NINH HẠ
 
Cội Mai
           
 ( Trích Tập Truyện Cơn Giông ngày Về)
                                          
            Mai Trúc giật mình hốt hoảng thức giấc bởi tiếng chuông cửa bị giật liên tục, khẩn cấp.  Saigon tháng cuối năm trời se lạnh. Ngày đến chậm.     Sáu giờ sáng mà hãy còn tối mịt.
            Tim đập mạnh. Hồi hộp lo sợ, Trúc cuống lên tỉnh ngủ.           
            Thôi rồi! Tối hôm qua mới lén mua chịu được thùng thuốc tây, quà của chồng con bạn ở Mỹ gửi về. Hôm nay định bương sớm ra khu chợ trời bán chui, gom tiền đủ tối mang trả. Kín đáo, cẩn thận.  Trông trước ngó sau.  Thế mà hàng xóm có tên khốn kiếp nào rình thấy đi báo, nên công an tới sớm xét nhà. Điệu này thì nguy rồi. Thuốc bị tịch thu lấy đâu ra tiền mà chồng cho chủ. Ăn nói làm sao hở trời!             Trúc
rùng mình. Sợ nhất phải trân mình kiểm điểm trước
tổ dân phố. Nhục nhã, đắng cay. Hàng xóm láng giềng thân quen, tối lửa tắt đèn có nhau ngày cũ, chỉ thời gian ngắn đã trở mặt, lên mặt. "Đồ giáo gian! Bỏ dạy đi bán buôn phe phẩy. Trây lười lao động. Ngồi mát ăn bát vàng".  Mấy câu này quen nghe nên cũng chai lì. Nhưng hễ khi chúng xỉa xói, "Đồ vợ sĩ quan ngụy phản động!", thì Trúc đau nhói. Không những chỉ bị hàm hồ sỉ nhục mà như bị đâm xoáy vào vết thương đau đang gánh chịu.    
            Người đâm mũi giáo sắc bén này không ai xa lạ mà chính là con nhỏ nhà đối diện. Trước đây vợ chồng thường khen, con nhỏ vừa đẹp mặt lại đẹp nết. Gặp đâu cũng đon đả, lễ phép thưa thầy thưa cô. Hôm ông già nó chết, thấy gia đình đơn chiếc, anh Nguyên chồng chị, lăng xăng giúp đỡ, đem xe lớn xe nhỏ từ đơn vị về lo ma chay tống táng như người thân. Giờ thì mặt câng câng, lạnh tanh như chưa hề quen biết.
            Buổi sáng Nguyên xách khăn gói đi "cải tạo"...một tháng(!), tối cô ả qua nhà. Mặt vênh vênh tự đắc, chẳng thèm chào hỏi , đi thẳng từ trước ra sau, vòng qua nhà bếp. Đôi mắt lục lọi xoi mói xem "đối tượng" đã đi trình diện chưa, hay còn lẫn trốn ở nhà. 
            Mấy ngàn năm Phật Chúa rao giảng từ bi bác ái thì khó.    
  
            Tiếng chuông thúc bách. 
            Trúc không kịp buộc tóc. Choàng vội chiếc áo len mỏng, chiếc áo chồng mua khi đi học ngoại quốc, nhè nhẹ mở cửa để cho mấy đứa con khỏi thức giấc. Qua miếng sân nhỏ quen thuộc, đi nhanh về phía cổng.  Trúc chưng hửng thấy Thu Thảo, chị ruột của mình, mặt mày hốt hoảng lo âu đang đứng đó. Chị ở xa, tận mãi trên Chợ Lớn.    
            Biến sắc, Trúc lập cập mở cửa, hỏi dồn:  
            "Chị Thảo. Có...có chuyện gì mà xuống sớm vậy?"       
            Lách qua cánh cửa cổng, chị nghẹn ngào chưa nói được. Cầm tay em kéo ngồi xuống mấy cái ghế con bên cái bàn nhỏ kê cạnh cội mai giữa sân.   
            "Thôi nguy rồi em ơi, chồng em...thằng Nguyên ngoài trại cải tạo đang đau nặng...gần chết!"    
            Trúc muốn xây xẩm nhưng ráng bình tĩnh:        
            "Chị...chị nói gì? Sao chị biết? Em nhận được thư anh ấy cách đây mới mấy ngày. Anh cho biết vẫn mạnh khỏe mà. Ai...ai nói cho chị?"         
            Khóc thút thít, chị nói:        
            "Tối hôm qua đi chùa gặp chị Thuyên. Chị ấy nhận được thư Nguyên tuần trước. Nguyên nói bệnh cũ tái phát, xin gửi gấp thuốc và thức ăn bồi bổ."           
            Nghe đến đây Trúc òa lên khóc:  
            "Thôi đúng rồi! Hèn gì mấy đêm nay em không ngủ được. Linh tính không biết chuyện gì. Bây giờ thì thật rồi. Em lo lắm. Xa xôi quá, làm sao đây?"         
            Trúc xuống giọng kể lể:     
            "Lúc còn sinh viên, thức đêm học gạo quá đến nỗi ho ra máu, bỏ dở y khoa. Nay lao động khổ cực, sức kham không nổi, ăn uống đói khát thiếu thốn, tinh thần bị hành hạ...nên bệnh cũ tái phát. Em biết tính anh ấy. Gửi thư về sợ em lo nên mới nhờ chị Thuyên. May ra có chú Huy chạy kiếm thuốc. Thuốc lao bây giờ đắt hơn vàng. Làm sao đây? Trời ơi là trời!"    
            Chị Thuyên là chị dâu. Huy là em ruột chồng, bác sĩ học tập về làm ở bệnh viện lao Hồng Bàng.            
            Trúc chống càm trên gối, thừ người suy nghĩ. Chị Thảo thấy em ngồi bất động, thở dài đứng dậy, uể oải với chiếc nón lá vừa đội lên đầu vừa nói:           
            "Chị về cho kịp đi chợ nấu nướng bày hàng. Đêm qua nghĩ mà lo mà thương cho Nguyên, không chợp mắt được. Nghe còi hụ hết giờ giới nghiêm, chị nhảy chuyến xe lam đầu tiên xuống cho em biết."            
Tiễn chị một đoạn. Dưới ánh sáng vàng vọt của các ngọn điện đường, chiếc áo bà ba bạc màu, chiếc quần tây cũ ngắn, chiếc nón lá rách mốc, đôi dép Nhật đã mòn mỏng, chị tất tả vừa đi vừa chạy về phía bến xe lam.   
Trước đây đi đâu cũng quần là áo lượt, chưng diện đến nơi đến chốn. Nguyên thường trêu.  "Chị đẹp như Thẩm Thúy Hằng thời chưa sửa...mũi!".  Chị mắng.  "Đồ con khỉ!".  Cười khoái. Chồng dạy y khoa không đủ ăn, chị bày hàng chè đậu đỏ bánh lọt trước hiên nhà độ nhật. 
            "Xưa sao phong gấm lụa là.  Giờ sao tan tác như hoa giữa đường!". Trúc xót xa nhìn theo chị.                  
            Thất thểu Trúc quay về nhà.
            Liếc nhìn các con vẫn còn ngủ say. Đi thẳng xuống
bếp, luộc mớ khoai mì cho con dằn bụng đi học. Chẳng bù lúc trước, mỗi buổi sáng phải làm mặt dữ, đập bàn dọa dẫm chúng mới chịu uống sữa. Vừa uống vừa nhăn mặt như uống thuốc bắc. Giờ thì một giọt cũng không có. Dành tiền mua được hộp nào, chúng bảo mẹ để dành gửi cho ba. Nhìn ánh mắt của con, nhất là đứa út lên bảy, chị biết chúng nó thèm lắm.           
            Trúc viết vội mảnh giấy dặn đứa lớn lo cho em ăn và đưa em đi học. Sửa soạn qua loa, vội vã dắt chiếc xe đạp cũ dựng dưới cội mai, mở cổng, đạp vội đến nhà anh chị Thuyên. Trời vẫn chưa sáng tỏ.
                                              
            Đứng trước một biệt thự to lớn tân thời, nhà của anh ruột chồng, Trúc đập cửa.
            Bà vú già trung thành người Nam ra mở.           
            "Mợ Trúc. Mợ đi đâu mà sớm vậy?"                                
            "Ừ.  Có việc. Thầy cô dậy chưa?" 
            "Dạ dậy rồi, còn ở trên lầu."          
            Nghe tiếng người, trên ban công chị Thuyên chồm người nhìn xuống.
            "Gì đó Trúc."            
            "Em lên gặp chị."     
            "Ừ.  Vào đi. Chị xuống ngay."         
            Anh chị bị đánh tư sản, tịch thu gần hết, chỉ còn cái xác nhà. Anh ở tù một năm về tội văn nghệ sĩ phản động. Chị và con ở nhà, mấy lần vượt biên không lọt. Có đứa con đi du học trước Bảy lăm, hai đứa đi thoát trong ngày sụp đổ. Nhờ tiền con cái gửi về, sống tương đối dư dã so với mọi người chung quanh. Mối lo của anh chị là làm sao đi cho thoát, khác với mối lo của Trúc là làm sao cho mẹ con sống được qua ngày.        
            Mai Trúc vào phòng khách.
            Phòng khách rộng mênh mông. Trúc mgậm ngùi nhớ lại cảnh gia đình đoàn tụ đông vui ngày giổ ngày tết trước đây.
            Chị Thuyên trên lầu đi xuống, trên tay cầm lá thư, phong bì quen thuộc, chị đã biết Trúc đến về việc gì.
            Đứng vội dậy chụp lấy cánh tay chị, Trúc hỏi:  
            "Anh Nguyên của em thế nào hở chị?"    
            Chị cười, đưa thư:   
            "Thư nó đây nè. Đọc đi!"    
            Mở vội lá thư, nửa trang giấy gạch hàng, nét chữ mực tím bay bướm thân quen. Nguyên xin chị gửi thuốc chữa bệnh cũ và ít thức ăn tẩm bổ. Dặn kỹ, chị đừng cho vợ mình biết. Rồi thì vợ cũng biết!.              
            Sau nầy Trúc biết được, chỉ thời gian ngắn sau đó anh chị vượt biên. Không nói ra thì sợ Nguyên ngoài trại có mệnh hệ nào sẽ ân hận.  Nói thì trái lời dặn của em. Thôi thì nói với chị Thảo là lưỡng tiện. Đến tai em dâu mà khỏi sợ thằng em nó trách. Đọc thư chồng và nhìn nét chữ, Trúc thấy phần nào an tâm. Chưa đến nỗi nguy kịch, bi đát như chị Thảo quá lo.   
            Một ý thoáng rất nhanh, Trúc nhìn chị:   
            "Em sẽ ra thăm anh Nguyên em."            
            Chị Thuyên hét lớn. Khi nào chị cũng lớn giọng la lối:            
            "Không được...không được!  Đi bỏ mấy đứa nhỏ ở nhà cho ai. Rủi...rủi đi đường có chuyện gì, ai nuôi con. Gửi quà, gửi thuốc nhiều cho nó là được rồi. Coi có ai đi thăm nuôi gửi theo cho nhanh.  Chịu cho người ta ít tiền lộ phí."           
            Chị lập lại lệnh truyền:      
            "Không đi.  Không đi! Nghe chưa?"         
            Anh Thuyên từ trên cầu thang bước xuống, miệng ngậm ống vố phì phà:   
            "Nó đi thăm nuôi chồng thì để cho nó đi.  Sao lại cản?"           
            Chắc anh nóng ruột theo đứa em khốn khổ tù đày ở ngoài trại hơn mọi điều khác.          
            "Ông này còn xúi thêm vào. Nó có việc gì ông đem mấy cháu về mà nuôi."           
            Chị nói mát.
            Trúc nói chậm rãi, chắc nịch:         
            "Em quyết định đi thăm. Người ta đi được mình đi được."    
            Trúc trấn an chị:      
            "Mấy cháu ở nhà thì đã có con người bạn thân của em trông nom dùm. Chị khỏi bận lòng."       
            Trúc cố nén không khóc trước mặt anh, nhất là chị, nhưng không được.
            Thổn thức, nghẹn lời:         
            "Em không ra thăm, rủi anh ấy có bề gì chắc em
cũng không sống nổi để nuôi con. Sống...sống làm sao
được!"            
            "Thôi, thôi. Được! Muốn đi thì lo giấy tờ mà đi. Không dễ đâu. Chỉ có công nhân viên nhà nước có giấy phép mới mua được giấy tàu. Lại còn xin phép công an phường vắng mặt...Đủ mọi thứ chuyện rắc rối. Chưa nói đến tiền bạc tốn kém."       
            Chị Thuyên quay lại ra lệnh cho chồng cộc lốc:            
            "Lên ôm gói quà gửi cho thằng Nguyên đem xuống đây!"     
            Đưa gói quà cho Trúc chị nói:       
            "Đây! Thuốc lao đầy đủ. Thêm ít thức ăn. Chị chạy mua được cả dầu bơ, sữa đặc. Em đi cho anh chị gửi."        
            Như đã chuẩn bị sẵn, lần túi áo lấy một xấp tiền, chị ngập ngừng:   
            "Chị còn ít tiền, cầm lấy đi đường."         
            Trúc lắc đầu:            
            "Quà thì em xin, tiền thì em không lấy đâu. Em xoay sở được."        
            Trúc nói liều, thật sự chưa biết bấu víu vào đâu.
            Anh cười ha hả, đùa thân mật:
            "Con này dân chợ trời thuốc tây, bán đủ mọi thứ...xin. Ămpi...xin, pêni...xin...nhưng chưa bao giờ chịu "xin" ai cả!"      
            Điều này thì thật. Trúc chưa hề mở miệng xin ai. Có ngày tiền chợ không có, mẹ con cắn răng nuốt khoai mì, bo bo với muối mè. Không mở miệng than thở với anh với chị. 
            Để cho em dâu không có cớ từ chối, anh vừa cười vừa nói:    
            "Cô này lạ nhỉ! Anh chị cho thằng Nguyên chứ có cho em đâu mà từ với chối."     
            Anh xuống giọng đầy thương yêu thông cảm, năn nỉ:
            "Cầm...cầm lấy đi em. Không lấy anh chị giận đó."      
            Lắc đầu cương quyết, Trúc đứng dậy chào anh chị ra về. Đây là lần sau cùng gặp chị Thuyên.                          
 
            Năm năm trời trôi chậm. 
            Đếm mong từng ngày, nhưng đếm sao hết những gian truân. 
            Khi nào thì chồng mình về? Bảy năm, mươi năm...hay thiên thu vĩnh biệt!  
            "Thuở đăng đồ Mai chưa dạn gió.    
            Hỏi ngày về? Chỉ độ Đào bông.         
            Nay Đào đã quyến gió đông.  
            Phù dung lại nở bên sông bơ sờ!"                 
            Trên đường về, vừa đạp xe vừa nhẫm đọc lại mấy câu Chinh Phụ Ngâm.  Những vần thơ chị đã giảng, đã làm say mê học trò trước đây.  Lời thơ đó giờ đây thực sự làm cho mình nhức nhối ứa lệ. Người xưa dường như đã hiểu, đã biết và viết trước sẵn cho những người như chị hôm nay.                 
            Ngày Miền Nam sụp đổ tức tưởi, Trúc đang dạy tại một trường nữ nổi tiếng ở Saigon. Chị dạy Việt văn. Học trò say mê, thích thú mong đến giờ dạy của cô Mai Trúc. Qua chị, thơ văn người xưa như sống lại với tâm tình của người đọc hôm nay. Chị đã là nhịp cầu truyền đạt những tình cảm suy tư của người muôn năm cũ cho thế hệ học trò.  
            Chồng đi cải tạo, chị tiếp tục miễn cưỡng đến trường. 
            Những buổi học tập chính trị hằn học, nặng nề.  Những bài giảng văn thơ sặc mùi máu tanh và căm thù. Chị phải dạy, phải ca tụng bọn người đang hành hạ đồng bào, hành hạ chồng mình và đang đay nghiến, xỉa xói mình hằng ngày hàng giờ.  Lương tiền, tiêu chuẩn lương thực không đủ để nuôi mẹ con chị mỗi ngày một bữa.
            Trúc cố chịu đựng, cố nhẫn nhục qua ngày. Bực nhất là mấy con mẹ giáo viên đảng viên ở ngoài vào. Bọn học trò nó cũng khinh ra mặt. Kiến thức thì nhỏ như đầu đinh, ăn nói như vẹt, những câu những chữ giống nhau y chang. Những bài chúng đã học thuộc nằm lòng từ thuở thiếu nhi đỏ đít, quàng chiếc khăn quàng đỏ máu.
            Tự so sánh chắc chúng nó cũng thấy nhục. Để trấn áp cái mặc cảm tự ti, vào phòng giáo viên chúng thường vênh mặt nói khơi khơi. 
            "Vấn đề là...hồng, chứ không phải...chuyên! Khả lăng(!) thì khối ra đấy. Quan trọng là có đủ tư cách đứng bục giảng...cơ!".
            Ý chúng muốn nói đến tư cách lập trường chính trị, giai cấp. 
            "Đồ rởm!".  Chị mắng thầm.            
            Cho đến một ngày...           
            Sau giờ tan trường. Đi dọc hành lang ra về, qua một bầy tụi nó đang đứng tụ tập huênh hoang về kết quả bình bầu giáo viên tiên tiến. Chẳng thèm nhìn, chị ngẩng cao đầu đi thẳng.
            Thoáng nghe giọng con mụ giáo viên chủ nhiệm:
            "Vợ ngụy mà cứ tưởng như ngon lắm!".
            Cơn giận chưa hề có bỗng tràn tới. Không kềm được, Trúc quay phắc lại, xông thẳng đến túm lấy ngực mụ ta.  Hét lớn:
            "Mày nói gì hở con khốn nạn. Tao là vợ ngụy đây. Ngụy quen ăn gan mật người. Giờ bà xé xác mày.  Đồ khốn!". 
            Đám giáo viên chẳng thể ngờ một giáo sư người Nam hiền lành lịch sự lại phản ứng hung dữ, ăn nói thô lỗ đến thế. Trúc cũng ngạc nhiên cho cả chính mình. Té ra lời lẻ của chị cũng đã sặc mùi điêu ngoa, đểu cáng của bọn cán bộ Bắc kỳ bảy lăm.            
            Trúc bị lôi ra hội đồng kỷ luật, kiểm điểm, đấu tố.  Đuổi việc.            
            Thời gian đầu Trúc lo lắm. 
            Làm gì để nuôi con???
            Đồ đạc trong nhà, của chìm của nổi...bán dần bán hồi sạch bách. Honda, tủ lạnh, đồng hồ bàn ghế, chén bát...rồi đến áo lạnh áo dài...từ từ ra khỏi nhà. Đến lúc chẳng còn chi để bán, ngoại trừ ngôi nhà hương hỏa và mảnh sân vuông đẹp cây cảnh thân yêu quen thuộc ấp đầy kỷ niệm bao đời.
            Trúc lo sốt vó. Đi hết chùa này miếu nọ, nhà thờ thánh đường...cầu Phật Bà Quan Âm, cầu mẹ Maria. Đến nằm sấp, ràn rụa nước mắt trước tượng ông thánh Martin da đen ở nhà thờ Ba Chuông, nhiều người đồn rất linh thiêng, thường rủ lòng ban phước cứu kẻ khốn khó nghèo hèn. Hữu sự bái thập phương!                    
                 
            Một buổi sáng như mọi buổi sáng.
            Quanh quẩn ở nhà, vô ra nóng ruột, trăm mối ngổn ngang.  Không chịu được, Trúc lấy xe đạp vô định.  Lọc cọc đi qua khu Tân Định, ngang qua chỗ tụ họp buôn bán chui thuốc tây nhốn nháo.           
            "Trúc! Trúc!"
            Nghe tiếng ai gọi tên mình, Trúc dừng xe dáo dác nhìn quanh.         
            Từ trong đám đông lô nhô, một khuôn mặt cười tươi mừng rỡ xô đẩy chen lấn, chạy vội ra:      
            "Trúc! Mày nhận ra tau không? "Hậu Đất" đây nì!"       
            Trúc mừng quýnh la lên:   
            "Đồ con khỉ. Lâu quá không gặp. Mặt đẹt mày làm sao tao quên được!"       
            Hai đứa cùng học chung trường, chung lớp đến mấy năm. Lên đệ nhị, thi rớt tú tài một, Hậu lấy chồng. Vợ chồng Hậu đều là người Huế. Hiển, chồng Hậu, thuộc dòng mệ hoàng phái, sĩ quan đồn trú tận trên Kontum. Hậu tính tình đơn giản, chân chất xuề xoà dễ thương. Mấy đứa bạn thân khen. "Mi là ngừơi Huế...không ăn mắm ruốc ".            
            Trước năm Bảy lăm đi bát phố Bô Na với Nguyên gặp hai vợ chồng tay xách nách mang, bầu đoàn thê tử về...thăm thủ đô. Từ đó bặt tin cho đến hôm nay mới gặp lại.              
            Hậu liến thoắng:
            "Ông xã mi cải tạo ở Vĩnh Phú ngoài Bắc phải không?"           
            Trúc nhại tiếng Huế:          
            "Răng mi biết được? Tài rứa!"       
            "Ông xã tau cũng ngoài nớ. Ông viết thư về nói cùng ở một đội lao động với anh Nguyên. Tau tìm mi.  Hỏi nhiều người, chưa biết mi ở mô. Đang mong thì vác cái mặt mốc tới. Đúng là...ý trời!"
            "Hậu làm gì ở đây?"           
            "Mình bán chui thuốc tây."            
            "Sống được không?"           
            "Sống vững, nhưng...đau...tim."    
            Hậu chưa nói hết câu, đám đông bỗng tháo chạy tán loạn.
            Trúc lớ quớ, hoảng hồn.
            Hậu nhảy vội lên yên sau xe, ra lệnh:     
            "Dọt lẹ!"        
            Hồn phi phách tán, Trúc gò lưng đạp. Hậu mập nặng quá, Trúc è lưng xe cũng chỉ lăn bánh từ từ.            
            Hậu vỗ liên tục vào lưng Trúc:     
            "Lẹ...lẹ...lẹ lên kẻo tụi chó vàng theo kịp."         
            Đằng xa thoáng lố nhố mấy thằng công an áo
vàng.
            Khi đi đã xa và an toàn, Hậu bảo ngừng. Vừa thở vừa ho, Hậu cười như nắc nẻ như đã từng dợt  quen nhiều, nhiều lần.       
            "Tụi nó dàn chào mi đó. Có mấy 'mợ' bị bắt dẫn đi rồi."
            Thở muốn hụt hơi, Trúc lo lắng hỏi:        
            "Có sao không?"      
            "Mất tiền. Bọn nó chỉ làm tiền. Kiếm tiền chợ cho mụ nội ông bà ông vải nhà nó. Trên đường dẫn về đồn, chuồi cho nó kha khá nó cho đi. Nếu ít, tụi nó dẫn về phường giam một ngày, viết giấy về phường mình để...giáo dục, đóng tiền phạt...rồi tha."  
            Thấy bộ điệu của Hậu, Trúc vui lây.
            Lúc còn đi học Hậu ít nói, hiền như bụt, chậm như rùa. Bạn bè cho nó biệt danh "Hậu Đất". Hình ảnh đó còn đọng lại trong ký ức của Trúc. Giờ gặp lại Hậu khác hẳn. Cuộc sống bương chải đương đầu vật lộn kiếm ăn, đã biến đổi Hậu như con cắc kè đổi màu da để sống còn.
           
            Hậu kéo bạn vào quán nước bên đường. 
            Những quán hàng mọc dài trên hàng hiên lề đường, sống lây lất nhờ vào người buôn kẻ bán chợ trời. Chủ quán, một thiếu phụ trẻ, đon đả chào Hậu như là khách hàng quen mặt.
            Trúc ngần ngừ không muốn vào. Trong túi không
có bao nhiêu tiền, vào hàng vào quán đâm ra thiếu tự tin.      
            "Thôi để cho mày buôn bán. Ghi địa chỉ, mai kia mình đến chơi."    
            Như đọc được ý bạn, Hậu níu tay Trúc:
            "Dẹp.  Dẹp! Gặp mi tau mừng lắm. Mi vẫn là đứa bạn tau thương nhất trong suốt quãng đời học trò. Vào uống nước, tâm sự chút đã."
            Hậu chép lưỡi:         
            "Bán buôn gì nữa. Động ổ rồi. Chốc nữa theo mi về cho biết nhà. Chiều ra bán tiếp."       
            Hậu cười:      
            "Hôm nay tau...dư sở hụi rồi!"      
            Hậu săn sóc:
            "Tau bao mi ăn sáng. Hủ tíu đây ăn được lắm. Tau bây giờ cơm hàng cháo chợ. Chiều bán xong, đi chợ. Tối mới về lo cơm nước cho tụi nhỏ."         
            Trúc chưa kịp phản ứng, Hậu gọi với vào trong:          
            "Người đẹp Bình Dương! Cho mình hai tô như thường lệ. Hai ly chè ba màu."
            Hai đứa nhắc lại đủ thứ chuyện xưa.
            Hậu nói:        
            "Tau không quên được, mi chia cho tau từng củ khoai miếng bánh. Nhớ mãi mấy ly chè đậu xanh mi bao tau ăn giờ ra chơi dưới nhà mụ cai trường. Mi nhớ không? Bữa con Lan ghẻ, sau này lấy ông tướng Lưu, xé tập tau.  Mi nhảy vô binh, nó xe luôn áo mi."    
            Hậu cười sảng khoái:         
            "Giờ nó cũng bán ở đây, thỉnh thoảng nhắc mi."             
            Đang rầu trong bụng, Trúc cũng vui theo.
            Đột ngột Hậu hỏi:   
            "Trúc nói thật với mình, giờ đang làm gì để nuôi con đó? Lo lấy thân. Đừng ngớp ngớp trông mấy ông về. Năm năm rồi! Mười năm, hai mươi năm nữa...Biết đâu mà chờ!"      
            Đang lí la lí lắc, Hậu bổng nghẹn ngào. Nước mắt lăn dài xuống má:          
            "Tội mấy anh. Không biết còn sống mà về với vợ với con hay không? Quên không được thì cố lơ đi để lo làm ăn. Khi có điều kiện hai đứa mình cùng ra thăm. Đường xa có nhau vững bụng hơn."            
            Trúc cúi đầu để Hậu khỏi thấy mình cũng đang khóc. 
            Bỗng Hậu hét lớn:   
            "Thôi, thôi tau bậy quá, làm mi buồn lây. Này! Hỏi lại.  Đang làm gì để sống. Chắc hết dạy rồi phải không? Giờ ni mà ăn mặc như rứa, rồi còn phất phơ giữa đường, thì đúng là cô giáo...mất dạy!"  
            Đấm vào vai Hậu cười lớn, Trúc thật tình:         
            "Thất nghiệp đang rầu thúi ruột đây." 
 
  Trở lại chuyên mục của : Ninh Hạ