NHÃ MY


Còn Thương Rau Đắng
Tùy Bút
 
      Rau đắng ở đây là rau đắng đất, một loại rau mọc dại ở sau hè.Hè ở đây cũng không phải là mùa hè  (mùa hạ ) mà là cái hè nhà . Thường thì nhà ở thôn quê có một mảnh đất không rộng lắm, một thẻo đất nhỏ ở phía sau   nhà, hoặc xung quanh nhà, rau đắng mọc ở đó .Nó khác với loại rau đắng mọc ở vùng xăm xấp nước được gọi là rau đắng biển, có cọng tròn thuôn dài, lá hơi to thường thấy bán nhiều ở ngoài chợ. Người ta ra chợ mua rau đắng biển về để ăn sống, luộc , nấu canh hoặc xào…Rau đắng đất lá nhỏ , cọng nhỏ,có nhiều cành đâm ra mọc  bò ở trên mặt đất, có những hoa nhỏ li ti màu vàng. Thường thì người ta chỉ cần nhóm các cành lại và nhổ cái rễ chánh lên khỏi mặt đất là được nguyên một dề rau ,to nhỏ là tùy ở bụi rau tốt hay xấu .Rau đắng đất  đắng hơn rau đắng biển và ít khi thấy bán ở ngoài chợ. 
Nhớ lại thuở chúng tôi còn nhỏ , sau mùa gặt, đất ruộng khô queo và bị nứt từng lằn nhỏ, là lúc rau đắng đất mọc đầy. Nhưng có lẽ ít người mặn mà với loại rau mọc dại này. Người ta thường thích các loại rau khác dễ ăn hơn như rau má, rau ngỗ, rau sam , rau càng cua,rau dừa, rau trai, rau muống , bông súng…mà hồi đó cũng mọc dại đầy đồng. Hoặc là thường hay đi tìm những loại rau để nấu canh gọi chung là rau tập tàng như rau dền, mồng tơi, chùm ngót, bình bát,  cải trời ,chùm ngây, nhãn lồng…Riêng chỉ có bà tôi là mê rau đắng đất.Và cứ tới mùa hè là bọn nhỏ nhà tôi nghe lịnh của bà ra ruộng tìm rau đắng đất. Chúng tôi nhổ rất nhiều rau gom thành từng đống trước sự ngạc nhiên của nhiều người khác. Và đống rau đắng đất đó được mang về để nấu cháo. Cháo ở đây cũng không giống cháo cua, cháo gà ác, cháo cá…hiện nay bán ở các nhà hàng ăn kèm với các loại rau như rau má , mồng tơi, rau đắng biển…
 
       Rau đắng đất mang về rửa sạch, phần đọt non rất ít được lặt riêng để ăn sống hoặc nấu canh. Canh rau đắng đất cũng phải biết cách nấu nếu không thì ăn rất đắng. Thường thì người ta nấu canh rau đắng với thịt heo bầm nhuyễn (lúc đó ngoài chợ chưa có bán loại thịt heo xay sẵn), tôm hay tép. Phải nấu nước canh trước . Thịt heo bầm nhuyễn ướp với gia vị nước mắm, bọt ngọt, tiêu , hành. Bắt chảo mở nóng lên phi với tỏi thơm phức rồi bỏ thịt vào xào sơ qua, sau đó đổ vào nồi nước, nêm nếm vừa ăn là đã có được một nồi nước canh . Tôm thì cũng quết nhuyển ướp gia vị rồi múc thành từng viên nhỏ bỏ vào nồi nước nấu canh, tép con nhỏ chỉ cần đập dẹp. Đọt rau đắng rửa sạch ,phải kỹ để không bị dập,sau đó chia thành từng nhúm nhỏ bỏ vào tô. Nước canh còn đang nóng hổi đổ vào tô đựng rau. Rau vừa chín tới còn nguyên màu xanh trong tô canh lại được rắc thêm hành , tiêu , nước canh ngon ngọt  hơi có chút đắng và thơm của vị rau, chất béo của  mỡ ,  chỉ nhìn thấy đã phát thèm. Mỗi tô canh chỉ đủ cho một , hai người ăn, nếu có nhiều người thì làm nhiều tô. Bà tôi giải thích không nên bỏ rau vô nấu chung một nồi canh vì  rau chín quá hoặc khi thọc vá múc ra tô, dạo qua dạo lại nhiều lần canh sẽ bị đắng. Rau đắng đất còn được nấu với cá, đặc biệt là cá trê vàng.Cá trê vàng thịt thơm , mềm , béo thường được kho tiêu , kho gừng, nướng hoặc chiên dầm với nước mắm gừng. Phải là dân sành ăn mới nấu canh , nấu cháo với cá trê vàng vì khi rỉa cá ra chỉ lấy được một phần ít thịt còn hai bên vi cá có xương nhỏ phải bỏ ra. Bà tôi thường nấu canh rau đắng đất với các loại cá nước ngọt như cá lóc , cá rô , cá trê vàng…và đó là một nồi canh ngon đặc biệt. Cá làm sạch đem luộc lấy nước ngọt, sau đó rỉa cá ra lấy phần thịt bỏ xương rồi đem ướp với gia vị không cần xào (vì sợ cá bị nát) rồi đem nấu canh với trái bầu non,nêm nếm vừa ăn và đem canh này chế vào tô riêng đã có đựng sẵn đọt rau đắng.Loại canh hỗn hợp này rất là ngon đặc biệt vì nấu với trái bầu đã ngọt sẵn nên át được vị đắng của rau khiến rau đắng cũng …ngọt luôn ! Múc một muỗng canh hoặc bưng chén canh lên húp sẽ thấy được cái vị ngọt của cá, của bầu, vị thơm của mùi rau đắng, thấy được cái mùi hấp dẫn, cái hương vị ngọt ngào của bữa ăn dân dã vô cùng ngon đặc biệt.
Sau khi tận dụng phần đọt non để ăn sống hoặc nấu canh thì bụi rau đắng đất được đem phơi nắng cho thật khô rồi đem đốt để lấy tro. Thường thì người ta dùng một cái thau nhôm cũ, cái nồi cũ hoặc cái chậu sành rồi bỏ rau khô vào , sau đó châm diêm quẹt đốt cháy thành tro. Tro này đem ngâm nước để cho lắng xuống, lọc lấy phần nước trong có màu hơi vàng và thơm. Nước tro đổ vào nồi gạo để nấu cháo. Cháo nấu bằng nước tro này sẽ có màu hơi vàng, mùi thơm đặc biệt và không đắng. Một chút vị mặn của nước tro, mùi thơm  của rau đắng khô với chất gạo mềm , nhuyễn , béo  ngậy ,sẽ là một món cháo đặc biệt ngon. Người già , bịnh thì thích ăn cháo loảng, còn bọn trẻ thì thích quậy cho gạo nát nhừ thành bột và nấu thành một loại cháo đặc giống như bánh đúc.Xắn cháo ra từng miếng rồi chấm với đường cát, nước đường hoặc ăn với đường thẻ, đường tán giống như một loại bánh thơm ngon ,vừa no lại vừa đơn giản. Bà tôi vẫn thường dự trữ chất tro rau đắng để nấu cháo đãi bà con ở thành phố về chơi quê , còn riêng tôi , mỗi khi đi học ở xa về thường hay lặn lội ra đồng tìm hái rau đắng vì thèm ăn tô canh bầu , cá trê, rau đắng thật ngon .
        Xa quê đã mấy chục năm trở về . Đồng ruộng bây giờ làm suốt mấy mùa, đất lúc nào cũng ngập nước, chỉ còn thấy đàn vịt con lội len theo gốc lúa tìm mồi. Lật đật chạy ra sau hè thì bờ hè cũng được dọn sạch sẽ , đổ đất phân để trồng các loại rau thơm , hành , ngò , họa hoằn lắm thì chỉ còn loe hoe vài cụm cỏ nhỏ mọc hoang.Không tìm đâu được những bụi rau đắng ngày xưa ! Trở vô nhà nhắc thằng em về nồi cháo rau đắng mà bà thường nấu ngày còn nhỏ, thằng em buồn buồn trả lời làm gì có rau đắng nhiều để đốt lấy tro!
       Nhớ và thương lắm loại rau mọc dại ngày nào !
 Tiếng máy hát nhà ai như nhắc nhở '' ngồi một mình , nhớ lũy tre xanh , dạo quanh khung trời kỷ niệm , chợt thèm rau đắng nấu canh !'' (xin cảm ơn tác giả bài hát ''Còn thương rau đắng mọc sau hè'' )
 
  Trở lại chuyên mục của : Nhã My