PHAN ANH


Tượng Đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng (Ảnh: Phan Anh)
 
NÚI SÓC
HUYỀN THOẠI VÀ LINH THIÊNG
                            
          Thỉnh thoảng có dịp về Sóc Sơn tôi lại lên đền ông Gióng dâng hương và vãn cảnh. Cứ mỗi lần như thế tôi lại được đi trong hương rừng vi vút thông reo trên những lối mòn véo von chim hót hay thong dong thả bước xuyên rừng trên con đường với hơn 1400 bậc đá tựa như những bậc cầu thang dẫn lên đỉnh núi cao 308 m để được chiêm ngưỡng bức tượng đồng cao hơn 11 m, nặng 85 tấn, đúc hình ông Gióng mặt hướng về làng Phù Đổng, tay cầm khóm tre, cưỡi ngựa, bay vào trời xanh bao la và nhất là được thỏa thích thả hồn trong cái nhìn say sưa trước trời đất bốn bề núi non trùng điệp quấn quýt mây xanh, mây trắng; bồng bềnh, huyền ảo, mênh mang. Thú thực, bao nhiêu lần đến núi Sóc như thế là bấy nhiêu lần tôi được đắm mình vào cái không gian vừa cổ kính vừa lắng đọng với những sắc màu huyền thoại nhưng cũng nổi tiếng linh thiêng bao đời để rồi trong lòng không khỏi rộn lên những nghĩ suy xen lẫn bao niềm tự hào trào dâng trong một tình yêu tha thiết với sứ sở, đất nước của ông cha.

Với tôi hành hương về núi Sóc cũng có thể nói là hành trình trở về cội nguồn. Đó là trở về với một biểu tượng cao đẹp nhất của tinh thần Việt Nam: yêu nước chống ngoại xâm. Hẳn là trong tâm thức người Việt Nam, ai chẳng biết Thánh Gióng là một trong tứ bất tử của dân tộc. Ngay từ thủa ấu thơ ta đã từng bao lần được nghe kể, vị thánh ấy sinh ra ở làng Phù Đổng. Lên ba mà vẫn chưa biết nói cười, đặt đâu nằm đấy nhưng nghe tiếng sứ giả tìm người cứu nước thì cất tiếng xin đi đánh giặc và sau đó lớn nhanh như thổi, vươn vai biến thành tráng sĩ, nhảy lên mình ngựa lao đến nơi có giặc, đánh chúng chết như ngả rạ. Người tráng sĩ ấy phi ngựa qua sông Hồng, đuổi theo đám giặc đánh tới chân núi Sóc. Giặc tan, cậu bé lên ba liền ghìm cương lại khiến ngựa hí vang, giẫm chân xoay bốn phía và lao thẳng lên núi. Khi lên đến đỉnh núi, vị tráng sĩ liền xuống ngựa nhìn về phương Nam, nơi quê nhà ở phía làng Phù Đổng và quỳ xuống như thể bái lạy, sau đó cởi áo giáp sắt treo lên cây trầm hương, rồi leo lên mình ngựa và bay về trời, đi vào cõi bất tử. Có thể nói, sự tích Thánh Gióng là một huyền thoại đẹp nhất trong những huyền thoại của người Việt Nam. Hình ảnh ông Gióng là kết tinh cho khí phách quật cường trước ngoại xâm của dân tộc. Câu chuyện Thánh Gióng cũng chính là bài ca yêu nước ngay từ buổi đầu dựng nước của ông cha và tiếp tục cổ vũ muôn đời con cháu mai sau. Đó là một vẻ đẹp tinh khôi không bám bụi hồng trần. Quả thực, đến nay chẳng có ai yêu nước và trong sáng hơn được Phù Đổng Thiên Vương. Tiếng nói đầu tiên của chú bé người làng Phù Đổng là tiếng nói xin đi đánh giặc cứu nước. Tiếng nói ấy là tiếng nói của lòng yêu nước tha thiết; là khát vọng của người dân về một đất nước được độc lập. Và rồi, khi đánh giặc xong, người chiến sĩ ấy cũng không màng đến vinh hoa phú quý của trần đời mà cưỡi ngựa đi vào cõi bất tử giữa trời xanh mây trắng để lại sự ngưỡng vọng cùng bài học muôn đời cho cõi nhân gian. Cái sự vô tư ấy cũng chính là sự vô tư của nhân dân được gửi gắm vào trong huyền thoại bất diệt. Bởi thế, bảo sao truyện ông Gióng không lung linh làm say sưa biết bao thế hệ!

Trở lại núi Sóc lần này, bước chân dưới những hàng cổ thụ râm mát, trong hương trầm thoảng đưa, giữa bốn bề xôn xao gió núi ta như lạc trôi trong giấc mộng của xứ sở huyền thoại thủa nào. Nghe nói, núi Sóc hay còn gọi là núi Mã, núi Vệ Linh dưới chân tôi đang đứng là nơi tích tụ linh khí của dãy núi Tam Đảo. Tôi nhớ, có lần, được nghe một ông thầy hiểu về phong thủy bảo rằng, hệ thống núi Tam Đảo có chín mươi chín ngọn, nối tiếp nhau và hạ thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam tựa như bức tường thành, rồi hòa vào vùng đồng bằng ở Sóc Sơn. Bởi thế dưới chân, ngang lưng và trên đỉnh núi Sóc, từ hàng ngàn năm trước đến nay, người dân đất Việt đã xây cất không ít những công trình linh thiêng để tưởng nhớ những người có công với nước và cầu mong tổ tiên, linh khí đất trời hiển ứng âm phù cho quốc thái dân an. Tương truyền, sau khi ông Gióng bay về trời, ghi nhớ công lao của người anh hùng làng Phù Đổng, vua Hùng đã phong cho người là “Phù Đổng Thiên Vương” và cho lập đền thờ ở quê nhà và miếu thờ ở trên núi Sóc để nhân dân muôn đời hương khói khắc nhớ ơn sâu của Đức Thánh. Và rồi, trải theo năm tháng, mỗi khi đất nước gặp gian nguy, Đức Thánh ở vùng núi thiêng này liên tục hiển linh trợ giúp cháu con và được các triều đại phong kiến không ngừng truy phong và mở rộng, trùng tu, tôn tạo những nơi thờ tự.
 Tương truyền hồi cuối thế kỷ thứ X, trong cuộc kháng chiến quân Tống xâm lược, vua Lê Đại Hành đã giao cho Thiền sư Khuông Việt đến núi Sóc lập đàn tế lễ, xin thánh phù trợ giúp người đánh giặc. Sau khi thiền sư cầu nguyện xong, đội quân của nhà vua đi đến đâu đánh thắng giặc đến đó. Đuổi xong giặc Tống ra khỏi bờ cõi, biết là Thánh Gióng hiển linh trợ giúp nên nhà vua đã ghé thăm miếu Sóc và sắc phong cho thần mười tám chữ: “Sóc Sơn Đổng Thiên Vương, Đà Giang hiển thánh, Phù thánh giá đại vương, Thượng đẳng sơn thần” (Đổng Thiên Vương là thần thiêng ở núi Sóc, đã có phép thánh hiện hình lên ở Đà Giang giúp vua đánh giặc, được phong thêm tước hiệu đại vương, bậc thượng đẳng thần), cho đổi tên làng Vệ Linh thành hương Bình Lỗ, đồng thời cho người dỡ miếu làm đền, đốn cây trầm hương tạc tượng ngài để thờ. Chưa hết, đến thời vua Lý Nhân Tông, Thánh Gióng lại một lần nữa hiển linh và giúp nhà vua đánh thắng Tống lần thứ hai. Lần này, sau khúc khải hoàn, vua Lý lại gia phong cho Thánh Gióng thêm hai chữ “Xung Thiên” khiến cho duệ hiệu của thần lên đến hai mươi chữ.

          Vãn cảnh núi Sóc, ta không chỉ ngắm bức tượng Đức Thánh bằng đồng  đang bay về trời ở trên đỉnh núi Đá Chồng hay được dạo chơi ngắm cảnh non xanh nước biếc và hít thở bầu không khí thoáng đãng, trong lành giữa rừng thông vi vu mà còn được chiêm bái rất nhiều cổ tự và những ngôi đền miếu có tuổi đời ngàn năm cùng một Học viện Phật giáo uy nghi ngay dưới chân núi. Đi từ ngoài vào khu danh lam thắng cảnh núi Sóc ta qua Học viện Phật giáo, nơi đào tạo trình độ chuyên sâu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đến cổng vào (Nghi môn ngoại) được làm bằng gạch xây kiểu tứ trụ, trong đó nổi bật nhất là hai trụ lớn ở giữa, bên trên có đắp nổi hình chim phượng với những cái đuôi uốn cong mềm mại đang chụm vào nhau tạo thành trái giành đặt trên ô đèn lồng đắp nổi tứ linh, tứ quí cùng đôi câu đối chữ Hán suốt dọc thân trụ. Bước qua Nghi môn một quãng đường ngắn ta vào đền Hạ (còn gọi là đền Trình). Đền nằm phía bên trái con đường và được làm theo hình chữ Nhị, gồm tòa Đại bái năm gian và Hậu cung ba gian. Tương truyền đền Hạ được dựng để thờ thần linh thổ địa nơi Thánh Gióng dừng chân khi đánh xong giặc Ân, trước khi bay về trời. Trong đền có bức tượng thần linh bằng đồng nhìn rất uy nghi được đặt ở gian thờ, phía trong Hậu cung. Đối diện với đền Hạ, phía bên phải con đường là đền Mẫu. Trước cửa đền Mẫu có một giếng nước trong mát. Cổng đền có dòng chữ: “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu”. Đền cũng được làm theo hình chữ Nhị, gồm Tiền tế ba gian và Hậu cung một gian hai dĩ. Trong gian hậu cung có bức tượng bà mẹ Thánh Gióng được sơn son thếp vàng với nét mặt từ bi, hiền hòa, nhìn rất phúc hậu. Đi tiếp vào trong, phía bên trái đường, phía sau đền Hạ là chùa Đại Bi. Tương truyền ngôi chùa ban đầu là một am nhỏ, được làm từ thế kỷ thứ X, theo sách “Thiền uyển tập anh” chép lại, trong một lần đi chơi núi Vệ Linh, Đại sư Ngô Chân Lưu (Khuông Việt) một lần đi chơi núi Vệ Linh nhìn thấy phong cảnh nơi đây thanh bình, tĩnh lặng thích hợp cho việc tu hành nên ông đã lập am để ở. Nghe kể, trong đêm đầu tiên ở lại, Đại sư đã mộng thấy một vị thần mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp cùng hơn mười người theo hầu, tướng mạo rất dễ sợ. Vị thần đã bảo rằng: “Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, những người theo ta là Dạ xoa. Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với người, nên đến đây báo cho ngươi biết”. Vị thần nói xong thì Đại sư Ngô Chân Lưu giật mình tỉnh dậy và nghe thấy trong núi có tiếng huyên náo thì trong lòng rất lấy làm lạ. Sáng hôm sau, ông vào trong núi, thấy một cây to, cành lá sum xuê, phía trên có mây xanh bao phủ. Đại sư bèn cho thợ đến hạ và đem về tạc tượng, lập am để thờ. Am nhỏ này chính là tiền thân của chùa Đại Bi. Tại ngôi chùa này, năm 981, khi quân Tống sang xâm lược, Đại sư Khuông Việt đã lập đàn cầu đảo xin thần linh trợ giúp vua Lê Đại Hành và đã được linh ứng. Khi xưa là am nhỏ, nay chùa có quy mô to hơn, làm theo hình chữ Đinh, gồm có Tiền đường năm gian và Thượng điện hai gian chạy dọc. Qua chùa Đại Bi ta sẽ đến Đền Thượng. Đây là nơi thờ Thánh Gióng và là trung tâm của nơi thờ tự ngài ở núi Sóc. Nhìn từ xa lại đền Thượng ẩn mình dưới tán cây rêu phong và hiện lên như một bức tranh thủy mặc. Đền tựa lưng vào núi Vệ Linh, nhìn ra phía trước là hồ nước mênh mông, cũng là làm thành cái thế tựa sơn đạp thủy, rất hợp với phong thủy phương Đông. Đền Thượng gồm có các công trình như Nghi môn, Tiền tế, Trung cung và Hậu cung. Nghi môn cũng làm theo kiểu tứ trụ giống như cổng vào. Ba nhà Tiền tế, Trung cung và Hậu cung kết hợp với nhau tạo thành chữ Công. Tiền tế có năm gian hai chái, trong đó gian giữa nhô cạo tạo thành một tầng bốn mái nhìn rất đẹp. Trung cung có hai gian chạy dọc nối nhà Tiền tế với Hậu cung. Hậu cung có ba gian hai dĩ. Các mái nhà ở đền Thượng lợp ngói mũi hài và các góc được uốn đầu đao cong cong mềm mại nhìn rất cổ kính, duyên dáng. Trong hậu cung đền Thượng có bức tượng Thánh Gióng tạc bằng gỗ trầm hương, khoác áo bào màu đỏ ngồi ở chính giữa; bên cạnh, mỗi bên có ba tượng công thần đánh giặc cùng Đức Thánh. Trang trí, chạm trổ trong đền rất đẹp; có đủ hình vân mây, lá lật, hoa văn dấu hỏi, chữ triện, phượng hàm thư, hoa văn hình học, rồng chầu, chim trĩ, hoa dây … Cách đền Thượng hơn 100 m, trên lưng chừng núi là chùa Non Nước. Đây là ngôi chùa bề thế với mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh, gồm Tiền đường và Thượng điện. Nhà Tiền đường có năm gian, xây kiểu chồng diềm, hai tầng tám mái. Thượng điện có bốn gian xây dọc kiểu tường hồi bít đốc nối với toà Tiền đường. Đặc biệt trong Thượng điện còn có pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối, nghe nói đây là pho tượng đồng lớn nhất ở nước ta. Pho tượng Như Lai ấy nặng hơn 30 tấn, cao 6,5 m; nếu tính cả chân bệ đá thì chiều cao lên đến hơn 8 m. Ngoài ra chùa Non Nước còn có các công trình khác như Tam quan và nhà khách. Nhìn từ trên núi xuống, những mái nhà của chùa Non Nước nhấp nhô trùng điệp bên sườn núi tạo thành một bức tranh kiến trúc tầng tầng, lớp lớp rất đẹp. Ngoài ra, từ đền Thượng, di chuyển theo con đường đá lên phía đỉnh núi nơi đặt tượng đài Thánh Gióng, đi qua 133 bậc đá, ta sẽ thấy một nhà bia hình chóp nón. Nhìn chóp nón này người khéo tưởng tượng sẽ hình dung ra chiếc nón sắt của Đức Thánh năm xưa đội đi đánh giặc. Nhà bia được xây bằng gạch, trên một gò núi nhỏ, hình bát giác. Bên trong nhà bia có một trụ đá tám mặt màu xanh, cao 2,5 m. Các mặt này khắc chữ ghi lại toàn bộ sự tích Thánh Gióng cùng với lịch sử của ngôi đền. Nghe nói bia đá này có từ thời nhà Lê. Cùng với các công trình thờ tự cổ kính, đền Sóc hiện còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị có từ thời Lê và thời Nguyễn như các bức hoành phi, câu đối, bia đá, lư hương, tượng thờ, hương án, ngai thờ, bát bửu, chân đèn, ngựa gỗ, chuông đồng ...

          Đến núi Sóc chiêm bái, ta sẽ thấy, không phải bây giờ nơi đây mới được biết đến. Ngay từ thời xưa, đền Gióng dưới chân núi Sóc này đã từng nổi tiếng là khu danh thắng linh thiêng. Chẳng thế nơi đây còn lưu giữ không ít các tác phẩm văn chương như câu đối, thi ca của các nhà thơ nổi tiếng khi đương thời. Chẳng như thế kỷ XV, Kim Hoa nữ học sĩ Ngô Chi Lan từng nổi tiếng với bài thơ “Đề Vệ Linh sơn”, ca ngợi Đức Thánh và cảnh vật tươi đẹp ở núi Sóc, khi bà tháp tùng Ngô Thái hậu chơi núi Vệ Linh: “Vệ Linh xuân thụ bạch vân nhàn/ Vạn tử thiên hồng diễm thế gian/ Thiết mã tại thiên, danh tại sử/ Anh hùng lẫm lẫm mãn giang san” (dịch thơ: Vệ Linh cây cỏ lẫn mây ngàn/ Muôn tía nghìn hồng đẹp thế gian/ Ngựa sắt lên trời tên rạng sử/ Anh hùng mãi mãi với giang san); thế kỷ XVIII, nhà thơ Phạm Quý Thích  vãn cảnh núi Sóc cũng đã tức cảnh sinh tình mà làm thành bài thơ “Vệ Linh sơn”: “Thiên vương thiết mã dĩ phi long/ Vũ trụ linh sơn vạn cổ tông/ Song miếu trung gian tàng tiểu tự/ Thiên nham vạn thụ chỉ thanh tùng/ Hà hương tằng kiến vô nhân thái/ Hổ ngọa truyền văn hữu khách xung/ Lai đảo sơn dân vị quy khứ/ Thiên phong xuy vũ xuất trung phong” (dịch nghĩa: Ngựa sắt của Thiên vương hóa rồng bay lên trời/ Núi thiêng giữa vũ trụ thành tôn miếu muôn đời/ Giữa hai tòa miếu là ngôi chùa nhỏ/ Hàng vạn mỏm đá, hàng vạn cây chỉ một loài thông xanh/ Hương sen từng thấy không ai lượm/ Hổ nằm nghe nói có người tới thăm/ Dân chốn sơn thôn đến lễ bái cầu đảo chưa về/ Gió trời lùa mưa đi để lộ ngọn núi giữa). Hay ở trong đền Thượng vẫn còn giữ được đôi câu đối của Đại thi hào Nguyễn Du làm khi đến vãn cảnh: “Thiên giáng Thánh nhân bình Bắc lỗ/ Địa lưu thần tích trấn Nam bang” (Tạm dịch: Trời sinh người Thánh trừ giặc Bắc/ Đất giữ chuyện Thần trấn nước Nam) và đôi câu đối của Thi thánh Cao Bá Quát: “Phá tan đãn hiền tam tuế vãn/ Đằng không do hận cửu thiên đê” (Tạm dịch: Đánh giặc lên ba hiềm đã muộn/ Lên mây tầng chín giận chưa cao).

          Như vậy đấy, cùng với các huyền thoại về Thánh Gióng hay những di tích đền, chùa linh thiêng ở núi Sóc, người ta còn thấy Đức Thánh làng Phù Đổng còn sống mãi trong tâm thức của nhân dân trong vùng mà điển hình là trong lễ hội đền Sóc. Lễ hội Thánh Gióng ở đền Sóc từ xưa đã là một trong những lễ hội lớn của người Việt. Lễ hội diễn ra từ lúc nửa đêm ngày mồng 6  đến hết ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm. Trong lễ hội người rước giò hoa tre (tượng trưng cho cây gậy đánh giặc của Đức Thánh), rước voi (tượng trưng cho đàn voi tải lương đi của nghĩa quân) … nhằm tái hiện cảnh đoàn quân Thánh Gióng ra trận. Ngoài ra người ta còn rước “Cầu Húc” (quả cầu tượng trưng cho mặt trời theo tín ngưỡng thờ thần mặt trời của cư dân nông nghiệp), tổ chức “cướp hoa tre” cầu may và tục chém “tướng giặc” được diễn xướng bằng hiệu lệnh múa cờ. Có thể nói, đến xem hội Gióng ở đền Sóc ta sẽ được mãn nhãn với một hội trận mà dày đặc những biểu tượng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Đó là những lớp trầm tích văn hóa - tín ngưỡng được đan xen vào nhau và lưu truyền đến tận ngày nay. Có lẽ, cũng bởi ẩn chứa nhiều lớp giá trị văn hóa vừa độc đáo vừa đa diện như thế mà Lễ hội Gióng ở đền Sóc (nơi Thánh hóa) và ở đền Phù Đổng (nơi Thánh sinh), năm 2010, đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và năm 2014 các di tích kiến trúc nghệ thuật ở đền Sóc cũng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.

          Có đến núi Sóc, đi dưới rừng thông, vãn cảnh chùa chiền, đền miếu ta mới thấy non nước Vệ Linh không chỉ thoáng đãng nên thơ mà còn là một chốn tâm linh huyền diệu. Chẳng những thế, ta còn được tắm mình trong bầu không khí linh thiêng với những huyền thoại dày đặc, tiêu biểu cho tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của đất nước. Bởi vậy, về với núi Sóc là về với cội nguồn của dân tộc; về để cho thân tâm được dung dưỡng trong tình yêu đất nước mênh mông.

Phan Anh


  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh