Tết Muộn
(Trích tập truyện ngắn Thoáng Ngậm Ngùi)
1
Rất sớm. Ba giờ sáng ông đã thức dậy.
Chẳng phải vì hôm nay là ngày cuối của một năm dài. Từ mấy năm này ông ít ngủ. Không cần báo thức, mỗi đêm tỉnh dậy mở mắt nhìn đồng hồ là đúng ba giờ. Xưa kia những ngày còn ở quê nhà, đời sống bất an khổ nhọc lo âu, thế mà nằm xuống là đánh một giấc tới sáng. Qua tới Mỹ bắt đầu khó ngủ. Chẳng mấy đêm có được một giấc ngủ đầy. Thế mới biết cuộc sống ở đây tưởng là đầy đủ sung sướng nhưng thật ra căng thẳng mệt mỏi tinh thần và tổn thương tình cảm. Bây giờ thì quá tệ. Khổ! Già. Đêm đêm chỉ ngủ được ba bốn tiếng là cùng. Có đêm thức trắng. Mờ sáng tỉnh dậy thao thức trăn trở. Ông trời cắc cớ, hành tội mấy người già như ông. Bắt phải thức. Để nhớ để lo. Để buồn để tủi. Để hối tiếc ray rức trăm thứ chuyện. Chuyện một đời sắp qua. Chuyện hôm nay. Chuyện con chuyện cháu. Cũng lạ! Chuyện vui thiếu khối không nhớ, mà chỉ dằn vặt loanh quanh chuyện giận hờn, phiền muộn lo âu.
“Ba mươi Tết rồi đây. Chóng thật!”. Tuổi càng già, thời gian trôi càng nhanh. Lúc nhỏ thì dài cổ mong cho tết đến. Sao mà lâu thế! Giờ đây, ngày tháng xoèn xoẹt. Ngoảnh đi nhìn lại đã là tết. Còn được mấy cái tết nữa đây. Đến tuổi này thì tên đã có sẵn trên danh sách chờ đợi. Ông bà gọi lúc nào thì đi lúc đó. Biết đâu?
Ông dậy pha trà. Rỗng trống. Cô đơn.
Ngày thường thì nỗi cô đơn cũng đủ làm ông hiu hắt. Nhưng phải vào những lúc như ngày hôm nay, mới thấy thấm thía tận cùng nỗi đơn lạnh của một người già xa quê. Nghĩ cho cùng, dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, thì sự bất hạnh lớn của con người phải chăng là sự cô đơn? Chỉ mấy năm trước đây thôi, vợ chồng con cái đầy đủ.
Tết nơi quê người tuy nhạt nhẽo cũng ráng gượng gạo cố níu giữ cho đúng lễ nghi tập tục, nhưng dù sao thì gia đình cũng còn ấm cúng đông vui. Từ ngày vợ mất, con cái lớn khôn, đứa có gia đình, đứa làm ăn xa, ông ở chung với vợ chồng thằng út mới lập gia đình. Hai hôm trước chúng nó lấy ngày nghỉ đi tránh lạnh ở vùng biển Nam Mỹ. Ở bên mình ngày Tết con cháu rủ nhau về gần gũi với mẹ cha. Ở đây ngày lễ ngày tết được dịp chúng đi xa. Cha mẹ càng già thì càng cần, càng muốn gần con gần cháu để săn sóc và để được hỏi han hôm sớm. Con cái trái lại chẳng muốn gần cha mẹ già, vướng bận. Chăm lo cho chúng thì chúng lại khó chịu cằn nhằn cho là lẩm cẩm. Không trách gì con, chẳng qua hoàn cảnh điều kiện sinh sống trong xã hội này đã tước bỏ một trong những điều hạnh phúc nhất của cha mẹ già được sống với con với cháu trong những ngày xế bóng.
Trước khi đi, lo ông già côi cút một mình trong ba ngày tết, nó đã bàn giao trách nhiệm cho vợ chồng con chị và thằng anh. “Suốt cả năm tụi em gần gũi và lo cho ba rồi. Ngày Tết cho tụi em xả hơi. Mấy anh chị thu xếp đem cháu về chơi, phụ nấu nướng lo cúng rước ông bà chiều ngày ba mươi. Ở chơi với ba đến chiều mồng một hãy đi. Thức ăn hoa quả tụi em đã mua đủ. Khỏi lo!”
Hôm nay một mình trong căn nhà rộng, cũng không cần phải rón rén sợ ồn ào thức giấc tụi nhỏ đang cần ngủ để ngày mai đi làm. Dọn dẹp bàn thờ, chùi bóng đồ đồng, lo xếp đặt hoa quả xong thì trời cũng vừa sáng. Qua khung cửa sổ, tuyết rơi mù mịt. Bánh chưng bánh tét thịt dầm, nhiều thứ ăn đã có sẵn, nhưng lo con về đến không có thức ăn nóng, ông xuống bếp nấu nồi cháo gà. Nghĩ cũng lạ. Trước đây ông chưa hề xuống bếp. Chuyện của đàn bà con gái. Ông thuộc loại dễ nuôi. Vợ cho gì ăn nấy. Ngon ăn nhiều, dở ăn ít. Không bao giờ chê bai hay đòi hỏi. Ngày ngày nghe vợ con bàn tán món này món nọ, lâu ngày nhập tâm. Đến khi vợ mất con ở xa, ông lò mò xuống bếp cũng nấu cũng nướng. Món canh món xào món mặn. Đâu thua ai! Chúng nó ăn, ngạc nhiên, khen ngon. Vợ thằng út nói. “Má nhập vào ba!”. Ông vui vui thấy mình không đến nỗi vô dụng. Gần xuống lỗ mới phát hiện tài năng! Hằng ngày tự lo lấy thân. Chiều chiều nấu cho con bữa cơm tối. Khi nào thấy ông già mệt hay muốn đổi món thì tụi nó lấy thức ăn ở tiệm.
2
Dễ chừng đã mười một giờ sáng?
Ông thấy đói nhưng chưa muốn ăn. “Đợi chúng nó về ăn luôn thể cho vui. Mấy khi”. Từ Michigan về Chicago ngày thường mất khoảng bốn tiếng, trời tuyết như thế này có chậm lắm thì sáu tiếng là cùng. Hôm qua chúng dự định đi sớm. Chắc cũng sắp về đến. Có tiếng chuông gọi cửa. Ông cười. “Tau đoán không sai”. Mở toang cửa, không theo thói quen nhìn qua lỗ kính nhỏ. Giật mình. Một thằng Mỹ đen to tổ bố chào và trao gói quà. Tên người nhận là thằng út. Uể oải ký nhận, quay vào. Sáng giờ chưa ăn gì, uống mấy chung trà ruột gan cồn cào khó chịu. Xuống bếp định ăn tô cháo. Do dự. Chặc lưỡi. “Thôi. Chúng nó sắp về tới. Năm hết tết đến. Cố chờ.”
Điện thoại reo. Nhanh nhẹn, ông nghe đứa con gái đầu lòng. “Ba ơi, con đây. Vợ chồng em con tới chưa? Chưa hả. Chắc vì thời tiết quá xấu. Nhà chúng nó gần hơn nếu không gọi là sắp đến rồi đó. Bão tuyết tơi bời. Đài thông báo trận bão lớn nhất trong chục năm. Tụi con không đi sớm được, bây giờ mới ra khỏi nhà đây. Tụi con tới trễ. Con nấu nướng nhanh. Ba đừng lo.”
“Chờ nó tới nấu thì ông bà đói!”. Bỏ đĩa nhạc xuân vào máy. Giọng ca quen thuộc và những bài hát cũ ấp đầy nhung nhớ làm ông bùi ngùi. Thoáng chốc, bao kỷ niệm như hiện rõ. Xúc động rưng rưng chực khóc. Thở dài nuối tiếc, ông vội vã xuống bếp lo nấu cỗ.
Đang lu bu thì nghe tiếng còi xe inh ỏi. “Bây giờ mới đến! Ừ. Cũng còn sớm. Giỏi!”. Vợ chồng thằng Hân. Đứa con trai ông thương yêu nhất, lo lắng cho cha mẹ nhiều. Ngày nó lấy vợ, ông vui vì con có hạnh phúc, nhưng cũng buồn buồn như thiếu như mất con. Ông vui hẳn lên nghỉ đến đứa cháu lên ba. Lâu lắm rồi không có dịp cho nó ngồi trên đùi lúc lắc làm ngựa, cười hăng hắc. Mở cửa nhìn ra sân. Sân nhà trống lạnh. Con cháu nào đâu? Chưng hửng nhìn chiếc xe nhà hàng xóm kẹt tuyết bấm còi kêu người nhà. Cả nhà cha mẹ con cái hì hục đẫy, reo cười vui vẻ nô đùa. Ông tủi thân.
Thất vọng. Mệt. Đuối sức. Ngộp thở. “Ngồi nghỉ một chốc lại khỏe thôi!” Ông tự nhủ. Xoải chân ngồi ngửa trên ghế, mở truyền hình coi trận bóng đá. Chưa nóng đít ông lại đứng dậy xuống bếp. Bày thức cúng ra bàn. Tươm tất ra phết. Lòng gà xào miến. Món này thằng rễ thích. Thân gà thì nấu canh với măng khô. Măng này người bạn về Việt nam đem qua cho. Món này thằng Hân cứ nhắc ba đừng quên. Thịt kho nước dừa. Không có món này là không yên thân với con chị. Dặn đi dặn lại đừng quên làm dưa giá, nó còn nhắc phải cho nhiều lá hẹ. Dễ ợt. Lại thêm mấy đĩa giò chả. Bánh chưng dưa món. “Ông bà tha tội. Cúng ông bà mà chỉ chọn những thứ con mình thích.” Ông cười. Nhìn một lần nữa mâm cúng, xoa tay mãn nguyện. “Thế là xong. Chỉ đợi chúng nó đến là cúng thôi.”
3
“Mới đó mà đã bảy giờ tối rồi!”
Thời giờ đi nhanh thật. Ông bắt đầu sốt ruột. Đứng ngồi không yên. Ra vào nôn nóng. Điện thoại đến nhà con thì chẳng thấy ai trả lời. Ông an ủi. “Tụi nó đã đi rồi”. Vừa đói vừa mệt, nhưng chẳng còn bụng dạ nào mà ăn với uống. Thấp thỏm đợi chờ. Thỉnh thoảng mở cửa nhìn ra ngoài cầu may. “Biết đâu đúng lúc thấy xe chúng nó đang đi tới”.
Để trấn tĩnh, ông đi tới đi lui.
Nhìn bàn thờ hoa trái rực rỡ bày biện đẹp trang trọng. Hai ngọn nến điện tỏa sáng. Bình hoa cúc đại đóa vàng rực. Mâm trái cây sắp xếp mỹ thuật. Mãng cầu dai da còn xanh mướt, trái dừa bóc vỏ trắng nõn, đu đủ lớn vàng sậm, mấy trái xoài nửa vàng nửa đỏ. Cặp bánh chưng giấy bạc và mâm mức đủ loại còn nguyên hộp. “Đúng là bàn thờ ngày tết. Thua gì ở Việt nam!” Một vòng phòng khách. Chậu hoa cúc vàng góc nhà. Cạnh cửa sổ bình hoa cẩm chướng đỏ rực. Giữa nhà, trên chiếc bàn kính những cành forsythia cắt ngoài hàng dậu từ tuần trước cắm trong chiếc độc bình cổ, giờ bắt đầu nở những nụ hoa vàng. Hằng năm ông chưng forsythia thay mai. Cành hoa thẳng đuột vô duyên. Nhưng thôi, đừng đòi hỏi quá. Chen vào mấy nhánh hoa, một vài thiệp chúc tết của bạn bè con cháu, có cái gửi từ bên nhà sang, mấy bao lì xì treo lòng thòng đầu cành vui mắt.
“Lì xì”. Ông mỉm cười hồi tưởng những ngày Tết xưa cũ. Thích! Thích thật! Mấy tờ giấy bạc mới tinh còn thơm mùi giấy. Quanh năm dễ dầu gì có. Tha hồ bài bạc, quà bánh. Ở đây thì khác. Khi còn đi học, con đã làm ra tiền, tiền chúng để dành nhiều khi còn hơn cha mẹ. Cha mẹ còn dựa vào chúng nó là khác. Ngày tết lì xì, chúng nhận cho có lệ. Đâu có được niềm vui hồn nhiên như mình thuở xưa. Mấy năm đầu mới sang, còn khoanh tay ấp úng chúc thọ cha mẹ, dần dần chúng cũng cố gắng làm trong sượng sùng giả tạo, ngượng ngập. Ông thở dài.
Điện thoại reo vang. “Anh chị Hai con cũng chưa đến hả ba?” Tiếng thằng con trai ngập ngừng. “Ba ơi!... Tụi con... sorry không về được. Từ sáng đến giờ kẹt xe, cháu nhỏ khóc inh ỏi. Vợ con nói phải quay về thôi. Ba đừng buồn nghe. Hôm nào tụi con sẽ về thăm ba. Con sorry. Chúc ba mạnh khỏe sống lâu với tụi con. Thế là con hụt ăn canh gà nấu măng khô. Đừng buồn nghe ba. Con sorry. Sorry!” Để giả lả, vừa cười vừa nói gượng. “Ba nhớ để dành tiền lì xì cho tụi con!.”. “Cái thằng này vợ bảo sao nghe vậy!”
4
Đã tám giờ tối.
Ông diện bộ đồ vét đẹp nhất. Thắt chiếc cà vạt đỏ sậm điểm những đốm đen. Ông xưa nay ăn mặt rất đúng điệu. Từ ngày qua Mỹ ông thường mặt bộ vía này vào ngày đầu năm để cúng vái, ngồi cho con cháu chúc thọ và phát lì xì. Lên hương đèn. Kính cẩn khấn nguyện rước ông bà cha mẹ nội ngoại và vợ về ăn tết với con cháu. “Tết với nhất. Còn độc một mình. Con cháu vắng hoe.” Ông thì thầm.
Mỗi lần điện thoại reo, tim ông hồi hộp. Chỉ ngại sợ con gái đầu gọi về báo trở ngại giờ chót. Giờ này im re thì chắc vợ chồng nó cũng sắp về đến nơi.
Ông thấy hoa mắt. Sáng giờ loay hoay không ăn gì. Mà lạ nhỉ, chẳng còn thấy đói. Ráng chờ con về cùng ăn và đón giao thừa luôn thể. Một năm nhịn một ngày có khi còn tốt. Mười năm đói dài dài trong trại cải tạo vẫn sống nhăn.
Mười một giờ khuya. Mâm thức ăn trên bàn nguội lạnh. Ông đã sắp sẵn chén đũa cho năm cha con. Lấy bớt đi hai. Đầu năm để chén đũa trống là không nên. Cẩn thận sắp thật ngay ngắn. Tính ông là thế. Xưa nay ăn uống phải đàng hoàng lịch sự. Qua Mỹ đã lâu ông vẫn chưa quen được lối “all you can eat”, ăn mặc sức. Ăn như vậy chỉ cầu no. Ông bảo con. Chúng nó thực tế hơn. “Ăn no, nhiều món mà rẻ”. Chìu con ông đi theo cho vui nhà vui cửa. Ông không ưa.
Mỏi mệt và buồn. Buồn! Cái buồn thấm thiá tận tim gan. Ngả lưng trên ghế theo dõi tin tức trên đài. Bên ngoài bão tuyết tiếp tục. Lim dim mắt. Giấc ngủ sập đến không hay. Ông đi vào giấc ngủ mệt và buồn. Ông mơ trở lại ngôi nhà xưa với mai vàng và pháo nổ. Lâng lâng trong không khí lãng đãng mùi trầm hương, vợ ông tươi cười kéo tay khoe ông chồi hoa thủy tiên trắng ngọc đài cát nở đúng đêm trừ tịch. Ông thấy lòng vui hân hoan và rộn ràng nô nức như những ngày thơ dại. Điện thoại reo không làm ông tỉnh giấc. Tiếng nhạc, tiếng nói phát ra từ chiếc máy truyền hình, tiếng ngáy lớn đều đặn của ông, tất cả như khua động sự trống vắng của căn nhà.
Bỗng có tiếng còi xe ngoài đường vọng lại, như một lực đẩy vô hình, ông choàng tỉnh dậy, hấp tấp chạy vội ra mở cửa. Lạnh. Rất lạnh. Tuyết vẫn rơi, rơi liên tục. Một chiếc xe lạ đã đi khá xa chỉ còn ánh sáng đỏ của đèn hậu rọi chiếu trên nền đường tuyết trắng ngập. Rùng mình. Thất vọng. Chán nản. Ông uể oải quay vào.
Nhìn đồng hồ. “Thôi chết rồi!” Ông ngủ thiếp và giao thừa đã qua. Lần đầu tiên kể từ khi khôn lớn, đã hơn bảy mươi mấy mùa xuân, chưa đêm ba mươi nào mà ông không thức đón giao thừa. Lúc còn trẻ thơ thì quây quần bên nồi bánh chưng, bao nhiêu là chuyện vui, thức đợi để được nghe tiếng pháo nổ ran đầu đường cuối ngõ. Lớn lên có gia đình thì ra vào bận rộn lo toan lễ vật mâm bàn cúng vái tổ tiên. Thế mà hôm nay!
Đứng trước bàn thờ cúi đầu thắp nén hương lâm râm khấn vái. Ông nghĩ rằng lời khấn nguyện không đúng vào giờ phút thiêng liêng giao cảm của đất trời thì chẳng thể nào linh ứng. Mùi trầm hương lan tỏa trong ngôi nhà cô quạnh.
5
Chừng ba giờ sáng.
Hai vợ chồng người con gái lớn về đến. Tuyết đã ngừng rơi. Sân nhà ngập tuyết xe không vào được, tấp vào lề đường trước ngõ. Chưa kịp ngừng, người con gái mở vội cửa, hì hụp lội tuyết vào nhà.
“Em! Em! Em! Phụ một tay đem bớt cho anh mấy thứ lỉnh kỉnh chứ!”
“Anh lo lấy!”
Bấm chuông. Gọi lớn.
“Ba ơi tụi con về tới.”
Không thấy trả lời.
“Ba! Ba!”.
Vừa gọi vừa giơ tay đấm cửa. Cửa bậc tung, mất đà suýt ngã. Cánh cửa khép hờ. Ông già nằm dài trên ghế.
“Ba đang ngủ? Ngủ ngon quá há. Hèn gì ở trạm xăng gọi về không ai trả lời”.
Rón rén lại gần, âu yếm, thương yêu, gọi khẻ.
“Ba dậy đi! tụi con về ăn tết với ba đây nè.”
Không động đậy. Linh tính, hoảng hốt, hét lớn. “Ba! Ba!..”
“Thôi chết rồi! Ba làm sao thế này”.
Chạy vội ra cửa khóc rống.
“Anh! Anh! vào gấp. Ba làm sao đây rồi. Trời ơi!”
Người chồng tay xách nách mang cố nhấc từng bước một trên lối đi phủ tuyết dày.
“Gì thế.?”
Thấy mặt vợ, biết có chuyện, thả đại đồ đạc trên bực thềm xông vào nhà. Sờ tay lên cổ cha. Đôi mắt lạc thần nhìn vợ. Giọng nói ướt sũng nước mắt.
“Ba... ba... ba mất rồi!”.
Người con gái khóc òa, sà xuống ôm chặt lấy cha. Tấm thân già còn chút hơi ấm níu kéo.
6
Ông mở mắt nhìn quanh giường bệnh.
Màu vàng của bình hoa cúc ngày Tết như reo vui trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường.
“Ba. Ba. Ba. Ba tĩnh lại rồi.”
Đứa gái lớn, mặt bơ phờ, la lớn. Cười khóc như trẻ thơ.
“Ủa bây về hồi nào mà đủ mặt cả vậy?”
“Ông ngủ dậy rồi Mommy.”
Nghe cháu gọi, ông bật ngồi dậy.
“Vợ chồng con nóng ruột. Linh tính chuyện chẳng lành nên liều mạng lái về. Thật huyền diệu.”
Cầm tay ông, hai vợ chồng thằng ba sụt sùi.
“Má linh thiêng che chở. Nếu ba có điều gì… tụi con ân hận cả đời.”
Cô y tá nghe nhịp tim bệnh nhân.
“Ông qua cơn nguy hiểm rồi. Nhưng lần sau đừng để bụng đói mà ra ngoài gió lạnh. Thật là may.”
Quay mặt nghiêm nhìn đám con.
“Các anh chị coi đây là một kinh nghiệm không thể, không bao giờ xẩy ra. Không để trẻ con và đặc biệt các cụ ở nhà một mình.”
Ra đến cửa cô còn ngoảnh lại gằn giọng.
“Never. Never!”