PHAN ANH


  Cây Quất & Ngày Xuân
                                                                 
 
Theo chuyện xưa, cây quất ban đầu gọi là cây chanh quả vàng, một cây quí của nhà vua. Cây ấy được dùng làm phần thưởng cho cậu bé tên Quất, người có công giúp vua đánh giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước. Truyện kể rằng, trước khi trao cây quí của mình cho Quất nhà vua có dặn: “nếu muốn có vàng thì cứ hái quả, còn nếu muốn đuổi rét kêu nắng hãy bẻ cành mà trồng xuống đất”. Và cậu bé tên Quất ấy đã bẻ cành lá của cây chanh quả vàng mà vua tặng cho mình để trồng xuống đất cứu những người bạn thân và bà con dân làng cùng muôn loài cây cối, muông thú qua khỏi trận giá rét khắc nghiệt kinh hoàng của mùa đông. Ghi nhớ công lao và lòng nhân đức của Quất người ta đã lấy tên của cậu bé để đổi tên cho cây chanh quả vàng. Và cũng từ đó, hàng năm hễ vào mùa đông chỉ cần thấy cây quất ra hoa kết quả màu vàng là biết mùa xuân ấm áp với những ánh nắng vàng tươi đang trở về. Cây quất ấy đã trở thành cây báo mùa, lại là mùa xuân. Bởi thế mùa quất kết trái sai cành vàng rực cũng là tín hiệu chuyển mùa sang một năm mới.
Chẳng biết có phải nguồn gốc sâu xa từ câu chuyện kể trên mà người Việt có cái thú chơi cây quất trong những ngày đầu năm. Cái thú ấy lâu ngày thành quen, rồi trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc trong những dịp Tết Nguyên Đán. Bây giờ có không ít người còn bảo rằng: tết mà chưa có quất, chưa có đào thì chưa phải là tết. Thế đấy, trên khắp mọi miền của đất nước, mỗi khi mùa xuân về, nhất là ở miền Bắc, cây quất cùng với cây mai, cây đào là những loại cây không thể thiếu được trong mỗi gia đình, thậm chí ở cả các cơ quan công sở.
Nhớ lại, thời xưa, mọi nhà chơi quất chủ yếu là tự cung tự cấp. Thường thì mỗi nhà trồng một vài cây làm cảnh và lấy quả để ăn. Tết đến, chủ nhà tìm chọn một cây thật đẹp đưa vào chậu mang để trong nhà hoặc trên hè rồi trang hoàng đẹp đẽ chơi tết. Và cứ độ ngoài rằm tháng riêng người ta lại đưa cây ra vườn trồng lại để đợi đến mùa tết năm sau. Nhà ngoại tôi cũng vậy, ông tôi là một nhà nho nên rất thích quất. Ông trồng mấy cây ở đầu sân vừa để làm cảnh vừa để lấy quả. Tôi nhớ, ông chăm quất lắm, thỉnh thoảng người lại xem lá, bắt sâu, diệt muội cho cây. Ông thường bảo tôi nếu cây có sâu hay bị lá vàng mà không bắt, không tỉa bỏ thì sẽ bị sâu đục thân và lá vàng lây sang lá khác thì quất sẽ chết. Tôi còn nhớ, cứ vào khoảng cuối tháng sáu, đầu tháng bảy (âm lịch) ông tôi lại đảo quất (nhằm hãm cho cây ra quả rồi chín đúng vào dịp tết), ông bứng cây lên, phơi nhẹ ngoài nắng khoảng độ chục ngày, rồi tỉa bớt cành lá, tạo thế, tạo dáng cho cây và đem trồng lại. Chưa hết, đến độ cuối tháng tám hoặc đầu tháng chín (âm lịch) khi cây chuẩn bị ra hoa, kết quả ông lại chăm bón cho quất để cây được xanh lá, sai quả và chín vàng vào đúng độ đầu năm mới. Nói thì vậy thôi nhưng chăm cây thì quả kỳ công. Chắc hẳn phải yêu quất lắm thì ngoại tôi mới tạo ra được những cây quất với đủ các thế tam đa, ngũ phúc hay hình tháp một cách cầu kì và đẹp mắt đến vậy.
          Bây giờ quê tôi, làng đã chuyển dần sang phố, người đông đất ít nên vườn nhà cũng ít đi và lẽ dĩ nhiên những cây quất cũng vắng bóng hoặc thưa thớt. Tuy nhiên cũng không phải vì thế mà tết không còn quất chơi. Trái lại, tết đến hầu như nhà nào cũng có cây quất. Một cây quất được treo quấn những bóng điện nhỏ xíu với đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng nhấp nha nhấp nháy trong đêm nhìn cũng khá vui mắt. Những cây quất ấy được đưa về từ những vùng chuyên canh ở Tây Hồ (Hà Nội) hay Văn Giang (Hưng Yên)… Thế đấy, cái thời đại công nghiệp này cái gì cũng có, cái gì cũng được “sản xuất” lớn. Những ngày gần tết, nhất là từ ngày ông công ông táo trở đi, xe ô tô trở quất từ khắp mọi nơi đổ về các chợ tết, dọc các ngã ba, ngã tư hay hai bên đường của các khu phố trung tâm. Trời ơi, quất nhiều vô kể, trên trời dưới quất, quất có đủ loại, đủ thế nhưng thích nhất vẫn là quất của vùng Tây Hồ. Cứ thế người ngắm, kẻ mua rộn ràng, náo nức, nhất là vào những ngày áp tết. Xem ra cái thú chơi quất bây giờ có khi còn phát triển hơn cả ngày xưa. Nhưng ngẫm ra, cái thú chơi ấy chỉ ào ào như nước đổ lá khoai. Nó kém hẳn cái thú vui của người được tỉa cành, bứt lá, uốn cây và hì hục bới lên đặt xuống, trông ngày trông đêm như ngoại tôi thửa nào.
          Ngày ngoại tôi chưa mất, người thường hay nói với mọi người rằng, cây quất có đủ năm yếu tố ứng với sự tương sinh của ngũ hành. Đó là Kim (hoa màu trắng) sinh Thủy (lá xanh đậm), Thủy sinh Mộc (thân cây), Mộc sinh Hỏa (quả chín màu cam), Hỏa sinh Thổ (đất trong chậu) và Thổ sinh Kim (hoa màu trắng). Và người bảo, cái cây như vậy là có đủ đất trời trọn vẹn. Nó tượng trưng cho sự may mắn, phúc lành. Không những thế cái tên quất khi phát âm cũng gần với âm cát, theo tiếng Hán cát có nghĩa là tốt lành, may mắn. Có lẽ bởi vậy mà thú chơi quất ngày tết mới thịnh hành và trở thành một nét đẹp văn hóa đến tận bây giờ của người Việt Nam ta.
Nhưng chơi quất cũng có năm bảy đường chơi. Chơi đâu có dễ. Thú chơi nào cũng có cái công phu riêng. Và chơi quất cũng vậy, cũng phải kỳ công lắm. Để chọn được một cây quất đẹp, có ý nghĩa phong thủy người chơi phải chú ý từ gốc, thân, tán, lá, đến quả, hoa, nụ, lộc … Cây quất đẹp là cây có gốc to, thân cứng cáp; các tán các tầng tạo thế đối xứng hài hòa; lá to, xanh đậm và bóng mượt; quả nhiều và đều, vỏ mỏng màu cam bóng láng và có đủ các loại từ quả xanh, quả ương đên quả chín (không được chín quá); hoa và nụ có đủ cùng với lộc non xanh mướt. Những người duy tâm thường chơi quất để gửi gắm những tâm sự, ước muốn vào một năm mới. Nếu cầu ước sự trù phú, ăn nên làm ra, sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu thì người ta tìm những cây quất có lá xanh tốt, quả vàng chi chít. Nếu cầu mong con đàn cháu đống, đa lộc đa sức thì người ta chọn quất tam đa (cây có ba cành lớn hoặc ba tán) với đủ quả xanh quả, quả ương, quả chín cùng hoa và lộc … Bởi vậy, khi chọn quất người ta tìm cây có đủ tán, thế, lá, quả, hoa nhưng sẽ tuyệt hơn nếu có thêm những nụ hoa trắng xinh. Và tuyệt đẹp hơn khi nụ hoa ấy lại được hé nở vào đúng dịp giao thừa. Người ta bảo, nhà nào có phúc được cây quất như thế thì năm đó gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, cát tường, phúc lộc bởi “hoa khai phú quý”.
          Cây quất như thế nên cũng đã được đi vào thơ ca. Cổ thi từng có một bài vịnh quất rất hay của cụ nghè Yên Đổ. Có lẽ, cũng bởi yêu cái đẹp của dáng hình thanh sắc cùng những hàm nghĩa ẩn ý sâu xa của quất mà cụ Tam Nguyên đã phải thú nhận rằng: “Ái cúc dữ ái liên/ Cổ giả ái phi nhất/ Dư tính tố kiêm ái/ Vãn niên độc ái quất” (Yêu cúc cùng yêu sen/ Mỗi người ưa mỗi mặt/ Ta tính vốn yêu chung/ Đến già chỉ yêu quất). Đúng thế, cây quất rất hợp của tuổi già. Phải ở cái tuổi thật sâu sắc người ta mới nhận ra vẻ kín đáo, thâm trầm nhưng đầy nội lực của quất. Hình như phải trải qua một hành trình của đời người với bao nỗi truân chuyên để đến khi về ẩn ở nơi chốn quê nhà, ngẫm lại dặm dài đã đi, con mắt xanh tinh tường của Nguyễn Khuyến kia mới kịp nhận ra cái đáng yêu của quất: “Ái vị tân bất liệt/ Ái vị toan bất lạt/ Ái vị khổ phi đảm/ Ái vị cam phi mật” (Yêu vì cay không tệ/ Yêu vì chua không gắt/ Yêu vì ngọt khác đường/ Yêu vì đắng khác mật). Dường như một sự bừng tỉnh, nhà thơ đã thấy được cái vừa phải về mức độ của quất, cái gì cũng ở ngưỡng vừa đủ cho người ta nhớ, cho người ta yêu. Không những thế, sâu sắc hơn, vị quan nhà Nguyễn nơi xứ đồng quê chiêm trũng ấy cũng đã nhìn thấu để nhận ra và thích thú ngợi ca cái phẩm chất khiêm nhường cùng một bản lĩnh cứng cỏi của quất mà dễ gì các loài cây quí khác có được: “Bất dữ cạnh phương phi/ Bất dữ tranh oái uất/ Tiểu viên thẩm dị an/ Long đông khởi năng khuất” (Chẳng đua hương ngọt ngào/ Chẳng chen nơi sầm uất/ Vườn nhỏ từng sống quen/ Hơi đông khó lòng nạt).
Chiều nay, ngang qua cánh đồng quất Tứ Liên, từng cơn gió chuyển mùa từ Sông Hồng phả lại như thể đang đưa hơi ấm mùa xuân trở về rung rinh trên những cành quất đương thì lá biếc, quả sai trĩu cành, vàng ruộm hòa trong sắc nắng hanh hao. Cái hơi ấm của mùa xuân đang về ấy như thể được gửi vào trong nắng, luồn vào trong từng cơn gió còn se se lạnh. Bất giác lòng lại rộn ràng đón đợi xuân sang. Xuân về trên những cành quất. Chỉ dăm ngày nữa thôi quất sẽ  được đưa xuân về trên phố. Thế đấy, mùa xuân đất Việt đâu chỉ có hoa đào, đâu chỉ có hoa mai mà còn có cả cây quất. Cái dáng hình và những sắc màu thân thương của cây quất đã khiến bao kẻ xa xứ phải nao lòng, bâng khuâng, ngẩn ngơ, thẩn thờ trong phút giao thừa nơi đất khách.
 

  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh