NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Đáy Đĩa Mùa Đi*
365 ngày giáp lại, nơi điểm khép cũng là bắt đầu, một vòng. Vòng tròn bâng khuâng những nhịp hải hà của đáy đĩa mùa đi… Không hiểu sao tôi lại nhớ câu thơ ấy của Nguyễn Xuân Sanh, có lẽ tại cái chao đi chóng vánh một chu kỳ xuân hạ thu đông, những mảnh phút giây tao tát trên đĩa thời gian, và đọng lại dưới đáy kia những hoài niệm buồn vui…, lại liên tưởng đến giọt nước giếng cổ Thăng Long Thành được lóng lánh lên trong nắng mai, động vọng nhịp ngàn năm đến ngỡ ngàng hiện tại, cho người cảm được nỗi thao thức lịch sử trong nhịp nước vô biên ấy**.
Thế thì chẳng có gì là trôi qua cả.
Tất cả vẫn được ủ lại trong tâm tưởng, chỉ một cảm xúc đánh động là hải hà thời gian sóng sánh, cho ta lại ngây ngất một mùi hương, một cơn gió, một ánh nhìn, một giấc mơ, một nỗi buồn… dù xa xôi từ hồi ngây ngô tóc bum- bê, đến những mùa trăng thơm gió Nha Trang, đến những đêm mưa Sài Gòn ngắn dài sợi tơ nhớ thương bay đi ngàn dặm, cho đến cả hôm nay khi đã phất phơ nắng chiều trong ánh mắt.
Cho ta lại phấp phỏng cùng âm thanh của đất trời, thở muối mặn gừng cay với bốn mùa thay đổi.
Hạ,
Có lẽ nhịp biển đã dậy lên trong nắng ngày đầu tiên tôi đến đây, miền nam Calif., tôi nhớ mình đã thốt lên, y chang nắng ở nhà, vàng rực của trưa Sài Gòn, thơm mùi biển của Nha Trang, màu và hương của quê nhà rưng rức trong cái óng ả mùa hè Calif. hỏi sao mà tôi không ngất ngư bởi cái ấn tượng giữa quen và mới mẻ ấy? Rồi khi đi trên phố Bolsa với những bảng hiệu chữ Việt của hàng quán hai bên đường thì nỗi niềm e dè của tôi đã trở thành một niềm vui rộn ràng, con đường mình đang bước tới là một nối dài từ nơi mình đã chia xa. Và, tâm trạng bỡ ngỡ đã được điểm thêm vào lòng háo hức của một kẻ đang dọn đến một ngôi nhà mới, với những tất bật sắp đặt, dự tính. Thế có phải nhờ cái buổi ban đầu bén hơi mùi nắng thấy quen quen? Lộng ngát trời hè xứ lạ những đám mây ngày cũ êm đềm trôi về, làm tôi thấy yên lòng, lẫn một chút nôn nao của những gắn bó vừa nhú sợi rễ non. Thôi nhé, đừng da diết quá nữa, tuổi thơ ơi, những mặn ngọt nắng biển Nha Trang ơi…
Rồi thu.
Trời ạ, gió và lá vàng, nó góp thêm vào ký ức hai mùa nắng mưa ngày xưa của tôi tiếng lăn giòn của lá khô, màu lá ruộm vàng nắng thu. Cái se lạnh chiều Calif. lăn tăn da thịt làm tôi tơ tưởng tiếng gió heo may Hà Nội và vốc cốm xanh rức trên tấm lá sen, chênh vênh những con đường phố cổ đang chờ tôi gõ bước chân hẹn hò, dường như mình đã có một ước hẹn với mùa thu nơi ấy? Lại một buổi tản bộ trên đường lề công viên Mile Square, hồn như bị hớp bởi những lá bùa maple vàng nâu đỏ lay láy nắng, mơ màng hơi gió Sài Gòn xao xác làm chùn chân bước, cúi nhặt một chiếc lá, vu vơ đôi ba nét trên phiến thu khô … bay đi lá ơi, tìm cho tôi chiếc lá viết tên thời áo lụa hoàng hoa ngày xưa, ơi con gió xanh tình yêu hư ảo… Vừa rồi cô bạn Châu Tỷ gửi cho một phong bì đựng đầy lá khô đã ép thẳng, bạn nói “nhớ thuở đi học Luật khánh minh thường nhặt lá vàng đưa cho châu tỷ, nói cho tỷ biết ngôn ngữ của lá…giờ cứ thấy lá vàng là nhớ, thời của bốn đứa minh tỷ liêm liên…” Tỷ ơi, giờ những chiếc lá maples vàng đang yên ả trong một khung tranh, trên bức tường xanh trời, nhớ bạn…
Chưa gì mà tôi đã cảm thấy mình được chấm phá thêm nét lãng mạn mới mẻ mùa thu nơi này, nếu một ngày kia kỷ niệm càng đầy thêm, tôi biết, mỗi khi con gió Santa Ana thổi về thì hải hà ký ức mới mẻ này sẽ phải lay động. Lần đầu tôi biết gió Santa Ana, nghe gọi là quái phong cuối mùa thu, người láng giềng bảo, gió Santa Ana độc lắm nghen cô, phải quàng khăn cho kín cổ…
Mùa thu chia tay bằng những trận gió kinh động đất trời, và khi nó bặt tiếng thì mùa đông chẳng còn thập thò trên những cuống lá mỏng manh đang níu đôi ba lá vàng thu nữa mà xộc đến ngõ nhà bằng cái rét, cắt da đối với người vừa chạm mặt mùa đông xứ này như tôi.
Ôi mùa đông…
tôi muốn kêu lên trong khói sương hồi ức, một bình minh Hà Nội cất tiếng khóc chào đời, nơi cái rét chưa tỏ tường đã phải rời xa, để rồi từ đó ray rứt mãi một trở về nơi chôn nhau cắt rún mà tôi chỉ cảm thấy, mơ mòng qua văn Vũ Bằng và lãng đãng nhạc Phú Quang…
Mời tôi hạt sương trong/ cụng thêm nữa mùa đông buốt gió/ lá phong vàng bỏng nhớ/ quê nhà xa rét mớ phương này… Tự làm thơ mừng sinh nhật mùa đông, thêm một lần…
Mùa Đông là một dấu chấm lửng lơ quyến rũ, từng bước đi đến điểm khép lại, cùng lúc mở ra lung linh nhịp hội hè cuối năm. Và cứ rơi vào điểm kết sổ này là ký ức lại đẩy đưa.
Nhớ Sài Gòn, hồi còn trung học, chúng tôi gọi tháng 12 là mùa Noel, mùa cưới, tất cả nhịp sống lúc đó đều như lấp láy lên với những dây đèn trang hoàng trong nhà ngoài phố, những đôi tình nhân cũng khoèo tay nhau nhấp rượu cưới, chắc muốn được nhân đôi cái rộn ràng cuối năm? Nhớ đến những mùa Noel khốn khó khi nhà vắng bố vắng anh xao xác như gà con mất mẹ, cả nhà còn lại buồn thiu bên chiếc bàn ăn ngày nào ngồi kín chỗ quây kín tiếng cười. Nhớ thảng thốt con diều tình yêu vuột khỏi tay cầm bay hút, bốn mươi năm đủ gọi là ngày xưa chưa, tình yêu dấu? Và, có phải người, trong bất ngờ một nhịp lẫy của thời gian, gửi tới mùa đông này vạt gió tơ lụa, ẩn mật một lời hẹn? Thôi, ủ mùa đông thương nhớ lại, đâu đó đã hương rồi, những sợi nắng mỏng, xuân ơi…
Xuân, nhịp đầu tiên một vòng quay mới.
Bàng hoàng một chiều nắng chớp màu hoa vông, thế là quy hàng vô tư cái màu đỏ rạo rực ở phương này, mở ra cho tôi một cõi trời xưa dưới gốc rụng hoa đỏ ối, bạn dùng dằng chia tay theo mốc con sâu đo, khi nó bò tới đây thì mình sẽ về…, mỉm cười thôi nghe, vông đỏ và con sâu đo cùng tuổi mười sáu ngu ngơ.
Càng lúc càng tìm thấy những hơi quen của Sài Gòn vướng vất ở đây. Cây tôi đã đâm rễ lớn nhỏ đất người, con đường thân thuộc đi về mấy năm đã quen, đã gọi là ngõ nhà, nhưng sao cứ khi phố Bolsa bày ra quầy báo Tết, những bánh chưng bánh tét, cùng dãy hàng hoa, là mình lại ngẩn ngơ, Tết nhà. Nhớ lắm Sài Gòn, cái tất bật ồn ào chen nhau mua sắm cuối năm. Nhớ lắm phố trưa ba mươi, đường đầy rác, người thưa hẳn đi, chỉ còn ít người vội vàng kiếm hoa rẻ lúc tàn chợ. Nhớ sáng mồng một đường phố vắng xe cộ, một số đi chơi Tết xa, một số đóng cửa ở nhà ngủ nướng, phần vì thức khuya đêm ba mươi, phần ngại khách xông đất, thôi để mồng hai… vậy đấy, cái nhịp chậm rãi của Tết nhà. Tết ở đây, nhanh lắm, nếu trùng vào ngày thứ bảy, chủ nhật thì còn thấy được cái rềnh rang đón Tết, còn không thì vội vã thức dậy đem Tết đi làm. Vừa rồi cô bạn Minh Tâm của tôi lại được niềm vui, từ miền Đông giá lạnh bay về nam Calif. để, ăn Tết với mẹ, tuyệt chưa, chả khác ở Sài Gòn những ngày giáp Tết người xa nhà đáp tàu lửa, xe đò về quê ăn tết. Ngẫm ra, mình hạnh phúc, người Việt mình ở Calif. này, hạnh phúc. Theo cùng ta nhé, Sài Gòn ơi, xuống phố Bolsa nghe pháo và hoa nhuộm không khí xứ người cái hương vị Việt Nam…
Có một niềm vui mà tôi phải chia để thấm hết nỗi đầy, cuối năm của tôi đã được khép lại trong tiếng khóc đầu tiên của bé cháu gái, cái chớp mắt chào đời của bé như thể tôi vừa được mở ra một tấm thiệp đẹp đẽ nhất của đất trời với những lời chúc phúc, một trang mới tinh khôi, tràn trề nhịp chảy sinh động của dòng sống, rồi tôi sẽ có những chữ lần theo cái lật cái bò cái lẫm chẫm bước đi non tơ ấy… Tiếng oa oa như nắng trên cao đang vỡ ra trong ban mai tín hiệu của ấm áp, có phải cả hải hà đang tao nôi hạnh phúc ta không, bé bỏng ơi… Có rồi một điểm sáng, vẫy gọi mỗi ngày tôi đi, cho tôi biết rõ ý nghĩa đến thế nào của một giấc mơ mình đang được sống với…
Gợn lên những hồng hào tươi mươi nhịp của mùa xuân, ơi đáy đĩa mùa đi…,
(Viết vào ngày Khánh Chi chào đời, 10 tháng Giêng 2011, 2013 có chỉnh lại)
*Câu thơ trong bài Buồn Xưa của Thi Sĩ Nguyễn Xuân Sanh (Nhóm Xuân Thu Nhã Tập):... Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà…
**Năm 2003, một quần thể di tích lịch sử đã được tìm thấy tại khu vực Ba Đình, Hà Nôi, là Hoàng Thành Thăng Long với 5 tầng văn hóa chồng lên nhau của các thời đại Tiền Thăng Long, Lý ,Trần, Lê, Nguyễn, và người ta đã tìm thấy một giếng cổ thời nhà Trần vẫn còn nước, rất trong. Khu di tích này đã được công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới năm 2010 (Wikipedia)