NINH GIANG THU CÚC


Tìm Thấy Gì Trong Những BÀI THƠ 56 CHỮ
Của
VI KHUÊ TRẦN TRINH THUẬN
 
Thấy gì ư? - Dạ thưa, thấy nhiều điều lắm, trước hết chúng ta thấy được mối tình lớn của tác giả đối với Đường thi qua bài "Nguyệt Tầm Dương" đã được dùng thay lời tựa ở đầu tập thơ thất ngôn bát cú (TNBC)
Và ta thấy được cái sung sướng của mỗi người làm con, cái hạnh phúc cao vời nhất của mỗi chúng ta là có Mẹ để được ấp ủ vỗ về, được thương yêu và để thương yêu, để được khóc cười trên vai mẹ, để được nhớ mẹ trong từng sát na của sự sống hằng ngày. Đối với chúng ta Mẹ là số một; bởi thế mà trong 63 bài thơ ở tập "Thất ngôn bát cú" bài đầu tiên nữ sĩ đã dành: Khóc mẹ
Nửa đêm thức dậy nhớ quê hương
Khóc mẹ ngày nao cầu đoạn trường
(Khóc mẹ - Vi Khuê)
Chỉ với cặp phá đề ở trên, ta đã thấu hiểu thế nào là nỗi "chín chiều ruột đau" của một người con ở góc biển chân trời đang vọng tưởng, đang xót xa khi thấy "lòng lão thân buồn khi tựa cửa"... bức màn tâm tưởng cứ khép mở khép mở hoài cho ta quay quắt với nỗi niềm "Nhà hương khói lạnh" mà xót xa cho tình cảm tự thân:
Đi mô bỏ mẹ ở nhà
Gối nghiêng ai sửa chén trà ai dâng
(Ca dao)
Nhưng cũng có nhiều sự ra đi cao cả vĩ đại hơn đa số những người con gái khác, bởi sao? Vì:
"Mịt mù bụi cuốn giang san
Thì thôi một cái hồng nhan kể gì"
Vì không kể gì một cái hồng nhan và vì quốc gia mất hay còn, không phải chỉ riêng đàn ông mới "hữu trách" cho nên Huyền Trân Công chúa đành gạt nước mắt từ giã phụ hoàng mẫu hậu cam phận "chín tháng nằm trong thuyền chài" để được "nhẹ đành tơ liễu nặng vì quốc gia" cho hai châu Ô Lí nằm trên bản đồ Đai Việt, cho hai dân tộc khỏi gầm ghè khởi chiến binh đao... đại sự viên thành, trung hiếu lưỡng toàn, còn niềm đau riêng thì sao, chao ôi!
 
... “Sao lênh đênh thế - dòng thu lệ
Luống võ vàng ôi - nét liễu mày”
(Nhớ - Vi Khuê)
Và:
..." Trời hành chi rứa năm trăm lẻ
Nghĩ tủi Huyền Trân lạc bước giày"
(Nhớ - Vi Khuê)
A ha! Gánh tình nặng nhẹ chị em chung!?
"Nhớ" - bài thơ thứ 2 là chút tâm tình, là lòng cảm cựu đối với người xưa, đồng thời là nỗi cảm thương thân phận cho bao người "nay" "Khóc mẹ" và "Nhớ" chỉ là bước dạo đầu cho các cung bậc trên hành trình "Thất ngôn bát cú" của Vi Khuê.
"Thạch Bình Thôn" - nhà thơ Hạnh Phương đã nhận xét và bình giải trong một tiểu luận "Đây nhé là Thạch Bình thôn! Thôn Thạch Bình là làng nội của nhà thơ Vi Khuê. Sao không là thôn Thạch Bình? Sao lại là Thạch Bình Thôn? Ngay cách đặt nhan đề bài thơ đã khiến bạn đọc lâng lâng tiếp xúc được khí hậu của Đường thi".
Vâng, Ninh Giang Thu Cúc đồng ý với lập luận của Hạnh Phương!
Tôi chạnh nhớ Bạch Cư Dị với: "Cùng một lứa bên trời lận đận", hay gần hơn là Vũ Hoàng Chương: "Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa..." Vậy cho nên Vi Khuê hay kẻ viết bài này hay Hạnh Phương - chúng ta vẫn là năm bảy đứa lạc loài.. cách nửa vòng trái đất, tất nhiên đó là sự lạc loài vô hạn, nhưng ở ngay trong lòng địa phận mang hình cong chữ S, chúng tôi vẫn là loài chim di trú để mãi vọng về cố thổ trên ngàn dặm thiên di...
Nơi chôn nhau cắt rốn, nắng lửa mưa dầu thiên tai dịch họa, cứ đẩy dần đẩy dần những đứa con ra khỏi lũy tre xanh, ra khỏi mái đình làng có cây đa bến nước với muôn ngàn kỷ niệm tuổi thơ ta…
Thạch Bình thôn của Vi Khuê, Gia Độ thôn của Hạnh Phương, hay An Ninh thôn của soạn giả (NGTC) thì vẫn mang bao bóng dáng hình hài ấy, nhưng khác nhau ở chỗ tác giả sử dụng thế nào, sắp xếp ra sao, để tạo dựng nên một thi ảnh như Vi Khuê:
Con hói, lênh đênh bèo, sóng giạt
Rìa bưng, hiu hắt lá, sương sa
Biết bao biển lệ, dòng mưa cũ
Cả một trời thương, giọt nắng tà
(TBT - Vi Khuê)
Bốn câu trên là xương sống của bài "Thạch Bình thôn" cặp trạng như một bức tranh thủy mặc mà họa sĩ Vi Khuê bằng những nét chấm phá tài tình sinh động, cho chúng ta thấy dòng hói, chiếc bèo đang lênh đênh trên từng đợt sóng nhấp nhô, và cả một dải bưng biền vàng hoa mướp đang căng lòng đón nhận từng giọt sương nuôi nấng cuộc tồn sinh.
Cặp trạng đẹp về thi thuật và chỉnh đốn phân minh về kỹ thuật. Cặp luận buồn như cõi lòng sương phụ, giữa thương hải tang điền nặng lòng cố quận nẻo trời xa.
Những "bà nội trợ" có trình độ chuyên nghiệp chẳng ai thích đi chợ buổi chiều, dân ta có thành ngữ: "Rau héo chợ chiều" đã cho thấy mặt hàng nào của chợ chiều cũng đều dở ẹt, còn rau héo chỉ là cách nói biểu trưng...
Cũng có thể tác giả chỉ mượn cảnh chợ chiều thực thể với rau trái cỏ hoa héo xàu khô quắt, với “Rổ cá con lằn xanh đủng đỉnh. Cành bông cái nhặng biếc liêu xiêu...” là để nói đến một cảnh tượng "chợ chiều" khác giữa cuộc bon chen hệ lụy với "kẻ qua người lại dáng đăm chiêu"... đầy hỉ, nộ, ái, ố, dục, lạc chăng?
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau...
Cách đây hơn nửa thế kỷ nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những câu thơ về mùa xuân như thế, nghe buồn như buổi chiều trên nghĩa địa... rồi có nhà thơ lại nao nức với mùa xuân, với mưa xuân khi viết:
... “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay”
(NB)
Mỗi nhà thơ đều có mỗi cái nhìn về mùa xuân về mưa xuân tùy theo tâm thể, theo hoàn cảnh lúc sáng tác. Ta đọc "Mưa xuân ở Virginia" để cộng cảm và chia sẻ với người thơ xứ Huế đang lưu trú tận trời xa:
Mưa xuân tầm tã mấy hôm nay
Chẳng khác trời Nam chút mảy may
Có thật chẳng khác hay tác giả cố nghĩ vậy để phỉnh phờ mình cho bớt xót xa, hai câu thực đã cho ta đáp số rõ ràng:
Chạnh nhớ cố hương phong cảnh cũ
Vui chi khách địa nước non này
Và chúng ta ngậm ngùi theo nỗi khắc khoải vọng tưởng của tấm lòng người con hướng về mẹ, người chị nghĩ về em:
Mẹ còn tuổi hạc mong hôm sớm
Em vẫn phòng thơ đợi tháng ngày
Chao ôi! "Sầu biệt ly vơi sớm đầy chiều", Cụ Vũ Bằng mới từ Bắc vào Nam mà đã kêu lên tha thiết như vậy huống gì người cách nửa địa cầu...
Với người thơ - hai mùa đẹp nhất trong năm có lẽ là mùa Xuân và mùa Thu. Không có người làm thơ nào không ca ngợi vẻ đẹp u hoài của mùa thu khi thấy từng chiếc lá vàng lìa cành bay lãng đãng ở không trung - gợi cho người thơ bao nỗi nhớ như nỗi nhớ của nhà thơ Vi Khuê.
... Nhớ một con thuyền xưa lạc bến
Đau nghìn trang giấy mới nên chương...
Nỗi đau của giấy mực là nỗi đau truyền kiếp của người thơ khi bóp trán tìm vần - vần vẫn bí, cau mày kiếm tứ - tứ không ra, viết thì có chi khó - nhưng viết để đọng lại chút dư ba trong lòng người thưởng lãm thì mới là lẽ cần bàn, giấy đau thì người viết càng đau gấp bội, đó là sự tương quan máu thịt của nghiệp chướng trời đày. Không vậy mà thuở nọ vào thời kỳ nhà Đường (Trung Đường) Giả Đảo đã khóc khi làm được hai câu đắc ý sau 3 năm thôi xao mài dũa.
"Ba năm làm được hai câu
Ngâm lên một dạo lệ đau hai hàng"
Cho nen, khi đọc câu thứ 6 ở bài “Thu ở Virginia” soạn giả dựng toc gáy cho sự khắc nghiệt của loại văn học cổ điển mà một thời đã có một số người mổ xẻ phỉ báng không thương tiếc. Nhưng không sao, chân lý thuộc về mọi người - bởi với một thể loại văn học đã đạt tới đỉnh cao của nhân loại, thì phi thời gian không gian và cả sự phỉ báng cũng phi hiệu quả, bởi phỉ báng sao được với một loại hình nghệ thuật mà phải "Đau nghìn trang giấy mới nên chương" như nữ sĩ Vi Khuê đã khẳng định bằng bao trải nghiệm xương máu khi đặt bút làm thơ luật Đường kia chứ!?
Đọc thơ luật Đường của Vi Khuê ta mới thấy thế nào là "Đau nghìn trang giấy" bởi tác giả đã bao phen.
... "Mượn cay mượn đắng làm gia vị
Vay gió vay mưa để thắng màu..."
(Vốn liếng - Vi Khuê)
Tôi thật sự tâm đắc với cặp trạng này ở bài "Vốn liếng", chỉ có phụ nữ mới thẩm thấu tứ thơ này, mới có sự đồng cảm và cộng cảm cao độ với người viết, nghe như nói "ba lơn"cho vui, nhưng mà đau lắm, đau với nhiều tầng ngữ nghĩa, và tai hoa lắm khi hạ bút hai vế “làm gia vị”, “để thắng màu”. Màu là đường nấu trên lửa sôi đến quằn quại, cho đến lúc thành chất nước sền sệt, màu cánh gián để ướp cá kho khô, từ chất nước đường bị cô lại, gần hóa thành caramen ấy lại phục sinh để làm đẹp con cá kho khô hay miếng thịt heo kho tàu, biến hóa khôn lường qua bao lần dầu sôi lửa bỏng, cũng như người làm thơ phải khổ luyện để gạn đục khơi trong từng câu chữ vần điệu, sự so sánh rất bếp núc đơn sơ nhưng lại thâm thúy vô cùng.
Về đề tài thân phận, Vi Khuê đã ký thác bao ý tình mà đọc đến là thương bởi nghe như có mình trong đó:
... “Ba nghìn đêm trắng tàn hoa nến
Tám chín thu khô úa mộng hời
Nhớ nước trong câu hò mái đẩy
Thương mình bên vực thẳm mù khơi”
(Riêng con - Vi Khuê)
Người thơ trước hết là viết cho mình, vì thế không chỉ là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn theo mây, mà họ còn gởi gắm nỗi niềm của tự thân:
... "Trăng xưa đã khuất đôi bờ liễu
Thềm cũ còn in một dấu hài
Giấc bướm tàn theo hồn bướm lạnh
Hoa đào nở cợt - má đào phai"
(Một tiếng đàn - Vi Khuê)
Và:
... "Mấy chục năm dư sầu vạn cổ
Mười hai bến nước gái thiên kim"
(Tím - Vi Khuê)
Như:
... "Thương cho con nhạn không liền cánh
Tội chiếc thuyền lan khó thuận dằm"
Ở mảng thơ ca ngợi danh nhân của đất nước Việt Nam gồm có 29 bài, cho ta thấy lòng trân trọng của tác giả dành cho tiền nhân ở mọi lãnh vực từ quân sự, với quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, đến bậc danh thần vị quốc vong thân Nguyễn Tri Phương, đến các nhà chính trị như các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, các bậc danh y đã đem y thuật để cứu đời, như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh và các văn nhân thi sĩ cận, hiện đại đã đóng góp cho ngôi đền văn học của dân tộc như Bạch Vân Cư Sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm - một kẻ sĩ bất cần danh lợi mà thú hưởng nhàn của cụ khiến bao người tâm phục:
... "Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tợ chiêm bao"
Và bao gương mặt nữ nhân tài hoa đức hạnh làm rạng danh cho đất nước như một Huyền Trân, một Ỷ Lan, một Đoàn Thị Điểm, với hai vế đối tài hoa trong bộ cánh của một cô hàng bán nước chè xanh:
"Bắc quốc chư đại phu
Giai do thử đồ xuất"
Với tấm lòng trân quý dành cho tiền nhân, nữ sĩ Vi Khuê đã viết về họ bằng tất cả sự ngưỡng mộ chân thành, mỗi bài thơ là một nén tâm hương.
Và chúng tôi, kẻ hậu sinh hậu học đã đọc tập thất ngôn bát cú với lòng mến mộ về câu chữ về ý tưởng mà nữ sĩ đã bằng tất cả tâm huyết đã "làm đau nghìn trang giấy" để có 63 bài Đường luật, đẹp như trăng và trong như sương.
 

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc