PHAN ANH


 Du Xuân ĐƯỜNG LÂM
                                      
 
          Đường Lâm - Kẻ Mía là vùng đất linh thiêng của xứ Đoài, quê hương của hai vua - hai vị anh hùng dân tộc (Phùng Hưng, Ngô Quyền) và không ít danh nhân kẻ sĩ (bà Man Thiện - mẹ Hai Bà Trưng; Thám hoa Giang Văn Minh; bà chúa Mía - vương phi của chúa Trịnh Tráng, người có công  xây dựng chùa Mía; Phó bảng Kiều Oánh Mậu; Phan Kế ToạiHà Kế TấnPhan Kế An …) từng lẫy lừng thiên hạ để lại muôn vàn tiếng thơm cho muôn đời nước Việt. Đất ấy nằm dưới chân núi Tổ thuộc địa bàn hành chính thị xã Sơn Tây của Thủ đô Hà Nội. Trong khoảng hơn một ngàn năm nay cái ấp hai vua ấy vang danh là vùng đất địa linh nhân kiệt. Bây giờ, vùng đất đá ong này còn được nhiều người tìm đến không chỉ để chiêm bái những anh hùng một thủa mà còn để khám phá, chiêm ngưỡng một ngôi làng cổ hiếm hoi có ý nghĩa như một bảo tàng sống động còn lưu giữ được hồn Việt với những lối sống nông nghiệp một thời xưa cũ của những cư dân lúa nước châu thổ sông Hồng còn xót lại trên vùng đất đá ong cổ kính tiêu biểu xứ Đoài.


Nhà thờ Thám Hoa

 
Theo các nhà phong thủy, Đường Lâm có vị thế đắc địa, nằm trên thế “tọa sơn vọng thủy” - tựa lưng vào non Tản, núi Tổ của trời Nam và nhìn ra sông Hồng, con sông Cái hay còn gọi là sông Mẹ của Bắc Việt. Chẳng những vậy làng này còn nằm trong vùng “tứ giác nước”, được bao bọc bởi bốn dòng sông: sông Đà, sông Tích, sông Đáy, sông Hồng. Vùng đất này cũng từng được Cao Biền rất chú ý. Ông ta đã ghi trong sách “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự” rằng: Sơn Tây có 36 huyệt chính và 85 huyệt bàng, riêng đất Đường Lâm có huyệt đế vương. Có lẽ bởi cái địa thế linh thiêng ấy mà ấp Đường Lâm là nơi duy nhất trên đất Việt sinh hai vua, ngoài ra anh kiệt và nhân tài thì thời nào cũng xuất hiện. Người ta cũng bảo cái lão phù thủy Cao Biền phương Bắc kia cũng đã từng phát hiện ra khí thiêng sông núi dồn tụ về nơi đây, tìm được huyệt đất đế vương và ra sức chặn phá, trấn yểm các long mạch nhưng vương khí vượng và linh thần nơi đây rất mạnh nên một trăm cái giếng đào đều bị sập đổ cùng những ý đồ đen tối của y đã bất thành. Kết cục Cao Biền đã bị giết chết năm 887. Thế mới hay là “mưu sự tại nhân và thành sự tại thiên”.


Đền thờ Bố Cái Đại Vương

Nằm dưới chân núi Ba Vì ngàn năm mây trắng vờn xung quanh, đất Đường Lâm đã được phù sa của các con sông bồi đắp để tạo thành một vùng bán sơn địa với những đồi gò, rộc sâu và ruộng bãi trù phú, phì nhiêu nổi tiếng “một năm hai vụ bốn mùa rộn rã tiếng canh cửi tằm tang”, đặc biệt nức tiếng với những sản vật thôn dã từng được nhắc đến trong ca dao, tục ngữ: “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm”; “Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường”; "Chẳng đi nhớ cháo dốc Ghề/ Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên"; "Nhất trong là nước giếng Hè/ Nhất ngon là bát nước chè Cam Lâm"; "Dưa hấu, dưa gang là làng Mông Phụ"; "Đông Sàng nấu kẹo bán buôn"; "Mông Phụ dệt vải trồng rau/ Cam Thịnh đan rổ, đan gầu, đan nong" … Hơn một ngàn năm đã đi qua những đồi gò, trầm dộc và bao dấu tính của người xưa ở đây vẫn như thể còn được tạo hoá lưu phong cho hậu thế. Vẫn còn đó những cái tên gọi đồi Cấm, Nghẽn Sơn, Vũng Hùm, đồi Hổ Gầm, gò Vọng Cảnh, giếng Sữa  ... để gợi về trong trí tưởng tượng của ta một thời trai trẻ của ba anh em họ Phùng (Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh - hồi nửa cuối thế kỷ thứ VIII) đã từng quật trâu đả hổ bảo vệ xóm làng. Để rồi, từ chính cái nôi đất mẹ Cam Lâm ấy người anh cả Phùng Hưng (được nhân dân tôn vinh là Bố Cái Đại Vương), thông minh và có sức khoẻ hơn người, đã cất quân tiến về hạ thành Tống Bình, tiêu diệt khoảng bốn vạn quân do Cao Chính Bình chỉ huy, để dựng lên nền tự chủ của dân tộc trong đêm trường Bắc thuộc.


Lăng Ngô Quyền


Và cũng từ mảnh đất gò đồi, đá ong khô ấy, khoảng hơn một thế kỷ sau, vị anh hùng dân tộc thứ hai của xứ Đoài đã xuất hiện và chấm dứt một ngàn năm đô hộ của kẻ thù phương Bắc, mở ra một thời kỳ độc lập dài lâu cho dân tộc Việt Nam. “Rặng duối cụ Ngô” bên kia đồi Hổ Gầm sau hơn một ngàn năm vẫn còn đó như những chứng nhân lịch sử về một thời kỳ lịch sử hào hùng và oanh liệt. Bây giờ những chứng nhân ngàn tuổi ấy ngày đêm vẫn sừng sững bên đồi che chở cho đền thờ và lăng mộ Ngô Vương cách đó không xa. Rặng duối già ấy đêm ngày thả hồn vi vu theo gió kể lại cho cháu con hậu thế về những huyền thoại của người anh hùng Cam Lâm đánh đuổi giặc Hán. Cái rặng duối ấy một thời từng là nơi Ngô Vương tập trận, là nơi Ngô Vương buộc ngựa và buộc voi chiến. Cái đàn voi, ngựa ấy đã theo Ngô Vương từ Đường Lâm đến Ái Châu rồi ra Đại La giết chết tên nội phản Kiều Công Tiễn và lại đến cửa sông Bạch Đằng mà nhấn chìm bọn xâm lăng Nam Hán cùng tướng giặc là Hoằng Thao khiến máu thù nhuộm đỏ cả khúc sông, trên những hàng cọc vào cuối mùa đông năm Mậu Tuất (938) để mở ra một trang sử mới hào hùng cho nền tự chủ của dân tộc. Chiến thắng oai hùng ấy cũng đã cho thấy người con ưu tú của đất Đường Lâm là một thiên tài quân sự. Tên tuổi của Ngô Quyền và trận chiến Bạch Đằng đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca, chấm dứt đêm trường (một ngàn năm) Bắc thuộc, khiến Lưu Cung phải nuốt hận mất con. Danh thơm của người Đường Lâm còn tỏa mãi thiên thu, đến nỗi hơn sáu trăm năm sau con cháu người Đường Lâm là Sứ thần, Thám hoa Dương Văn Minh khi bị xúc phạm quốc thể đã không ngần ngại ngẩng cao đầu nhắc lại chuyện cũ của tổ tiên để bảo vệ danh dự đất nước khiến thiên triều phương Bắc (vua Minh) phải hậm hực, nuốt nhục, uất ức sai người giết sứ cho hả giận bẽ mặt. Sử cũ còn ghi, khi Giang Văn Minh hội kiến với vua nhà Minh. Vua Minh ra vế đối: ''Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" nghĩa là “Cột đồng trụ đến nay rêu đã phủ xanh”, nhắc tới cột đồng Mã Viện với ngụ ý để răn đe Đại Việt. Giang Văn Minh đã thẳng thắn đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng" nghĩa là “Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn loang đỏ”, ngụ ý cho nhà Minh biết những cuộc xâm lược của phương Bắc luôn thất bại. Vế đối rất chỉnh như cái tát ấy đã khiến vua Minh nổi giận vì những nỗi nhục thua trận của tiền nhân. Ngay lập tức thiên tử nhà Minh đã hèn hạ sai người mổ bụng sứ thần Đại Việt xem gan to mật lớn như thế nào. Tuy nhiên ông ta cũng phải phục tài Thám hoa họ Giang nên đã sai người dùng thuỷ ngân ướp xác và cho ngậm sâm rồi đưa về nước. Khi xác Thám hoa được đưa về Thăng Long, cảm phục chí khí và lòng dũng cảm của Giang Văn Minh, vua Lê Thần Tông, chúa Trịnh Tráng đã bái kiến linh cữu và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” nghĩa là: Sứ thần không làm nhục mệnh vua xứng đáng là anh hùng thiên cổ.


Rặng Duối tương truyền là nơi Ngô Quyền từng buộc voi

Đến Đường Lâm, giữa mênh mông huyền thoại và hiện thực, ta như được trở về với một không gian văn hóa với những nếp sinh hoạt êm ả, thanh bình, trong trẻo, thuần khiết đầy chất quê mùa hàng trăm năm trước của người Việt cổ còn rơi rớt lại giữa bộn bề phố thị với những cổng làng, cây đa, giếng nước, chùa, miếu, đình, đền, điếm canh … mang đậm chất đất đá ong trên hương xứ Đoài. Tất cả những hình ảnh của một thời xưa cũ cùng với cuộc sống của thực tại hôm nay cứ đan cài, xoắn quyện với nhau trên từng bức tường, mái ngói, chum tương, vại cà, bát nước … khiến cho người về Đường Lâm du xuân không khỏi bâng khuâng trong cái trạng thái đầy lâng lâng như thể đang trôi đi giữa đôi bờ hư thực của một miền cổ tích. Bước chân trên đồi Cấm (nơi đặt đền và lăng Ngô Quyền), đi trên những con đường đá ong uốn lượn trên những gò bãi biêng biếc ngô xanh, ngắm nhìn rặng duối đại thụ huyền thoại um tùm xanh lá ta như đi lạc vào cõi mộng thiên thai. Không còn rừng rậm của đại ngàn, không còn lau lách dưới những rộc sâu, không có tiếng gầm gào dữ tợn với những bước chân ghê rợn của hồ tìm về, chỉ còn lại những gò đống cao thấp và những ruộng vườn xanh mướt ngô khoai cùng những huyền tích nghe bao lần không biết chán. Cứ thế, Đường Lâm mê dụ người xem, làm ta quên đi mọi ưu phiền, tất bật; chìm đắm say sưa trong cái không khí thôn dã quê mùa của ông cha hàng trăm năm thủa trước. Tất cả cứ im lặng, đôi khi chỉ có mình nghe thấy tiếng bước chân mình vang trên những con đường nhỏ lát gạch đỏ nghiêng nghiêng bên hai bức tường đá ong vàng sậm gồ ghề cổ kính theo năm tháng hay những cổng ngõ, cổng nhà với bờ mái rêu phong tưởng chừng như phế tích ấy lại ẩn chứa bao điều thú vị như những lớp trầm tích của thời gian.
 Bâng khuâng trên đồi Cấm, trầm lặng trong những từ đường để thắp nén nhang thơm dâng các anh hùng, danh nhân đất Việt; trò chuyện với những ông từ giữ đình, giữ đền ta sẽ có cơ hội để hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của vùng đất đầy quyến rũ này. Cảnh cũ vẫn còn đây, dẫu có phải đi qua bao nhiêu tháng năm thăng trầm của lịch sử với ít nhiều phôi phai thì bây giờ những di tích ấy vẫn còn được giữ lại khá vẹn nguyên giữa những biến động thất thường của cuộc sống phồn hoa thời hiện đại. Người xưa đã khuất chỉ còn lại danh thơm truyền lại cho cháu con tìm về đời đời hương khói trong một không gian bình yên, nhẹ nhàng và tĩnh lặng. Chẳng biết cái vẻ đẹp quyến rũ và trầm lắng, trong lành ấy của Đường Lâm sẽ còn giữ được bao lâu nữa giữa thời cuộc mưu sinh nhọc nhằn của những cơm áo gạo tiền và cháu con ngày càng đông đàn dài rộng? Ao ước sao cái ồn ào, náo nhiệt của phố thị sẽ bỏ qua cái cổng làng thanh bình êm ả của Đường Lâm để cho những bờ tường đá ong kia vẫn được bình yên và tiếp tục lưu cất tinh túy của hồn Việt theo thời gian và làm điểm đến cho những ai còn nặng lòng hoài niệm với hồn xưa người Việt.



Tác giả bên cổng nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh
 
  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh