NINH GIANG THU CÚC


“MƯA XUÂN” Của NGUYỄN BÍNH
Qua Dòng Nhạc Của TRƯƠNG THÌN
(Tặng anh Trương Thìn và Nguyễn Bính Hồng Cầu)
 
 
Vào một buổi sáng mà “ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi” thì trong căn phòng ấm cúng của bác sĩ Trương Thìn tại Viện Y dược Dân tộc TP Hồ Chí Minh chúng tôi (Ninh Giang Thu Cúc và Nguyễn Bính Hồng Cầu) được ông cho nghe ca khúc “Mưa Xuân” mà ông đã phổ từ bài thơ “Mưa Xuân” của cố thi sĩ Nguyễn Bính.
Chỉ bằng cây guitar đơn giản ông đã đưa người nghe về vùng không gian của đất Bắc xa xưa nơi ấy có nàng thôn nữ quay tơ dệt lụa ngày ngày, nơi ấy có cuộc hẹn hò của nàng và chàng trai làng trong đêm vào hội, đưa bước họ tìm nhau qua từng điệu hò câu hát giao duyên mà Nguyễn Bính đã lột tả thật rõ nét và mượt mà trong mười khổ thơ tứ tuyệt: Mưa Xuân. Trương Thìn đã chọn ba trong mười khổ thơ ấy để chuyển tải trọn vẹn ý, tứ, tình cảm của tác giả bài thơ và của ông qua dòng âm nhạc trữ tình. Chúng tôi được ông lần lượt cho nghe từ “Mưa Xuân” đến “Cô hái mơ” đến “Cô lái đò” đến “Thoi tơ”… Với âm nhạc chúng tôi chỉ biết nghe, biết cảm – bằng tâm thức mà rất hạn chế về trình độ nên những điều chúng tôi đề cập ở đây nằm ngoài mục đích phê bình lý luận về âm nhạc càng không dám so sánh giữa các tác giả đã từng phổ thơ Nguyễn Bính, mà chỉ xin được bày tỏ lòng trân trọng và sự đồng cảm của chúng tôi đối với bác sĩ Trương Thìn về công trình mà ông đã làm và đang làm – Đó là gì? – Dạ thưa: Đó là do cái tâm, là do lòng tôn vinh, ngưỡng vọng đến các bậc tiền bối của nền văn học Việt Nam bởi ông đã dụng công và bỏ nhiều tâm huyết để đưa được ý, lời của ngôn ngữ văn học của các tác giả qua ngôn ngữ âm nhạc và hội họa. Bởi trước Nguyễn Bính ông đã đưa Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm với các tác phẩm đồ sộ như: Đoạn trường Tân Thanh, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm.
Chúng tôi lặng người xúc động khi nghe ông trình bày những trích đoạn trong bản trường ca Chinh phụ ngâm với những làn điệu, cung bậc, với những cao độ, trường độ, với những điệp khúc thăm thẳm mượt mà… Việc làm ấy nếu không có niềm say mê và niềm tôn vinh yêu kính với người xưa thì dễ gì làm được?!!!
Chúng tôi yêu thơ Nguyễn Bính từ thuở còn ở bậc tiểu học và đã thuộc “Lỡ bước sang ngang”, “Viếng hồn trinh nữ”, “Mưa Xuân”, “Một trời quan tái”, “Hành phương nam”, “Xóm ngự viên”, “Giời mưa ở Huế”, “Đêm sao sáng”, “Xuân tha hương”, “Chân quê”, “Lòng mẹ”…
Với “Mưa xuân” hẳn bạn đọc nữ nào của một “thời nõn giá” chẳng hình dung ra mình là nhân vật của bài thơ:
“Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già,
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa”…
Cùng những mộng mơ đầu đời thiếu nữ nhân vật trong “Mưa xuân” đã từng xao động ước mơ:
“Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh”
Vâng! Em nghĩ đến anh đến cuộc hẹn hò, đến một tình yêu đẹp sẽ được hình thành trong đêm hội dập dìu trai làng áo the khăn lượt và các nàng thôn nữ với áo tứ thân và khăn mỏ quạ duyên dáng chân quê.
Thế rồi:
“Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mãi tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”
Vì sao? Vì lý do bất khả nào khiến anh không đến được? Trong khi đã:
“Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn”
Anh có biết rằng sự lỗi hẹn ấy đã làm thương tổn không chỉ riêng mình em, mà:
“Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”…
Cả mùa xuân, cả đất trời cũng nhỡ nhàng theo sự nhỡ nhàng của đôi lứa tìm chẳng gặp nhau và năm tháng đã đi qua.
“Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?”
Một câu hỏi thảng thốt – hỏi anh hay tự hỏi mình của nàng thôn nữ mong đợi tình yêu, và không thôi hy vọng:
“Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?”
Thế đấy, hy vọng là thuộc tính chung của nhân loại và của thi sĩ Nguyễn Bính – một nhà thơ, một người thơ không thôi hy vọng trong bất cứ trạng huống nào. Với “Mưa Xuân” của Nguyễn Bính niềm hy vọng lại được nhân đôi bằng sự tôn vinh trân trọng của nhạc sĩ Trương Thìn qua ca khúc “Mưa Xuân”.
Ninh Giang Thu Cúc


MƯA XUÂN
 
 
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
 
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
 
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng tay lại giữa thoi xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh
 
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!
 
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
 
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mãi tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
 
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!
 
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
 
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.
 
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?
 
Nguyễn Bính - 1936
 
  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc