PHẠM NGỌC SAN 
 

Tết Cùng Chi Mai
 

Từ khi về sống tại Hà Nội, tết đến tôi đi chợ hoa Hà Đông mua chậu chi mai đã vào thế về chơi tết. Nhưng tiếc thay đều gặp chậu mai làm hàng, về chăm đều chết. Ôi, buồn cho hàng hóa thời thị trường! Tôi đã quyết chọn một cây mai mọc tự nhiên, bầu to,tuy gốc cụt nhưng già, có 2 nhánh về chăm sóc. Thế là tôi đã được 6 tết có chi mai. 
Tôi vốn yêu và thích Chi Mai. Không phải vì những bài thơ nổi tiếng viết về Mai của Đường thi hay của các vĩ nhân như “Nhất chi mai” của Mãn Giác Thiền Sư, hay của Chu thần Cao Bá Quát…Thực ra lúc bé tý ấy có hiểu gì mấy, dù mồm đọc ra rả khi ngồi trên lớp học chữ nho, mà thích hoa mai vì Ông nôi yêu thích hoa Mai.
Đầu hồi phía đông nam nhà thờ nhà tôi có một cửa mạch. Mở cửa mạch ra là thấy ngay một bể non bộ. Hai bên tả hữu non bộ có 3 cây: Cây Thanh mai bên phải. Cây mai hoa trắng, ra quả, quả giống quả mơ nhưng thon và dài hơn quả mơ. Quả mai chín chua hơn quả mơ. Cây Lan tiêu và cây Mộc bên trái. Cây Lan tiêu thân gỗ, lá giống lá trà, ra hoa vào cuối xuân đầu hạ và cuối thu, hoa giống hệt hoa sen nhưng nhỏ bằng hạt đỗ lạc to (hạt đậu phộng), có mùi thơm như dầu chuối. Còn mai và mộc đều ra hoa về cuối đông và đầu xuân, vào dịp tết nguyên đán. Ở sau non bộ là 2 chậu Chi mai, 1 châu nhỏ là mai thế, một chậu to là lão Chi mai với 3 nhánh cao thấp khác nhau, cành nhỏ của các nhánh Ông tôi cho phát triển tự nhiên. Còn mai thế đặt trên đôn cao vì 1 nhánh lả xuống(thác đổ), 1 nhánh nằm ngang (thế huyền), một nhánh thẳng đứng có 3 tán nhỏ bên trên. Cả 3 nhánh tạo thành một hình cánh quạt trông thật kì thú. Các học trò lớn được Ông tôi hướng dẫn cách bón phân, hạ thổ, cắt tỉa, tuốt lá, hãm hoa khi trái thời tiết.Đúng là “Nghề chơi cũng lắm công phu”
Vì vừa là cháu nội, vừa là học trò, vừa là chân điếu đóm duy nhất của Ông nội tôi nên ông yêu chiều và giảng giải mọi chuyện trong đó có chuyện về cây Mai. Ông bảo: Sỹ phu Bắc Hà thích Bạch mai hơn Hoàng mai. Mà ngoài bắc ko có hoàng mai.
Cứ đến 25 tết hàng năm ông cho dặt chậu lão chi mai 3 nhánh trên đôn sứ hình tang trống ở sân, trước tam cấp nhà thờ tạo 2 lối lên nhà thờ rất trang nghiêm và ngoạn mục. Còn chậu chi mai thế được đặt trên đôn gỗ trước bàn tiếp khách
Nói đến mùa Xuân là người ta nói đến hoa mai hoa đào. Nhưng Mai là hoa nở đầu tiên trong mùa xuân. "Bạch mai" cũng có loại năm cánh hay tám cánh rất hiếm quý và có hương thơm thanh dịu, tinh khiết. Hoa chi mai có nhiều lớp. Khi ra nụ có màu hồng, khi nở có màu trắng, khi tàn lại xuất hiện màu hồng. Người ta còn gọi mai trắng là "Tuyết Mai", vì hoa trắng như tuyết. Hoa mai mỏng mảnh, nở ngay trên cành gầy guộc mảnh mai nẩy từ thân cây cằn cỗi tạo một nét tương phản độc đáo đẹp thanh nhã và vô cùng duyên dáng.
Mặc dù Ông nội có giảng giải nhiều lần, lớn lên tìm hiểu qua sách vở tôi mới hiểu vì sao Các nhà Nho và các Thiền sư Trung Hoa cũng như Việt Nam luôn lấy hoa mai là một tấm gương, làm biểu tượng của vẻ đẹp vẹn toàn. Còn gọi Mai là “Đông quân”, “Bách hoa khôi”, “Ngự sử mai” , rồi “Tam hữu” …

**“Đông quân” - Ngoài hương sắc và duyên dáng, Mai Chịu đựng thời tiết khắc nghiệt lạnh lẽo mùa Đông, hoa vẫn kết nụ ra hoa đầu tiên chào đón Xuân. nên được coi là một biểu tượng của hai đức tính "Nhẫn" và "Dũng". Vì khí tiết nhẫn nại và kiêu dũng đó người đời phong cho hoa mai là "Đông Quân" là vua của tất cả các loài hoa.

**“Bách hoa khôi”- Vì so với các loài hoa khác, ngay từ trong giá rét của tiết lập xuân mai đã nở, anh hoa đã phát tiết. Vì vậy cổ nhân đã phong tặng Mai danh hiệu “Bách hoa khôi” chỉ người đỗ đầu khoa thi.

**“Ngự sử Mai” Một thiền sư có pháp hiệu Huyền Quang (1254-1334), là vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm Yên Tử, từng tôn mai lên ngôi vị “ngự sử đài” – chức quan giữ trọng trách giám sát và can gián vua chúa:
"Ngự sử mai hai hàng chầu chắp
Trượng phu tùng mấy rặng phò quanh"

**“Tam hữu” : Ngự sử mai, trượng phu Tùng và quân tử Trúc hợp thành “tam ích hữu” (3 người bạn có ích). Sách “Luận ngữ” có ghi, “Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn” (Bạn có ích gồm 3 hạng : ngay thẳng, rộng lượng và hiểu biết nhiều). Đây là đề tài luôn được sử dụng trong thơ ca cổ điền của nền thi ca Á Đông nói chung, và của nước ta nói riêng.
Mai với "tùng" và "trúc" thành một bộ ba "Tam Hữu". “Ngự sử mai" tượng trưng cho sự hiểu biết và nét đẹp vẹn toàn. Tùng tượng trưng cho trượng phu, cứng cõi. Trúc tượng trưng cho sự ngay thẳng, rộng lượng. Xưa chẳng riêng những người ảnh hưởng Nho giáo mới quý "tam hữu".

**Tứ quý- Ngoài “tam hữu”, Mai còn cùng với với lan, cúc, trúc tạo nên bộ “tứ quý” tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Bốn thứ quý giá thiên nhiên trời đất tặng cho con người.

** Các thi nhân kết Mai với ngọc, với tuyết, nguyệt để nhân cách hóa cốt cách, tinh thần…của văn nhân, giai nhân, tài tử: 
Xuân thêm cốt cách, hương càng bội
Tuyết giúp tinh thần, ngọc hãy còn
.
( “Lão mai” trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”) 
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười

(Kiều của Nguyễn Du)
Cũng như tùng, trúc, mai giống ở khí tiết. Nhưng mai còn hương sắc mà Tùng, Trúc không có được. Vẻ đẹp của sắc dễ nhận, ai cũng cảm thụ được. Thậm chí chỉ nhìn bóng mai chiếu xuống dòng nước đã cảm được vẻ đẹp của mai như câu tuyệt tác của Trần Quang Khải:
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên
(Hoa mai như tuyết chiếu xuống lòng sông buổi trời nắng)
Hay bài thất ngôn pha lục ngôn viết về Mai của Nguyễn Trãi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thơ quốc âm:
Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi
Ưa mi vì tiết sạch hơn người
Gác đông ắt đã từng làm khách
Há những Bô tiên kết bạn chơi?

Tiên Bô kết đã bấy thu chầy
Ngâm ngợi nhường bằng mếch trọng thay
Lại có một cành ngoài ấy lẻ
Bóng thưa ánh nước động người vay!

Bóng thưa ánh nước động người vay
Lịm đưa hương, một nguyệt hay
Huống lại bảng xuân sơ chiếm được
So tam hữu chẳng bằng mày!

Còn hương của Mai thì rất đặc biệt, nếu thiếu sự tinh tế thì khó nhận ra hương vị thanh kiết của hoa mai. Chỉ tri âm, tri kỷ mới đủ khả năng thương thức, vì nó thanh tịnh như sớm mùa thu, dịu dàng huyền ảo như bóng nguyệt, kín đáo nhẹ êm như những câu thơ tình của các bậc thi nhân.

Thật hạnh phúc, 6 tết qua Chi Mai của tôi đã cho tôi những khoảng lặng bình yên trong tâm hồn. Tôi ngồi im lặng trước mai hàng canh giờ, đôi lúc đọc thầm câu của Chu Thần Cao Bá Quát: “Thập tải luân giao cầu cô kiếm / Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”
Lòng muốn học người xưa bái Mai mà không giám. Đành ngồi thiền trong hương Mai.

 

  Trở lại chuyên mục của : Phạm Ngọc San