PHAN ANH
HẠ LONG Du Ký
HẠ LONG Du Ký
Bây giờ có ai đó khen vịnh Hạ Long đẹp, rất đẹp có lẽ không thừa nhưng cũng chẳng có gì mới lạ. Và có ai đó lại bảo lời khen ấy xưa như trái đất rồi thì cũng chẳng lấy gì làm ngoa cho lắm. Bởi một lẽ, nếu vịnh không đẹp thì chẳng có Hội đồng di sản nào dám công nhận đó là một di sản thiên nhiên của thế giới và cũng chẳng có ai là người dỗi hơi để bỏ công bình chọn cho vịnh ấy là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên cũng của thế giới. Vịnh Hạ Long đẹp. Đẹp, điều ấy hiển nhiên rồi.
Vẻ đẹp kỳ tú của non xanh nước biếc trên vịnh Hạ Long chẳng phải bây giờ mới được biết đến, cách đây khoảng tám trăm năm, từ thế kỷ XIII, khi đi kinh lý trên vịnh, đức vua Trần Nhân Tông đã phải sửng sốt thốt lên: “Triêu du phù vân kiệu/ Mộ túc Minh Nguyệt loan/ Hốt nhiên đắc giai thú/ Vạn tương sinh hào đoan” (Sáng chơi trên ngọn núi có đám mây nổi/ Tối về nghỉ ở eo biển trăng sáng/ Bỗng nhiên được hứng thú hay/ Muôn hình tượng nảy sinh ra đầu ngọn bút). Cảm hứng của nhà vua khi ấy đã mở ra một đề tài trong thơ Việt: thơ viết về vịnh Hạ Long. Và lẽ đương nhiên bài thơ tức cảnh sinh tình khi đó của nhà vua đã được coi là bài thơ đầu tiên ngợi ca cảnh thú của Hạ Long. Để rồi đến thế kỷ XV, đại thi hào Nguyễn Trãi khi chu du vùng Đông Bắc, từ cửa khẩu Bạch Đằng ra vùng biển Trà Cổ, khi đi qua vịnh Hạ Long con mắt xanh của thi nhân đã phát hiện và rung động trước biển trời mây núi để rồi phải hạ bút gọi nơi này là một kỳ quan: “Lộ nhập Vân Đồn san phục san/ Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan/ Nhất bàn lam bích trừng minh kính/ Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn” (Đường vào Vân Đồn núi non trùng điệp/ Đất trời cao rộng rõ là cảnh diệu kỳ/ Cả một mặt phẳng màu xanh biếc, nước trong như gương sáng/ Hàng vạn ô màu huyền xanh như mái tóc rũ). Và cũng kể từ đây vịnh Hạ long không chỉ là một cảnh quan tuyệt sắc độc nhất trời Nam mà còn là một tứ thơ không bao giờ vơi cạn cho muôn đời thi nhân, kẻ sĩ mỗi khi có dịp ngang qua chốn này. Chẳng thế mà giờ đây trên vách núi Bài Thơ vẫn còn bút tích lưu truyền của ông vua hay chữ kiêm chủ nhóm “Tao đàn nhị thập bát tú” (Lê Thánh Tông): “Cự tẩm uông dương kiều bách xuyên/ Loạn sơn kỳ bố bích liên thiên” (Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào/ Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời) hay như bài họa đề thơ Lê Thánh Tông của chúa Trịnh Cương trong dịp duyệt thủy quân ở vùng biển Đông Bắc: “Minh bột vô nhai hối tổng xuyên/ Sơn liên trám thủy, thủy man thiên” (Biển lớn mênh mông họp cả trăm con sông lại/ Núi thì lấp loáng bóng nước, nước thì lênh láng lưng trời) … Vẻ đẹp ấy cho đến bây giờ và có lẽ mãi mai sau vẫn vẫn sẽ làm cho biết bao người phải thổn thức: “Hạ Long, Bái Tử Long! Rồng đã khuất rồi chỉ còn đá/ Những đêm trăng đá suy nghĩ như người/ Khi xuân đến đá động lòng thương nhớ/ Khi hè gọi đá xôn xao trong dạ đá” (Chế lan Viên, Cành phong lan bể). Cái vẻ đẹp ấy không chỉ hiện lên trên mặt nước mà còn ẩn cả trong làn nước biếc xanh dịu hiền trong suốt màu tảo lục quyến rũ như thể trời biển lồng trong chiếc gương soi khiến cho muôn vật hiện lên đầy thơ mộng: “Nơi đáy bể những rừng san hô vờ thức/ Những rừng rong xõa lược trăng cài” (Chế lan Viên, Cành phong lan bể).
Chẳng những là một thi tứ, vẻ đẹp của vịnh Hạ Long không biết từ khi nào đã trở thành một hình ảnh ẩn dụ để chỉ cái đẹp hùng vĩ của tự nhiên non xanh nước biếc. Và, cái vẻ đẹp của núi non biển biếc trên vịnh ấy đã mặc nhiên được người ta chọn làm chuẩn mực để so sánh, ví von cho những nơi có cảnh sắc sơn thủy hữu tình ở trên khắp mọi miền của tổ quốc với một tình cảm trân trọng, yêu quý, thiết tha nhưng cũng không kém phần thích thú, tự hào, phấn khích. Nào là “vịnh Hạ Long trên núi” để chỉ những cảnh quan sông núi quấn quýt bên nhau tựa như bức tranh thủy mặc ở hồ Na Hang (Tuyên Quang), ở hồ Thác Bà (Yên Bái), ở hồ Tà Đùng (Đăk Nông), ở hồ Thung Nai (Hòa Bình), ở hồ Ba Bể (Bắc Cạn) … Hay là “vịnh Hạ Long trên cạn” để chỉ một vùng non nước hữu tình hòa quện với nhau ở đầm Vân Hội và Ao Châu (Phú Thọ), ở đảo chè Thanh Chương (Nghệ An), ở danh thắng Tràng An (Ninh Bình), ở Bửu Long (Đồng Nai) ... Thế đấy vẻ đẹp của Hạ Long cứ nhẹ nhàng lãng du trong lòng người để xê dịch đi muôn nơi đến với những xứ sở của miền cái đẹp.
Phải nói rằng, trong một diện tích một ngàn năm trăm năm mươi ba cây số vuông với một ngàn chín trăm sau mươi chín hòn đảo lớn nhỏ, trải qua một lịch trình kiến tạo địa chất khoảng năm trăm triệu năm, trong điều kiện nóng ẩm của khí hậu miền nhiệt đới, vịnh Hạ Long là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng và hoàn hảo của tạo hóa để lại cho nhân loại. Ở đó ta thấy sự kết hợp hài hòa của nghệ thuật hội họa, điêu khắc và cả sắp đặt nữa. Trong cái thế giới tự nhiên của đá và nước, chỗ thì với những đường nét khỏe khoắn, dứt khoát của những dải núi xen kẽ, nối đuôi nhau thành từng hàng kéo dài từ vài cây số tới hơn chục cây số tựa như bức trường thành vững trãi trên biển Đông ngăn khơi với lộng, che chắn bão giông và cũng có chỗ núi, đảo lại tách rời nhau ra, đứt nối, gãy khúc tạo thành những nét chấm phá duyên dáng, uyển chuyển, rất thơ mộng. Cái thế giới núi và đảo trên vịnh ấy cũng rất sống động với muôn hình dáng vẻ. Có núi thì tựa hình con gà chọi (hòn Gà Chọi), núi thì như ông già ngồi câu (hòn Lã Vọng), núi thì như sư ông đang chắp tay niệm phật (hòn ông Sư), núi thì như đôi gà trông mái đang đối diện đấu mỏ vào nhau (hòn Trống Mái), núi có dáng giống con Đại Bàng đang ngồi rình bắt mồi (hòn Đại Bàng), núi thì cong vút tựa như cái ngà voi (hòn Ngà Voi), núi thì như lư hương giữa biển để tế trời đất (hòn Đỉnh Hương), núi thì hình con chó gác biển (hòn Chó Đá) … Tất cả cứ sừng sững, nhấp nhô trên mặt biển xanh ngút ngàn khiến cho người ta ngỡ rằng đây là một quần thể động vật hóa đá được quy tụ về đây để làm thành một bảo tàng trên biển.
Bức tranh trên vịnh Hạ Long không tĩnh mà luôn vận động, biến đổi theo thời gian khiến cho người xem không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh sắc đất trời luôn biến ảo theo nhịp quay của thời gian trong cái màu xanh đằm thắm của nước biển, màu lam của cây núi, màu lục của da trời … Buổi sáng mùa hè, mặt trời mọc trên biển cùng cơn gió nồm nam là một cảnh sắc khiến bao người mê mẩn. Cái vầng thái dương nhô lên mặt biển đẹp đẽ và sang trọng y trang bức tranh miêu tả mặt trời mọc trên biển của cụ Nguyễn trong bài ký Cô Tô được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học trò. Đến buổi trưa hè, nắng vàng như rót mật rải đều trên mặt nước biển màu xanh khiến cho hàng trăm ngàn con sóng đang lăn tăn nối đuôi nhau trở nên lấp lánh bởi những ánh bạc sóng sánh. Khi buổi chiều về, những đảo đá đang màu lam biếc cũng ngả dần sang tím sẫm để từ từ hòa mình vào màn đêm khi khi ánh hoàng hôn tựa như một đốm lửa sắp tàn đang lịm dần trong thân xác của một khối tinh cầu rực đỏ khuất dần sau trái núi ở phía đằng Tây, chỉ để lại những ráng vàng hình rẻ quạt với những tia sáng yếu ớt hắt ngược lên bầu trời. Đêm trên biển Hạ Long yên tĩnh đến lạ kỳ. Chỉ có trăng vàng và sao bạc lấp lánh, lung linh phản chiếu trên mặt nước thăm thẳm một màu lục tảo giữa xôn xao gió lộng dội vào những đảo đá trầm tư trong hơi thở nồng nàn thắm đượm hương vị mặn mòi của biển. Ánh trăng, bóng núi và mặt nước như hòa thành một khối, có khi chụm lại, có lại lúc tan ra theo hàng ngàn con sóng xôn xao chạy đến vô cùng trên mặt biển biếc, đẹp đến nao lòng!
Hạ Long phô diễn những vẻ đẹp đầy quyến rũ khiến người xem mê mẩn không phải chỉ trong kiểu dáng của trái núi, hòn đảo hay trong hương sắc của biển, trời diễm lệ mà còn ở bao nét duyên thầm ẩn chứa trong những hang động kỳ ảo lưu truyền cùng những câu chuyện cổ từ ngàn xưa của ông cha để lại. Say sưa ngắm nhìn cảnh vật tuyệt diệu của tạo hóa giữa biển khơi trong âm vang của nhưng câu chuyện xưa, ta lại chợt nhớ đến những tiếng lòng của Nguyễn Khoa Điềm trong “Mặt đường khát vọng” khi gọi tên những kỳ quan của tạo hóa: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu/ Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái/ Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại/ Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương/ Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm/ Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên/ Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh/ Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm/ Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/ Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/ Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”. Giữa mênh mông biển trời Hạ Long, chẳng có phải xa xôi cách trở gì nữa, trước mắt ta kia, không ít những kỳ quan trong khúc ca của Nguyễn Khoa Điềm cứ đang hiện dần trong tầm mắt. Dạo chơi trên biển Hạ Long, hàng chục hang, động lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng nhất là động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, hang Thiên Cảnh Sơn, hang Luồn, hang Trống và hang Trinh Nữ … cùng với những huyền thoại về hang, về động, về đảo và về cả diện mạo đất trời nơi tuyến đầu Đông Bắc đã khiến lữ khách thích thú, tự hào, phấn khích khi ngắm nhìn nhưng cũng không khỏi trầm tư, động lòng trắc ẩn, cảm thương cho những mối tình dang dở của những tràng trai cô gái thủa ngày xưa. Cái sự tích vua Trời sai mẹ Rồng mang đàn con hạ giới giúp dân Việt ngăn bước quân thù không chỉ cắt nghĩa những tên gọi của Hạ Long hay Bạch Long Vĩ mà còn gợi lên cái khí phách kiên cường xen lẫn niềm tự hào về dòng giống thần tiên của cộng đồng Bách Việt. Dường như cái thế giới kỳ ảo được tạo lên bởi những nhũ đá, măng đá trong từng hang động ấy vừa khơi dậy sự thích thú trong trí tưởng tượng người xem bởi những cảnh tượng thần tiên hoan hỉ như thể Ngọc Hoàng, Thiên Lôi, Nam Tào, Bắc Đẩu râu tóc trắng xóa như mây hay cảnh Tiên Nữ với những xiêm y lộng lẫy, thướt tha đang mê mải hát ca hoặc như cả cái thế giới động vật, đồ vật với hổ vờn, voi phục, ngưa phi, thanh gươm, vết chân ngựa, lâu đài, hoa lá, vườn bụt, mâm xôi, đụn vàng, đụn bạc… đầy sống động; vừa gợi lên trong tâm trí người xem những nghĩ suy về mối duyên tình của nước và đá khi đã trải qua hàng mấy trăm triệu năm và sẽ còn tiếp tục song hành mãi bên nhau để làm thành những kiệt tác ẩn sâu trong mình núi. Thế mới thấy, nước mềm mại nhưng sắc lạnh và cứng cỏi có khi còn hơn cả dao thép. Nước bên đá, ngày đêm nhẹ nhàng, thẩm thấu vào trong từng thớ đá. Nước không ngừng mơn chớn, vuốt ve, mài giũa từng vỉa đá một cách bền bỉ theo cái cách sắc lẹm và dịu êm mà làm nên những khối thạch nhũ với muôn hình muôn dạng lung linh sắc màu khiến những nghệ nhân siêu đẳng, tài hoa cũng phải chắp tay bái phục.
Đá và nước Hạ Long tuyệt đẹp. Vẻ đẹp của kỳ quan Hạ Long trước mắt kia lại làm cho tôi nhớ lại câu chuyện kể về một một du khách nước ngoài đã từng bất lực khi chụp cảnh ở Hạ Long. Vì cảnh quá đẹp nên anh ta đã vứt bỏ máy ảnh xuống biển bởi một lẽ sợ ống kính của mình không nói hết được cái đẹp của xứ sở thần tiên nơi đây. Và cũng trong cái đẹp diệu huyền của Hạ Long kia, tôi lại nhớ đến câu nói của một ai đó: Đời người phải đến Hạ Long ít nhất một lần. Đến Việt Nam mà chưa thấy Hạ Long là chưa đến Việt Nam. Đúng thế! Ai đã từng ngắm cảnh Hạ Long một lần thôi hẳn sẽ thấy những câu nói này chắc không phải là phi lý.
Có lẽ vậy mà người ta đến với Hạ Long không có mùa. Du khách trong nước và ngoài nước quanh năm nô nức tụ hội về với Hạ long để ngắm cảnh thần tiên trên mặt biển bất kể thời gian. Với tôi, xin được khép lại khúc ca trên biển Hạ Long bằng một câu nhại bắt chước người xưa: “Bất đáo Hạ Long phi phượt thủ” cho những ai đam mê du lịch, đam mê cái đẹp.