PHAN ANH


Cảm Thức LAM KINH
                                                                                  
Đã không ít lần về Thanh Hoá và đến Lam Kinh nhưng lần nào cũng vậy trong tôi vẫn giữ nguyên cái cảm giác hoài niệm, bâng khuâng, thành kính, linh thiêng trước hùng thiêng sông núi nơi đây trong những miên man nghĩ suy về thăng trầm của hoàng triều Lê tộc hiển hách. Có lẽ, kể từ hội thề Lũng Nhai (1416) đến nay, hơn sáu trăm năm đã đi qua, hương Lam Sơn của trấn Thanh Hoá đã chính thức xác lập một vị trí sáng ngời trên bản đồ lịch sử của dải đất hình chữ S. Thời gian như bóng câu đi qua cửa sổ nhưng ngàn thu vẫn còn in dấu tiền nhân. Hành cung Lam Kinh (hay còn gọi là Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh, tức kinh thành Thăng Long) nguy nga một thủa với các lăng tẩm, điện miếu, sông suối, núi rừng cùng cả một kho tàng truyện kể về Lê Lợi và một thời máu lửa kháng Minh đã làm thành một lớp không gian văn hoá đặc biệt trong cái không gian văn hoá của Lam Sơn, một không gian văn hoá tiêu biểu của xứ Thanh, sẽ mãi còn vang vọng.

Cái nóng oi nồng giữa trưa hè tháng sáu dường như không thể khuất phục được rừng già Lam Kinh khiến cho chúng tôi ai đó đều có cái cảm giác trút được những bức bối khó chịu do tiết trời nắng hạ của hành trình ngót hai trăm cây số đường trường và thoả sức hít thở cái không khí mát mẻ, trong lành, thoáng đãng của muôn tán cây rừng xanh rợp đang chất chồng lên nhau từng tầng từng lớp trong muôn ngàn nắng gió xôn xao rung rinh trên những thảm cỏ xanh biếc và lấp lánh, lung linh trên mặt nước biếc xanh của dòng sông Ngọc nhìn từ cầu Bạch. Lam Kinh lần này tôi đến thấy đã đổi thay nhiều hơn so với mười năm về trước. Phía sau Ngọ Môn ba gian, bốn mái, to cao vững chãi với những hàng cột gỗ lim hoành tráng cùng đôi nghê đá ngồi canh nghiêm trang ở hai bên trước cửa là chính điện đã được phục dựng bề thế, uy nghiêm trên chính nền điện ngày xưa, ở sau khoảng sân chầu rộng đến ba, bốn ngàn mét vuông với thềm rồng chín bậc được trạm khắc tinh xảo theo đúng phong cách thời Lê (thân tạc tròn, uốn khúc; trên thân khắc hoa văn hình ngọn lửa sóng xoắn, đầu có bờm dài, mép rồng tỉa khắc râu xoắn, dưới cằm có râu dài xoắn kiểu vặn thừng, tay rồng giống tay người nắm phần râu dưới đặt trên viên ngọc - gọi là long hí châu, tức là rồng vờn ngọc) như thể vừa thị uy sức mạnh quyền lực vô song của nhà vua vừa gửi gắm khát vọng về một sự phồn thịnh dài lâu cho xã tắc đã gợi lên cho mọi người thấy được cái hùng mạnh, thịnh trị của một vương triều huy hoàng nay đã khuất bóng. Nhưng có lẽ cái thú vị của khối kiến trúc tông miếu này là sự sắp đặt hài hoà điện các với cảnh vật thôn dã để gợi lên cảnh quan của một không gian văn hoá làng quê rất thuần Việt với mô tip đặc trưng thường thấy: “giếng nước gốc đa”. Chẳng thế mà bên hữu sân rồng là cây đa quấn lấy cây thị hàng trăm năm tuổi dễ đến chục người ôm mới có thể kín được đang vươn cành toả bóng, sừng sững che mát như cái ô khổng lồ làm thành một chứng nhân của lịch sử, lẳng lặng xanh mãi với thời gian. Và bên tả sân rồng là giếng Ngọc có đường kính cũng vào loại bậc nhất của các loại giếng cổ, tương xứng với sự hùng vĩ của cây đa thị đại thụ ở phía đối diện, quanh năm nước đầy trong vắt soi bóng thành đá rêu phong bao quanh gợi lên nét cổ kính, trầm mặc. Còn phía sau chính điện là các toà thái miếu bao quanh giống như một vòng cung. Đứng từ xa và nhìn từ trên cao xuống biệt điện Lam Kinh giống như nằm trên một gò đồi có hình chữ vương với con đường chạy thẳng giữa lưng đồi theo trục Bắc - Nam làm thành nét đứng; hai bên có ba gò đất chạy cắt vuông góc với nét đứng, nổi lên giữa thung lũng làm thành ba nét ngang tạo thành chức vương theo triết tự của tiếng Hán. Một chữ vương do đất trời tạo lập.

Nhớ lại, hồi mùa hè năm 2013, tôi được lai kinh lần đầu để thắp nén nhang trầm tưởng nhớ công đức các đời vua Lê và chiêm ngưỡng bia Vĩnh Lăng, xem bản hùng ca trên đá. Khi ấy chính điện Lam Kinh chỉ còn lại những dấu tích của một nền móng kiến trúc đồ sộ với 138 chân cột được xếp vuông vức hình bàn cờ và thềm rồng chín bậc bằng đá uy nghi của người xưa để lại. Giờ đây sau chục năm trở lại, Lam Kinh chính điện đã được tôn tạo, trùng tu đồ sộ, bề thế gợi lên sự phồn thịnh của một thời huy hoàng, thịnh trị của Lê triều lẫm liệt. Chính điện của Lam Kinh làm trên nền nhà xưa, uy nghi, cao rộng; gồm ba toà nhà gỗ lim thiết kế theo hình chữ công với 127 cột. Người ta bảo rằng ngày 21 tháng 2 năm Bính Tý (1456) vua Lê Nhân Tôn đưa các quần thần về bái yết sơn lăng. Đức vua đã ban lệnh cho các quần thần đặt tên cho các điện. Bởi thế tam toà biệt điện mới có cái tên là Quang Đức (nhà đầu tiên) Sùng Hiếu (nhà chạy dọc) Diên Khánh (nhà phía sau). Ngoài khối kiến trúc đồ sộ của chính điện và các toà thái miếu, trên đất Lam Kinh hiện còn lưu giữ được năm lăng mộ và năm văn bia bằng đá, trong đó có năm bia (bia Lê Thái Tổ - Vĩnh Lăng, bia Ngô Thị Ngọc Dao - Khôn Nguyên Chí Đức, bia Lê Thánh Thông - Chiêu Lăng, bia Lê Hiến Tống - Dụ Lăng, bia Lê Túc Tông – Kính Lăng) được xếp vào hàng bảo vật quốc gia. Nổi bật hơn cả là bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi phụng soạn ghi lại gia tộc, thân thế, sự nghiệp và ca ngợi công đức của Lê Lợi. Sáu thế kỷ đã đi qua, nước thời gian dường như vẫn còn lưu dấu trên từng đường nét hoa văn uyển chuyển được chạm khắc, trang trí tinh xảo và những con chữ được vuông vức ghi lại lời văn của Vĩnh lộc đại phu, Nhập nội hành kiển tri Tam quán sự. Nghe nói, bia Vĩnh Lăng được đánh giá là bia cổ nhất, to nhất của thời Lê Sơ còn lại và được làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối. Ngắm nhìn tấm bia lừng lững; toạ trên lưng rùa nhẵn bóng bởi thời gian, chúng tôi chẳng rõ cung số dài, rộng của kích thước theo phong thuỷ ra sao nhưng chỉ nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh rằng bia có chiều cao 2,79 m; rộng 1,94 m; dày 0,27 m; bia đặt trên lưng rùa; thần rùa cõng bia có chiều dài 3,46 m; rộng 1,94 m; cao 0,9 m cũng đã thấy hứng thú và khơi gợi tò mò về sự đồ sộ có một không hai của tấm văn bia và cũng là một công trình văn hoá nghệ thuật vô giá của nhà Lê để lại.

Theo xe điện, chúng tôi đi vòng quanh Lam Kinh và được thoải mái ngắm nhìn rừng già bao phủ với những thân gỗ cổ thụ to cao ngất trời trong nắng vàng rực rỡ; được ngang qua các lăng tẩm đền đài của sáu đời vua Lê và hai bà hoàng thái hậu cùng công chúa Thuỵ Hoa đang an giấc ngàn thu ở chính chốn này. Dưới tán rừng xanh mát, chúng tôi lắng nghe cô hướng dẫn viên xướng tên từng đời vua hay từng bà hoàng hậu với những công lao và hành trạng thăng trầm. Cứ thế mỗi đời vua Lê được nhắc tên thì dường như trong tôi lại thấy hiện lên một thời kỳ đất nước với bao buồn vui, sướng khổ. Có thời thái bình, hùng cường được vang lên như bài ca dao truyền khắp thôn cùng ngõ hẻm: “Đời vua Thái Tổ Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. Cũng có lúc rực rỡ, huy hoàng với hội Tao đàn “nhị thập bát tú” để lại cho đời những “Quỳnh uyển cửu ca” hay “Hồng Đức quốc âm thi tập”

… Cứ thế xã hội nhà Lê hiện về trong trí tưởng tượng với một thời binh lửa hào hùng, tướng sĩ một lòng phụ tử; một thời hoà bình phồn thịnh và cũng có một thời oan khiên máu đổ nhức nhối lương tri. Việc Trần Nguyên Hãn tự trẫm và cái chết của Phạm Văn Xảo cùng sự kiện Lệ Chi Viên với bản án chu di tam tộc mãi vẫn còn đó, nỗi oan tày trời mà ngàn thu khôn rửa. Đắm chìm trong những nghĩ suy cùng những buồn vui thế sự của một thời đã qua và rồi lại ngắm nhìn cuộc đất theo cánh phong thuỷ luận bàn để lại bắt đầu hy vọng ...

Nghe bảo, Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ toạ ở huyệt đạo linh thiêng nhất của Lam Kinh. Mộ được đặt trên dải đất đẹp, bằng phẳng gối đầu vào núi Dầu ở hướng Bắc, nhìn về núi Chúa ở hướng Nam làm thành một minh đường trông rất sáng sủa, thoáng rộng tạo nên cái thế hậu chẩm bắc sơn tiền án nam sơn. Hai bên tả hữu có núi Hướng và núi Hàm Rồng làm thành hai cánh tay ngai với thế giao nhau tựa như long chầu hổ phục. Trước mặt Vĩnh Lăng có sông Chu uốn cong hình vành khuyên, đưa nước từ phải sang trái tạo thành thế tụ thuỷ. Có lẽ phong thuỷ đẹp như thế nên thiên hạ đồn tụng Lam Kinh có đủ núi sông kỳ tú, tràn đầy vượng khí và là một trong năm huyệt đạo quan trọng của xứ Thanh (năm huyệt đạo gồm: Cầu Hàm Rồng, chùa Thông, Lam Kinh, Am Tiên, đền bà chúa Thượng ngàn). Có lẽ dân gian truyền tụng và cánh phong thuỷ nói đúng. Bởi không phải thế thì làm sao mà nhà Hậu Lê lại kéo dài được đến vậy, 361 năm (1428 – 1789) với 26 đời vua. Vương triều do Lê Thái Tổ sáng lập không chỉ tồn tại dài nhất trong các triều đại mà còn hiển hách, quang minh, chính thể một cách oai phong đầy tự hào, kiêu hãnh. Ngược dòng lịch sử ta tính nhẩm sẽ rõ: Hai Bà Trưng ở ngôi được 3 năm (40 – 43), Nhà Đinh được 12 năm (968 – 980), nhà Tiền Lê  được 29 năm (980 – 1009), nhà Lý được 215 năm (1010 – 1225), nhà Trần được 175 năm (1225 – 1400), nhà Hồ được 7 năm (1400 – 1407), nhà Mạc được 65 năm (1527 – 1592, nếu tính thêm cả nhưng năm ở Cao Bằng và nương nhờ Trung Quốc thì được thêm 5 năm nữa), nhà Tây Sơn được 24 năm (1778 -1802), nhà Nguyễn được 143 năm (1802 – 1945). Không chỉ vậy nhà Hậu Lê cũng đã góp phần không nhỏ vào việc mở mang bờ cõi về phương Nam. Giở lại lịch sử mở cõi ta cũng sẽ thấy. Đến thời Đinh, Lê lãnh thổ nước Đại Cồ Việt vẫn chỉ là đất đai của các vua Hùng để lại, biên giới phía Nam của ta chỉ dừng lại ở Nghệ An, Hà Tĩnh; thời Lý mở rộng đến Quảng Trị; thời Trần mở rộng đến đèo Hải Vân và nhà Hậu Lê đã mở tiếp đến tận Phú Yên, nếu tính cả ba nước chư hầu của vua Lê Thánh Tông thì lãnh thổ Đại Việt có lẽ phải tính đến tận Hà Tiên. Cứ suy đoán theo kiểu truy nguyên như thế ta mới thấy chọn đất ở là một việc hệ trọng, vùng đất phát tích của Lê Lợi thật là đắc địa. Quả đúng vậy, nếu không có con mắt tinh tường của người địa lý thì làm sao có thể tìm ra cái thế đất địa linh như thế  để rồi đến bốn đời sau vùng ấy có nhân kiệt. Có lẽ sự hưng thịnh của nhà Hậu Lê phải tính cả công lao cho cụ Lê Hối, tổ bốn đời của Lê Lợi, người có công phát hiện ra cuộc đất tốt ở Lam Sơn. Bây giờ đến Lam Kinh thăm thú ta vẫn còn được nghe dân quanh vùng kể lại: một hôm cụ đi chơi đến vùng đất Lam Sơn thấy núi sông thanh tú, gò đồi rộng lớn, đất đai phì nhiêu, cảnh vật thanh u nhưng hùng vĩ, chiều về thấy chim muông bốn phía bay về núi Dầu giống như người bốn phương tụ hội. Biết là đất tốt, cụ liền chuyển cả nhà đến Lam Sơn sinh sống. Kể từ ngày đó nhà cụ ngày càng phát đạt, các đời sau nhà cụ thay nhau làm “động chủ” ở vùng đất này, đến đời thứ tư thì sinh ra nhân kiệt – người anh hùng Lê Lợi. Người vùng Lam Sơn nhớ mãi và truyền đến tận bây giờ cái ngày Lê Lợi sinh ra. Họ kể rằng: hồi đó núi Dầu có một con hổ xám thường ra chơi với người và không hại ai, đến ngày mùng sáu tháng tám năm Ất Sửu (1835) Lê Lợi chào đời ở nhà bà ngoại (làng Thuỷ Chú - xã Xuân Thắng huyện Thọ Xuân) trong ánh hào quang chiếu sáng, đỏ rực khắp nhà và mùi thơm ngào ngạt lan ra khắp cả xóm làng, sau đó con hổ xám cũng biến mất. Thế đấy, tâm thức dân gian là vậy, người kiệt xuất thì phải khác thường cho nên người anh hùng của họ cũng phải có những điều phi thường.

Lam Kinh không phải là cơ quan hành chính của nhà Hậu Lê ở xứ Thanh. Thực chất đó chỉ là khu lăng mộ, tông miếu của gia tộc Lê Lợi. Đứng từ mảnh đất tâm linh này nghĩ về xứ Thanh, vùng đất “đế vương chung hội”, nhẩm tính thấy nơi đây đã sinh ra cho đất nước này gần chục vương triều với biết bao vua (chúa) tài, tướng giỏi; trong đó vùng đất Lam Sơn đóng góp hai vương triều xuất sắc. Đó là nhà Tiền Lê và nhà Hậu Lê. Nổi bật nhất là Lê Hoàn và Lê Lợi. Hai vị anh hùng dân tộc sáng ngời của đất nước, có công đánh đuổi kẻ thù phương Bắc giữ gìn, bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc và xây dựng, phát triển quốc gia phồn thịnh, huy hoàng, rực rỡ khiến kẻ thù phải khiếp đảm. Đúng là sông núi linh thiêng đã sinh ra những hiền kiệt lỗi lạc. Nghĩ thế rồi lại chợt nhớ tới những điều cụ Phan Huy Chú từng viết về xứ này trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”, khi nhận xét về đất và người Thanh Hoá: “Vẻ non sông tốt tươi nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên sinh ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc, xứng đáng đứng đầu cả nước”. Có lẽ vì thế mà hiện thực của vùng đất Lam Sơn còn được bao phủ bởi những ánh hào quang của huyền thoại. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và Đức vua Lê Thái Tổ không chỉ được ghi chép bởi các sử thần đương đại mà còn được lưu truyền sống động trong tâm thức của nhân dân và trở thành một hiện tượng độc đáo của văn học dân gian, đặc biệt là các truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Để rồi khi vén bức màn huyền ảo của những ánh hào quang đó ra ta sẽ thấy rõ hơn cái “tâm tình thiết tha” của nhân dân đối với vua Lê Thái Tổ, người anh hùng áo vải tay không gây dựng cơ đồ và cuộc kháng chiến chống Minh do ông lãnh đạo với mười năm nếm mật nằm gai và được đồng bào hết lòng ủng hộ.

          Sáu trăm năm đã đi qua, tông miếu nhà Lê cũng có lúc thăng trầm theo vận nước nhưng giờ đây trái tim của quốc gia Đại Việt trong sự nghiệp bình Ngô và cũng là huyệt đạo linh thiêng của đất nước đã được nhà nước, con cháu họ Lê và nhân dân chăm sóc, phục dựng, bảo tồn, phát triển với tư cách là khu di tích Quốc gia đặc biệt. Trở lại Lam Kinh, đắm chìm trong không khí tôn nghiêm giữa không gian mênh mông của rừng già, ta như được ngược về quá khứ để sống lại với một thời kỳ lịch sử hào hùng, oanh liệt và hưng thịnh vào loại bậc nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam. Dạo bước giữa rừng già rồi lại thong dong bên dòng sông Ngọc uốn quanh thành điện lòng người ai chẳng bâng khuâng, thành kính và biết ơn tiên tổ. Nhưng dường như thế vẫn chưa đủ, trong lòng vẫn thấy cộn lên như thể còn có cái gì đó hao khuyết so với tầm vóc vốn có của không gian văn hoá nơi này. Bỗng chợt nhớ tới khu di tích Quang Trung ở huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định thì phát hiện ra Lam Kinh còn thiếu một bảo tàng. Hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa nhà trưng bày Lam Kinh sẽ được nâng cấp trở thành bảo tàng về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi để cháu con muôn nơi về đây không chỉ được thăm viếng  mà còn được trực quan hơn nữa về mảnh đất “Lam Sơn tụ nghĩa muôn dân/ Mười năm mưu lược chống quân bạo tàn”.

          Mùa thu, tháng tám đang đến, hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi; Lam Kinh đang đợi người về dâng hương và trẩy hội để lại được bên nhau cùng nghe tiếng cồng, tiếng chiêng trong điệu múa Xuân Phả và trò chơi Binh Ngô phá trận.
 

  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh