NINH GIANG THU CÚC


Khúc hát Yêu Thương
(Tiểu Nguyệt – NXB Hồng Đức 2017)
 
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Tôi có thêm ngày nữa để yêu thương”

(Kahlil Gibran)
 
Xếp tập sách lại trong tôi len lén cái cảm giác vui buồn theo mỗi câu chuyện, mỗi mẫu chuyện mà tác giả đã xây dựng đã dàn trải, đã đề cập trong tác phẩm.
Ở đó có đủ nỗi khổ đau và niềm hạnh phúc an vui cho từng số phận, những nhân vật trong “Khúc hát yêu thương” có thể là nguyên mẫu thân phận của tác giả có thể chỉ là nhận vật hư cấu nhưng cho dù chuyện thật hay giả tưởng thì tác giả vẫn cho người đọc niềm vui, nỗi buồn theo từng câu, chữ; đó là sự thành công của cây bút nữ Tiểu Nguyệt trong tác phẩm đầu tay.
Không gian nghệ thuật trong Khúc hát yêu thương là một dải đất miền Trung nửa mộng mơ lãng mạn nửa sỏi đá khô cằn. Ở đó các nhận vật có một thời thơ ấu hồn nhiên với những thú vui chân chất giản dị, những món ăn (chơi) gợi thèm của con trẻ đồng quê:
“Những ngày học vỡ lòng, tiểu học, trưa nào hai đứa cũng trốn gia đình đi hái Dú Dẻ, Chiêm Chiêm. Những trái Dú Dẻ chín vàng ăn rất ngọt, hoa thì bỏ túi áo thơm vô cùng. Chơi đủ trò nào Bắt nẻ, Ô quan, Đánh trổng; hai đứa hái những lá keo non bó lại làm trái kiện, cùng đá cùng vui cười”
(Mảnh trăng xưa – Tùy bút)
A ha! Người đọc như thấy có mình trong đó ở đoạn tùy bút vừa trích dẫn.
Tôn sư trọng đạo là truyền thống bất tử của dân tộc nầy cho nên xúc động biết bao khi đọc “Nhớ mãi người thầy dạy văn” với đoạn kết: “... Kỳ họp mặt năm vừa rồi chúng tôi tổ chức mừng thọ thầy tám mươi tuổi. Thầy đã rất cảm động trước những tấm lòng yêu kính thiết tha của học trò đã không bao giờ thay đổi khi tuổi của thầy đã xế chiều. Chúng tôi đều cầu mong thầy khỏe mạnh để hằng năm còn có thể nhìn thấy thầy, chia sẻ cùng chùng tôi niềm vui gặp mặt như hôm nay. Chúng tôi vô cùng biết ơn thầy...”
(Nhớ mãi người thầy dạy văn – Tiểu Nguyệt)
Đất nước nào thời hậu chiến cũng rẫy đầy bi kịch – nỗi đau chung của xứ sở, của người người, thế hệ chúng tôi cách nhau 5–3 tuổi từng là nạn nhân, chứng nhân một thời bom rơi đạn lạc, một thời đói ăn thiếu mặc vàng võ xanh xao, chiến tranh tàn khốc đã đóng dấu ấn đau thương lên bao nhiêu thân phận:
“Trại cải tạo ba tôi đang ở có tên Z30A. Chúng tôi xuống ga Gia Ray băng rừng theo đường tắt dân đi làm rẫy. Những bận thăm trước, chúng tôi xuống ga Long Khánh rồi trở ra chứ ga Gia Ray tàu không ngừng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử đi và nghĩ sẽ nhanh và gần hơn... Mỗi lần đi thăm, má tôi thật vất vả nhưng bà luôn mong đợi ngày ra đi – trễ nhất là hai tháng. Lo chuẩn bị mua sắm nào bánh tráng, thịt kho, ruốc khô, mì gói, bột ngũ cốc, đường đen chặt thành cục, ... Tàu ngày ấy ít chuyến, rất chật, cũ kỹ, không khi nào còn chỗ ngồi, phải chen nhau đứng mỏi rã đôi chân...”
Chúng tôi đến nơi thăm nuôi ngồi chờ cán bộ nhấn giấy. Một tốp người đang bị tập trung cải tạo đi ngang qua, mỗi người đều đó cái bọc mang trước ngực. Tôi thắc mắc hỏi má: “Ai cũng có cái bọc để làm gì vậy má?” Má cười: “Họ mang theo hái rau để cái thiện bữa ăn đó con”. Một anh lại sát bên má con tôi, nhìn – không dám nói gì. Thương anh má tôi nói: “Đưa cho anh cây bánh tét đi con, tội nghiệp.’ Tôi đưa anh ta cây bánh tét dặn: “Anh cho mấy người cùng ăn nhé.” Anh gật đầu cảm ơn...”
... Một phụ nữ khoảng ngoài sáu mươi mang theo xách tay và một cái thùng nhỏ mệt mỏi bước vào chỗ cán bộ vừa nói vừa khóc:
– Xin cán bộ cho tôi gặp con trai tên .... Hôm qua tôi đã đến, con tôi đang bệnh cần chuyền máu gấp. Tôi về mua mang vào, cán bộ cho tôi gặp kẻo không kịp.
Người cán bộ cúi đầu không nói gì bước vào trong, một lát có người ra nói với bà:
– Tôi dẫn bà đi gặp con trai, rất tiếc anh ấy đã không chờ bà được. Chúng tôi đã chôn anh ấy rồi, mời bà theo tôi.
Bà khóc thét lên:
– Con ơi! Sao con không chờ mẹ. Mẹ mang máu vào chuyền cho con đây, sao con không chờ mà bỏ mẹ ra đi thế con ơi!
Đêm ấy ba cùng ở với hai má con tôi, ba mang hết chỗ má con thăm nuôi vào trại. Sau đó anh cán bộ đưa hai má con tôi vào căn phòng chung quanh che bằng lá và nói:
– Đây là phòng dành cho gia đình được qua đêm, cô và chị ở đây lát nữa chú sẽ đến, không đi lung tung đấy nhé.
... Rồi một đêm đã trôi qua. Bình minh đang đến. Ngày mới lại bắt đầu. Ngày mai đã mang đến sự chia ly cho gia đình chúng tôi. Ba chúng tôi nghẹn ngào nhìn nhau. Ba tôi bước theo chân người cán bộ, mà dường như mỗi bước chân đang bị vướng víu bởi sự thương tiếc ưu phiền”
(Nhớ một chuyến thăm nuôi – Tùy bút)
Nhạc sĩ Y Vân đã viết: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...” điều ấy đã được chứng minh qua trái tim vĩ đại của nhân vật “Bà Bốn Quẹo”
“Bà có biệt danh là bà Bốn Quẹo từ hồi còn rất trẻ, tay bà có tật từ khi mới sinh ra. Bà mở quán nước và tạp hóa ở lò gạch ông hai Thanh bán cho dân xóm tre và khách qua lại trên đường. Trong xóm chỉ có quán bà nên buôn bán cũng đủ cho ba bà cháu sống qua ngày. Nghe những người lớn trong xóm nói rằng bà có chồng ở tít trên đất đỏ, mỗi lần về bà đi bộ có khi hơn nửa ngày mới tới nơi. Chồng bà có ba người con trai thì vợ mất, ông gặp bà sau khi mãn tang vợ. Bà vui tính chịu thương chịu khó làm ăn và rất thương người. Bà về với ông được năm năm thì ông bỏ bà ra đi khi bà chưa có mụn con nào, một mình chăm lo cho ba đứa con trai của chồng, từ việc cưới vợ cho đến bồng bế cháu. Bà coi ba anh con trai không khác con mình rứt ruột đẻ ra, cho nên các anh cũng thương bà như mẹ mình vậy. Vợ chồng anh con trai giữa chết trong một trận càn bỏ lại ba đứa cháu nội còn nhỏ xíu, bà phải nuôi nấng, chăm lo mọi thứ...”
(Bà Bốn Quẹo)
Vâng! Chỉ có trái tim rộng mở yêu thương đối với cuộc đời và thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm bà, trong mỗi người phụ nữ họ có thể làm được tất cả một việc tốt đẹp đế dâng hiến cho gia đình, cho xã hội... Người đọc xin vô xùng cảm ơn bà Bốn Quẹo và người đã thai thành nhân vật.
“Má Tôi” có thể là người đã sinh thành ra tác giả, và có thể đó chỉ là nguyên mẫu điển hình cho hình tượng người Mẹ của tất cả chúng ta, của những đứa con rất tự hào về Mẹ:
“... Má tôi là người phụ nữ mạnh mẽ quyết đoán. Thân mảnh mai gió thổi muốn bay nhưng giàu nghị lực. Sau mùa Xuân 1975, một thân cò lặn lội mua bán nuôi đàn con dại ngu ngơ, chỉ ăn học ngoài ra chả đứa nào biết làm gì giúp má. Má tôi còn đảm đnag việc giỗ quải, ơn nghĩa, và thăm nuôi ba tôi đang cải tạo tận miền Nam xa lơ xa lắc...”
(Má tôi)
Xin trân trọng tri ân những người phụ nữ, những người Mẹ của một đất nước vừa kiêu dũng oanh liệt, vừa bất hạnh đau thương với một quá khứ qua hồi ức của tất cả chúng ta mà tác giả đã là người dẫn chuyện...
Cảm ơn Tiểu Nguyệt với lời cầu  mong tốt đẹp về sức khỏe – để cùng cuộc đời hòa tấu Khúc Hát Yêu Thương.

Ninh Xuân Thư Trang 26/06/2017

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc