NGUYỄN XUÂN THIỆP

 
Cái Chuông Gió
Tản mạn

 
Gởi tặng Duyên, người cũng vừa nhận được một chiếc phong linh từ Burke, Virginia.
 
Trước cửa nhà
anh
treo cái chuông gió
ngày xưa
khi bước chân em
vang trên thềm
là nó kêu lanh canh. leng keng…
  
   Cái chuông gió, ở đây gọi là wind chime, được làm bằng đủ thứ vật liệu, từ kim loại đến những đồ dùng bằng thủy tinh, hoặc đất nung, hoặc những vỏ sò. Nó đã từng là nguồn cảm hứng của biết bao bài thơ, truyện ngắn. Ý Nhi, hiện ở trong nước, từng viết một truyện ngắn nhẹ nhàng, tựa đề là Có Gió Chuông Sẽ Reo. Một nhà văn Trung Quốc (đã quên tên) đã viết một truyện ngắn có tên Cái Chuông Gió. Truyện kể một mối tình thời chiến. Anh thanh niên lên đường ra chiến trận, người thiếu nữ ở lại, chờ đợi mỏi mòn, rồi nàng lấy chồng. Khi người thanh niên trở về, qua nhà nàng thì hỡi ơi, nàng đã tay bồng tay mang. Mối tình đổ vỡ nhưng vẫn còn ngân lên khi ngọn gió thời xưa tìm về…
 
   Và sau đây là một chuyện về cái chuông gió đọc được trên một trang Blog: Có một cô bé ưa mơ mộng tên là San. Hồi còn nhỏ, đọc ở đâu đó về cái chuông gió, cô đâm ra ưa thích có một cái để treo bên cửa sổ và nghe tiếng ngân của nó khi trời gió lên. Cuối năm lớp 3 cô bé được lãnh phần thưởng. Ba cô hỏi: Con thích gì nhất ba sẽ mua cho? Cô bé nói: Con thích nhất cái chuông gió! Ba cô bảo: bao giờ có dịp về sài gòn ba sẽ mua cho con vì ở đây không có bán. Nhưng ba cô chưa thực hiện lời hứa thì ba đã không còn nữa. Sau khi ba cô bé mất đi, ước mơ có cái chuông gió trở thành một thứ xa xỉ mà những đứa trẻ ở vùng quê chẳng bao giờ nghĩ tới, vì thế, cô bé đành để nó đi vào quên lãng. Nhưng ở đâu đó tận sâu thẳm của tâm hồn cái ước mơ thời bé dại ấy vẫn sống và cô vẫn mong một ngày nào đó sẽ có một người thương yêu tặng cô cái chuông gió. Nhưng người ấy vẫn không đến. Cho đến bây giơ, người yêu cô rồi chồng cô chẳng ai tặng cô cái vật xinh xinh đáng yêu ấy. Có lúc , cô nghĩ hay là tự mình mua cho mình một cái chuông gió. Nhưng như thế đâu còn gì thơ mộng và đâu còn ý nghĩa nữa.
 
   Thời gian trôi qua… Bây giờ thì cô bé Ly San đã có một cái chuông gió! Em gái cô dọn nhà, bỏ đi một cái chuông gió cũ, bằng ống nhôm như những cái đũa. Và cô đã lượm về, sửa lại, rồi treo ở cửa vào nhà. Cô treo hơi thấp đủ để cái đuôi nó đụng vô đầu, mỗi khi đi qua cô sơ ý đụng vào nó nghe tiếng lanh canh của nó bỗng dưng cô thấy vui vui, ngồ ngộ. Cô nói, “cảm giác vui từ trong tâm tư làm tôi thấy lạ lẫm, mà tôi không biết nói gì để diễn tả được, và cứ mỗi khi nghe thấy tiếng kêu  leng keng của cái chuông gió, tôi lại nhớ đến ba tôi. Giờ thì, tôi đã có một cái chuông gió!”
   Chuyện khá cảm động, phải không các bạn. Nó là giấc mơ thật đẹp, và cũng như bao giấc mơ khác giữa đời có bao giờ thực hiện được đâu. Bây giờ ta đi vào những chuyện thực tế hơn về cái chuông gió. Một đoạn văn trên net có ghi: Khi trong nhà có em bé, người ta thường treo lên một cái chuông gió để báo hiệu một niềm vui trong gia đình. Thường thì ít ai quan tâm đến ý nghĩa của nó, có khi chỉ vì nó phát ra  thứ âm thanh khiến cho con trẻ thấy thích thú mà thôi. Và sau đây là một đoạn viết đặc sắc khác của Đông Nghi, nhà văn trong nước, về cái chuông gió.
   “Có âm thanh nào đáng yêu hơn tiếng chuông gió lanh canh trong trẻo vang lên khi cơn gió lùa qua cửa sổ. Một chiếc chuông gió là thứ đồ chơi nhỏ xíu nhưng làm cho các cô bé mơ mộng, và luôn khiến các cậu con trai nổi hứng tò mò.
 
   Những chiếc chuông gió có thể tìm thấy với muôn hình dáng, mọi kiểu âm thanh ở các nhà sách, cửa hàng lưu niệm và cửa hàng đồng giá Nhật Bản.
   Bạn có thể tận dụng những thứ vặt vãnh trong nhà: hai chiếc bút chì cột chéo để làm thanh treo, mấy sợi dây cước hoặc dây dù, vài mảnh gốm sứ vỡ, mấy hạt thuỷ tinh, hay mấy cái thìa nhỏ. Cũng có thể đục lỗ một tách trà kiểu Nhật mỏng nhẹ, xỏ dây qua rồi cột thêm vài vỏ ốc nhỏ. Thế là xong. Nếu muốn hoàn hảo hơn, bạn có thể tìm mua các vật liệu theo ý thích. Mỗi vật liệu khác nhau sẽ cho ra những âm thanh khác nhau: trầm đục, thánh thót, trong trẻo, nhẹ nhàng... Chỉ với chiếc chuông gió, sự sáng tạo có thể là một hành trình bất tận.
 
   Hãy treo lên nơi thường có gió thổi qua... Và rồi chiếc chuông gió sẽ báo tin cho bạn biết, mùa xuân đã về rồi đó.”
   Có thật vậy không? Có thật là khi chuông gió reo là mùa xuân trở về, niềm vui sống lại? Riêng với Nguyễn gần đây khi trở lại ngôi nhà xưa, nghe cái chuông gió làm bằng vỏ sò reo, không thấy bóng người trăm năm đâu cả, lòng cơ hồ như tan nát. Mời các bạn nghe:
 
anh trở lại ngôi nhà xưa
nghe tiếng kêu của chiếc phong linh vỏ sò
nghĩ tới những ngày vui. không còn nữa
chiếc phong linh vỏ sò. em mua ở garage sale ngày nọ. lúc mới qua đây
khi mình chưa có việc làm
nhưng cuộc đời. như nắng. vẫn cười reo ngoài khung cửa sổ
 
anh trở lại ngôi nhà. nơi mình đã từng sống với con trai
nghe tiếng phong linh. và thấy cây sage. em trồng
đã nở đầy hoa tím
sao em không về…

 
  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Xuân Thiệp