PHAN ANH
 
Chiều Nay HỒ TÂY …



Tác giả: Phan Anh 
 
Tan họp. Về ngay thì đường tắc. Và cũng đã lâu rồi chưa được ngắm hồ Tây trong buổi hoàng hôn của cái tiết trời vừa khi chớm đông với cái lạnh còn như thể mới mơn man trên da thịt xen lẫn những màn khói sương huyền thoại đang dần buông trên mặt nước hồ mênh mang nên chúng tôi dễ dàng nhất loạt đồng tâm hướng về phía cửa hàng Bánh tôm Tây Hồ. Vậy là “let's go” (đi nào). Chúng tôi thẳng tiến theo hướng “đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”. Từ Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ trên đường Lạc Long Quân, men theo con đường vòng cung bên hồ trong cảnh “heo may tan nhòa”, “nhạt phai sắc nắng”, giữa bốn bề xôn xao gió thoảng làm cho một vùng trời nước bao la không ngừng xao động với hàng trăm ngàn con sóng lăn tăn nối đuôi nhau đuổi bắt; khiến cho cây lá bên hồ không thể lặng yên soi mình trong bóng nước hồ xanh để mặc sức gây thương nhớ. Trái lại cái chuyển mình của tiết trời giao mùa cứ tưởng êm như ru giữa biển trời sương khói kia vẫn có sóng ngầm làm cho người ta không khỏi ngỡ ngàng như thể đang được xem một cuộc vật lộn thầm lặng của tự nhiên khiến cơn chuyển mùa cũng nghiêng ngả trong từng cơn nóng lạnh thất thường. Cứ thế, chiếc xe chậm chậm nhích chuyển dần từng tí một trên con đường đúng giờ tan tầm, chật ních người xe làm cho chúng tôi cứ tưởng mình đang được quay chậm qua một miền đất huyền sử với biết bao đình, đền, chùa, miếu của vùng đầm Xác Cáo – Lãng Bạc – Dâm Đàm – Kim Ngưu … nổi tiếng bao đời. Cuối cùng rồi cũng đến, khi màn đêm vừa buông, chúng tôi cũng kịp ngược lên phía Bách Thảo rồi ngang qua đền Quán Thánh, đến ngồi bên đối diện với chùa Trấn Quốc trên đường Thanh Niên mà nhẩn nha ngồi hóng gió trời từ hồ Trúc Bạch thoang thoảng đưa sang và lặng ngắm “mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi” để chờ xem “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”… trong hương vị của bánh tôm nức tiếng Hà thành.

Có lẽ điểm trừ duy nhất trong chuyến vãn cảnh “bất đắc dĩ” vì sự cố đường sá muôn thủa của thủ đô này của chúng tôi là phải ngắm nhìn “mênh mông hồ, sương thu tan trong gió” trên xe bốn bánh. Bởi vậy, cái cảnh “Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng” cùng tiếng “sóng vỗ bờ, âm thanh tan trong gió” của Hồ Tây kia chỉ hiện lên trong trí tưởng tượng của mọi người qua tiếng hát như “điên” như “tỉnh” đầy bản năng, phảng phất nét ả đào duyên dáng của người đàn bà hát Thanh Lam đang vọng ra từ những chiếc loa pionneer. Bù lại, qua lớp cửa kính của ô tô, tất cả chúng tôi đều tránh được phần nào những tiếng nổ ồn ào cùng mùi khói, xăng của các loại ô tô xe máy đang thi nhau “điền vào chỗ trống” trên các ngả đường và cũng được mãn nhãn với cảnh trời nước bao la giữa những màn sương mờ ảo đang nhẹ nhàng buông rơi, lan phủ trên mặt hồ một cách thơ mộng để chuẩn bị cho khung cảnh “bát ngát trăng ngân một khoảng trời” hiện ra cùng muôn vàn sắc màu đang thi nhau nhấp nháy, lung linh trên mặt nước mênh mang, được phản chiếu từ trăm ngàn ánh đèn trên những tầng cao tầng thấp của các tòa nhà trập trùng ở bốn phía bên hồ mờ xa. Tất cả hiện lên nửa thực nửa mơ tựa như những thước phim diễm lệ đang quay chậm mà thâu hết vào trong tầm mắt khiến ai đó ngang qua không khỏi nao lòng, thổn thức.

Phải nói rằng, ở Hà Nội có nhiều điểm lý tưởng để ngắm hoàng hôn. Tôi đã từng đứng ngắm khối tinh cầu đỏ rực lụi tắt trên cây cầu Long Biên cổ kính – cây cầu được gọi là chứng nhân của lịch sử, nhấp nhô, uốn lượn tựa như dáng rồng bay trên dòng sông đang rực lên sắc đỏ cuồn cuộn phù sa trong thanh âm xình xịch xen lẫn hồi còi tu tu của đoàn tàu ngược lên mạn Bắc khiến cho không ít người liên tưởng đến hình ảnh con tàu đang bị nuốt dần trong bóng hoàng hôn. Và, còn nữa, hoàng hôn buông trên hồ Gươm cũng rất lãng mạng, thơ mộng. Khi ánh chiều cuối ngày xuyên qua những tán lá tỏa xuống mặt nước xanh lục, hồ Gươm bỗng ngời lên một màu sáng huyền diệu, rực rỡ, lung linh như thể mặt nước vừa được dát vàng làm mê mẩn những bước chân bộ hành. Nhưng có lẽ, ngắm hoàng hôn ở đất Hà thành không đâu có thể đẹp bằng ở Hồ Tây. Bất kể mùa, lúc nào cũng vậy, ngay cả những khi chiều đông tê tái, dù nắng chiều có yếu ớt buông xuống thì mặt nước màu lam vẫn ánh lên những sắc đỏ lấp lánh trên mặt hồ yên ả khiến người qua không khỏi nao lòng, thích thú.
Chiều buông trên mặt nước hồ Tây có lẽ không phải bây giờ mới có. Hàng ngàn năm qua dường như chiều nào cũng vậy, nếu không có bóng chiều rực rỡ để tạo lên những khoảnh khắc hư thực của đất trời thì hồ Tây vẫn quyến rũ người ta bởi những màn sương giăng mắc mờ ảo trong khắp các khoảng không của buổi chiều đông ảm đạm. Chợt nhớ ngày xưa có lần ngang qua đường Cổ Ngư trong mùa sương giăng mắc, liễu rủ trong màu sương tựa như tóc huyền buông xuống soi gương bên hồ. Bây giờ dáng liễu lơ thơ, buông mành yểu điệu trên mặt nước của những ngày xưa ấy đã đi đâu. Và chẳng hiểu sao cứ nghĩ đến liễu rủ trên đường Cổ Ngư là ta lại nhớ đến cây liễu của Thạch Lam cho dù chẳng phải là cây liễu ấy: “Tây Hồ có danh sĩ/ Nhà thì ở nhà tranh/ Cửa trúc cài phên gió/ Trước thềm bóng liễu xanh...”(Huyền Kiêu). Con đường tình yêu (tên gọi của mọi người về đường Thanh Niên hay còn gọi là đường Cổ Ngư) cong cong, duyên dáng, uốn lượn giữa hai hồ nước làm hiện bát ngát một màu xanh mát. Cái màu xanh của lá lồng trong màu xanh của nước cùng hàng phượng vĩ trổ mã khoe sắc bên những nàng ban Tây Bắc yêu kiều thay thế cho những gốc liễu thủa xưa hình như cũng khiến cho chiều đông bớt thắm. Ngồi bên mép nước, nhìn về Tây phương ta trông thấy rõ mặt trời đang chầm chậm rơi xuống và khuất dần sau những tòa nhà cao tầng ở phía đối diện bên kia hồ nước lai láng, mờ xa. Dường như, đây cũng chính là cái khoảnh khắc huyền diệu nhất của một ngày sắp tàn. Hàng ngàn tia sáng lung linh đang giỡn sóng; nhảy nhót, lấp lánh trên khắp mặt hồ khiến màu nước xanh lam bỗng chuyển mình loang lổ thành một màu đỏ rực, rồi lặng lẽ chìm dần vào màn đêm theo ánh mặt trời lặng khuất để chìm vào màn đêm tối sẫm một màu trong hằng hà xa số ánh điện lung linh trên khắp những hàng cây, cao ốc; giữa dòng xe xuôi ngược nhộn nhịp, bất tận.

          Bây giờ, tên gọi đường Thanh Niên đã trở thành phổ biến. Cái tên đường Cổ Ngư dường như chỉ còn trong câu hát. Chẳng hiểu sao tôi vẫn thích cái tên gọi của ngày xưa hơn. Cái tên gọi ấy không chỉ gợi lên sự trầm tư, trang nhã mà như còn rắt réo kể lại lai lịch một cung đường huyền thoại. Có người bảo, Cổ Ngư là cách đọc chệch của từ Cố Ngự (đọc nhiều thành quen). Cố Ngự có nghĩa là giữ cho vững. Chẳng là Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch vốn xưa là một. Đến thế kỷ XVII, để khỏi phải đi vòng từ Yên Ninh đến Yên Hoa, người ta cho đắp một con đường nhỏ để làm lối đi. Cái con đường nhỏ ấy liên tục bị những sóng nước hai hồ xô lở. Để giữ được con đường đi tắt ấy, người ta thường xuyên phải gia cố, bồi đắp cho vững. Bởi vậy mới có cái tên Cố Ngự. Thế rồi đến đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, Bác Hồ đã cho Đoàn Thanh niên cộng sản mở rộng, làm đẹp lại con đường và chính thức đổi tên đường Cổ Ngư thành đường Thanh Niên.

          Con đường Cổ Ngư là con đường “số hưởng”. Một con đường “vang bóng một thời”. Đầu đường là chùa Trấn Quốc tọa lạc, duyên dáng như một đài sen nổi trên mặt nước; cuối đường có đền Quán Thánh sừng sững, uy nghi, linh thiêng trấn giữ cửa Bắc kinh thành. Đứng trên cao ốc nhìn xuống, đường Cổ Ngư tựa như đôi cách tay vạm vỡ giang rộng đang khoác bên mình một bên là hồ Trúc Bạch và một bên là hồ Tây. Con đường đẹp nổi tiếng Hà Nội ấy “ăn chơi” chẳng phải bây giờ mới thế, từ hàng ngàn năm trước, bao đời vua chúa đã đặt các hành cung quanh hồ để làm nơi vui chơi, thưởng lãm. Cung đường Cổ Ngư khi xưa cũng là một trong những hành cung uy tín của nhà Trần với điện Hàm Nguyên (chùa Trấn Quốc) hay nhà Lê với điện Thụy Chương (Khu trường THPT Chu Văn An). Không chỉ là nơi vui thú của thời xưa, cái hồi thuộc Pháp, đầu thế kỷ XX, cung đường nổi tiếng ấy cũng đã được Vũ Trọng Phụng nhắc tên trong “Số đỏ”: “Về phía tây thành Hà Nội có một cái hồ mà người ta đã chịu khó ngăn đôi ra bằng một con đường để cho nó thành ra hai cái hồ. Con đường ấy là con đường Cổ Ngư, nổi tiếng khắp xứ”. Con đường nổi tiếng ấy chính là nơi ông vua phóng sự đất Bắc đã tưởng tượng ra cái khách sạn Bồng Lai để cho cô Tuyết tiểu thư hẹn hò với chàng Xuân Tóc Đỏ: “Bởi vậy, hôm nay Tuyết và Xuân rủ nhau lên đây, cô thì vì tư tưởng giải phóng, muốn bị mang tiếng là hư hỏng, cậu thì vì cái trách nhiệm nặng nề muốn làm hại một đời một tiểu thư khuê các. Khi vượt qua cái cổng xi-măng xây theo lối Nhật, Tuyết bảo Xuân: Chúng ta sẽ thuê chung một gian phòng! Chúng ta sẽ ăn uống chung với nhau, khiêu vũ với nhau, đánh ping-pong với nhau, tắm với nhau, chèo thuyền với nhau, cái gì cũng với nhau. Tôi cần phải tất cả mọi ngưòi được trông thấy là đi với mình, mình ạ”. Chỉ là tưởng tượng thôi nhưng phần nào cũng thể hiện chất chơi lãng mạn của một vùng đất ven hồ. Bây giờ con đường ấy vẫn là điểm hẹn của biết bao nam thanh nữ tú mỗi khi chiều buông.

          Đến đường Cổ Ngư không thể không ăn bánh tôm trong nhà hàng Bánh tôm Hồ Tây. Bánh tôm nhà hàng ấy bây giờ chẳng được như xưa nhưng không ăn thì cũng có lỗi với cảnh sắc nơi này. Nghe kể, ngày xưa người ta bán bánh tôm trên những gánh hàng rong. Gánh hàng bánh tôm có một bên để hỏa lò nho nhỏ làm bằng đất cùng ít củi khô trên có chiếc chảo gang nho nhỏ (khi đun, củi được cho vào, đốt lên, đun nhỏ lửa) và một bên để nguyên liệu gồm có bột mì trộn khoai lang thái con chì, khi nhào bột người ta cho thêm ít bột nở, tôm tươi của hồ Tây, nước chấm (nước mắm, đường, dấm, ớt, hạt tiêu – hòa đủ một lượng nước đun sôi vào nước mắm để giảm độ mặn, rồi thêm các gia vị cho dậy mùi), rau sống: rau muống chẻ nhỏ, hung láng, tía tô, kinh giới, rau ngổ, rau mùi, rau xà lách, rau diếp. Người bán hàng trộn bột mì, bột nở vừa đủ cùng khoai lang với nước sạch thành một hỗn hợp sột sệt. Sau đó múc ra một chiếc khuôn có tay cầm hình tròn, mỏng, to gần bằng miệng bát ăn cơm và nhúng vào chảo mỡ đã đun nóng, rồi để ba bốn con tôm tươi vừa đánh từ hồ Tây lên, rửa sạch, cắt bỏ râu, đuôi. Khi rán con tôm chín đỏ, cong lại như hình một dấu hỏi. Khi bột mì trộn gặp mỡ nóng sẽ bong ra khỏi chiếc khuôn. Khi bánh vừa chín tới thì nhấc ra, cắt làm tư, nhúng vào nước chấm ăn kèm rau sống … Ăn bánh tôm ta thấy cái giòn, cái dai, cái dẻo của bột rán, chất ngon ngọt của thịt tôm tươi hồ Tây, mùi thơm, vị bùi, vị ngọt của khoai lang hòa trong vị ngọt, mặn, chua, cay của nước chấm. Ăn bánh tôm hồ Tây càng nóng càng ngon. Vừa ăn vừa xuýt xuýt xoa xoa càng thích. Ai đã ăn bánh tôm một lần hẳn sẽ còn nhớ mãi. Người ta ăn bánh tôm không phải ăn lấy no mà là ăn cho thích, cho vui. Đó là một thức quà sáng tạo cực kỳ dân dã của người dân lao động quanh hồ, khởi thủy là những hàng rong, rồi vô tình đã trở thành một đặc sản mang tính thương hiệu gây thương nhớ của Hồ Tây thương luyến. Bánh tôm từ nguyên liệu cho đến cách làm không khó, có ở khắp nơi, ngoại trừ tôm tươi đánh lên từ hồ Tây nhưng có thể thay bang tôm nơi khác nhưng người ta vẫn chỉ thấy ngon khi ăn ở chính hồ Tây mà trung tâm là đường Cổ Ngư. Thì ra ẩm thực chỉ ngon khi phù hợp với ngoại cảnh. Ngồi ăn bánh tôm ở đường Cổ Ngư ta sẽ thấy nó cực kỳ ngon trong buổi hoàng hôn, nhất là cuối thu đầu đông để đưởng thưởng thức hương vị bánh tôm trong cái se se lạnh và nhìn màn sương bao phủ mờ ảo trên mặt nước bao la, được co ro trong cơn gió dịu nhẹ thổi từ hồ Trúc Bạch đưa sang. Và khi màn đêm buông xuống vừa ăn bánh tôm ngừa ngắm trăng thanh hòa trong màn đêm lung linh điện sáng với sao trời thì càng thú vị. Chưa kể ăn bánh tôm trên đường Cổ Ngư ta như được hòa mình vào sự dập dìu của những nam thanh nữ tú khiến cho tâm hồn cũng trở nên tươi trẻ. Bao nỗi ưu phiền, bụi trần dường như được rũ bỏ cho tâm hồn được thanh lọc nhẹ nhàng. Bây giờ bánh tôm Tây Hồ không còn trên những gánh hàng rong tòng teng trên con đường Cổ Ngư nữa. Nó được sản xuất theo thời đại công nghiệp. Muốn ăn bánh tôm ta vào nhà hàng bánh tôm Hồ Tây đối diện cổng chùa Trấn Quốc. Bánh tôm nhà hàng có đấy, gọi bao nhiêu cũng được nhưng vị và hương xưa đã bay đi ít nhiều. Nhớ và cũng tiếc thay.   

Bây giờ hồ Tây không còn hồng hoang như thủa nào của chúng tôi nữa, phố xá dọc bên hồ đã hiện đại và sang trọng hơn rất nhiều so với hơn ba chục năm trước đây, cái thủa tôi còn là học sinh phổ thông thi thoảng trốn học đua theo chúng bạn vác cần đi câu. Đường bên hồ không còn là những con đường đất như những ngày xưa. Bây giờ là những con đường trải nhựa át phan đen bóng, êm ru mở ra rộng dài bao quanh hồ nước mênh mông dễ đến gần hai chục cây số; đêm đêm, những điện đèn rực sáng, lung linh giữa trời cao át cả muôn ngàn trăng sao khiến hồ Tây giờ đây cũng không còn cái thanh tĩnh của thủa xa xưa. Những thanh âm, khói bụi dường như không ngừng, không ngớt được phả ra từ ống khói của hàng trăm ngàn loại xe đang lối đuôi nhau, ngược xuôi như mắc cửi, gầm rú, ì ạch, lê nhích từng bước của bao kiếp mưu sinh giữa hàng trăm tòa nhà cao ốc trọc trời đan xen, bủa vây tứ phía ... Ấy vậy chẳng hiểu sao trong tôi Hồ Tây và con đường Cổ Ngư của những buổi “ngày xưa” vẫn khắc khoải vọng về cùng với “phố cũ rêu phong”, với những con đường xào xạc lá vàng bay trong tiêt heo may dịu dàng, ngạt ngào hương sữa thơm nồng tỏa ra từ những chum hoa trắng li ti. Và, trong bao nỗi niềm nhớ thương da diết của ngày xưa ấy, ký ức của tôi không khỏi hiện về một Tây Hồ mênh mang “lao xao hoài con sóng” giữa ánh chiều lấp loáng với đủ sắc màu rực rỡ trong những buổi hoàng hôn khi cuối thu, đầu đông trước cảnh bầy “sâm cầm, vịt trời, le le bay rợp trời như trấu vãi”.
 


  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh