PHAN ANH
 
   Cổng Làng,
Một mảnh Hồn Quê Gây Thương Nhớ

 
Cổng làng, xưa kia có chức năng đảm bảo an ninh cho cộng đồng thì bây giờ chủ yếu nghiêng về khía cạnh bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử của một thời đã qua. Giờ đây nó được ví von là một mảnh hồn quê gây thương nhớ. Cái mảnh hồn quê gây thương nhớ ấy một thời từng là “biên giới” của bên trong và bên ngoài như lời bài thơ của Phạm Lưu Vũ, từng được nhạc sỹ Trọng Đài phổ nhạc trong bộ phim “Gia phả của đất”: “bên trong là thanh bình/ bên ngoài là thiên hạ”, “bên trong là ký ức/ bên ngoài là tha phương”, “bên ngoài là ra đi/ bên trong là ở lại”… Và, bao đời nay, ở nông thôn Việt Nam, nhất là đồng bằng Bắc Bộ, hình ảnh cổng làng cùng với cây đa, giếng nước, mái đình đã làm thành bộ tứ để hình thành nên hồn cốt của mỗi làng quê. Có thể nói không ngoa, cái cổng làng của mỗi làng quê ấy; dù sang trọng, tôn nghiêm hay giản dị, mộc mạc thì từ trong thực tế cuộc sống vật chất hay tinh thần cũng đã gắn bó, tri kỷ với mỗi thành viên của cộng đồng làng kể từ tuổi ấu thơ cho đến khi phải trở về với cát bụi. Còn với những ai phải tha hương, cái “cổng làng neo ở giữa/ trong, ngoài thế gian” ấy không chỉ hiện lên như một biểu tượng đẹp đẽ đầy tự hào của người xa xứ mỗi khi nhớ về cái nơi chôn nhau cắt rốn mà còn là một bóng hình của cố hương gắn với biết bao nỗi niềm, kỷ niệm chẳng thể nào phôi phai. Cái mảnh hồn quê thương nhớ ấy cứ mãi náu nương, neo đậu trong tâm hồn những kẻ ly hương tựa như “nỗi nhớ chìm trong thớ đá/ ghim vào muôn kiếp cỏ cây”, đằm sâu trong ký ức của biết bao người.                                                           
Với người Việt, văn hóa làng là đặc điểm nổi bật. Mỗi làng Việt là một đơn vị tụ cư của những người dân chủ yếu trong cùng địa vực nhất định. Bởi thế cái làng ấy giống như một ngôi nhà chung của một cộng đồng dân cư cùng chung sống với nhau trên cùng một không gian địa lý. Và lẽ dĩ nhiên kiến trúc của ngôi nhà ấy phải có cổng. Chẳng thế, từ xa xưa, dân gian thường nhắc bảo nhau rằng: “nhà có nóc, làng có cổng”. Bao đời nay, thường thường làng nào chẳng có cổng. Làng có điều kiện thì làm nhiều cổng, thường là hai cái, gồm cổng tiền (trước làng) và cổng hậu (sau làng). Cổng trước làng thường hay trổ về hướng Nam, Đông Nam, Đông. Đó là những hướng đón những ngọn gió mát lành, hướng của mặt trời lên. Và lẽ dĩ nhiên, trong cái niềm tin tâm linh ấy của người xưa những hướng đó sẽ đem đến phúc lộc, bình an cho tất cả dân làng. Còn cổng hậu thường được trổ về phía Tây, hướng mặt trời lặn, tượng trưng cho sự khép lại của mọi vật. Bởi thế cổng hậu thường hay được sử dụng làm nơi đưa tiễn những người trong làng đã khuất ra ngoài nghĩa địa. Người xưa quan niệm những điều không may không được đưa ra phía trước làng. Cổng trước làng dùng để cho người trong làng ra ngoài làng đi làm ăn; dùng làm nơi tiễn trai làng ra trận để bảo vệ xứ sở quê hương hoặc dùng để đón những người con ưu tú của làng trở về, kiểu như “vinh quy bái tổ”… Thế đấy, cổng làng hình thành, phát triển cùng với quá trình dựng làng, một thời gắn liền với những niềm tin và khát vọng của cả cộng đồng trong một vai trò công năng chủ yếu là phục vụ việc phòng chống: thủy, hỏa, đạo, tặc. Cũng chính vì thế cổng làng của người Việt rất phong phú về kiểu cách, hình dáng, chất liệu. Tùy từng điều kiện về kinh tế, tự nhiên, thẩm mỹ của mỗi làng mà có những cái cổng làng khác nhau. Về hình dáng kiểu cách, cổng làng có thể làm một tầng với cái gian nhà chỉ có duy nhất một lối vào, ra. Nhưng cũng có cái cổng làng làm rất cầu kỳ theo kiểu hai tầng, tám mái như thể “thượng gia hạ môn” hoặc kiểu “vọng lâu” với nhiều cửa ra vào (có từ ba cửa trở lên) cùng các cột trụ trang trí tứ linh rất đẹp … Về chất liệu, cổng làng có cái làm bằng đá, có cái làm bằng gạch nung, có cái làm bằng gạch đá ong … Tất cả, theo năm tháng cùng với những nắng mưa, cùng với những thăng trầm của lịch sử, cổng làng có cái còn khá nguyên vẹn, thâm trầm cùng những rêu phong. Nhưng cũng có làng không còn giữ được cái cổng cổ xưa của cha ông tạo dựng. Và cũng có cổng làng song tồn cùng sự xâm thực của thế giới thảo mộc tạo thành những “kỳ quan” khiến người qua không khỏi mê mẩn. Nhưng dù có khác nhau thế nào đi nữa thì mỗi cái cổng làng còn lại đến ngày nay đều rất gần gũi, thân yêu, dễ mến và gây thương nhớ với tất cả mọi người.



 
Tuổi thơ tôi và của tất cả những ai sinh ra, lớn lên từ làng quê, hẳn đều mang trong mình biết bao kỷ niệm với những sân đình, giếng nước, gốc đa, mái chùa. Và tất nhiên có cả hình ảnh cái cổng làng của cả đôi quê nội, ngoại. Sau này lớn lên được đi nhiều nơi, đến nhiều làng, tôi càng thích thú và mê mẩn với những cổng làng của những vùng quê khác, nhất là vùng đất cổ xứ Đoài. Với tôi mỗi cái cổng làng như một câu chuyện kể sống động làm hiện lên trong trí tưởng tượng những cảm xúc đầy lý thú. Có cổng làng giản dị, mộc mạc tựa như cổng làng Mông Phụ (Sơn Tây). Nó không bề thế, cao to, uy nghi, tôn nghiêm giống như kiến trúc đình, miếu với rồng chầu, nghê trực mà chỉ đơn giản với gian nhà xây bằng tường gạch đá ong, tọa dưới tán đa cổ thụ rợp bóng, xanh mát quanh năm như để làm chỗ ngồi hóng mát cho người già, con trẻ trong mỗi buổi chiều hôm. Tuy vậy cổng ấy cũng có tuổi đời quãng chừng ngót năm trăm năm; ngày ngày âm thầm thực hiện cái việc: “Cổng làng mở rộng. Ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai” hay “Cổng làng vài chị gái non/ Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm” (Bàng Bá Lân). Cổng làng và cây đa ấy đã từng như che chở, âu yếm cho biết bao sinh linh của làng nhưng đồng thời cũng là một chứng nhân của biết bao kiếp người với những buồn vui, vất vả. Có cái cổng làng bề thế, uy nghiêm, đẹp đẽ, cầu kỳ như thể cổng làng Ước Lễ (Thanh Oai). Cổng làng Ước Lễ có cấu trúc và trang trí theo kiểu cách của kinh thành Huế với cầu cong, tường cao, hào sâu và mái cổng làm rất cầu kỳ với hai tầng, mỗi tầng có bốn mái tựa như kiểu mái đình, mái chùa; nóc mái trên cùng có đắp lưỡng long chầu nguyệt, tám góc mái có các đầu đao cong vút tỏa ra bốn bề không gian rất duyên dáng cùng những hình ảnh của rồng, cá chép, dơi bay được đắp nổi trên bề mặt cổng như thể ký thác, gửi gắm bao khát vọng, ước mơ ngàn đời của dân làng về học hành, bình an, phồn thịnh. Và cũng có những cái cổng làng rất đẹp mang dấu ấn của sự giao lưu văn hóa của các tộc người Chăm, Việt cách đây khoảng bảy trăm năm nhưng đã “hết duyên”. Nay cứ âm thầm, lặng lẽ thi gan cùng tuế nguyệt, mặc cho cỏ cây xâm thực trên thân xác phôi pha như thể cổng làng Phương Viên (Hoài Đức) nằm bên bờ đê tả Đáy. Toàn cổng là một khối đặc, xây bằng gạch, theo kiểu hình tháp giật cấp nhìn rất bề thế, vững chắc, khỏe khoắn. Cổng có ba cửa tò vò, trên có nhiều mái hình ống, uốn cong nhìn rất uyển chuyển. Cổng làng ấy vẫn còn đó nhưng “qua đường không ai hay” (Vũ Đình Liên) lâu dần trở thành phế tích chơ vơ bên bờ đê. Duyên phận hẩm hưu của cái cổng làng ấy cũng giống như số phận ăm ắp nỗi buồn của những người thợ Chăm phải ly hương theo nhà Trần khi bị bắt làm tù binh đưa về đất Bắc. Phải chăng cái bóng dáng lẻ loi, lặng lẽ, âm thầm có phần như nhẫn nại của tòa cổng ấy cũng đang phong kín biết bao tâm sự của người thợ xưa đã từng ký thác, gửi gắm những nỗi niềm nhung nhớ cố hương vào từng tầng tháp cổ nơi đất khách quê người trong nghìn trùng xa cách, giữa mênh mông biển sầu. Có cổng làng cùng cây cổ thụ nâng đỡ, nương tựa bên nhau để cùng tồn tại và vô tình để lại cho đờ những kiệt tác tựa “kỳ quan” như thể cổng làng Yên Cốc (Chương Mỹ). Ngay cả những người cao tuổi trong làng ở đây cũng chẳng biết cây đa và cái cổng có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng khi sinh ra thì đã thấy cây đa ôm lấy cổng làng rồi. Rễ đa buông xuống ôm chặt lấy cổng làng, giữ cho cổng làng không bị gục đổ bởi mưa nắng của thời gian. Trái lại cổng làng như đang gồng mình nâng đỡ thân đa cho khỏi bị mưa giật bão rung, trường tồn qua năm tháng. Người ta bảo thần linh ở cây đa đã che chở cho dân làng yên thân vượt qua thời chiến tranh với bao bom rơi đạn lạc. Giờ đây cái cổng ấy không chỉ là linh hồn của dân làng mà còn là một “kỳ quan” trong mắt khách thập phương.  
Mỗi cái cổng làng của người xưa còn lại đến ngày nay không chỉ là niềm tự hào hãnh diện, lưu dấu tài hoa của cha ông một thủa mà còn là hồn thiêng của mỗi làng quê. Nó đã gắn bó với biết bao kiếp người qua các thế hệ. Cái cổng làng ấy đã có một thời làm nơi đầu làng chờ cha, cuối làng đón mẹ của bao tuổi thơ. Và giờ đây, bên lũy tre xanh hay dưới gốc đa già, cái cổng làng trầm mặc, rêu phong, thân thương ấy hàng ngày vẫn đang dõi theo vòng quay: sinh - trưởng - tụ - về của biết bao con người như những ngày xưa. Trong mê mải của những nghĩ suy về cổng làng, ngắm nhìn hình hài của những chiếc cổng trường tồn qua năm tháng với bao khắc nghiệt của nắng mưa gió bão, của dâu bể trần ai sao ta thấy nó hiện lên sao mà vẫn gần gũi và thân thương quá đỗi. Cổng làng cứ thế nhẫn nại, bám trụ theo thời gian. Đôi khi cứ tưởng chừng nó rất vô tri, vô giác nhưng dường như nó đang âm thầm mang trên mình cái sứ mệnh đại sứ của thời gian; kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai bằng những âm vang của ngôn ngữ kiến trúc, ngôn ngữ tạo hình và bằng cả những nét rêu phong, nham nhở, lở lói trên thân thể có vẻ như đã già nua ... Có lẽ thế nên có cũng không ít cổng làng vẫn bình yên, vững vàng, trước bao biến cố thăng trầm cùng những bão táp phong ba trong suốt dặm dài của lịch sử dựng nước và giữ nước.

Cái cổng làng một thủa yêu thương của biết bao người ấy là cả một bầu trời kỷ niệm với không ít người xa xứ. Đã có biết bao người mưu sinh khắp bốn bể chân trời nhưng mỗi khi có dịp về làng, bước thấp bước cao, khấp kha khấp khểnh chỉ muốn nhanh chóng được trông thấy cái cổng làng. Và rồi đến khi đối diện với nó trong lòng không khỏi dưng dưng, trào dâng những xúc cảm, hoài niệm của một thời niên thiếu với biết bao trò ngịch ngợm ở quanh cái cổng làng ngày xưa. Còn nữa, với những người chưa có điều kiện trở lại với quê hương thì cổng làng trong họ là cả bầu trời thương nhớ; cả một miền ký ức trong những câu chuyện kể với những người thân mỗi khi lòng sắt se nhớ về quê cũ. Và có lẽ mỗi lần như vậy cố hương trong họ lại hiện về trong những nỗi nhớ tha hương cứ đau đáu, day dứt, khắc khoải, da diết đến lạ … Những câu chuyện như thế với người thân đã nghe rồi, nghe mãi như thể “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng với họ thì vẫn tinh khôi như mới nói lần đầu. Họ cứ say sưa kể, ngất ngây như không hề thấy cũ, không hề tẻ nhạt, buồn chán.


 
Sức sống và tình yêu với cổng làng tưởng như vô hình thế ấy nhưng thực ra rất mãnh liệt và bền chặt. Nó tựa như sợi dây quấn chặt người quê với cái nơi sinh ra và lớn lên trong suốt hành trình đi trên mặt đất. Chẳng biết có phải vì vậy mà cổng làng từ lâu đã trở thành một hình tượng thẩm mỹ của rất nhiều loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, điện ảnh và đặc biệt là hội họa. Cổng làng trong những tác phẩm nghệ thuật ấy, nếu để ý kỹ, ta cũng sẽ thấy mỗi khi xuất hiện hiếm khi phải đứng một mình. Cổng làng nếu không song hành với bóng đa, cây cầu, người dắt trâu về thì cũng là lũy tre, cây gạo, dòng mương … Tất cả những hình ảnh thân quen của chốn dân dã ấy dễ đập vào mắt ta như chạm vào cái huyệt đạo thần kinh nhạy cảm nhất, tái hiện trong lòng người xem một cách khá sinh động cái không gian văn hóa của làng cùng nhịp sống chậm chạp hay hối hả của những miền quê trong một lát cắt diệu kỳ, làm vơi đi chút nỗi nhớ nhà đối với kẻ tha phương; làm sống lại những kỷ niệm của một thời đã xa với không phải chỉ riêng của một người. Chẳng biết có phải vậy mà có không ít người xa quê, không có điều kiện trở lại quê nhà đã phải gọi điện cho người thân nhờ chụp ảnh và gửi cho mình cái cổng làng của một thời thương nhớ. Hoặc có kẻ may mắn được trở lại quê hương thì không khỏi lưu lại dáng hình của mình bên chiếc cổng làng và cất giữ tấm ảnh như một báu vật của đời.
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh