NINH GIANG THU CÚC
CA DAO – KHÚC RU TÌNH…
(Nhân Đọc: Làm Sao Thôi Mưa Bay Của Ca Dao)
CA DAO – KHÚC RU TÌNH…
(Nhân Đọc: Làm Sao Thôi Mưa Bay Của Ca Dao)
Từ xa xưa đến tận bây giờ - các thế hệ con dân của đất nước Việt Nam đều được nuôi nấng và lớn lên từ lời ru thăm thẳm mượt mà đầy ắp thương yêu của bà, của mẹ bằng những bài ca dao đậm nghĩa sâu tình:
“Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”
“Đi mô cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”
Sự đồng cam cộng khổ, sự thủy chung rất mực của người phụ nữ Việt Nam đã được lột tả rõ nét qua thể loại văn chương dân gian từ ngàn năm truyền tụng – không ai rõ tác giả và chẳng thấy ai tranh tụng bản quyền. Cứ thế và cứ thế; tồn tại mãi hoài trong từng tế bào của bao đời dân Việt.
Ca Dao – mang đậm chất trữ tình lãng mạn với
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Hay: Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Chất lãng mạn trữ tình và ý niệm giáo dục về lòng hiếu kính cứ đan xen vào nhau qua từng câu, chữ của Ca dao, vô hình chung đã đưa tính giáo dục vào quảng đại quần chúng bằng lối truyền thông từ động thái nhẹ nhàng:
Hai tay cầm bốn tao nôi
Tao thẳng tao dùi tao nhớ tao thương…
Có một người phụ nữ, là một cô giáo, một nhà thơ đã bày tỏ sự hàm ơn những vần điệu cao thấp ngọt ngào (Ca dao) nên đã lấy thể loại ấy làm bút hiệu.
Nhà thơ Ca Dao có tên Trần Thị Hằng, sinh ngày 04 – 03- 1963 tại xã Ninh Thân, Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là một cô giáo (đã về hưu). Hiện, cô và gia đình đang sống bình yên hạnh phúc tại thành phố Nha Trang với thùy dương cát trắng với biển cả trong xanh màu quan lục thâm trầm sâu lắng như cõi lòng nữ sĩ Ca Dao Trần Thị Hằng.
Năm 2015, nhà thơ Ca Dao cho ra mắt độc giả yêu thơ tác phẩm đầu tiên – đầu tiên chứ không phải đầu tay vì người đàn bà nầy làm thơ từ lâu lắm và hiện đang là chủ trang báo mạng trên internet với tên gọi “Hai bờ giấy” – nơi tập trung những cây bút văn chương có thâm niên nghiệp dĩ và có tên tuổi trên diễn đàn Văn học Việt Nam.
Tập thơ có tên “Làm Sao Mưa Thôi Bay” người đọc phân vân không biết tác giả đang đặt câu hỏi với càn khôn vũ trụ, hay đang tự vấn lòng để tìm phương pháp đối trị với những sợi mưa ngâu của thời tiết buổi giao mùa, hoặc những cơn mưa vô hình giữa cõi ta bà hệ lụy đã hơn một lần làm ướt áo người thơ?!
Với chín mươi (90) bài thơ nhiều thể loại, tôi đặc biệt chú tâm vào mảng thơ tác giả viết về mẹ
Con đi xa…
Chỉ còn mẹ và mùa hoàng lan ở lại
Cùng câu kinh chiều theo tiếng vọng thu không
Cho con xin
gửi về mẹ nụ hôn nồng
gửi chút nắng ấm lòng mẹ nhé
Cho con xin
trong hương khói Vu lan lời nguyện cầu cho mẹ
Xin đóa hồng cài áo mãi tươi nguyên.
(Mẹ Là Bông Hồng – Ca Dao)
Nụ hôn nồng ấm tri ân xin trao mẹ để cảm tạ công sanh thành chin tháng cưu mang. Con vẫn mong một ngày:
Con sẽ về trong vòng tay mẹ nhé
Mẹ dịu dàng âu yếm vuốt bờ vai
Nghe ngọt ngào lời hiền mẫu bên tai
Như thuở bé khúc à ơi nôi nhỏ
(Gieo Vần Cho Ngày Của Mẹ – Ca Dao)
Cái thuở bé bỏng được mẹ ấp yêu; như báu vật qua rồi; để lại bao niềm tiếc nuối – cho những đứa con phiêu bạt góc bể chân trời quay quắt xót xa thương, ngôn ngữ cõi đời đầy không bao giờ đủ cho những đứa con viết về mẹ - Mẹ - Người đàn bà một đời lao nhọc vì con…
Tháng sáu. Phượng rơi theo gió
Oi nồng. Mắt lá xốn xang
Bất chợt mưa về bên ngỡ
Thả sầu theo gió mênh mang
Tháng sáu. Tơ vàng giăng lối
Chín hồng giấc hạ trưa êm
Biển biếc gửi về lời gọi
Đọng buồn. Tóc sóng bạc thêm
Tháng sáu. Cuối trời mưa đổ
Nghìn trùng tay níu hư vô
Tháng sáu. Cuối đường hạnh ngộ
Lạc dòng. Gãy một cành khô (*)
Tháng sáu. Dài theo nỗi nhớ
Cổng trường lối vắng ngu ngơ.
Bóng phượng bên đời bỡ ngỡ
Nghe đêm buông bước thẫn thờ…
(Khúc Mưa Tháng Sáu – Ca Dao)
Đọc “Khúc Mưa Tháng Sáu” của Ca Dao – tôi chợt nhớ Nguyên Sa Trần Bích Lan với
“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa…”
Kẻ trước người sau họ đều gặp nhau trong cảm niệm những cơn mưa tháng sáu, chỉ khác nhau ở cung bậc giãi bày:
…Tháng sáu. Cuối trời mưa đổ
Nghìn trùng tay níu hư vô
Tháng sáu. Cuối đường hạnh ngộ
Lạc dòng. Gãy một cành khô (*) …
(Ca Dao)
Vâng, “Củi một cành khô lạc mấy dòng” (*); tiền bối và hậu sinh cùng gặp nhau trong một suy tư…
Làm Sao Mưa Thôi Bay – nỗi khắc khoải của tác giả giữa nhân sinh và vũ trụ, giữa thiện, ác của cõi người, ta nghe Ca Dao tâm sự:
Nửa vạt tối, nửa góc chiều mê mải
Nửa hoàng hôn, nửa mảng lạnh bên đời
Mây tất tả nửa phiến trời xa ngái
Gió lùa theo góc nhớ gót chơi vơi
(Lang Thang Gót Gió – Ca Dao)
Hoài niệm chạy theo từng phiến mưa bay giữa cung trời ảo diệu, người đọc ngâm ngùi theo dòng cảm thán của Ca Dao
…Chân ai khua nẻo khuất
Mưa đan kín tay ngà
Quất sợi buốt lồng ngực
Vòm đời. Mưa, mưa sa!
(Mưa Sa Tay Ngà – Ca Dao)
… Mưa sa ướt chiều trầm mặc
Ưu tư, mục ruỗng lấp đầy
Hồn hoa nối câu khoan, nhặt
U hoài. Mưa lạc dấu mây!
Và cuối cùng tôi đã bắt gặp linh hồn của nhan đề thi tập:
… Mưa gieo vơi đầy thương nhớ
Mưa đong kín nẻo đợi chờ
Mưa cài vòng hoa cách trở
Mưa đau dặm mỏi niềm mơ
Làm sao chiều thôi mưa bay
Nguôi ngoai phiến hờn sóng dậy
Làm sao đầy trên đôi tay
Bình yên nụ hồng xưa ấy?
Làm sao chiều thôi mưa bay…
(Làm Sao Thôi Mưa Bay – Ca Dao)
Dọc dài theo thi tập người đọc đã cùng buồn vui cười khóc cùng tác giả qua từng câu chữ, qua từng giai điệu, qua từng trải nghiệm, qua từng cảm trạng của tác giả.(Làm Sao Thôi Mưa Bay – Ca Dao)
Xin chia vui với nhà thơ Ca Dao của sự thành công về thi pháp, vần điệu, ý tưởng của Làm Sao Mưa Thôi Bay.
Ninh Giang Thu Cúc
SG, 29/05/2020
(*) Tràng Giang – Huy Cận