NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 
Nguyễn Âu Hồng,
Và Tặng Phẩm Cho Tình Nhân

 
Như một lời chúc mừng cho tác phẩm Lộc Trời mới xuất bản của Nhà Văn Nguyễn Âu Hồng.
 
Vào khoảng tháng 5 năm 2014, tôi nhận được tập truyện Lá Daffodil Thắt Bím của Nhà Văn Nguyễn Âu Hồng do Nhà Thơ Mai Quang đem đến nhân hôm thăm tôi vừa mổ xong.
Ngay tựa đề đã khiến tôi thích thú, rất chủ quan, vì đó là hoa biểu tượng cho tháng sinh một người thân thiết của tôi, nó lại là loài hoa tôi biết đến lần đầu, khi đặt chân tới San Jose, một ngày của mùa xuân, cái mầu vàng tươi mạnh mẽ đã gây cho tôi hứng khởi nơi vùng đất mới, ít ra, bước khởi đầu đã có một điều làm ta say mê. Và sau đó lại thắc mắc, sao lại có một bím tóc bằng lá daffodil nhỉ. Chắc là người yêu của chàng. Tôi nghĩ thế. Và tình cờ ở cái mở đầu tiên tập truyện, Hoa Trâm Trâm! Tôi thốt lên, trời ơi! Lại là trâm trâm bé dại của tôi ư?!
Và tôi với Hoa Trâm Trâm, rồi Lá Daffodil Thắt Bím suốt buổi hôm đó. Một buổi dạt dào cảm xúc, cảm xúc về tình yêu trẻ trung, lâu lắm mới có được từ câu văn dòng thơ…
Tôi mở laptop, gõ vào trang trắng mấy chữ, Nguyễn Âu Hồng Và Tặng Phẩm Cho Tình Nhân. Tự nhiên buột ra thế, vì rất đồng ý với Nhà Văn cùng quê, khi nói rằng tập truyện là món quà để tình nhân gửi tặng tình nhân. Đúng như vậy, vì Lá Daffodil Thắt Bím, với những tình cảm giản dị, thực đến nỗi đánh động nơi người đọc cảm xúc sâu thẳm của tình yêu, làm xao xác châu thân lẫn nhịp đập trái tim.
Tôi gõ cái tựa đề, rồi bỏ lửng, vì đau ốm, rồi lo phần layout tập tản văn của mình… Hôm nay, nhớ đến nhà văn vì đang tìm địa chỉ để gửi tặng sách. Lại thêm, người bạn đời vừa mua về cho một chậu hoa daffodil, bỗng nhiên nhớ đến việc làm còn dang dở. Thế là trong hương thoảng của thuỷ tiên vàng, giở lại Hoa Trâm Trâm, Lá Daffodil Thắt Bím (LDTB)
 
Chắc chỉ có người ở Khánh Hoà, những làng xã loanh quanh nhau, Diên Khánh, Ninh Hoà, Thuận Mỹ, Thành… nghĩa là những nơi mà Trâm Trâm lan tới đâu, thì người nơi đó có kẻ biết hút mật ngọt của nụ hoa ngũ sắc thơ ngây ấy… Như chàng Hùng trong Hoa Trâm Trâm:
 
“…nhờ vậy tôi có cớ rủ Mén đi hút mật hoa trâm trâm cho miệng được thơm…”
…nghe tôi nói “đi hút mật hoa” Mén trố mắt nhìn “người chớ phải ong, bướm sao đi hút mật hoa?”. Dễ quá mà, cứ dùng đầu ngón tay tóm lấy chùm hoa ngũ sắc trên đầu búp, kéo nhẹ lên rồi đưa những cuống hoa li ti vô miệng mà hút nhuỵ. Không no đủ mập béo gì, nhưng nó thơm miệng và là một công việc đầy thơ mộng…” (trang 106,107, LDTB)
 
Đây cũng là kinh nghiệm của anh em tôi, hồi nhỏ mỗi lần về quê Thuận Mỹ, đứa nào, nhưng nhất là tôi, cũng thích mật hoa này. Anh cả tôi khi xa nhà, làm thơ cũng không dứt được hình ảnh đìa cá trước ngõ làng, đoàn xe lửa chạy và những bụi trâm trâm, …Mặt đìa lặng rơi tàu cau cũ kỹ Xe lửa xa rồi những bụi trâm trâm…” (Nguyễn Hồi Thủ)
Với Nguyễn Âu Hồng, hoa trâm trâm còn giữ của tác giả những cảm xúc quá là trữ tình, vì nó được nhớ tới cùng với hình ảnh của người con gái, mà “mãi mãi là nguồn mạch tươi mát nuôi dưỡng tâm hồn…”
 
“- Ong, bướm đắm đuối khi hút mật hoa, nhuỵ hoa, Mén thấy thế nào, có đắm đuối không?
- Thấy thích thích, hay lắm.
- Chúng ta thua xa ong, bướm chỗ này. Cùng hút mật hoa mà ong, bướm thì đắm đuối, còn chúng ta thì chỉ thấy thích thích.
Tới đây thì Mén đã hiểu ẩn ý của các điệp từ “ong, bướm, nhuỵ hoa, đắm đuối”…”(trang 107, LDTB)
 
A, có lẽ chàng muốn dùng hình ảnh ấy để dẫn nàng tới được cảm xúc đắm đuối hay sao. Còn
nữa, tôi không sao mà dừng được cái tò mò muốn biết đôi thanh niên ấy đã hưởng vị ngọt của hoa trâm trâm, vị đại sứ đáng yêu giữa họ, ra sao,
 
“…Rồi những ngón tay thon nhỏ, mềm dịu của Mén măn măn trên mái tóc tôi kiểu như người ta măn bắt chí. Nhưng Mén không bắt chí, cô bé choàng tay đưa ra trước mắt tôi mấy cánh hoa trâm trâm bé tí như bông khế. Tôi hé mắt nhìn thấy nhưng không đưa tay ra nhận mà khẽ kéo bàn tay có mấy cánh hoa đã héo úa xuống sát miệng, đưa lưỡi liếm như kiểu thằn lằn bắt muỗi. Không hiểu sao trên mái tóc tôi lại vướng nhiều hoa trâm trâm quá. Mén cứ liên tục đưa bàn tay có mấy cánh hoa ra trước mặt tôi. Tôi nhâm nhi những cánh hoa có dính mồ hôi của Mén lẫn với mùi tóc của chính mình, lúc đầu chẳng thấy có gì đặc biệt nhưng rồi cái hương vị ngọt ngào cứ ngấm vào người làm tôi đê mê.” (trang 109, LDTB)
 
Tôi rất thích những hình ảnh so sánh “như măn bắt chí, kiểu thằn lằn bắt muỗi” trong đoạn trên, nó kéo cái không khí thơ mộng vào hiện thực rất người, rất thơ dại, truyền cho người đọc cảm xúc của giác quan. Thật thơ mộng, cái mộng mơ không ở trên trời, nó ở trên da thịt ta mà vẫn có cái gì đó thăng hoa đẹp đẽ. Thăng hoa thế nào? Đọc tiếp nhé,
 
“…Rồi tôi ngủ hiền lành như đứa trẻ ngây thơ ngủ say trong lòng mẹ. Lòng mẹ! Sự nồng ấm tinh tươi từ tấm lòng trinh bạch của Mén cũng bao la như lòng mẹ vậy.
Khi thức giấc, quả nhiên tôi đang nằm trong tư thế của đứa bé đang bú sữa mẹ, nằm trong lòng Mén. Miệng tôi cũng đang kề bầu sữa, nhưng nó còn nhỏ xíu như cái chũm cau. Cái chũm cau không có mùi cau cũng chẳng thơm mùi sữa mà thơm mùi con gái tuổi chớm xuân, mùi hương đồng cỏ nội, mùi hoa trâm trâm phảng phất.” (trang 110, LDTB)
 
Hoa trâm trâm giờ thành biểu tượng tình yêu của chàng. Giờ là một sợi dây cột tình yêu ở lại cùng hai người. Làm sao có thể quên khi bước chân một ngày xuôi về quê cũ nhìn màu tím ấy rưng rức khắp đồng cỏ? Và ký ức về tình yêu có bao giờ mà không lay động ta trong từng ngày trôi?
Cảm ơn nhà văn. Nhờ vậy, tôi biết được tình cảm mãnh liệt mà trong sáng của phía đối tượng, cái tình cảm đầu đời trong vắt của một thứ hương mà ông gọi là “hương kỳ ảo”… Có lẽ mai kia, khi về lại Thuận Mỹ, tôi sẽ gặp lại hoa trâm trâm -người bạn cũ-, với một tình cảm khác nữa, để nhìn và ngửi, mút nhuỵ của nó, biết rằng nó đã cất giữ của chúng tôi những tình cảm trong sáng biết bao của tuổi thơ dại, và lồng vào đó cái tình quê hương, ôi trâm trâm…
 
Một truyện khác, cho tôi thấu cảm xúc tặng phẩm tuyệt đẹp của tình yêu, là Mùa Cá Bẹ. Dĩ nhiên trong truyện không thiếu những hình ảnh hấp dẫn của mùa đi câu, những so sánh thú vị giữa cá mòi Việt Nam và cá bẹ, nhưng những nét chấm phá của tình yêu hai nhân vật lại là ánh sáng hấp dẫn tôi để nạp được cho mình những cảm xúc dịu dàng. Như thể từ “Thực đã vực được Đạo,” mà văn chương Nguyễn Âu Hồng có cái hấp dẫn rất riêng. “Thực, Đạo” tôi nói ở đây chỉ là mượn nôm na, chứ tôi muốn nói đến cái không khí Thực Mơ đan xen trong cấu trúc dựng và viết truyện của ông. Luôn luôn, ông chắp cho ta đôi cánh để bay lên rồi sau đó dọn sẵn một bãi đáp xuống. Mơ mộng phiêu phiêu, rồi bỗng một làn gió thổi mơn man để thấy rõ ốc nổi trên da. Đọc văn ông, độc giả có lẽ, không ít người như tôi, có cảm xúc của giác quan như thế, đồng thời với cảm nhận cái phiêu bồng của mơ tưởng.
Xin đọc, “-…vào mùa cá bẹ chiều nào đi làm về tôi cũng lên đây câu vài ba tiếng và luôn được thoả thích, đê mê xuất thần liên miên…” (trang 50). Để ý: câu vài ba tiếng, cảm giác thực của giác quan “thoả thích đê mê” đến cảm xúc tinh thần: “xuất thần…”
“- Người Nhật và người Hàn quốc coi các món ăn chế biến từ cá bẹ là “quốc hồn quốc tuý”, chạm tới cá bẹ là chạm tới niềm thương nỗi nhớ của họ…
-Ra vậy. Tôi là người Việt Nam. Tôi chạm tới cá bẹ là để đỡ nhớ cá mòi. Mùi thơm của cá mòi nướng đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam chúng tôi. (trang 51, LDTB)
…Dù đang trò chuyện với Kyong-bin Choe, nhưng khi đầu cần nhịp đúng kiểu cá cắn câu, ông Minh vẫn chụp lấy cần thao tác kịp lúc.”
…Kyong-bin cúi xuống đưa tay vuốt nhẹ lên mình cá… thận trọng và nhẹ nhàng như người ta chạm vào một vật dễ vỡ hoặc như chạm vào một vật kỷ niệm đã bị thất lạc lâu ngày…” (trang 52, 53 LDTB)
 
Quá đẹp và mới mẻ cái so sánh nên thơ khi sờ lên lớp vẩy trơn nhớt của cá. Những đẹp đẽ như vậy bắt gặp rất nhiều trong tập truyện, để cảm thấy từ những vật bình thường tác giả lại gắn với cái nhìn tinh tế nhân bản đến thế. Và đây, cuối buổi câu cá có cái ngoặc nên thơ này,
 
“…nhưng Kyong-bin đã kịp chạy theo giữ ông lại. Cô không nắm giữ ở tay hay vai mà đu lên cổ… và ông cứ muốn đứng như vậy mãi để cảm nhận mùi hương của da thịt tuổi trẻ ngấm vào từng tế bào… ông còn linh cảm kể từ nay, với sự huyền nhiệm này, ơn mưa móc và bổng lộc của đất trời sẽ chuyển hoá những năm tháng cô đơn buồn khổ trên bước đường lưu lạc xứ người thành những năm tháng nồng ấm tươi vui, từ giây phút này và mãi mãi. (trang 56-57)
…- cá bẹ và cá salmon nhờ mùi nước mà tìm về cội nguồn. Còn chúng ta nhờ mùi cá mà nhớ về quê cũ. - mà tìm đến nhau.” (trang 58 LDTB)
 
Thú vị đấy chứ, giữa cái không khí khởi đầu đưa đẩy của tình yêu là con cá. Trên kia là hoa trâm trâm. Và từ đó mà tác giả cho ta hưởng cảm giác nồng nàn trong suốt của tình yêu, đúng nghĩa.
 
 “…hết chìm đắm trong mầu xanh thăm thẳm của núi rừng, hai người lại thăng hoa theo những đám mây phiêu bạt trên đỉnh Hamilton. Ông Minh ôm sát Kyong-bin Choe vào ngực mình. Trước thiên nhiên ngát xanh rộng mở, tấm thân cô trong vòng tay ông với tóc dài tung bay và da thịt toả hương có cảm giác như một tinh thể quí giá được kết tụ sau bao vật đổi sao dời… “Nothing left but the core.” Ông thì thầm: Kyong-bin Choe ơi / Anh muốn tỏ cùng em / lời tình yêu tươi như ca dao / thơm mùi cá nướng toả bếp nghèo / thơm mùi bắp nướng mùa rẫy mới / thơm thịt da người thuở chớm yêu… khi Kyong-bin xoay người hôn lên môi ông thì hồn vía ông hoàn toàn bay bổng. Nhưng ông không bay một mình, ông ôm Kyong-bin bay ra hướng sông, lượn một vòng quanh đảo Hamilton, mở rộng dần lên đập Bonneville, lên Cascade Locks rồi lao vút lên những đám mây xa mờ ở cuối chân trời của dãy núi Cascades.”
 
Theo tôi đây là đoạn tả phút giây đôi lứa rất đẹp và gây hiệu ứng cao nơi lòng người đọc. Hoà quyện tình yêu con người và tình yêu thiên nhiên. Nhờ vậy mà vòng ôm, nụ hôn trắng trong như mây. Cảm xúc của ngũ quan thăng hoa khiến cảm thấy thân thể người yêu là một Tinh Thể Quí Giá, cũng giống như trong Hoa Trâm Trâm, từ giấc ngủ say mê trong lòng người yêu lại được lọt vào trong êm ả Lòng Mẹ. Tình Yêu và Cảm Giác của một chàng trai lớp đệ ngũ đến người đàn ông câu cá này, không khác nhau mấy về cái trong sáng diệu thường, có lẽ chỉ được phát sinh từ tình cảm chân thực. Nếu quí vị phụ nữ biết được những tình cảm trân trọng này, thì họ quả là hạnh phúc và sẽ sống sẽ yêu, đúng như là họ được phía bên kia cảm thấy. Chắc chắn thế.
 
Trong Lá Daffodil Thắt Bím, tôi bị dẫn hoặc bởi màu sắc mà nhà văn tả khu rừng
 
“...không gian thì như chìm đắm trong mộng ảo. Nắng trưa mà sao xiên xiên xuyên qua lớp sương mù đọng giữa những tàng cây, một màu nắng huyền hoặc, không vàng không thắm cũng không trắng không hồng, một màu nắng phơn phớt tím hoa cà liên tục chuyển động, lung linh kỳ ảo lạ thường… (trang 14 LDTB)
… bỗng ông Tân đâm hoảng, tấm thân đồ sộ chắc nịch của Barbara trong vòng tay ông như tan chảy… khi Barbara cứng cáp trở lại thì ông Tân bắt đầu chìm vào cơn mê, ông khởi sự thăm dò những trái chín cuối mùa của xứ sở Hoa Kỳ… Quả đất như ngừng quay… trong mê đắm hai người há hốc miệng như đang ăn sương giá, như đang uống nắng trời. Ông Tân mơ màng như đã uống vào người cái màu nắng trùng với màu mắt của Barbara, màu mắt huyền thoại phơn phớt tím hoa cà…” (trang 16-17 LDTB)
 
Bạn đế ý xem, những cảnh tả chân há hốc miệng, tấm thân đồ sộ… có đối chỏi với cái khí thơ mộng trong cảnh này không? Tôi thì thấy nó như một  mỉm cười duyên trong dẫn chuyện. Há hốc miệng như đang ăn sương giá, uống nắng trời thì quả là nâng một hình ảnh chân chất người lên mức của nên thơ. Cái tài tình giữa hóm hỉnh và dịu dàng, vi tế.
Và cũng không khác chút nào, tâm hồn trong vắt của ba nhân vật, chàng trai trẻ, người đàn ông câu cá, người làm vườn tuổi về chiều, trước sức mạnh mãnh liệt của tình yêu, họ thăng hoa một cách đáng ngạc nhiên và rất thơ để thấy lòng người yêu như lòng mẹ, ôm người yêu như ôm một Tinh Thể Quí Giá, uống màu mắt huyền thoại phơn phớt tím hoa cà. Đó là tặng phẩm đẹp nhất mà người đàn ông dành cho người yêu mình. Tặng phẩm mà bất cứ phụ nữ nào cũng hãnh diện khi được trao tặng.
Còn một truyện nữa trong tập này mà tôi cũng rất thích, Mũi Tên, câu truyện đầy ẩn dụ của luật Nhân Quả, mà dường như trong bài giới thiệu của Nhà văn Trần Hoài Thư, bài viết của Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ đã nói rất đầy đủ và rất hay, nếu có nói thêm thì tôi chỉ muốn trích một đoạn rất cảm động, không dính gì tới chủ đề của câu truyện, tôi thích vì có chút tình cảm chủ quan của hoàn cảnh tôi, …mà huyền diệu thay, trong những giây phút đen tối nhất ở phòng cấp cứu, khi Nancy còn hôn mê, anh đã cảm ứng được hương thơm từ linh hồn nàng để vẫn nuôi niềm hy vọng… (trang 37)
Tôi muốn nhấn mạnh đến ý hương thơm từ linh hồn nàng, một sợi chỉ suyên suốt của tâm hồn nhạy cảm, tình yêu thẳm sâu, lòng quí thương trân trọng của tác giả, phản chiếu qua ba hình ảnh của ba nhân vật tôi đã nêu trên.
Và,
 
“…nếu thật lòng yêu nhau và dám hy sinh cho nhau thì ở bất cứ đâu các cặp đôi đều có thể tạo dựng cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc.” Nhớ đến câu nói đó của Nancy và những thách thức với đôi chim non lần đầu tiên khám phá bầu trời, vừa mừng vừa run lo âu khấp khởi, Lou Calakmul bỗng thấy lòng mình tràn ngập lòng yêu thương. Không dằn được, anh bước lên lầu ôm hôn Nancy, một nụ hôn thật sâu trước khi dìu cô khởi đầu bài tập physical therapy… … anh chỉ biết thì thầm bên tai nàng “rồi em sẽ qua khỏi, sẽ trở lại như xưa, tin anh đi, chúng mình ở hiền gặp lành.” Anh tin vào hơi ấm kỳ diệu của tiếng thì thầm và hơi ấm mang sức sống lấp đất vá trời từ đôi bàn tay anh…(trang 35, 36 LDTB)
 
Buổi chiều đầy nắng vàng khi tôi gấp cuốn sách của Nguyễn Âu Hồng, cùng lúc tôi cảm thấy âm vang rất thiết tha dịu dàng từ những con chữ, như thể những vạt nắng ấy đang rót vào tôi điệu thánh thót nhất của ấm áp. Biết được những tình cảm của người đàn ông dành cho người đàn bà của đời mình, tôi cảm nhận rõ ràng hơn những điều mình có, và dường như trong tôi nghe dội lên những cảm xúc nồng nàn. Tôi cảm nhận sâu sắc một điều từ lâu vẫn ở trong lòng mình mà tôi tưởng nó đã phai nhạt ít nhiều theo sắc thời gian. Tôi biết không chỉ có tôi, mà tất cả những tình nhân trên dương gian này hẳn đều đã cảm thấu được “điều gì đổi thay dưới sức nóng kỳ diệu của tiếng thầm thì?”, ngày đó khi tôi viết câu thơ này tôi đã dùng dấu hỏi, nhưng nay thì tôi bỏ, vì tôi đã khẳng định được, tất cả sẽ đổi thay theo nghĩa tốt đẹp nhất hạnh phúc nhất khi tiếng thì thầm đầy sức nóng của tình yêu đến bên đời…
Xin được cảm ơn những tình cảm đẹp đẽ, và đầy trân trọng của Lá Daffodil Thắt Bím.
 
Nguyễn thị khánh minh
Calif., Tháng 3.2015, mùa hoa daffodil.
 

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Thị Khánh Minh