NINH GIANG THU CÚC


Tác Phẩm “LỠ BƯỚC SANG NGANG
Của
NGUYỄN BÍNH
Bất Tử Trong Lòng Công Chúng Yêu Thơ
 
Vào giữa thập niên những năm sáu mươi (1966) văn đàn Việt Nam xót xa quay quắt đưa tiễn một người con yêu đi vào thiên cổ và bao trái tim yêu thơ trong nỗi đau đớn quá bất ngờ đã ngậm ngùi gởi lời chào tử biệt đến với nhà thơ quê hương dân tộc rất đỗi thân gần với chúng ta, tác giả “Lỡ bước sang ngang”.
Nói đến “Lỡ bước sang ngang” (LBSN) người đọc không thể nào không nghĩ đến bao số phận nữ lưu gặp bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân mà cố thi sĩ Nguyễn Bính đã cho nhân vật “Chị” trong tác phẩm làm tiêu biểu.
Xã hội Đông phương tự thuở nào đã xem lễ giáo là điều quan trọng bậc nhất trong mọi lĩnh vực (nhờ quan điểm tốt đẹp ấy mà dân tộc ta sống còn đến hôm nay). Riêng trong lĩnh vực hôn nhân thì lại càng khe khắt với quan niệm đã ăn sâu vào đầu óc bao thế hệ là: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nếu con cái không chịu “ngồi đúng chỗ” đã được cha mẹ đặt là mang tội bất hiếu, đứa con ấy được xem như đã bỏ đi…
Để bảo vệ nền tảng lễ giáo và thể hiện tấm lòng hiếu để đối với cha mẹ biết bao cô gái trước đây đã phải cười đau khóc hận cất bước vu quy cho trọn tam tòng để rồi tháng năm miệt mài ôm tủi hận…
…Ai đem lễ giáo giam em…
(TTKH)
Rồi niềm đau thân phận được nhân rộng theo tháng năm chồng chất cho đến lúc giật mình nhìn lại dung nhan thì ôi thôi! Đã bóng ngả chiều tà với lưng còng má cóp, hết rồi một thuở vàng son với môi hồng má thắm, tóc mây mượt mà, lưng ong thon thả gót son đùa cợt với hài thêu…
Cái điều tuyệt vời của đức hạnh, của sự hi sinh, của lòng nhẫn nhục - mà chỉ có những người phụ nữ Việt Nam nói riêng và Đông phương nói chung mới có ấy, đã được cố thi sĩ Nguyễn Bính tôn vinh qua “Chị” trong “Lỡ bước sang ngang”.
Chúng ta hãy nghe người con gái tội nghiệp ấy dặn dò kí thác bao điều với em mình trước khi cất bước theo chồng:
Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa.
 
Và:
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai xác pháo còn vương khắp làng.
Xác pháo rực rỡ chói chang trải đầy đường làng chẳng hề gây được cho nàng một mảy may hào hứng, bởi ngày mai như thế nào nàng đã thấy được từ hôm nay:
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây…
Chúng ta nên khóc hay nên cười khi nghe nàng dỗ dành mời mọc đứa em duy nhất:
Rượu nồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
Thật tội nghiệp, thật đau lòng khi hai chị em đang tự phỉnh phờ và an ủi lẫn nhau bởi vui sao được khi một tương lai đầy bất trắc mà tự thân đã dự đoán:
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận chị lo không tới bờ
Không chỉ lo cho riêng mình, nỗi đau đáu trong nàng bao giờ cũng là cha mẹ gia tộc, hãy nghe nàng kí thác dặn dò em mình:
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em
Đến đây người đọc bị chững lại ở chữ “cậy” mà tác giả cho nhân vật nói với em mình, từ chỗ chững lại người đọc liên tưởng đến cái chữ “cậy” mà thi hào Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều nói với Thúy Vân:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Tiền bối và hậu sinh cùng gặp nhau ở một chữ “cậy” song cách cậy hoàn toàn khác nhau, Kiều cậy Vân thay mình để kết nghĩa vợ chồng cùng Kim Trọng và nuôi hi vọng mai sau Vân có “đốt lò hương ấy” sẽ thấy được hồn chị trở về bởi lời thề nguyền còn vương nặng…
Thương cảm đến thắt lòng cho chữ cậy của Kiều nương! Ở “Lỡ bước sang ngang”, “Chị” cậy em bởi “nhà hương khói lạnh”, bởi mẹ già cô quạnh, bởi vườn dâu nong tằm, bởi ý nghĩ “Một lần này bước chân đi là không hẹn một ngày về nữa đâu”. Nhìn theo từng góc độ của hai tình huống cũng thật khó phân định giá trị của hai chữ cậy.
Ôi! Hai chữ “cậy” đoạn trường!
Yên lòng vì đã gửi gắm mẹ già cho em “chị” mới chua xót nghĩ về bản thân và nhớ rằng:
Đêm qua là đã ba đêm
Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn.
Con chim lìa đàn đi để nhận lãnh một sứ mệnh lớn lao đó là: Giang san nhà chồng.
Ôi! Trách nhiệm thật lớn lao thì nỗi khổ đau cũng đâu nhỏ bé, phải khâm phục sự thẳng thắn, sự trung thực đến lạnh lùng của nàng đối với nhà chồng khi phân định vị trí của hai vai:
Một vai gánh vác giang san
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Vậy là xong, vậy là buông bỏ bởi “thiếu chàng điểm phấn trang hồng cùng ai”.Trước mắt mọi người hiện ra hình ảnh một thiếu phụ mà sự tuyệt vọng đã in rành trên dáng vóc và trong tâm tưởng:
Mắt quầng tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu…
Để an phận trong kiếp lưu đày bất tận nàng nhìn xung quanh để tự vỗ về mình và an ủi đứa em thơ:
Cũng là thôi cũng là đành
Sang sông lỡ bước riêng mình chị đâu
Hoàn cảnh nghiệt ngã ấy không chỉ của riêng nàng, tuy đã nhìn quanh để thấy mình không đơn lẻ trong nỗi niềm bất hạnh, song bao đợt sóng ngầm không ngừng chao đảo và nào tránh được xung đột quắt quay khi chiều lên nắng xuống, khi nghĩ đến xưa sau:
Tuổi son nhạt thắm phai đào
Đầy thuyền hận có biết bao nhiêu người
Em đừng khóc nữa em ơi
Dẫu sao thì sự đã rồi nghe em
Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần
Dù em thương chị mười phần
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi…
Một cuộc hôn nhân, một ngày hôn phối mà chị khóc em khóc như thế kia với bảy nổi ba chìm, với trăm cay nghìn đắng và quan trọng hơn cả là với một “con tim héo dần” thì hậu quả như thế nào hẳn chẳng cần lý giải. Nhưng chưa đủ, còn một nhân vật đệ nhất quan trọng, đó là Mẹ, bởi Mẹ đã trông theo:
Mẹ trông theo mẹ thở dài
Ta hãy lưu ý tiếng thở dài của bà mẹ; tiếng thở dài này biểu lộ điều gì?
1.  Mẹ thỏa mãn sung sướng trong ngày con gái đi lấy chồng
2.  Mẹ lo âu khi hình dung những bất hạnh mà con mình sắp gánh chịu
3.  Mẹ chia sẻ đồng cảm với những gì con mình sẽ chịu đựng bởi con đang chịu những gì mà Mẹ đã chịu ngày xưa và lo âu thắc mắc cho sự lặp lại này đến bao giờ chấm dứt?
Thật khó hiểu làm sao tiếng thở dài của mẹ…
Phải chăng qua tiếng thở dài ấy chúng ta có quyền nghĩ là tác giả đang lên án sự khắt khe nghiệt ngã việc hôn nhân ép buộc của người xưa, trong khung rêu cổ hủ của chế độ quân chủ mà nguyên tắc và chân lý của nó: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”? Người đọc trong trường hợp này có thể hiểu câu trên một cách nôm na khôi hài để cười ra nước mắt (Chân lý là cái lý thuyết có cái chân để dẫm đạp lên cái tình).
Đi lấy chồng để héo mòn trong bất hạnh cũng đồng nghĩa với cái chết chứ có gì hơn!!!
Rốt cuộc chẳng ai giúp đỡ gì được nàng, đứa em nguồn an ủi và điểm tựa duy nhất cũng chỉ làm được cái việc:
Tôi ra đứng ở đầu làng
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dậu thưa
Xin ngậm ngùi chia xẻ nỗi bất hạnh với một kiếp hồng nhan!!!
Bây giờ xin mời công chúng hãy theo dõi nàng trên hành trình của cuộc đời thiếu phụ, trong ngục tù miên viễn ấy nàng đã làm gì để tự cứu bản thân, xin thưa, nàng bất lực chỉ còn biết:
Úp mặt vào hai bàn tay
Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm
Người đọc có một thoáng thắc mắc: Tại sao nàng chỉ khóc có một ngày một đêm mà không nhiều hơn?
Đây là sự dụng công của tác giả hay là sự vô ý thường có mà ta từng bắt gặp ở nhiều tác phẩm…
Song người đọc quả quyết là tác giả chỉ cho nàng khóc đúng một ngày một đêm thôi, chừng ấy đủ rồi nước mắt không giải quyết được gì thì khóc chi cho lắm chỉ tổ mau mù mắt, chi bằng nuốt lệ vào trong mà chịu đựng có hơn không.
Khi hiện tại không có gì tốt đẹp thì người ta chỉ còn biết tìm vui trong quá khứ.Công chúng yêu “Lỡ bước sang ngang” xin tri ân tác giả đã độ lượng cho nàng sống với một trời kỷ niệm cộng thêm những ray rứt xưa sau:
Đã đành máu trở về tim
Cũng không buộc chặt cánh chim giang hồ
Người đi xây dựng cơ đồ
Chị về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân
Người đi khoác áo phong trần
Chị về may áo liệm dần nhớ thương
Trước mắt người đọc nhập nhòa những con chữ mang đầy tính bi đát cho thân phận của một sinh vật bị lệ thuộc vào một sinh vật khác, bị cưỡng bức mà chẳng có quyền đối kháng:
Hồn trinh ôm chặt chân giường
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây
Năm xưa đêm ấy giường này
Nghiến răng nhắm mắt cau mày cực chưa
Quả là chẳng sung sướng gì với một sự hiến dâng không tự nguyện, nên công bằng mà phân định thì việc này làm khổ cho cả người nhận chứ không phải riêng phía người cho…
Thế là hết: Uổng công gìn vàng giữ ngọc để mong một ngày “phỉ nguyền sánh phụng đẹp duyên cưỡi rồng” (*) mộng đẹp tan tành nàng đành chua xót dang tay đầu hàng số phận:
Thế là tàn một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Có người mẹ nào, đứa em nào, những trái tim nhân ái nào không đau đến tê dại khi nghe nàng trăn trối:
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã sang sông đắm đò
Đắm đò nàng đành chịu “chết” đến đây chúng ta thấy tác giả “Lỡ bước sang ngang” đặt dấu chấm hết rất đúng lúc. Với quan điểm “Thọ tử bất ninh thọ nhục” công chúng hoàn toàn nhất trí thà để nàng dắm đò “chết” giữa sông vẫn đẹp hơn là liệng cho nàng “một chiếc phao” cấp cứu.
Xin tri ân tác giả đã bảo vệ giá trị nhân cách cho “chị” dù đang bị “Lỡ bước sang ngang” …
Cho nên dù đã “đắm đò”, “tinh anh của chị” vẫn ngự trị mãi mãi trong lòng khách mến mộ văn chương.
Người đọc đã đặt dấu chấm hết cho mấy dòng cảm nhận nhưng lại chợt nhớ ra nên xin được tái bút vài dòng: Trong bối cảnh xã hội hiện nay “quyền được yêu” xem như được đặt lên hàng đầu, được ưu tiên tuyệt đối, được sự hỗ trợ bênh vực từ mọi phía, nhưng sao công chúng vẫn thấy quá nhiều cô gái “lỡ bước sang ngang”.
Phải chăng trách nhiệm này là do đương sự???

Sài Gòn chiều mưa đầu mùa 24/4/1996
Quy Nhơn 21/5/1996
 
(*) TK – Nguyễn Du

LỠ BƯỚC SANG NGANG
 
Bài 1

Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai xác pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Rượu nồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận chị lo không tới bờ
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em
Đêm qua là trắng ba đêm
Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn
Một vai gánh vác giang san
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Mắt quầng tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu lênh đênh
Cũng là thôi cũng là đành
Sang sông lỡ bước riêng mình chị đâu
Tuổi xuân nhạt thắm phai đào
Đầy thuyền hận có biết bao nhiêu người
Em đừng khóc nữa em ơi
Dẫu sao thì sự đã rồi nghe em
Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần
 
Bài 2
 
Úp mặt vào hai bàn tay
Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm
Đã đành máu chảy về tim
Cũng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ
Người đi xây dựng cơ đồ
Người về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân
Người đi khoác áo phong trần
Chị về trồng cỏ liệm dần nhớ thương
Hồn trinh chôn chặt chân giường
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây
Năm xưa đêm ấy giường này
Nghiến răng nhắm mắt cau mày cực chưa
Thế là tàn một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Đêm qua mưa gió đầy trời
Trong hồn chị có một người đi qua
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã sang sông đắm đò
 
Nguyễn Bính
(Trích từ “Lỡ bước sang ngang” 1940 và “Tuyển tập Nguyễn Bính” – Nhà xuất bản văn học Long An 1986)
 

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc