NINH GIANG THU CÚC


Từ Hoài Niệm Đến Tâm Niệm
Của HUỲNH NGỌC LIỄN
 
Cầm tập bản thảo viết tay sạch sẽ với nét chữ đều đặn chân phương – đấy là sự nghiêm túc cẩn trọng của một nhà giáo làm thơ đã cho người đọc một ấn tượng tốt đẹp, quý mến tác giả khi lật mở từng trang bản thảo.
          Ngoài khổ thơ tứ tuyệt thất ngôn mở đầu như một lời phi lộ dẫn dắt người thưởng lãm đi vào nội dung thi phẩm, tôi đọc đến trang 91 với bài thơ ngũ ngôn có tên gọi “Bảy Mươi Bài Thơ” mới thấy sự khiêm tốn rất dễ thương của tác giả Hoài Niệm.
Bảy mươi bài thơ cóc
Kỉ niệm xuân bảy mươi
Buồn vui xem cũng bộn
Mưa nắng trải một đời
...
Bảy mươi bài thơ cóc
Một niềm mong chung qui
Gieo yêu thương chia sẻ
Luôn nét hồng trên mi
          Tác phẩm Hoài Niệm có bảy mươi (70) bài thơ (trừ bài đầu và bài cuối) với nhiều cách thể hiện, thì đã có sáu mươi bài (60) được hình thành bằng thể loại thất ngôn bát cú luật Đường.
          Dọc dài theo hành trình bảy mươi năm từ khi “Mẹ cho mang nặng kiếp người”, người thơ Ngọc Liễn bằng ý niệm và ý thức của một tại gia Phật tử; tác giả an nhiên tự tại trước những mất còn dâu bể, thế sự đa đoan, chấp nhận gian truân, khổ đau, và hạnh phúc, như lẽ thường hằng với tinh thần bát nhã Văn – Tư – Tu, sung sướng không tự đắc khoe khoang, khổ đau không ưu phiền vật vã.
Lúc thịnh chẳng khi nơi cố dã
Khi suy không hổ tử tôn huỳnh
(Viếng mộ ông nội – HNL)
          Nỗi nhọc nhằn của Mẹ một thời sương lạnh đẫm vai gầy để cho con – cái ăn, cái mặc, cho con chữ nghĩa sách đèn, tác giả đã tôn vinh Mẹ qua bao vần thơ đặc tả
... Đêm đêm ngồi hấp bánh
Cho ấm đàn con thơ
Sớm mai vai gánh nặng
Đường xa mẹ qua đò
Nuôi con bằng chiếc bánh bò
Ru con bằng vạn lời thơ tâm tình
...
Vào khuya nghe tiếng chuông chùa
Vai gầy trĩu  nặng xuống đò đau thương.
          Bài Thơ Bánh Bò – với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều hồi ức sinh động đem đến cho người đọc sự quý trọng các bà mẹ một thời lam lũ vì con, ở đây người đọc phải cảm thông ý tưởng dồn dập của tác giả khi “trải lòng” mà bỏ qua phần kĩ năng sáng tác...
          Trở lại với mảng thơ Đường luật của nhà giáo Huỳnh Ngọc Liễn, người đọc mới thấy được mặt mạnh của tác giả về thể thơ khắc nghiệt này – sáu mươi bài thơ Đường luật là sáu mươi niềm tâm sự – sự thành kính nhớ thương đối với các đấng sanh thành, đối với quê cha đất tổ, đối với sông núi cảnh quang gấm vóc của ba miền đất nước thân yêu, trong mảng tự sự và thuật sự ấy, ta thấy tác giả đã dành nhiều bài viết về gia đình bằng niềm hạnh phúc và lòng biết ơn thật tế nhị đối với người vợ tao khang qua bài: Thương quá một mình:
Một mình đâu nệ lúc chồng xa
Quán xuyến trước sau việc nước nhà
Bốn nhỏ lá mầm đòi bế ẵm
Một mình thân cội cõng bồng na
Đói no nào quản thân cò cuốc
Ốm khỏe chi nề nưa nắng sa...
          Một người vợ như thế, một người mẹ như thế làm sao tác giả không trân trọng được!
          Một gia đình đầm ấm với con hiếu, dâu hiền, rể thảo, đã là cảm hứng để tác giả hạ bút đề tặng những cuộc hảo lương duyên của một Nguyên Vũ, Trọng Vũ, Anh Vũ, Cẩm Vũ, xin chúc mừng hai nhà giáo Ngọc Liễn, Cẩm Nhung.
          Sáu mươi bài thơ Đường luật với ý tưởng phong phú, nội dung mạch lạc, niêm luật chững chàng là sợi chỉ hồng xuyên suốt – đánh dấu tuổi bảy mươi của tác giả, đấy là trò chơi tao nhã của khách hàn mặc, là món quà sinh nhật quý báu mình tự tặng mình, của người thơ Ngọc Liễn.
          Và tôi (NGTC) người được tác giả ưu ái gởi bản thảo nhờ đọc và nhờ nhận xét thi thuật xin được trả lời rằng:
          - Thi thuật, nghệ thuật tuyệt vời nhất của tác giả, là đã sáng tác bằng trái tim nhân ái, bằng lòng hiếu kính với tiền nhân, bằng gia phong nề nếp đang hiện hữu trong đời sống của đôi bạn đời Ngọc Liễn, Cẩm Nhung đó là một nghệ thuật vô giá.
          Vô cùng cảm ơn tác giả và xin trân trọng giới thiệu tác phẩm Hoài Niệm đến với bằng hữu, và bạn đọc gần xa.
Ninh Xuân Thư Trang đầu xuân Đinh Dậu 2017
Nữ sĩ Ninh Giang Thu Cúc

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc