NINH GIANG THU CÚC


Mạch Nước Từ Mẹ ÂU CƠ
 
Đọc bài thơ “Như nước trong nguồn” của Tuệ Mai, ai chẳng bồi hồi “nhớ mẹ ta xưa” trong phạm vi nhỏ hẹp của mỗi gia đình – rồi từ trong lời ru của ngàn ngàn bà mẹ ấy hun đúc lại để phóng lớn thành chân dung của một Mẹ Việt Nam – Mẹ Tổ quốc thân yêu.
Rất, rất cảm ơn Tuệ Mai đã viết về mẹ của mỗi chúng ta và mẹ của cả dân tộc – một bà mẹ đứng giữa mưa chan nắng táp, suốt nghìn năm để vỗ về nâng giấc bao lớp con cái trưởng thành bằng lời ru nồng nàn – mùi hương khoai ruộng lúa, bằng âm điệu ca dao lục bát dịu dàng, bằng lời dân ca mượt mà như đồng dâu xanh mướt, như vạt cải hoa vàng, như sân đình có hồ sen thơm ngát để anh vắt áo lên cành khi tát nước đêm trăng…Lời ru của Mẹ Việt Nam có hương hoa bưởi, hoa ngâu nhè nhẹ, có vườn cà e ấp nụ tầm xuân, không gian yên ấm của xóm làng cho duyên tình chồng vợ đượm nồng với trầu thắm cau xanh để giống nòi đời đời nối tiếp trong cảnh thanh bình Trên đồng cạn dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.Để rồi từng mùa vàng gặt hái cho ai Hai tay bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.Ta biết ơn Bà Mẹ Việt Nam tảo tần chai sần bàn tay qua bao đời vất vả, qua bao đêm thức trắng Mẹ vẫn quạt đều quạt nhẹ, tay này mẹ quạt, lời này mẹ ru, mẹ ru con và mẹ thầm thì với con về tương lai con, với tương lai con, bởi rồi con sẽ lớn…Sẽ lớn, sẽ vào đời…
Mẹ Việt Nam với một quá khứ dựng nước hào hùng, Mẹ rất tự hào kể cho con nghe con biết: những nỗi nguy nan của một dân tộc nhỏ đứng liền bên cường địch/Từ thượng cổ đã bao lần bị mưu toan đồng hóa người, xóa tên sông núi/thế mà - Không những giống nòi ta không chịu diệt/ mà giống nòi ta còn từ ít tăng nhiều/Đất đai ta không chịu xóa/Đất đai ta còn từ nhỏ thêm to.
Dựng nước và giữ nước, cả dân tộc ta từ thượng cổ đã biết sát cánh kề vai đổ mồ hôi sôi nước mắt để mở mang bờ cõi đất đai và đổ cả máu để giữ lấy đất nước, vì thế mẹ mong: Lớn khôn con đọc địa dư/Lớn khôn con coi lịch sử/Lịch sử từ lũ dân bị trị/Tiến lên thành lớp người chiến thắng vinh quang/Đã biết bao lần chiến thắng/những thế kỷ xưa và trong thế kỷ này.Thế đấy, sự chiến thắng nào cũng phải trải qua bao gian lao khốn khó với bao giai đoạn điêu linh khốn khổ, đầy nguy hiểm, đầy nhục nhằn, đầy thất vọng…Chúng ta với tinh thần đoàn kết để giữ cho nhau không mất đi Dòng máu Việt, tiếng nói Việt, nguồn sống đời đời phong phú, nên từ lập quốc đã thắng được muôn ngàn cản trở…Ôi, giống nòi ta! Con lớn khôn rồi con sẽ biết !Bây giờ bé bỏng giấc yên, tay mềm mẹ quạt, giọng hiền mẹ ru.
Có sự chịu đựng cao độ mọi sự hiểm nguy, nhọc nhằn, thất vọng chúng ta dã chuyển nguy thành an, nhục nhằn thành vinh quang, và thất vọng ra sự thành công để có một cõi bờ Việt Nam bên Thái Bình Dương hùng vĩ.Mẹ Việt Nam biểu tượng cho mọi vất vả gian truân và vinh quang hiển đạt, bởi lòng Mẹ luôn trong lành ngọt dịu tươi mát như nước trong nguồn, luân chuyển tưới tẩm mọi nẻo đường khô cằn sỏi đá để biến thành cỏ mật trái xanh, để biến mầm cây mới nhú thành cổ thụ vững vàng trong mưa đông nắng hạ, trong thu biếc xuân hồng.Và Mẹ vẫn tiếp tục ru bao thế hệ tiếp theo bằng những trang sử vẻ vang:
Mẹ ru con bằng lời Quốc sử
“Bà Trưng quê ở Châu Phong…”
Mẹ ru con bằng khúc Tình ca
“Tôi yêu tiếng nước tôi
 từ khi mới ra đời
Tiếng nước tôi
mấy ngàn năm ròng rã buồn vui…”
Mẹ Việt Nam, ôi! Mẹ mãi mãi là xôi nếp mật, là đường mía lau để nuôi nấng cho lớp lớp chúng con no ấm và tươi mát trong lành như dòng nước trong nguồn hoài hoài tuôn chảy.Mẹ vẫn ru con với ngàn lời ca dao đậm đà mộc mạc: Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn cà, về sông ăn cá về với bà ăn cơm.
Ninh Giang Thu Cúc
 
Tuệ Mai
 
 
NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN
 
Con ngủ đi con
tay này mẹ quạt, lời này mẹ ru
Mẹ ru con bài ca dao
“Đêm qua tát nước đầu đình
bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”
Mẹ ru con bài ca dao
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”
Con ngủ say mẹ khẽ hôn khuôn mặt
thiên thần bé nhỏ
(Cho mẹ hôn đừng hờn lẫy nghe con)
Mẹ vẫn quạt đều quạt nhẹ
và mẹ thầm thì
thầm thì với tương lai con bởi rồi con sẽ lớn
hình hài búp bê thơm gọn trong tay
mẹ lúc này
Sẽ lớn
Sẽ vào đời
Con lớn lên rồi con sẽ biết
những nỗi nguy nan
của một dân tộc nhỏ đứng liền
bên cường địch
Từ thượng cổ đã bao lần bị mưu toan
đồng hóa người, xóa tên sông núi
thế mà
Không những giống nòi ta không
chịu diệt, mà giống nòi ta còn từ ít
tăng nhiều.
Đất đai ta không chịu xóa
Đất đai ta còn từ nhỏ thêm to
Lớn khôn con đọc địa dư
Lớn khôn con coi lịch sử
Lịch sử từ lũ dân bị trị
Tiến lên thành lớp người chiến thắng
vinh quang
Đã biết bao lần chiến thắng
những thế kỷ xưa và trong thế kỷ này
Giờ đây
Đau đớn
như sự thực não nề phơi tỏ
Chúng ta đang lâm vào chặng đường
điêu linh khốn khổ
Đầy nguy hiểm
Đầy nhục nhằn
Đầy thất vọng và trùng trùng bóng tối
Mất hết mất hết
Nhưng còn dòng máu trong người
Nhưng còn tiếng nói trên môi
Là không thể mất
Là không ai cướp được
Là không ai đổi được
Là của ta – vĩnh viễn của riêng ta
Là vinh quang lại khởi lập lên từ đó
Dòng máu Việt
Tiếng nói Việt
Sức sống vươn lên
Nguồn sống đời đời phong phú
Nên từ lập quốc đã thắng được
muôn ngàn cản trở
Nên quyết rồi lại sẽ vượt qua
lại sẽ vượt qua
cuộc thử thách lớn lao gớm ghê
hiện tại
Ôi, giống nòi ta
Con lớn khôn rồi con sẽ biết
bây giờ bé bỏng giấc yên
tay mềm mẹ quạt, giọng hiền mẹ ru
Mẹ ru con bằng lời Quốc sử
“Bà Trưng quê ở Châu Phong…”
Mẹ ru con bằng khúc Tình ca
“Tôi yêu tiếng nước tôi
 từ khi mới ra đời
Tiếng nước tôi
mấy ngàn năm ròng rã buồn vui…”
 
1969
 
  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc