông cảm để tránh được những lỗi lầm đáng tiếc cho đôi bên Chính –Tà mà chỉ có một kẻ thù chung là kẻ thù của dân tộc.   Chúng ta thử nghe một khúc đàm thoại giữa Vô Kỵ và những nhân vật được xem là Ma Giáo thử coi họ Ma Gíao tới cỡ nào.

 

Trong bộ Cô Gái Đồ Long cuốn 3 từ trang 314-315 : “Vô Kỵ nghe những lời nói của mấy người đầu óc hoang mang thầm nghĩ : Thế ra trong Minh Giáo còn nhiều ngường quân tử đến như vậy, chứ không phải người nào cũng tồi bại như người ta tưởng đâu.“ Nghĩ đoạn chàng liền nói

Nói Không Được đại sư có thể cho tôi biết tôn chỉ của quý phái ra sao không.

Nói Không Được đằng hắng một tiếng rồi nói tiếp.

 - Chú em, nguồn gốc Minh Giáo chúng tôi xuất xứ ở nước Đại Thục (Iran-va Iraq- Chú thích của người viết) truyền vào Trung thổ từ đời nhà Đường, lúc ấy vua Đường cho lập chùa Đại Vân Quang Minh ở khắp nơi, những chùa đó là của Minh Giáo chúng tôi.  Giáo nghĩa chúng tôi là chúng sinh bình đẳng, nếu có tiền bạc thì phải đem ra cúng tế giúp đỡ người nghèo ăn chay kiêng rượu, sùng bái Minh Tôn.  Chỉ vì các tham quan ô lại của các triều đại đè nén giáo phái chúng tôi.  Từ đời Bắc Tống, Giáo chủ Phương Liệt tới giờ không biết bao lần  khởi nghĩa đánh những tham quan ô lại ấy rồi ( Phương Liệt là một trong tứ đại khấu với Tống Gian nổi danh năm Thiên Hòa thời Bắc Tống).

Phải đến năm Kiến Điện  thời Nam Tống có vị giáo chủ Vương Tôn Thạch khởi nghĩa ở Tín Châu.   Năm Triệu Hưng,  giáo chủ Dư Ngữ Bá khởi nghĩa ở Từ Châu.  Đến năm Thiên Định lại có giáo chủ Trương Tam Thương khởi nghĩa ở Quảng Đông và các nơi khác.   Từ xưa tới nay bổn giáo vẫn đối lập với triều đình, nên triều đình gọi bổn giáo la Ma Giáo và bị cấm chỉ hoạt động.   Vì sự sống còn chúng tôi phải hoạt động cách bí mật  mới tránh được tai mắt của quân binh.   Còn các môn phái lớn thích oán cừu với bổn giáo.  Tất nhiên bổn giáo cũng có một số người có hành vi  bất chính bị các đại môn phái bắt được quả tang, nên danh dự của bổn phái mới bị suy vi.

 

Qua những đoạn văn trên chúng ta thấy Ma Giáo không phải là một giáo phái thờ ma quỷ, một thứ tà ma ngoại đạo như chúng ta nghĩ từ trước tới nay.  Tôn sư của họ không phải là Satan, hoặc Ma Vương nào đó.  Tôn sư của họ tôn thờ là Mani, đấng sáng lập ra đạo Mani.  Vậy từ Ma Giáo có nghĩa là tôn giáo thờ đấng sáng lập tên Mani.  Điều này chúng ta cũng thấy được áp dụng cho các tôm giáo khác.  Như đạo Phật là đạo tôn thờ Đức Phật nên ta gọi là Phật Giáo.   Đạo Thiên Chúa thờ đấng thiêng liêng là Thiên Chúa nên có tên là THIÊN Chúa Giáo.   Vậy bây giờ chúng ta khởi bước  vào con đường Tơ Lụa (Silk Road ) theo vết chân những người lái buôn về tận quê hương xứ sở của họ để tìm hiểu nguồn gốc hai tôn phái Zoroastre va Mani được gọi là Minh Giáo và cũng bị đồng hóa là Ma Giáo theo nghĩa xấu xa tại Trung Quốc.

 

 

                                                                                                                                                          Hình Internet

Theo tinh thần và mạch bài ở đây, chúng chỉ muốn tìm hiểu về xuất xứ một cách tổng quát về Ma Giáo hay Minh Giáo trong tiểu thuyết Kim Dung, chứ không nhằm đào sâu vào tư tưởng triết lý hay thần học của hai tôn giáo nói trên.  Do đó chúng ta chỉ lướt qua để có một cái nhìn tổng quát về họ

Đạo Zoroaster khởi xướng từ Ba Tư (Iran) vào khoảng thế kỷ thứ V trước công nguyên.  Kinh điều chủ yếu là Avetsta thường được gọi là "Kinh Cổ Ba Tư".  Giáo lý chung là Nhất Thần Luận về Thần Học và Nhị Nguyên Luận về triết lý.  Nghĩa là họ tin có một Đấng (Thần hay Chúa) duy nhất sáng lập nên vũ trụ và làm chủ vũ trụ đến muôn đời.   Trong cái thế giới Ngài sáng lập ra đó có hai đối cực là  SÁNG  và  TỐI, THIỆN và ÁC luôn chi phối vũ trụ.  Họ tin rằng Lửa là hiện thân của tốt lành, của sự sống.  Lửa là đại diện cho thần linh cao cả. Bóng tối tượng trưng cho chết chóc và gian ác. Họ cũng tin vào ngày tận thế, sự phán xét và chính con người phải chịu lấy trách nhiệm trên mọi hành động của mình.  Làm thiện thì hưởng mọi phước đức tốt lành.  Làm ác thì chịu nhiều khổ đau nghèo khổ.  Họ tin vào các thần Lửa, thần Đất, thần Nước...  Một số nghi thức tế tự mà các giáo chúng phải tuân thủ.

Lửa Thánh : Lửa là vật chí Thánh, thanh tịnh, sáng láng . Sự lễ phép, ca ngợi, trọng vọng đối với Lửa là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên đối với giáo đồ.  Tới đây chúng ta hiểu tại sao Minh Giáo thờ Lửa, và khi có Hỏa Lệnh thì mọi Giáo đồ phải quỳ xuống kính lạy như Kim Dung đã nói trong CGDL.

Lễ Tân Sinh : Quy định nam nữ lên 10 tuổi đều phải cử hành nghi thức nhập môn.  Mặc áo Thánh, dây lưng Thánh.  Hai vật này phải mặc suốt đời để không bao giờ quên .  Kim Hoa Bà Bà và Tiểu Siêu là nữ Thánh từ Ba Tư  trong  CGDL

Nghi thức Thanh Tịnh : Có ba loại :

            Tiểu Tịnh : Phải tắm rứa trước khi đọc kinh văn

            Đại Tịnh : Khi làm lễ Tân Sinh, kết hôn, sanh nở.

             Đặc Tịnh:  Dành cho người có thần chức và vận chuyển người chết.

Lễ Táng : Zoroaster coi, Lửa, Nước, Đất là thần thánh nên phải đối thủy táng, hỏa táng và thổ táng mà thực hành Thiên Táng hay Điểu Táng.  Các giáo đồ khi chết được đưa vào tháp Darkhmas  ( Tháp Vắng Vẻ Huy Quạnh).  Thi thể được đặt trên phiến đá lộ thiên trên đỉnh tháp cho diều quạ ăn.  Khi chỉ còn bộ xương khô, thân nhân sẽ đem đổ xuống chiếc giếng bên trong tháp.

Đạo Zoroaster được truyền vào Trung Hoa từ cuối đời Tùy và được người Trung Hoa gọi là Đạo Hỏa Tiên hay Đạo Thờ Lửa..  Tới đây chúng ta thấy người Minh Giáo tại Trung Hoa thờ lửa.  Thánh hỏa lệnh là một báu vật chí thiêng của Minh Giáo đã được Kim Dung mô tả trong Cô Gái Đồ Long và cho mang một sứ mệnh trần tục là có ẩn chứa một số bí quyết võ công.  Nhưng đó là chuyện tiểu thuyết.

 

Đạo Mani :  Tiếng Anh Manichaeims là một tôn giáo mang tính thế giới. (Hiện nay tại Phan Rang có một làng người Champ còn theo đạo Mani).  Hưng khởi vào thế kỷ thứ III sau công nguyên.   Người sáng lập tên Mani, nên người ta lấy tên ông đặt cho đạo này.  Đạo này dựa trên cơ sở lý luận của ba tôn giáo: Phật Giáo – Thiên Chúa Giáo- Zoroastre mà thành hình tín ngưỡng tôn giáo mình. Giáo lý căn bản là Nhị Tông Tam Thế Luận.  Nhị Tông chỉ về Ánh Sáng- Bóng tối, Thiện – Ác.  Tam thế là : Sơ Thế, Trung Thế và Hậu Thế.  Có nghĩa là Quá Khứ - Hiện Tại và Tương Lai. Vì chịu ảnh hưởng bởi Zoroastre nên họ thờ Lửa và thực hành điểu táng.   Vì ảnh hưởng của Phật Giáo nên họ ăn rau, cử thịt , không sát sinh.   Vì ảnh hưởng đạo Thiên Chúa nên họ tin có thiên đàng, hỏa ngục, ngày tận thế, họ cũng tin có vườn địa đàng , Adam và Eva là thủy tổ của loài người.   Mani tự xưng mình là Giesu của ánh Sáng.  Đạo Mani tại Âu Châu bị coi như là một ngụy giáo và bị Kito giáo bài xích nặng nề.   Vào thời kỳ Oaramu I chấp chánh tại Ba Tư (274-277)  Đạo Mani uy hiếp tới đạo Zoroastre nên bị quy tội là ngụy giáo và chính Mani  bị kết án và bị đóng đinh trên thập giá.

 

Giới Luật :   Khái quát giới luật của Mani là Tam Phong và Thập Giới

Tam Phong: Khẩu Phong – Thủ Phong – Hung Phong.  Khẩu phong là chế độ nghiêm ngặt về miệng lưỡi: Không ăn thịt, không uống rượu, không nói càn bậy.  Thủ phong: không làm những điều bậy bạ trong bóng tối.  Hung phong là nghiêm cấm các tư tưởng xấu xa, dục vọng.

Thập Giới gồm có: 1) Không thờ tượng gỗ -  2) Không nói càn -  3)Không tham dục -  4) Không sát sinh - 5) Không gian dâm - 6) Không trộm cắp - 7) Không lừa đảo và tin lời ma thuật- 8)Không hai lòng hoài nghi - 9) Không làm biếng  10)  Mỗi ngày tiến hành bốn hay bảy lần cầu nguyện.

Chung quy chúng ta thấy những giới luật của họ là những điều khuyến thiện, khuyên răn cấm đoán giáo đồ không làm những điều thương luân bại lý gây tổn hại cho kẻ khác và cho đồng đạo.   Như vậy chúng ta nhận thấy đạo Mani không khác xa với các tôn giáo khác trong giới luật tuân giữ.  Có lẽ vì tính chất khá phức tạp do sự du nhập khá nhiều tôn giáo vào một do dó làm cho người ta dễ lẫn lộn.   Điều đó sinh ra sự hiểu lầm và gán cho đạo Mani là tà giáo, ngoại đạo

Theo chính sử Trung Hoa thì Mani thực sự truyền vào Trung Quốc từ đời nhà Đường thời Võ Tắc Thiên  trị  vì.  Có một người Ba Tư tên là Pototan đem Nhị Tông Kinh vào giảng  trong triều đình.   Hoàng đế Võ Tắc Thiên ra lệnh cho ông biện luận với tăng đồ.  Bà thích giáo lý của Mani nên giữ lại kinh và cho phép đạo Mani được truyền rao trong dân chúng.   Chính nhờ sự che chở của triều đình nên đạo Mani phát triển mạnh mẽ và có nhiều ưu thế hơn Zoroastre. Nhưng vào các triều đại sau này triều đình, dân chúng và các phái võ lâm đều gọi chung họ (Mani và Zoroastre)  là Minh Giáo vì họ thờ lửa là một biểu tượng cho trong sáng, tốt lành .  Phập Giáo tôn thờ đức Phật, Kitô Giáo tôn thờ Đức Jesu thì Mani họ tôn thờ Mani là người sáng lập.  Nhưng với tinh thần hiềm tỵ, ganh ghét vì quyền lợi, họ bị gán cho là Ma Giáo để đồng nghĩa với một tôn giáo tà ma, tối tăm, gian ác.  Trong tâm trí của chúng ta, tôn giáo luôn hướng dẫn con người đi tới con đường Chân Thiện Mỹ. Nhưng trong bất cứ một tôn giáo nào cũng có những tín đồ hoặc vô tình, hoặc cố ý lạm dụng, làm những điều sai khuấy làm giảm sút uy tín của cả một tôn giáo.  Như vậy không vì một thiểu số đó mà chúng ta lên án cả một tôn giáo. Lịch sử là những điều lập lai của quá khứ.  Lịch sử cận đại chính vì lòng bảo thủ mà Kito Giáo cũng đã bị bách hại và gán cho là tả đạo là tà giáo.  Những Kito hữu bị thích chữ  TẢ ĐẠO vào mặt, vào trán tại các quốc gia Á Châu: Đại Hàn, Nhật Bổn, Trung Hoa, Việt Nam.  Nhưng nếu bình tâm, không thiên vị hẹp hòi, nhỏ nhoi, chúng ta nhìn lại đã hơn 2.000 năm trôi qua  Kitô giáo đã đem lại những gì cho nhân loại.   Họ đem lại rất nhiều công ích, hạnh phúc hay sự phá huỷ, bất ổn cho con người?  Con người là một sinh vật khôn ngoan biết chọn lựa cái hay, cái tốt và sẽ ruồng bỏ, kết án những điều xấu xa, tàn ác mặc dù  chính những điều tàn ác giả dối đã , đang và sẽ có một thời ngự trị .  Nhưng cũng chính lòng người và thời gian sẽ đem ra ánh sáng những điều xấu xa gian dối. Chính ánh sáng và lòng lương thiện của con người cũng sẽ kết án và chôn vùi chúng. Lịch sử ngày nay lại đang lập lại, nhưng nó biến dạng dưới một hình thức khác. Tôn giáo vẫn bị lạm dụng và vẫn bị xem như một thứ Ma Giáo tân thời.

 

 Từ trước tiểu thuyết võ hiệp vẫn mang danh nghĩa hoàn toàn giải trí.  Tuyệt nhiên không nhuốm màu sắc triết lý, chính trị.   Nhưng nay học giả Kim Dung  đã thổi một luồng sinh khí  mới vào đó.  Chính là do ông đem các sở học sâu sắc về dịch học, triết học của Phật Giáo và Lão Trang làm thành cái hồn cho những bộ tiểu thuyết của mình.  Chúng mang một bộ mặt thật mới mà từ trước tới nay chưa ai làm nổi và chính vì vậy chúng cũng mang cái hình bóng của con người và xã hội ngày nay. Sự mê hoặc nơi tiểu thuyết của ông là ở chỗ đó.   Một Nhất Đăng Đại Sư, Không Kiến Thiền Sư, Trương Tam Phong, Quách Tường…họ phiêu hốt thoát tục.   Một Tiêu Phong, một Dương Quá, một Lệnh Hồ Xung,  một Trương Vô Kỵ, một Đoàn Dự  họ  là lớp thanh niên hay có thể nói họ là lớp thế hệ thứ hai luôn hăng say phóng khoáng, đại lượng trọng nghĩa tình.  Tất cả mỗi người một vẻ, họ đều là những con người hành động và suy tưởng  theo lương tri và cho kẻ khác chứ không phải cho riêng mình.  Họ thận trọng, nhưng quảng đại nhưng không sa đọa, dâm dật.  Chính hay tà đối với họ chỉ là cái vỏ che đậy bên ngoài mà thôi.  Về nữ tính cũng thật đặc biệt. Một Hoàng Dung – Lâm Triều Anh –Chu Chỉ Nhược – Triệu Minh – Kim Hoa Bà Bà – Duyệt Tuyệt Sư Thái ngoại trừ Tiểu Long Nữ tất cả đều có cả chính lẫn tà trong con người của họ. .   Nếu có duyên tôi sẽ viết về điểm này qua đề tài  Tư Tưởng Nhất Nguyên Trong Tiểu Thuyết Kim Dung .

   

   Với một số ý tưởng dàn trải trên theo thiển kiến của người viết:  Tiểu thuyết của Kim Dung không hoàn toàn mang tính cách bóng bẩy về chính trị, nhưng chính học giả Kim Dung muốn chúng ta trong cuộc sống hằng ngày hãy nhìn và hành xử như một người “Đạt thấu tình lý” bằng tinh thần nhất nguyên hay Trung Dung, một nền tảng rất qua trọng trong học thuyết Đông Phương. Nhưng không  thái quá, hoặc bất cập một chiều của tinh thần duy lý. Chính phái hay Ma Giáo tùy thuộc vào cái Ngộ hay Vô Minh của chúng ta mà thôi . Hay nói một cách đơn giải là tùy thuộc vào cái biết hay không biết mà thôi.

 

    Cuối cùng vì bài viết mang tinh thần giải trí và người viết cũng tự biết cái biết của mình còn rất hạn hẹp bởi đó trong bài viết chắc cũng sẽ có những điều thiếu sót và cũng có thề có những cái nhìn chưa thấu đáo. Vậy nếu có phần sai sót  xin  mong được chỉ giáo và người viết sẽ bình tâm lắng nghe.

                                                                                            Xuân Quý Mùi 2003.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Ngọc Danh