NINH GIANG THU CÚC

  

 
Tôi Đọc “MẸ” Của Nguyễn Quang Cương
 
Mỗi người mẹ đều giống nhau ở lòng thương con vô hạn một niềm thương không bày giải, không đo đếm cân đong, không hợp đồng đối lưu theo kiểu thị trường mua bán, từ ngàn xưa đến ngàn sau vẫn vậy mà thôi.
Còn phần con thì sao? Chúng ta đã làm gì được gì cho mẹ mình chưa khi đã trưởng thành khôn lớn?
Trong chúng ta ai cũng đã từng làm con, đã từng được mẹ nhường cho chỗ ráo để lăn và chỗ ướt mẹ dành nằm không chỉ khi ta còn nhỏ dại…Ôi lòng mẹ, lòng mẹ là biển hồ lai láng, bao dung.Chúng ta xưng tụng bao nhiêu cho vừa và cho đủ.
Đạo lý và nền giáo dục Đông phương luôn dạy ta về hiếu hạnh cho thấy, nghe bao tấm gương hiếu hạnh của người xưa, có một ông vua của đất nước này đã từng dâng roi cho mẹ đánh mình bởi tội đi chơi về trễ, một người con gái nhà nghèo khi được dự một buổi ăn ngon đã để dành phần mình đem về biếu mẹ.Trên quê hương Bình Định còn lưu truyền tấm gương hiếu hạnh của Hoàng Giáp Trần Bính San về chuyện tấm lụa Hà Đông và cây roi mây của bà thân mẫu.Tất tất những người con có hiếu đều tâm niệm phải làm gì, phải sống ra sao để đền ơn sinh dưỡng, biết nghĩ suy về công ơn cha mẹ, về nỗi nhọc nhằn năm nắng mười sương của mẹ mình.Mỗi người con biểu tỏ lòng biết ơn và lòng yêu kính mẹ bằng cung cách riêng của mình, mỗi bản nhạc, mỗi bài thơ viết về mẹ đều mang cung bậc khác nhau nhưng điểm chung nhất vẫn là lòng kính yêu chúng ta dành cho Mẹ.
Chúng ta nghe nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Quang Cương viết về mẹ mình:
Thuở con khóc oa oa , cha mẹ với ông bà
Nhiều đêm trắng thức cay tròng mắt
Chỗ ướt mẹ nằm, nơi chiếu khô mẹ đặt
Con nằm thế thế suốt mùa đông.
Mẹ là vậy, những bà mẹ Việt Nam là vậy:
Chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn
(Hát ru Việt Nam)
Và:
Những buổi chợ hôm, chợ huyện gánh gồng
Quên lá trầu xanh, bánh cho con mẹ nhớ
Những khi con ấm mình trở gió
Mẹ bế bồng lội suốt đêm thâu.
Cái gì thuộc sự thụ hưởng của mẹ đều được xếp vào loại thứ yếu, nhu cầu của con mới là hàng đầu, là số một.Mẹ nhịn từ miếng trầu – mà miếng trầu ngày xưa đối với người phụ nữ là đầu câu chuyện, là biểu thị cho sự mặn mà đằm thắm duyên nhau, trên bước đường từ nhà ra chợ hay từ chợ trở về có một miếng trầu nhai vào cho ấm dạ, cho hồng má đỏ môi thì tuyệt vời biết mấy – thế mà mẹ vẫn cố tình quên mà đồng quà tấm bánh cho con mẹ luôn luôn ghi nhớ.
Nhà thơ Tản Đà từng viết:
Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đứa đứa về dần
Xa xa con đã đến gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn
Cơm dưa muối khó khăn mới có
Của không ngon nhà khó cũng ngon
(Tản Đà)
Thì mẹ của Nguyễn Quang Cương:
…Mẹ đón trường gần, trường xa ngóng đợi
Có miếng ngon để dành phần mẹ chút rau dưa
(Mẹ - NQC)
Rau dưa phần mẹ, rách rưới phần mẹ, lạnh mùa đông, nóng mùa hè là mẹ - chỉ mong sao con no ấm đủ đầy, không chỉ nhịn phần mình cho con mà còn cho khách của con, chỉ cần thấy con vui là mẹ hạnh phúc lắm rồi cho dù niềm vui của con là nỗi lo âu, là nợ nần chồng chất của mẹ, mẹ lùi lại đằng sau cho con tiến lên phía trước cho được bằng chị bằng em.
Cũng ở khoa Văn của trường Đại học Quy Nhơn năm 1993 giáo sinh TĐS đã có bài thơ viết cho mẹ:
Mẹ ơi như một dòng sông
Suốt đời chở nặng trong lòng phù sa
(Viết từ một khúc ca dao - ST)
Nhưng trước đó (1985) thầy Nguyễn Quang Cương đã viết:
Như dòng sông vỗ xanh bãi sa bồi
(Mẹ - NQC)
Vâng, thầy trước, trò sau họ đều nói lên tấm lòng như biển như sông của mẹ, họ đều hiểu mẹ là nguồn mát ngọt muôn đời của mỗi đứa con.
Vành nón xạm gió đồng lay lật mãi
Bóng nghiêng xuống mùa màng gặt hái
Suốt một đời cứ thế sống cho con.
(Mẹ - NQC)
Cứ thế và cứ thế những bà mẹ Việt Nam hy sinh mọi thứ kể cả hạnh phúc riêng tư chỉ vì con và cho con.
Chủ đề Mẹ là một chủ đề viết đến muôn đời vẫn chưa cạn kiệt, viết cách nào về sự thương yêu dành cho mẹ vẫn gợi được sự xúc động và đồng cảm của mọi người.
Tôi thật sự xúc động khi đọc bài “Mẹ” của nhà giáo Nguyễn Quang Cương.
 
Trại sáng tác Đà Lạt 07/2003
 

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc