NINH GIANG THU CÚC
Cát Vàng
(100 bài thơ chọn - 1985)
Cát Vàng
(100 bài thơ chọn - 1985)
"Chim quyên khắc khoải đêm trường
Hồn non nước gọi hàng dương cúi đầu".
(Vi Khuê)
"Ngoài nghìn dặm chốc ba đông
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy"
(Kiều - ND)
Từ buổi về Liêu Dương thọ tang thúc phụ, cuộc chia ly khắc nghiệt kéo dài mười lăm năm đằng đẵng cho duyên Kim Kiều hai ngã phôi phai, để con người "sắc đành đòi một tài đành họa hai"* phải lận đận "thanh y hai lượt thanh lâu hai lần" **, trăng tàn bóng xế cho lứa đôi bẽ bàng duyên phận trăm năm, chỉ còn niềm an ủi duy nhất là cả hai đã tròn bề hiếu để, vậy đứng về đạo lý thì cuộc ly tan này quá đẹp!Hồn non nước gọi hàng dương cúi đầu".
(Vi Khuê)
"Ngoài nghìn dặm chốc ba đông
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy"
(Kiều - ND)
Thế nhưng có cuộc ly tan vì nhiều lẽ nhiều điều với bản thân và của thế hệ kế thừa, để kẻ ra đi nghẹn ngào chân bước ra lòng quay trở lại ngập ngừng căn dặn "nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em" *** và rồi trên bước quan san diệu vợi - người phiêu bạt thẫn thờ quay quắt với tâm trạng: “Ra đi, chân thẳng cẳng dùi, Bâng khuâng nhớ mẹ ngậm ngùi thương em”, nỗi niềm hương khói ấy đeo đẳng hoài trên bước đi của người thơ Vi Khuê; và Vi Khuê đã đúc kết niềm khắc khoải ấy thành thi phẩm có tên gọi Cát Vàng.
Chúng ta đọc "Lời thưa" ở đầu tập của tác giả, để chia sẻ nỗi lòng kết quặn của khách phiêu bồng trên vạn nẻo sông hồ sáng nắng chiều mưa bằng tâm trạng, bằng ý tại ngôn ngoại, bằng cảm thức âm thầm của hai nẻo Sâm Thương bởi "Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc. Ly tán vì cơn gió bụi này" ****.
Ra khỏi bậc thềm nhà cha mẹ; nơi oa oa tiếng khóc chào đời một trăm dặm, hay mười vạn dặm thì vẫn là kẻ thiếu quê hương để tháng ngày phải làm kẻ hành nhân ăn mày dĩ vãng mỗi khi Tết đến xuân về.
Cũng như chị - tôi là kẻ kính ngưỡng Tố Như tiên sinh, vì thế mới mượn hai vế 6-8 trên để mở đầu cho bài cảm nhận tập Cát Vàng.
Để diễn tả sự rối rắm từ tâm tư bất ổn của kẻ ly hương, cảm giác tù túng Vi Khuê viết:
... "Xuân này là xuân thứ mười
Khuây quê hương mới, ngậm ngùi quê xưa
Muốn ra sân để gió lùa
Tóc bay trong nắng ghẹo đùa áo xuân
Lòng như cỏ cứ phân vân
Bước chân chim sáo ngại ngần với ai"
(Xuan trong bốn bức tường - Vi Khuê)
Tương lai là một trạng từ vô cùng đẹp vì nó ban phát cho nhân loại sự đợi chờ, niềm hy vọng vào ngày mai cho hôm nay bền lòng vọng tưởng, cho dù ngày trở về đã chân chồn gối mỏi tóc trắng màu sương.
Mai mốt tôi về đầu đã bạc
Đứng trên cầu cũ nhìn sông xưa
Sóng êm như thuở còn tươi mát
Mười tám xuân nghiêng nón đợi chờ...
(Mai mốt tôi về - VK)
Về để được đứng trên cầu nhìn xuống bến sông xưa, để hồi tưởng lại tuổi mười tám - chao ôi! một hẹn hò, một ước muốn quá dễ thương...
Nhưng đối lập với lời hẹn hò cùng hình ảnh đẹp như thơ ấy là một thực tế đau lòng của tự thân hay của tha nhân qua sự lột tả của Vi Khuê:
... Thì như ai đó mà lưu lạc
Trâu ngựa quê người tủi tấm thân
Ngày phóng xe làm phu hốt rác
Đêm về nằm nước mắt chứa chan
Thì như ai đó nữa, bây giờ
Đứng dựa cột đèn, ngó ngẩn ngơ
Dâu bể tan hoang thành phố cũ
Thẫn thờ đi những bóng bơ vơ...
"Thì như ai đó" có thể có ai đó thật, và có thể chỉ là từ phiếm chỉ, là dụ ngôn của tác giả, nhưng sao đọc lên nghe cứ rứt ruột bồi hồi...
Chúng ta trông đợi ngày về của tác giả, về - đúng nghĩa trở về cho dù:
Mai mốt tôi về đầu đã bạc
Đứng trên cầu cũ nhìn sông xưa
Sông ơi! Đá cũng còn cau mặt
Mà nước sông sao cứ lặng lờ?
(Mai mốt tôi về - Vi Khuê)
Hãy về và cứ về đi; hồn non nước đang vẫy gọi - bởi hơn ai hết tác giả cũng đang hoài niệm và tâm niệm ước ao:
... Nhớ khi khép lụa tà xanh
Ta cầm chén ngọc bâng khuâng hỏi người
Bao giờ cho Việt Nam vui
Anh em hòa thuận người người mến nhau?
Ôi chao, nhớ thuở ban đầu
Ngàn nằm đã dễ qua cầu gió bay...
(Nhớ nụ hồng vàng - Vi Khuê)
Giang sơn này, Tổ quốc này đã có bao ngày chinh chiến điêu tàn, để tình phụ tử gia đình quê hương ly tán, quá khứ của bao người là một trang sử buồn đứt ruột. Chúng ta dễ gì quên những vành khăn tang trắng đầu quả phụ và hài nhi trong không gian xiêu đổ nhà cháy đầu rơi, bởi bom đạn vô tình và cả bàn tay người hữu ý, những bàn tay của bọn ác bá cường hào nơi thôn ổ đã từng gây cảnh điêu linh thảm họa cho bao gia đình lương thiện - mà chỉ vì lòng tư thù hay đố kỵ cá nhân, đã có những trường hợp điển hình như thế:
Ồ không! Thuở ấy mà ly loạn
Chỉ có phà ngang ở bến đò
Cô gái qua sông mười tám tuổi
Trên đầu đã chít chiếc khăn sô
Thì thế thì thôi, thì lận đận
Thì long đong, thì đã lênh đênh
Thì như ai đó ngoài mưa lạnh
Chìm nổi theo cơn sóng bập bềnh...
(MMTV - Vi Khuê)
Một giây vô loại buộc hai thâm tình, thằng bán tơ cùng lũ đầu trâu mặt ngựa đã a dua nhau hãm hại Vương ông và đẩy Thúy Kiều vào bước đường luân lạc cho mười lăm năm đứt ruột khách tao nhân - để nhân loại này có một thiên tuyệt phẩm viết về thời "Gia Tĩnh Triều Minh", thì ở một góc làng nhỏ trên bản đồ miền Trung nước Việt Nam này; lại có một oan sai quy chụp xuống một gia đình, bởi quan điểm bất đồng trong xuất xứ giữa nhân sĩ và khách phàm phu, để tang tóc trùm kín đời quả phụ. Nhưng "gia bần tri hiếu tử" - Tang chế nghiêm đường đưa cô tiểu thư Vi Khuê thông tuệ lên làm trụ cột của gia đình với mẹ yếu và một bầy em thơ dại, nhân vật của "Mai mốt tôi về" oằn tấm thân liễu yếu xuôi ngược giữa chợ đời kiếm miếng cơm manh áo phụng dưỡng mẹ và nuôi nấng mấy đứa em thơ, tấm gương hiếu để ấy, lòng hy sinh ấy, đã được người em kế của nhân vật "Mai mốt tôi về" tụng xưng với tất cả lòng tôn trọng và luật bù trừ đôi khi lại vô cùng chính xác bởi nguyện ước của Vi Khuê đã thành hiện thực rỡ ràng:
Mong một ngày mai em ấm no
Có vuông sân nhỏ có căn nhà
Có riêng ngày tháng tiêu dao nữa
Em sẽ làm thơ: thỏa ước mơ
(NTTD - Vi Khuê)
Bài thơ "Gởi hồn theo sách" tác giả đã bày tỏ niềm tự hào của một con dân đất nước Việt Nam:
Gởi hồn theo sách về thăm nước
Nước mấy ngàn năm Nước gấm hoa
Nước thơm trang sử thơm tình đất
Nước vẫn ngàn năm nước Việt ta
Chúng ta hạnh phúc, Vi Khuê hạnh phúc vì được làm con dân của một xứ sở đã từng có:
Nước có Vua Bà xưa cưỡi voi
Có cô công chúa lấy dân chài
Có Văn chương mở ngàn pho sách
Có Bạch Đằng giang khiếp vía ai...
...
Gởi hồn theo sách về thăm nước
Cát bụi thân mình lại xót xa
Giá có hồn thiêng sông núi thực
Ngày nao ta trở lại quê nhà?
(Gởi hồn theo sách - Vi Khuê)
Người đọc chững lại ở câu thứ 3 của khổ thơ cuối và suy nghĩ: có lẽ tác giả đã có quá nhiều va chạm, quá nhiều uất ức của gia tư từ sâu thẳm cộng với nhiều trải nghiệm, qua bao cung đoạn phiêu bồng từ Á sang Âu, sang Mỹ đối đầu với bao tình huống thực tế nên niềm tin và đức tin có phần hao hụt, để phải hạ bút hoài nghi: "Giá có hồn thiêng sông núi thực".
Có chứ sao không - hồn thiêng sông núi kết tụ từ những anh linh của bà Trưng bà Triệu, những liệt nữ anh thư, từ những anh hùng làm nên lịch sử Bạch Đằng, Đống Đa, hồn thiêng sông núi kết tinh từ anh hoa của Ức Trai Nguyễn Trãi, của Tiên Điền Nguyễn Du... của bao máu xương của những người ngã xuống làm phù sa bồi đắp ruộng vườn cho trái ngọt cây xanh dòng Lạc Việt hôm nay.
Người con nào cũng viết về mẹ với tất cả lòng thành kính thương yêu, và người mẹ nào viết cho con cũng đậm đà thấm đẫm niềm âu yếm tự hào. Nữ sĩ Vi Khuê cũng như bao người làm mẹ đã viết về con bằng tất cả chữ nghĩa đẹp qua chùm thơ "Thiên đường nhỏ", "Khi con còn nhỏ", "Cho con thiên thần" mà mỗi bài là một lời tình tự nghe đến là thương:
... "Ở đây ríu rít bầy chim nhỏ
Hợp xướng bản tình ca xưa cũ
Tình mẹ muôn đời như trăng soi
Tình con bây giờ như nước lũ..."
(TĐN - VK)
Dưới mắt mỗi người mẹ thì cái gì quý trên đời này đều chỉ duy nhất con mình có mà thôi, chẳng thế mà Vi Khuê viết:
... "Chưa nhìn đã thấy cả dung nhan
Con quý con yêu con phượng hoàng
Con đến như trời ban phước xuống
Con nằm nôi nhỏ, rạng hào quang
(KCCN - VK)
... "Tôi ao ước được sống dài trăm tuổi
Để làm người vú bọ dẫn dắt bước em đi...
(CCTT- VK)
Mỗi con người, mỗi thân phận sau bao bon chen hệ lụy rồi cũng đến lúc tự hỏi mình như Vi Khuê đã hỏi:
... "Tôi còn tôi được bao nhiêu
Cái tôi thân thể lụy chiều áo cơm?
(T-VK)
Có vậy thôi, buồn quá nữ sĩ ơi! Đời sống của mỗi kiếp người dài lắm và cũng ngắn lắm, mà cứ loanh quanh với bao hệ lụy buộc ràng từ thực thể đến những ngóc ngách u uẩn của tâm hồn, của ý thức rồi tự tranh biện, độc thoại, phản biện, loay hoay cũng không giải quyết được gì, thì thỏng tay cho nhẹ nhàng, Ninh Giang Thu Cúc đã đọc đi đọc lại nhiều lần toàn tập Cát Vàng và đọc thật kỹ rất nhiều bài mà tính nhạy cảm của nội dung làm mình muốn khóc. Nhưng xin không dám lạm bàn, thôi xin làm thinh chứ không dám bảo "im lặng như chánh Pháp" nghe cao siêu quá. Xin sẻ chia những câu chữ ăm ắp tâm trạng u hoài, phẫn nộ về những điều bất khả mà tác giả đã dàn trải trong thơ. Xin tác giả nhận sự chia sẻ vô ngôn:
"Đẹp vì không thể nói ra
Nghìn thu trắng một vòng hoa mộ người"
(NTTH - VK)
Mùa thu năm 2009