NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 

LỄ NGHI HỌC SĨ NGUYỄN THỊ LỘ, MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ, VĂN HỌC và CÂY TRÂM CÀI TÓC TRONG CŨI TÙ

(Tưởng niệm ngày bà bị hành quyết 19.9.1442 bởi bản án Lệ Chi Viên*, triều Lê)
 

Tượng thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ -Nguồn: internet.
 

Học sĩ cung vàng hương phấn dậy
Lệ Chi vườn cũ gió mưa dồn
Xe loan một tới ngàn thu hận
Quốc sử âm thầm với nước non

Nữ sĩ Ngân Giang (Thị Lộ Hàn Lâm Nữ Học Sĩ)
 
 
Ngày 2 tháng 10 năm 2001, tại công viên trung tâm thủ đô Québec, Canada, đã xảy ra một sự kiện làm cho người Việt Nam ai cũng hân hoan rưng lệ, là khánh thành tượng đài Nguyễn Trãi (1380-1442), vì sao Khuê lộng lẫy trong lịch sử, văn học Việt Nam, một kẻ sĩ, một nhà tư tưởng, chính trị, quân sự tài ba (Bình Ngô Đại Cáo), trên hết, một thi nhân lỗi lạc với Quốc Âm Thi Tập. Và là một danh nhân văn hóa thế giới, được thừa nhận năm 1980 bởi Tổ Chức Văn Hóa Khoa Học và Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Một danh nhân mà cuộc đời đã gắn bó với một bậc nữ lưu tài sắc: Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ. Cả hai đã bị bức tử trong một bản án tru di tam tộc, ngày 19.9.1442, một áng mây ảm đạm bay hoài trong lịch sử Việt Nam, nhất là sự oan khuất của Nguyễn Thị Lộ, đã hơn 500 qua vẫn chưa được chính thức minh oan.  Từ năm 2002 đến nay, ở Việt Nam, một số nhà sử học, văn thi sĩ, cùng hậu duệ của hai bậc tiền nhân này đã tổ chức những cuộc hội thảo về Nguyễn Thị Lộ, và đã gặt hái được kết quả đầu tiên là miếu thờ kỷ niệm bà được xây dựng lại tại thôn Khuyến Lương, (xã Cổ Mai,tên xưa), huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, nơi duy nhất có miếu thờ riêng bà ở Hà Nội. Miếu này cả một thời gian rất dài bị bỏ hoang, tệ bạc đến nỗi biến nó thành một nơi giữ dê, (ôi!?), xưa được xây lên từ nền nhà của Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ lúc sinh tiền ở và dạy học.  
 
Một bài viết của tác giả Đinh Công Vỹ và Hoàng Đạo Chúc năm 2002 ở báo Người Cao Tuổi,VN, số 218 ngày 2.9.2002, có chi tiết làm tôi rất xúc động, xin ghi lại: “…trước đây sát miếu là một khu ruộng cấy lúa, rồi nhà thờ công giáo dựng lên gần đấy, lấn vào khu vực thờ cúng, người ta đào ao, vật đất lên làm trại chăn nuôi dê, rồi đã phát hiện thấy một khối gỗ xếp theo hình cũi lợn, mộng rất khít không tra đinh, kích thước 4m x 4m, các thanh gỗ kích thước không giống nhau: 4m x 0,20m x 0,40m. Lúc mới đào gỗ mềm như bún, để một lúc thì khô cứng như đá. Anh Nguyễn Văn Hải*, cháu cụ Nguyễn Đăng Nông, nhặt được một chiếc trâm cài búi tóc phụ nữ dài 15cm ở trong cũi. Dư luận người ta cho đấy là trâm của bà Lộ, sau khi bị chém, tử thi chôn cùng cũi. Có người thì phân vân… Vậy mà những di vật cực quý ấy nay cũng không còn…”
 
Than ôi, một tài nữ, là Lễ Nghi Học Sĩ đầu tiên trong nền giáo dục Việt Nam, bị kết tội oan và chết thảm, để lại một dấu vết quá là thơ mộng, mong manh, một cây trâm cài tóc trong cũi tử tội, thế mà định mệnh khắt khe còn theo đuổi để nó mất dấu! Chạnh nghĩ đến những kỷ vật của các nạn nhân trong tai nạn Titanic được quan tâm cất giữ cho người đời được chiêm ngưỡng nhỏ lệ thương cảm, trong khi di vật của một con người mà sắc và tài cùng sự đóng góp cho nước nhà như thế lại không được trân trọng, ơi là cao xanh, giờ ở đâu, trâm cài và…hương tóc?
 
Học sĩ cung vàng hương phấn dậy…(thơ Ngân Giang)
 
Theo Giáo sư Vũ Khiêu: “…chúng ta không khỏi ngậm ngùi thấy rằng trên toàn cõi Việt Nam chỉ còn một ngôi đền tàn tạ này là riêng dành cho việc thờ cúng Bà. Phải chăng nỗi oan ức làm tối đen cả trời đất cách đây gần 600 năm, vẫn chưa được xóa sạch đối với con người trong sáng này…” (tham luận Nỗi Oan Nguyễn Thị Lộ, hội thảo Nguyễn Thị Lộ 19.12.2002, Khuyến Lương)
 
Thiết tưởng ngày nay phải viết lại một cách trung thực án Lệ Chi, đưa bà vào vị trí xứng đáng cùng tội ác bọn thủ phạm ra trước lịch sử. Đó là nhiệm vụ của các nhà viết quốc sử, văn học. Để hình ảnh một cây trâm thôi cô liêu trong cũi tù…Nó là một kỷ vật của quốc gia. Xin nghe những lời của nhà văn Hoàng Quốc Hải:
 
 “…Tôi đề nghị giới văn học và sử học nước ta đuổi truyền thuyết ‘rắn báo oán’ ra khỏi lịch sử và văn học nước nhà, trả lại danh dự vốn có cho nữ học sĩ… Tôi kiến nghị Tòa Án Nhân Dân Tối Cao nên ra một phán quyết đặc biệt phủ định án quyết Lệ Chi Viên năm Nhâm Tuất 1442 trả lại sự trong sáng cho bà đồng thời làm sáng tỏ tính nghiêm minh của lịch sử”, cũng trong tình cảm ấy nhà văn đã lên án “thói kỳ thị nữ giới”, lờ đi công lao của những phụ nữ đã cống hiến và hy sinh đời mình cho nước nhà, như Nguyễn Thị Lộ, như hai công chúa An Tư và Huyền Trân.(Trắng Án Nguyễn Thị Lộ, Văn Nghệ số 7, 2003) .  Tôi thích nhất bài này trong số các bài tham luận của hội thảo. Xin chia sẻ sự đồng ý của tôi đến nhà văn.
 
Nên, tôi thu thập ít tài liệu có trong tay để tổng hợp vào bài viết này, cũng với chủ ý trên, để giúp ai có quan tâm về Nguyễn Thị Lộ, chia sẻ với tôi một hạt lệ, rơi trên mặt hồ sáng trong của tâm hồn một phụ nữ tài hoa.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chính sử của triều Lê: “…Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay…”  Bà người làng Hải Hồ (tục gọi làng Hới) nổi tiếng với nghề làm chiếu, xã Hải Triều, huyện Ngự Thiên, nay là xã Tân Lễ, tỉnh Thái Bình. Xuất thân từ gia đình Nho giáo, cha là Nguyễn Mỗ, là nhà nho dạy học, vì thế, bà đã được học chữ từ bé, sau lại thêm cả y, dược, lý số. Cha mất sớm, cô Lộ phải chuyển đến nhà cậu ở phường Tây Hồ và dệt chiếu đem vào thành Thăng Long bán. (tham luận của Như Hiên, Hội Thảo Nguyễn Thị Lộ,Khuyến Lương, 2002). Vào thời Nhuận Hồ, Nguyễn Trãi, lúc này đang cùng Trần Nguyên Hãn tìm đường khởi nghĩa chống giặc Minh. Theo gia phả họ Nguyễn, con cháu của người vợ thứ Nguyễn Phi Khanh, ở Thanh Hóa, bản của ông Nguyễn Quang Thự 1868, Tự Đức thứ 21, có nói rõ Nguyễn Thị Lộ sinh năm 1396, gặp Nguyễn Trãi thời nhà Hồ, và lấy bà làm thiếp vào năm 1410. Ông 30 tuổi và bà khoảng 14 hay 16 (căn cứ từ giai thoại bài thơ chữ nôm về cuộc gặp gỡ của ông bà…xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ…., còn theo gia phả họ Nguyễn, thì bà 14 tuổi). Từ đó, cuộc sống ông bà gắn liền với đất Khuyến Lương, là một mảnh đất thuộc thái ấp xưa của Thượng Tướng Trần Khắc Chân, bên bờ sông Hồng, cách Hà Nội bây giờ khoảng 10 km. Khuyến Lương với nghĩa “khuyến khích làm việc lương thiện”, là tên của Nguyễn Trãi đặt cho làng Mui (tên xưa) khi ông đến đây dạy chữ, dạy đức, ông bà đã sống trong cảnh “Góc thành nam, lều một gian” là ở đây, và thai nghén Bình Ngô Sách. (theo Khánh Thiện- Tạp chí Quê Hương số 301 ngày 3.1.2003).
 
Năm 1420, ông bà dâng Bình Ngô Sách, phò Lê Lợi chống giặc Minh. Năm 1428, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo, một thiên cổ hùng văn, thay lời Lê Lợi tuyên cáo chấm dứt cuộc kháng chiến chống Minh, được coi như Bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai của Việt Nam, sau bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Nam Quốc Sơn Hà nam đế cư… (lichsuvietnam.net).
 
Năm 1433, Lê Thái Tông (sinh năm 1423) lên ngôi vua, chỉ mới 10 tuổi, quyền bính tập trung vào tay Lê Sát, Lê Ngân và bọn hoạn quan, Nguyễn Trãi đã có lần dâng sớ phê phán nạn hoạn quan này. Đây là sợi dây oán thù đầu tiên buộc vào số phận của ông bà cái án tru di.  Năm 1437, vua Thái Tông, 15 tuổi, thân chính, bà được triệu vào cung làm Học Sĩ, được xem là phụ nữ đầu tiên làm chức này, một chức quan xếp hàng thứ hai, sau Đông Các Đại Học Sĩ trong Viện Hàn Lâm xưa, dạy công chúa và cung nhân, và nhạc công về nghi thức tế tự, đánh trống hòa nhạc trong dịp lễ tết hội hè, giúp Vua Thái Tông trong việc nhuận sắc các chiếu thư. (tham luận củaTS Đinh Công Vỹ) . Dưới triều Thái Tông, xảy ra việc Thần Phi Nguyễn Thị Anh vu cáo Hoàng Phi Ngô Thị Ngọc Giao, khiến vua đã xử tội voi giày Hoàng phi cùng với bào thai trong bụng (là vua Lê Thánh Tông sau này), nhưng nhờ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ can gián nên thoát chết và đưa Hoàng Phi ra náu ở chùa Huy Văn. Việc thứ hai, thắt chặt thêm sợi dây thù hận với Thần Phi và đồng bọn. Đây cũng là điểm then chốt để sử gia Trần Huy Liệu trong cuốn sách Nguyễn Trãi, 1969, cho rằng chính họ là thủ phạm vụ án Lệ Chi Viên.. Vào năm 1438,39 Nguyễn Trãi lui về ẩn ở Côn Sơn. Năm Nhâm Tuất, tháng 3-1442, Vua vời ông về  triều đình để chấm thi Hội, lúc trở lại Côn Sơn, bà Nguyễn Thị Lộ đã về theo chồng. Tháng 7, Lê Thái Tông đi tuần Chí Linh, gần Côn Sơn, nên đã ghé vào nhà của ông bà, ngày 4.8 (âm lịch) vua hồi cung, phái Nguyễn Thị Lộ theo hầu với tư cách Lễ Nghi Học Sĩ. Đến Gia Định, trú tại vườn Lệ Chi.
 
THẢM ÁN LỆ CHI VIÊN
 
Lệ Chi Viên, còn gọi là Trại Vải, là một khu vườn của Nguyễn Trãi, ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Theo chính sử triều Lê, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn, đã ghi sự kiện như sau: “Tháng 8, ngày mồng 4 (năm Nhâm Tuất, tức năm 1442 Dương Lịch) … Khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi, xã Đại Lại trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng. Các quan bí mật đưa về… Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua … Ngày 16 (tức ngày 19.9.1442), giết Hành Khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời”.  Lúc việc xảy ra, Nguyễn Trãi đang ở ẩn ở Côn Sơn, ông 62 tuổi. Vua Thái Tông 19 tuổi, bà vào khoảng  47,48. Nguyễn Thị Anh đã phê chuẩn bản án tru di tam tộc với tội: “Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đầu độc nhà vua”. Chỉ 12 ngày sau vua băng, mà án đã được tuyên và thi hành.  Thử đọc lại những dòng sử ghi một cách úp mở của sử gia Ngô Sĩ Liên, có phải đó là lời khiến ai cũng phải hiểu rằng bà bị kết tội dùng nữ sắc hại vua? rồi bằng một kết luận hết sức mơ hồ, “ mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”! Không những bị bôi nhọ phẩm cách, bọn chủ mưu sau đó còn khoác cho bà một thứ “lốt rắn” bằng chuyện rắn báo oán, đánh vào lòng mê tín của dân chúng để quên đi sự chống đối một bản án giết hại khai quốc công thần. Một bản án che mờ bầu trời Đại Việt, mãi không quang để mặt trời soi rực rỡ lên cái chết của hai người, nhất là cho Lễ Nghi Học Sĩ.
 
Người đời sau đã làm những gì để minh oan cho Người?
 
Người đâu tìm đâu để nói. Khấu đầu tứa máu nỗi đau… Thương nỗi độc hành lẳng lặng (thơ NT Khánh Minh)
 
Cho đến nay vấn đề minh oan cho Nguyễn Trãi đã được ưu tiên hơn và Người đã có vị trí xứng đáng trong lịch sử, văn học, thì vấn đề Nguyễn Thị Lộ vẫn chưa thỏa đáng.
Tôi xin trích ra đây những ý kiến của các học giả, sử gia, nhà văn trong Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học Về Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ, tổ chức vào ngày 19.12.2002 tại Khuyến Lương- được in lại trong sách Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ Với Thảm Án Lệ Chi Viên của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, NXB Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 2004.
 
Đọc từ sách trên, theo tôi, tiếng trống đầu tiên đánh lên kêu oan cho Nguyễn Trãi-Nguyễn thị Lộ là của Ngô thị Chi Lan, bút danh Kim Hoa nữ sĩ  (cháu gái Thượng Tướng Ngô Từ), theo GS Trần Bá Chí, Bút Ký Về Nguyễn Thị Lộ, 2002, bà là học trò yêu và là con gái nuôi của vợ chồng Nguyễn Trãi,  khi xảy ra tai họa, được họ Phù ở đất Kim Hoa che chở. Bà nổi danh tài sắc, được triệu vào tòa Kinh Diên năm 1461 để soạn thơ văn. Một lần, khi đi thăm núi Vệ Linh bà có làm bài thơ tưởng nhớ bố mẹ nuôi:
 
Vệ Linh xuân thụ bạch vân nhàn
Vạn thử thiên hồng diễm thế gian
Thiết mã tại thiên, danh tại sử
Anh uy lẫm lẫm mãn giang san
 
Trúc Khê dịch:
 
Vệ Linh mây trắng tỏa cây xuân
Hồng tía muôn hoa đẹp cảnh trần
Ngựa sắt về trời, danh ở sử
Oai thanh còn dậy khắp xa gần
 
Bài thơ được vua Lê Thánh Tông chú ý, nhất là hỏi lại ý “bạch vân nhàn”, từ bài thơ này, nữ sĩ Ngô Thị Chi Lan đã kêu oan cho bố mẹ nuôi, vì thế mà Lê Thánh Tông, và cũng nhờ có sự quan tâm của Hoàng Thái Hậu (Ngô Thị Ngọc Dao), đã xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”-Tâm Ức Trai rực sáng như sao Khuê- và Nguyễn thị Lộ: “Tiền triều nữ sĩ bất can thí tội”-Nữ sĩ triều trước không liên quan đến tội giết vua-, và ban chức Tri Huyện cho người con còn sót lại của Nguyễn Trãi là Nguyễn Anh Vũ (đã đổi họ. Phạm mai danh ẩn tích ở Quảng Yên), và miếu ở Khuyến Lương được lập vào lúc này.  Như thế, 22 năm sau thảm án, đã có Chế Tẩy Oan (Quang Thuận thứ 5, 1464). Nhưng theo Nhà Giáo Hoàng Đạo Chúc, sự minh oan này chỉ có tính cách nửa vời, vì truy phong chức tước cho Nguyễn Trãi là chức Bá, lại kém hơn chứ Hầu của ông khi còn làm quan! Và cũng né tránh không chỉ ra chính danh kẻ chủ mưu là Thần Phi Nguyễn Thị Anh, chỉ vì muốn bảo vệ thanh danh triều Lê. Như thế thì cũng chẳng chứng minh được sự trong sáng cho Lễ Nghi Học Sĩ.
Ngô Sĩ Liên chép sử cũng không dám viết trái với kết luận của người đàn bà đang buông rèm nhiếp chính Nguyễn Thị Anh. Thậm chí đến đời Nguyễn, bộ quốc sử Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng vẫn còn ghi chép theo kiểu của triều Lê 1442: “Trãi phải tội liên lụy vì người vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ”, kèm theo lời phê của Vua Tự Đức rất nặng nề “…Trãi nếu là người hiền thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón rước ngự giá thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự Trãi chuốc lấy…
 
Tôi cho rằng lời phê của vì vua này thật hồ đồ và kết luận một cách nhẫn tâm, phong kiến. Theo Tiến sĩ Hán Nôm Mai Hồng, căn cứ vào hai cuốn phả họ Đinh và Nhị Khê, đều ghi rõ khi vời bà vào cung, Lê Thái Tông đã bái bà làm Lễ Nghi Học Sĩ. Dùng nghi lễ “ bái” nói lên mối quan hệ giữa vua và nữ Học Sĩ  ngoài Vua-Tôi, là Thầy-Trò, hơn nữa bà hơn Vua khoảng 30 tuổi, thì “việc vu khống kia thật là khiên cưỡng”. Để bản án vùi dập thanh danh một phụ nữ tài hoa thông tuệ đã hơn 500 năm…
 
Theo Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử, “phò giá Thái Tông duyệt binh ở Chí Linh còn có tướng Trịnh Khả, khi vua Thái Tông đi tuần phía Đông, mắc bệnh nguy kịch, ông hầu hạ thuốc men không rời lúc nào”, như vậy, không phải vua đột tử đêm mồng 4.8 năm Nhâm Tuất vì “ở suốt đêm với Thị Lộ rồi băng” như sử của Ngô Sĩ Liên. Trịnh Khả biết rõ vua bệnh rồi chết tại sao ông im lặng và đồng tình với việc kết tội Nguyễn Thị Lộ? Trịnh Khả và con trai sau này cũng chẳng thoát được sự thanh trừng của tập đoàn phong kiến chuyên quyền lấy tay che trời này.
 
Tưởng cũng nên nói qua về nhân cách người chép quốc sử triều Lê Ngô Sĩ Liên, khi ông phục vụ triều Lê Thánh Tông, đã ăn hối lộ để tiến cử người vào làm quan trong triều, và đã bị vua Thánh Tông mắng nhiếc: “…ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại khi Lệ Đức Hầu (Lê Nghi Dân) cướp ngôi, Sĩ Liên không giữ chức Ngự Sử đấy sao? Ưu đãi long trọng lắm. Nhân Thọ không dự triều chính đấy sao? Chức nhiệm cao lắm. Nay Lệ Đức Hầu bị tay ta mà mất nước, ngươi không biết mà chết theo, lại đi thờ ta. Nếu ta không nói ra, trong lòng ngươi không tự xấu hổ mà chết ư?” (Hoàng Quốc Hải, Trắng Án Nguyễn Thị Lộ)
 
Tư cách của quan Ngự Sử là thế! Chả trách nhà văn Hoàng Quốc Hải, trong bài viết Trắng Án Nguyễn Thị Lộ, báo Văn Nghệ số 7 năm 2003, đã viết bằng giọng đanh thép “…trong vụ án Vườn Lệ Chi, tôi không tin một dòng, một chữ nào mà sử gia Ngô Sĩ Liên chép vào chính sử…Nguyễn Thị Lộ trước sau vẫn là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử ghê tởm. Thế mà gần 600 trăm năm qua chưa một sử gia nào chiêu tuyết cho bà. Chẳng lẽ tất cả đều bị Ngô Sĩ Liên mê hoặc hay sao? Tôi không tin như vậy. Nhưng tôi tin là họ vô tâm. Một sự vô tâm còn lớn hơn cả sự vô trách nhiệm… May thay, trên văn đàn vào khoảng hơn nửa thế kỷ trở lại đây, nhiều người đã quan tâm phanh phui vụ án vườn Lệ Chi…”
 
Theo Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, Đại Học Quốc Gia Hà Nội (Điểm Qua Từ Quốc Sử Đến Ký Truyện và Tiểu Thuyết, 2002), suốt một thời gian dài, sau Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, sau Chế Tẩy Oan có lệ của vua Lê Thánh Tông, những Công Dư Tiệp Ký (1755), Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1819), Tang Thương Ngẫu Lục (1896), tiểu thuyết Việt lam Tiểu Sử 1908 của Vũ Xuân Mai, Nam Thiên Trân Dị Tập (1917), tất cả những sách này đều nhìn thảm án Lệ Chi y như luận điệu của pho sử Ngô Sĩ Liên và vẫn vô ý thức khoác lên nữ học sĩ lốt rắn báo oán!
 
Chỉ đến những năm 20,30 đầu thế kỷ 20, báo Nam Phong số 140, năm 1929, lần đầu đã nói được thực chất vụ án Lệ Chi Viên, sau đó là Lệ Chi Viên do Tiểu Thuyết Tuần San in 1932-34, vở kịch lịch sử của Vi Huyền Đắc, tiểu thuyết lịch sử Rắn Báo Oán của Nguyễn Triệu Luật,1955 với 12 chương viết về Lệ Chi Viên với mục đích chiêu oan cho Nguyễn Thị Lộ.
 
Bài viết của tác giả Lê Thước và Trương Chính (Văn Sử Địa số 24, 1957) nêu lên thủ phạm chính trong thảm án là Nguyễn Thị Anh, đây cũng là ý kiến của sử gia Trần Huy Liệu trong tác phẩm Nguyễn Trãi, 1966, nhấn mạnh ý phải minh oan cho Nữ Học Sĩ, đã làm tiền đề cho những tác phẩm lịch sử sau này liên quan đến Lệ Chi án như tập truyện Nguyễn Trãi của GS Bùi Văn Nguyên, ông dựa trên những bộ quốc sử triều Lê, Nguyễn, những bộ sách cận chính sử như Đại Việt Thông Sử (Lê Quí Đôn), những gia phả của những dòng họ liên quan, và do đó sách ông có giá trị đáng kể để bênh vực cho giả thuyết bàn tay trực tiếp thấm máu Khai quốc công thần và Lễ Nghi Học Sĩ là Nguyễn Thị Anh và đồng bọn. Cùng quan điểm này là Lệ Chi Hận Sử, truyện thơ, 2002 của Tiến Sĩ Khoa Học Nguyễn Gia Linh, Giám Đốc Nghiên Cứu Khoa Học tại trung tâm Paul Pascal Bordeaux, Pháp.

TS Sử Học Đinh Công Vĩ cũng tha thiết: “làm sao có một hình tượng Nguyễn Thị Lộ xứng đáng trong văn học nghệ thuật, hay Nguyễn Thị Lộ từ Sử học đến Văn Học”, và ông đã kết luận: “Không phải cứ đúc tượng vàng, cố ý dùng quyền uy bắt người dưới xây lăng tẩm đồ sộ tốn kém của dân, tự những sáng tác đó đã là những tượng vàng, những lăng tẩm bất tử vĩnh viễn trong lòng dân…Xã hội Việt Nam,…hy vọng sẽ là một xã hội của những con người lễ nghi, học vấn, tự do dân chủ, xứng đáng với Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, không còn tái diễn những Lệ Chi Viên.”
 
Trong bài tham luận của nhà văn Hoàng Hữu Đản tại hội nghị 2002: “vụ án Vườn Lệ Chi năm 1442 tru di ba họ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ thực chất không phải là một vụ án đơn thuần, hơn nữa nó còn là một vụ đảo chính đẫm máu kéo dài trên hai mươi năm, do chính Thần Phi Nguyễn Thị Anh chủ trương với sự đồng lõa của bọn hoạn quan… Lê Thánh Tông cũng chỉ mới làm cái việc nên làm của một ông vua đối với vị khai quốc công thần, chứ chưa làm đúng với tinh thần đạo lý của một người đối với những kẻ đã hy sinh mạng sống để cứu mẹ mình và chính mình đang trong trứng nước khỏi cái tội voi dày ngựa xé…”
 
Đa số những bài nghiên cứu đều đồng quan điểm kẻ chủ mưu trong thảm án này là Thần Phi Nguyễn Thị Anh, chỉ vì muốn ém nhẹm cái hoang thai 3 tháng trước khi trở thành Thần Phi của Thái Tông. Dĩ nhiên, việc như thế không qua mắt nổi Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ, lại thêm chính ông bà đã cứu Hoàng Phi Ngọc Dao đang mang thai (là Lê Thánh Tông sau này), điều đó dễ hiểu vì sao ông bà là cái gai họ muốn nhổ đi. Và cũng để bảo vệ ngôi hoàng thái tử Bang Cơ, con của Thần Phi. Giết vua, hay lợi dụng vua bất đắc kỳ tử để trút tội cho hai trung thần? Nhà văn gọi đây là một âm mưu đảo chánh là thế.
 
Về hoang thai của Thần Phi có một chi tiết rất thuyết phục mà Tiến sĩ Sử Học Đinh Công Vĩ đã ghi trong bài Xé Bức Màn Dối Trá Trong Vụ Thảm Án Lệ Chi Viên, năm 2002: “Trong Ngọc Phả họ Đinh, phần Bút Ký Hồng Mai, Thái sư Lân Quốc Công Đinh Liệt có bài thơ:
 
Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa
Bất thức hà nhân chúng bảo đa?
Chủ khảo Tống Thai vi linh dược,
Cựu bình tân tửu thịnh y khoa.
 
Nhung Tân” đọc lái là Nhân Tông (tức Bang Cơ, con Nguyễn Thị Anh). “Thịnh Y” ý nói là Thị Anh
 
Bài dịch:
 
Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa
Dòng máu ai đây quí báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha?”
 
Bài thơ cho biết từ khi Thái Tông nhập phòng với Thị Anh tới lúc sinh Bang Cơ, chỉ có 6 tháng. Nền y học Việt Nam thế kỷ 15 không thể cứu được trẻ đẻ non 6 tháng trở thành đứa trẻ khỏe mạnh như Bang Cơ lúc sinh ra.” Người ghi sổ việc nhập phòng của vua là hai hoạn quan Đinh Phúc và Đinh Thắng.  Sau khi xử tử vợ chồng Nguyễn Trãi thì hai hoạn quan này cũng bị giết chết. Việc này đủ rõ. Lại thêm, sau, Lê Nghi Dân giết Bang Cơ, lên ngôi, đã ban bài đại xá thiên hạ, có câu: “… Diên Ninh tự biết mình không phải con của Tiên Đế (Thái Tông)…”, Diên Ninh là Lê Nhân Tông, tức Bang Cơ do Nguyễn Thị Anh sinh.
 
Lê Quý Đôn trong Đại Việt Thông Sử cũng khẳng định lại việc Nguyễn Thị Anh cùng bọn nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua: “khi Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, việc lây đến Thái Úy Trịnh Khả, Tư Khấu Lê Khắc Phục, họ đều đem giết cả đi để hết người nói ra… Diên Ninh tự biết mình không phải con của Tiên Đế”. Như thế thì bài thơ trong Ngọc Phả của nhà Lân Quốc Công Đinh Liệt là chính xác, và âm mưu cùng tội ác của Nguyễn Thị Anh thực đã rõ ràng, mà nay hơn 5 thế kỷ rồi Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ vẫn chưa được lịch sử trả lại sự trong sạch một cách chính thức.
 
Từ lúc bị xử chết oan, cho đến mãi về sau, trong quốc sử chỉ vỏn vẹn câu kết luận không chứng cớ “Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”, cùng là những lời phê vô trách nhiệm.
Chỉ vì  “Quốc Sử Âm Thầm” mà riêng Nguyễn Thị Lộ phải “ngàn thu hận”…(thơ Ngân Giang)
 
Theo bài tham luận của Luật Sư Nguyễn Thành Vĩnh, ông cũng đồng ý với nhà văn Hoàng Quốc Hải, đề nghị một Tòa Án Tối Cao Nên Thụ Lý Vụ Án Lệ Chi Viên Năm 1442 (tựa bài viết), mặc dù nó đã bị vùi lấp non 600 năm, “mà theo pháp luật hiện hành, sau 30 năm các sự kiện xảy ra, không còn hiệu lực tranh tụng nữa. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là vấn đề của Lương Tri. Theo tôi, trên góc độ lịch sử và cả trên bình diện luật pháp, nhà nước nên chính thức giải tỏa. Bởi tới nay, chúng ta đã  đủ căn cứ bác bỏ tính áp đặt, tính phi pháp, phi nhân văn của án tích Lệ Chi Viên năm 1442… Đương nhiên, nếu được chấp thuận, thì đây cũng chỉ là một loại tòa án đặc biệt- TÒA ÁN LƯƠNG TÂM- nhằm trả lại công bằng cho lịch sử (dù đã quá muộn mằn). Làm được như vậy, sẽ ghi dấu đáng tự hào cho nền công lý hiện đại…tôn vinh tính nhân văn của pháp luật được thể hiện trên lĩnh vực bảo vệ QUYỀN CON NGƯỜI. Mặt khác, nó còn cảnh tỉnh cho những kẻ có dã tâm, muốn dùng cường quyền để áp chế hoặc bưng bít sự thật…
 
Nhưng, mặt hồ lịch sử vẫn khép lặng sau khi những viên cuội này ném xuống. Biết bao giờ sử học mới trả được món nợ này cho lịch sử? Ở đâu, hỡi người viết sử có tài, có tâm?
Dù sao, cũng ghi nhận rằng 560 năm sau thảm án Lệ Chi Viên, cuộc Hội Thảo Nguyễn Thị Lộ ngày 19.12.2002 tại Khuyến Lương, xem như việc minh oan cho Lễ Nghi Học Sĩ đã được thực hiện bởi các nhà văn, nhà giáo, luật sư, cùng các nhà nghiên cứu sử.
 
Chỉ còn đợi một sự rõ ràng bằng văn bản của pháp luật, và của chính sử, như GS Vũ Khiêu đã viết : … “mong các nhà lãnh đạo cấp cao vào cuộc để trả lại cho Nguyễn Thị Lộ những giá trị đích thực của bà trong Quốc Sử và trong Nhân Tâm…
 
Nhà Sử Học Dương Trung Quốc, trong bài bế mạc buổi hội thảo trên đã nói rằng:
 
“…Có điều gì mà chúng ta tập trung ở đây với tất cả trí tuệ và tấm lòng của các nhà khoa học…? Đó là vì chúng ta cần đến đây để nhắc nhở tới một con người đã chịu oan khuất từ hơn nửa thiên kỷ… cố gắng làm sáng tỏ quá khứ…để thiết thực tôn vinh nhân vật này…để cho các thế hệ trẻ nhìn nhận đúng đắn về Đức Bà Nguyễn Thị Lộ…
 
Sau cuộc hội thảo, miếu thờ hoang phế của bà ở Khuyến Lương đã được trùng tu**.  Vậy là đã có nơi người sau đến nhỏ những hạt nước mắt chiêu tuyết minh oan, và nếu chứa được thì đó sẽ là một hồ lệ long lanh, phản chiếu tâm hồn trong sáng diễm lệ thơ ngây của Người.
 
Một tâm hồn mà tôi thấy nhà văn Mai Trực đã nhìn ra một cách rất đẹp, cô đơn và chung thủy, trong truyện ngắn Trò Chuyện Với Chim Sâm Cầm, xin cùng nghe với tôi, nhà văn Mai Trực nói những lời của Nguyễn Thị Lộ với người quân tử:
 
“Chim sâm cầm ơi! Tình của ta với Nguyễn là như vậy đó- Hư ảo- Mong manh- Ẩn hiện- Bất ngờ. Nhưng nó lại có sức sống vượt ngoài mong muốn của ta, vượt không gian, thời gian. Tình yêu của Nguyễn giúp ta cảm nhận được thời gian, không gian và cả nhân loại. Không gian đó, thời gian đó, nhân loại đó nằm trong cõi suy tư huyền ảo của Nguyễn…Và chính Nguyễn đã dạy ta biết sống, biết yêu và biết chết…Ta muốn nói với đời lời cảm tạ rằng ta đã sống trọn kiếp người và cái chết lại bừng lên sự sống.”
 
Xin cảm ơn nhà văn Mai Trực với những lời văn đẹp đẽ, nên thơ hóa cái sức mạnh tiềm tàng trong trái tim một nữ học sĩ tài hoa, có một không hai trong lịch sử Việt Nam.
Tôi như nghe trong nắng gió miền Nam Calif. bừng lên sự sống từ cái chết lẫm liệt bi thương kia, có phải là hương tóc theo về từ chiếc trâm lay động màn bụi phủ hơn 5 thế kỷ? Và trong gió trời tự do, tôi sẽ lần theo hương tóc ấy để tìm dấu chiếc trâm cài, thưa Người.
 
 Nguyễn thị Khánh Minh
Santa Ana, Tháng 8. 2013
 
 
*Muốn hỏi ông Nguyễn Văn Hải, ông để ở đâu chiếc trâm cài nhặt được trong cũi tù nằm dưới đất của miếu thờ ở Khuyến Lương? Tôi tin là của Người.
 
**Năm 2009 tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bằng đồng đã được dựng tại Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình) quê hương của Đức Bà... Năm 2011, vào đầu những ngày của tháng 9 tại Lệ Chi Viên, đã long trọng khánh thành tượng Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tượng được tạc bằng đá trắng nguyên khối, trang trọng ngự bên trái ngôi đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, tay Lễ nghi học sĩ cầm bút như đang viết lên trời xanh... Sau lưng là dãy núi Thiên Thai hình rồng chín khúc,…bên trái là sông Thiên Đức, xưa là con đường giao thông huyết mạch toàn vùng đông bắc và tưới nước cho những cánh đồng... Phía trước, xa xa là Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), quê ngoại của Nguyễn Trãi…Bên phải ngôi đền là tượng đài “Giọt lệ” bằng đá hoa cương đỏ được đặt trên một cuốn sách mở, tượng trưng cho tri thức. Đế là ba vòng tròn đồng tâm tạo thành tam cấp, tượng trưng cho bầu trời, cho sự giao hòa Thiên – Địa – Nhân sâu sắc, đồng thời cũng là sự ngầm ý ba họ bị tru di. Trụ vuông nâng cuốn sách như bầu trời trong quan niệm cổ. Tượng đài như một giọt lệ đang rơi trên cuốn sách - giọt lệ của nhân dân xót thương cho nỗi oan khiên dậy cả đất trời của những người con Trung - Hiếu - Tiết – Nghĩa. (Trần Vân Hạc-Trannhuong.com)
 
 
 
 

Nguồn: Internet

 
 

 
Đền Nguyễn Thị Lộ 2004. Nguồn internet
--------------------------------------------------------------------

*Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (cũ) nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, Huyện Gia Bình, Tỉnh Bắc Ninh. Nơi này trước là hành cung  triều Lý-Trần. Nhà Trần gọi là Ly cung. Nhà Lê đổi tên là cung Yên Hà. Người đời sau gọi là Lệ Chi Viên (BBT ghi chú).
  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Thị Khánh Minh