PHAN ANH


KHÚC GIAO MÙA,
TẢN MẠN VỀ LỘC VỪNG
                                 
 
Người đời thường bảo con người sinh ra mỗi người một số, một phận. Nếu có số, có phận do trời sinh như thế thì cỏ cây hoa lá ắt cũng vậy. Như thế thì lộc vừng có lẽ thuộc dòng số “hưởng”. Suy ngẫm, chiêm nghiệm thì nói vậy thôi, thực ra trong tôi chẳng bao giờ so đo đến ý nghĩa của mỗi loài cây để mà yêu hay ghét. Sự thích thú, khoái cảm cái giống thảo mộc ấy trong tôi vốn không được định sẵn mà thường bất chợt bùng lên do những xúc cảm thẩm mỹ của chính cây cỏ khơi dậy trong những khoảnh khắc nhất thời nào đó. Có thể, đó là rừng thông vi vu bên những sườn đồi, vách núi hay dăm ba ngọn lau phất phơ trên bãi sông, bờ suối. Đôi khi lại là cái màu phơn phớt tím rung rinh trong gió của đám hoa trinh nữ phủ đầy gai góc bên lề đường trong buổi chiều hôm... Vậy đó, đôi khi những hình ảnh ấy cứ ẩn hiện và bất chợt hiện về làm thức dậy bao nỗi niềm của cảm xúc có khi buồn có khi vui với đủ các cung bậc lúc thì trầm lặng lúc lại rộn ràng, xao xuyến khiến tâm hồn như thể được thanh lọc một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Thế đấy, cái cảm xúc vô định ấy lần này lại chợt về trong tôi nơi tán cây có sắc lá vàng, lá đỏ của những gốc lộc vừng trong nắng giao mùa cuối xuân nơi trước nhà hoặc bên hồ hay rải rác đâu đó trên dọc dài những con phố.
Mưa xuân hãy còn rây rắc, chỉ thoảng chao cánh én mà không gian như thể trải ra miên man một màu vàng óng ả đẹp tựa bức tranh mùa thu của Levitan với những gốc lộc vừng lá vàng, lá đỏ rờm rợp, rạo rực trên những tán cành đang chờ tuôn tràn xuống thảm cỏ. Sải chân dưới hàng lộc vừng, ngây ngất cùng nắng xuân trong tiết giao mùa mà ta cứ ngỡ mình như đang lạc bước giữa rừng phong trong mùa thay lá của tiết trời mùa thu dịu nhẹ, mơ màng nơi xứ sở Kim Chi hay con đường Bạch Bạch Dương đầy lãng mạn, quyến rũ thiết tha của nước Nga bên trời Âu xa xôi. Tháng ba, khúc giao mùa như tơ mành óng ả đẹp tựa thanh xuân của đời người khiến từng bước chân ta phải xốn xang, ngập ngừng, ngẩn ngơ, bâng khuâng, xao xuyến ...
Tháng ba, khi ánh “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” xuyên qua các tán cành nâu sám, sần sùi của hàng lộc vừng hòa với màu lá cuối mùa vàng ruộm tạo thành những dải lụa óng ả mềm mại kết nối đất trời làm bừng lên một không gian mơ màng, huyền ảo đậm chất liêu trai, tựa như thế giới cổ tích của nơi xứ sở thần tiên... Lặng nghe những thanh âm thoảng đưa trong gió, theo mỗi nhịp bước ngân lên xào xạc của đám lá lìa cành đang trải thảm vàng rực như để nâng niu bước từng gót sen hồng của các cô nàng đang mê mải check in ta bỗng thấy đất trời và con người hiện lên trong trẻo và nguyên sơ đến lạ với biết bao cảm xúc yêu thương đang dâng trào, lắng đọng.
Cuối xuân, lộc vừng như một bản giao hưởng sắc màu hiện trên cây lá vô cùng đáng yêu tạo nên biết bao cung bậc cảm xúc diệu kỳ sống động khiến không ít bước chân ngang qua phải sửng sốt, ngỡ ngàng; làm nhớ nhớ, thương thương; gây vấn vương, xao xuyến cho cả người đi lẫn kẻ ở lại. Tháng ba, đất trời giao hòa trong khoảnh khắc lộc vừng thay lá khiến mùa xuân cũng trở nên lung linh hơn, hoàn hảo hơn. Dường như bao nhiêu linh khí tinh túy nhất của thiên nhiên trong tiết xuân thì đang lắng lại để làm thành một bản tình ca giao mùa trong sắc là vàng, lá đỏ buông rơi đẹp đến nao lòng. Những chiếc lá cuối mùa cùng bừng lên thay sắc làm thành “một phút huy hoàng” trước khi lìa cành để báo hiệu đã qua những ngày mưa phùn giá rét và chuẩn bị trồi lên những mầm non lộc biếc, búp lá non tơ đón chào những tia nắng hạ. Bản giao hưởng tháng ba với những giai điệu thật đáng yêu ấy của lộc vừng đã thức dậy những ánh mắt, nụ cười và bờ môi ấm của không ít chàng trai, cô gái; khiến cho bao trái tim vừa mới chớm yêu phải mê mải, nức nở, thổn thức.  
Người ta truyền bảo, lộc vừng là cây phong thủy mang lại những điều may mắn, tốt lành. Có lẽ vậy, chỉ cái tên thôi, lộc vừng cũng đã thu hút sự yêu thích của không ít người chơi cây. Chữ lộc của cây ứng với tài lộc còn chữ vừng dễ làm người ta liên tưởng đến những hạt vừng, tuy bé nhỏ nhưng lại nhiều đến vô kể. Chưa hết, mấy lão nghệ nhân bon sai còn liệt lộc vừng vào hàng tứ quí “Sanh - Sung - Tùng - Lộc” (sanh có nghĩa là trường sinh, phát tài; sung gợi lên sự sung túc, tròn đầy, viên mãn; tùng tượng trưng tiết tháo thanh cao của bậc chính nhân và cũng có nghĩa sống lâu, trường thọ; lộc đem lại vận may, tài lộc). Bởi thế, chẳng biết từ bao giờ, từ người bình dân đến giới quyền quí chức sắc, từ không gian linh thiêng nơi tôn nghiêm đình đền gò miếu hay chốn dinh quan phủ chúa cho đến sân vườn quê kệch, ai nấy đều mê chuộng lộc vừng. Rộng thì người ta trồng cây ra đất để lộc vừng vươn cành tỏa bóng. Hẹp thì để trong ang trong chậu kì khu uốn tỉa cành lá với muôn hình thế dáng. Chỉ sơ qua vậy thôi cũng đủ thấy phúc phận thuộc vào hàng số má phước lộc của lộc vừng so với không ít loài thảo mộc đang phải chịu thiệt thòi của kiếp phận “bên lề” trước sự ghẻ lạnh hay lãng quên tưởng chừng đến vô danh của người đời.


  Trở lại chuyên mục của : Phan Anh