NINH GIANG THU CÚC

Đôi Điều Cảm Nhận Sau Khi Đọc
“NỮ SĨ VIỆT NAM” Của Nhà Văn NHƯ HIÊN
 
Chỉ mới nhìn độ dày dặn của tập sách, chúng tôi đã rất cảm phục công lao của tác giả và xúc động bởi việc làm từ lợi ích chung của nền văn học Việt Nam.Bởi ngoài một số tác giả nữ lưu mà chúng ta đã từng học, đọc và có chỗ đứng vững vàng ở Văn đàn thì vẫn còn những cây bút “mai danh ẩn tích” trong mười chín thế kỷ đã qua…hoặc nếu biết – thì ta chỉ biết họ ở những lãnh vực ngoài văn học mà các vị ấy đã cống hiến cho xã hội như chính trị, quân sự…
Bìa một của tác giả mang tính thuyết phục khá cao với người đọc , qua gam màu xanh thẳm làm nổi bật đức tính tiêu biểu của kẻ sĩ – rất khí tiết với ngọn trúc già vươn thẳng dưới vầng nhật nguyệt, mở ra ta gặp ngay lời tựa của Lão thi sĩ Mộng Tuyết thất tiểu muội thật súc tích khái quát cho toàn bộ tác phẩm với đoạn như sau:
“Tác phẩm NSVN thi văn giai thoại cổ cận đại của Như Hiên, một tác phẩm xuyên qua khá nhiều thế hệ từ cổ cận đại đến suốt qua hậu bán thế kỷ 20, là một công trình sưu tầm khảo cứu khá đầy đủ và tỉ mỉ, đã giúp cho chúng ta được biết thêm rất nhiều nữ tài mà xưa kia vì thành kiến trọng nam khinh nữ đã bỏ quên họ trong quá khứ nay được trả về ngôi vị nữ lưu văn học Việt Nam”.
Vâng, đó là mục đích cao cả, là hoài bão làm đẹp, và trả lại sự công bằng cho hàng nữ giới mà nhà văn Như Hiên đã ôm ấp, đã lao tâm khổ tứ, để những ước mơ ấy, hoài bão ấy, mục đích ấy trở thành hiện thực mà bằng chứng là tập (một) “Nữ sĩ Việt Nam” chúng ta đang có trên tay.
Với quan niệm “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” của Nho học Khổng Giáo mà xã hội Đông Phương ngàn xưa từng áp dụng thì thân phận người phụ nữ lúc bấy giờ - đối với gia đình, mình chỉ là thứ “nữ nhân ngoại tộc” đối với xã hội lúc ấy, người phụ nữ chẳng là cái gì cả, thế nên chẳng hề vô lý, áp đặt, thiếu tôn trọng nữ giới của nhà văn Như Hiên khi tác giả viết: “Địa vị và khả năng của phụ nữ thường bị coi nhẹ nhất là ở Đông Phương người đàn bà hay bị gạt ra bên lề xã hội”.Đúng vậy! “Gạt ra bên lề xã hội” bởi, họ đâu được dự bàn những điều hệ trọng của gia đình, gia tộc, của xóm làng của đất nước.Chiếc chiếu trải ở đình làng trong những ngày tế tự hội họp làm gì có góc nào dành cho người phụ nữ.Hội nghị Diên Hồng của triều đại nhà Trần được ca ngợi là một hội nghị Dân chủ nhưng có đại biểu nữ nào đâu?(!) chỗ của họ là xó bếp, góc vườn (khuê môn bất xuất) thậm chí lúc sinh nở họ còn được xem đó là việc làm xú uế cho nên ở thôn quê người ta gọi các sản phụ là “nằm xó”, mà đúng là nằm xó thật bởi nhà nào có người phụ nữ sắp sửa làm cái thiên chức cao quý là dâng hiến cho gia đình một đứa con, cho xã hội một công dân thì họ được người nhà dựng cho một túp lều sau góc vườn để ăn nằm tại đó từ khi chuyển dạ đến lúc mẹ tròn con vuông no ngày đầy tháng mới được trở vào nhà, đó là trường hợp thuận chèo mát mái, còn chẳng may có điều gì, chẳng hạn như sinh ra mà không nuôi được thì người phụ nữ bất hạnh ấy phải nhận bao sự eo xèo kết tội của nhà chồng, chứ nào được xẻ chia nỗi đau mất con của người mẹ trẻ (theo tâm sự của mẹ chồng tôi).
Về mặt học hành, nữ giới bị hạn chế tối đa bởi quan niệm: “Con gái học nhiều bướng bỉnh khó dạy hay tranh luận, viết thư trai gái cho lắm chứ ích lợi gì…”
Vì thế thân phận người phụ nữ thời ấy chỉ là người hầu, là cái máy đẻ, là vật hiến tế của những đức ông chồng đầy quyền uy gia trưởng, độc đoán độc tài (xuất giá tòng phu).
Đa số phụ nữ thuở ấy đều răm rắp phục tùng cái quy luật, cái hiến pháp bất thành văn tự ấy vì họ quá nhút nhát an phận…một số thì tin vào số mệnh, một số muốn “vùng lên” nhưng lại sợ tai tiếng, sợ xúc phạm đến danh dự cha mẹ tổ tiên nên đành co mình lại trong cái khung rêu cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Cho nên chẳng ngoa ngữ tí nào khi Như Hiên viết “Người đàn bà hay bị gạt ra bên lề xã hội” (NSVN, Lời ngỏ - dòng thứ 3 trang 1).
Thôi, than thân trách phận chừng ấy đủ rồi bây giờ ta mời nhau đi vào nội dung tác phẩm.
Lâu nay đa số chúng ta chỉ biết Trưng Trắc là một người phụ nữ anh hùng vì thù nhà nợ nước đã dấy binh đánh đuổi quân xâm lược Hán triều, với tài ba và lòng dũng cảm cùng sự đoàn kết một lòng của đoàn nữ binh do chị em bà lãnh đạo họ đã chiến đấu và chiến thắng vẻ vang để có một “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” (HCK), bây giờ qua NSVN chúng ta biết thêm Trưng Nữ Vương (Trưng Trắc ) là một nhà thơ, là một nữ sĩ đã viết bao dòng tâm huyết chính khí hào hùng chẳng kém gì các bậc tu mi nam tử.
Trưng Nữ Vương – người phụ nữ tiêu biểu văn võ kiêm toàn của dân tộc ta đầu thế kỷ thứ nhất, đó là niềm vinh dự cho hàng nữ lưu hậu duệ của Người.
Xuyên suốt sự nghiệp của bốn mươi (40) người phụ nữ - bốn mươi nữ sĩ phong vận tài hoa tuy khác nhau về niên đại xuất thân, song cùng gặp nhau trong ngôi đền văn học của đất nước Việt Nam.
Khâm phục xiết bao một Ỷ Lan vương phi mà tài nội trị ngoại giao của bà đã làm cho cả triều đình nhà Lý nghiêng mình tâm phục.Một Nguyễn Thị Lộ chỉ bằng một khổ thơ tứ tuyệt đã trở thành phu nhân của một bậc khai quốc công thần, cuộc tình duyên được khởi đầu bằng duyên văn tự, chiếc cầu nối đưa bà đến với vua Lê Thái Tôn với chức vụ “Lễ nghi nữ học sĩ” và chung cuộc là cái chết bi tráng oan uất theo nghi án Lệ Chi Viên.
Thông tuệ và tự hào biết bao với một cô hàng nước Việt Nam đã hơn một lần làm cho sứ giả Trung Hoa khiếp phục bằng vế đối:
Bắc quốc chư đại phu
Giai do thử đồ xuất
(ĐTĐ)
Đó là Hồng Hà nữ sĩ, là dịch giả tác phẩm “Chinh phụ ngâm” nổi tiếng, là cuốn sách gối đầu giường của bao người vợ có chồng là khách chinh phu đang xả thân vì Tổ quốc.Đoàn Thị Điểm là đỉnh cao của tài hoa nữ Việt Nam (1705 – 1748).
Ta cười khóc theo nỗi thống hận của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương qua sự lột tả niềm đau thân phận:
…Lưng khoang tình nghĩa chừng lai láng
Nửa mạn phong ba luống gập ghềnh…
(CB)
…Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nhiệp anh hùng há bấy nhiêu
(ĐĐSNĐ)
“Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”(*) khách tài hoa thường gặp nhau trong nỗi niềm hương khói ấy cho nên đã là người thơ ai lại không đồng cảm với nỗi u hoài của nữ quan “Cung Trung giáo tập” dưới triều nhà Nguyễn khi niềm “Cố quận” mãi canh cánh bên lòng.
Kẻ chốn Chương Đài người Lữ Thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn
(ĐC)
Vâng, đó là Bà Huyện Thanh Quan Nguyễn Thị Hinh, một nữ sĩ mà Văn học Việt Nam đã thật trân trọng bởi nhân cách và đức hạnh.
Cuối cùng, ta lắng nghe và chia xẻ nỗi đau của một người đàn bà mà tạo hóa đãng trí quên trao cho bà niềm hạnh phúc của một lần mang nặng đẻ đau để phải cắn răng nuốt nước mắt làm cái việc:
…Tôi đi hỏi vợ cho chồng
Vì chưng ao ước tay bồng tay mang
Lý trí và tình cảm, nghĩa vụ đối với giang sơn nhà chồng và lòng yêu thương ích kỷ đã bao lần giằng xé người vợ thủy chung rất mực, hiếu thảo vô cùng, giữa tình yêu một chồng một vợ và sự nối dõi tông đường của nhà chồng.Mợ Ấm Viên Dương Thị Nhu đã phải xé lòng trong cảnh:
Mẹ gà con vịt chít chiu
Lớn lên con đã múa rìu bơi ao
Lo con lông ướt ruột bào
Trên bờ cục cục tác gào gọi con
Vẫy vùng sá kể héo hon
Một thân lủi thủi cô đơn bờ rào
Nữ sĩ Dương Thị Nhu chỉ để lại cho đời chừng ấy câu lục bát nhưng đã lột tả hết nỗi cơ cực đắng cay của một thân phận bị rơi vào hoàn cảnh bi thương của kiếp người lận đận, cô độc trong tuổi xế chiều hiu quạnh.
Chân dung “Nữ sĩ Việt Nam” suốt mười chín (19) thế kỷ với bốn mươi hoàn cảnh sinh trưởng khác nhau, từ bậc khuê nữ lá ngọc cành vàng đến nàng thôn nữ chân quê hiền thục, họ sát cánh kề vai bởi chung niềm bút nghiên nghiệp dĩ, trong từng cung bậc, họ đã dâng hiến cho đời những áng văn chương tuyệt mỹ.
Là một phụ nữ sinh sau đẻ muộn, tôi xin nghiêng mình ngưỡng vọng anh linh của những bậc nữ lưu tài hoa cân quắc, nhưng trước tiên xin được nói lời tri ân với nhà văn Như Hiên.Bởi chị, vâng, chính chị bằng công phu và bút pháp linh hoạt nhẹ nhàng đã đưa chúng tôi về vùng trời thơm ngát hương hoa của nền văn chương cổ cận.
Bằng tư cách của kẻ hậu học tập tành thi thơ nghiên bút tự thuở thiếu thời, chúng tôi xin gửi đến chị lòng trân quý bởi việc làm đầy tâm huyết của chị - Nữ sĩ Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền.
 
Quy Nhơn cuối Thu Tân Tỵ (2001)
 


  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc