PHẠM CAO HOÀNG


Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt
Truyện Ngắn

 
đứng bên bờ vực tử sinh
vẫn nghe em hát bản tình ca xưa
P.C.H.
 
 
1.
 
Hôm ấy là Saint Patrick’s Day, 17.3.2011. Như thường lệ, Cúc Hoa và tôi thức dậy sớm, uống với nhau một cốc cà phê, ăn nhanh bữa điểm tâm nhẹ, rời nhà và đi làm. Chúng tôi không làm chung một chỗ nhưng đi làm cùng một giờ và ngày nào chúng tôi cũng phải có mặt ở chỗ làm trước 6 giờ sáng. Từ nhà đến chỗ làm không xa lắm, khoảng mười phút lái xe.
 
Khoảng 7 giờ sáng tôi nhận được điện thoại từ chỗ Cúc Hoa làm, hỏi sao không thấy Cúc Hoa đến. Tôi hốt hoảng. Từ lúc rời nhà đến giờ đã một tiếng đồng hồ rồi, sao lại chưa tới chỗ làm? Đây là điều không bình thường. Hoặc là xe bị hỏng trên đường đi, hoăc là bị đụng xe. Không lẽ bị bắt cóc? Tôi bấm máy gọi điện thoại cho Cúc Hoa. Gọi nhiều lần nhưng không thấy Cúc Hoa trả lời. Rõ ràng có chuyện chẳng lành. Tôi báo tin cho các con tôi biết và cùng nhau đi tìm trên lộ trình Cúc Hoa vẫn đi về hàng ngày. Không thấy bóng dáng Cúc Hoa và cũng không tìm thấy chiếc xe của Cúc Hoa đâu.
 
Lại liên tiếp bấm số điện thoại của Cúc Hoa để gọi. Đến hơn 8 giờ thì điện thoại của Cúc Hoa đổ chuông, Người trả lời không phải là Cúc Hoa, mà là một giọng nữ người Mỹ.
 
Tôi hỏi ngay:
 
-  Nhà tôi đang ở đâu, thưa cô?
-  Inova Fairfax Hospital.
-  Chuyện gì đã xảy ra cho nhà tôi?
- Bà ấy bị đụng xe. Xe cấp cứu đưa vào bệnh viện sáng sớm hôm nay.
-  Bị thương có nặng không?
-  Thoát chết nhưng bị thương khá nặng.
 
Vừa lúc ấy tôi nhận được điện thoại của Quỳnh Anh, cô gái út của tôi.

-  Con đã vào tới bệnh viện. Đang làm một số thủ tục về thông tin cá nhân và bảo hiểm. Má đang nằm trong phòng cấp cứu. Họ cho biết má bị rạn ở xương chậu và phía dưới đầu gối, cần được phẫu thuật ngay trong ngày hôm nay.
-  Ba và mọi người sẽ vào ngay.
-  Khỏi cần ba ơi . Có con ở đây được rồi mà. Vào cũng ngồi đó thôi, họ chưa cho gặp đâu. Chiều rồi hẵn vào, tiện thể mang theo đồ đạc cho má luôn.
 
Ở nhà đứng ngồi không yên nên sau đó mọi người vào hết trong bênh viện.

Đến 3 giờ chiều thì ca mổ xương chậu hoàn tất và hai tiếng sau đó họ đưa tôi vào phòng hồi sức gặp Cúc Hoa. Tôi bước vào, nhìn thấy Cúc Hoa. Mặt Cúc Hoa hơi sưng và có một vết bầm nhỏ trên mũi, còn chân trái thì băng kín mít. Cúc Hoa mở mắt nhìn tôi, không nói gì, rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn trên má. Khuôn mặt và đôi mắt của Cúc Hoa buồn một cách lạ lùng. Suốt đời tôi, tôi sẽ không bao giờ quên khuôn mặt Cúc Hoa và những giọt nước mắt ấy. Khuôn mặt của sự chịu đựng một đời gian khó cùng những giọt nước mắt của hạnh phúc xen lẫn khổ đau.
 
Chúng tôi yêu nhau thời chiến tranh, cưới nhau lúc hòa bình, cuộc  sống   triền  miên  vất vả,  và  bây giờ  Cúc Hoa  phải chịu những  đớn  đau  ghê  gớm  về  thân xác  trong những ngày lưu lạc ở xứ người. Tôi tự hỏi tại sao không phải là tôi mà lại là Cúc Hoa. Tôi cũng không ngờ có một ngày Cúc Hoa phải rơi vào một hoàn cảnh  như thế này vì Cúc Hoa vốn là người lái xe rất cẩn thận.
 
Đêm đó ai cũng muốn ở lại trong bệnh viện với Cúc Hoa nhưng họ chỉ cho phép một người . Tôi nói  các  con cứ   về   đi làm bình thường, còn tôi sẽ là người ở lại. Trong những giờ phút khó khăn nhất của Cúc Hoa, tôi cần phải có mặt bên nàng. 
 
 
Cúc Hoa nằm đó, trên giường bệnh, lặng lẽ, hơi thở mệt nhọc. Tôi ngồi bên cạnh, nghĩ lan man đủ thứ chuyện, nhớ mênh mang đoạn đường đời mà hai chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi quen nhau  trong một đêm thơ nhạc do nhóm bạn Phan Bá Chức, Nguyễn Ngọc Phong, Trần Minh Triền, Nguyễn Khắc Nhượng và Nguyễn Hiền Tiên phối hợp với Lê Uyên Phương tổ chức ở quán  Lục Huyền Cầm, Đà Lạt.  Thuở ấy tôi mê thơ và nhạc hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời này. Tôi là một con ngựa hoang chỉ thích rong ruổi lang thang đây dó. Khi quen Cúc Hoa, mọi thứ bắt đầu thay đổi, và tôi biết đã đến lúc tôi cần phải dừng bước giang hồ. Cúc Hoa đến với tôi nhẹ nhàng , nồng nàn,  và vô cùng lãng mạn.
 
Thế hệ chúng tôi, mà Trần Hoài Thư gọi là “thế hệ chiến tranh”,  là một  thế hệ  không may mắn.  Thời chiến tranh thì sống trong chết chóc, lo âu, sợ hãi. Khi hòa bình thì sống trong cơ cực,  khó khăn. Sự nhẹ nhàng, nồng nàn, và lãng mạn  của Cúc Hoa đã giúp tôi vượt qua những khó khăn nhiều lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi.
 
 
Cúc Hoa nằm đó, trong nỗi đớn đau của thân xác.

thương em ngày nắng Tuy Hòa
chiều mưa Đức Trọng sáng Đà Lạt sương
thương em và những con đường
một thời tôi đã cùng em đi về
bây giờ lạ đất lạ quê
bước chân phiêu bạc biết về nơi đâu
thương em nắng dãi mưa dầu
đau cùng tôi với nỗi đau riêng mình
chia cùng tôi một chút tình
của ngàn năm trước và nghìn năm sau
 
 
Cúc Hoa nằm đó, vẫn khuôn mặt thánh thiện nhưng có hằn lên những nét khổ đau. Một đời Cúc Hoa hết tình hết nghĩa với tôi và các con. Tôi cầu mong sao vết thương không nặng lắm để Cúc Hoa có thể vượt qua tai ách này.
 
 
Đến gần nửa đêm, Cúc Hoa tỉnh thuốc mê và đã có thể gượng nói chuyện với tôi.

-  Em có nhớ mọi việc xảy ra như thế nào không?
-  Em chỉ nhớ là mình lái xe chạy trên đường Westfields, qua khỏi bưu điện thì không biết gì nữa.
-  Em thấy trong người thế nào?
-  Đau nhức và ê ẩm khắp người. Em bị thương có nặng không anh?
-  Chân trái em bị rạn hai chỗ. Chiều nay họ đã mổ và chỉnh sửa phần bị rạn ở xương chậu.
-  Chừng nào họ mổ chỗ còn lại?
-  Họ nói phải theo dõi sự hồi phục và sức chịu đựng của em rối mới tính tiếp.
-  Liệu sau này chân em có bị tật hay không?
-  Không đâu em.
 
Tôi nói để Cúc Hoa an tâm chứ thật ra chỉ có trời mới biết rồi đây Cúc Hoa sẽ như thế nào.
 
Cúc Hoa trầm ngâm, im lặng hồi lâu.

-  Em đang nghĩ gì?
-  Em buồn quá . Hết chuyện này đến chuyện khác. Muốn yên mà vẫn không yên.
-  Em cứ bình tĩnh, mọi việc rồi cũng sẽ ổn thôi.
- Em nhớ Đà Lạt. Mai mốt lành bệnh anh đi với em về Đà Lạt anh nhé.
-  Ừ, anh sẽ đi với em. Sao em lại nghĩ về Đà Lạt trong lúc này?.
-  Thật ra, không phải  lúc này, mà lúc nào em cũng nghĩ về Đà Lạt. Em tìm thấy sự bình yên ở đó.
-  Anh cũng nghĩ như em.
-  Anh ơi. Anh hát em nghe bài  GỬI EM, ĐÀ LẠT đi.
 
 
Vẫn là một Cúc Hoa đầy chất lãng mạn trong bất cứ hoàn cảnh nào nên tôi không ngạc nhiên về đề nghị này. Đứng bên bờ vực tử sinh.  Vẫn nghe em hát bản tình ca xưa.  Lúc này đây,  trong nỗi đau đớn tột cùng của Cúc Hoa, tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để nhẹ bớt đi nỗi đau của nàng, huống chi là hát một bài hát. GỬI EM, ĐÀ LẠT là bài hát tôi viết cho Cúc Hoa khi chúng tôi mới quen nhau.
 
Tôi hát nhỏ, vừa đủ cho Cúc Hoa nghe.
 
sáng nay mưa đã về
ngàn thông xao xuyến khách phương xa
hỡi cô em Đà Lạt
về đâu?
tôi muốn theo về với người
mưa cho đôi má em hồng
mưa cho đôi mắt nai tròn
mưa bay qua cõi vô cùng
và tôi bay giữa mênh mông
mưa âm vang suốt bên đời
mưa lang thang mấy phương trời
mưa qua như dáng thu người
đời vui thêm tiếng em cười
sáng nay mưa đã về
vườn kia hoa nở đóa tương tư
gửi cô em Đà Lạt
bài thơ tôi viết khi về với người
 
Cúc Hoa nói nhỏ:
-  Cám ơn anh.
 
Tôi đùa:
-  You’re welcome.
-  Anh ơi. Em muốn gặp Thuần. Anh nói Thuần sang thăm em anh nhé.
-  Sao em lại nghĩ đến Thuần trong lúc này?
- Cứ nghĩ về Đà Lạt là em lại nghĩ đến anh, đến Thuần,  và những ngày tháng êm đềm hồi đó.
 
Thuần là bạn thân của Cúc Hoa. Cả hai học cùng một lớp, nhà ở cùng một đường. Sau 1975, còn gặp nhau được mấy lần, rồi Thuần vượt biên, mất liên lạc. Mãi đến thời gian gần đây, nhờ một bài viết của Trần Yên Hòa trên nhật báo Sài Gòn Nhỏ ở California, Thuần mới  nối lại liên lạc với Cúc Hoa. Thuần đẹp, lãng mạn, và chuyện tình của Thuần và Thịnh là một trong những chuyện tình tuyệt vời nhất trần gian này.
 
Trong thời gian Cúc Hoa quen với tôi thì Thuần quen với Thịnh, lúc ấy đang học ở Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Sau 1975, Thuần tiếp tục học những năm cuối ở đại học khoa học, còn Thịnh đi học tập cải tạo, và hai người mất liên lạc với nhau. Một ngày kia, trong một lần đi thực tập tại một vùng nông thôn ở Bình Thuận, tình cờ Thuần gặp một nhóm tù cải tạo, trong đó có Thịnh. Trước mắt Thuần, Thịnh không còn là Thịnh hào hoa phong nhã ngày nào, mà là một tấm thân tàn ma dại, bị sốt rét nặng nên bước đi không nổi, phải chống gậy. Sau lần gặp gỡ ấy, Thuần thường xuyên đi thăm nuôi Thịnh. Bất chấp lời ra tiếng vào, Thuần giữ nguyên tấm lòng chung thủy, và khi Thịnh ra tù hai người tổ chức đám cưới, Rồi người đi trước, kẻ đi sau, cả hai cuối cùng cũng đến được nước Mỹ sau nhiều lần vượt biên thừa sống thiếu chết. Hiện nay họ là những người khá thành công, sống hạnh phúc cùng hai con ở New Orleans, tiểu bang Louisiana.
 
-  Ừ,  anh  sẽ  nói  Thuần sang thăm em. Bây giờ thì em cố gắng ngủ  để lấy lại sức.
 
Năm ngày sau các bác sĩ tiến hành ca mổ thứ hai, chỉnh sửa chỗ rạn ở phần xương phía dưới đầu gối. Lại lên bàn mổ. Lại gây mê. Lại ngồi nơi phòng tiếp tân của khoa giải phẫu, hồi hộp từng giây từng phút chờ kết quả ca mổ. Chỉ trong vòng năm ngày mà Cúc Hoa phải trải qua hai ca đại phẫu, liệu nàng có đủ sức để chịu đựng ca mổ thứ hai không?
 
 
Cuối cùng thì mọi viêc diễn tiến tốt đẹp và ca mổ hoàn tất.

Lisa, cô y tá trực, nói với tôi:

-  Các bác sĩ rất ngạc nhiên về sức chịu đựng và khả năng hồi phục của bệnh nhân này. Nhiều người phải chờ một hoặc hai tuần sau mới thực hiện ca mổ tiếp theo.
-  Cô có nghĩ là sau này nhà tôi sẽ bình thường không?
-  Tôi nghĩ vậy.
 
Tuy nhiên tôi vẫn chưa an tâm. Tôi tìm gặp Daniel, bác sĩ chính của ca mổ.
-  Thưa bác sĩ, phải mất bao lâu nhà tôi mới có thề đi lại được?
- Khoảng 6 tháng. Mấy tháng đầu đừng gập đầu gối quá 90 độ và hai chân không được chéo qua nhau.
-  Khi về nhà việc chăm sóc sẽ như thế nào?
-  Chúng tôi sẽ cho y tá và therapists đến tận nhà chăm sóc và theo dõitrong một tháng, mỗi tuần 3 lần. Tuy nhiên người nhà cần sắp xếp để chăm sóc bệnh nhân hai bốn trên hai bốn. Nếu cần giúp đỡ, hãy gọi chúng tôi.
-  Liệu sau này nhà tôi có bị tật ở chân không?
-  Cái đó còn tùy vào sự luyện tập của bệnh nhân.
 
Thôi thì bao lâu cũng được, vất vả bao nhiêu cũng được, tốn kém thế nào cũng được, miễn là Cúc Hoa có thể trở lại cuộc sống bình thường, đi tiếp cùng tôi và các con trên quãng đường còn lại.
 
2.
Cúc Hoa xuất viện vào một ngày cuối đông. Những cơn bão tuyết đã đi qua, cây phong trước nhà đã bắt đầu đâm chồi non, và khu vườn sau nhà đã có tiếng chim hót líu lo sau những ngày trốn tuyết. Cúc Hoa trở về mái nhà xưa bằng xe lăn nhưng miệng vẫn tươi cười. Tôi hiểu tâm trạng của nàng. Ở đâu cũng không bằng ở nhà của mình. Còn về được tới nhà là mừng rồi.
 
Các con tôi,  Thiên Kim, Anh Kim, Quỳnh Anh,  chị Vân - một người bạn của Cúc Hoa, và tôi lên lịch chăm sóc Cúc Hoa, chia phiên nhau đế lúc nào cũng có người bên cạnh giúp Cúc Hoa tập therapy và các sinh hoạt cá nhân.  Tôi đặt chiếc sofa gần chỗ nằm của Cúc Hoa làm giường ngủ cho mình vào ban đêm để tiện việc chăm sóc.. Đó là khoảng thời gian tôi không phân biệt ngày và đêm, khi nào cần thức thì cứ thức, khi nào mệt quá thì ngủ thiếp đi.
 
Cúc Hoa ái ngại cho tôi và các con:
-  Em ân hận quá. Vì em mà anh và các con phải khổ.
-  Em đừng nghĩ vậy.
-  Đã nhiều đêm anh mất ngủ. Anh có mệt lắm không?
- Đâu có sao. Có mệt một chút nhưng thấm vào đâu so với những khổ sở mà em đang phải gánh chịu.
-  Nằm một chỗ em mới hiểu hết giá trị của đôi chân.
-  Vấn đề là thời gian. Sáu tháng sẽ trôi qua, rồi em sẽ đi lại bình thường thôi mà.
 
Cúc Hoa dân Đà Lạt nên quen uống cà phê vào buổi sáng. Sáng nào Cúc Hoa cũng pha hai ly cà phê sữa, một cho tôi và một cho nàng. Trừ phi có bạn bè, còn bình thường tôi ít khi ra quán vì chỉ thích cà phê do Cúc Hoa pha. Cám ơn những sáng êm đềm. Khói cà phê quyện bên hiên nhà mình. Bây giờ Cúc Hoa nằm bệnh tôi quên mất thói quen này, sáng ra cũng chẳng buồn pha cà phê.
 
Cúc Hoa nói với tôi:
-  Em đã quen với mùi cà phê mỗi sáng mấy chục năm nay rồi, bây giờ vắng nó thấy nhớ quá. Em không uống được nhưng anh cứ pha một ly cho anh để em có thể tìm lại mùi cà phê.
-  Lu bu đủ thứ chuyện rồi cũng quên luôn. Ừ, mỗi sáng anh sẽ làm như vậy.
 
 
Đến cuối tuần, các con tôi tổ chức barbecue, mừng mẹ đã về nhà. Các em của Cúc Hoa -Ánh và Trung, từ Maryland cũng lái xe sang tham dự. Mọi người đều vui vì Cúc Hoa đã có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.
 
Vừa lúc ấy, Nguyễn Trọng Khôi từ Boston gọi sang:
-  Tình hình sao rồi? Cúc Hoa đã về tới nhà chưa?
-  Về rồi. Cả nhà đang ăn mừng.
-  Ông nói gì lạ vậy? Sao lại ăn mừng? Nghe nói nặng lắm mà.
- Đúng là nặng. Mừng là vì là vì chỗ bị thương là chỗ có thể chữa trị được, còn đầu óc thì vẫn bình thường.
-  Như vậy thì cũng đáng mừng thật. Đầu tháng tới sang Virginia triển lãm tranh  tôi sẽ ghé thăm.
 
Trước 1975, khi còn ở Đà Lạt, Cúc Hoa và tôi rất thân với Phan Bá Chức và Hoàng Ngọc Lĩnh. Bây giờ  có lúc Lĩnh ở Canada, có khi ở Singapore, rồi lại trở về Việt Nam. Tháng trước từ Canada Lĩnh sang ở lại với chúng tôi mấy ngày, đã có một tối họp mặt đáng nhớ, và Lĩnh cứ khóc vì được sống lại cái không khí ấm cúng của thơ và nhạc, của tình bạn thuở nào. Đêm đó chúng tôi uống rượu chát, nghe Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Ngọc Phong hát, nghe Đinh Cường, Nguyễn Minh Nữu đọc thơ.
 
Từ Singapore Lĩnh gọi sang, giọng hốt hoảng:
-  Lĩnh có nghe tin này,  và mong nó là cái tin không có thật. Có phải Cúc Hoa bị đụng xe không?
-  Đó là tin có thật Lĩnh ơi.
-  Mới tháng trước gặp Cúc Hoa mà bây giờ sao lại thế này?
-  Hôm đó Cúc Hoa lái xe đi làm và không may tai nạn đã xảy ra.
-  Có biết nguyên nhân vì sao không?
-  Phải  chờ report của cảnh sát mới biết được .
-  Bị thương có nặng không.
-  Nói là nặng cũng được, mà nhẹ cũng được, nhưng nói chung mọi việc sẽ không đến nỗi nào.
-  Như vậy là mừng cho Cúc Hoa quá. Hàng tuần Lĩnh sẽ gọi sang nói chuyện cho Cúc Hoa vui.
 
Thời gian ở Virginia tôi may mắn được gặp gỡ hai họa sĩ tài hoa Đinh Cường và Nguyễn Trọng Khôi. Duyên văn nghệ đã giúp tôi có được mối thân tình với những kỳ hoa dị thảo này. Cả hai đều có  đặc điểm chung là sống hết lòng với nghệ thuật,  bạn bè, và gia đình.  Đinh  Cường  người  nho nhã, hiền hòa, ít nói. Nguyễn Trọng Khôi lịch lãm, hào sảng, và tháo vác. Nhìn những công trình nghệ thuật đồ sộ của họ,  tôi thấy mình nhỏ bé lại.
 
Riêng Nguyễn Trọng Khôi có một khả năng rất đặc biệt, thuộc vào loại hiếm có: anh có thể viết nhạc, tự soạn hòa âm cho bản nhạc đó, tự hát như một ca sĩ có đẳng cấp, tự  thu âm, và sau đó tự làm thành đĩa CD hoặc DVD.
 
 
Đầu tháng tư,  Nguyễn Trọng Khôi từ Boston mang tranh sang Virginia cùng các họa sĩ Đinh Cường và Trương Vũ tổ chức cuộc triển lãm chủ đề Awakening Spring tại Arlington Arts Gallery, sẵn dịp hai anh ghé thăm Cúc Hoa.

Bước vào nhà, nhìn thấy Cúc Hoa ngồi trên xe lăn, anh Đinh Cường nói ngay:
-  Mấy hôm rồi tôi vẫn cầu nguyện cho Cúc Hoa.
 
Còn Nguyễn Trọng Khôi lấy từ túi xách ra một gói nhỏ :
-  Quà cho Cúc Hoa.
 
Cúc Hoa và tôi không thể tin vào mắt mình. Đây là đĩa DVD bài hát GỬI EM, ĐÀ LẠT, Nguyễn Ngọc Phong hát, Nguyễn Trọng Khôi soạn hòa âm và thu âm, trên đĩa có in hình của Cúc Hoa. Cúc Hoa xúc động đến nghẹn ngào, còn tôi khó có thể diễn tả hết cảm xúc của mình lúc ấy. Tôi thấy có sợi dây tình cảm thiêng liêng nối tấm lòng của những người bạn văn nghệ lại với nhau.  Từ khi nghe tin Cúc Hoa bị nạn đến hôm nay chỉ mới có mười ngày, lại bận rộn với việc chuẩn bị  cho cuộc triển lãm, vậy mà Nguyễn Trọng Khôi và Nguyễn Ngọc Phong làm xong bài hát để tặng Cúc Hoa.
 
Trước ngày Cúc Hoa bị tai nạn một thòi gian ngắn, Cúc Hoa và tôi cùng hàng triệu người trên thế giói đã xúc động về câu chuyện tình của hai bạn trẻ người  Mỹ Chris Medina và Juliana Ramos. Medina, 26 tuổi, sống ở Chicago, đính hôn với Ramos vào năm 2007, và lễ cưới dự định sẽ diễn ra hai năm sau. Trước ngày cưới hai tháng, Ramos   không may  bị đụng xe, chấn thương sọ não, không còn nói được, chân tay gần như bị liệt, và trở thành một người tàn phế suốt đời, mọi sinh hoạt của bản thân phải cần đến sự trợ giúp của người khác. Medina vẫn giữ lòng chung thủy với vị hôn thê, tự nguyện làm người chăm sóc thường xuyên (a full-time caretaker) cho Ramos.
 
 
Những ngày Ramos nằm bệnh viện, Medina  viết ca khúc WHAT HAS BECOME OF ME tặng cho Ramos, trong đó có những ý tưởng đầy xúc cảm: 'Tôi đang dành cho em tất cả những gì tôi cần phải dành cho em… Trong giờ phút đen tối nhất của cuộc đời em, tôi sẽ là ánh sáng cho em ( I’m giving you all I’ve got to give… In your darkest hour, I’ll be your light)".
 
Trường hợp của Cúc Hoa không bi đát như Ramos, nhưng câu chuyện của Medina và Ramos nhắc tôi phải làm một cái gì đó nhiều hơn cho Cúc Hoa.
 
DVD GỬI EM, ĐÀ LẠT mà Nguyễn Trọng Khôi và Nguyễn Ngọc Phong thực hiện là món quà  vô giá dành cho Cúc Hoa vì  Cúc Hoa vốn rất coi trọng các giá trị tinh thần.  Liên tiếp trong nhiều ngày, Cúc Hoa xem đi xem lại DVD GỬI EM, ĐÀ LẠT. Món quà của những người bạn quí làm Cúc Hoa thay đổi rất nhiều:  lên tinh thần và bớt bi quan.
 
Tôi liên lạc với chỗ làm, xin nghỉ vacation một tháng để ở nhà với Cúc Hoa. Theo hướng dẫn của các nhân viên therapists , tôi giúp Cúc Hoa tập therapy. Đưa chân lên, thả chân xuống, Trèo lên giường, xuống khỏi giường. Nhảy cò cò một chân. Tập đi bằng cái walker. Lê lết, mệt nhoài, đớn đau, toát mồ hôi, và cả nước mắt. Bị tật ở chân hay không còn tùy ở sự luyện tập của bệnh nhân. Một đời đã vượt qua bao khó khăn, lần này không thể  bỏ cuộc.  Lại  còn  giấc mơ Đà Lạt nữa. Về  Đà  Lạt  sẽ đi bộ nhiều, đi để tìm lại những kỷ niệm một thời, không đi được thì làm sao thực hiện giấc mơ Đà Lạt? Nhìn những đau đớn của Cúc Hoa khi luyện tập, tôi thấy quá tội nghiệp. Dù hết sức cố gắng  trong hơn bốn tháng, Cúc Hoa vẫn chưa tự đi được mà vẫn phải nhờ vào cái walker. Tôi không ngờ việc khôi phục những bước đi của Cúc Hoa lại khó khăn đến như vậy. Thôi thì tự an ủi, bác sĩ  nói phải mất sáu tháng mà.
 
Cho đến một ngày đầu tháng tám, cả nhà chuẩn bị để hai hôm nữa Thuần từ New Orleans sang chơi thì phép lạ đã xảy ra. Buổi sáng thức giấc, Cúc Hoa xuống khỏi giường, thử đứng lên và bước đi thì bỗng dưng đi được. Một bước, rồi hai bước, rồi những bước tiếp theo, rất chậm, nhưng không cần đến cái walker. Thử đi lên cầu thang thì cũng đi được. Quả là một ngày đáng nhớ.  Cúc Hoa  đã tìm lại những bước đi của mình.Không biết đã đến lúc đi được, hay vì niềm vui gặp lại người bạn thân sau hơn ba mươi năm xa cách đã làm cho Cúc Hoa tăng thêm sức mạnh. Có thể là cả hai.
 
Cô út Quỳnh Anh và tôi được giao nhiệm vụ ra phi trường Dulles  đón Thuần. Máy bay đến đúng giờ. Tôi dễ dàng nhận ra Thuần trong đám đông hành khách vì Thuần không thay đổi bao nhiêu Vẫn đẹp và có phần trẻ hơn so với tuổi tác.
 
Thuần đi nhanh đến chỗ tôi:

-  Anh Hoàng phải không?
-  Trông Thuần không khác hồi xưa bao nhiêu.
-  Hơn ba mươi năm rồi còn gì. Cúc Hoa đỡ chưa?
-  Đỡ nhiều rồi. Gặp Thuần chắc sẽ đỡ hơn.
 
Gặp lại Thuần là điều Cúc Hoa mơ ước trong nhiều năm . Những ngày Thuần ở lại là những ngày vui bất tận. Thôi thì nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.  Các con tôi, vốn rất quí trọng bạn bè của bố mẹ,  sắp xếp công việc để vui với Thuần, làm các món ăn  Việt Nam  đãi Thuần, đưa Thuần đi thăm những nơi cần viếng thăm như Thủ Đô Washington, DC và Khu Thương Mại Eden của người Việt Nam ở Virginia.
 
Sự có mặt của Thuần làm Cúc Hoa mạnh mẽ hẳn lên, bước chân nhanh hơn, và tác động khá mạnh đến tinh thần của Cúc Hoa. Sau ngày chia tay với Thuần, Cúc Hoa siêng năng luyện tập , bước đi tiến bộ thấy rõ.
 
3.
Tai nạn xảy ra vào cuối mùa đông. Bây giờ là đầu thu. Những hàng cây hai bên đường bắt đầu ngã sang màu vàng. Nhiệt độ dịu dần. Cúc Hoa đã có thể đi lại gần như bình thường.
 
-  Anh ơi. Tối nay anh đi bộ với em nghe.
-  Em muốn đi bộ ngoài trời?
-  Ừ, đi bộ ngoài trời. Mùa thu rồi mà.
 
Mùa thu rồi mà. Mùa thu năm ấy bên thềm lá bay. Bàn tay nắm chặt bàn tay. Dìu nhau qua những tháng ngày gian nan. Chúng tôi chầm chậm đi bên nhau dọc theo những con đường quanh khu nhà chúng tôi đang ở. Đây là lần đầu tiên kể từ cái ngày định mệnh ấy Cúc Hoa có thể đi bộ ngoài trời trên một đoạn đường khá xa. Nhà chúng tôi ở đường Ngựa Ô và đêm nay Cúc Hoa đã có thể đi bộ đến tận hồ Thạch Thảo.
 
-  Em như vừa sống lại. Bao giờ mình đi Đà Lạt hả anh?
-  Ba tháng nữa thì mình sẽ đi.
-  Anh biết em mơ gì không?
-  Mơ gì?
-  Khi vừa đến Đà Lạt, mình kiếm một chiếc xe chạy về đường Hai Bà Trưng để em nhìn căn nhà nơi em sinh ra và lớn lên.
-  Sau đó?
 
- Sau đó  đến đường Bùi Thị Xuân, ngang qua chỗ của quán Lục Huyền Cầm ngày xưa, nơi đã đưa anh đến với cuộc đời em.
-  Tiếp theo?
-  Vào cà phê Tùng, anh uống một ly cà phê đen, em uống một ly đá chanh.
-  Xong rồi đi đâu?
-  Xuống chỗ Cầu Ông Đạo, ghé Thủy Tạ uống thêm một cái gì đó. Có thể anh uống một ly rượu mạnh, còn em sẽ uống một ly cà phê sữa.
-  Rồi thì đi đâu nữa?
-  Rồi thì đi đâu cũng được, miễn là Đà Lạt.
 
Trời đông bắc đêm nay đẹp lạ lùng, và bên tôi Cúc Hoa đang mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt.
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Phạm Cao Hoàng