NGUYỄN NGỌC DANH


Xóm Bóng Nha Trang


                   Tháp Bà soi bóng giòng Sông Cái
                   Thăng trầm dâu bể mấy ngàn năm
                    Nhìn đời xuôi ngược hồn Thánh Nữ
                    U tình Chiêm quốc nỗi buồn câm 
                                     ND  
    


 
Nói tới Nha Trang hầu hết người Việt chúng ta đều liên tưởng tới miền Thùy dương cát trắng, các danh lam thắng cảnh, cái an nhiên trầm lặng của người dân ở đây.  Trải qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể của giòng lịch sử, Nha Trang vẫn hiền hòa với tiếng sóng rì rào, tiếng hàng dương liễu êm nhẹ như tiếng nàng tiểu thư đài các nhưng  rất hiếu khách và bình dị.  Hay nếu đi về miền xa xưa thì phải chăng đó là tiếng thở dài não nuột của một dân tộc mất nước, tiếng ca u hoài của các nàng Chiêm nữ thương nhớ những vũ khúc thánh thiêng trong những ngày tháng hiến dâng tình yêu cho thần Shiva trên ngọn tháp Poh Nagar xứ Yjatran ( Nha Trang)

Nha Trang nếu có một ai đó chưa một lần đặt chân tới thì cũng đã nhiều lần nghe về Nha Trang qua thơ, văn và nhất là Nhạc.  Nhạc sĩ Minh Kỳ đã viết hai bài cho Nha Trang : “Nha Trang là miền quê hương cát trắng” và Phạm Duy với “Nha Trang  ngày về”.  Một ca khúc dành cho Nha Trang triũ nặng những u hoài thầm kín của mối tình xa xưa.  Nha Trang với Cầu Đá, Hòn Chồng, Thành, Mộ Yersin Suối Dầu, Tháp Bà, Nhà Thờ Đá Chính Tòa, Viên Phật Học và còn nhiều nữa.  Nhưng theo đề tài của bài viết, tôi xin bàn tới một khu dân cư  nằm dưới chân ngọn Tháp Chăm danh tiếng được gọi là Tháp Bà   đó là Xóm Bóng .
 
Chắc có lẽ nhiều người trong  chúng ta tự đặt ra câu hỏi : Tại sao lại đặt tên cho một thôn xóm ngay dưới chân ngọn Tháp Bà  ( Tháp Champ) là Xóm Bóng

 
 
                            
Theo thông lệ người Việt chúng ta khi đặt tên cho một đứa bé, một ngôi làng, một thành phố đều phải mang một ý nghĩa nào đó mà nó ẩn chứa qua lịch sử, tôn giáo, niềm tin ..v..v..   Như vậy tên Xóm Bóng bắt buộc phải có xuất xứ và mang một ý nghiã nào đó mà từ trước tới nay hầu như chưa có một câu giải đáp thỏa đáng. 
 
Theo thi sĩ Quách Tấn trong cuốn Xứ Trầm Hương do Hội Nghệ Thuật Khánh Hòa xuất bản :  thì sỡ dĩ có tên Xóm Bóng là xưa kia vào ngày lễ vía Bà thường có những buổi tổ chức múa Bóng do người trong xóm phía dưới chân Tháp Bà phụ trách. Những vũ nữ phần nhiều là người trong xóm. Trường dạy múa cũng ở trong xóm.  Cho nên xóm mệnh danh là Xóm Bóng thuộc làng Cù Lao.  Lệ Múa Bóng ngày vía Bà đã bỏ từ thời Bảo Đại, trước Đệ Nhị Thế Chiến.(XTH trang 166).


 
Theo thiển kiến của tôi thì  sĩ Quách Tấn chỉ giải thích tên Xóm Bóng chỉ ở phần ngọn – nghĩa là chỉ qua lời đồn của dân gian mà chưa đi  sâu vào phần nghiên cứu vào cái căn nguyên  của danh từ BÓNG với nghĩa ngữ và nguồn gốc như thế nào.  
 
Cách nay khoảng hai năm, sau khi đọc bài Hoàng Hậu Paramecvari của tôi, một nhà trí thức Chăm tại Sacramento, cụ Lưu Quang Sang,  một nhà giáo, môt dân biểu thời Đệ Nhị Cộng  Hòa  gọi điện thoại cho tôi, ông có nhã ý muốn có một cuộc nói chuyện và muốn góp thêm một số dữ kiện để tôi có những tài liệu nếu viết thêm về Vương Quốc Chiêm Thành.  Trong câu chuyện hôm đó ông cho tôi biết một sự việc, thực ra đó là một tục lệ thì đúng hơn liên quan tới việc cúng tế Thần, vua Thần trong  Ngày lễ Tránh Nợ (theo Balamon) hay lễ hội Katê của người Chămp tại Phan Rang.  

Trong ngày lễ  hôi Katê của người Chăm có  ba nhân vật chính bắt buộc phải có đó là :
         
                                    Trống Baramưng
 
1-Ông  Chủ Lễ :  Pô  Dhia  hay còn gọi là Ông Cả Sư Balamon
2-  Ôn Phụ trách lễ nhạc : Ôn Kadhar còn gọi là  Ca Nhi  ( Đàn nhị) hát, các    điệu ca vũ
3-  Ôn Camưnu Phụ trách mở cửa Tháp và tắm Thần
4- Bà Bóng  Muk Pajau: Phục  dịch cho Lễ Tục Katé
    Từ Bóng chắc có lẽ được đọc trại từ Muk .  Người Việt chúng ta hay có cách đọc trại một từ nào đó, Ví dụ  Tóc Thả đọc trại thành Tóc Thề , chú Tiểu thành chú Điệu , Hóa thành Huế,   Yjatran thành Nha Trang . Panduran thành Phan Rang.
 
Nhiệm vụ của  Muk Pajau ( Bà Bóng) :   Giúp ông Cả Sư và ông Kathar phục vụ lễ tục Katé mà thôi . Lễ hội Katé nguyên gốc của Balamon Ấn Độ là lễ tránh nợ. Khi  du nhập vào Vương quốc Chiêm Thành , người Champ biến lễ tục này thành Palieng Yang  có nghiã là phục vụ Thần linh.   Khi kết thúc buổi lễ bà Muk Pajau thường múa hát mừng thần linh .  Rất có thể  các cuộc Múa mừng Thần linh của Bà Muk Pajau mà người Việt đọc trại từ Muk thành Bóng  và các điệu múa của Bà gần giống như vai trò bà Đồng Bóng Việt  nên gọi đó là Múa Bóng như thi sĩ Quách Tấn diễn tả trong Xứ Trầm Hương (XTH) chăng?

Bà Bóng  Muk Rija  
 
Chúng ta nên phân biệt  minh bạch  Bà Bóng Muk Rija với bà Muk Pijau trong lễ hội Katé nêu ở phần trên
 
Nhiệm vụ của Bà Muk Rija không phục vụ lễ tục Katé, mà chỉ phục vụ trong lễ tục Rija của gia đình hay giòng tộc.   Nhiệm vụ của  Bà Bóng Muk Rija giúp ông chủ lễ Mưduan.  Trong khi Ông Mưduan vỗ trống Baramưng ca ngợi thần linh thì Bà Bóng Muk Rija múa đủ các vũ điệu do lễ tục gia đình quy định.  Bà Bóng Muk Rija phải kiêng thịt heo và bà là người được mọi người trong dòng tộc quý trọng
 
 Qua những phần trình bày nêu trên chúng ta có một câu hỏi : Liệu  tên Xóm Bóng  Cù Lao Nha Trang  có liên quan gì tới ngọn Tháp Bà không ?  Để trả lời câu hỏi này  Chúng ta nên lội ngược về giòng lịch sử Việt thì may ra có câu trả lời.

  Khi đất nước Chiêm Thành đã hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Một lần cụ Phan Thanh Giản đi sứ từ Huế vào Gia Định. Ông dừng lại tại Nha Trang.  Nghe sự tích về Thiên Y A Na thánh mẫu, ông chép lại thành một bài ký và được bố chính tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Quýnh khắc bia dựng phía sau tháp.  Ông ban lệnh của Vua Gia Long phong tặng cho Thiên Y A Na: “Hồng Nhân Phố Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần”  và giao nhiệm vụ chăm sóc cai quản Tháp Bà  cho một xóm phía dưới chân Tháp thuộc làng Cù Lao hiện nay. (XTH trg 165). 
 
Ngày xưa Lệnh Vua là môt mệnh lệnh bất khả kháng và còn là một ân sủng, một vinh dư lớn lao nữa.  Chính vì trách vụ vua ban tặng là chăm sóc và giữ gìn Tháp Bà, và đó cũng là trách vụ thiêng liêng cao quý của ông Camưnu và Bà Bóng trong phong tục người Chăm
 
 
              
Từ ngọn Tháp Champ (Poh Naga) thuộc Balamon qua sự tôn vinh của nhà Vua Việt ban tặng cho danh hiệu mang tinh thần và bóng dáng thần thánh Việt và Phật Giáo đã trở thành nơi chốn tôn nghiêm thờ phụng của hai dân tộc Champ và Việt. Do đó những ngày lễ tục Katé của người Champ vẫn được cử hành long trọng và được cả người Việt tham gia,  Chắc chắn  trong lễ hội Katé hay Rija phải có những vũ điệu ca ngợi Thần Linh do Bà Muk Pajau( bà Bóng)  hay những đoàn vũ nữ  Champ ở xóm phía dưới chân Tháp múa do bà Muk Pajau truyền dạy.  Người Việt mình vì không hiểu và không biết tên các điệu múa mà chỉ biết những vũ khúc này do Bà Muk Raja =Bà Bóng  chỉ dạy nên gọi là Múa Bóng chăng?. 
 
 
Chắc vì người dân trong xóm dưới chân Tháp hãnh diện với sắc chỉ Vua ban là gìn giữ, chăm sóc đền Tháp và vai trò ca múa của của Bà Muk.  Đồng thời có những đoàn vũ nữ  múa các vũ khúc  uyển chuyển, nhẹ nhàng đầy màu sắc trong ngày lễ Katé do Bà Bóng chỉ dạy nên đặt tên cho là Xóm Bóng.  Kể từ đó Xóm Bóng đã sống mãi với thời gian với giòng lịch sử dân tộc, đặc biệt trong lòng người  dân Nha Trang

Cái tên Xóm Bóng tuy đơn sơ mộc mạc, nhưng khá bí hiểm này đã đi vào lòng người dân Nha Trang như một nỗi thân thương mà không một người dân Nha Trang nào không mang một chút kỷ niệm về nó.   Riêng với người viết thì Xóm Bóng, Tháp Bà, Cầu Bóng là những tên gọi thân quen từ khi di cư vào trú ngụ tại thành phố Nha Trang.  Ngày nào còn sống trên cõi đời này, cái tên Nha Trang, Cầu Đá, Xóm Bóng, Phước Hải, Thành, Bình Cang, Bình Tân, Ninh Hòa, Hòn Khói, Đèo Cả  còn mãi mãi trong ký ức người viết dù ngày nay ở cách xa hơn nửa vòng trái đất.   Nha Trang ơi xin hẹn một ngày về để nghe lại những tiếng sóng rì rào khi ngồi trên những bậc thềm ngọn tháp Poh Nagar nhìn xuống dòng Sông Cái hiền hòa chảy qua chiếc cầu Bóng để đi vào lòng đại dương.
 
Xin gởi về ngọn tháp chứng nhân của dòng Lịch sử hai dân tộc Chiêm Việt  lòng hoài niêm của một thời quá khứ.
 
     Khi nàng Chiêm nữ khoác áo trăng
    Hồn ta phiêu lạc tới Sông Hằng
    Đêm về mộng thấy mình hóa kiếp
    Thành gã chăn cừu núi Thái Khang (*)
                                              ND

    ( * ) Tên  cũ của Nha Trang
 
Để tìm hiểu thêm về lễ hội Katé  cùng tác giả xin vào link : 
                  
 http://songdinh.com/new/bienkhao/ky27/nnd_dantoccham.html
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Ngọc Danh