NINH HẠ
 
 
Yên Tử
Sử Cũ. Người Xưa
 
Về thăm Yên Tử không chỉ để thưởng ngoạn núi rừng hùng vĩ và phong cảnh kỳ thú của thiên nhiên. Vì nếu như thế, ngay ở trong nước, chưa nói chi các miền đất lạ trên thế giới đã từng đi qua, hẳn có nhiều nơi khác lôi cuốn hơn. Thăm Yên Tử lại càng không phải chỉ để chiêm ngưỡng kiến trúc chùa lăng am tháp. Vì nếu như thế, tuy có nét độc đáo, nhưng lại cũng quá khiêm tốn nếu so với các di sản tráng lệ rực rỡ, các công trình đồ sộ rất đáng thán phục của các nước lân cận như Cam bốt, Thái Lan, Trung Hoa và Nhật.
Thế nhưng, trước mỗi mộ tháp và trên từng bực đá của Yên Tử, khách hành hương hay tha hương trở về quê tổ có một niềm xúc động, một tình cảm thiêng liêng rất sâu lắng mà không nơi chốn nào khác đã đi qua có được. Mối ràng buộc níu kéo mời gọi, nhất là với những ai từ lâu lưu lạc xa quê, đó chính là hồn nước ngàn năm kế truyền trong huyết quản.
Thế nên, về Yên Tử mà chỉ mô tả chùa tháp núi rừng thì quả là thiếu. Yên Tử núi thiêng không phải chỉ vì mạch nguồn phong thủy, mà chính là nơi hành trì và đắc đạo của tổ của tăng. Nơi dấu tích hưng phế của triều đại và sự thăng trầm của thiền môn, đạo pháp. Nơi mà những chuyện thị phi hồ đồ hàng trăm năm cũ cũng tựa như những điều đang chứng kiến hôm nay.
Từ Yên Tử trở về lại miên man trong dòng nghĩ, mông lung về sử cũ và người xưa. Trên từng trang sử đọc ẩn hiện bóng hình Yên Kỳ Sinh, Hiện Quang, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Những người, trong rất nhiều người, theo thứ tự thời gian đã lưu dấu ở đây và làm cho núi rừng Yên Tử trở thành kỳ tích mang hồn thiêng dân tộc.
Trần Nhân Tông, vị sao bắc đẩu của non sông, của thiền tông và Phật đạo thì sử sách đã nói nhiều, nói đủ. Đặc biệt là các khảo cứu biên soạn rất khoa học và công phu của Lê Mạnh Thát, Nguyễn Văn Lang. Không còn gì để thêm.
Với tôi còn lại đôi điều lạm bàn loanh quanh dưới các tiểu mục:
§  Yên Kỳ Sinh. Tăng nhân hay đạo sĩ 
§  Thiền Sư Hiện Quang. Vầng trăng mây che. 
§  Trần Thái Tông. Ngai vàng hay sơn môn 
§  Thiền Sư Pháp Loa. Bồ tát,Trượng phu.
§  Huyền Quang. Nghệ sĩ thiền sư mặc áo Bụt ở với ma.
Yên Kỳ Sinh.
Tăng nhân hay Đạo Sĩ


Yên Kỳ Sinh đến Yên Tử tu luyện lúc nào?
Có nhiều người vẫn còn không đồng ý về việc Yên Kỳ Sinh là một sư tăng hay là một đạo sĩ. Cho rằng Dược Am, Thung Am dấu tích Am thuốc và Am luyện thuốc ở trên ngọn Tử tiêu, chẳng qua cũng chỉ là sản phẩm tưởng tượng, không là bằng chứng cụ thể để xác quyết ông là đạo sĩ. Lại nữa Yên Kỳ Sinh tu đạo ở Phổ Đà Sơn, chuyện trò thâu ngày thâu đêm với Tần Thủy Hoàng, ai cấm ông đến Yên Tử để thiền định và giác ngộ Phật tánh.
Bằng chứng? Hiện nay trong vùng có chùa Yên Kỳ để thờ ông. Chùa để thờ Phật, tăng, tổ, đâu có thờ đạo sĩ. Xin trả lời. Đừng nói chuyện cả mấy ngàn năm về trước, bây giờ mời về Việt Nam. Một ngôi chùa to nhất từ xưa đến nay, đang xây cất với nhiều tai tiếng bất bình đến phẫn nộ ở Bình Dương, thờ ông Hồ Chí Minh cùng với Phật. Chùa Tây Phương, không xa Hà Nội, nơi có những tượng gỗ La Hán tuyệt đẹp với nghệ thuật điêu khắc thần kỳ, khách thăm cũng dị ứng khó chịu thấy hình Hồ Chí Minh lạc lõng trên bàn thờ tổ, rất khó coi. Rất nhiều chùa trong nước hiện nay thờ ông Hồ. Ông Hồ là tăng hay tổ?
Yên Kỳ Sinh không thể là một tu sĩ Phật giáo. Rõ ràng ông sống vào đời Tần hay thọ lắm cũng đến đầu thời Tiền Hán. Phật giáo lúc đó chưa có mặt tại Trung quốc. Nhà Tần và các vua đầu nhà Hán rất tôn sùng Lão giáo và Đạo Giáo. Phật giáo đến Trung Quốc vào khoảng thời Hán Đế, đầu tây lịch (6 BC). Đến đời Minh Đế (67 BC) hai tăng nhân Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đã cỡi ngựa trắng, theo Đường Tơ Lụa, từ Ấn Độ mang kinh sách đến Trung Quốc. Việc này ứng với giấc mộng của Minh Đế, nên vua cho dựng chùa Bạch Mã để tạ ơn và thờ Phật. Chùa đó đến nay vẫn còn. Lại nữa. Từ Phật cho đến tổ, khi đã chứng ngộ thì trở lại thế gian để giáo hóa quần chúng. Ít có ai đạt đạo rồi phiêu diêu hưởng nhàn tiên cảnh bặt tăm như đạo sĩ.
Yên Kỳ Sinh có tới tu ở ngọn Tử Tiêu thì ông đến đây vào khoảng thế kỷ thứ ba trước tây lịch. Đó là lúc Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư và Sử Lộc mang quân đánh chiếm Bách Việt vì hám ngọc ngà châu báu. Đặc biệt là ngọc trai và ngọc cơ, loại ngọc không tròn. Nước Tàu thời đó còn ở miền Bắc Trung hoa bây giờ, dọc theo sông Hoàng Hà. Bờ biển thấp lầy lại lạnh nên không có trai ngọc như các nước ở vùng biển ấm phía nam như Việt Nam, Nhật. Sau này Thái thú Tô Định cũng bắt dân xuống biển mò ngọc, dân ta thù oán theo hai Bà Trưng nổi lên đánh giết. Bách Việt nay là Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây và một phần miền Bắc nước ta (Nước Âu Lạc thời An Dương Vương). Đồ Thư sau đó bị nghĩa quân nước ta giết chết.
Khi Tần Thủy Hoàng mất, con nối ngôi, là Nhị Thế Hoàng Đế. Triệu Đà dẫn quân đến nước ta. Cùng với đoàn quân xâm lược, có thêm nửa triệu dân Tàu bị lưu đày. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người Trung quốc rầm rộ đến địa bàn nước ta với mưu đồ Hán hóa như họ đã thành công với Hung Nô, rợ Hồ ở phương Bắc. Nhờ đó, Trung quốc mới có được lãnh thổ bao la và hơn một tỉ dân cư như bây giờ. Trước đó và mãi lâu về sau, miền đất phương Nam và cư dân ở đây họ xem như “Man di” mọi rợ, núi non cách trở, ít có người mạo hiểm tới.
Triệu Đà đóng quân ở Tiên Du, Bắc Giang. Vùng núi Yên Tử bây giờ. Nếu An Kỳ Sinh có mặt trong đợt di dân này thì ở ngay đúng vùng Yên Tử. Nhân lúc nhà Tần bị diệt, Triệu Đà tự phong là Nam Việt Vương. Sau đó, Đà đánh bại An Dương Vương của Âu Lạc. (Truyền thuyết chuyện tình bi lụy Mỵ Châu -Trọng Thủy, thành Cổ Loa, thần Kim Quy và nỏ thần). Nước ta bị Bắc thuộc lần thứ nhất. Triều đại này kéo dài qua đến đời nhà Hán. Đây cũng là thời gian quan dân người Hán với nhiều lý do khác nhau đến nước ta. (Trong đó có Yên Kỳ Sinh?)
Yên Kỳ Sinh chắc chắn là người không những giỏi về thuốc mà còn rất giỏi phong thủy. Khi đến nước ta thấy ngọn Tử Tiêu thì biết ngay đây là linh địa. Bởi thế cũng có truyền thuyết, ông đem theo xương cốt của cha đến chôn ở đây, nhưng bị sét đánh bật mồ. (Thổ địa Việt Nam không cấp hộ khẩu cho người Hán!) Không chỉ riêng Yên Kỳ sinh, ta còn đọc thấy trong Bắc thành địa dư chí lục. “Núi Yên Tử… Long mạch chi tả bổ xuống các núi ơ Hải dương…”. Lại nữa, Lý Tư Thông trong Hải Nhạc Danh Sơn Đồ đời Tống (1049-1053), cho núi này là “một trong bốn đất phúc của Giao Châu… Trên núi (Tiên) có chùa Hoa Yên, gọi Tử tiêu, lại có khe Giải Oan, tên Long hàm, khéo léo thanh vắng, thật là nơi bồng đảo của thiên nhiên…”. Lý Tư Thông ghi lại.
Tân kỳ chóp núi nêu vài nụ 
Yểu điệu hình khe trổ một ngành 
Tiên cởi loan qua ngôi cảnh tịnh
Người xem rồng xuống giỡn đầm xanh.
(Ban Sử Liệu VĐH Huế dịch)
Tóm lại. Yên Kỳ Sinh đến Yên Tử vào khoảng thế kỷ thứ ba trước tây lịch. Ông không trường thọ để đến trễ hơn. Ngay cả Lão Tử (Họ Lí tên Nhỉ), tổ sư của Lão giáo, theo truyền thuyết cũng chỉ thọ 150 tuổi (điều này tin được, hiện nay có người thọ cũng xấp xỉ tuổi này).
Yên Tử của Việt Nam thật sự là một linh địa. Đạo Sĩ và Tăng tổ tu ở đó nhiều người đắc đạo. Có một điều lý thú cả hai đạo sĩ cuối đời đều về đất Phật. Lão Tử cuối đời cũng tuyệt tích, có truyền thuyết cho rằng ông về Tây phương, đất Phật.
Bàn thêm.
Sách sử của ta đều chép Tần Thủy Hoàng hám châu báu mà xua quân đánh chiếm Bách Việt. Điều này khó chấp nhận được. Một hoàng đế thao lược, tóm thâu thiên hạ như Tần Thủy Hoàng, bên cạnh lại có thêm những quân sư pháp gia lừng lẫy như Hàn Phi, Lý Tư, không lẽ xua gần một triệu quân và thứ dân sang nước ta chỉ vì… hám ngọc. Hành động chiếm nước ta nhất định trong kế hoạch bành trướng lãnh thổ về phía nam đến tận vùng Đông Nam Á. Mở đường biển giao thương mua bán với Ân Độ, Ba Tư, La Mã, Hy Lạp, để trao đổi tơ lụa rất nổi tiếng của họ.
Vào thời bấy giờ, vì miền Bắc Trung quốc địa thế núi non hiểm trở, sa mạc mênh mông nắng cháy lại thêm các dân tộc Hồ khống chế nên chưa có Con Đường Tơ Lụa để nối kết với vùng Trung Á, Tây Á và vùng bờ đông Địa trung Hải. Con đường mà ngài Huyền Trang với hành trình Tây Du thần thoại hóa đã sang Ấn Độ để thỉnh kinh, dưới đời Đường. Con đường đã đưa Trung quốc tiếp cận các nền văn minh và văn hóa đa dạng khác ở miền tây vực. Con đường đã đưa Phật giáo, Thiên chúa giáo và cả Hồi giáo đến Trung Hoa. Sau cùng là con đường đã làm giàu cho các triều đại Trung Quốc. Con đường trọng yếu lịch sử, giao lưu đông tây được thế giới đặt tên là “Con Đường Tơ Lụa” (Tơ trù chi lữ. The Silk Road), được thành hình dưới thời Hán Vũ Đế, với sự đóng góp khai phá của Trương Khiêm (164-114 BC), nhà thám hiểm lừng danh và công lao hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc.

Thiền Sư Hiện Quang. ?-1221
Vầng trăng thoáng mây che

Sau An Kỳ Sinh với nhiều truyền thuyết thần kỳ mập mờ hư ảo, một thiền sư Việt Nam mà cuộc đời cũng nhiều gian nan, hàm oan trắc trở, đã đến ẩn dật ở đây, tu hành, lập chùa Vân Yên và trở thành vị khai sơn của phái thiền Yên Tử.
Tên của sư trong Thiền Uyển Tập Anh thì ghi là Huyền Quang, những nơi khác thì ghi là Hiện Quang. Để tránh nhầm với Huyền Quang, tổ thứ ba Trúc Lâm Yên Tử sau này, nên ở đây gọi là Hiện Quang để phân biệt.
Sư Hiện Quang tên tục là Lê Thuần, quê ở Thăng Long. Mồ côi từ nhỏ, nên sinh năm nào không ai biết rõ. Thời ấu thơ của sư là những năm tháng gian khổ, đói rét và bơ vơ. Năm 11 tuổi, sư hết sức may mắn cả đời lẫn đạo khi được Thiền sư Thường Chiếu, là tổ thế hệ thứ 12 của thiền phái Vô Ngôn Thông, đang tu ở chùa Lục tổ (Đình Bản, Từ Sơn, Bắc Việt) đem về nuôi và nhận làm đệ tử. Vô Ngôn Thông, (759-826), người Trung Quốc quê ở Quảng Châu đến truyền pháp tại nước ta lập nên thiền phái lấy tên người. Ngài trầm hậu. Ít nói mà biết mọi chuyện. Im lặng mà rõ mọi việc. Người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông hay Bất Ngữ Thông.
Theo Thiền Tuyển Tập Anh. “Sư học vấn thông tuệ, một ngày học hàng vạn chữ, không đầy mười năm gồm thông tam học” (Tam học: Giới, Định, Tuệ). Có điều, kinh tạng thì thông suốt, nhưng cốt lõi của thiền môn, tuy cận kề với thầy thì rất ít chú tâm. Sư đã bỏ mất cơ duyên, khi kịp nhận ra thì Thiền sư Thường Chiếu đã mất. Sư lại phải khởi đầu hành trình tìm thầy học đạo. Tự trách. “Ta đây ví như con nhà giàu, lúc cha mẹ còn sống ăn chơi lêu lổng, đến khi cha mẹ chết thì mờ mịt ngu muội, không biết châu báu trong nhà nằm ở đâu, đến nỗi cuối cùng thành nghèo thiếu”.
Một sự việc xẩy ra đã làm thay đổi cuộc đời tu hành của sư. Theo sử sách còn ghi, sư là người có dung mạo đẹp đẽ lại ăn nói dịu dàng. Đạo hạnh của ngài được nhiều người ngưỡng mộ. Trong đó có cả vua và hoàng tộc. Đây âu cũng là nghiệp chướng. Công chúa Hoa Dương, con vua Lý Anh Tôn, thường hay đến cúng dường cho sư. Từ đó mà những lời đồn đãi hàm hồ vô căn cứ, phỉ báng bôi xấu, thổi phồng lan tràn.
Con người, ngàn năm trước hay vạn năm về sau vẫn thế. Vẫn tin vào lời đồn xấu, đồn nhảm. Nhất là đối tượng là người nổi tiếng, nổi danh, người được yêu kính. Nói tốt cho ai thì như gió thoảng qua tai. Nói xấu về ai thì chỉ một thoáng là loan truyền khắp xứ. Khi đã tin như thế rồi thì dù cho có ai trưng bằng cớ hay cải chính cũng chẳng đổi thay. Đố kỵ, ganh ghét là cội rễ. Phải chăng vì thế Tuân Tử từ xưa đã đúng khi cho rằng “Nhân chi sơ tính bản ác. Con người vốn tính ác”. Đối nghịch với “Nhân chi sơ tính bản thiện. Tính người vốn lành” của Khổng Tử và Mạnh Tử.
Trước sự việc đang xẩy ra, để cầu giác ngộ, sư bỏ chùa, lìa xa xóm làng thị tứ, đi vào tu trong vùng núi Uyên Trừng, Nghệ An. Trước khi đi vào nơi tịnh thất, lời của sư dầu đã hơn tám trăm năm qua, tưởng chừng như không phải nói cho riêng ngài, mà là chân lý đúng cho cả những hành giả đang bị hủy nhục hôm nay. “Phàm người được thế tục ngưỡng mộ tất không tránh khỏi bị hủy nhục. Nay ta là như thế sao? Và, con đường Bồ tát thì rộng lớn, còn Phập pháp thì vô lượng, kẻ sĩ giữ đạo trung dung còn nhiều khi phải buồn tẻ khóc thầm. Nếu như không dõng mãnh tự xét, dùng sự nhẫn nhục làm giáp trụ, lấy việc tinh tấn làm khí giới, thì làm sao tránh được ma quân, phá được phiền não, cầu được giác ngộ vô thượng.”
Kể từ đó sư không nhận lương thực cúng dường, mặc áo lá chân trần, sống chay tịnh thanh đạm cùng thú rừng thuần thục. Vua Lý Huệ Tôn rất cảm phục đời sống đạo hạnh thanh cao của sư, nhiều lần sai sứ giả đem lễ vật đến thỉnh sư về triều. Biết được nghiệp chướng trùng trùng nếu vướng vào sẽ khó đường giác ngộ, sư lánh mặt và nhắn tâu với vua. “Bần đạo sinh trên đất vua, ăn lộc vua, ở trong núi thờ Phật trải nhiều năm, mà công đức chưa thành, rất lấy làm thẹn. Nay nếu về thăm vua thì không những không có ích gì cho việc trị an, mà lại bị chúng sinh bài báng…”
Mây một lần đã qua, thoáng che trăng sáng, rồi cũng tan nhanh theo gió núi. Trăng lại vằng vặc soi. Chỉ một lần thôi, sư đã biết, đã lánh được oan khiên trần tục, tiếp nối đường tu.
Mùa xuân năm Tân Tỵ (1221). Sư tọa thiền trên phiến đá, truyền cho đệ tử Đạo Viên một bài thơ ngắn hai mươi chữ (Gọi là Kệ) gói trọn chân lý đạt ngộ. Rồi an nhiên thị tịch. Có nơi cho rằng sư mất an táng trong hang núi, không biết ở đâu. Nhưng sử sách ghi, cuối đời ngài lập chùa Vân Yên ẩn thân tu hành, truyền thừa cho tăng chúng, lập thiền phái tại Yên Tử. Như vậy ngài mất tại Yên Tử là điều đáng tin.
Bàn thêm.
1. Ai lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử?
Trong tác phẩm nghiên cứu về Trần Nhân Tông, Giáo sư Lê mạnh Thát ghi rằng. “Thông Thiền, lược dẫn Thiền phái đồ coi là người thành lập nên tông môn Trúc Lâm Yên Tử.” Nhưng, cũng trong cùng sách đã dẫn, một đoạn khác lại dựa vào Đại Nam Thiền Uyển Kế Đăng Lược Lục của An Thiền thì lại ghi 23 thiền sư liên tục trụ trì sơn môn Yên Tử, Hiện Quang là tổ thứ nhất, Trần Nhân Tông là tổ thứ sáu. Sau đó là Pháp Loa và Huyền Quang.
Cần làm sáng tỏ một vài điểm
§  Thông Thiền là đệ tử kế truyền Thiền Sư Thường Chiếu, thiền phái Vô Ngôn Thông. Hiện Quang vào tu ở núi Yên Tử, là sư sau cùng của phái này. Như vậy Hiện Quang mới là người tổng hợp ba dòng thiền Tì Ni Da Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo đường để hình thành Thiền Phái Yên Tử thay thế ba dòng thiền kia đã cùng suy tàn vào cuối thế kỷ 13. 
§  Vua Trần Nhân Tông, hiệu Trúc Lâm Đầu Đà là vị tổ thứ sáu của thiền phái Yên Tử. Pháp hiệu Trúc Lâm lại trùng với Trúc Lâm Quốc sư là tôn xưng của vua Trần Thái Tông cho Đạo Viên,tổ thứ hai của Yên Tử (Cũng là Viên chứng hay Phù Vân Quốc sư). Cho nên rất dễ nhầm lẫn. Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông mới là người được suy tôn làm Sơ tổ thiền phái mới mang tên của ngài với chủ trương nhập thế “Cư trần lạc đạo”. Như vậy Thông Thiền đã không phải là người sáng lập thiền phái Yên Tử, lại càng không thể là người sáng lập dòng Trúc Lâm Yên Tử được.
2. Vụ việc Công chúa Hoa Dương nằm trong mưu đồ chính trị cướp ngôi nhà Lý.
Sư Hiện Quang bị bôi nhọ vì cho rằng có tư tình với công chúa Hoa Dương không phải là chuyện nhỏ trong phạm vi cung đình. Nó được thổi phồng lan truyền có kế hoạch đến nỗi sử sách còn chép lại “Tiếng đời phỉ báng nổi lên như ong”.
Nhìn lại sự việc trong bối cảnh bi thảm những năm tại vị của vua Lý Huệ Tông để hiểu được vấn đề. Lý Huệ Tông có vợ là Trần Thị Dung, em gái họ của Trần Thủ Độ. Hai người tư thông, năm hết quyền hành trong triều và tiến hành âm mưu đoạt ngôi nhà Lý. Sư Hiện Quang là người có uy tín và ảnh hưởng trong giới hoàng tộc. Từ đại chúng, công chúa cho đến vua đều ngưỡng mộ. Đặc biệt là Lý Huệ Tông. Trong ý đồ chính trị, Trần Thủ Độ chắc hẳn muốn loại trừ Hiện Quang. Giết đi thì không được vì sợ phản ứng của dân chúng rất sùng đạo và quan trọng hơn là vì thế lực của giới tăng chúng. Hay nhất là triệt hạ uy tín của sư bằng thủ đoạn vu khống dựng chuyện Hiện quang và Hoa Dương. Một mũi tên bắn hai chim. Triệt hạ uy tín chỗ dựa tinh thần của vua, đồng thời kéo dân chúng về mình lên án đạo đức của công chúa, nói chung là bêu xấu dòng họ của vua nhà Lý.
Muốn hạ nhục một nhà sư không gì dễ hơn là loan truyền về quan hệ tình ái hay vợ con không rõ ràng. Thấy việc xưa mà ngẫm chuyện trước mắt. Ngàn năm sau không khác. Nhưng sự thật, cũng như ánh trăng và tia nắng, không thể phủ che.

Trần Thái Tông. 1225-1258
Ngai vàng hay sơn môn

Sau Thiền sư Hiện Quang một vị vua của nhà Trần đã đến núi. Và, lúc đó Yên Tử có thể đã trở thành cung điện triều đình. Đó là vua Trần Thái Tông, vua đầu tiên của nhà Trần và là ông nội của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, Điều Ngự Giác Hoàng sau này.
Hãy ôn lại một đoạn sử. (Chú thích trong ngoặc là của người viết)
Năm 1208, Vua Lý Cao Tông cùng hoàng gia trốn khỏi kinh thành chạy giặc Quách Bốc. Thái Tử Sam chạy đến nương náu nhà Trần Lý. Thấy con gái của chủ nhà Trần Thị Dung xinh đẹp quá nên cưới ngay làm vợ. Gia đình họ Trần chuyên nghề chài lưới giàu có, mộ quân dẹp loạn hộ tống vua về Thăng Long. (Ơn này sẽ trả bằng ngai vàng và sinh mạng!). Về kinh một năm thì vua mất. Thái tử Sam lên ngôi, đó là vua Lý Huệ Tông, Trần thị Dung được phong hoàng hậu. Từ đó anh em họ Trần nắm hết quyền hành trong triều.
Sau cùng, quyền lực khống chế vua và quần thần thâu gọn trong tay người anh họ Trần Thủ Độ. Ông cũng là nhân tình của vợ vua. Sau cùng giết vua rồi lấy luôn hoàng hậu. Không biết chữ, nhưng ông rất thông minh lại giỏi võ và âm mưu thâm độc tàn ác thì trong lịch sử nước ta không ai sánh được.
Lý Huệ Tông không có con trai (lại thêm một tai họa), có hai người con gái cùng hoàng hậu Trần Thị Dung. Công chúa Thuận Thiên gả cho Trần Liễu, con trưởng của Trần Thừa (Ông này là anh ruột của hoàng hậu. Như vậy là anh em cô cậu ruột lấy nhau.) Người con gái thứ hai là Chiêu Thánh, được Lý Huệ Tông yêu thương hết mực nên lập làm thái tử. ((Không có con trai nối dõi đã là nguy, lại còn bỏ con trưởng lập con thứ). Năm 1224, Lý Huệ Tông mang bệnh cuồng, (Bệnh thật vì căn thẳng thần kinh hay giả điên như Tôn Tẫn để thoát chết), bị ép buộc nhường ngôi cho Chiêu Thánh vào tu ở chùa Chân giáo. Từ đấy quyền hành định đoạt trong tay bà Trần Thái hậu và ông anh Trần Thủ Độ.
Dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng lấy con thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh mới 8 tuổi làm chồng. (Ông anh ruột của Trần Thái Hậu cho hai con trai lấy hai con gái của em ruột.) Sau đó đúng theo dự mưu của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh tức là vua Trần Thái Tông.
Theo Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, tuy đã cướp được ngôi vua, Trần Thủ Độ đã từ lâu muốn giết Lý Huệ Tông mà chưa thực hiện được. Thường ngày thấy vua ngồi xổm nhỏ cỏ trước cửa chùa, Trần Thủ Độ nói câu để đời. “Nhổ cỏ thì nhổ hết rễ”. Vua trả lời. “Ta hiểu ý ngươi rồi”. Thêm nữa. Vua Huệ Tông, trong bộ áo nhà sư, thường lê đôi giày cỏ, chống gậy tre thất thểu ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ sinh biến loạn ép vua treo cổ tự tử. Xong chính thức lấy vợ vua.
Về việc này sử thần Ngô Thì Sĩ có lời bàn. “Thủ Độ lập tâm nham hiểm phải chịu tiếng ác giết vua, khiến cho nhà Trần chịu tai họa báo ứng. Vua Thái Tông là con rể đã cướp được ngôi lại còn giết cha vợ. (Sau này) Quý Ly cũng là con rể cướp ngôi Trần, lại còn là cha vợ giết con rể. Sự hưng vong như giấc mộng; việc báo ứng như vòng tròn. Ăn ở bất nghĩa có ích gì đâu.” Và. “Nàng Thiên cực kia vốn là đàn bà góa của nhà Lý (Vợ vua), cũng từng là em của Trần Thủ Độ ở triều vua Huệ Tông. Con lợn nái sao đến nỗi mất thể diện, con cáo đực sao lại dám vô lễ, mà lấy ngày thầy tăng chùa Chân Giáo lên cõi Nát bàn làm ngày kiến gia hoàng hậu hạ giá, tuy đã đổi gọi là công chúa, nhưng vì trong họ còn là anh em gần, thật là làm trái lẽ rối loạn đạo thường, thực không bằng loài cầm thú…”
Chưa hết. Thủ Độ đã giết vua Huệ Tông, tôn thất nhà Lý nhiều người ấm ức thất vọng. Nhằm lúc họ làm lễ tế tiên tổ ở thôn Thái Đường xã Hoa Lâm, Thủ Độ cho người ngầm đào hố sâu, dựng nhà lên trên, giật máy cho nhà đổ, chôn sống hết tôn thất nhà Lý. (Tưởng hết, nhưng còn!) “Trong số con cháu còn sót lại, đặc biệt có hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, hiện đang sinh sống tại Hàn quốc. Nguyên vào năm 1226, sau khi nhà Trần lật đổ nhà Lý, Hoàng tử Lý Long Tường, con thứ hai của vua Lý Anh Tông, (tức là anh của công chúa Hoa Dương đã nhắc đến trong phần sư Hiện Quang), em vua Lý Cao Tông, cùng thuộc hạ vượt biển chạy trốn, bị bão đánh dạt vào lãnh thổ Cao Ly (Đại Hàn). Tại đây Hoàng tử có công giúp nước Cao Ly chiến thắng quân Nguyên Mông vào năm 1253. Vua Cao Ly ưu đãi phong tước Hoa sơn tướng quân. Hiện nay hậu duệ của Hoàng tử gồm chừng 200 gia đình đang sinh sống tại Seoul và Youdo-dong”. (asvnonline). Gần đây ông Lý Xương Căn, cháu đời 26 của Hoàng tử đã về Việt nam thăm tổ tiên. (Và xuất hiện trên video Thúy Nga)
Chuyện còn dài. Vua Trần Thái Tông được vợ, được ngôi. Nhưng, chờ mãi mà Lý Chiêu Thánh không có con. Lúc đó Lý thị (Tức Công chúa Thuận Thiên, chị ruột của vợ mình) là vợ của ông anh ruột Trần Liễu (Cha của Trần Hưng Đạo Trần Quốc Tuấn) đã có mang được ba tháng. Thủ Độ (Trăm sự do ông này) cùng Thiên Cực công chúa (Vợ vua Huệ Tông giáng chức xuống làm công chúa Thiên Cực) bày mưu riêng nhà vua là nên nhận liều để có lợi về sau, vì thế mới đem Lý thị vào ở trong cung. Trần Liễu tức giận tụ tập người nổi loạn.
Nhà vua áy náy không yên lòng, đêm lẻn lên núi Yên Tử vào chùa của Phù Vân Quốc Sư (Tên gọi này không đúng. Đây là Thiền Sư Đạo Viên được vua tôn xưng Trúc Lâm Quốc Sư). Ngày hôm sau, Thủ Độ đem bầy tôi đến đón xa giá về kinh. Vua từ chối nhất định đi tu. Thủ Độ ra bảo với mọi người. “Xa giá vua ở đâu, tức là triều đình ở đấy”. Nói rồi, liền cấm mốc chăng dây chia thành hàng ngũ trong núi, phỏng theo kích thước cung điện ở kinh thành, bắt thợ xây dựng. Quốc sư Phù Vân hoảng quá nài nỉ nhà vua. “Bệ hạ nên sớm quay loan giá về kinh thành, không nên để họ làm hại đến núi rừng của đệ tử này”. Vua không nghe. Phù Vân nói. “Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ ở trong tâm. Nếu thánh thượng hiểu được tâm. thì đứng đâu là Phật ở đó”. Vua chợt ngộ ra. Bây giờ nhà vua mới trở về kinh. (Khâm Định Việt Sử).
Bàn thêm.
§  Sử gia và nhiều người đúng, khi cho rằng Trần Thủ Độ đã làm một cuộc đảo chánh không đổ máu. Thắt cổ vua và chôn sông tôn thất nhà Lý thì đâu có đổ giọt máu nào!
§  Vua Trần Thái Tông dưới mắt sử gia Ngô Thì Sĩ. “Vua là người khoan nhân đại độ có lượng đế vương, điển chương chế độ rõ ràng đáng được nêu lên. Song sự xếp đặt công việc đất nước đều do Trần Thủ Độ làm (Vậy người đáng khen là Trần Thủ Độ). Đạo tam cương không giữ đúng, trong chốn phòng the còn nhiều điều hổ thẹn.” 
§  Vua Thái Tông càng về sau, ngay cả sau khi Trần Thủ Độ mất, trở thành vua giỏi. Thông hiểu Phật pháp, vừa trị nước vừa lo tu. Là tác giả của hai tác phẩm Phật học giá trị. “Thiền tôn chỉ nam”, chỉ về tu thiền, và “Khóa hư”, nguyên nhân khổ và diệt khổ.

Thiền sư Pháp Loa. 1284-1330
Bồ tát, Trượng phu.

Yên Tử đời Lý đã có chùa, nhưng thật sự trở thành trung tâm Phật giáo với hàng trăm công trình chùa am, tu viện là do Thượng hoàng Trần Nhân Tông xây dựng trong thời gian tu hành và truyền pháp ở đó. Sau khi người qua đời, người kế thừa là tổ thứ hai Pháp Loa Đồng Kiên Cương. Trong 19 năm tu hành, ông tiếp tục phát triển Yên Tử và nhiều nơi khác.
Từ lúc sinh ra cho đến khi mất, cuộc đời thường và tu trì của sư thật may mắn suông chảy, đầy duyên lành và quyền lực. Sinh ra đã có căn tu. Không thích thịt cá. Vừa 21 tuổi, gặp Điều Ngự đang trên đường hành đạo và được nhận ngay làm đệ tử.
Ngày mồng một Tết năm Mậu thân, 1308, tại chùa Siêu Loại Bắc Ninh, vào lúc tuổi đời chỉ mới 24, đã nhận tâm ấn và kinh tạng bửu bối viết bằng máu, tự tay sơ tổ Trúc Lâm Đầu Đà truyền thừa. Điều đặc biệt nữa chưa từng xẩy ra trong lịch sử của thiền môn Phật giáo, là buổi lễ long trọng này có lễ có nhạc, trước sự chứng kiến của vua Trần Anh Tông và quan viên tăng chúng. Sự kiện này được tường thuật đầy đủ, khắc ghi lại trên bia đá còn giữ lại tại tháp Viên Thông, chùa Thanh Mai, Chí Linh, Hải Dương.
Hãy đọc trích dịch một phần văn bản của bia đá.\
“…Ngày rằm bố tát xong, (Điều ngự) đuổi tả hữu ra, đem y bát và viết tâm kệ giao cho sư, bảo phải giữ gìn. Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308), sư vâng lệnh làm trụ trì nối dòng pháp ở Cam Lộ đường chùa Siêu Loại. Để khai đường và làm lễ trao truyền, vua cho đặt bài vị của liệt tổ, tấu Đại nhạc, đốt hương thơm.
Điều Ngự dẫn sư lên lễ tổ đường xong. Sau khi ăn cháo, sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập hợp đại chúng lên pháp đường. Bấy giờ Anh Tông xa giá đến chùa. Sau khi đặt ngôi chủ khách xong, vua Anh Tông vì là đại thí chủ của Phật pháp, đứng vào ngôi khách ở pháp đường, thượng tể đem bá quan đứng ở dưới sân. Điều Ngự lên tòa thuyết pháp. Giảng xong, bèn đi xuống, đỡ sư lên tòa. Điều Ngự đứng đối diện chắp tay hỏi han. Sư đáp lễ xong, nhận pháp y mặc vào. Điều Ngự bèn bước sang một bên, ngồi trên giường khúc lục, nghe sư thuyết pháp.
Đem chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử sai sư kế thế trụ trì là đời thứ hai của dòng Trúc Lâm. Lại đem ngoại thư kinh sử 100 hộp và Đại Tạng 20 hộp nhỏ chép bằng máu chích ra, để mở rộng việc học nội và ngoại điển…”
Với chủ trương không phân biệt tại gia hay xuất gia, Sư được Trần Nhân Tông đào tạo trở thành bồ tát của sơn môn và trượng phu của thế tục. Sự nghiệp của sư với Phật giáo Việt nam vô cùng to lớn. Sáng tác nhiều tác phẩm giá trị, in ấn phát hành kinh sách, giảng pháp truyền đạo. Đặc biệt là việc xây dựng những chùa am thiền tự nổi tiếng như Côn Sơn, Thanh Mai Sơn, Quỳnh Lâm, Hồ thiên. Đào tạo hàng ngàn tăng đồ. Theo sư có đến 15 ngàn đệ tử.
Trước tình trạng lạm dụng nơi chùa chiền để trốn thuế, trốn lao động, Sư là người đầu tiên trong lịch sử Phật giáo đã thực hiện được việc kiểm tra và lập sổ bộ tăng chúng để quản lý. Vì thế Sư là một người rất có uy quyền và được vua sùng kính.
Sử thần Ngô Thì Sĩ có lời bàn. “Pháp Loa trong khoảng niên hiệu Hưng Long thường tâu xin giảm số độ thầy tu, từ chối sự ban cấp cho phu chèo thuyền, khước bỏ những của bố thí như ruộng đất, vàng, bạc của các vương tôn quý chủ, giữ luật răn mình rất nghiêm, giữ đức hạnh rất cao, giác ngộ chân lý rất nhanh, hết thảy những vinh hoa, lợi dục, chung đỉnh, thiết việt không một vật gì có thể lay chuyển được. Cho nên xử những việc lớn vẫn điềm nhiên, pháp luật trong đời không ràng buộc được, người đời không ai không tôn trọng đạo của ông, tin tấm lòng của ông.”
Năm 1330, ngày mùng 5 tháng 2, Sư phát bệnh trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc tàng viện. Đến ngày mùng 1 tháng 3, Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm và cho Thái y của triều đình chạy chữa. Lúc lâm chung, có sư Huyền Quang cận kề hỏi pháp. Khi sắp viên tịch, đệ tử cùng đến và hỏi. “Người xưa lúc sắp tịch đều có để kệ dạy cho đệ tử, riêng thầy sao không có?” Sư ngồi dậy viết bài kệ rồi ném bút, an nhiên thị tịch. Lúc đó sư mới 47 tuổi. Vua Trần Minh Tông tặng mười lượng vàng xây tháp để nhục thân ở Thanh Mai Sơn.
So với đại lễ truyền thừa cho Pháp Loa do Điều Ngự tổ chức rất long trọng, thì rõ ràng hành động của Pháp Loa lúc sắp qua đời ở đây quá mập mờ. Với một người giỏi cả việc đạo, thạo việc đời như Pháp Loa, đây không thể là sự sơ suất thiếu chuẩn bị mà phải chăng đó là ý định của ngài? Phải chăng lúc Pháp Loa mất thì Huyền Quang cũng đã quá già yếu cận kề tuổi 80 và 4 năm sau thì cũng viên tịch.
Chính vì sự mập mờ này mà về sau có giả thuyết cho rằng Huyền Quang chỉ được tổ Pháp Loa truyền pháp chứ không được truyền tông kế thừa ngôi tổ. Tổ thứ ba phải là Thiền sư Kim Sơn, một thiền sư thông tuệ, tác giả nhiều kinh sách, trong đó cuốn sử thiền nổi tiếng Thiền Uyển Tập Anh có người cũng cho là của Kim Sơn. Tin như thế vì sư Kim Sơn được vua Trần Minh Tông rất kính phục và trong thư gửi cho sư lúc vua lâm bệnh đã gọi sư Kim Sơn là Tam Đại Thiền Tổ, thiền tổ thứ ba.

Huyền Quang. 1254-1334
Thi sĩ thiền sư, mặc áo Bụt ở với ma

§  Ai là Tổ thứ ba kế thừa Pháp Loa
Thiền sư Huyền Quang cận kề, hỏi pháp bên giường bệnh của Pháp Loa trước giờ lâm chung. Nhưng Pháp Loa có truyền y bát truyền thừa rõ ràng để trở thành Tổ thứ ba của Trúc Lâm Yên Tử, như đã được viết trong Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thích Mật Thể, lại là một câu hỏi. Một vài điểm cần được giải thích
-Vua Trần Anh Tông rất kính trọng và có mối liên hệ rất tốt với Pháp Loa tuy rằng sư còn trẻ. Với Huyền Quang lại không được như vậy. Bằng chứng là đã cho cung nữ tín cẩn dụ dỗ Huyền Quang để thử thách về đạo hạnh lúc sư đã ở tu trong núi và đã 60 tuổi (sẽ nói rõ sau).
-Vua Anh Tông là người chủ trì việc trao y bát cho Pháp Loa tự tay vua cha, Sơ tổ Điều Ngự Giác Hoàng, để trở thành tổ thứ hai. Anh Tông chắc chắn sẽ rất lưu tâm về việc chọn tổ thứ ba. Nhưng khi sắp chết, Anh Tông không chịu gặp Pháp Loa. Lý do gì? Bất đồng về việc chọn người kế truyền chăng?
-Vua Trần Minh Tông, kế vị vua cha Trần Anh Tông, giữ mối liên hệ với Pháp Loa còn tốt hơn. Bằng chứng đã đến thăm, cho thái y chạy chữa khi Pháp Loa bệnh nặng sắp mất. Sau khi chết lại cấp vàng xây mộ tháp. Lần gặp sau cùng này, với trách nhiệm đối với đất nước, với đạo pháp và nhất là với sơ tổ Trần Nhân Tông, vua không thể không hỏi Pháp Loa về người truyền thừa ngôi tổ. Nếu tổ thứ ba Pháp Loa chọn là Huyền Quang, thì sao không công khai truyền y bát. Lại nữa, nếu đã rõ ràng như vậy thì lúc sắp chết vua Trần Minh Tông đã không gọi sư Kim Sơn là Trúc Lâm Thiền Tổ Thứ Ba (Trúc Lâm Tam Đại Thiền Tổ)
Sở dĩ có sự rối rắm thắc mắc, suy diễn này chỉ vì bản Tổ Gia Thực Lục, sách ghi rõ tiểu sử của ba vị tổ của Trúc Lâm đã bị lấy mất.
Thử đọc lại đoạn sử ly kỳ liên quan đến quyển sách này. Nhà Minh lúc sang đánh chiếm Việt Nam vào năm 1407-1428, vơ vét sách vở và tất cả đồ quý đem về Kim Lăng, trong số đó có bản Tổ Gia Thực Lục. Vị thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc, khoảng 1426-1435, là người nhận sách và giữ sách. Trong suốt thời gian giữ sách trong nhà, ông thường mơ thấy sư Huyền Quang hiện ra đòi ông đem trả sách về cho Việt Nam. Chưa có cách nào trả lui, ông cho làm chùa ở làng mình lấy tên là Chùa An Nam, Thiền sư Huyền Quang, để phụng thờ. Chùa rất linh ứng khi con cháu cầu đảo. Đến khoảng năm 1522­1558, tức là hơn một trăm năm sau, Tô Xuyên Hầu Lê Quang Bí, triều Lê, đi sứ sang Tàu. Đến năm 1569, mười chín năm sau, mới trở về nước. Cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Thừa Tổ lại nằm mơ thấy sư nhắc chuyện trả sách đúng theo lời tổ phụ lưu truyền. Hoàng Thừa Tổ tìm đến tiễn sứ và trả sách Tổ Gia Thực Lục để sứ đem về.
Trong sách này trang cuối ghi rõ. Huyền Quang được phong là “Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả”. Căn cứ trên Tổ Gia Thực Lục, vào thế kỷ 18 Ngô Thời Nhiệm đã viết nên tác phẩm “Tam Tổ Thực Lục”. Từ đó chính thức thừa nhận ba tổ của Trúc Lâm Thiền phái là Điều Ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Bản thân Ngô Thời Nhiệm, một trí thức hàng đầu, một sử gia lừng lẫy của Việt Nam theo giúp vua Quang Trung, cuối đời cũng vào Trúc Lâm tu học, lấy pháp danh là Hải Lượng. Tự xưng là “Trúc Lâm đệ tứ tôn”.
§  Theo bước Nhân Tông
Sư tên là Lý Đạo Tải, cha thuộc dòng dõi quan liêu. Khác với Hiện Quang và Pháp Loa dung mạo tuấn tú, Huyền Quang hình dung kỳ dị (nói gọn là xấu trai) nhưng rất đỗi thông minh. Mới 21 tuổi đã thi đậu trạng nguyên. Được bổ làm quan ở Hàn Lâm Viện và đi sứ Trung Hoa. Có nơi thì nói là tiếp sứ. Ông nổi tiếng về tài văn thơ khi ứng xử nên được nể phục. Không những những người giàu sang, thượng quan triều đình đòi gả con, mà An sinh Vương (Thân sinh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) cũng đòi gã cháu là công chúa Liễu Nữ. Ông từ chối nhất định sống độc thân.
Một hôm theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết pháp, ông giác ngộ. Từ quan xuất gia theo hầu Điều Ngự và Pháp Loa với pháp hiệu Huyền Quang do chính thượng hoàng đặt cho. Kể từ đó cho đến khi Điều Ngự mất, ba thấy trò cùng nhau đi khắp nơi để truyền pháp cho đại chúng..
Lúc gặp Pháp Loa, ông bước qua tuổi năm mươi. Tuổi để biết trời cho được gì. Ngũ thập tri thiên mệnh. Với Pháp Loa, so về tuổi tác ông vào hàng cha chú. Về học vấn, văn thơ thế tục thì cũng vượt xa. Sau cùng về từng trải và kinh nghiệm đời thì khỏi cần nói đến. Thế mà chỉ nghe Pháp Loa giảng kinh bỗng tỉnh thức bước theo con đường tìm giác ngộ. Pháp Loa quả thật là một thiền sư xuất chúng.
Sư mất tại Côn sơn ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất. Thọ 80 tuổi.
§  Mặc áo Bụt ở với ma
Sử thần Ngô Thời Sĩ nhận xét về Huyền Quang. “Cuộc đời của sư đạm bạc giản dị đơn sơ”. Khi trú trì ờ chùa Hoa Yên kế tục Pháp Loa, hàng nghìn tăng ni theo học. Ngoài việc in kinh, lập chùa, sư nổi tiếng nhân đức vì việc làm bố thí. Từ thượng quan đến cùng đinh dân dã đều ngưỡng mộ đạo hạnh của sư. Không ai nghi ngờ. Trừ một: Trần Anh Tông.
Nếu những việc khác trong sự nghiệp trị nước, vua được cho là sáng (minh) nên được liệt vào hàng minh quân. Nhưng trong nhiều việc làm khác, đặc biệt cho cung phi vào núi dụ dỗ để thử Huyền Quang lúc sư đã 60 tuổi thì rõ ràng ông có hành động ấu trĩ nông nổi của một u (tối) quân. Một dạng thức bệnh tâm lý.
Về nhà Trần, các nhà sử học cho rằng, một trong những điều rất hay là chế độ vua cha nhường ngôi cho con, lui về làm thượng hoàng. Như vậy vua trẻ có thời gian thực tập công việc trị nước dưới sự cố vấn, giám sát và giáo dục nghiêm khắc của vua cha. Nếu không có việc này thì có lẽ nhà Trần đã nhiều phen mất ngôi. Một trong những ví dụ là trường hợp Trần Anh Tông.
Lúc đã lên ngôi, là vua lãnh đạo nước, Trần Anh Tông vẫn còn nhiều thói hư và việc làm bất xứng.
Việc thứ nhất. Đêm đêm cùng đám hầu cận, vua lẻn khỏi cung điện đi chơi la cà cho tới sáng. Có hôm bị côn đồ ném đá lũng đầu chảy máu. Nhờ đám lính hô lên “Nhà vua đấy!”, côn đồ bỏ chạy. Thoát nạn, vua mang đầu máu về cung. Thượng hoàng thấy hỏi… lắc đầu chặt lưỡi.
Việc thứ hai. Thượng Hoàng ở phủ Thiên Trường về cung để “kiểm tra bất thần”, không thấy vua con ra nghênh đón. Chờ đến bữa cơm dọn ra, vua cũng biệt tăm. Hỏi ra mới biết vua uống rượu quá say ngủ mê mệt, đánh thức cũng không tỉnh lại được. Thượng hoàng giận lắm quay về đã muốn phế bỏ, cho lệnh các quan hôm sau đến “trình diện”. Khi tỉnh rượu nghe nói, vua bủn rủn tay chân, không kịp đem theo quân hầu, vừa đi vừa chạy đến lạy cha xin tạ tội. Trên đường đi, bối rối suy nghĩ chưa biết phải ăn nói giải thích làm sao với thượng hoàng thì gặp học sinh thất nghiệp Đoàn Nhử Hài đang đi lất phất. Vua nói qua chuyện mình. Nhử Hài phóng bút viết lời trần tình. Vua cho đi theo và đẩy đi trước đến quỳ gối đội đầu dâng sớ. Thượng hoàng không tiếp. Trời bỗng mưa to gió lớn, Nhử Hài đánh nước lỳ, tiếp tục quỳ.
Thượng Hoàng vốn là Phật sống, động lòng phải tiếp đọc. Đọc tờ biểu xong hết giận. Gọi vua vào quở trách và hỏi tác giả của bài văn. Vua thành thật khai báo. Thượng hoàng biết Nhử Hài là kẻ có tài, từ đó trọng dụng. Vua thoát tội bị phế truất. Phong ngay cho vị cứu tinh non choẹt mới 20 tuổi, miệng còn hơi sữa, làm Ngự Sử Trung Tán và từ đó trở thành một cận thần thân tín và đảm nhận nhiều trọng trách, rạng rỡ lưu danh. Vua ăn năn và thề bỏ rượu. (Miệng còn hôi sữa là chữ do các quan trong triều nhạo báng Nhử Hài. Lấy theo câu, Khẩu tồn nhũ xứ, mà vua Hán Cao Tổ chê Bá Trực, tướng của Ngụy là trẻ con)
Việc thứ ba. Tổ tiên nhà Trần vốn là người Phúc kiến Trung quốc, sang Việt Nam chuyên nghề đánh cá. Vì thế có cổ tục xâm mình. Tục này xưa thì rất phổ biến trong nhân gian sau này không còn, chỉ còn lưu truyền trong dòng dõi hoàng tộc nhà Trần. Tất cả vua kế nghiệp đều xâm hình rồng trên bắp đùi. Hôm Thượng Hoàng đến để chứng kiến việc này thì vua Trần Anh Tông né đi chỗ khác. Thượng Hoàng biết ý lờ luôn. (Hay Thượng hoàng đã muốn dẹp từ lâu mà chưa có cớ). Kể từ đó tục này được bãi bỏ.
Chính sử sau này ca tụng vua Trần Anh Tôn đã có một hành động cách mạng cải cách hủ tục. Nhưng nên coi lại. Vua vốn ham đi chơi đêm bên ngoài nên giấu giếm tông tích cho dễ bề trác táng. Có lần đã bị ném đá bể đầu may chúng biết là vua nếu không thì đã vỡ sọ. Bằng lòng cho xâm hình rồng trên bắp đùi thì chốn ăn chơi khi trần truồng làm thế nào che dấu tông tích mình là vua. Vì thế Trần Anh Tông phải né cũng là điều dễ hiểu.
Việc thứ tư. Trần Anh Tông dự phần trong việc làm cho Phật giáo thời cuối Trần đi lệch con đường chính đạo để nhuốm nhiều yếu tố mê tín dị đoan. Anh Tông cho phép đạo sĩ Tồn Đạo từ Trung Quốc đến lưu trú và hành nghề phù thuật. Phù thủy, phù chú, cầu đảo… bắt đầu từ đây.
Lại nữa. Một tăng sĩ Lạt Ma Giáo người Hồ (Tây tạng?) tên là Du Chi Bà Lam với nhiều phép thuật đã đến và phổ biến bùa chú huyền bí mê tín. Áp dụng lệch lạc mật tông. Ông được vua Trần Anh Tông ưu đãi. Ở lại Thăng Long và chết tại đây. Tại sao ông được nâng đỡ như vậy? Đơn giản. Vua thấy con gái của ông thầy Tây tạng này là Da La Thanh đẹp nên sung vào hậu cung!
Việc tệ nhất. Sai cung nữ thị Bích vào chùa trong núi sâu Yên Tử dụ dỗ ngài Huyền Quang.
Trần Anh Tông là một vị vua giỏi. Nhưng từ thuở trẻ đã ham mê tửu (sau này đã bỏ) nhưng ham mê sắc dục thì đến chết chắc cũng không chừa. Thấy một Huyền Quang, lúc trẻ có tài có chức trọng, lại một mực khước từ xa lánh mọi quyến rũ của nữ giới, kể cả công chúa, vào chùa đi tu. Khó tin được. Chẳng qua là chưa gặp người gặp cảnh. Huyền Quang hay Anh Tông đều là chúng sinh như nhau. Phải đánh đổ thần tượng để cho mình không còn mặc cảm Bụt và ma.
Trần Anh Tông ban cho Huyền Quang vàng có dấu ấn. Sai thị Bích vào chùa tu để quyến rũ sư cụ Huyền Quang lúc này đã 60 tuổi (quá tội lỗi) để lấy vàng này đem về. Thị Bích thấy ngài đạo hạnh trang nghiêm tôn kính không thi hành mưu kế được. Về tay không thì đắc tội với vua. Thị Bích khóc lóc kể lể gia cảnh lâm nguy. Cha là tri huyện thâu thuế bị cướp nếu không bù lại sẽ bị hành tội. Nghe lời bàn của tăng ni, sư đem cho vàng. Thị Bích đem về khoe với vua đã thành công mỹ nhân kế. Nhưng Anh Tông sau giây phút nông nỗi đã hối hận. Khi mọi việc sáng tỏ, vua mở hội mời sư về làm lễ và tạ tội.
Thiền sư Hiện quang trước đây vì bị nghi oan phải vào núi tu. Huyền Quang đang tu trong núi, vua và thị Bích mưu đem oan tới, Sư chạy đi đâu?
Sư chưa hề biện bạch, như lời thơ của sư viết. “Tay cầm dùi mõ tay nâng sáo. Thiên hạ cười ta cứ mặc tình. Thủ bả suy thương hòa thái thác. Đồ gia nhân tiếu lão tăng mang”. Nhưng mãi gần năm trăm sau, năm Tân Mùi (1751), dưới triều Lê, chánh tiến sĩ đốc trấn Ngô Thì Sĩ, nhà trí thức, người viết và phân tích sử sắc bén, đã soạn lời giải thay cho sư mang tựa đề “Huyền Quang hành giải”. Xin trích một vài luận cứ ngắn.
“Việc làm ra mà mọi người giống nhau, nếu có người khác liền nghi. Còn lời nói ra mà mọi người không giống nhau, nếu có người chủ trì thì tin”.
“Nay tôi sống cách xa sư không biết mấy trăm năm. Nghĩ đến việc giải quyết những nghi ngờ do miệng ngoa truyền của thế tục há không thể đem gia phổ, thi ca của sư để làm công án ư?”. “Khí chất núi rừng khói ráng thể hiện trong ngôn từ. Con người đạm bạc giản dị đơn sơ, tưởng cũng có thể thấy được. Thì đâu có cái chuyện nói năng không gốc gác như thế tục ngoa truyền?” “Sự việc của sư đã rõ ràng, thì chuyện mâm tỏi thành đồ chay trở nên vớ vẩn. Nhà vắng đem ra mà xét lại, thì có thể nói rằng: vua Trần nhiều lần sai thử sư mà sư không thể phạm…”
§  Thi sĩ -thiền sĩ Huyền Quang
Đọc tiểu sử các thiền sư, riêng Huyền Quang sao gần gũi và thân tình. Trước mắt như thấy một thiền sư già chậm, chống gậy trúc với nụ cười chân chỉ thật thà. Một hình ảnh rất siêu thoát mà lại cũng rất dễ thương. Thú vị khi đọc thơ của sư. Quả thật “Khí chất núi rừng khói ráng thể hiện trong văn từ”.
Thiền sư Mãn Giác đời Lý nổi tiếng với bài thơ thiền mà bao nhiều người thuộc, ít nhất là hai câu cuối. “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai” (Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai). Thật ra Mãn Giác, một thiền sư đọc bài kệ này khi lâm bệnh trước khi mất để truyền pháp cho đệ tử. Sư Mãn Giác không làm một bài thơ, không là thi sĩ. Nhưng bài kệ có cả thiền vị và thi vị nên được yêu thích như một bài thơ thiền tuyệt hay. Vậy thì Thiền sư và thi sĩ trong phút giây xuất thần sáng tạo, tuy mức độ có khác, chừng mực nào đó có điểm tương cận chăng? (Đây là nói thi sĩ thứ thiệt. sáng tạo thơ chứ không phải làm thơ bằng cách ghép chữ ép vần cho đủ bài).
Thiền sư Huyền Quang thì ngược lại, sư làm thơ như là một thi sĩ, nhưng nhiều bài lại mang thiền tính của một bài kệ. Cho nên gọi Huyền Quang (hay Tuệ Sĩ bây giờ) là thi sĩ -thiền sư hay thiền sư -thi sĩ đều được. Sư làm rất nhiều thơ, nhất là giai đoạn tu trên Yên Tử. Những bài trích đăng sau đây do Nhất Hạnh dịch.
AM YÊN TỬ
Am cao trên đỉnh lạnh
Cửa mở mây từng không
Long Động trời đã tỏ
Hồ Khuê nước còn băng
Văn chương không kế sách
Gậy chống thân gầy còm
Hầu hết chim rừng Trúc
Là bạn của nhàn tăng
YÊN TỬ SƠN AM CƯ
Am bức thanh tiêu lãnh
Môn khai vân thượng tằng
Dĩ can Long động nhật
Do xích Hồ khuê băng
Phù suy hữu sấu đằng
Trúc Lâm đa trúc điểu
Quá bán bạn nhàn tăng
NGỦ TRƯA
Mưa tạnh khe núi tĩnh
Ngủ mát dưới rừng phong
Nhìn lại cõi nhân thế
Mắt mở vẫn say nồng
NGỌ THỤY
Vũ quá khê sơn tịnh
Phong lâm nhất mộng lương
Phản quan trần thế giới
Khai nhãn túy mang mang
HỎA LÒ
Củi hết, lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta, cứ mặc tình
ĐỊA LÔ TỨC SỰ
Ôi dư cốt đột tuyệt phần hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ bả suy thương hòa thái thác
Đồ giao nhân tiếu lão tăng mang
 
Thơ về hoa cúc của Thiền sư Huyền Quang phải được kể là một trong những bài thơ hay của thi ca Việt Nam. Nhiều ý thơ và hình ảnh được tìm thấy trong thơ bây giờ. Thơ dài nên chỉ trích đoạn.
HOA CÚC
Buông thân buông thế, thảy đều buông 
Thiền tọa giờ lâu lạnh thấm giường 
Trong núi năm tàn không có lịch 
Thấy hoa cúc nở biết Trùng dương
Năm năm nở đúng tiết Thu qua 
Gió dịu trăng trong ý mặn mà 
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu 
Khi về, mái tóc giắt đầy hoa
Người ở trên lầu hoa dưới sân 
Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông 
Hồn nhiên người với hoa là một 
Giữa vùng hương sắc lộ hình dung…
CÚC HOA
Vương thân vương thế dĩ đô vương 
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương 
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật 
Cúc hoa khai xứ tức Trùng dương
Niên niên hòa lộ hướng thu khai 
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài 
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ 
Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai 
Hoa tại trung đình nhân tại lâu
Phấn hương độc tọa tự vong ưu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu

Kết
Yên Tử chỉ đến một ngày mà suy tư vương vấn mãi đến nhiều tháng sau. Lật trang sử xưa, lồng lộng đất nước huy hoàng ngày tháng cũ. Nhìn cảnh điều tàn hoang phế hay lố lăng diêm dúa của chùa lăng, tôn miếu, không phải ở đây mà cả nhiều nơi đã đi qua trên miền bắc, khó ngăn được luyến tiếc bùi ngùi hồn thu thảo.
Yên Tử là dấu tích của hai triều đại Lý Trần.
Lý,Trần, với những vị vua Phật Tử, dựa trên Bi Trí Dũng của Phật Giáo cùng với Nhân Trí Dũng của Nho Giáo, xây dựng những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc. Giáo sư Trần Quốc Vượng trong tác phẩm “Trong Cõi”, (được phổ biến rất hạn chế ở hải ngoại và bị cấm ở trong nước), cho rằng. “Các vua đầu triều Lý hay Trần là những vua thân dân, gần gũi và thông cảm với dân chúng”. Thêm nữa. “Thời Lý Trần, đường lối tư tưởng chung của vua chúa triều đình là dung hợp, điều hòa và dung hòa Tam Giáo, Phật Nho Đạo”
Hầu hết các vua hai triều là những minh quân, làm cho tổ quốc hùng mạnh, phát triển rực rỡ về cả văn hóa, nghệ thuật, pháp chế, pháp luật. Nhân dân no ấm hạnh phúc. Và quý nhất là xã hội ổn định, hòa hợp. Thời gian thịnh trị kéo dài mấy trăm năm. Không phải một sớm một chiều. Cũng theo Giáo sư Trần Quốc Vượng. “Sang thời Lê rồi thời Nguyễn, triều đình vua chúa trở nên độc tài hơn về mặt tư tưởng, (dưới chế độ cộng sản thì lại quá tệ), chỉ muốn độc tôn Nho học, lấy Nho học làm tư tưởng chính thống. Thì quả thật từ đấy trong nước hiện ra cảnh lưỡng phân văn hóa, hiện ra hai trào lưu tư tưởng; tư tưởng khai phóng (Tam Giáo),và tư tưởng bế quan (Tống Nho).”
Bên cạnh sự nghiệp đó, cũng có nhiều điều tiêu cực mà các người viết sử, Nho gia, đặc biệt là Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Ngô Thì Sĩ, Ngô thì Nhậm, Ngô Sĩ Liên…có lời phê phán rất nghiêm khắc.
Nhiều phán xét có luận cứ và rất đúng. Tuy nhiên nếu cho rằng vì quá lạm dụng Phật giáo mà suy vong thì cần xét lại. Các triều đại, hay nói chung mọi việc, hễ có bắt đầu thì có chấm dứt. Đây là lý vô thường trong quan niệm Phật giáo. Và Lão Tử với “Luật phản phục” cũng cho rằng, trong vũ trụ vật gì phát đến cực điểm thì phản lại, Có tăng tất có tổn. Trăng tròn lại khuyết. Xuân tàn, Hạ đến, Thu lại, Đông qua. Tần Thủy Hoàng lấy pháp trị dân, độc ác vô nhân, cũng chỉ tồn tại hơn mười năm. Hàng ngàn triều đại Đông Tây kim cổ, có triều đại nào bất diệt với thời gian!
Chiến tranh đã qua đi hơn ba mươi năm. Đất nước không còn phân cách lãnh thổ mà lòng người Việt từ trong nước cho đến khắp nơi còn quá nhiều ngăn cách và hận thù. Gạt qua lớp bụi mù ảo tưởng phồn hoa thành thị, chốn làng quê đến nay muôn thuở vẫn nghèo, vẫn thiếu hụt trăm bề. Quê nhà quanh năm thiên tai khốn đốn mà “nhân tai” lại quá ê chề. Giang sơn gấm vóc đang bị giặc Tàu lấn chiếm. Ải Nam quan địa đầu tổ quốc đã bị cắt dâng. Trường sa, Hoàng sa bị cưỡng đoạt. Biển đông ranh giới Hoa Việt cũng không còn. Toàn dân ức nghẹn!
Đứng trên đỉnh cao Yên Tử trong sương chiều mây núi lãng đãng, nghe vang vọng. “Trần Nhân Tông. Tổ quốc cần ngài.”

Tham khảo và Trích dẫn
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục
Viện Sử Học dịch. Hà Nội 1998
-Đại Việt Sử Lược. 
Khuyết danh Nguyễn Gia Tường dịch. Tp HCM 1993
-Việt Sử Tiêu Án. 
Ngô Thời Sĩ Văn Hóa Á Châu dịch. Sài Gòn 1960
-Sử Trung Quốc. 
Nguyễn Hiến Lê. Tp HCM 2006
-Sử Ký Tư Mã Thiên 
Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi dịch. Sài Gòn 1968
-Việt Nam Phật Giáo Sử Lược. 
Thích Mật Thể Nhà XB Tôn giáo tái bản 2004
-Việt Nam Phật Giáo Sử Luận.
Nguyễn Lang. Văn Học Hà Nội 1979
-Vua Trần Nhân Tông. Cuộc đời, tác phẩm, sự nghiệp. 
Lê Mạnh Thác. Học viện PGVN -Kỷ Mão
-Thiền Uyển Tập Anh.
Kim Son. Lê Mạnh Thác dịch. VĐH Vạn Hạnh 1976
-An Nam Chí Lược.
Lê Tắc. Viện ĐH Huế dịch và XB 1961
-Đại Việt Sử Ký Tiền Biên.
Ngô Thời Nhậm Viện NC Hán Nôm. KHXH Hà Nội 1997
-Trong Cõi.
Trần Quốc Vượng Trăm Hoa. Hoa kỳ 1999
-Con Đường Tơ Lụa. 
Xa Mộ Kỳ. Nguyễn Phổ dịch. NXB Trẻ 1999
-Trang Mạng:
-Thiền Tông Việt Nam.
-Thư Viện Hoa Sen
  Trở lại chuyên mục của : Ninh Hạ