NINH GIANG THU CÚC


Cùng Một Hướng Đi

 
- Thưa cô, giảng dùm con bài toán.
- Ừ, đợi cô tí, cô ra ngay.
- Cô ơi, con làm toán xong cô đọc thơ cho con nghe cô nhé.
Phương Thảo từ nhà sau đi lên vừa kéo ghế ngồi vừa nhìn Sơn, cười:
- Giảng toán thì được, đọc thơ thì không.
Sơn nũng nịu:
- Hôm nay chủ nhật mà cô, con thích nghe mấy bài thơ cô mới làm, cô đọc cho con nghe đi mà.
Phương Thảo nhìn vào mặt Sơn hỏi khẽ:
- Con quên là hôm nay cô cháu ta phải vào Cô nhi viện thăm các em hay sao?
Sơn giật nẩy người:
- Chết, thế mà con quên mất, thôi mình đi bây giờ rồi về làm toán cũng được cô ạ.
- Không được, làm việc gì cũng phải có chương trình, việc nào ra việc ấy, cô giảng bài xong, con làm toán, cô chuẩn bị các thứ rồi chúng ta cùng đi.
Sơn nhìn cô giáo đồng thời là người mẹ đỡ đầu với niềm thương kính, cu cậu ngoan ngoãn lật vở và sách giáo khoa trước mặt…
Phương Thảo khệ nệ xách hai tay hai giỏ đầy quà bánh và đồ chơi bước vào gian phòng lớn của Cô nhi viện Hoa Sen, Sơn lúi húi dựng xe xong lật đật chạy đến đỡ hai chiếc giỏ từ tay cô, một đàn trẻ con cả trai lẫn gái khoảng 20 cháu chạy ào đến bao quanh Phương Thảo reo lên:
- Chúng con chào cô, chúng em chào anh Sơn.
Đây là một phần mười số cháu ở Cô nhi viện mà Phương Thảo nhận bảo trợ. Nhóm bạn cùng dạy một trường và cùng chí hướng làm từ thiện với cô chia nhau mỗi người nhận hai mươi cháu làm con tinh thần. Cứ mỗi tuần, nhóm từ thiện lại vào đây để vui chơi với các cháu nửa ngày.
Phương Thảo soạn quà và chia bánh thành từng phần cho mỗi cháu. Trong khi Sơn tập hợp các bé lại thành một vòng tròn để tập cho chúng nó một bài hát mới. Giọng hát ngọng ngịu hồn nhiên và những câu hỏi ríu rít như chim non của chúng làm Phương Thảo ngậm ngùi xúc động; năm năm trời cô đã đến với Cô nhi viện này hay đúng hơn là đến với các cháu côi cút, cô đã dồn hết tâm lực, tình thương ngõ hầu bù đắp phần nào những thiếu thốn tình cảm của các cháu. Mỗi cháu ở đây đều có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng chúng lại gặp nhau trong cùng một số phần côi cút.
Nỗi đau khổ của đồng loại quá nhiều và quá lớn lao trong khi sức lực và tiền bạc của mình thì có hạn, nhiều lúc Phương Thảo quay quắt đau đớn vì không đủ sức làm những việc cần thiết cho những trường hợp mà cô nghe và thấy xảy ra chung quanh. Với đồng lương của một giáo viên dạy văn cộng tiền nhuận bút những bài viết cho các báo, Phương Thảo phải ăn dè mặc sẻn, phải hạn chế khoản chi tiêu phục vụ những nhu cầu cần thiết cho một người phụ nữ để lo cho các cháu hay những đối tượng khó khổ mà cô đang bảo trợ.
Đợi tụi nhỏ ca hát nhảy múa đã đời, Phương Thảo mới cùng Sơn tắm giặt thay quần áo cho chúng, các nhóm kia cũng vừa xong từng ấy công việc và cùng đưa các cháu về tập trung ở phòng ăn của Cô nhi viện để dùng bữa trưa. Cứ mỗi chủ nhật là nhóm từ thiện của Phương Thảo lo tất cả cho các cháu để nhân viên ở đây được nghỉ xả hơi một ngày. Nhưng phần đông các cô ở đây cùng không chịu nghỉ hoàn toàn, họ cùng làm với nhóm nên không khí ngày chủ nhật ở Cô nhi viện rộn rã vui vẻ và thật sự ấm cúng như nếp sinh hoạt của một đại gia tộc trong ngày họp mặt; các cháu mặt mày tươi rói, ăn uống nói cười vui vẻ. Phương Thảo và các bạn của cô cảm thấy vô vàn hạnh phúc bởi đã làm được những điều trong khả năng có được.
Như thường lệ, ăn xong các cháu về phòng ngủ là các tổ từ thiện họp bàn chương trình làm việc cho tuần sau, đặc biệt kỳ họp nầy Ban giám đốc Cô nhi viện có mặt đầy đủ (họ làm việc mà chẳng hề quan tâm tới giờ giấc ngủ nghỉ)
Kết thúc buổi họp bà Giám đốc cười thật tươi cất giọng phấn chấn:
- Xin long trọng báo cùng toàn thể quý vị một tin mừng, bởi sắp tới đây Cô nhi viện chúng ta sẽ nhận được sự tài trợ của một “Mạnh thường quân” Việt kiều đang định cư ở Pháp. Ngoài sự trợ cấp mỗi tháng cho các cháu ở đây, họ còn yêu cầu chúng ta tìm mười học sinh hoặc sinh viên học giỏi, ngoan, con nhà nghèo khó để họ nhận làm con đỡ đầu nuôi ăn học đến hết bậc đại học. Vì vậy Ban giám đốc có lên một danh sách các cháu đang học cấp III nằm trong tình cảnh ấy, và cũng xin thưa với cô Phương Thảo điều nầy, mà chúng tôi nghĩ là cô không phản đối.
Phương Thảo nhìn bà Giám đốc Cô nhi viện bằng tuổi mẹ mình, cô lễ phép:
- Thưa cô cháu đang nghe cô đây ạ.
- Thế nầy Phương Thảo à, trong số danh sách các cháu học cấp III chúng tôi có ghi tên cháu Sơn mà hiện giờ Phương Thảo đang bảo trợ, bởi trộm nghĩ gia cảnh Sơn quá khó khăn, Phương Thảo lại có nhiều đối tượng phải quan tâm, nếu khi Sơn lên đại học mà một mình Phương Thảo phải lo hết mọi thứ chắc rằng Phương Thảo sẽ vất vả vô cùng. Ý Phương Thảo thế nào?
Phương Thảo chớp mặt cảm động bởi sự quan tâm và cảm thông những công việc của mình ở những người cùng chí hướng, nàng run run trả lời bà Giám đốc:
- Dạ thưa cô, thưa tất cả các bạn – lo lắng và thương yêu các cháu là trách nhiệm, bổn phận của tất cả chúng ta. Phương Thảo rất xúc động trước sự lưu tâm của Ban giám đốc với công việc Phương Thảo đang làm. Xin cảm ơn Ban giám đốc.
Quay sang Sơn nàng bảo:
- Con đứng lên cảm ơn bà đi con!
Sơn đứng phắt dậy dõng dạc:
- Con xin cảm ơn Ban giám đốc đã có lòng thương nhưng con xin nhường phần con cho một bạn khác, từ khi cô Phương Thảo nhận con làm con đỡ đầu con đã thấy quá đầy đủ với sự chăm lo của cô dành cho con. Con hạnh phúc vô cùng, nên con không muốn nhận thêm một sự lo lắng của nhà hảo tâm nào nữa, bởi cái trên hết là con muốn dành tình thương của con cho cô Phương Thảo mà thôi, sang năm lúc vào đại học con sẽ kiếm việc làm thêm để ba má con và cô Phương Thảo đỡ phải lo cho con vài phần.
Mọi người nhìn Sơn ngạc nhiên bởi phản ứng của cậu thiếu niên, trong khi Phương Thảo cúi đầu giấu niềm cảm động, bởi hơn ai hết cô hiểu rất rõ tâm trạng của Sơn…
Trên đường về hai cô cháu im lặng, phần quá mệt sau một buổi phục vụ các cháu ở Cô nhi viện, phần do câu chuyện vừa rồi ở cuộc họp nên cả hai cô cháu đều ngại lên tiếng trước.
Về đến nhà Phương Thảo giục Sơn tắm rửa nghỉ ngơi để còn chuẩn bị đi học lớp Anh văn buổi tối. Phương Thảo cũng vào phòng tắm riêng của mình hòa đầy bồn nước ấm và nằm vào nhắm nghiền mắt thả lỏng cơ thể trong tư thế thư giãn hoàn toàn, ba mươi phút sau Phương Thảo bước ra trong tâm trạng tươi trẻ yêu đời, nhìn vào tấm gương lớn ở bàn trang điểm Phương Thảo mỉm cười với bóng mình. Trong gương phản ảnh dáng vóc nàng với những đường nét thon thả gợi cảm của một nhan sắc đang vào độ chín muồi viên mãn, trang điểm gương mặt với những đường nét nhẹ - khoác vào người bộ đồ mặc ở nhà bằng hàng lụa tơ tằm màu mỡ gà óng ả, nàng ung dung xuống nhà dưới vào phòng làm việc để chấm bài cho học sinh.
***
Phương Thảo vươn vai bước ra khỏi phòng làm việc khi đồng hồ vừa điểm xong tiếng chuông thứ sáu thì cũng vừa lúc Sơn từ phòng bên bước sang, lễ phép:
- Thưa cô con đi học.
Phương Thảo gật đầu hỏi:
- Con ăn cơm rồi chứ?
- Dạ rồi, con vẫn cắm điện để giữ cơm cho nóng, thức ăn con hâm hết rồi nghe cô.
Phương Thảo mỉm cười nhìn theo Sơn đang dắt xe ra cổng lòng dâng lên một niềm vui êm đềm… Nàng bồi hồi nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên và nguyên nhân đã nhận Sơn làm con đỡ đầu.
Hôm ấy (cách đây gần 3 năm), Phương Thảo sau hai tiết dạy cuối ở lớp 11C dắt xe ra khỏi trường vừa đói bụng vừa mệt, trời nóng như lửa đốt, cái xe lại trở chứng đạp hoài không nổ máy, Phương Thảo toát mổ hôi cứ loay hoay đạp bỗng nghe bên tai:
- Thưa cô, để con!
Phương Thảo ngước lên, trước mặt cô là một cậu học trò trông nửa quê nửa tỉnh đang dựng xe đạp, đưa tay đỡ chiếc xe Cup của Phương Thảo, cậu đạp mạnh và máy nổ giòn giã. Phương Thảo mừng rỡ trèo lên xe dấn ga chạy tuốt, chạy được độ 50m Phương Thảo giật mình nhớ lại là chưa nói một lời cảm ơn với cậu trò nhỏ. Cô vòng xe trở lại và may mắn là thấy cậu ta đang đạp xe ngược chiều với cô, Phương Thảo quay xe chạy chậm đến, cô cho xe sát vào đi song song bên cậu bé, nhìn sang thấy Phương Thảo cu cậu nhoẻn cười:
- Sao cô chưa về?
- Cô quay lại kiếm em để cảm ơn – và xin lỗi em về cái tội vô ý của cô.
- Thưa cô, cô đừng nói vậy, con là học sinh là…
Phương Thảo phì cười ngắt lời:
- Là sao? Là phải đạp xe cho các cô phải không? Em ngoan lắm!
Cậu nhỏ cười sung sướng dấn mạnh bàn đạp – đạp theo xe Phương Thảo.
Phương Thảo hỏi:
- Nhà em ở đâu?
- Dạ, nhà con ở dưới quê – con lên đây ở nhờ nhà bà con mà xa lắm cô ơi, nhà cách trường đến 6 cây số lận.
Đến ngã ba thằng bé chào Phương Thảo và rẽ trái.
Sáng hôm sau Phương Thảo đến trường sớm hơn thường lệ, cất xe vào bãi để xe dành riêng cho giáo viên xong cô bước ra lóng ngóng đứng trước cồng trường, Phương Thảo thầm trách cho cái cố tật đểnh đoảng của mình: “Ừ, giá hôm qua ta để ý hỏi lớp nó học và nhìn bảng tên nó một chút thì có đâu bây giờ phải đứng nhìn mặt từng đứa học trò như thám tử đi nhận mặt đối tượng thế nầy”, nhưng lại tự bào chữa – Thì cũng tưởng như bao trường hợp khác chứ ai ngờ thằng bé nầy lại có ấn tượng mạnh với mình đến vậy.
Thật thế, suốt đêm qua hình ảnh thằng bé cứ ám ảnh hoài cả trong giấc ngủ của cô, khuôn mặt khôi ngô trung hậu, cắp mắt sáng, chiếc miệng tươi với tiếng xưng “con” ngọt ngào thân thiết khiến Phương Thảo bồi hồi khi nhớ lại và đấy là động lực để sáng nay Phương Thảo đi tìm nó. Đã đến giờ vào lớp vẫn không thấy bóng dáng thằng bé, nhìn ông cai xách chùm chìa khóa đi ra cổng Phương Thảo gật đầu đáp lại lời chào của ông ta và thong thả bước về phía văn phòng, sáng nay cô lên lớp tiết thứ tư.
Một nhóm đồng nghiệp đang ngồi uống trà với bà Hiệu trưởng để đợi giờ lên lớp, cô sà vào ngồi bên Hồng Hạnh – cô giáo trẻ cùng bộ môn với Phương Thảo, Hồng Hạnh rót trà ra chén mời Phương Thảo và cất giọng lục vấn:
- Chị làm gì như người thất tình vậy? Cứ đi lui đi tới hết nhìn đồng hồ lại nhìn ra đường, bộ có hẹn với anh nào hả?
Mọi người nhìn Phương Thảo ái ngại bởi câu nói đùa của Hồng Hạnh, ngoại trừ Hồng Hạnh mới chuyển đến, ở trường nầy ai chẳng biết chuyện tình duyên lận đận của nàng. Bà Hiệu trưởng nhìn Phương Thảo ân cần:
- Có chuyện gì vậy em?
Phương Thảo nhỏ nhẹ:
- Dạ, không có gì, em kiếm thằng học trò, đợi hoài không thấy, có lẽ sáng nay nó nghỉ học.
Hồng Hạnh láu táu:
- Kiếm học trò sao không vô lớp kiếm có khỏe không, lại đứng ngoài cổng mà đợi, chị lẩn thẩn vừa thôi chứ.
Bà Hiệu trưởng ngắt lời:
- Cái cô giáo trẻ con nầy sao ưa lý sự quá. Có để yên cho người lớn nói chuyện không?
Hồng Hạnh rụt cổ ngồi nép vào sau lưng Phương Thảo
Phương Thảo cười buồn
- Hồng Hạnh nói đúng đấy chị à, quả là em lẩn thẩn.
Bà Hiệu trưởng dịu dàng:
- Em kiếm học sinh nào không thuộc khối em dạy hay sao mà vất vả thế?
- Vâng, chắc ở khối lớp 10 chị ạ - Số là trưa hôm qua xe em bị chết máy ở cổng trường, nó đạp dùm, thằng bé thật dễ thương, học trò bây giờ có đứa nào xưng con với cô thầy thế đâu chị, thế mà cu cậu nầy xưng “con” thật thân tình lễ độ, nó làm em cảm động từ hôm qua đến giờ, mà đúng là em hời hợt, có chịu xem bảng tên nó đâu, thành ra từ sáng tinh mơ đến giờ em cứ đứng nhìn mặt như dân “hình sự”.
Mọi người trong phòng lần lượt đi lên lớp học, chỉ còn một mình Phương Thảo và bà Hiệu trưởng.
Rót thêm nước vào chén Phương Thảo, bà Hiệu trưởng nói giọng nửa đùa nửa thật:
- Rồi vì tiếng “con” ngọt ngào ấy mà sáng nay đứng cả buổi để tìm cậu bé, để được nghe nó xưng “con” tiếp? Ôi! Cô văn sĩ lãng mạn của chị ơi – lấy chồng đi, đẻ vài đứa rồi tha hồ nghe xưng con.
Phương Thảo nhìn qua cửa sổ, giọng chùng thấp u hoài:
- Chồng con gì nữa chị, gần nửa đời rồi – đã một lần làm vợ quá đủ để em ghê sợ…
- Có người nầy người khác chứ em.
Thảo ngậm ngùi:
- Gần mười năm rồi chị nhỉ?
- Vâng, gần mười năm, thời gian chẳng ảnh hưởng gì đến nhan sắc em – bà quả phụ Trần Văn sau tuần tang chế như được lột xác hồi sinh, trẻ, đẹp hẳn ra hơn cả thời con gái, chẳng bù lúc Văn còn sống em tiều tụy, xếp ve như con mắm mòi Phan Thiết ấy.
Phương Thảo phì cười bởi sự ví von ngộ nghĩnh của bà Hiệu trưởng – nàng biết bà nói thật, nàng cũng thật thà bày tỏ:
- Chị ơi! Đàn bà chúng mình khổ quá phải không chị - em bây giờ nguyện ở vậy cho đến chết, tự do là nhất chị nhỉ?
- Em sắt đá lắm Phương Thảo ạ. Em có biết là thầy Sỹ mất ăn mất ngủ bao lâu nay vì em, mẫu đàn ông như Sỹ mà em còn chê, à, hay em vẫn đợi người bên kia đại dương?
- Không đâu chị, em chẳng dám chê gì ai – phần em, em thật sự mỏi mệt với những chuyện yêu đương, chồng vợ quá rồi – bây giờ được yên ổn để làm việc và góp chút công sức trong công tác từ thiện xã hội là em thấy mãn nguyện và hạnh phúc lắm rồi, em chẳng mơ ước gì hơn.
Bà Hiệu trưởng im lặng nhìn Phương Thảo với anh mắt quý mến…
Phương Thảo mất ba buổi sáng để đón cậu bé – không hiểu tại sao nó biến mất, sáng hôm ấy cô dặn lòng: lần nầy nữa mà không gặp mặt là thôi nhé, chắc tại mình nhớ không rõ mặt nó chứ gì. Nhìn đồng hồ thấy đã đến giờ cô quay mình định đi thẳng vào lớp bỗng nghe ai gọi sau lưng:
- Thưa cô cho tui hỏi…
Phương Thảo đứng yên chờ đợi, tiến lên trước mặt cô là một người đàn bà ngoài năm mươi tuổi, dáng dấp chân quê chất phác, hai tay ôm khư khư tờ giấy cuộn tròn. Cuốn giấy rung lên theo nhịp run trong hai bàn tay đen đúa của bà ta.
- Thưa, thưa cô chỗ nào nhận tờ giấy nầy?
Phương Thảo đưa tay đỡ cuộn giấy mở rộng trước mắt
- A! Đây là giấy xin phép nghỉ học, lớp 10B à – bác đi về phía tay trái vào phòng đầu tiên đưa giấy nầy cho cô giáo trong lớp ấy.
Người dàn bà bỗng níu lấy Phương Thảo khi cô dợm bước:
- Úi chao! Cô ơi, tui sợ lắm cô ơi! Ở dưới làng mỗi lần tui xin giấy tờ chi tui cũng bị họ la dữ lắm, ở đây tui có bị la không cô?
Phương Thảo cười:
- Làm gì có chuyện la rầy, mà ai la rầy bác, tại sao lại la rầy?
Người đàn bà lại càng run rẩy:
- Dạ, dạ thưa cô, cô làm chức lớn nhứt ở đây phải không, thôi trăm sự nhờ cô, xin cô vui lòng nhận dùm tờ đơn nầy cho tui chút.
Phương Thảo nhìn người đàn bà với niềm thương cảm – cô chợt bắt gặp một nét quen thuộc thật mơ hồ trên nét mặt và dáng dấp của bà ta, nàng nhỏ nhẹ:
- Thôi được, để tôi chuyển đơn nầy đến cô chủ nhiệm lớp 10B, mà bác xin phép nghỉ học cho ai vậy ạ?
Người đàn bà trả lời sau tiếng nấc nhẹ:
- Dạ không dấu chi cô, nó là con trai tui, nó bị đau nặng.
Phương Thảo cắt ngang:
- Thôi bác về đi tôi đến giờ dạy rồi.
Người đàn bà vừa xá xá Phương Thảo vừa thụt lùi mấy bước trước khi quay người, Phương Thảo nhìn theo lòng thấy nao nao (!?). Nàng lật đật tạt vào lớp 10B đưa tờ đơn cho cô Hằng và đi nhanh về lớp mình chẳng kịp nói năng gì.
Dạy xong hai tiết Phương Thảo đi lên văn phòng uống nước và chuẩn bị ra về, đang loay hoay mang giày chợt nghe:
- Chị Phương Thảo, té ra thằng Sơn bà con với chị hả?
Phương Thảo nhìn người đứng trước mặt mình ngạc nhiên:
- Sơn nào?
- Thì Nguyễn Văn Sơn học sinh lớp em chủ nhiệm, cô Hằng bảo hồi sáng chị đưa đơn xin phép cho Hằng mà.
- À! Ta nhớ rồi, không bà con chi cả - hồi sáng ta đứng ở hành lang và gặp người nhà nó, ta đưa giúp ấy mà, bởi bà mẹ nó không quen tới cửa “quan”. Nói tới đó Phương Thảo cười ngặc nghẹo kể lại cho Minh nghe buổi gặp mặt bà phụ huynh của Sơn.
Minh ngồi bất động đợi Phương Thảo dứt lời, cô bảo bạn:
- Em phải đi thăm thằng nhỏ bây giờ đây – hoàn cảnh nó tội lắm, chị chưa biết đấy thôi.
Nói xong Minh xách cặp đi ra cửa, Phương Thảo cũng đi ra nhà để xe. Nhìn nét mặt lo âu trên mặt Minh cộng với câu nói “chị chưa biết đấy thôi” và hình ảnh người đàn bà khốn khổ hồi sáng khiến Phương Thảo xốn xang, đồng thời cộng tính tò mò nàng chạy theo xe Minh, ngang chợ Minh ngừng xe mua trái cây – Phương Thảo với một chút tinh nghịch và muốn dành ngạc nhiên cho Minh nên lặng thinh tránh bên đường đứng đợi.
Mất 20 phút chạy loanh quanh, Minh dừng xe trước ngôi nhà cất theo lối phủ đệ nằm trong một vườn cây cổ thụ râm mát. Minh tự đưa tay mở chốt cổng dắt xe vào, quay lui định đóng cổng, thấy Phương Thảo Minh reo lên:
- Trời đất! Chị đi theo em hồi nào vậy? Vào đây chị, đúng là tay nầy có máu thám tử.
Minh khóa xe dẫn Phương Thảo đi vòng qua ngôi nhà lớn, bước lên bậc cấp của ngôi nhà sau, hai cô nghe tiếng rên khẽ và tiếng khóc nhỏ - trước mặt Phương Thảo là người đàn bà hồi sáng đang ngồi ủ rũ trước lò than, chiếc ấm đất trên lò đang sôi sùng sục. Minh kéo Phương Thảo lướt qua chỗ bà, bước nhanh đến chiếc giường phía trong, Minh nóng lòng hất tung chiếc mền cũ, đặt tay lên trán đứa học trò ngoan hiền và giỏi nhất lớp mình, Minh lay nhẹ thằng bé miệng kêu thảng thốt:
- Sơn ôi, Sơn mở mắt ra em, trời ơi, sao người nóng rực thế này, em sốt rồi Sơn ơi!
Sơn vẫn mê man không chịu cục cựa, mẹ Sơn chạy lên, bà vừa xá xá hai cô giáo vừa kể vừa khóc:
- Ba ngày rồi, nó cứ nằm im chẳng ăn miếng chi hết, bạn hắn về làng nhắn tui lên hai ngày ni rồi – hắn mà có chuyện chi là tui không sống nổi hai cô ơi!
Minh hỏi mẹ Sơn:
- Mấy ngày nầy bác đưa Sơn đi bác sỹ chưa?
- Dạ, tui cho cháu uống thuốc nam mấy bữa ni, cả nhà tui ai đau cũng uống thuốc nam hai cô à.
Phương Thảo lên tiếng:
- Trường hợp này không uống thuốc nam được, bởi em Sơn sốt cao quá, chúng ta nên cho em đi bệnh viện bác à.
Minh phụ họa:
- Phải cho Sơn đi bệnh viện gấp, chị nói đúng.
Vẻ lúng túng hiện ra trên khuôn mặt chất phát của người mẹ quê, Phương Thảo mau mắn:
- Bác đừng lo, chúng cháu biết phải làm gì.
Nói xong, không đợi phản ứng của mẹ Sơn nàng chạy ra cổng gọi xích lô…
Ở phòng cấp cứu bệnh viện trung ương các bác sỹ cho biết Sơn bị sốt thương hàn. Sau một đêm một ngày nằm ở khoa cấp cứu Sơn tỉnh dần và bớt sốt, mẹ Sơn mừng như chính bà được sống lại, hại mẹ con ôm nhau thủ thỉ thì Minh và Phương Thảo bước vào.
Sơn gượng người ngồi lên, song Minh xua tay:
- Em còn yếu lắm, cứ năm yên, hai cô nấu cháo ngon lắm, lát nữa nguội rồi ăn.
Sơn lắp bắp:
- Thưa cô, thưa cô…
Bỗng nó tròn mắt nhìn Phương Thảo và la lớn:
- Cô! Cô! Cô cũng biết con đau hở cô? Thế mà nghe má con nói có hai cô lo cho con, con tưởng là cô chủ nhiệm và cô Hằng.
Phương Thảo nhìn vào mặt Sơn và gật đầu:
- Buồn cười quá Sơn à, trong lúc em nằm rên hừ hừ ở nhà thì cô lóng ngóng đợi em ba buổi sáng ở cổng trường.
Sơn lo lắng pha chút ngạc nhiên:
- Cô tìm con? Có chuyện gì vậy cô?
- Có chứ, Phương Thảo vừa cười vừa nắm tay Sơn chân tình:
- Sau buổi em giúp cô, về nhà cô cứ nghĩ về em hoài nên muốn tìm em thăm hỏi đôi điều.
Cô giáo Minh dí dỏm:
- Sơn ơi! Thấy cô Phương Thảo chờ lóng ngóng nên trời thương cho mẹ em gặp ngay chóc cô ấy mà nhờ đưa giấy xin phép.
Phương Thảo bùi ngùi:
- Vâng, mọi chuyện cứ như được sắp xếp bởi bàn tay số phận. Cô chỉ mới nhận ra em sau khi em hết sốt chiều hôm qua.
Mẹ Sơn bệu bạo:
- Sơn ơi! Hai cô lo cho con đủ thứ hết, hôm mới lên bệnh viện cô Phương Thảo đã ở lại đêm với má để chăm sóc cho con đó.
Sơn ngước nhìn Phương Thảo với thái độ biết ơn và quý mến.
Vẫn cô Minh cao giọng pha trò:
- Ăn cháo đi Sơn, ăn cho mau mạnh còn đi học, lỡ cô giáo nào có xe trở chứng còn đạp giùm nữa chớ.
Phương Thảo nhìn Sơn ăn cháo, thằng bé xanh lướt và tiều tụy trong bộ áo quần đã có vài chỗ sờn sắp rách.
Phương Thảo vừa múc tiếp cháo cho Sơn vừa nói:
- Hai bữa nay cô và má em đã nói về em rất nhiều, bây giờ có má em và cô chủ nhiệm, cô xin đề nghị như thế nầy: Khi em xuất viện cô đưa em về chỗ cô để tiện bề chăm sóc, và đến khi em bình phục, em dọn về ở hẳn nhà cô. Điều nầy cô đã bàn với má em và má đã đồng ý. Vậy ý em thế nào? Em muốn ở với cô không? Cô sống một mình không chồng không con gì cả, nếu em không chê – cô xin được nhận em làm con đỡ đầu, cô sẽ lo cho em học hành…
Phương Thảo ngước lên nhìn tấm lịch lẩm bẩm:
Mới đó mà đã gần ba năm, bây giờ nó sắp thi tốt nghiệp THPT và sắp vào đại học, có bao nhiêu tình cảm mẹ con cô dành cho Sơn như dành cho đứa con máu thịt, Sơn rất ngoan, chăm chỉ học hành và là một trợ thủ đắc lực của cô trong công tác từ thiện. Nó thường bảo trên đời nó chỉ có ba người mà nó thương yêu kính quý nhất đó là cha mẹ đẻ và mẹ nuôi Phương Thảo. Đó là lí do mà hồi trưa nó phản ứng mãnh liệt khi nghe có người bảo trợ…
***
Buổi gặp mặt để “nối vòng tay lớn” của những người cùng hoạt động từ thiện theo yêu cầu của nhóm Việt kiều từ Pháp về sẽ được tổ chức vào lúc 17 giờ chiều nay tại Cô nhi viện Hoa Sen. Phương Thảo phân vân không muốn dự, bởi lẽ suốt ngày đối mặt với công chúng nhiều rồi - nào là học sinh, phụ huynh học sinh và bao đối tượng cần thiết đã làm cô quá bận rộn mệt mỏi – nên rảnh rang được giờ nào nàng muốn ở nhà yên tịnh nghiền ngẫm sách báo kinh điển. Thế nhưng bà Giám đốc Cô nhi viện năn nỉ mãi nên cô đã nhận lời. Trước khi về bà Giám đốc còn nói “Cho dù cô không ưa những buổi tiếp tân, những nghi thức nầy nọ, nhưng hãy vì lợi ích của các cháu côi cút mà tham dự - bởi tiếng nói của cô rất thuyết phục mọi người”. Trang điểm qua loa, khoác vào người bộ đồ dài đen một màu quả phụ - nàng dặn Sơn lúc đi học Anh văn về nhớ rẽ vào Cô nhi viện đón cô cùng về.
Buổi chiều đường phố từ nhà cô dẫn đến Cô nhi viện mát rợi nhờ hai hàng phượng vĩ ven đường tàng lá sum suê tỏa bóng râm mát, nên Phương Thảo ung dung thả bộ - vừa đi cô vừa hoạch định những điều phải nói trong buổi gặp gỡ với những người mà bà Giám đốc Cô nhi viện cho biết là toàn những người trí thức có tiếng.
Từ ngoài đường nhìn vào Cô nhi viện Hoa Sen đông nghẹt, từ cổng vào đến sảnh đường ban tổ chức cho các cháu đứng hai bên đường làm hàng rào danh dự đón chào quan khách. Vừa đặt chân lên bậc cửa Phương Thảo đã nghe tiếng reo của hàng trăm cái miệng xinh xắn:
- Chúng con chào cô, chúng con chào cô.
Phương Thảo cảm động ôm hôn từng đứa một – lòng cô phơi phới khi thấy các cháu tươi tắn trong những bộ áo quần tươm tất sạch sẽ, cháu nào cũng mập mạnh mũm mĩm thật đáng yêu, phải chăng đó là thành quả của những tấm lòng hào hiệp, những trái tim đầy ắp tình người. Bỗng dưng Phương Thảo thấy cuộc đời quá đẹp. Bước vào hội trường cô mỉm cười chào đáp lễ mọi người – nhóm từ thiện Việt kiều khi nghe bà Giám đốc Cô nhi viện gọi tên cô họ đều đứng dậy vây quanh cô chào hỏi với thái độ quý trọng thân mật – đúng là “đồng khí tương cầu”. Buổi giao lưu bắt đầu, người điều khiển chương trình giới thiệu thành phần quan khách, đoàn Việt kiều có chín người, họ là những giáo sư, những nhà văn có tâm huyết với xứ sở quê hương, có trách nhiệm và tình thương với đồng bào đồng loại. Mục đích chuyến về nước của họ là muốn góp sức người, sức của vào những việc làm thiết thực.
Theo lời mời của người dẫn chương trình, vị trưởng đoàn của nhóm Việt kiều bước lên bục – đó là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, dáng cao dong dỏng, mái tóc bồng bềnh, ăn bận đơn giản, song người ta vẫn thấy được nét lịch sự phong nhã và phóng khoáng. Nghiêng mình đáp lễ, những tràng pháo tay nồng nhiệt dành cho ông. Ông thay mặt đoàn nói lên tâm tư nguyện vọng được đóng góp tim óc và tiền bạc cùng với mọi người đang có mặt tại đây để cùng lo lắng thường xuyên cho các cháu ở Cô nhi viện Hoa Sen. Và xin hợp tác vào những lĩnh vực từ thiện rộng rãi khác ngoài cơ sở Cô nhi viện.
Giọng nói trầm ấm, chân thành đầy tâm huyết của ông đã làm người nghe xúc động, cả hội trường im lặng, tôn trọng theo từng niềm vui nỗi buồn của người đang tâm sự - của người con xa xứ trở về sau bao nhiêu năm sống trên đất khách quê người – đang được đứng trên Tổ quốc thân yêu với những đồng bào ruột thịt. Không ai bảo ai bằng lời nhưng mọi người nhìn nhau đầy mến thương tin cậy, một hợp đồng bất thành văn bản đang được hai bên âm thầm soạn thảo, giấy là trái tim, mực là máu, bút là những bàn tay khối óc đầy ắp tình người.
Đại diện của nhóm từ thiện Việt Nam lên đáp lời ông trưởng đoàn là Phương Thảo.
Cử tọa vỗ tay nồng nhiệt, mọi người nóng lòng, nhất là những người từ nửa vòng trái đất về với quê hương rất muốn nghe người đàn bà (mà những ngày sống ở đây họ đã nghe nhiều người ca tụng) nầy sẽ phát biểu điều gì, sẽ nêu lên những yêu cầu gì đối với đoàn Việt kiều trong quan hệ hợp tác.
Song trái với tất cả dự đoán, Phương Thảo chỉ xin thay mặt những người làm từ thiện – những bạn bè của cô – cảm ơn sự thăm viếng của đoàn Việt kiều mà chẳng hề yêu cầu, đề nghị một điều gì.
Nàng rời diễn đàn với sự thất vọng của Ban giám đốc Cô nhi viện và các nhóm từ thiện bạn. Song, mặc kệ, nàng chặc lưỡi nói nhỏ điều gì với người dẫn chương trình rồi lách mình ra cửa sau bước vội vàng ra đường.
Về đến nhà chưa kịp thay quần áo nàng nằm vật ra giường – tâm thần giao động và xúc cảm cực độ - nàng ôm đầu lẩm bẩm: “Trời ơi! Anh ấy ư? Anh đã trở về sau mấy mươi năm biền biệt, có thật là anh hay em đã quáng mắt trông lầm? Có thật là anh, một Vĩnh Duy bằng xương bằng thịt vừa hiện hữu trước mắt em hay chỉ là ảo ảnh? Nhưng làm sao em lầm được kia chứ bởi hình ảnh anh đã chiếm ngự cả hồn em, đã bất biến trong em. Vâng, đúng là anh – với mái tóc bồng bềnh sương khói, với vầng trán thông tuệ mênh mông, với nụ cười khinh bạc, cái nhìn như biết nói, cũng như dáng dấp phong nhã ấy đã vĩnh viễn sừng sững trong em cho dù vật đổi sao dời, tháng năm chồng chất – thời gian không là gì với tình yêu em dành cho anh, Vĩnh Duy ơi.”
Nàng nhắm mắt miên man giữa hai bờ mộng thực, một thực tại bất ngờ - nàng chưa biết phải làm gì – nàng tự hỏi:
- Không lẽ anh ấy không nhận ra mình? Nếu vậy thì đàn ông “quái đản” thật! Nàng gật gù như đã có một quyết định gì – hát nhỏ một bài thơ vừa được người bạn phổ nhạc nàng nhảy chân sáo đến tủ áo, dáng điệu hồn nhiên yêu đời như chưa hề đã là một thiếu phụ với bao bi kịch oan khiên, vừa lúc Sơn bước lên lầu, thằng nhỏ phụng phịu:
- Cô dặn con đến đón sao lại bỏ về trước, cô về lâu chưa?
- Cô về lâu rồi tại cô nhức đầu quá – cô xin lỗi con!
Sơn lo lắng:
- Có sao không cô? Con cạo gió cho cô nhé, hay tại cô đói bụng, phải vậy không cô?
Phương Thảo bật cười:
- Con hỏi dồn dập thế - thôi, con mà giật gió cho trán cô tím ngắt đi à, mà cô cũng không đói bụng, cô chỉ ngủ một giấc là hết đau đầu ngay – sáng mai chủ nhật đừng gọi cô sớm nhé!
Sơn vừa “Dạ” vừa đi xuống nhà.
Lần thứ ba Sơn lại lên lầu và tần ngần trước cửa phòng Phương Thảo mà chưa dám gọi vì nhớ lời dặn hồi hôm, nhìn vào đồng hồ tay đã mười giờ Sơn thấy tội nghiệp cho khách, vị phụ huynh học sinh nầy đã đến từ lúc bảy giờ sáng và kiên nhẫn ngồi chờ mà chẳng tỏ vẻ gì sốt ruột, nhưng Sơn thấy chẳng đành tâm nên mạnh dạn gõ cửa phòng và gọi lớn:
- Thưa cô, có phụ huynh học sinh cần gặp cô.
Có tiếng dép, Phương Thảo mở rộng cửa phòng bảo Sơn:
- Con rót nước tiếp khách hộ cô – cô xuống liền.
Sơn cười:
- Con tiếp hết 3 bình trà rồi chứ bộ - vừa nói cu cậu vừa nhảy hai bậc một xuống cầu thang.
Phương Thảo thay đổi y phục, trang điểm nhẹ - nhìn vào gương nàng thấy mình đã lấy lại sự tươi mát, bình yên sau một giấc ngủ ngon lành. Nàng chuẩn bị một câu xin lỗi khi đặt chân vào phòng khách, song lời chưa kịp thốt, đôi mắt nàng mở lớn đậu lại trên gương mặt vị khách mà Sơn thông báo là phụ huynh học sinh.
Người đàn ông trầm tĩnh và điềm đạm đứng lên:
- Chào bà quả phụ Trần Văn, hay chào cô Phương Thảo – xin lỗi, tôi phải gọi thế nào cho thích hợp?
Phương Thảo run bắn người vì xúc động nhưng vẫn nói năng bặc thiệp:
- Tại đây, trong hoàn cảnh này chỉ có Phương Thảo đang tiếp khách mà thôi, với lại theo Thảo hiểu, anh có quen biết gì với bà quả phụ Trần Văn.
Vĩnh Duy – vâng, vị “phụ huynh” ấy không ai khác mà là Vĩnh Duy, Vĩnh Duy nhìn Phương Thảo mỉm cười như thầm bảo:
- Có bao giờ anh tranh luận hơn được em đâu.
Họ đối diện nhau im lặng tận hưởng niềm hạnh phúc trùng phùng – với họ, đã qua cái thời đón mừng vồ vập trẻ trung của những ngày xưa – tuổi tác, thời gian, những oan khiên của hai số phận, và vị trí của mỗi người trong hiện tại đã khiến cho họ tự trang bị cho mình sự bình tĩnh và bình thản cho dù tự mỗi cõi lòng đều thấy và nghe: “Hoa lá nở với chuông rền giọng thắm” – với lại một tình yêu bất diệt đã được giữ gìn trân quý trong bao nhiêu năm thì sự đón mừng nào, ngôn ngữ nào cho xứng đáng? Họ vẫn có trong nhau, vẫn vọng tưởng về nhau trong chừng ấy năm cách biệt, thì sự gặp gỡ này âu hẳn là  kết quả tất nhiên.
Tiếp chén trà từ tay Phương Thảo, Vĩnh Duy cao giọng:
- Nghe bà Giám đốc Cô nhi viện giới thiệu đôi nét về em anh đã ngờ ngợ nên mới đề nghị buổi hợp mặt hồi hôm – nếu em biết lúc em bước vào hội trường anh đã phải ghìm mình thế nào để khỏi bật lên tiếng reo mừng rỡ và lao người đến bên em.
- Em biết chứ, vì đấy cũng là tâm trạng của em khi thấy anh bước lên diễn đàn – lúc mới vào em chẳng chú ý nên đâu thấy anh.
Vĩnh Duy nhìn Phương Thảo bằng ánh mắt âu yếm, cất giọng bùi ngùi:
- Đứng trên diễn đàn, anh đâu có nghĩ là đang tiếp chuyện với công chúng – mà anh đang tâm sự với em, chỉ với riêng em - em biết không?
Phương Thảo nhẹ gật đầu thay câu trả lời.
Phương Thảo ngồi yên lặng quan sát người đàn ông thần tượng duy nhất của đời nàng, tháng năm với bao thăng trầm dâu bể chẳng làm thay đổi ngoại hình và phong vận, có chăng là sự lịch lãm, từng trải, đường bệ hơn so với thời thanh niên sôi nổi xa xưa.
Người lên tiếng trước là Vĩnh Duy:
- Phương Thảo à, tuy nghìn trùng xa cách trở về anh vẫn theo dõi mọi biến chuyến của đất mẹ, của gia đình và những đột biến từ sau đám cưới của em và Văn. Cơn ác mộng của quá khứ ta không nên nhắc lại làm gì. Nếu anh không lầm thì em đã từng tâm niệm như vậy nhưng em cũng cho phép anh được “ôn cố” một vài chi tiết để “tri tân”. Trong toàn bộ bi kịch này anh và Văn là hai thằng đàn ông tồi tệ ngang nhau, phải công bằng mà luận điểm em à. Nếu dạo ấy anh tỉnh táo hơn, lý trí hơn – đừng để sự ghen tuông nghi kỵ, đừng để bản năng giống đực chiến thắng nhân tính – thì làm gì Văn có cơ hội để tạo nhiều âm mưu chia rẽ chúng ta, anh đã sám hối sự ngu muội ấy ba mươi năm nay em ạ. Mỗi thằng người bọn anh đều đã phải trả giá đắt cho việc làm của mình.
Vĩnh Duy đứng lên, đến quỳ trước mặt Phương Thảo run giọng:
- Người làm khổ em, đày đọa em trong kiếp làm dâu làm vợ của Văn chính là anh Thảo ạ - anh quá ngu xuẩn tự hủy hoại cuộc hôn nhân tốt đẹp của mình để làm kiếp chim di trú, đọa đày thân tâm bằng khúc “Thiên di” ở xứ người!
Phương Thảo khóc nấc ngắt lời Vĩnh Duy:
- Thôi chuyện cũ rồi, em nghĩ tất cả chúng ta đều có một phần trách nhiệm – hay để nhẹ lòng – nên đổ thừa cho số phận, bởi cái gọi là số phận có biết cãi chày cãi cối gì đâu!
Giọng hờn dỗi mỉa mai của Phương Thảo làm Vĩnh Duy đau đớn, ông run rẩy như tội đồ trước quan tòa:
- Đừng cay đắng với anh nữa, anh biết tội lắm rồi, em hãy tha thứ cho anh, chúng ta hãy làm lại từ đầu – còn bao nhiêu ngày tháng trên cõi đời này anh xin phụng sự em, phụng thờ em như tín đồ phụng thờ giáo chủ vì tình yêu vĩnh cửu của chúng ta, vì sự đính ước đẹp đẽ của hai bên cha mẹ. Em có biết bao nhiêu năm anh lao tâm khổ trí vùi đầu vào công việc không phải để tìm quên mà để có một ngày như hôm nay. Nỗi đau buồn lớn nhất của anh và em là cha mẹ của chúng ta đều đã khuất, nếu không các cụ sẽ sung sướng biết bao khi thấy “Châu về hợp phố”. Ngày mai chúng ta sẽ đi sắm cưới, đi in thiệp mời em nhé.
Phương Thảo cười buồn:
- Anh quên là ngày xưa chúng ta đã một lần “sắm cưới” rồi sao, trước cha mẹ hai nhà chúng ta đã có danh nghĩa – chú rể cô dâu chỉ còn đợi giờ chính thức cử hành hôn lễ… Thế rồi bao oan khốc nghiệt ngã đổ xuống đời em, nhưng có bao giờ em quên được anh đâu. Em nói như vậy không có nghĩa là em đồng ý đề nghị của anh, quá muộn rồi cho sự chung sống của chúng mình anh ạ… Đừng ngắt lời em, anh hãy cho em nói hết.
Vĩnh Duy vẫn chận lời Phương Thảo:
- Em bảo sao? Muộn rồi ư? Không bao giờ muộn cả - tháng năm chỉ làm cho tình yêu chúng ta sâu đậm chín chắn hơn lên mà thôi, em đừng tự làm khổ mình nữa Phương Thảo à!
- Không đâu Vĩnh Duy, quá khứ em đã quá giàu có sự khổ đau – và trong mấy năm nay em đã tung hê hết – bây giờ trong tâm hồn em chỉ có sự an lạc, bóng dáng khổ đau chẳng có đất để dung thân. Tình cảm em dành cho anh cũng đã biến thái từ tình yêu lứa đôi trai gái trở thành thứ tình yêu rộng lớn hơn, cao khiết hơn – anh như một bến bờ an lành cho em nguồn nước mát. Và nguồn hạnh phúc lớn lao quá đỗi mà em đang có được là từ khi biết anh đang đứng đầu những tổ chức từ thiện, đang thực sự làm từ thiện với toàn tâm toàn ý chia sẻ nỗi niềm khổ đau, chia sẻ cơm áo với đồng loại thân yêu – vậy là chúng ta đã gặp nhau ở đỉnh điểm của tình yêu lý tưởng – tâm linh chúng ta đã là một khối chung nhất, em mãn nguyện lắm rồi. Đã hơn nửa đời người, anh còn định ràng buộc vào nhau hai cái xác thân già cỗi nầy phỏng có ích lợi gì cho chúng ta và cho cuộc đời. Chúng ta không có con đẻ thì chúng ta vẫn có bao đứa con mà chúng ta đang bảo trợ - Em cũng không quên nhắc anh rằng sự kết hợp muộn màng nầy làm sao chúng ta có được một đứa con thông tuệ, anh hiểu ý em chứ? Xin hãy nghe em anh nhé. Bao giờ em cũng xem anh là điểm tựa vững vàng trong mọi mặt của đời em.
Vĩnh Duy ngẩn người ngồi nhìn và nghe Phương Thảo “lên lớp” mình – chàng thấy người đàn bà nầy quả xứng đáng cho chàng dành trọn một đời để trân quý thương yêu. Vĩnh Duy biết khó lòng thuyết phục được Phương Thảo, chàng thầm nghĩ: Phải chăng đó là sự công bằng của luật nhân quả. Thoắt nhiên như một hành giả vừa giải khai một công án thiền học, ông đứng lên cất giọng chân thành:
- Vâng, xin tuân lịnh em, đàn bà muốn là trời muốn mà.
Phương Thảo cũng đứng dậy nghiêng người chào và cùng sóng bước tiễn Vĩnh Duy ra cổng. Trước khi lên xe Vĩnh Duy mời Phương Thảo giọng nửa đùa nửa thật:
- Xin long trọng mời nữ chiến hữu – chủ nhật tới đến Cô nhi viện dự lễ đặt đá xây cất tòa nhà làm trường dạy nghề cho các “con” chúng ta nhé!
Phương Thảo vẫy tay chào với tiếng “dạ” rất ngoan.
 

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc