NINH GIANG THU CÚC

Đức Hy Sinh Của Bà Mẹ Việt Nam
Qua Bài Thơ
“LÒNG MẸ
Của Thi Sĩ

NGUYỄN BÍNH

 
 
Công chúng yêu thơ Nguyễn Bính chắc đã hơn một lần đọc bài “Lòng mẹ” (LBS Ng xb 1940) và ai đã làm mẹ thì không thể nào không biết ơn người đã nói dùm tiếng nói tự trái tim của kiếp người mà tạo hóa phú cho cái thiên chức: cưu mang và dưỡng dục.
Nhà thơ Nguyễn Bính đã “nhập” vào Mẹ như chính trời sinh ông ra để làm Mẹ bởi chỉ có Mẹ mới vì con một cách tuyệt đối vô tư, chỉ có Mẹ mới vui đến mười lần một niềm vui nhỏ bé của con và buồn đến vạn lần cho một nỗi đau khổ của con mình.
Có những cảnh ngộ, những tình huống Mẹ buộc lòng phải răn đe nghiêm khắc với con song lời lẽ âm điệu vẫn đan chen sự âu yếm dỗ dành như lúc này đây:
Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không
Nín đi, mặc áo ra chào họ
Rõ quý, con tôi các chị trông
Lời lẽ gây xúc động và dễ thương chi lạ nhưng sao xuống khổ thứ hai (bài này có 5 khổ) Mẹ đột ngột thay đổi cách xưng hô, đang mẹ và con trở nên “cô” và “tôi”. Sự thay đổi đại từ danh xưng này mang dụng ý gì?
Tại sao mẹ đang dịu dàng thân mật lại trở nên lãnh đạm lạnh lùng tạo một khoảng cách giữa mẹ và con như vậy?
Xin thưa, không vô lý đâu – đấy là sự xé lòng của mẹ, đấy là sự dụng công rất đỗi tài tình của “Mẹ” Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính của chúng ta đang đạo diễn, đang dựng lên một bà mẹ thứ hai trên sân khấu nhỏ của gia đình ở hồi chia biệt đấy. Bà mẹ thứ nhất với bao tình cảm yếu mềm ủy mị đã được cất giấu thật kỹ lưỡng dưới bút pháp tài tình của Nguyễn Bính.
Bây giờ trước mắt cô con gái, trước mắt họ hàng gia tộc chúng ta chỉ thấy một bà mẹ với tất cả lý trí, cứng rắn đến lạnh lùng.Lo toan cho con gái không thiếu một thứ gì trước phút con đi lấy chồng, nhưng giọng điệu mới dấm dẳng làm sao:
Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương này lược này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai?
Thử hỏi nếu không phải là tình thương yêu của mẹ dành cho con làm sao được như thế chứ?!
Mẹ! Vâng chỉ có mẹ mới trải lòng ra cho con và vì con mà không so bì tính toán. Thế mà mẹ phải ẩn mình trong cái vỏ bọc lạnh lùng gồng mình che đậy đau thương qua cung cách thể hiện sự bất cần của mình để cho con yên tâm theo chồng không bận bịu bởi “nhà hương khói lạnh”. Ai đã làm mẹ mà không tâm đắc cái cung cách mang đầy kịch tính bi đát trong bối cảnh này.
Mẹ! Vâng chỉ có mẹ mới vì con mà một nắng hai sương, vì con mà ngược xuôi vất vả, vì con mà nợ nần chồng chất oan khiên:
Ruộng tôi cày cấy dâu tôi hái
Nuôi dạy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả
Tôi còn mạnh chán khiến cô thương
Trời ơi! Câu tuyên bố nghe mà đứt ruột “Tôi còn mạnh chán khiến cô thương”. Chao! Có thật mẹ mạnh không? Hay đó chỉ là câu trấn an con gái trước phút biệt ly, có thật mẹ còn mạnh không? Hay đó chỉ là sức mạnh của lý trí, sức mạnh của bổn phận, mà người ta thường kết luận sức mạnh tinh thần! Chứ còn mạnh thì sao mạnh nổi với sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, với bao lo toan cho áo cơm công nợ với bao muộn phiền cho kiếp hệ lụy nhân sinh, hơn cả là trong phút chia lìa với một bảo vật vô giá là đứa con máu thịt mẹ đã một đời nuôi dạy chắt chiu. Mạnh làm sao được khi nguồn an ủi duy nhất là đứa con đã một thời là người bạn cùng chia bùi xẻ ngọt chia vui xẻ buồn, một đứa con đã từng quạt nồng ấp lạnh, từng là niềm hạnh phúc nỗi tự hào, từng là cánh tay đỡ đần cho mẹ  sắp lìa bỏ mẹ để sang nhà khác, mạnh sao được khi mẹ nghĩ đến câu “mười hai bến nước đục trong” với nỗi lo sợ không biết con mình sẽ cập được bến nước nào đây? Trong đau đớn chia lìa mẹ chỉ còn đủ sức:
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Một “Trường đình” được đặt trên ngưỡng cửa tổ ấm của hai mẹ con! Mẹ chắp tay cầu mong con được bình yên trên hành trình về miền đất hứa! …
Thế là xong, con đi rồi mẹ chẳng cần phải gồng mình với ai, đóng kịch với ai, trấn an ai, che dấu ai nỗi nhớ thương bằng bặc, nỗi cô độc lạnh lùng một mình đối bóng nghị lực tiêu tan, mẹ ngã gục trở lại chân tướng thực của người mẹ với tiếng kêu xé ruột não nùng:
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi
Có người mẹ nào đọc khổ thơ cuối cùng của bài “Lòng Mẹ” trên đây mà chẳng buông một tiếng thở dài đồng cảm, có đứa con nào nghe tiếng thở dài ấy mà chẳng rung động ruột gan cân não bởi tấm lòng của Mẹ, sự hy sinh vô bờ của Mẹ.
Những người Mẹ, những người con trên hành tinh này tri ân cố thi sỹ Nguyễn Bính với lời thơ dân gian hoa đồng cỏ nội (?!) mà lời lời chữ chữ mượt mà nhẹ nhàng như một làn điệu dân ca: Lòng Mẹ đã để lại cho người đọc một dấu ấn khó phai mờ về một: Bút pháp thiên tài.
Trong niềm cảm xúc tột cùng kẻ viết bài này xin cung kính dâng lên các bà mẹ đã khuất và đang còn, sẽ còn trên đời này những bông hồng với lòng biết ơn vô hạn.
 
Quy Nhơn 6/1996


LÒNG MẸ
 
Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc nín đi không
Nín đi, mặc áo ra chào họ 
Rõ quý, con tôi các chị trông
 
Ương ương dở dở quá đi thôi
Cô có còn thương đến chúng tôi
Thì đứng lên nào lau nước mắt 
Mình cô làm khổ bấy nhiêu người
 
Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương này lược này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai
 
Ruộng tôi cày cấy dâu tôi hái
Nuôi dạy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả
Tôi còn mạnh chán khiến cô thương
 
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi
 
(Nguyễn Bính 1936)
                   
 
 
  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc