NINH GIANG THU CÚC


 
Sáng Niềm Tin

(Để nhớ một mùa xuân đến với trường khiếm thị Nguyễn Đinh Chiểu, tâm niệm của người viết truyện ngắn này là muốn các tổ chức từ thiện quan tâm nhiều hơn đến các trường khiếm thị )
***
Thục Đoan trở về thành phố sương mù này vào một buổi chiều giáp Tết. Trời tháng chạp lạnh se sắc, bởi những sợi nắng vàng nhẹ báo hiệu mùa xuân sắp về chưa đủ ấm để xua được nỗi hàn bao la trên phố núi nên thơ này. Thu mình trong chiếc áo khoác bằng lông cừu màu trắng sáng, nàng bước nhẹ ra khỏi phòng với tâm trạng phấn chấn sau khi được ngủ một giấc dài bù lại cuộc hành trình mệt nhọc bằng ô tô từ Tp. Huế lên đây.
Ngồi xuống chiếc ghế đá mát lạnh đặt dưới tán cây hồng lớn cành lá xum xuê bên hông nhà, ngôi nhà hay đúng hơn là ngôi biệt thự gần một trăm năm tuổi nằm hạnh phúc giữa khu vườn u nhã với tất cả dị thảo kỳ hoa mà hai cụ thân sinh ra chồng nàng đã bỏ nhiều công của để gầy dựng làm chỗ nghỉ ngơi gặp gỡ cho cả đại gia đình trong những dịp lễ tết… Phóng tầm mắt nhìn quanh như xem có gì thay đổi sau gần một năm xa cách, người thiếu phụ nói thầm một mình:
-Vẫn vậy, không gian vẫn trong lành, hoa trái cỏ cây vẫn bình yên phô chồi nẩy nụ, con người ở xứ sở này vẫn nhân hậu dễ thương, chỉ có riêng ta là trải bao biến động đổi thay để từ một cô giáo yêu lý tưởng trăm năm trồng người trở thành vợ, thành mẹ và thành quả phụ sau năm năm hương lửa… Khu vườn và ngôi biệt thự này là nơi chứng kiến tuần trăng mật ngọt ngào của cặp vợ chồng mới cưới, một tình yêu có hôn nhân làm bảo chứng thế mà chỉ tồn tại trên thực tế có năm lần xuân đến đông đi.
Thả bước dạo quanh vườn, Thục Đoan săm soi nhìn từng cụm hồng, từng giò lan, từng gốc anh đào đang kín đáo phô những nụ hàm tiếu sẵn sàng đợi giờ phút giao thoa của đất trời là nở bừng muôn cánh đẹp dâng tặng khách yêu hoa.
Nghe chừng đói bụng, Thục Đoan nhẹ bước vào khu nhà ngang, từ trong bếp bà Tám đã sửa soạn xong bữa tối đang lễ mễ bưng lên cất giọng mời thân ái:
-Mời mợ Hai dùng bữa.
Tiếp chén cơm nóng hổi trên tay bà Tám, Thục Đoan xuýt xoa:
-Ngon quá, mà hoa trái năm nay ra sao hả bà Tám?
-Dạ, vẫn đủ để trang trải mọi thứ và biếu tặng các địa chỉ mà mợ Hai thường dặn ở trong thư.
Thục Đoan nhìn bà Tám và thấy bà già đi nhiều so với hồi nàng mới về làm dâu nhà này, mà không già sao được, hai mươi mấy năm rồi còn gì. Sau khi chồng nàng chết do bị tai nạn ở phòng hoá nghiệm, người anh cả đã ngỏ ý bảo lãnh cả gia đình ra ngoại quốc với lý lẽ là sợ cha mẹ và các em buồn nếu cứ sống mãi trong ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm của người quá cố, nàng từ chối chuyến đi ấy nhưng sợ cha mẹ chồng buồn Thục Đoan cắn răng giao cho ông bà nội đứa con trai bé bỏng độc nhất là kết quả cuộc tình ngắn ngủi của vợ chồng nàng, phút chia tay ở sân bay Tân Sơn Nhất nàng suýt chết ngất nếu mẹ chồng nàng không khẩn khoản hứa hẹn:
-Thầy mẹ nào muốn xa con và cũng không muốn mẹ con con phải xa nhau. Chính bản thân của thầy mẹ cũng không muốn đi, nhưng anh chị cả con van nài quá thầy mẹ không đành tâm. Thầy mẹ qua đó một thời gian thôi rồi thầy mẹ lại về với con, còn cu Tô thì con cứ yên tâm, hai bác nó thương yêu nó có thua chi thầy mẹ và con đâu. Con yên tâm giữ gìn sức khoả để dạy học và làm công tác từ thiện cho tốt, mẹ tôn trọng lý tưởng sống vì mọi người của con, và lúc nào thầy mẹ cũng thương yêu con dù trong bất cứ tình tuống nào mà sau này chúng ta gặp phải.
Thục Đoan biết mẹ chồng nàng muốn nhắn gởi gì qua câu nói sau cùng của bà, nàng nhìn mẹ với niềm kính thương vô hạn, cả nhà chồng ai cũng yêu thương nàng và càng yêu thương hơn khi chồng nàng không còn sống để chăm chút vợ con, nhìn đứa con dâu tuổi đời chưa đến ba mươi cha mẹ chồng nàng nhiều khi đã đặt thẳng vấn đề là khuyên nàng nên đi bước nữa… Thục Đoan chỉ im lặng bởi nàng biết bao tình yêu và sự tôn sùng ngưỡng vọng nàng đã dâng hiến hết cho Vĩnh Tùng – người chồng vắn số. Cuộc sống của nàng bây giờ là chăm sóc đôi bên cha mẹ, lo cho đứa con trai duy nhất và cho lý tưởng phục vụ xã hội – cho các học sinh mà Thục Đoan có trách nhiệm dắt dìu, cho các cháu ở cô nhi viện, ở các lớp tình thương, cho những người già neo đơn không nơi nương tựa... Chừng ấy công việc, niềm vui có, nỗi khó nhọc cũng nhiều đã chiếm hêt thời gian, nàng có rảnh rỗi gì mà đi tìm một tình yêu ở người đàn ông nào nữa. Từ dạo cha mẹ chồng đưa cu Tô sang Pháp sống với anh chị cả, nàng giao ngôi biệt thự và vườn cây ăn trái ở Đà Lạt cho mẹ con người quản gia trung thành của gia đình chăm sóc, còn nàng chuyển về dạy ở Tp. Huế để được gần cha mẹ đẻ, cứ đến hè và Tết nàng mới về Đà Lạt cùng bà Tám trông coi ngôi biệt thự này.
Năm nay ngoài việc lo sơn quét ngôi mộ của chồng và cúng kính gia tiên trong ba ngày Tết, Thục Đoan còn một việc là đợi một đoàn từ thiện từ nước ngoài về thăm và tặng quà cho trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu tại Đà Lạt, các cháu ở ngôi trường này mấy lâu nay được nàng và một số bạn đồng nghiệp tâm huyết bảo trợ. Cách đây hai tuần người đại diện của đoàn Việt Kiều đã gặp nàng qua điện thoại bàn bạc và nhất trí mọi đề nghị của hai bên, người này cho biết ngoài sáu Việt Kiều còn có mấy người bạn thuộc nhiều quốc tịch, họ muốn về Việt Nam thăm thú cảnh tình và nếu thấy hợp họ sẽ cộng tác với các tổ chức từ thiện ở Việt Nam để làm những việc có ích cho đồng loại. Chiều mồng ba Tết họ sẽ có mặt ở sân bay Liên Khương. Thục Đoan vừa ăn cơm vừa bàn tính với bà Tám về công việc, nhà cửa và dự trù phẩm vật cúng kiến gia tiên. Cuối buổi nói chuyện Thục Đoan dặn bà Tám chuẩn bị một ít hoa quả đẹp và ngon để chiều mồng Ba nhóm từ thiện của nàng đưa ra sân bay đón mừng đoàn khách.
***
Tết Nguyên Đán trời Đà Lạt đẹp như một xứ sở thần tiên mà hồi nhỏ Thục Đoan thường đọc trong cổ tích. Nắng xuân trải nhẹ nhàng lên vạn vật, hoa anh đào kiêu sa vươn thân hình mảnh dẻ nhìn mọi người như muốn vẫy chào thân thiện, khách tham quan Đà Lạt trong dịp Tết tha hồ mà ngắm anh đào, những đoá anh đào tươi thắm nở hết mình tận hiến nhan sắc giữa trời xuân là tặng phẩm của Đà Lạt dành cho khách mười phương. Chiều nay Thục Đoan thật quý phái trang nhã trong tấm áo dài bằng lụa Hà Đông màu tím thẫm đứng ở phòng đợi của ga hàng không Liên Khương, nàng dẫn đầu nhóm từ thiện “Sống vì người” đi đón đoàn Việt kiều từ thiện về nước qua sự thông báo của người đại diện.
Chiếc xe buýt lớn đưa khách từ phi đạo vào ga, qua lớp kính mờ của phòng đợi Thục Đoan nhận được tín hiệu chào mừng của đoàn khách bạn qua hai lần gật đầu và đặt bàn tay phải lên lồng ngực phía trái tim, nàng cũng đáp lễ lại qua tín hiệu đã giao ước, đợi khách nhận xong hành lý nàng mời mọi người ra chiếc ô tô 15 chỗ ngồi hướng dẫn họ về một khách sạn lịch sự ở đường Trần Phú nhìn xuống đồi Cù và hồ Xuân Hương thơ mộng.
Sau tuần trà nước ở đại sảnh của khách sạn Palat, hai bên tự giới thiệu thành viên của đoàn mình và trao đổi quan điểm trong công tác từ thiện, đoàn khách rất tâm đắc với cách làm của nhóm “Sống vì người” vì nhóm không làm công tác từ thiện để phô trương tên tuổi và nặng phần trình diễn cho công chúng vỗ tay… mà chỉ âm thầm đem hết công sức tâm huyết làm tất cả những gì mang lợi ích thiết thực đối với những số phận bất hạnh. Thục Đoan thường nêu quan điểm với các cộng sự và rất được đồng tình, vì thế nhóm “Sống vì người” của nàng hoạt động đã nhiều năm có hiệu quả tốt và chưa hề mang điều tiếng phản ánh gì về mọi mặt. Thục Đoan cứ miệt mài trong công việc mà không nhớ gì đến đời sống goá bụa đơn côi, nàng chỉ duy nhất nỗi nhớ con cồn cào mỗi khi nghe giọng nói nó vang lên trong điện thoại.
Buổi thăm viếng trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu diễn ra trong không khí thân mật, đoàn Việt kiều đã trao đổi với Thục Đoan và ban giám đốc nhà trường nhiều vấn đề, nhiều ý kiến đóng góp xây dựng; ngoài số tiền mặt và quà gồm áo quần, tập vở tặng các cháu, trưởng đoàn Hoàng Sơn hứa sẽ vận động sự đóng góp của bạn hữu ông tại Pháp và năm tới sẽ tặng trường một số tiền lớn đủ cải tạo phòng ốc và mọi tiện nghi cần thiết cho đời sống  của các cháu và toàn thể nhân viên ở đây. Ban giám đốc và nhóm “Sống vì người” rất cảm kích trước những việc làm đầy nhân ái của đoàn. Kết thúc buổi viếng thăm là những tiết mục văn nghệ nhẹ do các cháu khiếm thị trình diễn; nhìn các cháu tươi cười ca hát lòng Thục Đoan ấm một niềm hạnh phúc, nàng tâm niệm sẽ hoạt động năng nổ hơn nữa để đem lại cho các cháu những nụ cười tươi sáng và đầy đủ về đời sống hầu bù lại nỗi bất hạnh lớn mà các cháu đang gánh chịu.
Trước lúc đoàn Việt kiều về lại Pháp, Thục Đoan tổ chức một buổi tiệc trà thân mật tại nhà mình để chia tay. Biệt thự Dã Quỳ như đắm mình trong không khí trong lành với hương của hoa và hương thơm của bao trái tim từ ái nhân hậu. Nhận chén trà atisô từ tay Thục Đoan, Hoàng Sơn đứng lên nhìn mọi người và quay sang Thục Đoan ông cất giọng ngậm ngùi hoài cổ:
-Thưa bà quả phụ Vĩnh Tùng, có một điều bà chưa biết tôi là bạn học của ông nhà hồi ở Pháp, và bây giờ tôi lại được may mắn là giáo sư dạy môn vật lý cho con trai bà. Chà! Bảo Thông giống bố như đúc và cũng thông tuệ như bố.
Thục Đoan bỡ ngỡ lẫn mừng vui:
-Ông Hoàng Sơn thật là kín tiếng làm chúng tôi mang tội thất lễ với bạn ba cháu và bây giờ lại là thầy của cu Tô.
Hoàng Sơn cười lớn để giấu sự cảm động:
-Không còn là cu Tô nữa đâu, mà là một sinh viên cao lớn đĩnh đạc sắp tốt nghiệp đại học loại xuất sắc rồi đó, bà có thắc mắc gì về cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên lý thú của chúng ta không?
Thục Đoan trả lời thật từ tốn:
-Thưa ông, tôi đã tập làm quen với những bất ngờ từ khi chồng tôi bỏ lại mẹ con tôi trên cõi đời này, đó là điều quá bất ngờ đối với tôi. Vì thế tôi nghĩ trên đời này còn có cả triệu cái bất ngờ nữa, và chúng ta nên bình thản đón nó ông ạ. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc gặp gỡ này hoàn toàn không ngẫu nhiên, bất ngờ đâu, chỉ ngoại trừ việc ông là bạn của nhà tôi và là thầy dạy của con trai tôi mà tôi không được biết.
Hoàng Sơn mỉm cười:
-Vâng, bà thông minh lắm. Tôi nhận ra sự thông minh ấy qua lần tiếp xúc đầu tiên khi vừa xuống máy bay, bà không muốn biết tin tức của ông bà cụ, anh chị cả và con trai bà sao?
-Cảm ơn ông, tin tức gia đình bên ấy cứ một tuần tôi được nhận qua cha mẹ chồng tôi, hai cụ biết tôi lo nên thường xuyên gọi điện về ông ạ. Bằng trực cảm tôi cũng hiểu được tại sao đoàn từ thiện của ông lại chỉ liên hệ với đoàn “Sống vì người” ở đây mà không nơi khác.
Mọi người trong đoàn Việt kiều nhìn nhau cười ý nhị…
Đưa đoàn khách lên máy bay xuống Sài Gòn để sang lại Pháp, Thục Đoan quay về biệt thự Dã Quỳ trong tâm trạng nhẹ nhàng bởi kết quả tốt đẹp của công việc, nàng thay vội y phục và ngồi vào bàn viết thư cho cha mẹ và cu Tô:
Kính thăm thầy mẹ.
Lại một cái Tết nữa qua đi con không gần bên thầy mẹ, không lo gì được cho cu Tô. Phận làm con dâu và làm mẹ của con chưa tròn, mong thầy mẹ thông cảm cho con. Con vô cùng biết ơn thầy mẹ về những điều tốt đẹp thầy mẹ đã làm cho con, đã tìm cách chia sẻ và đồng cảm trong lý tưởng “Sống vì người” của con. Con nguyện sẽ sống xứng đáng với lòng tin yêu mà cả gia đình đã dành cho con. Chỉ còn nửa năm nữa là cu Tô tốt nghiệp và gia đình lại được đoàn tụ, ngày đêm con chỉ nguyện cầu chừng đó thôi thầy mẹ ạ.
Ông Hoàng Sơn và bạn hữu của ông sẽ trở lại Việt Nam vào năm sau để giúp trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu xây dựng lại mặt bằng cơ sở, con biết nếu không có sự gợi ý và đề nghị của thầy mẹ thì ông ấy dễ gì tìm nhóm “Sống vì người” một cách tích cực như thế. Hạnh phúc lớn của đời con là được thầy mẹ và gia đình đồng cảm, đồng tình trong công việc, hạnh phúc của bao kẻ bất hạnh là nhận được sự chia sẻ cơm áo từ những tấm lòng vàng, và thắp sáng cho họ một niềm tin vào cuộc sống.
Cầu chúc thầy mẹ, anh chị cả và cu Tô mạnh khoẻ. Cầu mong cho ngày đoàn tụ của chúng ta.
Kính thư,
Con Thục Đoan
NGTC
 
  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc