PHAN ANH


 TẢN MẠN DƯỚI BÓNG ĐA NGÀN NĂM



Ảnh tác giả
                              
 
Hình ảnh cây đa có lẽ không xa lạ với mọi người, ở làng quê Việt Nam, nhất là nhưng nơi tâm linh, hầu như đều có bóng cây đa. Trải qua năm tháng, cùng với sự hình thành phát triển của làng xã nông thôn Việt Nam, cây đa cùng với mái đình, giếng nước đã trở thành những biểu tượng của làng quê. Hình như, sớm gắn bó với người dân Việt như thế mà trong tâm thức từ bao đời nay người ta vẫn truyền nhau rằng: “thần cây đa ma cây gạo”. Tôi vẫn còn nhớ, ở quê, hồi còn nhỏ, mình hay chơi dưới gốc đa. Ngày ấy, làng tôi có cây đa rất to ở trước cổng đình. Ký ức trong tôi về cây đa lúc bấy giờ rất kỳ vĩ. Gốc cây rất lớn, dăm bảy người ôm chưa chắc đã kín. Từ những cành cao, rễ cây buông xuống, quấn quýt với nhau giống như một thân cây và tạo thành những hang hốc rất kỳ thú. Mỗi khi trời mưa chúng tôi lại chui vào hốc đa để khỏi bị nước làm ướt áo quần. Tôi nhớ, có nhiều buổi trưa, chúng tôi thường trốn ngủ ra gốc đa nhặt lá làm thành những con trâu để chơi đồ hàng và cả để chọi nhau nữa. Ngày đó lũ trẻ chúng tôi thường nhặt những chiếc lá to vừa mới rụng, còn xanh chứ không khô héo, lành lặn; rồi xé hai bên cạnh lá, ở gần cuống (theo đường gân lá) và cuộn tròn chiếc lá và dùng chỉ buộc lại (phần lá không bị xé), lấy dây chỉ buộc vào cuống lá, xỏ qua thân lá đã cuộn tròn, dùng tay kéo ra kéo vào sợi dây, cuống lá cong xuống, hai cạnh lá gật gật tựa như hai chiếc sừng trâu đang lắc lư. Cứ như vậy mà trong hành trang tuổi thơ tôi có một gốc đa cổ thụ của làng.

          Ký ức về gốc đa tuổi thơ như thế nên tôi có cảm tình thân thiết đặc biệt với những cây đa cổ thụ mà mỗi khi có cơ duyên gặp gỡ trên hành trình cuộc đời, nhất là mỗi khi có dịp được đi đây đi đó. Tôi nhớ, có một lần đến bản Mường dưới chân núi Ba Vì (làng Rùa xã Vân Hòa) công tác, nghe nói gần đình có một cây đa rất to, người ta bảo cây đa này có tuổi đời trên dưới một nghìn năm. Buổi chiều hôm đó, công việc xong sớm, mở mạng ra tìm, tôi thấy một bài báo nói về cây đa này, trong đó có lời đánh giá của bà Knid Tantaviat - nguyên Giáo sư trường Đại học Chulalongkong (Thái Lan) sau khi thăm cây đa làng Rùa về. Bà có nói: “Tôi từng thấy hai cây đại cổ thụ của thế giới được ghi vào sách Guinnes tại Úc và Mỹ, nhưng cây đa này hơn hẳn về độ bề thế và mang vẻ đẹp kỳ vĩ tự nhiên”. Cứ thế, như một lực hấp dẫn, hình ảnh cây đa hiện lên làm tôi không khỏi háo hức, tò mò và quyết tâm phải diện kiến với “cụ” bằng được.

          Theo chỉ dẫn của google map, chúng tôi dễ dàng đến được đình làng Rùa, nơi có “cụ” đa đang ngự. Đi từ đàng xa chúng tôi đã nhìn thấy một tán cây to vươn cao hẳn trên bầu trời, lá xanh rì, rung rinh trong gió. Khi đến gần, quả là một cây đa khổng lồ, chưa từng thấy. Cây đa ấy tọa lạc trên một bãi đất rộng, ở đầu ngõ Đình, thôn Rùa, ngay dưới chân núi Tổ, bên những nương ngô xanh mướt, giữa xóm làng bình yên. Nhìn cây đa chúng tôi choáng ngợp. Nó sừng sững, vươn những cành xanh lá xum xuê, tỏa bóng giống như một chiếc ô che mát cả một khoảng trời mênh mông dưới mặt đất. Đứng dưới gốc đa chúng tôi ngửa cổ nhìn mãi mà vẫn không thấy ngọn. Dễ thường, cây cao phải hơn bốn chục mét, gốc cây đồ sộ. thân gốc chính của cây có khi phải hơn chục người ôm. Xung quanh gốc cây, trong khoảng hơn chục mét, những bộ rễ cây buông xuống tạo thành thân phụ của cây cũng phải đến ba bốn người ôm mới xuể. Bên cạnh thân chính, “cụ” đa có chín cái rễ lớn và hàng vài chục rễ phụ xà xuống và bò lổm ngổm trên mặt đất giống như những chiếc móng rùa đám bám chặt vào đất mẹ để cho thân cây ở phía trên được xanh lá, chắc cành.

          Đứng trên sân đình nhìn xuống gốc đa, tôi chưa thấy một gốc đa nào có dáng vẻ cổ kính như “cụ” đa làng Rùa này. Ở vòng ngoài xa của gốc cây, những rễ đa từ thân phụ nhô ra tua tủa, bò lan trên mặt đất, cái thì vặn mình vồng lên, cái thì chúi xuống như thể găm sâu vào trong lòng đất để làm thành cái bệ đỡ vững chắc cho những thân rễ thẳng đứng, mốc trắng, cao đến hơn hai chục mét đang nâng đỡ cành cây xiên ngang bầu trời, phía trên đằng thân cây xòa ra. Ở phần thân chính, gốc cây xù xì, hàng chăm chiếc rễ; có to, có nhỏ; cái nổi u nổi cục, vặn thừng; cái thẳng đứng, xiên chéo, dọc ngang như những trụ bê tông đang tập trung sức lực chống đỡ cho cái thân cây to cao ngất ngưởng với hàng trăm chiếc cành to nhỏ để sao cho được vững bền trước mọi bão giông. Những chiếc rễ của “cụ” đa cũng có tuổi đời khá cao, hậu sinh chắc cũng phải hàng vài trăm năm tuổi. Màu năm tháng dường như được ngấm sâu vào trong từng thớ vỏ. Thân chính và bộ rễ tua tủa của cây đa, vừa nâng đỡ cho nhau, vừa xoắn quện vào nhau vô tình tạo ra những hang cùng hốc ở dưới gốc cây nhìn rất thú vị. Đi qua nắng mưa, những chiếc rễ ấy cái thì nổi mốc phấn trắng tựa như tóc bạc, cái ngả màu thâm đen phủ màu rêu biếc và rồi còn loáng thoáng vài ba cành dương xỉ thanh mảnh, mềm mại neo bám trên những gốc rễ, thân cây mà tạo nên một vẻ đẹp cổ kính cực kỳ quyến rũ.

          Nằm dưới chân núi Tổ, thôn Rùa xã Vân Hòa được biết đến là một làng rất cổ của người Mường. Dấu tích cổ xưa không chỉ hiện trên gốc đa cổ thụ mà còn lưu dấu trong ký ức của người dân về ngôi đình bề thế với tuổi đời cũng ngót tám trăm năm, nằm dưới chân gốc đa. Tiếc rằng hồi kháng chiến, ngôi đình cổ kính đã bị giặc Pháp tàn phá. Hòa bình lập lại, sau này, dân làng Rùa chung sức dựng lại được ngôi đình để phục vụ tín ngưỡng. Ngôi đình chắc không bằng ngày xưa, chỉ có ba gian tiền tế và gian hậu cung nối vào ở giữa tạo thành hình chữ đinh, xây bằng gạch đá ong bình dị. Nghe kể, đình làng Rùa thờ thánh Tản Viên sơn, một vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt. Vị thánh ấy được huyền thoại lưu truyền là người anh hùng chỉ huy nhân dân chống lại Thủy Tinh dâng nước dọc bên bờ sông Hồng, Sông Đà để bảo vệ làng bản, đồng ruộng từ thời các vua Hùng dựng nước. Ngôi cổ đình thời xưa của làng Rùa cũng từng được nhiều triều đại phong kiến ban tặng các sắc phong. Nhưng có lẽ giặc giã, đốt phá nên chắc gì đã còn lưu giữ được.

          Làng Rùa mộc mạc, bình yên dưới chân núi Ba Vì bồng bềnh mây trắng, trong những giai điệu rộn ràng của tiếng cồng tiếng chiêng. Đứng dưới tán đa già cổ kính, nghe thanh âm vọng về trong gió với những tiếng “ping pong, ping pong” trong trẻo, thánh thót; khi trầm, khi bổng; lúc khoan lúc nhặt, trong tôi lại hiện lên những ngày hội mùa xuân náo nhiệt của bản Mường. Tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang, tròn trĩnh, luyến láy như đưa hồn người bồng bềnh theo những làn mây dịu nhẹ phiêu lãng bên sườn non Tản hay la đà trên dòng Đà Giang xanh biếc. Tiếng cồng, tiếng chiêng như gọi về những bước nhảy thướt tha của mười hai cô gái trong những bộ áo trắng, váy đen huyền ảo. Những chiếc áo cổ tròn, xẻ ngực, ống tay dài, bó sát để khoe những cánh tay mềm mại, tròn trịa đang uốn lượn nghiêng nghiêng tựa cánh chim đang lượn quanh đồi chè. Những cạp váy hoa văn thổ cẩm màu đỏ nối với thân váy màu đen, ôm sát ngực như thể phô diễn vẻ đẹp của người con gái đáy thắt lưng ong duyên dáng, kiều diễm trong những điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển khiến người ta không khỏi mê mẩn. Ngẩn ngơ trong thanh âm Mường như thế bất giác tôi lại hình dung về cái ngày chàng Sơn Tinh rước Ngọc Hoa công chúa từ núi Nghĩa Lĩnh về núi Ba Vì. Chính cái âm thanh tiếng cồng, tiếng chiêng; chính những điệu múa, lời ca rộn ràng trên đường đi làm vang động núi rừng ấy đã khiến cho nàng công chúa vơi bớt nỗi nhớ vua cha cùng hoàng cung tráng lệ để cất bước theo chồng.

          Đứng trước cửa đình, nơi góc sân, phía chùm thân rễ cây đa cao to, trắng phếch như cột trụ trời, tôi thấy có một ngôi miếu nhỏ trông như một cây hương, trên góc trái ngôi miếu có bia đá khắc mấy chữ “Ban thờ cây Đa Thần”. Cây đa cùng với ngôi đình đã gắn liền với đời sống tâm linh người làng Rùa. Đình làng thờ Tản Viên Sơn Thánh là để nhớ ơn người anh hùng trị thủy có công đưa dân từ những trên núi cao xuống miền chân núi và tiến dần ra những đồng bằng châu thổ dọc bên các dòng sông. Nghĩ như thế, hóa ra, cái làng Rùa dưới chân non Tản tôi đang đứng là bước chân đầu tiên của buổi bình minh mở nước. Phải chăng, cây lúa từ các sơn trang của miền non Tản đã từng theo Sơn Tinh và Ngọc Hoa đi ra khắp mọi miền để khai mở một nền văn minh lúa nước của nhân loại trên khắp miền Châu thổ sông Hồng sau này. Miên man về buổi đầu mở nước, tôi sực nhớ, đất lành chim đậu. Thần cây đa ma cây gạo, người làng Rùa tin rằng vạn vật hữu linh nên thờ đa thần. Lại thêm một minh chứng cho miền đất cổ. Ra thế, tín ngưỡng đa thần của người bản địa vẫn được lưu truyền đến bây giờ. Bởi thế, bảo sao, bên cây đa ngàn năm, người ta kể biết bao huyền thoại sùng kính cây thần. Bâng khuâng dưới tán đa già cổ kính, trộm nghĩ, sự linh thiêng của cây đa nếu như đang được phủ bằng lớp voan huyền thoại thì ngôi đình làng Rùa bên dưới gốc đa đã từng được linh phù và ứng nghiệm. Chẳng thế mà thời chống Pháp, mái đình là căn cứ, che chở cho cách mạng. Trung đoàn Ký con và các tướng Hoàng Thái, Hoàng Sâm, Phùng Kế Tài cùng các lớp thiếu sinh quân đã chẳng từng ở nơi này, xuất quân và chiến thắng đó hay sao?

          Chiều tà, khi hoàng hôn đang dần xuống núi, sương đã nhẹ buông, theo con đường từ chân núi đi ra, tôi thấy mây xứ Đoài giăng mắc rất nên thơ. Màu mây trắng đẹp mê hồn. Có đám mây đang lửng lơ bên sườn non như thể đang dạo chơi, ngắm cảnh và có đám đang sà xuống chân đồi, bồng bềnh trên những nương ngô mơn mởn. Quấn quýt và lưu luyến giữa một vùng huyền tích núi non xưa bất chợt tôi lại nhớ đến những vần thơ viết về “miền núi Tản sông Đà lãng đãng thơ” của một thi nhân xứ Đoài: “Ngút ngàn cổ thụ ngút ngàn mây/ Sông tràn bóng núi, núi tràn cây/ Một miền sương trắng trong mây trắng/ Những đỉnh phù vân ngây ngất say” (Nguyễn Việt Chiến – Ba Vì miền mây thẳm).

                                               (Tản Đà resort, 28 tháng 11 năm 2024)
 
 
 
 
 
 
 
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh