PHAN ANH
Lỗi Hẹn Với NA HANG
Và Mùa Hoa Lê HỒNG THÁI
Lỗi Hẹn Với NA HANG
Và Mùa Hoa Lê HỒNG THÁI
Mấy anh em định rằng tết xong, dịp Nguyên Tiêu sẽ về Na Hang, đi thuyền trên lòng hồ thủy điện ngắm trời mây non nước; đến Thượng Lâm xứ sở của những cô gái từng được Hoàng Phủ Ngọc Tường ví von là venezuela của Việt Nam để nghe đàn tính với lời then; selfie, sống ảo trong những vườn lê khi bắt đầu khai hoa ở nẻo cao Hồng Thái. Nhưng có việc đột xuất, rồi rét đậm rét hại và sau đó lại đến dịch bệnh Covid-19 lan tràn trong khắp cộng đồng thế nên chúng tôi đành lỗi hẹn với Na Hang, lỗi hẹn với những câu hát ... đặc biệt là lỗi hẹn với một mùa hoa lê trắng trời nơi miền cổ tích.
Na Hang nổi tiếng và mê hoặc lòng người với hồ thủy điện có sóng nước mênh mang, trong xanh, lung linh đêm ngày soi bóng những núi, thác điệp trùng kỳ thú của đại ngàn hữu tình sơn thủy. Xong có lẽ, xuân về trên vùng đất huyền thoại của đàn chim phượng hoàng không chỉ hút hồn lữ khách với những cảnh đẹp thần tiên của một “Hạ Long trên núi” mà còn quyến rũ đến nao lòng người qua bởi vẻ đẹp tinh khôi, mong manh, duyên dáng của những cánh lê mảnh mai, trắng tinh trong nắng vàng như rót mật bên những mái nhà cổ kính lợp ngói âm dương của người Dao Tiền giữa không gian mênh mông của những thửa rộng bậc thang như dải lụa mềm mại, uốn lượn bốn bề bên sườn núi quấn quyện mây bay.
Hình như, có lần tôi nghe người ta bảo rằng các nhà chức trách của Tuyên Quang đã từng khảo sát và có ý định triển khai lễ hội hoa lê ở Hồng Thái. Có lẽ người xứ Tuyên cũng muốn như người trên Cao nguyên đá – Hà Giang (tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch), người Bình Liêu - Quảng Ninh (tổ chức lễ hội hoa sở), người Điện Biên (tổ chức lễ hội hoa ban) ... để khẳng định, đóng dấu thương hiệu cho sản phẩm hoa lê của mình. Cũng chẳng sao, cây tam giác mạch, cây sở, cây ban ... cũng được trồng ở nhiều nơi. Cây lê cũng vậy. Nhưng hoa tam giác mach hay hoa sở, hoa ban ... có phải ở đâu hồn cốt cũng giống nhau. Đúng thế, nhắc đến hoa tam giác mạch phải là hoa trên Cao nguyên đá Hà Giang, nhắc đến hoa sở phải là hoa ở chốn biên ải Bình Liêu, nhắc đến hoa ban thì phải là ban ở Điện Biên, Sơn La, Mộc Châu ...Và hoa lê cũng vậy. Đó là “địa văn hóa” của các loài hoa. Như thế, hoa lê sẽ phải là hoa lê của Hồng Thái. Hoa lê ở trong cái không gian hữu tình của non nước Na Hang. Chỉ có như vậy thì hoa lê mới sẽ trở thành một tấm “danh thiếp” trong ngành du lịch của xứ sở ruộng cuối huyền thoại (Na Hang tiếng Tày có nghĩa là ruộng cuối).
Trong nỗi niềm nhung nhớ Na Hang cùng sự luyến tiếc vì sự lỗi hẹn với những vườn lê đang mùa bung sắc trong lòng lại rộn lên nghĩ suy về cái sắc màu văn hoá của loài hoa quyến rũ đến ma mị ấy. Ai chẳng biết trong mối tương giao giữa đất trời và vạn vật thì hoa là tín hiệu của mùa. Cũng như hoa đào, hoa mai, nhắc đến hoa lê người ta lại nhớ đến mùa xuân. Hoa lê là hoa mùa xuân. Loài hoa mộc mạc, trắng muốt, mong manh ấy bao đời nay đã hiện hữu trong mắt các thi nhân với một vẻ đẹp trang nhã, thanh tao và tràn trề sinh lực của một mùa xuân ôn đới nhưng cũng rất mực thuần khiết, dịu dàng. Chẳng thế mà cổ thi Trung Hoa lưu truyền và mãi nhắc về một bức tranh mùa xuân: “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa” (Cỏ thơm liền với trời xanh/ Trên cành lê có mấy bông hoa). Cái vẻ đẹp tinh tế ấy của hoa lê sau này trong “Truyện Kiều” cụ Nguyễn Du cũng đã phác lại và họa thành một bức tranh mùa xuân no nê thanh sắc, mãn nhãn người xem trong tiết thanh minh qua một câu tuyệt bút: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Có lẽ sự tinh khiết, dịu dàng của sắc hoa nên mỗi khi ngắm nhìn bông lê người ta dễ liên tưởng đến vẻ đẹp của những thiếu nữ sắc nước hương trời khiến những đấng quân vương đêm ngày mê mẩn. Đường thi Trung Hoa hơn một ngàn năm trước, trong “Trường hận ca” nhà thơ Bạch Cư Dị cũng đã dùng hình ảnh hoa lê để gợi nhắc đến nàng Dương Quý Phi yêu dấu của vua Đường Minh Hoàng: “Lê hoa nhất chi xuân đới vũ/ Hàm tình ngưng thế tạ quân vương” (Một cành hoa lê đẫm hạt mưa xuân/ Đăm đăm khóe mắt nghẹn ngào đa tạ lòng quân vương). Chính cái vẻ đẹp dịu dàng, non tơ của sắc màu nõn nà làm mê đắm quân vương ấy mà sau này trong “Cung oán ngâm khúc” nhà thơ Nguyễn Gia Thiều cũng đã lại ví von: “Đóa lê ngon mắt cửu trùng/ Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu”. Và cũng chẳng phải xa xôi gì nữa, ngay cả những thập niên tám mươi của thế kỷ trước, ngắm nhìn những cánh hoa trắng trong và mơn mởn sức sống ấy nhạc sỹ Anh Bằng cũng đã không thoát ra được những liên tưởng của người xưa để rồi phải thốt lên: “Nhìn vầng trăng sáng lung linh/ Nhìn em mười sáu như cành hoa lê”.
Cứ thế, miên man trong nghĩ suy về sắc màu văn hóa của hoa lê, ký ức lại thức dậy và hiện về với những vườn lê Hồng Thái khiến nỗi nhớ Na Hang lại cồn cào, da diết, nôn nao. Hình như, trời đã phú cho vùng đất mảnh ruộng cuối này ở trên cái độ cao hơn một ngàn mét so với mực nước biển, bồng bềnh giữa những cồn mây phiêu lãng để làm thành một xứ sở sắc màu hoa lê kiều diễm của đất Tuyên Quang. Mênh mông trong những vườn lê, từng chùm hoa, mỗi bông năm cánh trắng mịn, dịu dàng, mỏng tang theo hơi xuân bật dậy một cách khẽ khàng sau một đêm dài u ám của mùa đông giá lạnh, giữa bốn bề vách núi xám đen. Xuân sang, từng chùm nụ e ấp, chúm chím, lấp ló dưới những mắt lá, trong khe nứt của các thân cành khẳng khiu, xùi xì, mốc xanh, mốc đen bỗng bung nở thành những chùm hoa sáng rực, chen chúc bên nhau khiến cho không gian đất trời bừng sáng đột ngột đến ngỡ ngàng. Đó là màu của một quầng sáng tinh khôi, thoang thoảng tỏa hương dịu nhẹ, quện vào trong nắng xuân và màu xanh mướt mát của núi đồi mênh mang, thức dậy trong lòng người bao thổn thức, rạo rực, xốn xang.
Vẻ đẹp của hoa lê là vẻ đẹp mong manh nhưng tràn trề sức sống của một loài cây có sinh lực tiềm tàng, vươn lên trên nghịch cảnh giữa miền non thẳm. Ngắm nhìn những nụ hoa còn e ấp, những bông hoa đã xoè nở tung cánh trắng tinh như những bông tuyết buông phủ trên thân cành mùa đông trơ trụi lá ta cứ ngỡ như giữa trời Âu đang mùa hoa tuyết. Những bông hoa tuyết của núi rừng Na Hang phủ tràn đồi nương, chạy xa tít tắp tận chân trời mặc sức níu chân người qua. Vẻ đẹp của hoa lê có cái nhẹ nhàng của hoa ban, dịu dàng của hoa mận, cốt cách của hoa mai. Cái vẻ đẹp ấy còn là vẻ đẹp của sự cộng hưởng với mênh mông đất trời hòa trong gió núi mây ngàn.
Hoa lê không phải là loài hoa cắm bình để phô sắc tỏa hương trong các thư phòng khuê các. Hoa lê đẹp phải là hoa lê giữa mênh mông của điệp trùng núi, của điệp trùng đồi; trong vang vọng của tiết xuân thì xen lẫn giá lạnh của mùa đông dường như vẫn còn đang lưu luyến. Ngắm nhìn những cánh hoa tinh khôi đơm bông, toả sắc mơn mởn, bao quanh bầu nhụy và nhẹ nhàng thoang thoảng toả hương trong bạt ngàn mây nguồn, gió núi ta dường như mơ màng, huyễn tưởng đến các nàng sơn nữ đang xúng xính, uyển chuyển, ẩn hiện bên những sườn non mà quyến rũ, mê mệt người xem.
Phải để hoa lê giữa mênh mông của những triền núi xám đen, rồi đến một ngày mùa xuân đẹp trời, ấm áp bỗng rực lên sắc trắng của muôn chùm hoa lê làm bừng sáng cả không gian vốn âm u, giá lạnh khiến cho đất trời trở nên rộn rã, tưng bừng và ngập tràn sức sống, làm cho vạn vật giao hòa và gợi cảm bên nhau. Đúng thế, phải trong cái khuê phòng mênh mông ấy của tạo hóa thì vẻ đẹp của hoa lê mới được hiển lộ và thể hiện được đầy đủ sự viên mãn no nê của thanh sắc mùa xuân.
Tôi cứ nghĩ hoa lê tựa như nàng công chúa út của chúa xuân. Cảm tưởng, so với hoa đào hoa mai thì cái sự khai hoa, phát tiết của hoa lê là sinh sau nở muộn. Bởi thế, dù có sắc nước hương trời mặn mà không thua kém các bậc đàn chị nhưng có vẻ hơi lỗi ngày sinh nên xem ra hoa lê có vẻ phải chịu phận thiệt thòi hơn trong sự chào đón, vồ vập của người đời khi đón mừng năm mới. Cứ tưởng lỗi nhịp ngày sinh thì những bông lê trắng muốt,duyên dáng, yêu kiều sẽ được an phận riêng một góc trời và cũng chỉ e ấp, kín đáo khoe chút duyên thầm với núi cao, rừng thẳm, sông dài giữa bao la của đất trời tự do, thoáng đãng trong một khoảnh khắc tàn xuân để đợi ngày kết trái dâng đời vị ngọt mát lành, thảo thơm. Ai giành rồi cũng có ngày “Một lời đã biết đến ta” đã khiến cho những thân cành xù xì, khẳng khiu, mốc thếch cùng những cánh hoa tinh khiết xen lẫn bao lớp chồi non mơn mởn của núi rừng ấy phải nhỏ máu, lìa cội, hạ sơn theo xe về bên phố trang hoàng cho các thư phòng để thỏa thích những nỗi niềm đam mê “hot trend” (mốt nhất thời).
Số phận của những cây lê của vùng cao phải chăng lại lặp lại phận đời của những gốc đào cổ thụ trên những triền núi cao khi phải xuống núi, lũ lượt kéo về phố thị khi mỗi dịp xuân về. Hy vọng rằng sẽ có những lễ hội hoa lê trên đất Na Hang để hoa lê Hồng Thái trở thành một tấm “danh thiếp” của ngành du lịch và hoa lê chốn này sẽ không phải chịu phận đời theo xe về phố.