NINH GIANG THU CÚC


Vợ Chồng Son
 
Bà Tâm rùng mình với tay lấy cái áo len nhẹ khoác vào người đưa mắt ra nhìn màn mưa đan dày đặc và bầu trời u ám một màu chì, quay lại nói với ông Tâm đang treo mắt lên màn hình tivi theo dõi mục “Dự báo thời tiết”:
- Nhìn trời đất này sao tôi nhớ làng xóm của mình ngoài nớ quá ông ơi!
- Ừ, tôi cũng rứa bà nó à, mà có nhớ cũng đành chịu chứ làm răng mà về.
Như động đến nỗi đau đang giấu kín bà Tâm ôm mặt nấc lên:
- Dạ, làm răng về hở ông, tôi cứ nhớ - ngày xưa còn ở ngoài quê như ri mà lại gặp ngày chủ nhật hay nghỉ lễ ngồi nhà – là thế nào tôi cũng chạy ra vườn nhổ một bụi củ mì, chặt vài tàu lá chuối sứ đem vào; lột sắn mài thành bột, nấu đậu xanh làm nhân gói vài chục cái bánh gói, trong khi chờ đợi bánh chín, tôi chạy qua hàng xóm kêu mấy đứa bạn, tiện tay hái mấy trái ớt “mọi” ở cây ớt bên gốc chuối, ít phút sau quanh rổ bánh bốc hơi nghi ngút là một bầy con gái con trai, đứa lột bánh đứa xé ớt vào nước mắm vừa ăn vừa hít hà bởi cay quá, có đứa vừa húp nước mắm vừa la: ớt chi cay lạ, bánh ngon chi lạ! Mà bánh ngon thiệt, cái ngon của tình làng nghĩa xóm, chừ mình ăn không thiếu một thứ bánh đắt tiền nào mà sao tôi cứ nhớ và thèm mấy cái bánh bột mì tươi đó hoài ông ơi…
Ông Tâm chặc lưỡi:
- Bà thì nhớ đủ thứ hết cứ gì mấy cái bánh ấy - mưa nầy – hồi xưa bà không đạp xe đi lang thang hết thành phố Huế ấy à.
Bà Tâm ngậm ngùi:
- Thôi, ông đừng nói nữa buồn lắm, nhớ lắm!
**
Ngày xưa, ông bà Tâm cưới nhau vừa tròn một tháng thì vì yêu cầu công tác, hai vợ chồng trẻ đành lìa quê hương cha mẹ dắt díu nhau vào thành phố nầy, chỉ tưởng một đôi năm lại được chuyển về để sống gần cha mẹ, nào ngờ cứ bị trở ngại nầy đến vướng bận khác – những trở ngại nội tại và khách quan – đã cầm chân ông bà Tâm trên mảnh đất duyên hải đã ba mươi năm nay. Ba mươi năm trên đất khách quê người vợ chồng ông bà Tâm chẳng thể nào quên được những kỷ niệm: từng sáng, từng chiều của một thuở thanh xuân, những buổi đến trường của tuổi học sinh sinh viên đã một thời xa tít tắp. Cơm áo của miền quê cắt rốn chôn nhau đã nuôi nấng đào tạo ông bà Tâm từ thơ ấu đến trưởng thành, rồi sẵn sàng để ông bà đi phục vụ một miền quê khác, hẳn nhiên mọi miền nào trên mảnh đất hình cong chữ S nầy lại chẳng là quê hương, song nào ai cấm ông bà Tâm ray rứt khổ đau với suy nghĩ là suốt một chặng đường tuổi trẻ đầy sung mãn về trí, lực, ông bà đã chẳng trực tiếp đóng góp được chút gì cho quê nhà ruột thịt, cho họ mạc xóm làng, với mặc cảm nặng nề ấy khiến ông khó có thể trở về nương náu chốn cội nguồn trong những ngày cuối đời.
Bà Tâm, một người mang nặng chất đa cảm mộng mơ tự thuở tóc còn để chỏm; đã qua thời xuân sắc theo một cuộc hôn nhân, một đời làm dâu làm vợ, một thân phận đàn bà với tám lần mang nặng đẻ đau đã biến cô sinh viên xinh xắn một thời sôi nổi với bao cuộc đấu tranh, với bao đợt xuống đường thời Pháp nạn, giờ đây trở thành bà già với một chuỗi bênh tật ốm đau. Hai ông bà sống cô độc trong ngôi nhà rộng thênh thang nhưng thiếu tiếng nói cười của bầy con – bởi cũng như ông bà chúng như chim non đủ lông cánh là tung bay ra bốn phương tám hướng để kiếm mồi và ông bà ngồi đây như một phiên bản xa xưa của những bậc sinh thành ra vợ chồng ông. Chuyện ông bà Tâm không được sống với cha mẹ tại quê nhà chỉ là vì cảnh ngộ, từ chuyện thương nhớ quê hương, tưởng nhớ đến những “cây cao bóng cả” của ông bà giờ đã thành người thiên cổ, bà Tâm chạnh lòng nghĩ đến cảnh sống hiện tại của mình…
Vợ chồng ông bà Tâm có được tám đứa con, cái thời bao cấp củi lửa dầu đèn lương thực đều được giải quyết bằng tem phiếu, với đồng lương của công nhân viên chức “lưu dung” ông bà đã phải cắn từng hạt thóc lẫn trong gạo, đã từng lọc nước tro giặt đồ thay xà phòng, dè sẻn từng hào nuôi bầy con ăn học, tám tấm bằng đại học đỏ chói của chúng nó như được thắm đẫm mồ hôi và máu của ông Tâm bởi những lát rựa phạm vào tay và bàn chân nứt toát, oằn vai ì ạch lắc lư vác từng vác củi ở tận đỉnh đèo Cù Mông, Vân Canh ra ga tàu lửa “quá giang” về. Một tháng có mười lăm ngày đêm phục vụ ở cơ quan y tế và mười lăm ngày đêm lặn đèo leo núi kiếm thêm thu nhập để chi phí sách đèn cho bầy con. Bà Tâm ngoài giờ dạy học là ngược xuôi về các chợ mua bán từ củ khoai trái chuối, gặp gì mua nấy, gặp gì bán nấy miễn sao kiếm được chút lời, mặc nắng mưa khuya sớm – cứ nhìn thấy bầy con ăn no mặc ấm học hành chăm ngoan là bà quên hết nhọc nhằn cực nhục. Ngày lại ngày vợ chồng ông bà gò lưng làm lụng với tâm niệm tất cả cho tương lai bầy con, có những lúc quá vất vả tưởng như không gượng nổi, ông bà Tâm lại động viên nhau bằng viễn cảnh ngày mai khi con cái thành đạt có công ăn việc làm vững vàng, lúc ấy ông bà sẽ được thong thả… bởi: “Trẻ cậy cha, già cậy con”, ông Tâm vẫn thường động viên vợ bằng câu tục ngữ trên và cũng thường to nhỏ tâm sự, tâm tình cùng vợ:
- Bà với tôi không khổ đâu đừng lo – vợ chồng mình ăn ở có hiếu để với ông bà cha mẹ, lo cho em út hết mình, trời đất nào để mình khổ, mà làm sao khổ được khi mình có tới tám cái nhà “băng”, gắng lên lo cho con cái tới bờ tới bến bà ơi. Thế là có đồng nào hai vợ chồng đều ký thác vào tám cái ngân hàng di động ấy mà chẳng hề dành dụm chút riêng tư để “phòng hậu” như các bậc đi trước có kinh nghiệm dặn dò.
Lúc tám đứa con thành đạt cũng là lúc ông bà Tâm nhận quyết định về hưu, thấy rằng đã đến lúc tìm niềm vui bên con cháu ông bà liền tổ chức một cuộc họp mặt gia đình. Cuộc sống xô bồ và quá thực tế của xã hội mà cái gì cũng được quy ra bằng tiền, người ta hùng hục chạy theo đồng tiền với tốc độ chóng mặt. Ông bà Tâm ít khi được gặp gỡ con cho nên khi chúng về quây quần đầy đủ hai ông bà mừng vui như tết, vợ chồng cậu con cả hỏi mẹ giọng như reo:
- Má định phân chia tài sản nên gọi tụi con về phải không?
Cậu út tiếp lời anh cả giọng phấn chấn:
- Má chia mỗi đứa mấy cây hở má, thôi cho tiền mặt để tụi con làm ăn chứ cây cối đi đổi mất công.
Cô con dâu thứ ba thấy chồng im lặng bèn giục
- Anh xin má đi chứ.
- Em nôn nóng gì, má công bằng lắm đứa nào cũng có phần mà lo.
Ông Tâm đưa mắt nhìn từng đứa con, dâu, rể, cất giọng ngậm ngùi:
- Việc gì cần làm cho các con – ba má đã cho rồi – lo công ăn việc làm ổn định, lo dựng vợ gả chồng yên ấm, bây giờ ba má không còn gì hết, chỉ còn hai tấm thân đứa nào muốn nhận thì nhận.
Không khí phòng khách chùng xuống, yên ắng đến rờn rợn, những tia nhìn thất vọng bực bội len lén đổi trao, quang cảnh bỗng dưng trang nghiêm như phút giây truy điệu ở nhà tang lễ. Bà Tâm rùng mình đưa tay run run cầm tách trà uống từng ngụm nhỏ và nghiêng người ôm bé gái vào lòng:
- Bé Cỏ về ở với ông bà nội nhé, bà dạy cháu học và chơi đàn thập lục.
Cô dâu lớn giằng con ra khỏi tay mẹ chồng cong cớn:
- Bà nuôi Cỏ bằng gì hở, có bao nhiêu cho con gái hết, còn chi mà cháu nội cậy trông.
Cô con gái vụt đứng dậy, bà Tâm thảng thốt cất giọng nhòa nước mắt:
- Đừng, đừng, các con đừng nghi ngờ cho em, tuy nó là con gái độc nhất nhưng không vì thế…
Ông Tâm khoát tay chận lời vợ:
- Bà không phải bận tâm phân trần, tôi nghĩ là các con nó đùa cho vui ấy mà.
Thằng con đầu rít lên, giọng lạnh băng xa xôi như từ cõi âm ti vọng lại:
- Hoàn toàn nghiêm túc chứ không đùa đâu ba à, ba má làm lụng mấy chục năm trời chẳng lẽ không có gì để lại cho con cháu hay sao, bảy thằng con trai có danh vọng và địa vị như thế nầy mà ba má không hãnh diện và không ưu tiên gì cho chúng nó, lại đi lo cho vợ chồng cô con gái, con nói thiệt lương giáo viên của vợ chồng nó chưa đủ cho con nhậu một chầu đâu má à – nhưng má có thương thì phải thương đều, chưa kể thuyết “Nhất nam viết hữu” của người xưa, ba má quên rồi sao.
Xong một tràng diễn văn hùng hổ và nghịch lý đến muốn nôn ọe, thằng con trai hùng dũng kéo vợ con phóng xe rào rào ra khỏi ngõ, mấy cặp còn lại lục tục đứng dậy, thằng con rể hắng giọng:
- Để tránh sự hiểu lầm của các anh chị, từ nay con không cho vợ con về chợ đò chăm sóc gì cho ba má, kẻo không các vị ấy lại tưởng chúng con về bòn rút…
Từ sau lần gặp gỡ ngắn ngủi (nhưng đầy nước mắt của bà Tâm), vợ chồng ông bà tự xoay sở mọi mặt trong đời sống rồi lại an ủi động viên nhau:
- Bà buồn làm chi cho hại sức, bổn phận cha mẹ chúng ta đã làm tốt, là mẹ - bà đã chuẩn bị thật đầy đủ hành trang cho con cái vào đời – bà nên tự hào về những việc đã làm, nếu phải buồn và ân hận thì kẻ ấy phải là tôi; vì rằng tôi đã nuôi quan niệm cổ hủ cứ nghĩ đẻ nhiều con là nhà có phước, là được dài dòng lớn họ, là có nhiều người để nối dõi tông đường, để áo khăn trắng đường khi chết. Với suy nghĩ ấy tôi đã bắt bà sinh đẻ quá nhiều, bà vất vả để bây giờ mang đủ thứ bệnh tật. Nếu tôi biết sớm, ý thức được kế hoạch sinh đẻ thì bây giờ chúng ta đâu nghèo khổ bệnh tật mà lại còn của ăn của để. “Hậu sinh khả úy” tôi tin rằng các thế hệ sau sẽ khôn ngoan hơn bằng kinh nghiệm máu xương của cha mẹ chúng nó để lại.
Tiếng loảng xoảng lôi bà Tâm ra khỏi vùng hồi ức, bà đứng lên co ro đi xuống nhà bếp giành bó rau muống từ tay ông Tâm:
- Thôi, ông lên xem tivi đi, món rau xào và thêm gia vị vào nước luộc rau để làm canh thì trừ tui ra không ai làm ngon và vừa miệng ông.
Ông Tâm cười:
- Có ai chối cãi điều đó đâu, dân gian ta đã có câu “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”
Bà Tâm cúi đầu với suy nghĩ “không bằng” cũng được miễn sao con cháu chăm sóc cha mẹ ông bà với tình thương sâu đậm, với ý niệm:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Bên mâm cơm thanh đạm, bà Tâm kéo cao cổ áo len và đưa hai tay ôm ngực cố nén một cơn ho. Ông Tâm lặng lẽ đứng bên bà trên tay là hai viên thuốc và ly nước lọc, trên màn ảnh nhỏ VTV3 đang chiếu quang cảnh chúc thọ của một gia đình nào đó.
Uống thuốc xong bà Tâm vui vẻ:
- Ăn cơm đi ông, bà con trong xóm nầy bảo chúng ta là vợ chồng son đó ông à.
- Ừ, vợ chồng son?!
Bà Tâm nhìn quanh ngôi nhà rộng.

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc