NINH HẠ
 

 
BỒ CÂU VÀ PÊ RÔ
 
1.
Công viên nhỏ im mát. Ở đây không có sân thể thao nào khác ngoài bốn sân quần vợt xây theo hàng dọc có lưới ngăn cách riêng. Hàng cây che nắng. Đánh banh ở đây, mình không phiền người, người không phiền mình. Banh không bay lạc qua sân người. Ngược lại, khỏi bực mình gián đoạn vì một trái banh lạ rớt lãng xẹt ngay giữa sân đang hồi gay cấn.
Người đến, người đi. Người thỉnh thoảng thấy. Nhiều người gần mười năm qua, từ ngày đầu cho đến bây giờ vẫn gặp.
 
Trước hết là. Bọn bốn người. Ồn ào. Thân thiết. Không tuần nào vắng bóng. Mùa đông chơi sân câu lạc bộ trong nhà cũng lại thấy họ. Tìm ra những bạn đồng điệu, hợp nhau để họp nhau dài dài năm này qua năm khác, đâu dễ. Cùng chơi đùa qua năm tháng. Cùng chia sẻ niềm vui sảng khoái trong không gian và thời gian của vòng sân. Cho dù nhiều năm sau nữa, họ vẫn là những người trẻ mãi. Với nhau không già.
Rồi phải kể đến hai vợ chồng người Đại Hàn. Ông cao lớn dềnh dàng. Vợ thấp tè. Mỗi Thứ bảy đến sân khi lờ mờ sáng. Không ai tranh được cái sân chơi lành lặn, mát mẻ nhất ở đây. Chơi đúng hai giờ không hơn không kém. Hỏi ông sao không thấy chơi vào ngày Chúa nhật. Chúng tôi đi nhà thờ. Người Đại Hàn bây giờ là tín đồ Tin lành ngoan đạo nhất thế giới. Còn hơn người Nam Mỹ theo Thiên chúa giáo Vatican thế kỷ trước. Ông chồng chơi giỏi, chịu khó đưa banh hầu vợ. Bà thì coi như đứng một chỗ, giao bóng đỡ banh. Không những giơ tay mà còn giơ cả chân lên cao như hình nộm múa rối. Cứ nhìn là phải cười. Đại Hàn, chồng chúa vợ tôi số một. Thế hệ của họ mà vợ chồng chịu đều đều ra sân chơi quần vợt với nhau, cũng hiếm. Bây giờ sân nào cũng có mấy bà củ sâm. Các bà người Tàu, người Việt vui chơi trò gì mà không hề gặp ở đây.
 
Nhóm người đằng kia thì ăn mặc tùy tiện chướng mắt. Quần dài, quần cụt. Áo sơ mi dài tay, ngắn tay, áo thun màu mè, hình chữ loạn xạ, áo thun lót hở nách không tay. Giày da giày vải. Tất trắng tất đen. Trông luộm thuộm bẩn mắt. Người chơi, kẻ đứng đợi kháu chuyện om sòm. Đem theo cả thùng đá lạnh to chứa thức uống. Lại thêm cả ghế ngồi. Họ chơi sân nào thì kể như chiếm luôn nửa ngày là ít. Chúng tôi đặt tên. Củ Sâm!
Mấy ông to con lớn xác, đầu gối, khỉu tay mang băng đen, băng trắng tùm lum. Để vợt, để xách ngay trên sân dành chỗ rất lâu trước khi đến đủ. Vừa đánh vừa nói oang oang. Họ là những người gốc Hy Lạp, ông chủ các hàng ăn.
Nhưng đặc biệt vui vẻ là nhóm bốn ông, một bà. Đặc biệt vì các bà thường ít khi đứng chung lẫn lộn với các ông để đánh đôi. Các bà chơi riêng, các ông chơi riêng. Riêng nhóm này đầy đủ sắc tộc Âu Á Mỹ. Nam nữ, già trẻ. Nhóm bà Nhật. Vì người lớn tuổi nhất, lịch sự nhất, đánh hay nhất, dai sức nhất, được quý nhất là một bà người Nhật, nhà giáo về hưu. Bà đến sớm, đi quanh một vòng lượm rác, các hộp banh trống, các nắp hộp kim loại vất bừa bãi. Dần dần mọi người trong nhóm noi gương làm theo. Ai đau khỉu tay, đầu gối, trật xương vai... hôm sau thế nào bà cũng cho thuốc dán. Tôi chưa thấy ai nhã nhặn, lịch sự và khỏe như bà. Người xấp xỉ tuổi của bà thì thua xa là chuyện chắc, cỡ ba mươi bốn mươi theo cũng đứt hơi. Lại thêm ông người Tàu, hình như ông thân quen hầu hết mọi người. Nhiều khi kẹt sân chạy chỗ khác, vừa thấy ông là mọi người kêu réo chào hỏi niềm nở. Sau cơn mưa đêm trước, sáng hôm sau sân còn đọng nước, ông tới sớm với chổi và khăn, những thứ luôn sẵn trong xe, để lau khô sân. Cái ông người gốc Ý thì rất quy tắc và an toàn trên hết. Áo quần giày vớ luôn trắng tinh như đi dự tranh giải quần vợt quốc tế Wimbledon. Tuyệt đối không để trái banh nào lạc lõng trên sân. Sợ trượt té.
Trong năm gần đây, có thêm ba cha con. Một cha và hai cô con gái tuổi mười ba. Ông bố da trắng bệch, đeo kính gọng vàng. Chưa tới sáu mươi mà đi đứng chậm, lù đù. Nhìn ông đưa banh cho hai ái nữ dợt. Bên phải. Bên trái. Đều đặn. Ông không thuộc loại nhà nghề nhưng kiên nhẫn như ông thì cũng là một bài học. Nghe họ nói thì biết là người Hoa nhập cư không lâu. Ở Mỹ có con gái đến tuổi đó thì cha mẹ gốc Hoa, Việt... nói chung là đến từ các nước Á châu, đêm ngày lo ngay ngáy. Tuổi cứng đầu thích làm điều trái ngược. Nổi loạn, nổi giận bất tử và bỏ nhà. Ông bỏ thì giờ chơi với con để ngăn ngừa nổi ám ảnh nầy. Mừng cho ông là mấy đưa con chịu đi chơi với bố. Khi mệt ông ngồi ngửa thở dốc trên chiếc ghế xếp mang theo. Thỉnh thoảng đứng dậy tiếp nước uống hay lăng xăng lượm banh cho con. Ông bố có tổ tiên là Khổng Mạnh, từ một đất nước, nơi con sợ cha hơn sợ cọp, qua tới đất Mỹ văn minh bình đẳng tự do, bây giờ cha sợ con, tận tụy phục vụ con. Thấy ông là thấy một trời hy sinh lo lắng.
Sau cùng là. Hai con bồ câu. Ít khi vắng mặt. Đến và đi đúng giờ. Cười chào tươi rói. Lịch sự. Rất dễ mến. Cặp tình nhân - vợ chồng này thường chơi sân cuối dãy. Chỉ thoáng nhìn họ, hay bất chợt thấy họ nói cười thủ thỉ với nhau, săn sóc trìu mến thương yêu nhìn nhau: hạnh phúc biết bao. Có họ sân chơi thêm đẹp. Mười năm trôi qua. Nhìn họ, vẫn thấy khắng khít như ngày đầu gặp. Chúng tôi gọi họ là. Hai con bồ câu. Khi hiếm hoi vắng họ, mấy người hỏi nhau. Hôm nay đôi bồ câu bay đi đâu nhỉ?
 
2
 
Cứ như thế Xuân Hạ và... Thu, đi về.
Không hẹn, đầu mùa xuân nắng ấm lại gặp nhau trên sân. Có người trở lại. Kẻ bỏ cuộc chơi. Tôi và bạn bè. Tôi và những tiếng cười rộn rã. Mới đó mà đã trên mười năm vui chơi chạy nhảy trên khung sân. Mười chu kỳ ngày tháng. Thời gian trôi nhanh. Nhanh như đường banh qua lưới!
 
Mùa vui trở lại sau gần nửa năm tuyết lạnh. Co ro. Giầy ủng. Áo lạnh khăn choàng.
Những buổi sáng sớm mùa xuân hoa nở rộ. Nắng trong và lạnh nhẹ.
Mùa hè nóng mệt mồ hôi. Sân chơi sặc mùi thịt nướng. Công viên vui mắt. Bong bóng màu sắc sặc sỡ. Nhiều bóng sút dây bay lơ lửng hay vướng mắc dưới tàng cây. Công viên rộn tiếng cười nói. Ăn uống. Sum họp quây quần.
Thích nhất, mùa thu. Quá đẹp. Lá đổi màu vàng đỏ tím nâu. Vườn thu ở đây đẹp và thơ. Chẳng thua vườn thu Luxembourg của Anatol France. Chỉ thiếu bờ vai tượng đá phong rêu. Cũng ngậm ngùi như vườn thu Cung Trầm Tưởng. Mùa thu âm thầm. Bên vườn Lục Xâm. Ngồi quen ghế đá. Không em buốt giá từ tâm. Nắng đục gợi nhớ. Bâng khuâng. Ô hay buồn vương cây ngô đồng. Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông. (Bích Khê). Trên sân chơi, lá vàng rơi lênh đênh, xôn xao gió đuổi chạy vòng.
Những ngày cuối thu rét lạnh. Khi đàn ngỗng trời giã từ hàng liễu rũ quanh hồ nước trong veo cuối công viên, kêu đàn rời rạc trên trời xanh, bay thấp ngang sân theo đội hình thao diễn về miền Nam tìm ấm. Khi trên bãi cỏ sân nhà trang hoàng lưới nhện, đầu lâu, hình nộm ma quái và những quả bí vàng rực khắc đủ mặt vui buồn của mùa Halloween. Khi nhiệt độ đã quá thấp và tuyết trắng mỏng đầu mùa lả tả rơi. Khi áo ấm khăn quàng không còn đủ giữ cho khỏi lạnh sau một hồi múa may quay cuồng. Khi cây đã trơ cành, trời xám xịt. Tạm biệt sân chơi và những ngày giờ hạnh phúc.
 
3
 
Những ngày cuối tuần của mười năm. Với những người, những khuôn mặt dáng vóc thường thấy. Dẫu không thân, nhưng đã quen. Dù chỉ vẫy tay chào hay đơn giản một nụ cười thiện cảm.
Đúng tám giờ sáng. Hai con chó, một lớn đen một trắng nhỏ, chạy tung tăng. Theo sau là ông chủ Do Thái rậm râu. Nón chụp nhỏ bằng bàn tay mỏng dính trên đầu hói tóc. Đi nhanh. Tay cầm thánh kinh. Chăm chú đọc lớn, có khi nghe như hát. Thỉnh thoảng ngừng lại. Chờ. Lôi trong túi bọc ni lông. Hốt phân. Bỏ vào thùng rác. Tiếp tục đi và tiếp tục đọc. Hàng xóm nơi tôi ở là Do Thái. Gần họ, tôi thấy chưa có tín đồ đạo giáo nào sùng tín và giữ đúng giới luật như họ. Họ tồn tại và lập quốc qua bao nhiêu thế kỷ thảm họa diệt vong cũng nhờ vào lòng tin tôn giáo và niềm tự hào nơi tổ phụ.
Mười năm hơn có gì thay đổi? Ừ có! Tôi nhớ lại những năm đầu, ông dẫn theo chỉ một cô chó trắng nhỏ Fox Terrier. Liến thoắng. Tinh nghịch. Quá đỗi dễ thương. Mỗi lần qua sân, nó trì kéo đến rào. Vểnh mỏ qua ô lưới sắc. Sủa chào. Hello Pê rô! Tôi vừa đỡ banh vừa cười chào. Mấy người trong sân cũng cười vui trìu mến. Pê rô là tên của cô chó thân thiện. Nhìn Pê rô tôi hiểu phần nào các bà ở Mỹ cưng chó hơn chồng. Nhưng chịu khó săn sóc yêu thương chó hơn cả cha mẹ thì quả thật khó thông cảm. Bà tỷ phú vừa chết, bỏ lơ con cháu và bao nhiều người đói kém tật nguyền bạc phước, di chúc để nửa tài sản hàng triệu đô la cho chó. Mấy người này sẽ rùng mình sởn gáy khiếp đảm khi nhìn chó treo lủng lẳng trên các xe bán thịt cầy tơ tại Việt Nam. Cám ơn cô Pê rô nhỏ bé xinh xinh, hình ảnh quá thân quen.
Mùi thuốc lá thoang thoảng. À! Nhìn ra chiếc ghế cạnh sân chơi, đã thấy chị ngồi đó. Một tay giữ điếu thuốc trên miệng. Khói thuốc bay lãng đãng. Một tay nâng tách cà phê lớn. Trân trọng nhấp từng ngụm nhỏ. Gương mặt thật lạ. Đôi mắt nhìn bất động về một phía. Chẳng biết đang vui hay buồn. Đang lo lắng hay thảnh thơi. Nhưng có điều trên nét mặt cứng đọng đó, tôi cảm ra được chị đang tận thú thuốc lá cà phê và những giây phút của riêng. Chị khoảng trên bốn chục. Không phấn son. Áo quần giản dị thoải mái theo mùa. Đến công viên sau giấc ngủ muộn cuối tuần. Chị ngồi đó. Chúng tôi chạy nhảy cười đùa cãi cọ trong sân. Tất cả hình ảnh đó chị thấy nhưng không chắc chị đã nhìn.
Mỗi lần nhìn chị, hay thoạt nhớ hình ảnh chị, ngồi trên chiếc ghế gỗ đơn côi trong công viên những buổi sáng, tôi ngậm ngùi cho tình cảnh cô đơn của chị và lại liên tưởng đến một người bạn trai thân mến. Thuở chưa mất nước, con nhà giàu. Ở đâu cũng học giỏi. Tính tình chân chất. Gần sáu mươi vẫn một mình. Sáng đi làm, tối về nấu nướng. Ăn tối. Đọc báo. Đi ngủ. Không yêu đương và không tính chuyện yêu thương. Bạn bè thân đôi đứa ở xa. Bạn bè gần, hiếm hoi. Không thích bon chen, giao thiệp ồn ào. Anh quen với cuộc sống đó. Lấy cái xô bồ của đời mình để đo đời thiên hạ, rồi thương người! Biết đâu chị cũng thích lối sống riêng và hạnh phúc với nó thì sao. Nói cho cùng, biết thế nào là sướng khổ. Chị hay tôi?
 
Tôi phải nhắc đến một người mà cứ mỗi lần xuất hiện, khóe mắt anh nhìn, tôi biết mình là kẻ hết sức may mắn. Cái may mắn lớn nhất trên mọi may mắn. Thế mà không phải riêng tôi mà nhiều người hầu như coi thường và sẵn sàng dùng nó để đánh đổi những thứ phù du ảo ảnh. Anh không còn trẻ nhưng cũng chẳng già. Năm trước ngồi xe lăn còn có người đẩy. Một thiếu phụ thon người, mặt mày thanh tú. Ăn mặc đúng thời trang. Dễ thường là vợ. Năm nay, run rẩy. Nửa thân tựa trên gậy chống, một mình lê chân qua đường. Miệng rung, méo lệch. Một tay buông thõng không động đậy. Anh ngồi xiêu vẹo nhìn chúng tôi. Trầm tư, đôi lúc thích thú cười mếu. Chắc anh đang tiếc những ngày mạnh khỏe như thế đã qua trong đời. Tôi cũng đoán chắc, giờ này anh không ham gì tiền bạc danh vọng, hay một tình yêu không tình thì còn chút nghĩa. Chỉ một ước ao đơn giản, một điều đã có, đã vượt khỏi tầm tay: Cầm vợt ra sân!
 
4
 
Sau chuyến rong chơi xa, dài ngày tháng, tôi trở về trời đã cuối xuân. Mùa hoa tàn. Chưa kịp làm quen với giấc ngủ trái giờ, sáng sớm đã vội dậy, xách vợt ra sân. Những khuôn mặt thường quen hầu như gặp lại. Bọn bốn người vẫn đủ số. Vợ chồng Đại Hàn vẫn giơ tay giơ chân đỡ bóng. Nhóm bà Nhật thêm nhiều khuôn mặt mới. Hai cô gái nhỏ lớn nhanh, chơi với nhau và không còn có bố kềm cặp. Nhìn về cuối sân. Đôi chim bồ câu chỉ còn lại con trống thui thủi dợt bóng một mình. Chưa kịp hỏi, anh bạn Ý đứng cạnh, ngậm ngùi. Nàng đã bay đi. Tiếng anh chùng xuống thương cảm. Tụi tôi nhiều lần qua rũ chàng theo nhóm. Vừa lẻ bạn, chàng chưa thấy hứng nhập bầy. Người khác xen vào. Thêm một tin không vui khi cậu đi xa. Pê rô chết đầu mùa xuân vì ung thư ruột. Ồ. Thật sao? Xác Pê rô hỏa táng. Tro rải trên hồ cuối sân, gần cây liễu rũ.
 
 
 
MARGARITA
 
Margarita đi xa mới hai ngày mà Lâm cơ hồ muốn sụm. Xác thân sờ sờ ra đó. Hồn thì bị hớp theo người yêu. Tương tư đậm.
Xa Margarita, Lâm có cơ hội xem mình yêu nàng đến chừng nào. Vào ra. Đứng ngồi. Nóng ruột nóng gan chịu hết nỗi.
Lái xe chạy ra bờ hồ. Bãi vắng. Nước xanh vắt. Sóng êm. Cảnh đẹp yên bình mà sao trống lạnh. Lâm hét lớn gọi tên người yêu. Thơ thẩn. Ngẩn ngơ. Xoải chân, ngồi ngã người trên ghế Lâm nghĩ về những ngày có nhau. Tình yêu của Lâm và Margarita bắt đầu từ một buổi sáng bình thường như mọi buổi sáng. Bắt đầu từ một ngày như mọi ngày. Nhưng chỉ khác một chữ nếu. Nếu một trong hai đứa không ghi danh lớp học này. Nếu. Nếu. Nếu. Thì cuộc kỳ ngộ có duyên không kiếp đã không xẩy ra. Một buổi sáng. Nên có hay không nên có? Mãi sau này Lâm cũng không tìm được câu trả lời cho mình.
 
1
 
Tìm lớp của Doctor Harkin?”
Đang chăm chú đọc mảnh thông cáo nhỏ trên cánh cửa lớp học đóng kín, nghe giọng nói tiếng Mỹ trong trẻo phát âm đúng, phảng phất Á châu. Lâm quay đầu. Một cô gái không trang điểm. Giản dị trong chiếc áo lạnh cũ dài quá gối màu cánh sen nhạt phai màu. Đường chỉ may chằng hình quả trám. Tương tự như áo bông trấn thủ của bộ đội Bắc Việt. Làn tóc đen thẳng ngang vai. Mái trước cắt thẳng ngang tầm đôi lông mày đẹp. Nét mặt, đôi mắt hơi xếch sau cặp kính cận, cách ăn mặc, Lâm nghĩ nhanh cô ta là người Hoa. Không thể nhầm lẫn được.
Ánh mắt cô gái linh động, tự tin và vui. Lâm ngẩn ngơ, bị cuốn hút bất ngờ. Trước cái nhìn xao xuyến kỳ lạ của Lâm, cô gái cũng thoáng bối rối. Chưa kịp hoàn hồn để trả lời, cô gái tươi cười để lộ chiếc răng khểnh.
Lớp học của mình đã chuyển lên lầu ba.
Lấy lại bình tĩnh, Lâm đưa tay bắt, giới thiệu.
Tôi là Lâm.
Margarita.
Ngạc nhiên với cái tên tiếng Mễ của cô ta. Hoa cúc. Ta thích cái tên này. Liên tưởng đến tựa một phim Pháp đã coi từ lâu. En effeuillant la marguerite. Ngắt cánh hoa cúc.
Anh là người Đại hàn?
Lâm bật cười lớn.
Không. Không. Tôi người Việt.
Oh! Sorry. Anh cười vì tôi đoán sai?
Sợ bị hiểu lầm mất lịch sự, Lâm phân bua.
Tôi cười vì không phải chỉ mình cô. Người Mỹ đã đành không phân biệt ai là Hoa, Việt, Đại hàn. Như mình khó đoán ra ai là Nga, Lổ, Ba lan. Các bạn Á châu cũng thường đoán nhầm về tôi. Có lẽ... vì đôi mắt mí sụp ti hí của tôi thôi.
Margarita thân mật trêu.
Oh! No. Mắt anh đâu có ti hí. Nhưng... nhưng cũng giống người Korean thật.
Cô là người Trung hoa lục địa?
Cô gái chưng hửng. Nhướng mắt.
Sao hay quá vậy! Quê tôi ở Quảng đông. Mà sao... sao anh biết?
Nét mặt. Đôi mắt. Ừ. Đôi mắt của cô.
Mắt mí sụp. Mắt một mí ti hí. Mắt lươn.
Cô gái tuôn ra một hơi. Cười hăng hắc. Lâm vui lây với thái độ tự nhiên của cô gái mới quen.
Không! Cô có đôi mắt như diễn viên Hồng kông Lý lệ Hoa.
Nhíu mày suy nghĩ cố nhớ. Thích thú. Gật gù.
Oh! Li Li Hoa. I Know. Bà đó già và đã chết lâu lắm rồi. Anh nỡ so sánh tôi với một bà già!
Lâm chống chế.
Đâu có. Đâu có. Ý tôi muốn khen cô có đôi mắt đẹp. Đôi mắt phụng, đặt biệt của người Trung hoa.
Nói xong Lâm ngạc nhiên về sự bạo dạn chưa hề có của mình. Lần đầu tiên trong đời Margarita được người lạ khen cũng đỏ mặt e thẹn.
Anh biết nịnh đầm quá há!
Cả hai cùng bật cười lớn thoải mái tự nhiên. Thân mật như đã thân quen từ lâu. Vui. Lôi cuốn. Lần đầu tiên Lâm gặp một cô gái ăn nói tự tin, lý sự và làm cho mình bị động lúng túng chống đỡ.
Sực nhớ, Margarita quay mặt hỏi.
Nhưng sao anh biết tôi đến từ lục địa mà không là Đài Loan, Hồng kông, Singapore hay Chợ lớn?
Dễ! Cái áo lạnh và mái tóc.
Tròn xoe đôi mắt khâm phục, Margarita đưa tay. Lâm cầm lấy. Rung động xao xuyến. Giữ lâu bàn tay nhỏ ấm. Margarita chợt lúng túng.
Thật thông minh. Sherlock Home. Ngày mai tôi phải thay cái áo lạnh và uốn đổi mái tóc để che dấu tung tích. Như thế này thì nguy quá!
Hai đứa cười đùa đi vội đến lớp. Không hẹn mà cùng nấn ná để ngồi vào hai ghế trống gần nhau cuối lớp. Chẳng ai chịu tách ra để ngồi riêng ở những chỗ trống đơn lẻ rải rác ở mấy hàng ghế đầu. Mấy năm ở đại học, đây là lần đâu tiên Lâm ngồi hàng ghế cuối. Buổi gặp gỡ đó đã để lại cho Lâm một cảm giác ấm áp nôn nao lạ lùng chưa hề kinh nghiệm.
 
Hôm sau Lâm đến lớp sớm. Trên đường nuôi hy vọng. Biết đâu Margarita cũng đã có mặt?. Tự cười về cái ngớ ngẩn trẻ con của mình. Lớp trống vắng. Lâm lấy cặp và sách dành hai chỗ cạnh nhau cuối lớp như ngày hôm qua. Tự thẹn, cười thầm. Vội vã ra hành lang tới lui nơm nớp, ngóng mong Margarita. Đám đông đã ồn ào. Nàng vẫn biệt tăm. Đổi lớp. Bỏ lớp?. Giáo sư đến, lớp học bắt đầu. Chưa thấy bóng dáng nàng. Lâm nôn nóng, tới lui. Dùng dằn muốn vào, muốn đợi.
Giữa lúc lưỡng lự thì Margarita xuất hiện tất tả cuối hành lang. Lâm vui, lẻn nhanh vào lớp. Hơi ngượng vì thấy cả lớp quay nhìn. Tưởng chừng như ai cũng thấy rõ những điều thầm kín đang hiện rõ trên nét mặt si tình luống cuống mất tự nhiên của mình. Margarita đảo mắt tìm. Vui thấy Lâm. Nhanh nhẹn đến ngồi cạnh. Thì thầm chào và lí nhí cám ơn đã giữ chỗ.
 
2
 
Hai đứa thân nhau, cần có nhau, lấp khoảng trống cô đơn cho nhau những ngày sau đó. Lâm như đã yêu trước khi thân. Hành trình tâm lý nghịch chiều tiền định. Những giờ học, những lúc rong chơi ăn uống la cà đây đó. Những lúc trò chuyện luận bàn nghiêm túc. Những khi đấu láo tán gẫu. Tâm sự, tâm tình. Tri kỷ, tâm đầu. Lâm và Margarita thấy đời vui và ấm. Quí từng ngày trước mặt. Hối tiếc những ngày đã qua đã mất, vô vị rỗng buồn.
Hoàn cảnh và bổn phận hai đứa cũng tương tự. Những ngày cuối tuần túi bụi làm tiền. Tiền làm được Lâm chỉ giữ đủ chi dùng, phần lớn gửi về nước nuôi gia đình. Từ ngày qua Mỹ, Lâm chỉ có việc học và làm tiền. Chán đời chán người. Lâm gần như xa lánh, tự cô lập. Bạn bè chỉ còn vài người thật thân. Margarita vất vả hơn. Du học sinh phải tự túc. Không có được trợ cấp tài chánh như Lâm. Mỗi thứ sáu, sau giờ học kéo nhau đi ăn trưa. Vội vã đưa Margarita ra trạm xe lửa lên tận toa tàu. Quyến luyến chia tay. Mất hai tiếng mới tới nhà hàng ăn của ông chú. Ở đó Margarita xông pha khói lửa.. xì dầu. Đứng bếp suốt ngày cho đến quá nửa khuya. Tiền làm cũng đủ trả tiền học, tiền ăn ở, gửi về nước. Còn lại chút đỉnh dành dụm gửi vào trương mục tiết kiệm phòng thân.
Sáng thứ hai đón nàng. Từ trên toa tàu bước xuống, mặt mũi bơ phờ. Mắt sưng vì khói, vì thiếu ngủ. Lâm thương xót ruột xót gan. Lâm cầu trúng số big game. Xong lớp sáng, nàng vội về nhà ngủ bù. Lâm ước gì được theo về để săn sóc, để ru nàng ngủ. Sau này khi nói được với Margarita ý nghĩ của mình, Margarita cười lớn bảo Lâm cứ như sống trên mây, mơ ước hão huyền. Lâm bảo. Ai cấm được mình mơ. Không được mới mơ. Được thì đã làm rồi.
 
Margarita sống với chú ruột Liu Qi. Lưu Quỳnh. Chú thay mặt cha! Ông hay nhắc đi nhắc lại bùa yếm này, mỗi khi thấy cháu phản ứng chống đối. Phép tắc lễ giáo nghiêm ngặt cứ như đang ở bên tàu thời Mãn Thanh cạo đầu bín tóc. Về khuya tuyệt đối không. Phôn đi phôn tới cũng phiền. Margarita bực bội nhiều lần than với Lâm. Lâm nói. Sao không dọn ra ngoài? Lâm không hiểu rằng. Gấp mấy lần người Việt. Tinh thần gia tộc của người Trung hoa ăn sâu vào huyết quản, đường gân thớ thịt. Cho nên Margarita không hề nghĩ đến chuyện dọn ra. Ít ra ở đây Margarita tìm được sự an toàn và tình gia đình trầm căn thiếu vắng.
Qua mấy tháng gần gũi cùng học cùng chơi, Lâm biết mình đang yêu. Yêu ghê gớm. Lâm biết mình yêu vì sự nhớ nhung quay quắt không kiềm hãm, không giải khuây được khi xa mặt. Sự bồn chồn lo lắng bấn xúc xích khi Margarita đau ốm hay gặp điều bất trắc. Rõ hơn hết, là niềm vui sướng hạnh phúc đầm ấm, khi được gặp nhau, gần bên nhau.
Bên cạnh niềm vui tuyệt vời kỳ diệu của tình yêu, Lâm lo âu vì sự mong manh bất trắc. Tình yêu nào không mong đi đến hôn nhân. Điều này còn là bài toán chưa có lời giải. Vấn đề không phải chỗ khác chủng tộc, khác tiếng nói. Cái khó là vì hoàn cảnh riêng. Bao đêm mất ngủ trằn trọc. Bao lần ngồi bên nhau. Khi tình yêu thương dâng tràn không thể kềm chế được Lâm định thổ lộ. Nhưng nghĩ đến Margarita, nghĩ đến tương lai chưa nắm bắt được, Lâm nén lòng giữ kín.
 
3
 
Cho đến.
Một buổi sáng.
Ngồi ăn trưa với nhau trong một tiệm mì bình dân ở phố Tàu. Lâm không tự chủ được. Rưng rưng xúc động nâng bàn tay Margarita hôn nhe, thổ lộ tình yêu. Lời tỏ tình vượt thoát tỏa phong của hàng rào ý thức, của đắn đo vướng bận hệ lụy trần gian. Và. Mơ hồ vọng lại từ vùng vô thức nguyên sơ không vẩn bụi. Từ cõi tiềm thức sâu lắng, tích đọng âm thầm những ước mơ ôm ấp. Margarita lặng yên. Mắt rưng, siết nhẹ tay Lâm. Tình yêu trao và nhận.
Lúc bộc lộ tình yêu với Margarita Lâm mới lúng túng nhận ra sự hạn chế của khác biệt tiếng nói. Ngôn ngữ Anh giao tiếp khá thông thạo hàng ngày trở nên khô cứng tắt nghẹn. Không đủ cho Lâm trải lòng mình, diễn cảm tình yêu của mình.
Muốn nói với Margaita. Anh yêu cưng! Anh yêu mình! Câu nói bình thường đơn sơ mộc mạc mà dường như đã được ấp ủ chắc chiu rất đậm rất sâu rất cô đọng mùi bùn non của ruộng đồng, khói thốc rê của dượng Ba, vị trầu cau của mẹ, mùi nước mắm, mắm ruốc, mắm nêm. Tiếng nói không phải chỉ nghe từ lúc nằm nôi, mà từ khi nằm co gối ngủ ngon trong bụng nghe tiếng thì thầm của mẹ. Câu nói của hồn của phách của máu xương da thịt không thể dùng một câu ngoại ngữ tương tự để thay thế được.
Lấy tờ giấy napkin trên bàn ghi mấy vần thơ bằng tiếng mẹ đẻ đưa cho Margarita. Lâm giải thích lý do và dịch thoát ý thơ. Xúc động cầm lấy. Không cảm hết nhưng Margarita biết được tấm lòng của Lâm. Nàng cũng ở trong tâm trạng như vậy nên bật lên một tràng tiếng Hoa. Giọng run run nhìn Lâm. Hai đứa cùng cười. Nước mắt tràn. Hạnh phúc.
 
Một sự sắp đặt lạ lùng, hai đứa có những ý thích, ý hướng giống nhau đến sửng sốt.
Lâm triết lý.
Cùng ý thích như thế này chúng mình được sống gấp đôi. Khác sở thích khác chí hướng thì đời chỉ còn một nửa.
Tại sao?
Một nửa cho mình. Một nửa chìu người!
Lâm cười nói tiếp.
Đó là chưa kể đến thời giờ gây nhau tranh phần được cho mình.
Anh nói sai rồi. Nếu mình đi nhà hàng kêu một món mà hai đứa đều thích thì bị chia đi một nửa. Nhiều khi không tới một nửa vì.... vì em ăn... ăn chậm hơn Lâm. Lâm không những ăn nhanh mà còn ăn nhiều như cọp. Nếu Lâm không thích thì em được ăn trọn. Đúng không?
Tham ăn.
A ha! Nói như vậy em nổi giận bất tử là anh lỗ nặng đó nghe.
Hì hì. Xin lỗi.
Có lần Margarita nói.
Chúng mình có cái may mắn là cùng mang nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán gần gũi, nên có sự thông cảm bẩm sinh. Ngày tết ngày lễ, thờ cúng ông bà. Em cầu QuangYin, anh khấn Quán thế âm.
Lâm phụ họa.
Hai đứa đều thích hủ tiếu, mì xào dòn, hoành thánh, chảo phảnh. Cùng ghiền phở, bún bò. Phải không?
Em nói chuyện đàng hoàng anh chỉ nói chuyện ăn. Hư quá. Để em nói hết.
Margarita không nhớ mình đang nói đến đâu.
Đang nói anh cắt ngang làm em quên mất đang nói chuyện gì
Chưa già mà đã lẫn rồi đó.
Lâm trêu.
À nhớ ra rồi! Anh thuộc làu thơ Thôi Hiệu, Lý Bạch còn nhiều hơn em. Chỉ tiếc không cùng tiếng nói để có thể cảm được cái hồn riêng. Đọc một truyện hay chúng mình có thể kể cho nhau để cùng hiểu những ý tưởng chứa đựng. Nhưng khi muốn nói với nhau những tình cảm tinh tế, khi gặp một bài thơ hay thì dù thâm hậu cách mấy cũng không thể dịch qua một ngôn ngữ khác. Dịch cái ý mà không chuyển được cái hồn.
 
Lâm cười an ủi.
Trời cho sao thì hưởng vậy. Được như vầy là quá tốt. Được voi đòi tiên. Nhưng này em. Khác tiếng nói cũng có điều lợi.
Điều gì?
Khi giận nhau thì không đủ chữ cay đắng để chửi nhau, sỉ nhục nhau như khi dùng tiếng mẹ đẻ!
Anh nói bậy. Chúng mình sẽ không khi nào nặng lời với nhau. Em bảo đảm.
Chắc không?
Bất đồng ý kiến thì sẽ nhiều. Tranh luận hay cãi nhau chí chóe cũng có. Sỉ nhục thì không. Tuyệt đối không.
Trong tình yêu và sau này trong cuộc sống vợ chồng có giận có hờn. Có khi tóe lửa. Lắm khi vô cớ và rất ư vô lý. Tất cả đều thường tình. Nhưng xúc phạm nhau, sỉ nhục nhau thì tình yêu cho dù có nặng như núi Thái sơn cũng sẽ tan nhanh như tuyết xốp.
Tiếng nói của Lâm như dội lại từ một kinh nghiệm đắng cay.
Đồng ý. Đồng ý.
Giơ hai tay lên trời Margarita cười lớn. Ôm choàng. Hôn nhau. Choáng váng ngất ngư.
 
4
 
Tên thật của nàng là Liu Yin Xue. Khi nghe nàng nói, Lâm đòi Margarita viết ra chữ Hoa xuống giấy. Chạy tìm người bạn gốc Chợ lớn đọc ra âm Việt là Lưu Tố Anh. Lâm gọi theo âm Việt. Margarita thắc mắc. Lâm nói. Nghe hay hơn. Rồi tập cho nàng nói theo. Nàng cười thích, giọng lơ lớ ngòng ngọng, dễ thương. Gia đình ở Quảng Đông. Mẹ yếu bệnh từ khi sanh đứa con gái thứ hai và mất sớm. Từ đó cha nàng gánh vác hết mọi vất vả nuôi con.
Con trai trưởng của giòng họ, ông không những nuôi con mà trách nhiệm cưu mang cả gia đình các em. Con cháu anh em gần hai chục người cùng sống trong khu nhà rộng hương hỏa. Trách nhiệm gia trưởng đã nhạt nhòa vai trò của người cha. Lo cho con đầy đủ nhưng nghiêm và thiếu gần gũi. Điều này ở thế hệ ông cha và xã hội chung quanh chỉ là chuyện bình thường. Có một điều rất khác. Các đứa trẻ khác trong nhà có mẹ để vỗ về âu yếm, để cân bằng với cái nghiêm khắc của cha. Còn hai chị em nàng cô đơn cô độc. Những lúc buồn tủi chỉ biết tìm trốn vào một nơi, xa lánh mọi người.
Ông Liu Qi, Lưu Quỳnh dạy tại trường đại học Quảng đông. Phong trào cách mạng văn hóa bùng nổ ở Trung quốc. Năm đó Tố Anh tốt nghiệp cao trung. Liu Qi nghiêm nhưng hiền lành ốm yếu là một trong những nạn nhân đầu tiên bị sinh viên thân yêu của mình bạo hành, sỉ nhục.
Trong thời gian cha bị đày ở trại lao cải gần Hengvan, Margarita liên lạc với cô ruột giàu có Lưu Ân ở Mexico. Cô móc nối lo được cho cháu vượt thoát khỏi nước trên một con tàu sắt rỉ sét, chở hàng trăm người, đổ bộ lén lút trong đêm tối trên bờ biển Mexico.
Khi nghe Tố Anh kể lại những ngày cơ cực căn thẳng này, Lâm thấy mình tuy cũng vượt biên vượt biển nhưng khó khăn so với nàng chưa đầy một nửa. Mình chỉ lo sao ra được hải phận quốc tế là đã thấy tương đối an toàn. Đến đảo thì coi như được chấp nhận tỵ nạn. Tố Anh cho biết đoạn đương khó, nguy hiểm nhất là khi đổ bộ và sống bất hợp pháp ở xứ người. Nhờ truyền thống bao che giúp đỡ của đồng hương Hoa kiều nàng mới thoát được sự truy lùng của chính quyền.
Hơn bốn năm, Tố Anh làm mọi việc nhọc nhằn lam lũ trong nhà hàng ăn đông khách sang trọng của vợ chồng cô Lưu Ân. Năng động, tháo vát. Thông minh, nhanh nhẹn. Chịu khó và nghị lực. Từ chân rửa chén, nhặt rau, bồi bàn và sau cùng trở thành phụ bếp tín nhiệm. Tố Anh hoàn lại đủ mười ngàn đô la phí tổn mà cô đã ứng trả cho chủ tàu. Chắc chiu dành dụm tháng tháng gửi tiền về nuôi cha và đứa em gái đã vào đại học.
Buổi sáng Tố Anh theo học tiếng Spanish và tiếng Anh tại trường đại học. Vì năng khiếu bẩm sinh, nhất vì nhu cầu sinh tồn, Tố Anh nghe và nói thông thạo hai ngôn ngữ mới như đã từng ở đây lâu. Học hỏi tìm tòi, Tố Anh say sưa cuốn hút trong kho tàng kiến thức. Thích thú đọc và đọc. Giấc mơ của Tố Anh là được đến học và sống ở Mỹ. Cô Lưu Ân lo lót giấy tờ để Tố Anh trở thành người cư trú hợp pháp với tên mới Margarita.
 
Giấc mơ đến Mỹ được thực hiện sớm hơn ngoài dự tính của Margarita.
Chồng của cô Ân, trông đạo mạo và hiền lành lại là một tên cuồng dâm ẩn ức. Ánh mắt khát khao dục vọng nhìn trộm thân hình cân đối, đôi vú no căn của đứa cháu vợ. Khi vắng người, lợi dụng Margarita bận hai tay xào nấu, ông nham nhở thô bạo chụp vào đôi vú hay vùng cấm kỵ. Margarita đã chống đỡ. Có lần quá giận, suýt tạt cả chảo dầu sôi vào ông. Lo sợ tai họa, nhưng không biết cách nào để nói cho cô mình biết.
Một đêm cuối tuần. Khách đông. Tiệm đóng cửa muộn hơn. Cô than mệt về trước. Giao cho chồng và cháu dọn dẹp, khóa cửa. Vừa tắt đèn xong, định ra khóa cửa ngoài thì đột nhiên ông xuất hiện. Margarita cứ ngỡ ông đã ra chờ ở ngoài. Trong ánh sáng lờ mờ của bóng đêm, ông ôm choàng và cuồng nhiệt đè ngửa Tố Anh, giựt rách quần áo. Lõa lồ. Margarita chống cự, kêu cứu. Chẳng ai nghe. Đuối sức. Bất lực buông xuôi. Tưởng đã khuất phục được, ông lơi tay. Phản ứng, Margarita đạp mạnh ông ngã ngửa. Thoát chạy ra cửa. Giật vội chiếc khăn bàn quàng che thân thể, Margarita chạy vội về phía xe, ông không dám đuổi theo.
Đập cửa phòng của cô. Thấy cháu, bà đã hiểu ra sự việc. Ôm cháu. Khóc. Cô khóc vì giận. Cháu khóc vì nhục và tủi. Trước sự việc xẩy ra không còn thể giữ lại đứa cháu thân yêu tin cậy. Trong thời gian ngắn, cô liên lạc với ông em ở Chicago, làm mọi thủ tục để Margarita được đến Mỹ theo diện du học sinh. Margarita hứa với cô là giữ kín chuyện xấu xa của gia đình.
 
5
 
Đến Mỹ là niềm vui thật sự đầu tiên Margarita có được từ khi khôn lớn.
Báo tin cho cha ngay đêm đầu tiên đến Chicago. Ông mừng. Giọng nói của ông đã yếu đi. Phều phào khuyên con phải hoàn tất việc học. Phải thoát ra khỏi nghiệp dĩ cha truyền con nối nấu nướng phục vụ của hầu hết người Hoa sinh sống xứ người. Ông dặn đi dặn lại. Bằng cách nào cũng phải ở lại Mỹ. Ngay tối hôm đó ông tắt thở. Từ ngày được tha về với gia đình, suy sụp tinh thần, kiệt quệ thể xác, ông chết dần trên giường bệnh. Cả nhà không cho Margarita biết. Mừng quá, xúc động mãn nguyện với ước mơ của mình dành cho đứa con gái long đong. Ông nhắm mắt lìa đời trong niềm hối tiếc, đã khô cằn trong tình thương với các con.
 
Bất an, cô đơn. Những biến cố xẩy ra trong chuỗi ngày đời làm cho Margarita trưởng thành trước tuổi. Do bản năng sinh tồn tự lập, nàng thường chế ngự tình cảm. Những ngày ở Mễ, nhiều người đồng hương đem lòng thương yêu hoặc giới thiệu mối lái. Chưa ai cho nàng một rung động của yêu thương. Có khi tinh thần mệt mỏi, Margarita định buông xuôi, tìm an thân bằng cách thuận lấy một người giàu hay có địa vị. Tâm hồn khoáng đạt, Margarita hiểu được, vợ chồng lấy nhau vì bất cứ lý do đưa đẩy nhất thời mà không dựa trên tình yêu chân thật, thì sớm muộn, đời sẽ là những ngày cô đơn buồn nản. Gặp phải người ích kỷ chỉ biết nghĩ điều mình mất, gia đình là vỏ bọc ẩn ức, thủy chung chỉ là miễn cưỡng.
Gặp Lâm, cảm giác đầu tiên là sự tin cậy và một cảm tình rất đỗi đầm ấm dễ chịu. Tuy thế nàng giữ cho mình một khoảng cách an toàn. Hạn chế bộc lộ những tình cảm nẩy chồi xanh tươi. Thiếu vắng bàn tay vuốt ve âu yếm, những lời nói dịu ngọt, những lo toan vụn vặt ủ ngập thương yêu của mẹ từ khi chập chững. Lớn lên, Margarita thiếu những thứ đó cho người. Và ngỡ ngàng nhận được từ người.
 
Qua thời gian gần gũi với Lâm, Margarita xúc động bắt gặp cả tình thương lo lắng của mẹ từ lâu thiếu vắng và một tình yêu nồng nàn tận tụy vô điều kiện. Giờ đây, nàng mới nhận ra mình là một người mất đi hay thiếu đi những tình cảm yêu thương tự nhiên.
Xưa trong gia đình đông đúc và sau này chống chỏi với đời, nàng lo cho mọi người và cố sống cho vừa lòng mọi người. Tất cả cũng nặng về cái lý. Hầu như chưa có ai thật sự lo cho nàng. Lâm là người duy nhất. Với Lâm nàng đã sống thật. Được biểu lộ giận hờn bực bội. Có thể nhỏng nhẻo, tuy rằng hiếm hoi. Những điều chưa hề có. Trong tình cảm như thế, lần đầu tiên Margarita thoát ra khỏi vỏ bọc lý trí để sống thật với mình, với bản chất được dấu kín, ngụy trang. Gặp được tình yêu đẹp nhất, thuần khiết nhất, nàng yêu Lâm và nhận lời tỏ tình. Không nghĩ xa hơn.
 
6
 
Chiều nay gặp nhau.
Ngồi bên nhau trên chiếc ghế gỗ công viên nhìn ra mặt hồ trong xanh phẳng lặng. Những ngày đẹp trời như hôm nay hai đứa thích đến nơi nầy. Nơi mà vào một buổi tối lạnh ngày Valentine, hai đứa lần đầu tiên trao cho nhau chiếc hôn. Lần đầu tiên biết sự kỳ diệu của tình yêu. Và của một nụ hôn.
Margarita có điều gì muốn nói, thái độ khác lạ. Tình yêu đã cho Lâm đủ nhạy cảm, để đoán được cái lo cái buồn, cái mệt mỏi căn thẳng thoáng qua trên gương mặt trong ánh mắt của người yêu.
Em có điều gì vậy?
Em..em có chuyện muốn nói.
Nhìn thẳng Lâm:
Anh, Anh yêu em không?
Nhảm nhí.
Chỉ trả lời em.
Yêu. Yêu kinh khủng. Gắp triệu lần Romeo yêu Juliet
Lâm ngạc nhiên, lần đầu tiên nghe nàng hỏi như vậy. Lâm thì bộc trực không kềm hãm được tình cảm mình nên thường nói nhiều, nói mấy cũng thấy không đủ cho Margarita hiểu, mình thương yêu nàng đến độ nào. Thương nàng, Lâm lo cho nàng. Đến nỗi Margarita cằn nhằn. Anh cái gì cũng over!
Ngược lại Margarita ít khi biểu hiện tình yêu thương bằng lời nói. Có lần Lâm hỏi. Em có yêu anh không? Margarita chỉ ngắn gọn. Không yêu anh mà như thế này à. Thời gian đầu Lâm thấy thiêu thiếu buồn buồn. Có ai trên thế gian này, và cả trên cõi thiên thai, không thích nghe lời nói yêu thương, thích nhận cử chỉ yêu thương của người mình yêu dấu. Lâu dần gần nàng, hiểu ra đó chỉ là cá tính nhào nặn bởi sự thiếu mẹ. Vỏ bọc lịch sự, đôi khi lạnh lùng xa cách bên ngoài, chứa đựng một trái tim nồng nàn.
Margarita hỏi thẳng.
Nếu chúng ta lấy nhau, có hạnh phúc không?
Còn phải hỏi! Cam đoan sẽ yêu em săn sóc em bù cho em những gì em thiếu. Yêu em ngợp trời mây.
Thôi đừng quảng cáo. Em biết lấy anh, em sẽ sung sướng.
Có em là vợ, anh cũng là người trúng số vậy. Đúng không?
Cầm lấy hai tay Lâm, Margarita nghiêm trọng.
Mình cưới nhau đi anh.
 
Mối lo canh cánh về tương lai của mối tình đã làm cho Lâm nhiều đêm mất ngủ. Câu nói của Margarita xuyên buốt. Lâm hoảng hốt, linh cảm tai họa đó đang đổ sập xuống đầu. Linh cảm sẽ mất Margarita. Linh cảm sẽ mất tình yêu, mà với Lâm không có gì có thể đánh đổi được. Qua chiến tranh tù đày, Lâm đã đối diện và không sợ cái chết, cái đói, cái khổ. Lâm cũng chẳng quan tâm thiết tha nhiều với danh vọng tiền bạc và thờ ơ với cả tình yêu. Có cũng được, không có cũng chẳng sao. Không quí nên không sợ mất. Lâm như người đã đạt đạo, không vướng bận. Cho đến ngày gặp và yêu Margarita. Lâm không dám tưởng tượng nếu không có Margarita. Không có tình yêu của nàng thì những ngày đời còn lại sẽ ra sao?
 
Lâm giật mình thảng thốt nghe Margarita nhắc
Anh chưa trả lời em.
Bây giờ... chưa... chưa thể được em ạ. Chúng mình chờ thêm hai năm nữa được không?
Margarita ngạc nhiên, ngoài dự tính.
Tại sao? Anh yêu em và vẫn mong mình sống với nhau mà! Chúng mình yêu nhau, cần có nhau. Sao phải đợi chờ. Em, em không thể chờ lâu hơn... hai tháng.
Ấp úng, Lâm nói không ra lời.
Anh kẹt vợ... con.
Em biết. Anh đã kể hết cho em nghe. Anh đã bỏ lại Việt Nam để trốn qua đây chỉ vì bị vợ làm nhục và khinh rẻ sau khi tù đày. Đã đuổi anh ra khỏi nhà.
Lâm tuyệt vọng phân trần.
Đúng. Nhưng qua tới đảo Bidon anh đã khai có vợ hai con và đang xúc tiến thủ tục bảo lãnh. Gia đình sẽ qua đây vào năm tới. Đợi lúc đó sẽ tính chuyện của chúng mình.
Margarita lặng yên. Thất vọng. Lâm vớt vát.
Ngay ngày mai chúng mình sẽ cưới nhau. Anh chỉ mong chừng đó. Nhưng thong thả làm hôn thú sau.
Margarita nghẹn ngào.
Chính vì tờ hôn thú đó mà em muốn chúng mình cưới nhau gấp. Nếu không cứ yêu nhau như thế này em mãn nguyện. Dầu sao trời cũng đã cho chúng ta gặp nhau, yêu nhau và biết được sự kỳ diệu của tình yêu.
Lâm lịm người hiểu ra.
Em hết hạn cư trú ở Mỹ phải không? Em có thể xin gia hạn như mấy lần trước mà.
Lần nầy không được. Mấy tháng nay không cho anh biết, không muốn anh lo. Đã tìm mọi cách nhờ nhiều người mà không được. Em xa anh mấy ngày là đi nhờ người. Trở về Mexico thì không bao giờ. Bản thân em không thể, không muốn trở về. Vả lại em đã hứa với Ba em trước ngày người mất là sẽ ở lại đây.
Lâm biết chỉ có cách làm hôn thú với người có thẻ xanh hay có quốc tịch Mỹ thì Margarita mới được đương nhiên lưu trú.
Lâm chới với bất lực. Trớ trêu. Hạnh phúc mơ ước rất gần, như nắm như bắt mà vụt chốc sẽ tan biến mất tăm.
Lâm bậc khóc.
Trời. Làm sao đây?
Margarita yêu Lâm quá đỗi. Hiểu được nỗi đau của Lâm, của mình và đối diện với khó khăn thực tế. Khi tuyệt vọng hay khổ đau tận cùng như bây giờ, với bản năng sinh tồn mạnh mẽ, Margarita có được cái lì, cái trầm tĩnh, tự chủ.
Margarita âu yếm ôm đầu người yêu. Ghì chặt vào ngực, như sợ sẽ chẳng còn cơ hội. Nâng mặt Lâm hôn tới tấp. Đắm đuối. Lần đầu tiên từ ngày yêu nhau, Margarita bộc lộ nồng nàn tình thương yêu không kềm giữ.
Buông Lâm.
Thôi mình về
Margarita khẽ nhắc.
Ra xe Lâm phân vân chưa biết đi đâu, Margarita trầm tư xa vắng, nói nhỏ.
Mình về nhà đi anh.
Lâm hiểu Margarita muốn về với mình. Về nơi ở của Lâm. Nơi đã ghi dấu bao kỷ niệm của hạnh phúc yêu thương. Từ ngày quen nhau đền giờ, chưa có lần nào Lâm được phép đến thăm nàng tại nhà. Có mấy lần Margarita bị bệnh, Lâm nóng ruột làm liều đấm cửa ghé thăm. Ông chú bà thím xuống thấy mặt người lạ, xổ một tràng tiếng Tàu rồi đóng sầm cửa. Sau đó còn bị Margarita lên lớp vì phạm điều cấm kỵ. Cuối thế kỷ 20, trên đất nước tự do, sống tự do mà yêu nhau, gặp nhau tính từng phút cứ như thời Đông Châu liệt quốc. Khó ai mà tin được. Có lần Lâm cằn nhằn.
 
7
 
Vào nhà. Quen thuộc, Margarita mở tủ lạnh quan sát.
Anh đói không?
Anh chẳng thiết tha gì ăn uống.
Margarita cố cười vui.
Phải ăn để còn sức mà sống. Em cũng thấy đói.
Hai đứa như nhau, dễ nuôi. Khi có thì giờ thì thưởng thức món ăn, phụ nhau nấu nướng. Kéo nhau đi nhà hàng, ăn thử mọi thức ăn để tìm cái lạ. Bình thường ăn gì qua loa cũng xong. Như thường lệ, Margarita nhanh nhẹn xào rau muống với chao. Sườn non nấu tay cầm. Những thứ có sẵn và là món Lâm ưa thích. Lâm gắng gượng để phụ Margarita. Ruột gan tơi bời. Sững sờ, mất hồn.
Những lần trước đây, khi cùng nhau như thế này là những lúc vui vẻ hạnh phúc. Ăn xong Margarita dành luôn phần rửa chén. Lâm cự nự đòi làm. Margarita đứng nhìn Lâm rồi càu nhàu cho là rửa ẩu không sạch không đúng methode. Lâm nói. Cái gì cũng ôm lấy. Ai làm cũng không vừa ý. Thiên hạ lấy cớ trút cho làm. Rồi than. Làm việc gì ở đâu, lúc nào cũng cực. Cực từ trong nhà cho đến ngoài xã hội. Nếu sai methode thì chỉ cho anh làm. Anh phải rước bớt cho em. Anh làm nhanh chứ không phải ẩu. Sai methode chỉ vì vị trí vời nước nóng nước lạnh ngược chiều nhà nàng.
Thường thì Lâm là người nói, Margarita là người nghe. Hôm nay ngược lại. Cơm nước xong, đã quá khuya.
Margarita nói.
Tối nay mình ở với nhau.
Lâm như trên trời rớt xuống. Ngày thường chắc Lâm sẽ mừng lắm. Bây giờ lại lo lắng cho người yêu.
Mai về chú thím có rắc rối không?
Mặc kệ! I don't care.
Lần đầu tiên từ ngày yêu nhau hai đứa gần gũi. Ngất ngây hòa nhập. Bềnh bồng. Đam mê yêu đương. Trước đây những lúc nằm với nhau, ôm nhau hôn nhau, Lâm và Margatita cũng nhiều lần bối rối vì những thôi thúc ham muốn. Không phải không có lúc đã chịu hàng buông xuôi. Nhưng chính trong lúc như vậy thì một trong hai đứa gồng mình dừng lại khi nghĩ đến tất cả những khó khăn rắc rối hệ lụy sẽ đến cho Margarita. Lâm chưa thể có con với Margarita vì chưa cưới Margarita được. Những khi qua cơn khói lửa như thế, Lâm nói. Tình yêu của mình trong trắng nhất thế giới đông tây kim cổ. Khó ai mà tin được. Tất cả gìn giữ tối nay đổ sập.
Ôm người yêu trong đôi tay, rù rì đến gần sáng. Nghe tiếng Margarita thở đều nhè nhẹ, Lâm thiếp đi trong giấc ngủ muộn.
 
Thức giấc không thấy Margarita.
Linh tính, Lâm quàng dậy ra khỏi phòng.
Margarita. Margarita.
Khắp nhà yên vắng. Áo quần không còn. Có khi nàng xuống đi bộ. Margarita có thói quen chạy bộ khi rỗi rảnh. Lâm hy vọng. Lo lắng mặc vội áo quần xuống đường chạy quanh tìm kiếm.
Trời. Em đi thật sao. Trời ơi. làm sao đây?
Gọi phôn về nhà nàng không ai trả lời. Lâm lấy xe đi về phía khu phố Tàu nơi nàng ở, cách xa. Giờ cao điểm kẹt xe. Lâm nóng ruột muốn xuống xe chạy bộ.
Trời hại ta rồi. Gần hai giờ sau mới đến nhà nàng. Lâm chẳng còn e dè, bấm chuông gọi.
Bà thím xuống mở cửa. Nét mặt hôm nay trông rất dịu. Đã đoán ra mối tình hay thấy bộ mặt thảm não của Lâm.
Cho tôi gặp Margarita.
Nó đi rồi.
Đi đâu thím biết không?
Chồng tôi chở nó đi Ohio.
Khi nào về?
Ở luôn chưa biết chừng.
Thím có số phôn hay địa chỉ không? làm ơn cho tôi. Tôi là bạn thân của Margarita.
Tôi biết. Tôi còn biết cậu tên Lâm. Thôi cậu về đi.
Biết không làm được gì khác hơn, đau khổ cùng tận, Lâm thất thểu ra xe về nhà.
 
Gần một năm.
Sau những này khắc khoải chờ mong, hỏi thăm tin tức. Có lúc Lâm đã nhắm mắt đi liều lên tận Cleveland. Nơi trước đây có lần Margarita nhắc tới. Tìm khắp các nhà hàng ăn người Hoa, nhưng vô vọng.
Một buổi trưa Lâm bất ngờ nhân được thư Margarita. Không có địa chỉ người gửi. Nhận ra được của người yêu qua nét chữ thân quen. Mừng đến chảy nước mắt. Không có thư, chỉ có tấm thiệp báo tin sinh con gái Tiffany đầu lòng. Bên dưới vỏn vẹn một chữ Forever” và chữ ký quen thuộc. Lặng người nhìn đứa nhỏ còn đỏ hỏn trong nôi, Lâm biết đây là con ruột của mình. Kết quả đành đoạn một mối tình trắc trở. Lâm không giữ được khóc. Tức tưởi gọi tên người yêu.
 
8
 
Ít lâu sau ngày Margarita bỏ đi.
Lâm nhận được thư vợ báo tin đã được Mỹ phỏng vấn và thủ tục đang ở giai đoạn cuối. Nhớ thương Margarita đứt ruột, Lâm chẳng còn lòng dạ nào để học. Lại thêm nhu cầu việc làm để nuôi vợ con ngày sắp tới, Lâm bỏ dở năm cuối kỹ sư kiếm việc làm với đồng lương khiêm nhượng. Đầy đủ bảo hiểm cho vợ cho con. Thế là tốt rồi. Buông xuôi. Lâm tự an ủi.
Tuần sau vợ con qua.
Cả tháng nay Lâm lo dọn dẹp apartment. Mua sắm thêm đủ thứ linh tinh. Độc thân tại chỗ lâu ngày bây giờ Lâm mới thấy đủ thứ phiền phức tốn kém. Gặp lại vợ như thế nào đây. Lòng đã nguội lạnh. Tự nhủ. Không ở với nhau bằng tình thì cố quên đi những ngày tháng nhục nhằn cũ. Đành cố sống cho vẹn đầy chữ nghĩa.
Nhớ lại buổi chiều tầm tã mưa, sau lần cãi vã sỉ nhục mày tau chi tớ. Như mọi lần, vợ kết thúc bằng bài lên lớp. Biết thế để cho chết trong tù. Đi đâu thì đi cho khuất mắt. Và như mọi lần Lâm lầm lũi ra đi. Đi đâu? Tá túc bạn bè bà con một hai ngày là cùng. Rồi lại sượng người quay về nhà để lại nghe xỉa xói. Tưởng ngon đi luôn chớ. Cuối cùng cũng vác bản mặt ăn hại về. Giận, nhưng không bằng cay đắng. Xã hội hoàn cảnh đã rèn một người đàn bà yếu đuối, hiền lành lệ thuộc trở thành chua ngoa độc đoán.
Hôm đó định quay về nhà thì gặp Hướng, bạn thân từ ngày vào lính vào tù. Hôm trình diện vào trại cải tạo gặp nhau hắn xỉ mặt cười hô hố.
Cứ khi nào tau xui là gặp mày. Vô lính. Vô tù.
Từ ngày được tha ít khi gặp. Kéo bạn vào quán cà phê, Hướng nói nhỏ.
Tau có nghe thằng Thìn, thằng Đức nói về mày. Tối nay tau có chuyến đi mày có theo không?
Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Nhưng tau không có tiền.
Khỏi lo. Qua bên mượn ai trả cho tau sau. Ở đây mượn một xu không ai cho. Qua bên rồi thì dễ. Cầu sao cho lọt. Có gì thì đừng đổ tội cho tau.
Gặp nhau lần này phải hên, hết vận xui. Tin vậy đi. Lọt hay không do số. Cùi đâu sợ lỡ. Tình cảnh tau như thế này chết sướng hơn.
Chuyến đi trót lọt. Ra hải phận chưa kịp mừng thì gặp bảo. Sau khi thoát chết, Lâm nhận ra được cái phi lý nhỏ nhoi của cuộc đời. Cận kề cái chết, thấy hận thù ghét giận chỉ là những mối dây nên cởi không nên buộc. Lâm không còn giận vợ, tha thứ. Lên tới đảo trái với ý định lúc ra đi, Lâm khai báo vợ con đầy đủ. Trong thư gửi về dặn con dặn vợ. Yên tâm. Sẽ gắng làm ra tiền gửi về và lo bảo lãnh.
 
9
 
Đón vợ con sang.
Lo cho con cái vào trường. Lo cho vợ theo học Anh văn. Thời gian đầu trôi qua yên ổn. Từ khi vợ có công việc làm. Quen nước quen cái, đi đây đi đó tiếp xúc bạn bè bà con. Cuộc sống gia đình bắt đầu có những lục vấn ghen tương mát hờn khó chịu. Một hôm bệnh xin về sớm. Về nhà nghe tiếng vợ đang nói hành nói tỏi mình với con.
Thằng cha tụi bây có vợ riêng đang dấu ở đâu đó. Đâu có tốt lành gì. Qua Mỹ đã lâu, người ta đã mua nhà mua cửa đàng hoàng. Học hành tới nơi tới chốn công ăn việc làm đâu ra đó, như bác Hướng. Cha tụi bây cho vợ con sống như thế này đây. Nơi ở thì chật chội, khu phố thì tồi tàn rác bẩn. Tưởng qua Mỹ thế nào cứ như thế này thua xa ở Việt Nam. Biết thế này, tụi bây có đi thì đi tau ở lại.
Lâm lặng người. Mệt muốn ngả lưng nhưng tránh chuyện cãi vã lập lại những ngày tháng địa ngục. Lâm buồn vô hạn. Lặng lẽ quay ra.
Vợ nói cũng đúng thực tại, nhưng không nghĩ đến nguyên nhân. Lâm và Hướng là hai thái cực.
Vừa tới đảo, Hướng đeo tán Liên, trẻ đẹp. Mấy tuần sau đã sống như vợ chồng. Lâm trách. Người đâu vô tình bạc nghĩa. Hướng trả lời tĩnh. Nói theo câu nói thời thượng. Quá khứ đã qua. Tương lai chưa tới. Sống cho hiện tại. Ở đó mà lo. Phí .
Cả hai cùng đến một thành phố và cùng thuê chung building.
Lâm ở basement. Sống tiện tặn. Gửi tiền về vợ con sống phủ phê. Nhà cửa thì đã có sẵn. Tiền gửi về dư thừa, mua sắm đầy đủ tiện nghi. Cả mẹ lẫn con xe cộ áo quần thứ xịn.
Hướng sống với Liên ở lầu một và sinh con đầu lòng. Tiền hắn gửi về cho vợ con chỉ đủ sống cầm hơi. Cuối tuần tập họp bạn bè ăn nhậu vui đùa tới khuya. Cuộc sống vô tâm không bận bịu lo âu. Học vội bằng technician hai năm, bắt được cái Job ngon. Chỉ thời gian ngắn, hãng phát đạt cho Hướng ăn lương, cho tiền đi học tiếp lấy bằng kỹ sư. Đứa con thứ hai lên ba thì vợ con Hướng bên nhà cũng sắp qua tới. Lâm không biết Hướng sẽ giải quyết như thế nào. Vẫn phây phây chẳng thấy gì lo lắng, hay hắn liều mạng tới đâu hay đó.
Chuyện xẩy ra như trong tiểu thuyết. Một buổi, Liên đem hai con ra ngoại ô gần sở làm. Thời gian ngắn kết hôn với Hater cùng làm việc chung, từ lâu đeo đuổi, dẫu biết Liên đang sống với Hướng. Hướng mua nhà mới sắm sửa đón vợ con sang. Thu xếp vợ con đâu ra đó. Răm rắp như nhà binh. Đi học đi chợ tự túc xe bus. Đừng hòng đưa đưa đón đón. Có lẽ nhờ vậy chỉ mấy năm vợ con ổn định. Gia đình êm. Điều đặc biệt là vợ Hướng chẳng bao giờ đá động dẫu biết rõ cuộc tình của chồng. Không ghen tuông như những người vợ khác. Tôn trọng cái riêng tư của chồng. Điều hiếm có ở một người vợ Việt Nam. Lâm nói với bạn bè. Hướng có một người yêu biết hy sinh. Một người vợ biết giữ chồng. Hắn là thằng tốt số. Hướng, người mà vợ Lâm đem mình ra để so sánh là rứa đó.
Đè nén nỗi đau riêng để sống hết nghĩa. Những lời nói của vợ làm cho Lâm thấy trước những đổ vỡ. Dù cố gắng Lâm cũng không thể tự nhiên trong cuộc sống vợ chồng. Càng cố tự nhiên, càng mất tự nhiên. Cố chăm sóc, cố chìu chuộng, cố nhẫn nhịn, lại phô bày sư gượng gạo.
Một buổi tối đi làm về thấy nét mặt và khóe mắt nhìn của vợ hằn hộc, giận dữ. Trong thoáng chốc, Lâm bất chợt rùng mình nhớ lại cũng nét mặt, cũng khóe nhìn đó những năm về trước. Biết có chuyện.
Mấy con đâu?
Mở cửa phòng, hai đứa nhìn cha khác lạ.
Chuyện gì vậy? Lâm bình tĩnh hỏi vợ.
Ông là đồ bạc nghĩa. Biết thế đã không qua đây làm gì?
Chuyện gì cũng nên ăn nói đàng hoàng. Chuyện gì?”
Tui thế đó. Đàng hoàng với người đàng hoàng. Cái thứ người đó mà đòi đàng hoàng.
Lâm vãn kiên nhẫn
Bỏ cái lối ăn nói thô lỗ đó đi.
Phải rồi. Tau là đồ thô lỗ, mày mới chê.
Lời mày tau của vợ cho Lâm cảm giác như đang sống trong ngôi nhà ngõ hẻm ở Saigon, với tất cả đắng cay ngày cũ.
Lâm buồn. Địa ngục một lần qua nay lại hiển hiện.
Lâm đã đoán ra phần nào. Gượng hỏi.
Không hiểu em muốn gì?
Đứng phắt dậy, rút trong túi áo hai tấm hình vất mạnh xuống bàn.
Con đĩ nào đây? Ông hết che đậy dấu quanh. Từ ngày qua đây tôi đã biết, nhưng chưa có bằng chứng. Bây giờ thì rành rành ra đấy. Chối đi. Chối đi.
Chưa kịp phản ứng thì vợ khóc rống lên tru tréo.
Trời ơi là trời. Mấy năm nó bị tù tôi nuôi. Biết vậy tôi lấy cha thằng nào cho xong. Qua đây làm gì?
Đừng khóc lớn. Xấu hổ với hàng xóm. Có khi người ta kêu cảnh sát thì phiền lắm. Mình đang ở Mỹ chứ không phải ở Việt Nam!
Lâm nhìn hai tấm hình. Một chụp chung với Margarita lúc đi thăm vườn Nhật. Đây là bức hình duy nhất hai đứa chụp chung với nhau. Tấm kia là hình Tiffany. Hai tấm hình này Lâm để trong ngăn tủ hồ sơ riêng.
Lâm chợt bừng tức giận. Một cơn giận đã lâu chưa hề có vì riêng tư bị xúc phạm.
Ai cho phép em được lục lọi giấy tờ riêng.
Riêng gì. Không riêng tư gì hết. Tôi ở với ông có hôn thú. Tôi muốn làm gì thì làm không
ai có quyền cấm.
Vợ chồng cũng phải tôn trọng cái riêng của nhau. Ngay cả con cái mình cũng phải tôn trọng cái riêng tư của chúng. Biết không. Biết không?
Đụng tới con đĩ là nóng mặt lớn tiếng phải không?
Nhảy tới bàn cầm hai tấm ảnh, xỉ xói.
Con nào đây hả?
Lâm chưa biết phản ứng như thế nào. Vợ bắt đầu khóc kể.
Tôi biết mà. Hèn gì. Nó ở với tôi chỉ còn cái xác, còn hồn thì gửi cho con kia.
Vừa nói vừa đưa hai tấm hình lên định xé. Lâm không còn bình tĩnh. Xông tới giựt lấy.
Vợ la lớn
Làng xóm ơi! Tụi bây ơi! Ra coi nó đánh tau.
Anh đánh hồi nào. Mà đừng la lớn.
Biết nếu chần chừ, không kìm được cơn giận của mình sẽ lớn chuyện, Lâm vội như chạy trốn, mở cửa định đi. Như không còn tự chủ, vợ Lâm chạy đến túm áo.
Tôi nói chuyện, ông khinh mà bỏ đi phải không? Đúng rồi. Có hẹn bây giờ đi gặp phải không? Thằng đàn ông khốn nạn.
Các con vừa van mẹ vừa nhìn cha, không biết đứng phía nào. Lâm dùng sức rứt ra. Dằng co. Uất ức, giận dữ vụt đến như tia sét. Giáng tay tát mạnh. Vợ khựng lại ngạc nhiên trước phản ứng bất ngờ. Lần đầu tiên Lâm đánh vợ.
Cơn nóng hạ nhanh Lâm xuống giọng
Anh xin lỗi!
Mày đánh tau. Được! Tau chết cho mày biết. Cho người ta rủa mày.
Nói xong chạy vào phòng khóa cửa. Lâm chạy trước, các con theo sau khóc.
Em! Chuyện đâu còn đó. Phải bình tĩnh cho anh giải thích.
Từ trong phòng, vợ Lâm vừa khóc vừa réo
Mày dám đánh tau. Tau cho mày biết tay.
 
10
 
Chỉ chừng chốc lát.
Lâm nghe tiếng còi hụ. Nhìn ra đường thấy hai xe cảnh sát chớp đèn, thắng gấp. Hàng xóm, người qua đường tụ họp, sầm xì.
Lâm đoán ra sự việc. Nghe tiếng gõ cửa, Lâm lúng túng mở. Hai cảnh sát to lớn, bụng bự hùng hổ xông vào. Vợ Lâm chạy ra chỉ ngay Lâm.
Hắn đã đánh tôi.
Vừa nói vừa vén tóc bày bên má đỏ.
Lâm ngượng người, phân trần.
Hai cảnh sát còng tay Lâm, dẫn đi. Bàn tay to đè đầu đẩy vào xe. Đóng sầm cửa. Lâm nhục nhã. Buồn đứt ruột.
 
Xe hụ còi, lăn bánh.
Tê tái. Gục đầu. Lâm úp mặt vào lòng hai bàn tay run lạnh. Margarita. Margarita! Âm vang tiếng gọi thầm dội sâu vào tâm thức. Nơi lắng chìm hình bóng thương yêu và niềm hạnh phúc những tháng ngày.
 
( Trích: Thoáng Ngậm Ngùi-NXB Văn Mới)
  Trở lại chuyên mục của : Ninh Hạ