NINH GIANG THU CÚC

Lấp Lánh Hạt Mưa Bay
 

Vào thăm Biệt Khúc Hồ Cầm
Mộng Chiều Thao Thức Tần Ngần Thu sang
Lang Thang Gót GióChiều vàng (nghiêng)
Thầm Thì... Góc Khuất – biển tràn sóng xao
Vàng Xưa Ơi... – kỷ niệm nào
Tỳ Bà Nửa Giọt – lắng vào hư không
Hương Xưa – Trăn Trở Thẫm Dòng
Một Ngày, Giúp ... Với Chiều Xưa mưa hồng
Thấp cao Tiêu Khúc tơ lòng
Cho Chiều Ngược Nắng Lưng Chừng hoàng hôn
Phải Chi Miền Cúc – cuối thôn
Đoản Khúc Thu – muộn cho mềm môi ai
Nhạt Nắng – ngày đã phôi phai
Trôi Cùng Sợi Khói – cho dài chờ mong
Khúc Luân Vũ – điệu quay vòng
Hiên Chiều Nhẹ Gót – bềnh bồng lãng du
Đếm Đủ Nếp Gấp – cuối ngày
Bên Thềm Thu Nhớ – cho đầy niềm mơ
Đường Thu – lá ướp tim thơ
Một Chiều Hà Nội – ngẩn ngơ bên đường
Khúc Mưa Tháng Sáu – vấn vương
Tháng Sáu – tiếp nối nhớ thương một thời
Gieo Vần Ngày Mẹ – Mẹ ơi!
Ôm Hồn Sỏi Đá – chơi vơi đợi chờ
Một, Hai, Ba, Nguyệt trăng mờ
Cuối Bờ Hiu Quạnh – vẫn chờ ngày mai
Phía Cuối – một cung đường dài
Bông Hồng Là Mẹ – con cài mỗi năm
Đêm Hiền Gọi Áng – trăng rằm
Lặng thầm Hương Biển – xa xăm mơ màng
Mùa Xa – gợi nhắc ly tan
Khúc Mưa – tháng bảy Ngưu Lang thẫn thờ
Bờ Trăng Cúi Xuống – hiên thơ
Với Tay... mời gọi Xin Miền Vô Ưu
Tháng Ba Từ Biệt – hoang liêu
Đời Lênh Đênh Tháng – sáng chiều bâng khuâng
Đi Giữa Xuân – giữa xuân Nồng
Vô Tình – nào biết ngày hồng qua mau
Lang thang Trên Đỉnh Tình Sầu
Vô Thường Đi Giữa – cơ cầu cuộc chơi
... Xưa Em Về Lối – xa xôi
Lạc – đường gót nhỏ bồi hồi bể dâu
Hư Vô – rồi cũng mai sau
Mưa Sa – ướt áo ôm nhau Tay Ngà
Đêm Vọng – về chốn quê nhà
Trốn – tìm chờ Đợi Nghe Ta Buồn Buồn
Thu – về hiu hắt sương buông
Hanh Hao Sắc Tím.. em suông dáng gầy
Khúc – ca ly biệt còn đây
Sắc Xuân – óng ả đưa ngày vào đêm
Bờ vai Tóc Nguyệt – êm đềm
Say Hương Tóc – ấm sợi mềm lòng ai
Dấu Yêu Xưa – niệm khúc dài
Hồn Hoa – trinh bạch hôm mai ta bà
Làm Sao Thôi Mưa Bay – Ta?
Sâm Thương Mãi Mãi – tình ca lỡ làng
Tình Rơi Khúc Hát – ngỡ ngàng
Vớt – sầu ném vỡ phím đàn ngang cung
Vàng Phai Khúc Nhớ – đục trong
Đối Bóng – len nhẹ phiến sầu lên ngôi
Chênh Chao Miền Lá – rơi rơi
Nguyệt Cầm – tấu khúc đầy vơi giọt lòng
Hiên Mưa Bất Chợt – trùng trùng
Giao Mùa Đoản Khúc – tơ chùng năm cung
Đêm – Mộng – dài đẹp vô cùng
Khô Vênh Đoản Khúc – nhịp rung cuối mùa
 
Giấc Mơ Bị Cắp – đi tìm
Lạc miền Hương Hạ – im lìm xót xa
Thu Lơi Nửa Mảng – trăng ngà!
 
Ca Dao – cái bút hiệu của nhà thơ nữ nầy nhắc người đọc nhớ và thấy hiển hiện trước mắt dòng văn học dân gian của dân tộc Việt nam đã tồn tại bất biến trong lòng người con dân đất Việt – Ca Dao là thể loại văn học khuyết danh nhưng lại được ứng dụng trong mọi hoàn cảnh sinh hoạt, vui chơi, giáo dục...
“Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”
“Thân em như giọt mưa sa
Giọt vào cửa các, giọt ra cánh đồng”
Vậy Ca Dao, dòng văn học chân phát của chúng ta dễ thương biết bao, cùng song hành với thể thơ lục bát là hồn cốt, là tinh hoa của dân tộc, điển hình là Đoạn Trường Tân Thanh của Tố Như tiên sinh.
Trở lại với tác giả Ca Dao – chủ nhân của tác phẩm thơ có tên gọi “Làm Sao Thôi Mưa Bay” tôi khá thú vị với tựa đề của bài thơ ở phần nội dung đã được tác giả chọn làm chủ đề toàn tập.
Làm Sao Thôi Mưa Bay – là một nghi vấn, một khắc khoải người thơ đặt ra để hỏi ai hay tự hỏi mình:
... “Làm sao chiều thôi mưa bay
Nguôi ngoai phiến hờn sóng dậy
Làm sao đầy trên đôi tay
Bình yên nụ hồng xưa ấy...”
(LSCTMB – Ca Dao)
Một nghi vấn, một độc thoại, một dỗi hờn, một buồn vui riêng cõi của người thơ?!
Ai mang nặng nghiệp văn chương là đã bị “trời đày’. Phụ nữ làm thơ lại càng bị đọa đày theo cấp số nhân đến vạn lần trời ạ!
Tác giả “Làm Sao Thôi Mưa Bay” (LSTMB) đã từng ngậm ngùi đối bóng:
... Ngày hồng hạnh sắc hương chưa đượm
Áo hương phai đã ướm hiên đời
Điêu Tàn. Lối vắng chơi vơi
Miền khuya ướt lệ tả tơi trăng ngần
 
Tay thơm nhẹ đưa nâng phím nhẹ
Dây loan chùng gót lạc bên hiên
Vén sầu cung khúc ngả nghiêng
Mái tình đã dột trăm miền nhện giăng
(Đối bóng – Ca Dao)
            Mái tình đã dột trăm miền nhện giăng. Chao ôi một câu thơ, một tứ thơ làm chao đảo tâm hồn người đọc.
Điểm và đọc các bài trong tập bỗng dưng tôi ngẫu hứng xâu chuỗi những hạt mưa ấy lại thành một mảng mưa sáu tám để tỏ chút tình tri ngộ. “Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu” (*)
Xin lỗi nhà thơ Ca Dao và bạn đọc vì sự gò ép của luật bằng trắc nên có đôi ba câu tôi phải đảo từ của đề bài hoặc bớt đi một vài từ trong đầu đề của bạn, rất mong được sự cảm thông.
Cảm ơn Ca Dao với lời cầu chúc bình an trên lộ trình gập ghềnh và suông sẻ của văn chương.
                                                                                    Ninh Giang Thu Cúc
                                                                        Ninh Xuân Thư Trang 20/07/2017
 
(*) Chu Mạnh Trinh
            – Những chữ in nghiêng trong bài là tên tác phẩm của nhà thơ Ca Dao.
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc