NGUYỄN THỊ NGỌC LAN
 
Chuyến Tàu Tuổi Thơ

Tôi luôn tự hào mình được sinh ra bên dòng sông Hương núi Ngự.

Mẹ kể lại rằng vào cuối mùa đông năm ấy.Mẹ được Ba đưa vào bệnh viện khi trời chưa sáng tỏ lắm. Ba tiếng sau, tôi đã o oe chào đời trong niềm vui của Ba, khi người hộ lý câm bước ra khỏi phòng sinh lúc Ba đang gật gù ngái ngủ vì phải thức dậy từ mờ sáng trong cái lạnh cắt da của xứ Huế mộng mơ. Bà ấy đã đánh thức Ba dậy lúc đang trong cơn mơ, thấy vợ mình sinh một cô công chúa đầu lòng. Và thật đúng như trong giấc mơ của Ba lúc đó, khi người hộ lý câm diễn tả bằng ngôn ngữ trên hai ngón tay trỏ và giữa vòng lại với nhau ý muốn nói là con gái. Một công chúa vừa ra đời và tên gọi đó được theo tôi cho đến hết năm đệ lục mới mất đi mà không hiểu vì sao.
Tôi lớn lên trong vòng tay thương yêu của Ba Mẹ. Nhất là Ba luôn cận kề chăm sóc tôi từng li từng tí.
Hằng ngày, mỗi ngày sau khi đi làm về Ba hay chở tôi trên chiếc xe Lambretta dạo quanh khắp phố phường. Tuy mới ba, bốn tuổi nhưng dường như tôi quen và nhận biết được tất cả các con đường ở Huế . Trừ những ngày mua gió còn không ngày nào không được Ba chở đi, nhà những người thân quen của Ba tôi cũng được đến vì Ba muốn khoe cô công chúa có đôi mắt to tròn của mình và lấy làm hạnh phúc lắm. Đó là những lời Mẹ kể lại cho tôi nghe sau này.
Khi lên sáu tuổi tôi chập chững với cặp vở đến trường. Nơi đặt bước chân vụng về đầu tiên là trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ,Huế.
Mỗi sáng đi học như vậy tôi treo chiếc cặp vào phía trước xe, rồi đứng giữa hai chân Ba quay đầu lại ôm chặt người chở đến trường. Khi bóng tôi khuất vào lớp học Ba mới chịu cho xe chạy dến Đài phát thanh Huế làm việc.
Một lần đi học về tôi muốn được ngồi sau để biết được cảm giác, được nhìn ngắm cảnh vật chung quanh. Ba chìu ý và cho tôi ngồi sau ôm chặt ngang hông Ba chứ không đứng đằng trước quay đầu laị như mọi lần. Say mê nhìn cảnh vật lướt qua đôi mắt mình, những dòng xe cộ. những người ngồi trên xe máy hoặc xe đạp cứ đều đều trôi đi như cảnh quay trong phim mà có lần Ba đưa tôi đi xem. Lúc xe qua cầu Bạch Hổ, một cơn gió mạnh lùa đến làm tung chiếc mũ rộng vành màu hồng, thắt nơ xanh lên cao rồi rơi xuống dòng nước chảy dưới kia. Ba dừng xe lại định bước xuống nhặt chiếc mũ đang lững lờ trên dòng nước, nhưng vì quá xa không với đến được. Tôi nhìn theo chiếc mũ mà ngậm ngùi tiếc nuối và hờn dỗi Ba sao không bước xuống lấy để cho trôi mất đi. Tôi im lặng trên suốt quãng đường còn lại, về nhà tôi không ăn cơm mà ngồi khóc như muốn bắt đền Ba cái mũ. Hình ảnh ngày đó vẫn còn hiện rõ trong tâm trí cho đến tận bây giờ không hề phai, Ba đến bên tôi ôm chặt rồi lau những giọt nước mắt trên mặt dỗ dành:
-Con ăn cơm đi rồi cái mũ tự nhiên nó sẽ trôi về lại nhà mình cho coi. Sáng mai thức dậy con sẽ thấy nó nằm trên chiếc cặp đó. Tối nay Ba đi gọi nó về mà.
Tôi tin lời Ba và cầm chén cơm lên ăn ngon lành. Con bé sáu tuổi dại khờ như tôi luôn xem Ba mình như vị thánh có quyền năng làm bất cứ thứ gì cũng được. Tôi đi vào giấc ngủ có giấc mơ Ba đưa tay lên trời làm phép và chiếc mũ thắt nơ xanh từ từ bay về trước hiên nhà rồi nhẹ nhàng liệng quanh phòng, cuối cùng đáp xuống chiếc cặp của tôi đang đặt trên bàn học.
Sáng hôm sau thức dậy thật sớm, khi cả nhà còn đang ngủ say, tôi vội vã bước xuống giường chạy đến bên bàn học và mừng rỡ thấy chiếc mũ màu vàng nhạt, có những bông hoa nhỏ li ti màu xanh quanh mũ. Tôi sung sướng vô cùng vì Ba đã gọi về chiếc mũ đẹp quá. Lúc chuẩn bị đi học tôi hỏi Mẹ:
-Răng hắn trôi về được rứa Mẹ?
Mẹ đến bên cạnh sửa lạichiếc mũ cho ngay ngắn rồi nói:
-Cái mũ ni hắn lì quá gọi hoài không chịu về. Ba đánh một trận xong tắm rửa cho hắn nên chừ mới đẹp rứa đó. Con có thích không?
-Rứa mà con tưởng hắn tự trôi về nhà mình…??
Mẹ nhéo nhẹ má tôi:
Ba con đi tìm hắn cả đêm đó. Trốn trong bụi cây không chịu ra.
-Răng Ba không kêu hắn lên cho bánh?
-Ba quên đem theo. Phải lội xuống nước xách lỗ tai hắn kéo về đó con.
Tôi nhìn Mẹ mỉm cười tỏ ra vui mừng lắm. Buổi sáng hôm đó trời dịu mát nên Ba chở tôi chầm chậm đến trường, con đường hôm nay sao mà ngắn quá. Tôi muốn Ba chạy xe thật lâu để nghe tiếng gió vi vu qua vành mũ mới, nhưng rồi cũng phải bước xuống xe để vào lớp học. Trưa hôm đó về nhà tôi không ngủ như thường lệ, mà cứ nằm nhìn chiếc mũ xinh xắn đang treo ở góc phòng, mong cho đến giờ đi học để được sung sướng đội nó lên đầu.

Thời gian trôi qua nhanh nhưng trong ký ức tôi, chiếc mũ đầu tiên ấy mãi mãi xinh đẹp hơn tất cả những nón mũ sau này đội trên đầu mình. Cho đến bây giờ màu sắc của nó tôi vẫn còn nhớ mãi, cùng với những kỷ niệm yêu thương một thời thơ ấu Ba Mẹ dành cho tôi mà tiếc nuối một tuổi thơ êm đềm.
Sau này có những lúc làm ăn xa trở về thăm nhà, nhìn hai đứa cháu nội được Mẹ nó sửa soạn cặp vở mũ nón chuẩn bị đi học, tôi lại nhớ đến ngày thơ ấu ấy, nhớ cái cảm giác mình hạnh phúc trong vòng tay Mẹ. Cái cảm giác dịu dàng của bàn tay Mẹ mơn man trên má mình mỗi sớm mai thức dậy đi học. Nhớ vòng tay Ba ôm chặt khi bước ra khỏi cổng trường. Nhớ thời gian đầu đời bước chân vào lớp học, nhẹ nhàng cởi chiếc mũ rộng vành treo lên chiếc đinh đóng sẵn trên tường.

Ngôi trường đầu tiên tôi học chỉ được một năm. Khi lên lớp tư, cả gia đình theo Ba vào Vũng Tàu làm việc. Cuộc sống cả nhà bềnh bồng như vậy mỗi lần Ba chuyển đơn vị công tác. Cho đến năm tôi học lớp nhì, cả gia đình tám người lại lênh đênh trên chiếc thuyền lãng tử là Ba trôi dạt về Dục Mỹ, vùng đất huyền thoại của nhiều người tứ xứ đổ về đây. Có những người chọn nơi đây là bến đậu cuối cùng của mình, mang theo cả gia đình đến bây giờ không rời xa. Họ bám víu vào mảnh đất tưởng khô cằn nhưng nhiều màu mỡ ấy như một vùng đất thiêng. Cho đến nay nhiều gia đình sống qua ba thế hệ rồi và thế hệ thứ tư đang hình thành. Gia đình tôi là một ví dụ.
Ngày mới chuyển đến Dục Mỹ, cái nóng hun người thiêu đốt tôi trong thời gian dài mới thích nghi được. Ba mua căn nhà cũ nằm sâu trong con đường đất bên cạnh Trại gia binh Pháo Binh. Căn nhà lợp tranh nhưng cũng khá rộng đủ để cả gia đình sinh sống, có cả khoảng sân trước nhà cho anh em chúng tôi chạy nhảy.
Về Dục Mỹ khi tôi chưa được mười tuổi, nhưng đi học phải lội bộ gần cây số ngược ra quốc lộ rồi băng qua bên kia đường mới đến trường. Ngôi trường ấy có tên Nguyễn Thành Nguyên. Đó là năm 1966. Con đường đất nhỏ đầy đá lởm chởm ấy, hai bên là những mái nhà tranh và trước những căn nhà thường có khoảng sân rộng, người ta trồng vài ba khóm mì, vườn rau nho nhỏ và chăn nuôi gà vịt làm cho đoạn đường đến trường của tôi vui nhộn, sôi động hẳn lên nhờ những âm thanh phát ra từ những con vật ấy. Qua khỏi dãy nhà là bệnh xá Lai Thiện Căng. Nơi đây những đứa em sau này của tôi được sinh ra.
Tôi đi bộ đến trường cùng con bé Phương Hà nhà bên cạnh, nó học thua tôi một lớp nhưng chơi với nhau rất thân. Mỗi buổi chiều về hai đứa tôi thường lang thang trên đoạn đường ngắn nhưng nhiều cây cỏ để bắt bướm và chuồn chuồn. Một sự đam mê thích thú rất trẻ con ngày ấy, nhất là những bé gái như chúng tôi. Phương Hà nhỏ hơn nên thường bị giao giữ cặp sách, còn tôi được quyền đuổi bắt khi phát hiện ra chú bướm hay chuồn chuồn. Hình ảnh khuôn mặt trẻ thơ của tôi và Phương Hà ngày ấy đến bây giờ tôi vẫn còn ghi nhớ rất rõ. Khi bàn tay run run của tôi nhẹ nhàng đưa gần đến cái đuôi của con chuồn chuồn hay chạm đến đôi cánh đang nhấp nhô của chú bướm, miệng Hà mở rộng, hồi hộp căng mắt ra nhìn. Những lúc như vậy môi tôi mím chặt lại, tim như ngừng thở sợ tiếng động chú chuồn chuồn sẽ bay mất.Lúc hai ngón tay kẹp chặt cái đuôi chuồn chuồn hay đôi cánh bướm là nghe tiếng reo cùng tiếng vỗ tay của Hà, đó cũng là lúc tôi nở nụ cười sung sướng khi cái cảm giác được chinh phục “đối thủ” nhỏ bé kia. Chao ôi! Cái cảm giác được chạm vào, rồi kẹp chặt cái đuôi hay đôi cánh ấy sao mà nó lâng lâng, hạnh phúc quá. Cái hạnh phúc không diễn tả nên lời ấy với tôi nó thật thiêng liêng khi ngón tay mình vừa chạm khẽ và nó không kịp vụt bay đi. Một cảm giác khó quên nhất trong đời cô bé lên mười tuổi như tôi lúc đó. Trông thấy Hà không được cái cảm xúc ấy tôi thấy tội nên hay an ủi Hà:
-Mi giữ cặp để tau bắt rồi về cho mi con đẹp nhất. Con chuồn Ớt nghe!
Tôi nói vậy cho con Hà tươi lên một chút chứ trông nó tội nghiệp vì thân phận đàn em lo giữ cặp. Tôi hí hửng trên tay giữ con vật bé nhỏ cũng không được lâu, vì khi về đến nhà, thấp thoáng thấy bóng tôi là Mẹ đã biết thế nào tôi cũng la cà để bắt bướm nên chạy ra nói:
-Thôi con. Thả cho nó bay đi rồi vào rửa tay. Đừng bắt hắn, ác lắm.
Khuôn mặt con Hà buồn thiu, còn tôi nghe Mẹ nói đã hoảng hồn tung con vật lên trời rồi quay sang an ủi con Hà:
-Đừng buồn nghe mi. Chiều mai nhứt định dành cho mi con chuồn chuồn Ớt.
Vậy là chiều nào cũng lập đi lập lại như thế.

Trên đường dẫn tới trường tôi phải băng qua một căn nhà có nuôi hai con ngỗng to tướng. Tôi diễn tả to tướng vì khi nó vươn cái cổ dài ngoằng ra có lẽ còn cao hơn tôi. Con vật trông hiền lành vậy mà lúc đó sao tôi ghét nó vô hậu. Toàn thân phủ một màu trắng trông giống như mấy người mặt đồ tang, kinh lắm nên lúc nào tôi cũng cần phải cảnh giác. Không còn nhớ rõ trên đầu nó có cái mồng màu vàng hay đỏ tía nữa , bởi vì nó là mụ phù thủy đáng sợ nhất trên đời, đâu dám nhìn cho kỹ để được nhớ đến bây giờ.
Một lần đi học về tôi và con Hà đang say sưa nhìn cảnh vật thơ mộng trên con đường đất, với những đóa hoa dâm bụt bên hàng rào nhà ai đó, đang vươn những cánh đỏ thắm ra ngoài đường, nó như thách thức tôi phải chinh phục cho bằng được. Tôi nói với Hà:
-Mi đứng canh để tau hái cành hoa ni cho hai đứa mình nghe.
Vậy là con Hà mắt dáo dác ngó xuôi ngó ngược, quan sát có ai đi đến gần không, còn tôi nhón chân lên bờ rào với tay định ngắt cành hoa đó. Với tay hai ba lần mà chưa chạm được cuống hoa để ngắt, tôi bực mình nói với Hà:
-Hắn cao quá Hà ơi!
Con Hà bày tôi:
-Mi tìm cái cây rồi khoèo hắn.
Nghe nó nói vậy tôi vội chạy đi tìm nhánh cây dài, rồi vạch chùm lá ra khoèo cho bắng được. Vừa rướn người, vừa mở to mắt nhìn vào cái hoa dâm bụt, bỗng đâu một cái mỏ màu vàng thò ra ngoài từ bên trong hàng rào, phía dưới chân tôi. Rồi tiếp theo là cái cổ màu trắng , dài ngoằng của mụ “phù thủy ngỗng” vươn tới cạp vào chiếc váy. Tôi hoảng hồn vất nhánh cây, ba chân bốn cẳng chạy một mạch, băng qua cửa ngõ căn nhà đó, tưởng như vậy là đã thoát thân được rồi ai ngờ đến khi quay đầu nhìn lại, giật mình khóc thét lên bởi cái con phù thủy nó đang rượt thheo tôi cho bằng đươc. Hai cánh nó xòe ra như cánh máy bay, còn cái cổ vươn dài cứ thế chạy theo, cố cạp vào cái vạt áo đầm của tôi. Còn đầu kia con Hà mặt xanh như tàu lá đang đứng run cầm cập, miệng ngậm chặt, cặp sách văng tung tóe dưới chân. Tôi định thần lại rồi cắm đầu tiếp tục chạy một hơi về nhà, trong lòng vẫn còn sợ hãi, miệng mếu máo khóc hu hu. Mẹ trông thấy vậy hỏi:
-Răng mà con khóc, đứa mô chọc phải không?
Tôi trả lời, vẫn còn run:
-Con ngỗng rượt con chạy. Hắn giữ cặp của con rồi.
Mẹ nghe nói vậy hiểu ra chuyện nên cười:
-Tại con không lo về mà còn mãi mê bắt bướm làm chi. Nó thấy vậy nên giục con về nhanh đó thôi.
Nói xong Mẹ chạy đi tìm cặp cho tôi và dẫn con Hà về tận nhà nó.
Từ đó mỗi lần ngang qua nơi có hai bà “phù thủy ngỗng” đang thơ thẩn trong sân là tôi nín thở, một hai ba chạy ào qua thật nhanh, không dám quay đầu nhìn lại.

Gần một tháng nữa là kết thúc năm học. Một buổi chiều đi học về trông thấy hai chiếc xe chạy vào đổ xuống một đống đá thật to. Có lẽ nhà ai đó chuẩn bị làm nên mới đổ loại đá này trong khu đất trống.Tôi không quan tâm lắm đến đống đá này, vì mắt đang chăm chăm nhìn vào cái đuôi màu đỏ thắm của con chuồn chuồn ớt đang đậu trên một bụi cây gần đống đá đó. Nín thở vươn tay ra định bắt thì có tiếng đứa con trai hét lên:
-Ê! Xí mê. Không được bắt.
Con chuồn chuồn nghe tiếng động, bay vút lên cao. Tôi quay ngoắt lại nhìn nơi phát ra tiếng hét thì thấy một cục thịt vừa to vừa tròn đang “lăn” từ từ đến chỗ tôi. Nó nói;
-Mày ở đâu lạ hoắc, tới đây bắt mấy con chuồn chuồn với bươm bướm của tau nuôi?
Tôi nhìn khuôn mặt mập ú của nó mà phát khiếp nhưng cũng không chịu thua:
-Mi nói chi lạ rứa? Chuồn chuồn nó bay trên trời chứ phải của chi mi?
-Mi mi cái chi. Mi…bà li xi.Tao nói tao nuôi là tao nuôi. Mi muốn cái chi?
Thằng mập này lếu láo quá. Nó dám giả cả giọng Huế của tôi nữa chứ, tức điên luôn, nhưng nhìn thân thể đồ sộ với đôi mắt như hai lằn ngang trên khuôn mặt và cái miệng to như cái chén tôi cũng hơi ngán nên nhỏ nhẹ:
-Thì mi cho tau bắt mấy con thôi.Làm chi mà dữ rứa?
-Không được là không được. Mi hiểu chưa?
Tôi năn nỉ:
-Mi con trai đâu có chơi chuồn chuồn. Thôi cho tau bắt đi.
-Không được! Nó nói như hét vào tai tôi.
-Đồ ác! Tôi lẩm bẩm.
Hình như thằng mặp bị lãng tai hay sao mà nó la lên:
-Á..á…Mi nói ai lác. Muốn cái miệng mi lác không?
Tôi nghe nói cười tủm tỉm:
-Tau không nói rứa.Nói mi ác như quỷ.
Hai lằn ngang trên khuôn mặt hắn biến mất mà lại xuất hiện hai con mắt cọp:
-Mụ nội mi. Về Huế mà bắt.
Nó giả giọng Huế như thật.
Lúc này tôi tức lắm nhưng không thể làm gì được hắn. Nhìn nó rồi lại nhìn chung quanh xem có ai đi ngang qua không. Thoáng thấy bóng áo lính từ xa, tôi ỷ lại có người lớn nên lấy hết sức hét:
-Đồ ba nhe. Mập…xịt!
Thằng mập bất ngờ vì bị tôi táng cho một câu xúc phạm nặng nề đến cái thân hình của nó nên định rượt tôi chạy. Thấy có chạy cũng không thoát được nó nên tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ không nhúc nhích, mặt vênh lên, hai tay chống nạnh…thủ thế. Nó hơi khựng lại, đưa nắm tay lên dọa:
-Mi nói lần nữa coi?
Tôi bĩu môi:
-Nói rồi đó, ngu răng nói nữa?
-Mi tưởng Huế ngon lắm hả?
-Răng không …ngon.
Nó tức tối bước đến gần đưa nắm đấm ngay miệng tôi:
Liệu hồn mi nghe con …Huế.
Nét mặt nó bây giờ trông thật dữ tợn, đỏ gay. Hai môi cong lên như bà cọp muốn nhào vô ăn thịt nên tôi không dám nhìn vào khuôn mặt úc núc đó nữa ,nhưng vẫn tức:
-Con trai mà ăn hiếp con gái..
– Con gái chi cái mặt mi?
Nước mắt tôi bắt đầu rơm rớm nhưng nhất định không thể khóc trước cục thịt này, tôi lí nhí nhưng lại sợ hắn nghe:
-Thằng hột vịt.
Chắc chắn nó bị điếc nghe không rõ nên vặn lại;
-Mày nói ai thằng mặt …ịt?
Lúc này tôi không còn muốn khóc nữa mà lại buồn cười nên nhếch môi. Nó thấy vậy giả giọng Huế hỏi tiếp:
-Mi cười cái chi con vịt trời Huế kia?
-Cười chi kệ tau.
-Cái miệng như…cá sấu.
Tôi tức điên vì hắn nói miệng cá sấu, tôi suy nghĩ tìm cách trả thù:
-Còn hơn miệng…
Nó dí nắm đấm sát miệng tôi hơn, gằn giọng:
-Nói …đi
Tôi hất tay nó ra:
-Đàn ông mà ăn hiếp đàn bà.
Thằng mập nghe tôi nói vậy, ôm bụng cười ha hả:
-Ngu…dễ sợ. Con nít mà nói đàn bà. Ha…ha!
Trong lúc nó đang gập người ôm cái bụng mỡ cười sung sướng, tôi loi vô cánh tay của nó rồi vùng chạy:
-Đồ mập…xịt!
Chạy biến một hơi về nhà.
Vậy là tôi và thằng mập coi như tuyên chiến với nhau từ đó.

Kết thúc năm học, tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi nên được phần thưởng. Gần những ngày cuối cùng lúc nào cũng hồi hộp trông ngóng cho mau đến bế giảng để được ôm phần thưởng về nhà. Thầy Điển, người phụ trách lớp học của tôi kêu gọi các bạn trong lớp tập hát để lên trình diễn văn nghệ trong ngày đó. Tôi về nhà nói với Mẹ:
-Mẹ, Thầy bắt con phải hát một bài mới được nhận phần thưởng mà con không biết hát bài chi hết.
-Mẹ có biết hát mô mà bày cho con.
Vừa thời điểm đó Dì út tôi từ Đà nẵng vào thăm, giúp Mẹ trông coi em bé vừa mới sinh, thường hay hát ru em bài ‘Ai ra xứ Huế”, vậy là Mẹ nói Dì tập cho tôi bài hát này. Tôi hỏi Dì:
-Răng mà Dì hát nghe buồn rứa?
Dì út tôi có lẽ buồn thật;
-Tại Dì có tâm sự không được vui chứ chi mà con hỏi.
-Tâm sự là răng Dì ?
-Thì tâm sự là tâm sự chứ răng mi hỏi cắc cớ quá. Thôi mi còn nhỏ biết làm chi.
Dì tập cho tôi bài hát đó rất hay nhưng còn tâm sự là chi thì đến mấy năm sau, khi tôi bắt đầu có những nỗi buồn vu vơ đầu đời mới hiểu được câu nói của Dì út.
Ngày làm lễ cuối năm, trước khi nhận phần thưởng tôi lên hát bài “Ai ra xứ Huế” không ngờ được giải nhất toàn trường. Cả nhà hãnh diện vì tôi lắm. Nhất là Ba, hôm đó Ba xin nghỉ làm việc đến dự ngồi hàng ghế đầu để trông thật rõ cô con gái yêu của mình lên nhận phần thưởng và hát. Khi tôi chưa kịp bước xuồng sân khấu, Ba đã chạy lên ôm chặt lấy tôi rồi hôn lên mặt. Tôi nghe có dòng nước ấm chảy xuống má.

Không ngờ hôm bế giảng trường tôi cũng có thằng mập lảng vảng ngoài cổng trường và đã nghe tôi hát, Từ đó mỗi lần gặp nhau là nó giả giọng Huế:
-Ai ra xứ Huế thì…vô. Ai về là về xứ …ẹ.
Nó cố tình nhại tiếng Huề ra đủ cách để trả thù tôi cái tội đã gọi nó là thằng mập xịt. Tôi cũng không vừa:
-Ai vô…xứ…ú…ù…u Ai về…lạ…là..Mập xịt
Nó nắm tay nhứ nhứ:
-Cầu Tiền …hiền…sáu vài …mười ..lăm,,, Mệ…
-Mệ ..là mệ..cô…mi…
Nói đến đó tôi ba chân bốn cẳng vọt chạy mau, dằng sau tiếng xình xịch trên nền đất như xe lửa rời ga trong những ngày tôi còn ở Huế.

Ba tháng hè tôi chỉ quanh quẩn trong căn nhà tranh, lúc này Mẹ nuôi thêm đàn gà vừa nở ra hai mươi mốt chú gà con đẹp như thiên thần có cánh. Mỗi sáng thức dậy tôi lấy gạo rải tứ tung quanh sân cho đàn gà ăn. Mẹ nói tôi phải lo chăm sóc đàn gà khi nào lớn đẻ trứng sẽ cho một quả để chơi. Tôi biết Mẹ nói cho vui chứ trứng gà mà chơi sao được. Vậy mà sau ba tháng ở nhà đàn gà bây giờ đã lớn, có đủ lông cánh bay nhảy khắp nơi, không có chỗ nào thiếu mặt chúng khiến tôi phải quét dọn suốt ngày.

Năm học mới bắt đầu khai giảng. Tôi bây giờ là cô nữ sinh đàn chị trong trường, xách cái cặp to hơn năm trước, mỗi lần bước vào cổng trường là liếc ngang liếc dọc trông oai lắm .
Lâu không gặp lại thằng Mập cũng buồn vì không có ai để mình chọc tức. Tôi cứ tưởng nó học hơn tôi vài lớp nhưng sau khi nhập học trở lại mới phát hiện ra nó cũng chỉ như tôi thôi , bằng lớp nhưng khác trường. Nó học Bồ Đề còn tôi Nguyễn Thành Nguyên. Vậy là từ nay cũng chẳng có chi phải sợ sệt nó, kẻ thù không đội trời chung với tôi suốt một năm qua.
Tôi thiệt thòi hon vì phải đi học ngang qua nhà nó, đó là điều bất lợi nhất nhưng vì luôn luôn cảnh giác nên chưa bị ăn đòn của nó từ lúc lên lớp Nhất. Thường thì tôi về nhà rồi nó mới bước vào cổng nên không việc gì phải sợ. Mà việc gì phải sợ nó chứ, tôi nghí thầm như vậy. Nó cũng biết sợ tôi chọc quê nên không dám gọi tôi là con Huế nữa.
Vào một buổi chiều chủ nhật, Mẹ cho tôi theo Dì út đi giặt ở suối. Đang ngồi vọc nước, nhìn nước chảy thì giật mình vì một hòn đá to quăng xuống ngay trước mặt tôi làm nước văng tung tóe. Quay đầu nhìn lên bờ, tôi giận run người vì thằng mập đang đứng chống nạnh nhìn xuống cười hì hì, khuôn mặt của nó rung rinh hai cục thịt, trông tức điên mà chưa biết phải làm gì. Tôi đứng dậy hai tay chống nạnh nghênh chiến:
-Ê, mi có giỏi xuống đây. Tau…tau nhận nước mi chừ.
Ỷ lại có Dì Út mới dám nói vậy chứ thật ra tôi run bắt chết, tức quá không biết làm sao nói đại chứ lúc đó mà nó xuống thật, có lẽ tôi co giò, ba chân bốn cẳng mà chạy cho thoát chứ không thôi bị nó nhận nước chết. May mà cái thằng to xác nhưng nhát gan. Tôi đoán vậy nên thách thức tiếp:
-Mi dám xuống không?
-Xuống cho miệng con cá sấu táp một cái, ăn thịt hả?
-X..í..í. Ai thèm ăn thịt mỡ mi.
-Liệu hồn, tau “luộc” xương mi chừ.
-Có giỏi xuống đây “luộc”. Tau nướng mi chảy mỡ. Mập…xịt.
-Còn hơn mi ốm nhom, ốm nhách như …gà dịch. Đồ con “chàng hiu”.
-Gà dịch nấu cháo cho mi ăn hí?
-Đồ phù thủy Huế trời đánh trật búa.
Dì Út đang giặt đồ nghe nó nói như vậy tức lắm. Lặng lẽ
đứng dậy leo lên bờ rồi đi vòng ra sau lưng, bất ngờ cầm lỗ tai nó vặn ngược ra sau, kéo xuống suối:
-Chừ mi nói đi. Ai phù thủy Huế. Ai trời đánh trật búa?
Trông cái mặt thảm thương của nó mà buồn cười . Tôi cười thật to. Dì tôi xách lỗ tai, nó đau quá cái miệng méo qua một bên, ngược với cái lỗ tai bị Dì nắm chặt. Nhìn mặt nó nhăn nhó tôi sướng lắm nhưng cũng không hết tức, vừa ngó vô mặt hắn, vừa đi ra sau lưng rồi lấy hết sức đá vô mông kêu cái bốp, không biết nó có đau không chứ bàn chân tôi muốn tóe lửa, đỏ hoe đau muốn khóc mấy ngày sau còn đi cà nhắc đến trường.
Dì Út xách lỗ tai xoay tròn quanh nó. Càng xoay, mặt nó càng nhăn, mắt trái nhắm tít, miệng méo về bên phải. Tôi thấy cũng tội nên can:
-Thôi rứa được rồi Dì. Tha cho nó.
Dì nghiến răng, bặm môi:
-Huế nì…Huế nì…Mi chừa chưa?
-Chừa…
-Mi nói rứa hả? Nói lại như ri: “Dạ thưa… chị.. Huế..em chừa rồi.
Nó hét lên:
-Không
Dì Út vặn lỗ tai tiếp:
-Nói không?
-Thì..thả ra rồi nói.
Dì tôi thả tay ra:
-Mi nhớ đó nghe! Liệu chừng hồn mà chọc.
Thằng mập vừa thấy Dì lơi tay đã tuôn chạy lên bờ, đứng nói vọng xuống:
– Huế… mắc dịch. Đồ bà chằn Huế.
Nói rồi sợ Dì tôi đuổi theo nên cắm đầu tuôn chạy một mạch đến nổi không trông thấy một bà đang bưng thau áo quần xuống suối. Cú va chạm đó làm cả hai người té lăn cù. Nó lóp ngóp ngồi dậy bị ăn nguyên cái thau vô lưng. Người phụ nữ định cho thêm một đá nữa, nó đưa tay lên đỡ rồi tuôn chạy mất hút. Tôi và Dì Út nhìn ôm bụng cười nghiêng ngả.

Khi học gần hết năm lớp nhất Ba tôi mua được ngôi nhà cũ ngay đường quốc lộ và sửa chữa lại. Vậy là nhà tôi chuẩn bị dời ra ngoài. Ngày dọn nhà tôi lo sắp xếp lại đồ đạc của mình cho gọn để chuyển đi. Đang loay hoay bỏ đồ chơi vào thùng giấy thì con Hà đến ngồi bên tôi rươm rướm nước mắt trông tội nghiệp. Cả dãy nhà bên trong này nó chỉ có tôi là bạn thân thiết với nhau vậy mà bây giờ tôi chuyển đi chỗ khác nên trông nó rất buồn . Hà chạy đến ngồi bên cạnh tôi, chẳng nói được lời nào. Tôi nhìn nó rồi hai đứa cùng khóc, cầm bàn tay của nó thật chân thành:
-Lan ra ngoài kia ở khi mô Hà muốn tới chơi thì tới nghe.
Hà quệt nước mắt gật đầu. Vậy mà chưa một lần nó bước đến nhà tôi và từ đó gần như không còn được gặp nó nữa mà cũng chẳng hiểu vì sao. Sau này lên đệ nhất cấp cũng không thấy nó đi trên xe chở học sinh để đến trường. Tôi mất người bạn thân yêu đầu tiên trong đời.

Ba nộp đơn cho tôi thi vào lớp đệ thất trường Trần bình Trọng. Đó là năm Mậu Thân 1968. Ngày treo bảng tôi không đi mà Ba chạy xe xuống trường để coi. Trước khi đi Ba dặn nếu tí nữa về thấy chạy xe thẳng vô nhà là rớt, còn nếu Ba bóp còi từ ngoài cổng là đậu. Cả nhà quên cả ăn trưa ngồi chờ tin Ba mang về, ai cũng lộ vẻ căng thẳng. Nhất là tôi, hôm thi dù làm hết ba môn nhưng tôi cũng không tin tưởng nhiều lắm. Mọi người không ai nói chuyện với nhau vì mãi đợi chờ trong lo lắng thì ngoài cổng có tiếng còi của xe máy vang lên liên tục. Cả nhà chạy ra mừng rỡ vì đó là tiếng còi báo tin vui.

Một tháng sau tôi trở thành cô nữ sinh trung học duyên dáng trong chiếc áo đầm trắng leo lên xe Ba chở xuống trường nhập học. Nhưng những ngày sau đó và về sau này tôi theo xe chở học sinh đến trường chứ Ba không còn chở nữa.
Thằng Mập không may mắn vào được trường công như tôi nên qua trường Bán công hay trường Tư thục Đức Linh tôi không rõ lắm. Chỉ biết nó hay đi xe chở học sinh của Biệt động Quân, còn tôi đi xe Lam Sơn nên không bao giờ đụng độ nhau trên xe. Tôi thường hay xuống cổng Nhà Thờ và đi bộ về nhà.
Trong một lần đi bộ như vậy bất ngờ phát hiện thằng Mập lẽo đẽo sau lưng khiến tôi hoảng hồn bước nhanh như chạy. Tôi càng cố gắng tránh xa nó ra càng nghe bước chân nó to và gần hơn. Tức quá, tôi đứng ngay lại và nhìn vào mặt thằng mập đáng ghét:
-Làm chi mà chạy theo tui ? Không sợ hả?
Hắn im lặng nhe răng cười hì hì trông mà ghét quá:
-Mi mà đi theo tau nữa tau gọi Dì Út ra xách lỗ tai mi chừ!
Thằng Mập có lẽ còn nhớ bài học dưới suối , nhớ Dì Út tôi là ai nên hơi khựng lại:
-Tui đi ngoài đường kệ tui.
-Rứa thì đi đi. Mắc chi cứ đi sau lưng họ?
-Con gái dô diên. Tao đi học về chớ theo gì mày? Làm như đẹp lắm …Hứ!
-Ai nói đẹp xấu.
-Xí, cái mặt hách hách.
Nghe hắn nói như vậy tôi chịu thua quay mặt bước đi tiếp vào nhà. Tưởng như vậy từ nay sẽ yên chuyện nhưng không ngờ trong lòng nó vẫn còn hận tôi lắm, tìm mọi cách phục thù lại cái chuyện hắn bị nhéo tai dưới suối.

Gần đến tết, Dục Mỹ trời mưa lâm thâm suốt ngày. Trời lạnh buốt nên tôi phải mặc áo ấm kín người. Con đường một đoạn ngắn nhưng tôi phải nhảy qua, nhảy lại để tránh những vũng nước còn đọng trên đường không biết bao nhiêu lần, mới về được đến nhà.
Hôm đó thằng mập không đi học buổi chiều mà ở nhà canh tôi về ngay trước cổng chùa. Khi ngang qua đó tôi phát hiện bên kia đường, nó đang ngồi trên chiếc xe đạp nhìn tôi, mặt kênh kênh, nghĩ có lẽ thằng này đang toan tính chuyện gì đây nên cảnh giác, vừa đi vừa liếc ra phía sau lưng mình xem có nó hay không. Còn cách nhà khoảng trăm mét, một vũng nước mưa lớn bên lề đường nên tôi định bước qua tránh thì nghe xoẹt một tiếng. Nước bùn đặc quánh văng lên ướt khắp người, chiếc áo ấm màu trắng như được nhuộm màu nâu sền sệt. Thằng mập vụt qua rồi quay lại hỉnh mũi, nhìn tôi cười sung sướng. Vậy là cuộc chiến giữa tôi với nó chưa đến hồi kết thúc mà căng thẳng , trầm trọng thêm.
Gọi là chiến tranh đang leo thang, như người ta thường nói trên đài phát thanh lúc đó, cuộc chiến giữa Mập và Ốm.

Tôi suy nghĩ mất mấy ngày vẫn không tìm ra được cách trả thù, thì một hôm đang ngồi trong nhà nhìn thấy nó đi học về ngang qua trước cổng, vào buổi chiều thứ sáu hằng tuần. Tôi nảy ra ý nghĩ sẽ cho nó một bài học nhớ đời.
Ngày thứ năm tuần sau đi học về tôi chuẩn bị đạn dược là những trái mận thối rơi từ trên cây xuống. Nhặt mấy trái mận đem vào nhà rồi khoét một lỗ nhỏ, đổ thuốc đỏ vào trong, bịt lại cũng bằng thịt trái mận, xong đem ra sát cửa quán đứng núp chờ thằng mập. Tôi kéo cái ghế ngồi bắt chéo chân lại nở nụ cười sung sướng, nhìn cái kho đạn dược tôi đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trước mặt, rồi nghĩ đến khuôn mặt mập ú của nó tái xanh, nhìn vạt áo vừa trắng vừa đỏ vì dính đạn của mình.
-Mập ơi! Đời mi tàn rồi.

Tôi nghĩ thầm vậy rồi cười một mình
Chờ hoài cho đến khi những bóng áo trắng không còn trên đường nữa, nhưng vẫn không thấy nó đi ngang qua nhà mình nên lấy làm lạ, tự hỏi không lẽ thằng này ma quỷ hay sao mà biết được tôi đang phục kích rồi đi tránh đường khác.
Hôm sau đi học về tôi chạy thật nhanh vô nhà, rồi đem thùng đạn của mình ra ngồi canh tiếp. Xe học sinh Biệt động quân chạy qua rồi nhưng vẫn không thấy thằng mập xuất hiện, tôi rất ngạc nhiên. Rồi hôm sau, hôm sau nữa.
Tiếp một tuần nữa qua đi, tuần sau nữa cũng vậy, không thấy nó đi học tự nhiên như thiếu thiếu một điều gì đó thân quen mà mỗi ngày mình luôn phải đối diện. Một cảm giác mất mát trong tôi không lý giải được vì sao và nhận ra cái buồn buồn trẻ con, mất đi người bạn thật gần gũi mà lâu nay xem nó như kẻ thù với mình.
Buồn như mất mát một cái gì thật quý giá, Như cái mũ bay xuống sông buổi chiều hôm ấy. Nhưng cái mũ Ba tôi đã tìm lại được, còn thằng mập nó “ trôi” luôn giữa dòng sông mù mịt cuộc đời.
Hình bóng to to tròn tròn, lừ lừ tiến về phía tôi sao mà thân thương, quý mến đến như vậy. Tôi vụt mất nó rồi. Những chiều hôm sau đó tôi nghẹn ngào rơi nước mắt cho một tình bạn thân thương nhưng chưa nhận diện được.

Mập đi luôn từ đó. Có lẽ Ba nó đã chuyển về đơn vị khác, không còn ở Dục mỹ nữa.
Mập đã đi vào kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của tôi. Nó là một phần tuổi thơ thân yêu tôi mang theo suốt cuộc đời mình. Hình ảnh kẻ thù không đội trời chung với tôi ngày đó không bao giờ phai nhạt mà sau này lớn lên, để rồi vượt qua phong ba bão táp, mập luôn là hình ảnh thân thương của tôi. Ứơc gì tôi gặp lại “thằng Mập” ngày xưa đó một lần để nói với “nó” rằng, tôi yêu quý nó vô cùng như chính tuổi thơ dại khờ của tôi.
Nếu như trên đời này có sự tình cờ dễ thương cho tôi dược gặp lại “Mâp” một lần nữa, lời đầu tiên gởi đến là hỏi Mập tên gì và lời xin lỗi đã làm cho Mập buồn ngày ấy. Và biết đâu mập đọc được những giòng này lại không giận mà vui mừng rồi tìm gặp nhà văn Nguyễn nhật Ánh, xin một vé đáp chuyến tàu quay về tuổi thơ của mình. Chắc chắn vây, phải không Mập?
Người bạn, kẻ thù thứ hai tôi mất trong đời.

Nhà tôi sau khi chuyển ra ngoài quốc lộ, Mẹ muốn có một công việc làm để thêm thu nhập cho gia đình nên bàn với Ba mở quán làm ăn. Quán café Dung nổi tiếng từ lúc đó và ba năm sau khi nói về Dục mỹ người ta thường nhắc đến Café Dung với khung cảnh hữu tình được bài trí nhẹ nhàng nhưng dễ thương. Nó càng dễ thương hơn khi bên trong quán có cô bé nữ sinh nói giọng Huế nét mặt lúc nào cũng buồn buồn và nghiêm nghị.
Quán café mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm buồn vui thời đi học nhưng nó cũng là khúc quanh ngặt nghèo khiến tôi lận đận trên đường đời gập ghềnh cho đến tận bây giờ.

Ghi lại kỷ niệm thời thơ ấu mấy ai có thể vui được, vì nó chỉ đi qua một lần trong đời.
Tuổi thơ dù đắng cay hay ngọt ngào nó vẫn luôn là ký ức đẹp.
Trái tim mỗi người luôn có chỗ cho ký ức tuổi thơ đọng lại. Nhớ về rồi tan đi.

Nhưng đêm qua tôi đã cùng Phương Hà và Mập đáp chuyến tàu quay về tuổi thơ, sống những ngày trẻ dại ấy một lần nữa đấy.

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Thị Ngọc Lan