NGUYỄN THỊ NGỌC LAN


Nụ Cười Của Mùa Xuân


Tôi lật trang đầu cuốn sách “ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh” là quà tặng của một người con trai cho em gái tôi đã lâu lắm rồi. Bốn mươi năm hơn trôi qua nhưng bìa sách còn mới cứng, được bọc một lớp ni lông ngoài bìa, hàng chữ “Thương tặng cho con mèo nhỏ của anh. Vĩnh Nguyên” Nét chữ tròn, mềm mại như của con gái. Cuốn sách đã cũ được cô em gái gìn giữ cẩn thận đến ngạc nhiên.
Cuốn sách thứ hai có tựa đề “Bác sỹ Zhivago” còn thơm mùi mực in do nhà xuất bản Văn học Việt Nam phát hành.
Khi trao cho tôi mượn hai cuốn truyện này cô em dặn dò : “Chị phải giữ cẩn thận cho em nhé”. Tôi biết đây là những món quà kỷ niệm rất quý của cô em gái.
Về nhà tôi đem cuốn Bác sỹ Zhivago ra đọc trước. Thật bất ngờ khi xem dòng chữ đề tặng của Vĩnh Nguyên: “Tặng em, con mèo đi lạc. Vĩnh Nguyên”. Cũng con người đó nhưng gần bốn mươi năm sau nét chữ đã hoàn toàn thay đổi. Tôi lật cuốn truyện cũ ra để đối chiếu xem. Không thể nghĩ ra được những nét chữ trên hai cuốn sách là cùng của một người. Hàng chữ mới bây giờ không còn mềm mại như trước nữa. Cả chữ ký cũng khác hẳn. Nó như bay lượn, cuốn hút người nhìn vào đó.
Tôi qua nhà em gái và được cô kể cho nghe chuyện của mình:
Em quen anh ấy khi chị đã vào Sài gòn học. Chuyện của bọn em chỉ kéo dài một thời gian ngắn thôi nhưng đó là mối tình đầu của em.
Chị học năm thứ hai thì em cũng đã lên lớp mười một. Vĩnh Nguyên học hơn em một lớp bên trường dành cho con trai. Chúng em quen nhau trong buổi tiệc sinh nhật em gái anh ấy và rồi yêu nhau lúc nào cũng chẳng biết. Mẹ phản đối kịch liệt chuyện yêu đương của con gái út. Những lời nặng nhẹ và cả những trận đòn khiến em phải đánh mất mối tình đầu của mình. Vĩnh Nguyên bỏ đi lính, anh vào Thủ Đức khi em học mười hai nửa chừng.
Chiến tranh kết thúc. Chúng em lạc nhau mãi cho đến ba mươi bảy năm sau mới gặp lại. Như một tình cờ, bài thơ ngày ấy anh Nguyên tặng, em gìn giữ cho đến một lần lục lọi tủ sách. Em gởi đăng trên một trang web văn học và vẫn lấy tên tác giả Vĩnh Nguyên. Bên kia đại dương anh Nguyên đã đọc được bài thơ của mình với vài dòng giới thiệu của em, có cả tên em và mối tình đầu. Vĩnh Nguyên trở về tìm lại quá khứ của mình. Đó là lý do tại sao em có cuốn truyện Bác sỹ Zhivago này.
Mọi thứ bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Em trân quý nó như báu vật là vậy. 
 
Những quyển sách Nguyên tặng em đã lâu lắm rồi. Bao nhiêu lần mở sách ra nhưng không phải để đọc lại nội dung của sách mà chỉ để nhìn nét chữ của anh. Chỉ vài từ thôi “Thương tặng con mèo nhỏ của anh… “Hay ở một quyển khác: “Tặng, loài hoa anh yêu”. Nhưng trong từng nét ẩn hiện một điều gì đó mà em cảm nhận được từ trái tim mình. Khó diễn đạt cho người khác cùng nhìn thấy, cùng cảm nhận. Em nghĩ vậy.
Cụ thể là điều nhỉ? Anh, với một bề ngoài nhìn vào không thể gọi là “phong độ” vì anh không cao to, đẹp trai, chẳng có một dáng vẻ sang trọng, lịch lãm hay hào hoa phong nhã. Tất cả dường như ẩn nấp bên trong nụ cười của anh, con người luôn muốn mình là đứa trẻ.
Nơi anh chỉ có một vẻ giản dị đến tuềnh toàng. Một đôi mắt buồn, ánh nhìn có đôi chút hoài nghi cuộc đời. Và chỉ có một nét rõ rệt, nổi bật nhất trên khuôn mặt trầm tư của anh, đó là nụ cười mà em đã gọi là nụ cười bí ẩn, nụ cười hệt nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo de Vinci.
Đó là anh. Nhưng em đang nói về chữ viết, mà cũng không phải là xem chữ đoán tính người. Em không có khả năng đó. Em nghĩ , sao lại có một nét chữ từ nơi bàn tay năm ngón rất bình thường mà lại khiến em như lạc vào nơi chốn mộng mị huyền ảo. Từng nét không phượng múa rồng bay nhưng nó lại uyển chuyển như vũ khúc nghê thường. Từng nét gẫy gọn, đanh thép mà mềm mại như những sợi tơ. Từ trước, em vẫn thích người viết chữ đẹp. Thời còn là cô nữ sinh áo trắng, cái thuở biết suy tư với những vần thơ, nhận được một lá thư hay một bài thơ tỏ tình, nếu nét chữ đẹp, dù không có chút cảm tình nào dành sẵn, em vẫn cố gắng đọc từ đầu đến cuối. Nhưng,chỉ cần nhìn thấy chữ xấu, em sẵn sàng vứt bỏ. Mà ngày đó thì làm gì có điện thoại di động hay internet để mấy chàng nhắn tin hay email phải không chị. Lỡ yêu ai thì mượn giấy, bút để tỏ tình thôi.
Với em, nét chữ cũng biểu lộ, thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn. Một tâm hồn nghệ sĩ với những cung bậc của cảm xúc. Nó ẩn chứa một sự thăng hoa mà nếu một ai đó cùng cảm nhận, đồng điệu thì sẽ nhận ra vẻ  đẹp đó.
Nhìn mây bay trên bầu trời trong xanh. Những đám mây trắng xốp bồng bềnh như một đàn cừu non trên thảo nguyên. Mọi người đều nhìn thấy hình ảnh của đàn cừu nhưng có ai đó lại nhận ra ẩn hiện trong đó là một cô bé, đầu đội chiếc mũ rơm rộng vành che khuất một phần khuôn mặt thiên thần. Cô bé đi lẫn trong đàn cừu, đôi mắt to tròn như chứa cả bầu trời và cái miệng xinh xắn đang cất cao giọng bài ca cô gái chăn cừu.
Một ngày em đã nhìn thấy cô bé ấy như thế, cảm nhận được cả vẻ đẹp ngây thơ, hồn nhiên giữa đất trời bao la như đóa hồng rực rỡ nhất trong vườn. Lòng em rung lên những cảm xúc, giọt nước mắt như muốn trào ra bởi giọng hát cao vút trong trẻo hồn nhiên .
Em đã thấy hình ảnh đó khi ngồi ngắm cảnh chiều buông với người bạn cũ chung lớp. Đưa tay chỉ vào đám mây và nhìn thấy cô bé chăn cừu nhoẻn miệng cười. Tóc cô vàng óng như dòng suối tơ trải trên trên cánh đồng cỏ ngút ngàn.
Nhưng cứ mãi nhìn mà người bạn không thấy hình ảnh tuyệt đẹp đó. Riêng với em, nó cứ ẩn hiện cho em đắm chìm và em nhận ra đó là cảm xúc của riêng mình, của riêng mỗi người như khi thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật. Đó là lần đầu tiên em nhận bức thư hẹn hò cùng Nguyên. 
 
Gặp lại anh sau gần bốn mươi năm xa cách, giọng ngập ngừng có đôi chút nghịch ngợm. Em nhận ra anh ấy ngay và hình dung bên kia sóng từ điện thoại nụ cười anh nửa miệng. Đó là ý nghĩ đầu tiên của em về Nguyên. Sau nụ cười là những giòng chữ tròn đều trong lá thư thuở nào anh ném qua khung cửa sổ. Nét chữ mềm mại ngày xưa không còn nữa khi anh ghi vào tập truyện do anh sáng tác, gởi tặng.
Lan man để bày tỏ cảm xúc về chữ viết của một người bình thường, không nổi tiếng, không vĩ đại. Điều đó mọi người có thể cho là tầm thường, chẳng có gì phải bàn luận vì nó chỉ là các mẫu tự được ghép lại thứ tự để thành vần, đủ nghĩa. Ai cũng có thể viết được chữ đẹp nếu chịu khó nắn nót ngay cả một đứa trẻ mới bắt đầu biết viết. Nhưng với Nguyên lại khác. Nét chữ tuôn ra dưới năm ngón tay cầm bút của anh một cách nhẹ nhàng. Không nắn nót.  Có thể như ngọn lửa hồng hay những bông tuyết rơi cũng được. Nó lung linh, lất phất hút hồn người đọc nó.
Em chưa bao giờ nói với ai về nét chữ của một con người kỳ lạ như Nguyên. Cũng như mối tình đầu em chôn kín từ lâu rồi. Chị hoàn toàn không biết gì về chuyện này là đương nhiên thôi.
Hình ảnh chàng học trò vóc người nhỏ, ốm yếu với cử chỉ rụt rè khó có thể quyến rũ ai được. Nhìn chung, chẳng có gì nổi bật cho bọn con gái chúng em phải “để mắt” đến. Em vốn sinh ra đã trót mang một tâm hồn đa sầu, đa cảm nên chẳng tìm đâu ra cái chất lãng mạn nơi anh ấy để chắp cánh cho tâm hồn đi tìm vần thơ.
Vậy mà… Một lần đọc tờ giấy vở gấp tư ghi lời xin lỗi vì lỡ dại vuốt tóc em trong lần sinh nhật cô bạn, em gái của Nguyên. Không thể tin con người “tầm thường” lại có một nét chữ hút hồn như vậy. Nhận thư em không nở nụ cười. Nhưng mắt em đã chạm vào nét chữ và nụ cười của anh, đã choáng ngợp hồn em vào một chiều đầu xuân bốn mươi năm trước.
Vĩnh Nguyên viết văn và làm thơ tặng em. Thơ văn của anh cũng chẳng bay bỗng nhưng em đọc lui, đọc tới không biết bao nhiêu lần trong một ngày. Em chiêm ngưỡng nét chữ và hình dung ẩn hiện nụ cười nửa miệng bí ẩn để rồi một ngày gật đầu đồng ý khi Nguyên nói : “Em có đồng ý tôi thích em không?”
Trời đất ơi! Không hiểu lúc ấy em mê muội thế nào mà lại gật đầu trước giọng điệu tỏ tình ngạo mạn ấy. Vậy rồi yêu anh ấy và vội mất nhau mùa hè năm sau. 
 
Mùa Xuân ba mươi bảy năm sau anh lù lù xuất hiện dưới cây hoa vàng trước cổng nhà. Không khó để nhận ra anh khi nụ cười nở trên môi. Vẫn vậy, có nhăn nheo hơn nhưng vẫn là nụ cười bí ẩn của Mona Lisa.
Sau nhiều năm, em nhận ra nắng Xuân lại tràn về trước ngõ nhỏ, trong sân nhà.
Nhưng nắng ấy bây giờ lại nhạt hơn xưa. Không còn là nắng mười sáu, mười bảy của ngày nào nữa.
Có một điều kỳ lạ. Cả em và anh ấy không ai chịu lập gia đình. Nguyên vẫn vậy và em cũng vậy.
Có phải là định mệnh không? Chị có thể nói với em điều gì không?
Tôi thật thà: “Chị không biết phải khuyên em điều gì nếu nó là định mệnh…”.
Vâng, chỉ là định mệnh!
 

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Thị Ngọc Lan