NGUYỄN XUÂN THIỆP
T rà Ca
Trà Trong Đời Sống Dân Tộc
Trà Trong Đời Tôi Đời Bạn
(Tùy Bút)
(Tùy Bút)
Như đã nói ở một đoạn trên, trà đến với dân tộc ta dễ đã có ngàn năm. Nó đã đi vào cuộc sống mỗi nhà. Có thể nói ở Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, cách đây nửa thế kỷ và đây đó cho tới bây giờ, nhà nhà đều uống trà. Ở các nhà quyền quý thì có loại trà sang. Ở chốn dân dã thì có loại trà phổ thông và rẻ tiền. Trà sớm, trà chiều, trà lúc canh khuya - dân ta lúc nào cũng có thể uống trà. Và uống bất cứ ở đâu - trong nhà, ngoài ruộng gặt, trên nương rẫy, trong quán nước. Mời khách, trước hết phải có trà. Chỉ có thời nay người ta mới dùng nước ngọt để tiếp khách. Mọi tiếp xúc, đàm đạo, chuyện làm ăn buôn bán hay văn chương chữ nghĩa, thường mở đầu bằng trà. “Tiền trà nước” là khẩu ngữ của dân làm ăn mánh mung ngày nay.
Có nhiều huyền thoại về trà. Chẳng hạn, trảm mã trà, câu chuyện mà ai cũng biết. Người ta lùa những con ngựa đói lên núi để chúng ăn lá trà, rồi dẫn về, mổ bụng lấy trà ra đem sao chế. Nghe có rùng rợn không bạn? Lại còn trà hầu vương do khỉ hái. Anh bạn Trương Toàn của tôi ở San Diego, trong một buổi uống trà bên hiên nhà co cụm hoa lài, kể rằng ở bên Nhật người ta cho các cô độ tuổi trăng tròn tắm rửa sạch sẽ lên núi hái trà. Bao nhiêu lá trà, búp trà hái được, các cô cho hết vào người, bên trong quần áo, chỗ sát với làn da thơm. Mồ hôi tươm ra, tẩm vào lá trà cho nên uống rất ngon. Ngoài ra, chắc bạn đã nghe nói tới trà minh nguyệt, hái dưới trăng, tẩm khí âm của trời đất, rồi cho vào lửa sao, thủy và hỏa giao hòa, âm dương kết dính. Những mẩu chuyện như thế làm tăng hương vị của tách trà đang uống, phải không bạn?
Trà có nhiều loại, nhưng với dân tộc ta, có ba thứ trà chính: trà tươi, trà khô và trà mạn. Dân gian thì uống trà tươi hoặc trà khô, nhà quan quyền uống trà mạn. Trà tươi có nước xanh màu lá sen. Trà khô, nước có sắc nâu già. Tràø mạn, nước xanh trong, ửng màu vàng nắng mới.
Mỗi người chúng ta đã qua cái tuổi bất hoặc để bắt đầu nhìn tỏ mệnh trời đều có nhiều kỷ niệm về trà. Thời nhỏ, học ở Quốc Học, những buổi trưa tôi thường lang thang ra bến đò Thừa Phủ chơi. Bến đò Thừa Phủ gió đưa. Tan hồi trống bãi nắng trưa rộn rang…(Thơ của một tác giả quên tên) Bến đò Thừa Phủ cạnh sông Hương ấy mà, những cây phượng nở hoa đỏ ối khi hè về. Ở đây có một bà ngồi bán nước dưới gốc cây. Những bát nươc chè tươi uống lần đầu tiên trong đời, sao ngây ngất đến thế. Trà bát, hay chè bát, như tên gọi của nó, phải được uống bằng bát, mà là bát sành mới đúng kiểu. Những chỗ bán trà như thế, ta tìm thấy nhiều ở khắp mọi nẻo đường đất nước. Ở những gốc đa, gốc bàng, gốc cây hoa gạo đỏ trên đầu quán dốc, nơi những bến sông. Quán lợp tranh, che bằng mấy tấm phên tre. Trong quán, treo vài nải chuối, ít cái bánh đa, có thể có thêm vài cái kẹo mè, kẹo lạc. Nghèo hèn thế thôi, nhưng cũng đem lại cho người dân quê rất nhiều thú vị. Và cả bạn nữa, sau những chặnag đường dài, dừng chân uống bát chè xanh, nhìn chân trời mây trắng - ôi, lòng rộn ràng biết bao xúc cảm. Trà tươi, uống lúc trời nóng khát, sẽ làm ta toát hết mồ hôi và khí độc trong người, để hưởng ngọn gió trời thổi từ cánh đồng mát dịu. Uống dưới trời rét cóng giêng hai, trong mưa phùn nhẹ như tơ, sẽ thấy người ấm áp dễ chịu. Chủ những quán trà - gọi như thế cho sang - thường là những bà lão, họa hoằn lắm mới có một cô tuổi đôi tám đứng bán chè tươi. Thế nhưng, trong thi ca, âm nhạc, cũng đã có bóng cô hàng chè xanh rồi đấy, bên cạnh cô hàng cà phê.
Bạn biết không, ký ức về thời thơ ấu của tôi còn đọng lại hình ảnh những buổi uống trà lúc tinh mơ của cha mẹ. Thời nhỏ, trong gia đình Nguyễn... Ngôi nhà nằm trong vườn xanh với những cây cau cao vút, cây bưởi cây nhãn mỗi mùa cho hoa rụng, những bụi chuối và rặng tre bên ao lấm tấm hoa bèo. Cha mẹ tôi thường dậy rất sớm, đun nước pha trà uống. Trước hiên nhà có hai chậu sói nở hoa trắng như hạt gạo nếp và thoảng hương. Cha mẹ thường ngắt hoa sói cho vào bình trà. Trong giấc ngủ của tuổi thơ, tôi còn ngửi được hương thơm từ bình trà. Trong những buổi uống trà như thế, hai người thường nhắc lại những câu chuyện thời xưa, nói chuyện nhà chuyện cửa, việc học hành của con cái... Sau này, tôi đi học và đi làm xa, không có dịp gần những buổi uống trà của cha mẹ. Đến nay thì cha mẹ đã khuất núi, còn đâu nữa mùi trà xưa. Còn đâu...
Một đứa em lên rừng
sốt xanh da mặt
một chị đi lấy chồng
còn để lại hương tóc trong áo...
(thơ Nguyễn Xuân Thâm)
Giọng tôi kể nặng hoài cảm quá rồi, phải không bạn? Nói chuyện gì vui đi chứ, trà là niềm vui của nhân loại mà! Vậy thì đây... Trong đời tôi, và chắc bạn cũng thế thôi, có những buổi uống trà khá đặc biệt và lý thú. Bạn rót thêm trà vào chén đi, tôi kể bạn nghe. Năm mười bốn, mười lăm tuổi, những ngày hè, tôi thường một mình đạp xe trên đường đồng, tới chỗ ngôi đình có bóng mát chơi. Ngôi đình, có những cây bàng cao, nhìn ra một ao sen nhỏ. Ở đó, tôi thường được uống trà với một gã mã phu. Gọi thế vì gã làm nghề đánh xe ngựa. Trên đường từ phố chợ trở về, gã thường dừng xe dưới gốc bàng nghỉ mệt và đem trà ra uống. Gã vốn nghiện trà, lúc nào cũng mang theo bình trà trên xe ngựa, ủ trong một cái bao bố để giữ nóng. Bình trà bằng sành, cái chén cũng bằng sành đã cũ, đọng một lớp vàng dưới đáy. Tôi thường được gã rót cho một hai chén. Trà của gã rất đậm, uống vào là cả người nôn nao. Nhìn lên ngọn cây bàng, thấy nắng lấp lánh, và ở ngoài quãng đồng xa những ảo ảnh nhảy múa với những bông mía trắng. Gã mã phu biết rất nhiều chuyện trong phố huyện. Chuyện từ công đường vào tới xó bếp, từ phòng the của các tiểu thư tới những ổ rơm của người nghèo. Chẳng hạn, nhà quan lớn nọ có cô con gái chửa hoang, bà hoàng kia bị con người hầu về báo oán làm cho nửa điên nửa khùng, ông phán họ Hoàng thường mò xuống bếp ngủ với con đầy tớ gái, gã thư sinh xanh xao nổi tiếng là học giỏi trong huyện thì lại chỉ mê xem con gái tắm truồng dưới trăng. Và còn nhiều chuyện khác nữa, có thể gom lại viết thành sách được. Chuyện người và chuyện ma, cái gì gã cũng biết. Gã cho biết chính gã đã có lần gặp quỷ mặt xanh tóc đỏ đón xe trên đường khuya xin trà uống. Con quỷ ngồi ngay bên cạnh gã, khiến gã sợ té đái, về nhà ốm nặng nằm mê sảng cả tuần lễ. Gã mã phu với tôi trở thành bạn thân, tuần nào cũng gặp nhau một vài bận. Gã thỉnh thoảng còn cho tôi một vài đồng tiêu chơi. Về sau, Việt Minh nổi lên, một đêm cho người đến bắt gã rồi đem bắn chết ngay tại ao sen trước đình này. Tôi được người làng kể là những đêm trăng mùa hạ đi qua ao sen, người ta nghe có tiếng vó ngựa và bánh xe lăn, và ngửi thấy mùi trà trong gió.
Trong những kỷ niệm về trà tôi còn nhớ được, có những buổi uống trà với Lê Uyên Phương ở quán Lục Huyền Cầm của anh trên Đà Lạt. Trà tường vi. Chẳng là nhà anh có trồng nhiều khóm tường vi nở rộ hoa, anh hái cho vào bình trà để mời bạn quý. Trà tường vi có hương thơm thoang thoảng, uống trong buổi sớm mai nắng lên làm tan sương gíá, cũng thú lắm chứ, bạn. Hồi ấy, khoảng 1972, chiến tranh tới hồi khốc liệt, nhưng thành phố Đà Lạt vẫn yên tĩnh, tin tức chiến sự chỉ được nghe trên đài phát thanh và đọc thấy trên trang báo. Lê Uyên Phương vừa phổ nhạc xong bài thơ Tôi Muốn Yêu Tôi Muốn Tin Cuộc Đời của tôi và trình diễn thành công ở Viện Đại Học Đà Lạt. Anh cũng bắt tay vào việc soạn nhạc cho những bài thơ về sử của tôi trong tập Sử Ca, Trôi Trên Dòng Bách Việt. Tất cả được đâu chín bài, tới đoạn An Dương Vương mất nước, cùng con gái là Mỵ Châu ruổi ngựa, dừng chân trên đèo Mộ Giạ, chung quanh bóng chiều đỏ quạch bắt đầu tan trên biển sóng xa. Hiện tôi chỉ còn giữ được khoảng năm bài nhạc của Phương Phương đã cho hát thử và thấy được. Chúng tôi vừa uống trà tường vi với nhau vừa bàn tới chuyện đưa Sử Ca lên sân khấu với một ban hợp xướng lớn và người đọc thơ dẫn chuyện trước tấm phông lớn vẽ vầng trăng nơi quan ải.. Hai mươi lăm năm trôi qua...Những chén trà tường vi của chúng tôi ngày ấy và những trang sử ca vẫn còn hương dư cho tới giờ.
Ngoài trà tường vi, hồi ở Đà Lạt, tôi còn được uống trà cúc với Tôn Thất Cương rồi Lê Văn Ngăn. TônThất Cương dạy học và cũng mê trà. Anh thường đến nhà tôi, mang theo một gói hoa cúc đã phơi khô. Những đóa cúc màu vàng nhỏ xíu cho vào ly trà nở ra trông thật đẹp và tỏa hương nồng ngát. Vừa uống trà, Cương và tôi vừa bàn bạc rất hăng về dự định mở một trà quán có thơ có nhạc. Ôi, cái thời tóc còn xanh ấy chỉ toàn là dự tính đẹp đẽ nhưng cũng thật xa vời. Những buổi trà cúc với Lê Văn Ngăn cũng lý thú. Ngăn hồi đó làm thơ rất hay và mê Pasternak. Anh cũng là người có giọng đọc thơ gây xúc động. Tôi chưa được nghe ai đọc thơ hay như Lê Văn Ngăn. Trong căn phòng nhà tôi ở đường Nguyễn Trường Tộ nhìn ra Hồ Xuân Hương qua hàng thông, chúng tôi uống trà và Lê Vân Ngăn đọc thơ. Có đêm đi chơi khuya về, Ngăn hái đem vào phòng một nhánh dạ lan hương. Nửa đêm, hương thơm sực nức căn phòng, ngộp thở, tôi phải mở cửa liệng ra ngoài.