NINH GIANG THU CÚC


“GÒ BỒI QUÊ MẸ” – Đến Với Người Đọc…
(Tập thơ nhiều tác giả do Hội Văn học nghệ thuật
Bình Định xuất bản năm 1996)

 
Cầm tập thơ “Gò Bồi quê mẹ” đã được nên hình nên dáng trên tay không một ai trong chúng ta lại không nghĩ đến công lao và tâm huyết của bao người đã đổ ra khi bản thân của tập thơ còn đang trong thời kỳ thai nghén. Với khổ 13.19 gồm tám mươi trang với bao ý tình của ba mươi ba tác giả. Bìa mặt hai màu thật trang nhã mang tính tượng trưng cho sự sống trên dòng sông và dải đất phù sa quê mẹ do họa sĩ Chơn Hiền trình bày, bìa lưng một màu trắng nhẹ nhàng tươi mát.
Nội dung mở ra chúng ta bắt gặp ngay lời giới thiệu “Gò Bồi quê mẹ” của nhà thơ Huy Cận, một nhà thơ lớn, một người bạn chí tình của nhà thơ quá cố Xuân Diệu.
Động lực nào để “Gò Bồi quê mẹ” ra đời?! Phải chăng – tất cả là do lòng yêu quý của mọi người dành cho nhà thơ tình số một của quê hương chúng ta, nên điểm nổi bật ở đây là sự họp mặt hài hòa của mọi tầng lớp tác giả, từ tuổi tác đến khả năng sáng tạo, chỗ đứng trên Văn đàn. Điểm qua ta sẽ thấy có những vị đã “kết tóc xe tơ” với nàng thơ gần trọn kiếp và “con cái” họ lớp lớp đều đã trưởng thành. Xin được trân trọng giới thiệu một vài gương mặt điển hình như các nhà thơ Tế Hanh, Yến Lan, vân vân … và có những vị đang là người yêu, là tình nhân cũng không ít những bạn thơ vừa mới nhập cuộc.Thế nhưng ngôn ngữ thương yêu mang đầy tính bình đẳng và sức thuyết phục, nên ai ai cũng được tự do dàn trải nỗi niềm.
Tập “Gò Bồi quê mẹ” không chỉ tập hợp các tác giả sinh trưởng tại đây mà là tiếng nói của bao miền tựu hội với cảm tình nồng đượm. Đất nước Việt Nam và quê hương Gò Bồi tự hào biết bao khi đã sản sinh ra một người con hiếu hạnh, một công dân cống hiến vẹn toàn tim óc cho dân tộc, một nhà văn hóa, một ông vua thơ tình…
Với Xuân Diệu, thơ tình của anh không chỉ nằm hạn hẹp trong phạm trù đôi lứa gái trai mà được nhân rộng ra với bao đối tượng: tình yêu quê hương đất nước, tình yêu dành cho nơi cắt rốn chôn nhau, tình yêu cho biển trời mây gió, cho bạn bè thân thương.
Tuổi thơ của anh gắn liền nơi “Quê Má” với bao kỷ niệm ngọt bùi…
Tiền thân nhà thơ Xuân Diệu là cậu bé Bàng với mái tóc quăn quăn trước trán. Tôi còn hình dung là có khi cậu ta còn ở trần và bận quần xà lõn vai vác sào tung tăng nhảy chân sáo theo bạn bè:
“Đi lượm xoài non rụng với khèo me
Một cái vườn hoang
là một địa đàng cho mình khám phá.”
(Trích: Đêm ngủ ở Tuy Phước, Xuân Diệu)
Hôm kỷ niệm mười năm ngày mất của anh các thành viên của câu lạc bộ sáng tác văn học mang tên anh đã không quên trang trọng đặt lên bàn thờ anh những món đặc sản của quê hương Bình Định mà thuở sinh thời anh đã viết trong thơ:
“… bánh tráng bẻ dòn dòn”
“Bánh ít lá gai bánh ú mập đầy’
(Trích: Đêm ngủ ở Tuy Phước, Xuân Diệu)
Một thành viên trong ban chủ nhiệm CLB nêu trên là anh Từ Quốc Hoài tuy không góp bài trong “Gò Bồi quê mẹ”, nhưng đã viết những câu thảng thốt xót đau vì thương nhớ:
“Trong cái gió chuyển mùa se sắt
Bỗng nhói lòng chợt thấy vắng anh
Khoảng trống vắng biết lấy gì khỏa lấp
Khỏa lấp đầy chỉ có cỏ xanh”
(Từ Quốc Hoài)
Tử sinh là quy luật tất yếu, nhưng sự ra đi của anh đã làm cho bao người ở lại thương nhớ khôn khuây!
Một người bận chí cốt của anh đã bật lên lời tiếc thương thống thiết:
“Lạnh lắm trời ơi lạnh lắm không
Cận về không kịp chỉ còn trông
Đất vàng một nấm hoa vừa héo
Nằm một, giờ đây Diệu lạnh lùng”
(Trích “Viếng mộ bạn” - Huy Cận)
Số phận có khắc nghiệt và bất công với một bằng hữu chi giao đã gắn bó cuộc đời bên nhau từ buổi thanh mi cho đến khi bạch phá. Đó là tình bạn Huy - Xuân, tình bạn bất tử với thời gian với không gian, giá như đừng có một chuyến công tác cách nửa bán cầu, giá như ngày đậy nắp ván thiên để nhà thơ Xuân Diệu giã từ cõi thực chậm lại vài hôm cho người ra đi kịp nhận được cái vuốt mắt cuối cùng của người ở lại, hẳn lúc ấy cả hai sẽ hạnh phúc biết bao trong nỗi đau tử biệt!
Tôi biết nỗi niềm nầy sẽ đọng mãi trong tâm tư nhà thơ Huy Cận đến cuối đường đời!!
Đồng cảm với nỗi đau của hai anh nên những người con của đất Tuy Phước Gò Bồi đã nhắn mời anh Huy Cận:
“… Ơi người bạn đời thân thiết của anh tôi
Hãy về lại đất nầy như người con trai của mẹ
Hãy thay anh bước qua cầu khe khẽ
Nhịp cầu nầy anh nối những đời thơ”
(Trích: Người khóc anh sau tất cả mọi người - Lệ Thu)
Biết bao người trên quê hương Bình Định nầy nhớ đến hai anh:
“… Nhớ tình bạn nhớ tình thơ
Trăm năm biết đến bao giờ nguôi quên”
(Trích:Gò Bồi quê cũ - Trà Văn Tri)
Tác giả hai câu trên vừa nhớ đến tình bạn của hai anh và vừa nhớ tình bạn của chính tác giả với nhà thơ Xuân Diệu.
Làm sao “nguôi quên” và bởi vì không nguôi quên nên tất cả trái tim kính quý anh đã hướng về Gò Bồi với bao công trình xây dựng và bao lời tâm huyết đau đáu nỗi niềm vọng tưởng về anh mà một trong muôn ngàn tưởng nhớ là tập thơ Gò Bồi quê mẹ với lời trân trọng yêu thương!
Một người em con nhà cậu đã dàn trải nỗi nhớ anh:
“Anh xa rồi chợt thấy lòng hụt hẫng
Nhớ về anh mái tóc xoắn thân yêu
Mắt anh vương sầu vạn cổ vào chiều
Em nghe thiếu cái gì không tìm được”
(Trích: Nhớ anh Xuân Diệu – Phúc Liêm)
“Dòng sông quê mẹ” – dòng sông Gò Bồi sẽ mãi hoài chuyển tải nỗi nhớ thương của từng người, từng người, đến với anh đang ở miền hư vô nào xa tít tắp:
“Có một dòng sông xanh thẫm
Bên bồi biêng biếc nương dâu
Bên lở đất cằn đá xám
Bóng hàng me ngập ngừng trôi”
(Trích: Dòng sông quê mẹ - Xuân Mai)
Như đã trình bày ở đầu bài là “Gò Bồi quê mẹ” tập hợp mọi thể loại sáng tác bởi thế nếu không nhắc tới các vị cao tuổi lạm thơ Đường ở Bình Định, Quy Nhơn thì đúng là một sự thiếu sót và vô lễ của kẻ viết bài nầy bởi thế xin trân trọng giới thiệu một đại biểu, cụ Duy An với:
Hỏi, bác lái đò
Đón ai hỡi bác lái đò ơi
Khuấy nước tìm trăng suốt cuộc đời
Đợi khách anh hùng trao chí nguyện
Canh trường ngồi ngắm bóng trăng trôi
Bởi khuôn khổ có hạn của bài viết nên rất tiếc là không trích dẫn được bao nhiêu bài cần trích dẫn. Với sự đồng cảm trong tình thương yêu dành cho nhà thơ Xuân Diệu thì bài nào trong “Gò Bồi quê mẹ” cũng thật dễ thương, tôi mê thơ tình Xuân Diệu tự hồi còn bé tí – thì làm sao không trân trọng những câu thơ như thế này:
“… Chắt chiu giọt lệ cuộc đời
Làm thơ tình gửi tặng người mai sau”
(Phù sa quê mẹ - Hà Giao)
Cô bé Thảo Vi vốn đã dễ thương lại càng dễ thương trong “Dấu xưa” :
Bây giờ trường úc còn vôi
Bây giờ … người đã xa xôi nghìn trùng
Tấn Phú thật sôi nổi với lời tỏ tình thuở tuổi hoa niên:
“Yêu anh từ buổi yêu thơ
Tình anh ấp ủ từng giờ tình tôi”
(Mùa thu Hà Nội - Tấn Phú)
Và có những niềm say mê thật đáng xót xa thương cảm:
“Tôi như cây chết khát
Chờ uống suối tình nồng”
(Thơ anh bất tử - Vân Bích)
Chỉ còn một tuần nữa là đúng tám mươi năm ngày sinh của anh (2/2/1916 – 2/2/1996) và đồng thời là giai đoạn tiến hành lễ khánh thành nhà lưu niệm sự nghiệp văn học của anh được xây cất trên mảnh đất “quê má” trên nền nhà cũ kỹ mà ngày xưa anh đã được sống với những tháng năm thần tiên trong vòng tay của bà ngoại, của má và của chị Bốn Nhữ thân yêu.
Cùng lúc nầy tập thơ “Gò Bồi quê mẹ” được ra mắt.
Trong niềm hân hoan phấn chấn với bao thành quả nêu trên do được sự phối hợp của các cấp ngành chính quyền và các cơ quan thuộc lãnh vực văn hóa văn học và bao trái tim yêu mến Xuân Diệu.
Trong sự kính mến dành cho nhà thơ quá cố kẻ viết bài nầy xin được gởi đến nhà thơ nén tam hương tưởng niệm và xin trân trọng giới thiệu tập thơ: “Gò Bồi quê mẹ” đến với đông đảo bạn đọc gần xa.
 

 

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc