NINH GIANG THU CÚC
 
“TÔI ƠI”
Tiếng Gọi Thảng Thốt Của Nỗi Cô Đơn

 
Vui mừng và ngạc nhiên – ngạc nhiên bởi từ lâu lắm không được Hoàng Nam Hiên cho đọc thơ, sự im hơi lặng tiếng trong 11 năm trời của chị từ sau “Vầng Trăng Nghiêng” ra mắt bạn đọc vào năm 1997, Ninh Giang Thu Cúc tưởng chị đã rời nghiên bút, giã từ nghiệp chướng đa đoan để tìm vui với đàn cháu nội.
Nhưng không phải thế trời ạ. Mười một năm chỉ là sự ẩn mình để hạ thủ công phu, chắt lọc ngôn từ, cách tân thể loại để có thi phẩm “Tôi ơi” hôm nay cho chúng ta thưởng thức và chiêm nghiệm.
Tôi thật sự hân hoan đón nhận tặng phẩm giá trị do tác giả ưu ái gởi tặng, nhưng sao lại trào nước mắt và ngậm ngùi khi nhìn tựa sách đang nắm trên tay…
“Tôi ơi” tác giả tự gọi mình trong nỗi chông chênh, trong cô đơn tuyệt đỉnh của kiếp người nặng nợ giữa ta bà…
Ngược dòng thời gian; bao bằng hữu đều yêu quý chị và thơ chị, càng trân quý hơn bởi chị là một quả phụ, một cô phụ mà tuổi đời ở độ “Trẻ chưa qua già chưa đến” gồng mình phấn đấu giữa chợ đời xao xác để:
“Một mình một bóng nuôi con
Quay nghiêng đất lệch quay tròn trời nghiêng
Héo hon thâm mắt đường viền
Bát cơm manh áo từng phen ngặt nghèo”
 
Nghĩa vụ thiêng liêng của người phụ nữ Việt Nam–chị đã làm tròn – thờ chồng và nuôi dạy con cái trưởng thành, niềm hạnh phúc lớn của mỗi người mẹ mà Kim Chi là cá nhân điển hình tiêu biểu.
Nhưng khi mọi việc đã viên thành; nhìn lại mình chị thấy:
… Chỉ còn ta và trăng lạnh
Mắt hoàng hôn khép đơn côi
(Thảng thốt – HNH)
Ôi! Nỗi niềm chung của bao người!
Về thi thuật ở “Tôi ơi” đã có bước cách tân về ngôn ngữ và cách trình bày, chẳng hạn như ở thể loại lục bát chị đã làm mới, bằng cách ngắt nhịp xuống dòng chứ không viết nguyên từng vế 6 – 8 như truyền thống, vì thế khi mới nhìn qua ta cứ tưởng chị làm thơ tự do, ví như bài “Mơ hồ”:
Mơ hồ
nửa kiếp
rong chơi
Đốt trăm năm
giữa dòng đời
đảo điên
Nghe
khuya khoắt
bước chân chìm
Vết roi
định mệnh
từng đêm
giật mình.
Lại có những cụm từ mới và sáng tạo như “nắng cong” ở bài “Một ngày”:
… Nắng cong
Khoảng trời kỷ niệm…
Đó là một trong nhiều đổi mới ở “Tôi ơi”. Lại nữa, toàn tập “Tôi ơi” với 63 bài – tôi tìm mãi vẫn không thấy một bài Đường luật nào của chị?!
Có áp đặt không – khi tôi nghĩ hình như đa số người đàn bà làm văn chương; đều thấy mình cô đơn cùng cực và hiu quạnh đến nao lòng… nhìn quỹ thời gian gần cạn kiệt, tóc xanh ngả màu sương khói, người thơ chợt thấy:
… “Còn gì sau những long đong
Bờ vai rã rượi gánh gồng trăm năm
Thuyền lênh đênh
Sóng thăng trầm
Ước mơ xưa
Biết bao lần khói sương…”
(Nói với – HNH)
Tôi có ngoa ngôn khi bảo: Mỗi người cầm bút (thật sự) đều tự nhận lấy bổn phận “Văn dĩ tải đạo”, họ ôm ấp nhiều ước mơ phụng hiến, nhưng khổ nỗi:
“Đâu rồi
tiếng nói
trung trinh
Ai đem tâm thức
hóa thành máu xương…”
Với muôn ngàn nỗi chao chát của sự đời, của tình đời, khiến người thơ bâng khuâng thao thiết:
… Lương tri ẩn hiện
mong manh
Con tim chính khí
gập ghềnh lối đi
Trắng tay
biết viết thêm gì
Cõi đời
thật giả
tư duy
lỡ mùa…
(Tự hỏi – HNH)
Đúng vậy, biết viết gì, nói gì, làm gì, giữa cõi thiên địa hỗn mang rẫy đầy tai ương dịch họa, diễn ra từng ngày từng mùa trên xứ sở thân yêu, mà ông cha ta đã bao đời lao tam khổ tứ góp sức chung tay xây dựng (?!)
Thôi đành:
Ngậm ngùi cái kiếp phù sinh
Làm gì để được là mình – Tôi ơi!
Chúng ta điểm và đọc 63 bài thơ trong thi phẩm với sự sẻ chia đồng cảm cùng tác giả “Tôi ơi”!
 
(Quy Nhơn đầu hạ 2009)
 
 Quặn Lòng Người Xa Xứ

 Chân bước đi mà lòng quay trở lại đau thắt lòng trên đất khách mỗi nắng xuống chiều lên; lạnh tái tê cho bao kiếp tha phương bị lạc loài nơi cầu sương điếm cỏ hay được đề huề trong cửa rộng nhà cao (!)
Xúc động đến trào nước mắt với lời nhắc nhủ:
Người cứ hẹn, chưa chịu về thăm Huế
Bởi chưa thể về được nên tác giả cho kẻ đi xa tự ru mình bằng khúc “Hành phương nam”, kiếp phiêu bạc cùng gặp nhau ở đỉnh điểm của nỗi đau:
Phương nam hành đành vỗ điệu du ca
“Đành vỗ điệu du ca” giá có Ngô Cang ngồi đây khi tôi viết đến năm từ ấy tôi sẽ không ngần ngại hét vào vào tai anh ta “Cậu tài lắm!”. Với một chữ “đành” rất chi khiên cưỡng nhưng vì được đặt đúng chỗ nên đã làm bật dậy đầy đủ tình và tứ của bảy chữ trong câu, chắp cánh cho câu thơ bay cao đầy thuyết phục, rất thành công về nghệ thuật xử lý ngôn ngữ và nhạc điệu.
Hai câu sau và hết khổ thơ thứ 2 (bài nầy có 4 khổ) chỉ mang tính tự sự và hoài niệm. Nhưng dễ thương biết bao khi người đọc “thấy” tác giả đang ở trong trạng thái nghe ngóng, hình dung:
Huế vẫn đợi, người về tay gõ cửa
Tác giả đợi hay Huế đợi?!
Mà đâu phải chỉ đợi trong một sớm một chiều, mà nỗi đợi chờ khắc khoải:
Qua bao mùa Xuân hạ nhớ Thu đông
Nhưng, người ở cứ đợi, kẻ đi vẫn:
Người cứ hẹn tháng năm dài lần lữa
Chưa quay về thăm lại một dòng sông
Người đi chưa trở về được bởi “áo cơm trói buộc câu hò hẹn”(*), kẻ ở vẫn cứ sáng chiều thương nhớ đau đáu ngóng chờ…
Ơi tình quê! Ơi hồn quê!!!
Một miền quê hương mưa dầu nắng lửa hứng chịu, hứng chịu bao mất mát đau thương do tai trời ách đất, do hạn hán mất mùa, song vẫn tự hào thi gan cùng tuế nguyệt để xứng đáng với tên gọi: Thừa Thiên.
Với những nét mang tính biểu trưng của một miền đất vừa mộng mơ êm đềm, vừa phũ phàng khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, đã được tác giả khắc họa, gởi gắm thật đậm nét, thật thâm trầm qua hai câu đầu của khổ cuối da diết đến bật khóc khi dán mắt vào:
Lạnh lưa thưa mưa ướt dầm mái phố
Gió lay phay ray rứt ở trong lòng
Rứa đó, đó là tất cả của xứ Huế, của người Huế, rất hình ảnh rất Tâm Trạng trong những tháng ngày đất trời Thừa Thiên Huế - mắc phải bệnh: Mưa dầm…
Còn đây:
Người nhớ Huế sao chưa về với Huế
Nhắn giùm ai – mai nở - Mạ chờ mong!
Vâng, xin cảm ơn Ngô Cang, xin cảm ơn quê hương.
Với hai câu kết trên, phạm vi sỡ hữu của cái riêng không còn nữa, không còn mạ của anh, mạ của chị, mạ của em, mà chỉ có Mạ của chúng ta – một Mạ Huế đang dang tay đón đợi bao đứa con xa xứ quay về.
rong văn học và thơ ca, sự thẩm thức thường tùy từng tâm trạng để từ đó đi đến thẩm định giá trị của tác phẩm. Bởi thế riêng với tôi “Gửi người xa Huế” là một bài thơ có giá trị cao về kỹ thuật, thi pháp và nghệ thuật. Bởi nó được đảm bảo bằng ba yếu tố: Ý, Tứ, Từ.
 
(*) NGTC

Một “Trái Buồn” Đa Nghĩa Của Nhất Lâm 

 Phố Nắng
 
Nhất Lâm
 
Có chàng ra phố hát rong
Để cô gái trẻ bỏ chồng đong đưa
Tiếng đàn rơi xuống nắng trưa
Mơ màng lá ngủ rặng dừa chết ngây
Vỉa hè xao động bóng cây
Tiếng ve hoà điệu buồn lây nắng hồng
Mắc chi mà sớm luỵ vòng
Cầm ca duyên nợ tang bồng em theo
Tiếng đàn phố nắng chàng gieo
Chừ cô gái trẻ mang theo trái buồn.
 

 
“Phố nắng” là bài thơ của Nhất Lâm được đăng ở trang thơ dự thi của Tạp chí “Sông Hương” Thừa Thiên Huế số tháng 3/1997. Với mười câu lục bát được hình thành thật dễ thương về vần điệu, tiết tấu, âm hưởng nhẹ nhàng, ý sâu sắc, tứ thơ ngồ ngộ thoáng nghe như chuyện “ba lơn” vậy. Đúng là tính cách của Nhất Lâm …
Có chàng ra phố hát rong
Phải chăng cái chất tiếu ngạo của tác giả đã lây lan sang nhân vật?
Máu bảo vệ giới tính trong tôi dâng cao khi dừng mắt sau câu tám thứ hai:
Để cô gái trẻ bỏ chồng đong đưa
Không biết nên giận ai đây – giận tác giả dám xúc phạm phụ nữ với lời lẽ vu oan giá hoạ, hay giận cô gái trẻ - người thiếu phụ hư thân trắc nết đáng xử phạt “lăng trì” bởi cái tội bất phục tam tòng, dám bỏ chồng đi rong chơi đong đưa nhún nhảy với:
Tiếng đàn rơi xuống nắng trưa
Tiếng đàn lãng tử mà sức thuyết phục cao đến nỗi hoa lá cũng ngây tình xao xuyến, và tấm thân dừa cao tám thước tàng lá rợp một vùng để che mưa nắng cho bao khách bộ hành cũng quên đi bổn phận của mình, mà đứng chết ngây vì si dại, nắng cũng u buồn như tiễn bước ai đi. Ôi! Cây đàn muôn điệu!!!
Song, bao niềm vui nỗi buồn trên chỉ là sự đan chen một chút lãng mạn chơi vơi, một nét chấm phá lung linh giữa hai bờ mộng thực, sang đến câu thứ sáu và xuống hết bài, người đọc bàng hoàng đau xót cảm thông với nỗi ray rứt – lòng tự hỏi lòng của người thiếu phụ:
Mắc chi mà sớm luỵ vòng
Cầm ca duyên nợ tang bồng em theo
Phải chăng, hơn một lần vì nhẹ dạ lạc lòng người thiếu phụ trẻ bị gã hát rong chinh phục bởi chút hào quang của cái gọi là : “Tang bồng hồ thỉ nam nhi chí” quá hào hùng chính khí, nên đã không ngần ngại gởi phận trao thân.
Hỡi ơi! Khi canh tàn mộng tỉnh đối mặt với tình nhân, ánh hào quang phỉnh phờ bay biến, gã hát rong vẫn chỉ là gã hát rong với tất cả thực thể được phơi bày : Rúm ró, tan thương !
Đã quá muộn màng cho một sự đớn đau bởi hậu quả của cuộc tình mê muội - người thiếu phụ chỉ còn lại “Một trái buồn” để ôm ấp đến thiên thu !
 
Xóm Trường An – Huế 1997
NGTC
  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc