NINH GIANG THU CÚC
Đọc Văn Xuôi Của VI KHUÊ
(Truyện ngắn, biên khảo, bút ký, tạp văn)
Đọc Văn Xuôi Của VI KHUÊ
(Truyện ngắn, biên khảo, bút ký, tạp văn)
Soạn giả thật sự thích thú khi đọc mảng văn xuôi nhiều thể loại của nhà báo Vi Khuê, ở đó ta bắt gặp sự uyên bác, sự thông tuệ, cả sự dí dỏm và bằng cả nỗi đắng chát của một trái tim nhạy cảm khi phải va đụng vào bao sự, và thế, bao cảnh và tình, nếu bảo phụ nữ là những người dễ xúc động thì Ninh Giang Thu Cúc tôi là trường hợp điển hình, nhưng không phải bạ cái gì cũng giọt dài giọt vắn mà phải có sự tương tác đúng tần số, cho nên khi đọc cái truyện "Truyện ngắn dài 50 mùa xuân" tôi thật sự đau... đau cho nhân vật và đau cả cho mình, đau cho thế hệ con nít chào đời trong bối cảnh xã hội miền Trung Việt Nam vào những năm thuộc thập niên 40 của thế kỷ 20.
Dạo đó, tuổi măng sữa ấu thơ của chúng tôi thường bị xuống hầm trú ẩn để tránh bom rơi đạn lạc nhiều hơn là thời gian ở trên mặt đất, tôi còn được nghe kể lại rằng: hồi đó tôi là một con bé ưa khóc nhè ghê gớm cho nên cứ mỗi lần nghe tiếng máy bay oanh tạc bay vù vù từ xa là bà vú Sáu phải nhét khăn vào mồm tôi để bồng chạy vào hầm, nếu không tiếng khóc tôi sẽ "kêu gọi" sẽ là mục tiêu để bị tiêu diệt trọn gói, để thành vùng oanh kích tự do, mới lên năm lên bảy những đứa bé đồng trang lứa chúng tôi đã run bần bật khi thấy từng đoàn tây trắng tây đen đổ bộ vào đường làng ngõ xóm đốt nhà, bắt người, hiếp phụ nữ... mọi người dân lành vô tội luôn bị ám ảnh, sợ hãi khi nghe ba tiếng "tây đi lùng" tây đi lùng kéo theo một bầy ưng khuyển vo ve vang tiếng ruồi xanh làm tay sai cho bọn tóc quăn mũi lõ giết hại đồng bào ruột thịt để cướp của, để trộm chó bắt gà...
Tuổi thơ chúng tôi mắt thấy tai nghe những điều như thế đấy, riêng tôi từ phố (đường hàng Bè) tản cư lên hai làng, nội ngoại Kim Long - An Ninh rồi xóm Rào thuộc làng An Ninh Thượng bầu đoàn lếch thếch, đàn bà con nít dắt díu nhau mà sau này vú Sáu tôi kể lại là không phải chỉ sợ bom đạn mà còn phải ngụy trang mặt mày bằng nước nghệ bằng lọ nghẹ, và áo xống thì phải bôi bết cho dơ dáy hôi hám để bọn tây và lính ta là com măng đô không làm nhục... trời ơi!
Vì vậy chỉ cần đọc "Truyện ngắn dài 50 mùa xuân" của Vi Khuê là chúng ta đã trở về với những tháng ngày cùng khổ của bao người qua sự dẫn chuyện nhẹ nhàng ẩn áo của tác giả Vi Khuê.
Với phần biên khảo, khảo luận cây bút của Vi Khuê tỏ ra sắc sảo ở mọi chủ đề - bàn về các danh nhân văn hóa văn học bà đã mổ xẻ rạch ròi tôn vinh đúng mức, lý luận chặt chẽ, người đọc bị thuyết phục với nhiều luận cứ chính xác như ở bài "Ngày xuân nhớ bà Tú Xương" và bài "Hai giả thuyết về ý nghĩa một bài thơ".
Về mảng sân khấu - không biết ta nên khóc hay cười với kịch bản "Đứa con đẻ hộ" và "Nước mắt mẹ già" mỗi kịch bản là một cái nấc nghẹn đắng ở cuống họng cho mọi con người nếu thật là người có đủ tư chất cốt cách của loài động vật cao cấp có xương sống.
Nhìn chung ở mọi lãnh vực văn hóa, văn học, báo chí mà Vi Khuê tham gia đóng góp hoạt động, suốt chiều dài của cuộc đời bà từ thuở thanh xuân đến ngày bạch phát, sự cống hiến trí tuệ, công sức của bà cho gia đình và xã hội – cả Đông lẫn Tây là một mốc son rất đáng tự hào của nữ giới Việt Nam và nói riêng là của phụ nữ Thừa Thiên Huế.
Quả là xứng đáng khi bà được góp mặt trong "Tự điển tiểu sử nhân vật Quốc tế" (Dictornary of internatinonal Biography của nước Anh) và tên bà được trang trọng nằm trong tự điển American Bio- graphical institule, in (ABI) xuất bản ở Mỹ
Bộ sách đồ sộ "Nữ sĩ Việt Nam" do nhà xuất bản Văn học Việt Nam ấn hành là công trình của nhà văn Như Hiên, thì nữ sĩ Vi Khuê là một trong một trăm ba mươi bảy vị được giới thiệu từ cổ cận đến hiện đại.
Ninh Giang Thu Cúc