NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Đường MAIN Một Ngày Cuối Hạ
Đường MAIN Một Ngày Cuối Hạ
Tôi nghe, anh đang chờ mùa thu. Nhẹ như cơn gió thoảng, hạ nhiệt buổi trưa đang sôi nắng mùa hạ. Âm man mác buồn của “chờ” vẽ ra trong nắng bỏng ánh mắt im, xa vắng, chờ một người quen lâu lắm chưa về, tự nhiên tôi xao xuyến. Thời gian quăng viên cuội xuống mặt hồ. Ánh nhìn theo vòng nước bung tròn, vòng nước tan ra, hư huyễn lời thầm thì, nên ảo ảnh luôn một người, có thể đã ngồi đấy, và nói, anh đang chờ mùa thu…
Đường Main, một ngày cuối Hạ.
Mùa hạ bốc khói từ mặt đường, người bạn thả tôi xuống và bảo, muốn thì chiều, đi dạo một mình đi, nhớ là chỉ đi theo đường thẳng ra biển thôi, đừng đi quanh về co, thơ không tìm ra bạn đâu, quay lại, cũng chỗ này nhe, nhớ chưa, có cái bảng màu xanh kia kìa, tới đó ngồi rồi gọi cho tui, ngón tay trỏ của bạn cong lên, ánh mắt thì muốn cưa tôi. Tôi phì cười, cái thành tích đi lạc của tôi làm người thân ngán ngẩm, tôi gật đầu lia lịa, - biết rồi cái quán Kill... giết giết… kia chứ gì, - ừ, lo mà giết ngươi dưới cái nắng lửa này đi nhỏ điên…
Con đường phố biển. Nồng của nắng, ngát rộng của gió khơi, hợp tấu cùng muôn ánh tươi rói của sắc màu mùa hè làm con đường lênh đênh như một nhánh sông đang hối hả chạy ra biển. Xanh ngắt trời nối xanh thẫm nước biển đổ tràn mắt tôi. Các cô gái mặc áo tắm đi hai bên đường, nổi làn da đỏ nắng, mắt họ biếc xanh, tiếng cười họ xôn xao những tán lá. Tôi đi như cái bóng giữa dòng nắng thanh xuân của họ. Bóng phất phơ giữa những đường ranh của thời gian.
Đường Main ngời xanh. Có phải cũng xanh ấy nhuộm rực rỡ con đường Duy Tân ở Nha Trang, và bước chân tôi đang men theo một bờ dài cát rất trắng hút cong tầm mắt dương liễu?
Và tôi ngậm tuổi mười sáu hát ca suốt mùa hè như con ve sầu trong một phim họat hình trẻ con, không màng gì đến thu sang đông tới, để rồi, trong đêm mưa ve vác cây đàn sầu ủ dột trên lưng, đi xin ăn, tới nhà kiến, bị xua đuổi, có lẽ kiến bảo, sao suốt mùa hè chỉ lo đàn ca... phim này tôi xem từ lúc bé lắm chỉ còn nhớ mỗi hình ảnh chú ve đi trong mưa tuyết rơi, trên vai có cây đàn, bước từng bước lẻ loi. Con kiến không thể biết mùa hè đã được no nê thế nào bởi tiếng ve sầu. Tôi rất thích chữ sầu sau tên ve kia, cộng hưởng mùa hè cái gì đó rất gợi cảm.
Ở đây tôi chưa được nghe tiếng sầu sầu của ve, chỉ có tiếng dế, một chiều chạng vạng, bước lên thềm nhà bỗng nghe tiếng gáy rất nhỏ, như rụt rè, thăm dò, không biết nó ở đâu, tiếng ré nhỏ hơn khi xưa nghe ở nhà nhiều lắm, và đơn độc, không có bạn tình đáp lại? Tôi nói với chồng đang ngồi nhâm nhi ly rượu vang, anh ấy rất thích với ly vang trong buổi chiều thứ bảy, một mình, hằng giờ. - Có nghe tiếng dế kêu không? - Người ta nói dế gáy chứ đâu nói kêu - Tại sao là gáy? - Khi gáy hai cái cánh nó phồng căng - Chẳng trúng vào đâu cả!
Từ buổi chiều nghe tiếng dế đó, tôi cũng đã nghe được mùi mùa hạ quê nhà trong hương gió biển nơi này. Ít ra cũng phải thế. Hai nghệ sĩ đại diện ưu tú nhất của mùa hạ, ve sầu và dế, bù lại cho cái khiếm khuyết nóng của thời tiết.
Nhưng cũng không làm người nguôi nỗi chờ mùa thu. Nỗi chờ khiến tôi bị chìm vào cảm xúc phập phồng của giờ hẹn. Không phải sao, có chờ tức là đã có, dẫu mơ hồ, đâu đó một ước hẹn. Mùa thu đã để rơi quá nhiều lá vàng trên thềm ký ức, anh chờ mùa thu để bước chân được xao xác kỷ niệm chăng?
Và tiếng ve sầu đang khô dần trên xác vỏ…
Mùa thu Ngô Thụy Miên, mùa thu Lưu Trọng Lư, mùa thu Bích Khê mênh mông vàng rơi, mùa thu trong nỗi chờ, đang làm tôi mơ màng một hình ảnh… trên biển của màu. Và gió / cười / nói với tôi / về một vẻ đẹp. không bao giờ hiện thực…(Nguyễn Xuân Thiệp)
Tôi nhận ra mình đang ở trong nhộn nhịp một phiên chợ nhỏ, gió thổi những mái lều trắng dập dềnh trên nền xanh xa của đại dương, nom như những mái buồm, âm thanh rạo rực cát biển dưới nắng hè, sắc màu rộn rịp của cây trái, hoa tươi, tất cả đều rất lạ mắt tôi, nhất là cái vẻ chan hòa tận tình với nắng của dân địa phương.
Một nhóm thanh niên mặc đồ tắm đứng vây quanh hai người nghệ sĩ đàn hát, có một đôi ôm nhau, và hôn nhau miên man, trông họ hồn nhiên trong sáng đến nỗi gặt hái ngay thiện cảm tôi ở cái nhìn đầu tiên. Thật tình, xin lỗi, tôi thấy trong phim ảnh mình (ngoài đời nữa chăng?) cách sống, ăn mặc, những cảnh biểu lộ yêu thương không toát lên được cái vẻ văn hóa của trong sáng. Tôi có cảm giác đó, phải chăng là do sự không tương xứng giữa cái giàu có của vật chất và tinh thần, sự khập khiễng giữa cách sống và hoàn cảnh xã hội? Nếu có một nền giáo dục giá trị ngang với tài sản vật chất, và nếu được trang bị một vốn liếng đạo đức cần thiết, được hít thở một không khí không quá chênh lệch giữa dư thừa và khốn cùng, thì cái dáng vẻ, phong thái họ sẽ được hồn nhiên và trong sáng?
Tôi đứng trước một lều bán mũ, đội thử một chiếc mũ rơm màu tím nhạt có kết một chùm hoa lavender tím, ngất ngây luôn, tưởng tượng, đội chiếc mũ tím này mà đi thẳng vào tranh Monet, ngồi xuống bãi cỏ mê man hồ hoa tím... trời ơi, và nghe gió đang thổi tới mùi khơi của biển phố Huntington Beach, cát đang nóng nắng đang rộng...
Và chiếc mũ tím lâng lâng phủ trên tôi một không gian mơ ảo, đằng xa kia, từ phía chân trời, một cánh buồm đỏ đang lướt sóng, cập bờ, và giấc mơ của tôi, với chiếc khăn lụa mùa thu…, ai đó nói, có phải em đang chờ mùa thu, tôi lúng búng cát bỏng dưới chân, những mái lều chợ phiên bỗng mờ nhạt lùi xa, dòng cát trôi tôi vào vàng mơ chiếc lá con đường Duy Tân Sài Gòn xưa, lênh đênh hai hàng cây nhạc ngựa, gió thổi bung những trái kiện và tôi áo lụa vàng tuổi hai mươi yêu người như thể ai đặt vào bàn tay chiếc chìa khóa để mở cánh cửa của hạnh phúc, và bước đi chẳng chút ngờ…
Những làn khói nóng của gió biển hắt rát mặt khi tôi đang đi bộ trên một lề đường, tôi nhận ra biển đã ở sau lưng. Tôi là người không lái xe bao giờ. Nên đường sá thấy thảy đều y nhau, phương hướng thì đông tây nam bắc như kẻ đi lạc vào Đào Hoa Trận của lão Đông Tà trong truyện Kim Dung. Có lẽ chiếc mũ rơm tím là cành hoa của ai đó ném chỉ đường cho tôi ra khỏi khu chợ phiên để đến được cái quán với bảng hiệu màu xanh người bạn đã dặn này.
Có con chim bồ câu đậu trên đỉnh một bể nước phun bên kia đường. Chỉ mỗi một con, một mình là hình ảnh dễ đánh động cảm xúc tôi và tôi không để lỡ chụp hình cái bóng lẻ bạn ấy. Cách bồn nước không xa, ngồi sát bên vách tường lối dẫn vào khu restroom, là một người đàn ông không nhà râu tóc buồn bã, bên cạnh một con chó lớn, hình như ông ta phó mặc cái hiếu động cho con chó, còn ông thì bất động, nó gặm một cái mũ rồi để vào bên hông chủ, rồi nó nằm gếch mõm lên đùi chủ đầu không ngớt quay nhìn người qua lại, lúc này tôi mới thấy người không nhà mở mắt, bàn tay day day cổ con chó, họ líu ríu vào nhau như một tấm bè trôi vô định trên dòng đời. Hình ảnh duy nhất sáng nay làm tôi sầu muộn.
Tôi gọi một ly cà phê, cũng lạ đời, cà phê trong sõng, màu hổ phách, pha sẵn, rót đầy quá ý muốn mình trong một cái ly cũng quá khổ, cho một người thích nhâm nhi cái nóng thơm của cà phê như tôi, có nơi còn để một cái ống để hút cà phê vào miệng nữa mới kinh dị. Rồi cũng thấy bình thường, khi nó mang lại tiện lợi, nhất là khi người ta lái xe vừa thích đồng hành với ly cà phê, may là tôi không thể lái xe, nên còn nuông chiều cho mình cái thích thú hớp bằng môi từng ngụm nhỏ cà phê, cô bạn nói tôi rề rà như người của thế kỷ trước.
Không sao, nhờ thế, bạn sẽ, biết đâu một phút nào đó chợt lòng yên tĩnh, bạn rời bỏ những ồn ào sôi động của hơi thở nhịp sống này, bạn nghe được lời tôi to nhỏ dư âm của nắng mưa, của ánh trăng diễm ảo, của xa vắng giấc mơ từ lâu bạn không nhớ, của mơ hồ một đợi chờ bạn tưởng rằng đã quên, của vẫy gọi không nguôi lời hẹn, rồi bạn sẽ được ngỡ ngàng, sao trái tim của mình non tơ đến thế, biết đâu đấy bạn ơi. Bất chợt một ngày soi tấm gương ngày cũ…
Và tôi luôn ước trong chập chùng thời gian, trong chênh vênh thay đổi đất trời, có tôi, con kiến nhỏ miệt mài tha từng mẩu buồn vui, từng hạt lệ, tiếng cười, góp đầy thêm kho báu cảm xúc của con người. Và xin tặng mọi tấm lòng lộng gió.
Có chăng khi tôi ra khỏi con đường Main xanh chói chang của hạ này, lời thì thầm chờ mùa thu của người sẽ dẫn tôi vào một không gian khác, với những giai điệu của lá maple làm con đường nơi tôi ở du dương, du dương ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu…