NINH GIANG THU CÚC


Đọc “HOA CỎ MẶT TRỜI”
Lời Ru Tình Mẹ, Quê Hương
 
Tập thơ “Hoa cỏ mặt trời” của nhà thơ Mai Khê là một bức tranh thu nhỏ với bố cục chặt chẽ, mang biểu tượng khái quát cho chủ đề thi phẩm. Bìa lưng nền trắng đơn sơ, một khổ thơ tứ tuyệt tự tay tác giả trình bày và ấn ký, nằm trong khung mực đen thật trang trọng, gợi ký ức ta về một thuở mực tàu bút lông mà Vũ Đình Liên đã từng sung sướng tán dương và đớn đau hoài niệm.
Mở ra, sau bài giao cảm của nhà khảo cứu phê bình lý luận văn học Mộng Bình Sơn, là bài ngũ ngôn tứ cú với tựa đề Tự tại. Tự tại mới đọc lên nghe như thiền thi, nhưng đến câu 3 và câu 4 thì nỗi khắc khoải đau đáu của tác giả về lời giáo huấn của hai đấng sinh thành:
“…Mẹ cha từng nhắc nhủ
Yêu quê…mình lớn khôn”
(Tự tại – 1954)
Tôi phân vân tự hỏi với chừng ấy hoài bão cho quê hương đất nước, cho mảnh đất cắt rốn chôn nhau như ý và lời của hai câu thơ trên, liệu tác giả có như nhiên tự tại hay chỉ để an ủi, cổ vũ mình chăng!...
Một thi hưũ vong niên đã có  một lần nửa đùa nửa thật giới thiệu tôi với một nhà báo lão thành:
- Đây!Một người chuyên sưu tầm thơ viết về mẹ và chuyên môn khóc khi đọc thơ mẹ.
Quả thật những dòng viết về công lao cha mẹ với bút pháp nhẹ nhàng nhưng tính thuyết phục khá cao đã từng làm tôi xao xuyến và hẳn nhiên là không tránh khỏi giọt vắn, giọt dài khi đọc, chẳng hạn như câu này của Mai Khê:
… “Giấc xuân môi mẹ, đông gầy vóc cha!”
(Nghĩa cả)
Người đàn bà nào đã từng mang nặng đẻ đau với bao gian khổ chăm nom bề bú mớm mới thấu hiểu, mới cảm thụ thế nào là  “Giấc xuân môi mẹ…”. Chao ôi! Sự  rung cảm với tôi về câu thơ trên đã lên đến cao độ và trường độ bất tuyệt…
Một vườn cây rợp bóng, một ngôi nhà cổ kính mà bề dày thời gian đã làm cho:
“Ngựa gỗ lên màu nước!”…
(Thú quê)
Phải chăng nơi quê hương yêu dấu ấy là một vương quốc, một thánh địa cội nguồn của thuở ấu thơ trong mỗi chúng ta. Thiên nhiên hào phóng với con người biết chừng nào:
… “Quạt trời thoảng song trưa
Hương dừa ru mái ấm
Tựa sách mộng say sưa”…
(Thú quê)
“Thú quê” đã đưa chúng ta vô vùng trời no đầy kỷ niệm với nguồn hạnh phúc măng tơ:
… “Gội tắm dòng sữa mẹ
Hồn nhiên thuở hoang sơ”…
(Thú quê)
Biết bao anh hùng, chiến sĩ, quân tử, hiền nhân, danh thần, bác học lại không từ “Mái ấm” ra đi mà chẳng có bàn tay mẹ bao lần bỏng rát vì:
… “Cơm mo ai vắt thời niên thiếu
Áo gấm người trao thuở trưởng thành”…
(Mái ấm)
Mẹ! Ôi những bà mẹ quê hương kỳ diệu, những lời ru của mẹ quê hương tuyệt vời! Xin thành kính cảm ơn mẹ Việt Nam, với một thời lam lũ chắt chiu để cho chúng con vào đời không hổ thẹn với danh nghĩa: Con người.
Với chủ đề “Hoa cỏ mặt trời” tác giả đã lắng đọng trong lời ru của mẹ, của nôi quê hương:
“Non nước dìu nôi ru
Khí thiêng giục ba đào
Đất hiền hoa cỏ dậy
Mặt trời luyện chí cao!”
(Hoa cỏ mặt trời)
Xin tri ân tác giả đã viết về quê hương, trong đó có cả nơi sinh ra và lớn lên của kẻ viết bài này với tràn ngập nỗi niềm hoài cảm. Tác giả đã khơi dậy trong bao trái tim xa xứ hơn một lần làm kiếp học trò:
“Phượng thắm phai rồi dương liễu xanh
Đâu tà áo trắng buổi kinh thành!”…
(Qua Huế)
Xốn xang đến thắt lòng cho một không gian dâng trào kỷ niệm “Qua Huế” của Mai Khê.
Nắng mưa là chuyện của trời thì mộng mơ và lãng mạn là bản chất và quyền hạn tuyệt đối của Người Thơ, của kẻ yêu thơ, một quyền hạn bất khả xâm phạm. Hãy nghe nhà thơ thủ thỉ tâm tình:
… “Từng bơi biết mấy sông hồ
Vài khi sướng khổ ngu ngơ vui buồn
Nợ tình còn mãi thầm luôn
Nên về lãng đãng bên nguồn cỏ hoa”…
(Hai trời mưa nắng)
Cùng với mộng mơ và lãng mạn của kiếp người mang nặng nợ tằm tơ phiêu bồng lãng đãng, tác giả vẫn đứng đúng vị trí của mình, của một nhà mô phạm, của một người cha để ký thác những tâm niệm, những ước nguyền cho thế hệ con em, hay có quá lời chăng khi tôi nghĩ tác giả cũng đang tự đặt quan điểm sống cho chính bản thân mình:
… “Tránh điều ma quỷ loanh quanh
Dẫu cho thế sự hoành hành đảo điên
Gương soi kẻ dữ người hiền
Lòng tin sau trước an nhiên vững bền!”
(Ước lời ru con)
Xin được đặt dấu chấm hết cho mấy dòng cảm nhận ở đây. Trân trọng gửi đến tác giả “Hoa cỏ mặt trời” và những tâm hồn đồng thanh khí niềm cảm thông, hẳn nhiên sẽ có những suy tưởng khác nữa, nhưng làm sao được bởi ở phạm trù văn học, sự cảm thụ và thẩm định giá trị mỗi tác phẩm, nhất là thi phẩm ít khi đồng nhất. Với tôi, “Hoa cỏ mặt trời” đầy sinh khí như tên gọi của nó buổi khai sinh.
 
Huế - Quy Nhơn, giữa mùa đông 95-96
 

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc